Vụ giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh: “Cùng hành vi quỳ đó, dường như chúng ta đang quên học sinh còn chịu sang chấn tâm lý nhiều hơn”


Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục cũng như tâm lý, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Duy đã có những chia sẻ rất đáng suy ngẫm xung quanh câu chuyện nữ giáo viên quỳ gối xin lỗi phụ huynh xôn xao trong thời gian qua.

Những ngày vừa qua, thông tin về việc một nhóm phụ huynh gây áp lực khiến giáo viên phải quỳ gối xin lỗi nhận được sự quan tâm và tranh cãi trên mạng xã hội.

Theo đó, một giáo viên của Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) áp dụng biện pháp xử phạt học sinh vi phạm nội quy bằng hình thức quỳ gối. Sau hình phạt này, một số em sợ không đi học. Vài hôm sau, một nhóm gồm 4 phụ huynh có con bị phạt đã kéo tới trường phản ánh. Mặc dù cô giáo đã nhận sai và xin lỗi. Tuy nhiên phụ huynh vẫn gây áp lực, sau đó giáo viên đã quỳ xuống để xin lỗi.



Trường tiểu học Bình Chánh nơi diễn ra sự việc gây tranh cãi trong dư luận thời gian qua.

Sự việc gây nên nhiều tranh cãi xoay quanh hành động của cả giáo viên và phụ huynh. Thế nhưng dù có tranh cãi đến đâu, có kết luận ai đúng, ai sai, thì đến cuối cùng, các em học sinh nhận gì và mất gì? "Giáo dục lấy học sinh làm trung tâm" - câu nói này liệu có ai còn nhớ tới hay chúng ta chỉ mãi luận bàn về những câu chuyện xung quanh?

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (Giám đốc trung tâm chẩn đoán và phát triển tinh thần Khơi Nguồn) đã có những chia sẻ thể hiện góc nhìn của mình.

Cùng bị bắt quỳ, học sinh là người chịu nhiều sang chấn tâm lý

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt cho rằng: thương cho roi cho vọt, việc giáo dục nghiêm khắc của thế hệ trước đã tạo nên được nhiều con người ngoan và giỏi. Còn bây giờ tự do quá, đề cao quyền của trẻ em lại tạo ra một thế hệ không tốt.

Nhưng thực ra dưới góc độ của tâm lý giáo dục thì việc một đứa trẻ được giáo dục bằng đòn roi và bạo hành không có ý nghĩa tích cực. Điều này được rút ra từ những nghiên cứu khoa học trên thế giới. Rõ ràng chúng ta không thể dùng những hành vi mang tính chất tiêu cực để tạo ra những giá trị tích cực.

Cho nên bậc phụ huynh cần có cái nhìn sâu hơn, nghĩa là nên hiểu rằng việc giáo dục bằng đòn roi, kỷ luật có thể tạo ra được hiệu quả trước mắt, giúp con cái trở nên ngoan ngoãn nhưng vô tình lại tước đi tính sáng tạo, tự lập và những điều tiềm ẩn bên trong một con người.

Dư luận đứng về phía cô giáo là vì họ cho rằng trong vụ việc lần này người giáo viên phải chịu rất nhiều những tổn thương về tâm lý. Điều đó tất cả chúng ta đều đồng cảm. Việc phụ huynh đến trường học lớn tiếng, tạo áp lực về cách giáo dục của giáo viên là sai hoàn toàn. Nhưng xét về mặt tâm lý, chúng ta dường như lại quên rằng trẻ em dễ tổn thương và sang chấn tâm lý hơn người lớn. Cho nên cùng hành vi quỳ đó, thì học sinh chính là người chịu nhiều sang chấn tâm lý hơn.

Vì vậy, chuyện cần thiết lúc này là phụ huynh và giáo viên cần trao đổi với nhau để đưa ra cách giáo dục tốt nhất cho con em mình. Chứ cứ to tiếng với nhau thì hình ảnh của người giáo viên lẫn phụ huynh sẽ bị giảm xuống, như vậy thì sau này làm sao dạy dỗ được con em nữa.

Hậu quả của chuyện này không nằm ở việc hơn thua của người lớn, mà chính trẻ em phải gánh chịu.



Bản tường trình của cô giáo trong sự việc.

Chúng ta chỉ mới giải quyết được phần ngọn, còn cái gốc của vấn đề vẫn chưa tìm hiểu đúng mức


Trong vụ việc này chúng ta thấy đây là một giáo viên trẻ, và thường đặc điểm chung của các bạn giáo viên trẻ hiện nay là họ có kiến thức tốt, phương pháp hay nhưng lại thiếu kinh nghiệm ứng xử, giao tiếp với học sinh, điều này tạo ra những hệ luỵ không hay trong thời gian qua. Tôi nghĩ ở trường học, hội đồng giám hiệu nhà trường nên tạo điều kiện để những giáo viên có nhiều kinh nghiệm truyền đạt lại cho những giáo viên trẻ trong việc giao tiếp với học sinh.

Đặc biệt là Bộ giáo dục nên đưa ra chuẩn hành vi ứng xử với học sinh trong những vụ việc liên quan đến trách phạt. Bởi vì vấn đề lùm xùm liên quan đến chuyện trách phạt học sinh không chỉ mới diễn ra, mà đã xảy ra rất nhiều lần trước đây. Những lần trước, mỗi khi có vụ việc xảy ra, chúng ta lại lao vào tìm hiểu ai đúng ai sai, ai là thủ phạm ai là nguyên nhân, rồi giải quyết vụ việc. Nghĩa là chúng ta chỉ mới giải quyết được phần ngọn, còn cái gốc của vấn đề vẫn chưa tìm hiểu đúng mức.

Chúng ta không thể phủ định phương pháp trách phạt, bởi một đứa trẻ muốn trưởng thành thì phải có kỷ luật, phải biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Cho nên trách phạt luôn là cần thiết nhưng nó phải được diễn ra như thế nào, tiến hành ra làm sao cho đúng. Chính vì vậy việc nghiên cứu đưa ra một bộ hành vi ứng xử là điều cần thiết.

Điều này đặc biệt cần thiết với giáo viên trẻ vì khi họ bối rối không biết giải quyết vấn đề thế nào thì có thể làm theo quy chuẩn của bộ hành vi ứng xử.



Theo Thạc sĩ Ngọc Duy thì sự việc lần này người chịu thiệt thòi nhiều nhất là các em học sinh.

Trong câu chuyện này, việc giáo viên bắt học sinh quỳ là sai, chuyện phụ huynh đến trường lớn tiếng tạo áp lực cho nhà trường trước mặt học sinh cũng là sai, và việc người ngoài cuộc vội vàng lên án, nặng lời người trong cuộc cũng sai. Chúng ta cần phải luôn tỉnh táo trước mọi tình huống, đặc biệt là trong vấn đề giáo dục cho trẻ em.


Kênh14.vn