Đắk Lắk: 500 giáo viên 'tuyển dư' bị buộc thôi việc




Giáo viên môn mỹ thuật Lê Thị Thu Hiền cùng các em học sinh dân tộc thiểu số ở một trường tiểu học huyện Krông Pắk. Chị cũng là một trong hơn 500 giáo viên có thể bị mất việc.

Hơn 500 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk vừa nhận thông báo bị thôi việc vì bị "tuyển thừa".

UBND Huyện Krông Pắk thông báo hôm 9/3, khoảng hơn 500 giáo viên hợp đồng và hiệu trưởng trên tất cả các trường từ mầm non đến THCS trên địa bàn huyện phải nghỉ việc vì vượt quá chỉ tiêu.

Sự việc này liên quan tới việc huyện Krông Pắk tuyển dư hơn 500 giáo viên đã được truyền thông trong nước phản ánh từ năm 2017.

Rất nhiều giáo viên đã tỏ ra rất bức xúc vì cho rằng vào thời điểm tuyển dụng, phía lãnh đạo huyện đã cố tình tuyển dư dù biết không đủ biên chế.

Thi tuyển 83, buộc thôi việc hơn 500 người

"Đã biết đang dư giáo viên mà vẫn nhận vào là không có trách nhiệm với giáo viên," anh Nguyễn Trí Thọ, một trong những giáo viên hợp đồng nói với BBC hôm 10/3.

"Phía chúng tôi sau khi nghe lãnh đạo huyện thông báo đã sang UBND huyện gặp chủ tịch huyện nhưng được báo là chủ tịch đang đi vắng."

Theo báo Tuổi Trẻ,phó chủ tịch huyện Ngô Thị Minh Trinh nói rằng biên chế 2017 tổ chức thi tuyển dụng 83 giáo viên trên hơn 600 giáo viên hợp đồng trên toàn huyện.

Hơn 500 người "không đủ điều kiện" dự thi thì sẽ bị đuổi việc, tuy nhiên bà Trinh không nói rõ các điều kiện ở đây là gì.

Trả lời BBC, anh Thọ giải thích rằng, đợt thi tuyển này chỉ áp dụng cho một số môn ở các cấp học nhất định, ví dụ như cấp mẫu giáo chỉ thi tuyển giáo viên âm nhạc, cấp tiểu học chỉ tuyển giáo viên tiếng Anh…

Hơn 500 giáo viên không giảng dạy các môn học không thuộc chỉ tiêu thì không thể tham gia thi tuyển. Cho nên chỉ có khoảng 100 giáo viên có thể thi vào 83 vị trí này.

"Ở trong quyết định tuyển dụng cho mỗi giáo viên, có ghi rõ là quyết định này phải thi tuyển, xét tuyển không đậu mới chấm dứt, đây là chưa thi tuyển đã chấm dứt hợp đồng," anh Thọ nói.

Theo bà Trinh, các giáo viên "tuyển thừa" và các giáo viên thi trượt vòng xét tuyển sẽ bị chấm dứt hợp đồng trước 30/4.



Một giáo viên bức xúc trả lời báo giới sau khi lãnh đạo huyện thông báo chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên

'Tuyển dư để ăn tiền chạy chọt'

Anh Thọ và nhiều giáo viên cho rằng UBND huyện đều nắm rõ số lượng học sinh, số lớp học những vẫn muốn tuyển dư để "ăn tiền đút lót".

Anh thừa nhận thực trạng giáo viên chạy chọt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng xảy ra ở Việt Nam.

Thực sự thực trạng này rất là bất cập, nhiều người trình độ rất cao rất tốt, ra trường bằng đỏ thì không có việc phải về cuốc đất. Người chạy chọt được, bằng cấp thì thấp, nhưng được vào làm.

Nguyễn Trí Thọ, Giáo viên tiểu học, huyện Krông Pắk:

"Thực sự giáo viên cũng như nhiều ngành nghề khác. Giờ muốn làm nhà nước thì phải chạy chọt. Những năm trước mặt bằng chung là 80-150 triệu.

"Thực sự thực trạng này rất là bất cập, nhiều người trình độ rất cao, rất tốt, ra trường bằng đỏ thì không có việc, phải về cuốc đất. Người chạy chọt được, bằng cấp thì thấp, nhưng được vào làm."

"Rất nhiều người ở đây hoàn cảnh rất khó khăn, chỉ có ít đất canh tác phải nói cha mẹ bán đất đai để mà chạy chọt vào.

"Giáo viên hợp đồng lương tháng rất ít, có người làm được 7 năm lương chỉ hơn 600,000 đồng, trừ bảo hiểm thì chỉ hơn 500,000 đồng một chút"

"Năm ngoài, sau khi đài VTV đã đưa tin phản ánh việc thừa 600 giáo viên mà huyện vẫn tuyển thêm 100 giáo viên khác, rất nhiều giáo viên này đi vay 200 triệu chạy vào.

"Nguyện vọng của giáo viên chúng tôi là các lãnh đạo UBND huyện tìm một phương án nào đó, một là để tất cả các giáo viên đi dạy lại, hai là đền bù hợp đồng thoả đáng.

"Giáo viên chúng tôi đã mất bao nhiêu tiền để chạy việc, đi học nâng cấp bằng để đảm bảo chất lượng giáo dục tốt.

Anh Thọ cho biết anh và một số giáo viên đã liên hệ với phía đoàn luật sư Daklak để xin hỗ trợ pháp lý cho vụ việc trên.

"Chúng tôi đang thu thập các quyết định tuyển dụng, nâng lương mà UBND đã đánh về cho mỗi giáo viên. Có một số còn có giấy viết tay từ những người cò, những lãnh đạo cao cấp mà đã nhận tiền chạy chọt của giáo viên."


Các giáo viên tìm đến UBND huyện để khiếu nại, đòi giải trình hôm 9/3

"Làm như thế này chúng tôi rất bức xúc, mong muốn có một giải pháp để các giáo viên quay trở lại trường," anh Thọ nói.

Theo truyền thông trong nước, từ 2011-2015, huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với hơn 500 giáo viên.

Ông Nguyễn Sỹ Kỷ, hiện là phó Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên chủ tịch giai đoạn 2011-2016 đã bị Uỷ ban kiểm tra ra quyết định cảnh cáo.

Báo Tuổi Trẻ cho biết Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập tổ kiểm tra xác minh đơn tố cáo Chủ tịch huyện đương nhiệm Y Suôn Byă.

Còn báo Zing cho hay, vợ ông Y Suôn Byă là Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện, trong khi em trai ông là Phó trưởng phòng Nội vụ huyện.


BBC
10-3-2018