Nhà nguyện Sistine – Thông điệp bí mật trong nghệ thuật của Michelangelo


Có lẽ bạn đã từng nghe về mật mã Da Vinci, nhưng bạn đã đã bao giờ nghe về những thông điệp bí mật trong nghệ thuật của Michelangelo? Phải chăng người họa sĩ vĩ đại này đã nhắn gửi một thông điệp đến giáo hội thời đó?



Trần nhà thờ Sistine. (Ảnh: Twitter)

Di sản vĩ đại của nghệ sĩ bậc thầy Michelangelo

Những tác phẩm của Michelangelo được đánh giá có phần nổi bật hơn so với nghệ thuật Da Vinci. Tượng vua David, tượng Đức Mẹ bi sầu, trận chiến Cascina ở tòa nhà Palazzo Vecchio, Florence Ý hay bức Sự Sáng tạo Adam là những tác phẩm mà bất kỳ nghệ sĩ nào cũng nghĩ đến khi nói về bậc thầy điêu khắc và họa sĩ này.


Mỗi nét vẽ đều mang theo sự tôn kính và trông ngóng của ông đối với Thiên Đường. Mỗi nét vẽ đều làm nổi bật lên một tâm hồn thuần khiết, một sự đoạn tuyệt với những dính mắc nơi trần tục. Dựa trên đức tin vào Thần, Michelangelo đã vẽ nên sự thần thánh và trang nghiêm trên Thiên thượng.

Ông đã vẽ ra những kết cục khác nhau của người làm điều tốt và làm điều xấu. Ông đã thay đổi môi trường thông thường của nhà thờ thành một nơi thờ phượng cho các thế hệ tương lai. Michelangelo đã sống cả cuộc đời với nỗi gian nan và cô đơn chưa từng có. Nhờ đức tin vào Chúa trời, các tác phẩm của ông đã vén mở điều thần diệu trên từng nét vẽ.

Con đường đầy chông gai



Bức ‘Phán xét cuối cùng’ được vẽ năm 1541 tại nhà thờ Sistina, Tòa thánh Vatican. (Ảnh: Wikipedia)

Xuất thân từ một người bần hàn và lập dị, Michelangelo đã có được danh tiếng, vinh quang và sự giàu có bằng con đường nghệ thuật. Tuy vậy, sau khi nhà cai trị “Lorenzo Hùng Vĩ” – người trước đó đã rất ủng hộ nghệ thuật của Leonardo và Mechelangelo – qua đời, chế độ mới ở Florentine đã không nhìn nhận nghệ thuật của ông một cách tích cực. May thay Giáo hoàng Giuliô II lại là người có lối tư duy tiến bộ, ông công nhận tài năng của Michelango, vì vậy sau đó Michelango đã rời bỏ Florentine đến Roma làm việc cho Đức Giáo hoàng.

Tại đây, ông đảm nhận thiết kế phần trần của Nhà nguyện Sistine và nó đã trở thành tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Michelangelo. Người ta vẫn luôn thắc mắc đằng sau các bức tranh đó mang những hàm nghĩa gì? Liệu đó có phải là hình ảnh minh chứng cho những gì được giảng trong Kinh Thánh?

Trước khi qua đời, Michelangelo đã đốt nhiều ghi chép, thư từ và các bản vẽ của ông. Tuy nhiên những cuộc điều tra sau đó từ những gì còn sót lại cho rằng ông có liên quan đến nhóm người cố gắng cải cách Giáo hội Công giáo. Một số tín đồ cho rằng nhờ vào đức tin của mình với Thiên Chúa mà những tác phẩm của ông đã trở nên rất thần thánh. Tuy nhiên điều này đã đe dọa đến quyền lực của Giáo hội Công giáo, vốn đã trở thành dị giáo trong thời kỳ này. Nhiều đồng nghiệp của Michelangelo đã bị điều tra và một số bị bỏ tù vì vấn đề này.

Thành viên của The Spirituali



Bức Cô đồng Libya (Libyan Sibyl). (Ảnh: Wikipedia)

Trong quá trình phục hồi tác phẩm điêu khắc Moses của Michelangelo được lấy từ mộ của Đức giáo hoàng Giuliô II ở Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Roma, nhà nghiên cứu Antonio Forcellino đã nhận thấy một số điều kỳ quặc. Từ những gì quan sát được, ông cùng các thành viên trong hiệp hội Michelangelo nghiên cứu sâu hơn để giải thích những điều này. Một số chi tiết thú vị trong bức tượng Moses đã được tìm thấy. Theo đó, bức tượng không nhìn thẳng vào phía điện thờ mà lại ngoái nhìn sang một hướng khác. Chi tiết này nói lên ông không còn tin tưởng vào Giáo hội nữa. Michelangelo được cho là có liên quan đến nhóm tín đồ tên “The Spirituali”, họ là những người cố gắng khôi phục đức tin và lý tưởng khi thấy Giáo hội Công Giáo bắt đầu có dấu hiệu tham nhũng. Chẳng hạn, Giáo hội đã ban sự tha thứ cho những ai đóng tiền vào “lễ xá tội”.


Michelangelo và những người cùng nhóm này không nghĩ rằng con đường đến với Thiên thượng lại được mua bằng tiền. Họ cho rằng một người có thể được cứu rỗi nếu người ấy biết giúp đỡ người nghèo khổ, làm nhiều điều tốt và có đức tin vào Thiên Chúa. “The Spirituali” tin rằng con người vẫn có thể được cứu mà hoàn toàn không cần đến sự can thiệp của Giáo hội, họ cần dựa vào bản thân mình. Thời điểm đó, người ta cho rằng Giáo hội là con đường cứu rỗi, nếu làm ngược lại họ sẽ bị giam giữ hay treo cổ. Vào cuối đời Michelangelo, hiện tượng này lại càng phổ biến và tất nhiên đó đều là dị giáo.

Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy đằng sau những bức tranh trên trần Nhà thờ Sistine của Michelangelo hàm chứa vô số điều bí ẩn. Người ta cho rằng ông đã cố gắng truyền đạt nhiều quan điểm rất khác biệt so với Giáo hội thời đó. Ông đặt con người vào vị trí trung tâm để thay cho các nghi thức và lễ nghi tôn giáo của nhà thờ. Con người trong tác phẩm Michelangelo mang đầy sức sống, tồn trữ không ít thiếu sót nhưng hoàn toàn có thể đạt đến sự cao thượng.

Tinh hoa của nghệ thuật đến từ niềm tin tuyệt đối vào Đức Chúa Trời



‘Sự sáng tạo ra Adam’. (Ảnh: Wikipedia)

Theo sử sách ghi lại, năm 1505, Michelangelo đã được thuê vẽ các cảnh tượng được kể trong Kinh Thánh, tuy nhiên ông sẽ không nhận sứ mệnh này trừ phi ông được quyền tự quyết định những gì mình muốn vẽ. Yêu cầu này được chấp nhận, ông đã chọn 9 cảnh trong Sáng thế ký để lấp đầy các khoảng trống trên trần nhà.

Ông đã vẽ những người đàn ông khỏa thân được gọi là “Ignudi”. Tuy nhiên, hình ảnh các Ignudi này không gây ra bất cứ ý nghĩ bất thuần nào cho người xem. Michelangelo chưa từng lấy vợ. Ông đã dồn tất cả tâm trí vào nghệ thuật. Tâm hồn thuần khiết khi vẽ tranh của ông đã khiến hình ảnh các nhân vật cũng trong lành như những đứa trẻ vậy.

Khi xem những bức tranh lớn này, ngoài việc bị rung động bởi vẻ trang nghiêm của Thiên Đường, người ta sẽ không có bất cứ ý nghĩ xấu nào và có thể tự ước thúc đạo đức trước các tác phẩm của Michelangelo.

Cũng có người tò mò hỏi: “Tại sao ông lại vẽ chúng lên trần?” Có lẽ, câu trả lời dường như chính là sự trang nghiêm của Thần và chính tín vào Thần sẽ giúp con người vượt quá mọi cám dỗ trần tục. Vì vậy trần nhà là nơi thích hợp nhất cho việc vẽ Thiên Đường. Người ta mãi mãi cần có hy vọng và sự tôn kính với Thiên thượng.

Từ Sáng thế cho tới Phán xét cuối cùng, tâm hồn người xem đều bị cảm động sâu sắc. Nó dường như đang giúp người ta không ngừng loại bỏ đi những thứ xấu.

Đôi khi, những nét thần thánh trong ánh mắt và tư thế của các nhân vật được biểu lộ. Vì thái độ của con người đối với chính tín có thể không rõ ràng, méo mó, hay thậm chí không có, Michelangelo đã cố gắng hết sức bày tỏ chính tín của ông ở các bức tranh về những câu chuyện trong Kinh Thánh.

Trong tác phẩm “Phán xét cuối cùng”, thật thú vị khi Michelangelo đưa những người da trắng lẫn da đen vào nhóm đối tượng được cứu rỗi. Đây là những quan điểm khá tiến bộ và cũng tồn tại nhiều mối nguy cơ. Bởi vì ông đưa cả Thần và con người vào trong cùng một bức tranh, đã có nhiều cách giải thích khác nhau và điều này khiến bức họa càng trở nên hấp dẫn.

Michelangelo đã có những am hiểu vượt thời đại về thân thể người?



Bức tranh diễn tả về Sự phân chia ra Nước và Ðất. (Ảnh: Wikipedia)
Một vài người nói rằng họ đã khám phá được những hình ảnh ẩn dụ về giải phẫu thân thể người trong một số bức tranh ở nhà thờ Sistine. Các nhà khoa học Ian Suk và Rafel Tamargo thuộc trường Đại học Y Johns Hopkins ở thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ, đã nhìn thấy cấu trúc của tủy sống và bộ não trong bức vẽ “Separation of Light from Darkness” của ông. Bác sĩ Frank Meshberger cũng đã tìm ra một bộ não khác trong bức vẽ “God Creating Adam”.

TS. Deivis de Campos thuộc Đại học Y Porto Alegre, Brazil, đã nghiên cứu sự tương đồng giữa bức vẽ Ram’s Skull của ông với cấu trúc tử cung, vòi trứng và buồng trứng của cơ thể người. Có ý kiến cho rằng, Michelangelo đã thực hiện ý tưởng này nhờ việc mổ xác người phi pháp, tuy nhiên chưa hề có một bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết đó.

Giống với Michelangelo, Đức Giáo hoàng cũng rất thích những cơ thể cường tráng hoàn hảo của nam giới nên ông đã đồng ý cho Michelangelo thực hiện ý tưởng này bất chấp rất nhiều ý kiến phản đối. Nếu một người nghệ sĩ thực sự mong muốn tạo ra một kiệt tác vượt thời đại nào đó, họ sẽ gặp nhiều trở ngại và mất rất nhiều thời gian để tạo ra nó và dĩ nhiên chúng ta cũng không dễ dàng thấu hiểu hết ý nghĩa đằng sau những bức họa tuyệt vời này.



Những bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine.



Những bức tranh trên vòm nhà nguyện Sistine.

Hoàng An (dịch & t/h)