Vụ Skripal: Quan hệ Anh-Nga căng thẳng, châu Âu thận trọng





Cảnh sát Anh đi vào khuôn viên Kensington Palace Gardens, bên cạnh sứ quán Nga, Luân Đôn, ngày 15/03/2018
REUTERS/Phil Noble

Luân Đôn đã biến lời đe dọa Matxcơva thành hành động cụ thể : Hôm qua, 14/03/2018, thủ tướng Anh Theresa May đã loan báo quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và đình chỉ mọi cuộc tiếp xúc cấp cao với Nga, bị xem là « có tội » trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga trên đất Anh.

Quyết định của Luân Đôn đã được Washington tán thưởng, trong lúc Liên Hiệp Châu Âu nhìn chung giữ thái độ thận trọng. Về phần mình, chính quyền Nga đã cực lực tố cáo một hành vi « khiêu khích thô bạo ».

Phát biểu trước nghị viện Anh Quốc, bà Theresa May đã giải thích quyết định của mình bằng lý do « Nhà nước Nga sử dụng vũ lực trái phép đánh vào Vương Quốc Anh ». Theo bà, khi không đáp lại yêu cầu giải thích về vụ việc, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chọn một « con đường bi thảm ».

Nga chính thức có 59 nhà ngoại giao công tác tại Vương Quốc Anh. Con số 23 người bị trục xuất bị liệt vào diện « nhân viên tình báo bí mật ». Đây là vụ trục xuất cán bộ ngoại giao Nga rầm rộ nhất của Anh Quốc kể từ thời chiến tranh lạnh đến nay. Về quyết định đình chỉ tiếp xúc cấp cao, Luân Đôn đã hủy bỏ chuyến thăm Anh được dự trù của ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ngoài hai biện pháp nói trên, thủ tướng Anh cũng cho biết sẽ không gửi bất kỳ một đại diện, một nhà ngoại giao hay một thành viên nào của Hoàng Gia Anh đến tham dự Cúp bóng đá thế giới tại Nga vào tháng Sáu tới đây. Tuy nhiên, bà May đã tránh nói đến khả năng đội tuyển Anh Quốc tẩy chay World Cup.

Phản ứng của Matxcơva rất tức thời và gay gắt. Bộ Ngoại Giao Nga đã tố cáo một hành vi « khiêu khích thô bạo », lên án một hành động « đối đầu » với Nga. Matxcơva đe dọa : « Các biện pháp đối phó của chúng tôi sẽ không chậm trễ ».

Về phía các đồng minh của Anh Quốc, Hoa Kỳ hăng hái ủng hộ Luân Đôn, quy trách nhiệm hoàn toàn cho Matxcơva, và thúc giục Nga hợp tác đầy đủ với Anh trong cuộc điều tra.

Nhà Trắng, trong một tuyên bố, cho biết là tổng thống Hoa Kỳ coi vụ đầu độc « là một phần của việc Nga không tôn trọng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, phá hoại chủ quyền và an ninh của các nước trên thế giới, và cố gắng phá hoại và làm mất uy tín các thể chế phương Tây và các quá trình dân chủ. »

Riêng các nước Liên Hiệp Châu Âu thì giữ thái độ thận trọng, đi đầu là nước Pháp.

Paris cho rằng hiện vẫn quá sớm để Pháp quyết định về phản ứng chống Nga trong vụ đầu độc. Theo phát ngôn chính phủ Pháp Benjamin Griveaux, đó là « một hành động vô cùng nghiêm trọng », nhưng cần phải chờ có bằng chứng cụ thể trước khi quyết định biện pháp trả đũa cùng với « đồng minh chiến lược » Anh. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian thì cam kết rằng Paris sẽ « phối hợp » với Luân Đôn về cách phản ứng.

Lập trường của Đức và Liên Hiệp Châu Âu cũng thận trọng như Pháp. Đối với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk, Nga « rất có khả năng » là kẻ đứng « đằng sau » vụ đầu độc, và Liên Hiệp Châu Âu sẽ thảo luận về vai trò của Nga trong vụ này, nhân cuộc gặp với thủ tướng Anh Theresa May vào tuần tới.

Theo một số chuyên gia được hãng AFP trích dẫn, với mức độ nghiêm trọng của những sự kiện được Luân Đôn nêu lên, các biện pháp mà bà Theresa May loan báo hôm qua rất chừng mực, thậm chí còn « đặc biệt thấp ». Theo ông Mathieu Boulègue, thuộc Viện tham vấn Chatham House của Anh, sự yếu ớt này được thể hiện qua việc không có các biện pháp trừng phạt tài chính.