Đời người tựa ván cờ, quân tốt tuy yếu nhưng có thể vụt sáng lúc tàn cuộc



Nếu như xem ván cờ lớn chính là cuộc đời này, một khi đã hạ nước cờ thì bất luận là thắng hay thua, đều không thể thu lại được nữa. Sự đời, rất nhiều chuyện cũng đều là như vậy…



Đời người như ván cờ, đi sai một bước, cả ván đều thua. (Ảnh: ĐKN)

Tục ngữ có câu: “Người ngoài bài trong”, ngụ ý là người ngoài cuộc thì luôn tỉnh táo hơn người trong cuộc. Tuy không thích đánh cờ, nhưng tôi lại thích xem người ta đánh. Khi họ đánh cờ, tôi chỉ quan sát, không quan tâm, cũng chẳng hề liên quan đến việc ai thắng ai thua và vốn chẳng hề vướng bận chuyện thắng bại.

Kì thực, khi xem đánh cờ, có thể nhìn thấy những triết lý đời người mà ta không dễ gì thấy được trong cuộc sống. Những đạo lý đó có thể đem lại những kiến thức mà cả đời người khó lòng có được. Ví như, trong một ván cờ, quân “tốt” nhất định phải chết trước.

Không chỉ vì vị trí của nó bị xếp ở phía trên nhất, mà là vì những quân cờ khác theo quy định sau khi qua sông vẫn có thể đi lùi, còn quân tốt một khi đã qua sông thì không có đường lùi nữa. Bất luận gặp phải quân địch mạnh đến đâu, nó chỉ có thể dũng cảm tiến về phía trước. Vì lý do này, mà quân tốt với số quân đông nhất, nhưng số lượng quân tốt còn sót lại sau ván cờ luôn là rất ít.

Khi các kỳ thủ đánh cờ, đều rất quý trọng các quân xe, pháo, mã của mình, thậm chí không hề để mắt đến sự tổn thất của quân tốt. Khi cờ tàn, thì một binh một tốt cũng có thể là mấu chốt của thắng lợi, quân tốt tuy nhỏ bé yếu ớt nhưng có thể đánh bại cả quân tướng.



Quân tốt tuy nhỏ bé nhưng trong thời điểm then chốt lại có thể đánh bại quân tướng. (Ảnh: Songdep)

Trong một số trận cờ vào lúc tàn cuộc, hai quân tốt thậm chí có thể thắng được cả quân xe dũng mãnh. Quân xe tuy có thể ngang dọc chiến trường, nhưng cũng không thoát ra khỏi thế cuộc của bàn cờ, hơn nữa quân xe cũng không thể rẽ ngoặt để tiến quân.

Kỳ thủ nếu chỉ dùng mình quân xe để sát phạt ngang dọc thì chưa đủ; nếu anh ta biết tận dụng quân mã và quân pháo để cùng tấn công, thì xem như kì nghệ đã được nâng cao lên một bậc, ngang dọc kết hợp, dần dần dồn nén đối thủ rơi vào thế luôn phải chống đỡ, không có cơ hội phản công.

Kỳ thủ sáng suốt hơn nữa mới hiểu được sức mạnh của quân tốt, vì nhiều khi kết cục của ván cờ thì quân tốt chính là quân đánh bại quân địch để mang lại chiến thắng, mặc dù là một quân tiểu tốt chẳng hề được coi trọng.

Áp dụng những điều ấy vào trong cuộc sống thì thấy rằng cuộc sống này vốn dĩ không phân nặng nhẹ hay địa vị cao thấp. Tương tự như vậy, chỉ cần đưa quân tốt đến vị trí thích hợp, đưa ra cú đánh quyết định vào thời điểm mấu chốt, một bước chiếu tướng để giành được thắng lợi.

Vây nên tôi nghĩ tầm quan trọng của mỗi quân cờ đều như nhau, chỉ là kỳ thủ sắp xếp chúng ở vị trí như thế nào mà thôi. Không có quân cờ nào vô dụng cả, trái lại lại có rất nhiều kỳ thủ kém cỏi, trong lòng thì muốn giành được thắng lợi nhưng luôn vì tham cái lợi nhỏ mà thực sự đã quên mất phải quan sát toàn cục của bàn cờ, cuối cùng dẫn đến hết nước cờ và tự hủy hoại đường sống của mình.

Đánh cờ phải tịnh tâm và đòi hỏi sự chú ý cao độ. Thực ra đạo lý đời người chẳng phải cũng giống vậy hay sao? Nếu ai giữ được tâm tư vui vẻ hòa nhã mỗi ngày, thì người đó thực sự đã có được thắng lợi lớn trong cuộc đời này.

Khi tâm tư phiền não, bất kể là đánh cờ, làm việc hay viết văn chương gì đi nữa thì đều lực bất tòng tâm; chi bằng thưởng thức gió xuân, nhìn trời cao xanh, hòa mình với thiên nhiên, và đời người không phải chỉ là đánh cờ với người khác, mà còn là trạng thái quan sát trận cờ trong im lặng.

ST