Hiểu thế nào cho đúng về câu nói cửa miệng: ‘Phật tại tâm’?





Người ta thường hay nói: “Phật tại tâm trung”, nhưng có phải trong tim mỗi người đều sẵn có Đức Phật?

Những nam thanh nữ tú đầu xuân đi lễ chùa, họ đến bên tượng Phật, kẻ cười người nói, người làm dáng chụp selfie, người lại lấy tiền xoa lên tượng cầu may. Có Phật tử đi qua nhắc nhở, lễ chùa kính Phật, cần chú ý đến hành vi cá nhân, phù hợp với chốn linh thiêng. Họ trả lời: “Phật tại tâm”, “Phật ở trong lòng”. Họ nói trong lòng kính Phật là được rồi, Phật luôn ở trong tâm họ rồi, không thể lấy cái lễ nghi lề thói xưa mà yêu cầu giới trẻ hiện đại ngày nay phải theo, thế là cổ hủ, lạc hậu.

Phật tại tâm – hiểu sai dẫn đến buông thả

Một số người hiểu biết, nhắc nhở rằng trong kinh điển Phật giáo cũng nói: “Phật vô xứ bất tại” (Phật không nơi nào là không có). Điều này có thể hiểu là, có rất nhiều Phật, mỗi vị Phật lại thần thông quảng đại, hiện hữu ở khắp nơi. Các Ngài từ bi, cứu độ người có duyên, kính Phật, có tâm tu Phật.

Các Ngài hiện hữu khắp nơi nhưng chúng ta không nhìn thấy, vì các Ngài ở không gian khác, cùng chỗ, cùng nơi với không gian vật chất của nhân loại, nhưng con người không trông thấy. Tuy nhiên, người tu luyện có thành tựu thì có thể thấy được sự triển hiện của Phật, được Phật độ, gia trì cho tu luyện, cho đến khi đắc Đạo thoát khỏi luân hồi, đến bờ từ bi và trí huệ.

Các Ngài không ở không gian nhân loại. Nếu các Ngài muốn thuyết Pháp độ nhân thì ắt phải giáng sinh thành con người, mượn xác phàm như Phật Thích Ca và Chúa Giê-su xưa, từ đó giảng Pháp độ chúng sinh, ai có duyên có thể ngộ được thì đắc Pháp, được cứu độ. Vì vậy các Ngài không ở thế giới vật chất dơ bẩn này, càng không ngụ trong cái tâm người phàm đầy tham sân si, đầy danh lợi tình.


Phật Thích Ca mượn xác phàm trần, giảng Pháp độ chúng sinh. (Ảnh: saraniya.com)

Thế nên họ nói Phật tại tâm cứ như thể trong tâm họ có Phật rồi, họ có hành vi gì đi nữa cũng không động đến Phật trong tâm họ. Nói như thế đã là sai lầm lớn, là phỉ báng Phật vậy. Nói như thế là che đậy cái tâm phóng túng, đi chùa cầu danh lợi, muốn được Phật che chở, tai qua nạn khỏi. Là người theo Phật, là Phật tử mà không theo lời dạy của Phật, giới chẳng giữ, buông thả ham dục, đi chùa lễ Phật chẳng phải phơi bày cái xấu, cái ác cho Thần Phật thấy đó sao?

Phật tại tâm – hiểu sai dẫn đến hình thức

Nhiều người hiểu rõ Phật không ở trong cái tâm người phàm, nên họ chăm chỉ đi lễ chùa, ăn chay, chăm chỉ tụng kinh, niệm Phật hay tọa thiền, rất dụng tâm và thành kính. Ai ai cũng phải khen ngợi là người Phật tử thuần thành.

Tuy nhiên, trong số họ cũng có người lại hiểu tu Phật là ăn chay niệm Phật, lễ chùa, tụng kinh. Khi ra khỏi cổng chùa, về với cuộc sống hàng ngày, họ lại là con người xưa, lại tranh lại đấu với người vì cái lợi cỏn con, lại giận lại tức người ta vì mấy lời xúc phạm, châm chọc.

Bản thân việc ăn chay niệm Phật lễ chùa chỉ là hình thức. Ăn chay để nuôi dưỡng lòng từ bi với chúng sinh, thấy chúng sinh là khổ, không vì ham dục của cái miệng mà gây đau khổ cho con vật. Lễ chùa, niệm Phật, tụng kinh, là để ghi nhớ lời Phật dạy, để thời thời khắc sâu trong lòng, để dốc sức làm theo.

Nếu không thực hiện theo lời Phật, bỏ các tâm chấp trước vào hư danh, tài lợi, sắc tình, chỉ đi chùa lễ Phật một cách hình thức ấy, cũng đâu phải là Phật tử chân chính. Phật vô xứ bất tại, trong tâm chúng ta nghĩ gì thì các Ngài đều biết rõ, chứ các Ngài có nhìn cái hình thức đi chùa thắp hương lễ Phật đó đâu.

Phật tại tâm – chính là tu cái tâm mình

Phật dạy con người có cả Phật tính và ma tính, do đó theo lời dạy của Phật tu bỏ cái ma tính, bỏ các dục vọng và chấp trước về danh lợi tình, thì Phật tính xuất hiện. Lục Tổ Huệ Năng cũng chỉ ra: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, tức là nhằm thẳng vào cái tâm mà tu, tu bỏ hết ma tính, Phật tính xuất hiện là đắc Đạo.

Vua Trần Thái Tông từng có ý định bỏ ngai vàng xuất gia. Sau đó Ngài đã chấp nhận lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng trở về kinh đô Thăng Long để vừa làm vua, vừa làm thiền gia mong cầu thành Phật. Đây là sự lựa chọn đúng đắn trước nhu cầu thực tiễn lịch sử thời đó. Lời khuyên của Quốc sư: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng mà hiểu, đó chính là chân Phật” được xem như là cơ sở lý luận để xây dựng một quan điểm mới về đức Phật với tinh thần Thiền học mà nhà vua chủ trương.



Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) – Sư tổ Thiền phái Trúc Lâm việt Nam. (Ảnh: kienthuc.net)

Vua Trần Nhân Tông kế thừa tư tưởng vua cha, vừa làm vua vừa tu hành, giúp dân giúp nước, đánh thắng Nguyên Mông, khôi phục nền thịnh trị. Sau đó Ngài mới xuất gia đi tu, cuối cùng công thành viên mãn, đắc Đạo. Ngài cũng đã để lại bài kệ, khuyên người tu Phật chớ ôm cứng cái hình thức, mà cần thực tu cái tâm. Bài kệ “Cư trần lạc đạo” như sau:

Nguyên văn:

Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch nghĩa:

Sống ở cõi trần, vui với Đạo và tùy theo duyên
Đói thì ăn, mệt thì ngủ
Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác
Đối với mọi cảnh vật mà vẫn giữ được cái tâm vô vi, bất động thì không cần phải hỏi về thiền.


Dịch thơ:

Cõi trần vui Đạo cứ tùy duyên,
Đói bụng thì ăn mệt ngủ liền.
Báu sẵn trong nhà thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm khỏi hỏi thiền.


Nam Phương