Nga nhắc nhở Triều Tiên kịch bản Libya



Sau 7 năm, NATO tấn công Libya, sau đó lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Gaddafi, làm bùng phát một cuộc nội chiến toàn diện.

Phái diều hâu lên ngôi

Trang RT của Nga vừa có bài viết về chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, trong đó nhấn mạnh việc tân Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, John Bolton đề nghị Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân giống như đối với Libya.

Ông John Bolton cho đây chính là lựa chọn để thảo luận trong cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo RT, việc thay đổi nhân sự trong chính quyền Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng tới sự ấm lên về ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Seoul, trước hết là cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền dự định được tổ chức vào tháng 4 tới.



Tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton

Triều Tiên đã đồng ý tiến hành cuộc gặp giữa đại diện cấp cao Bình Nhưỡng và Seoul vào ngày 29/3 để chuẩn bị nội dung cho cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Cuộc gặp thượng đỉnh sẽ diễn ra vào tháng 4 tới, nhưng trước đó các nước cần phải thống nhất về chương trình nghị sự, địa điểm và ngày gặp chính thức.

Quyết định về cuộc gặp của lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã được thông qua trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của phái đoàn cấp cao Hàn Quốc diễn ra vào ngày 5-6/3/2018.

Trước đó không lâu, ngày 4/3, Tổng thống Trump cũng tuyên bố về ý định gặp ông Kim Jong-un. Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 16/3, Tổng thống Mỹ một lần nữa khẳng định dự định trao đổi trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Trong một tuyên bố của Nhà Trắng về kết quả cuộc điện đàm nêu trên đã thông báo rằng cuộc gặp sẽ diễn ra vào cuối tháng 5. Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc gọi cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới là “bước đi lịch sử” đối với cả hai miền Triều Tiên.



Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) đã nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

RT dẫn trả lời phỏng vấn của nhà ngoại giao Nga, Giám đốc Trung tâm chiến lược Nga ở châu Á thuộc Viện kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga Geogry Toloraya cho biết: “Kế hoạch chuẩn bị cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai miền Triều Tiên cho tới nay vẫn đang được triển khai. Khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh liên Triều là khá cao”.

Nhưng theo ông Toloraya, những thay đổi gần đây trong chính quyền của Tổng thống Mỹ sẽ dẫn tới một cách tiếp cận cứng nhắc đối với Triều Tiên hơn.

Ông Toloraya, chuyên gia nói: “Quan điểm của những người đang nắm quyền ở Washington, bao gồm ông Bolton và cả ông Pompeo, là Triều Tiên phải đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân. Còn cuộc gặp chỉ được xem như lời chấp nhận sự đầu hàng của Triều Tiên. Tất nhiên, Triều Tiên sẽ không chấp nhận một cuộc gặp như vậy”.

Chuyên gia Nga khẳng định, có khả năng Mỹ sẽ áp đặt quan điểm này đối với Seoul, và điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới các cuộc đàm phán liên Triều và cuối cùng có thể làm gián đoạn các bước tiến này.

Cái đầu nóng

RT cho biết, ngày 23/3 vừa qua, truyền thông Mỹ đã công bố bài phỏng vấn tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Cuộc phỏng vấn diễn ra trước thời điểm ông được bổ nhiệm nhưng sau khi gặp Tổng thống Trump.

Ông Bolton đã nêu rõ lối thoát duy nhất đối với Triều Tiên là giải trừ vũ khí hoàn toàn giống như trường hợp của Libya thời Gaddafi. Ông Bolton khẳng định cuộc gặp của ông Trump và Kim Jong-un chỉ cần thiết để “đóng gói chương trình hạt nhân của họ”.



Ông Bolton nêu rõ quan điểm về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến vào tháng 5 tới là để "đóng gói chương trình hạt nhân" của Bình Nhưỡng

RT nhắc lại rằng Libya đã tuyên bố quyết định từ bỏ chương trình phát triển vũ khí huỷ diệt hàng loạt của mình vào tháng 12/2003. Đây là kết quả sau quá trình nỗ lực lâu dài của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và George Bush “Con” với vai trò hoà giải của Nga và Anh.

Sau 7 năm, NATO tấn công Libya, sau đó lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Gaddafi, làm bùng phát một cuộc nội chiến toàn diện.

Tham gia cuộc đàm phán với Libya cũng có mặt ông Bolton, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao về kiểm soát vũ khí.

Năm 2004, các yếu tố của chương trình hạt nhân Libya đã được chuyển sang Mỹ. Sau 7 năm, NATO tấn công Libya, sau đó là lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi và làm bùng phát một cuộc nội chiến toàn diện.

Khi đó, ông John Bolton là một trong những người đầu tiên kêu gọi chiến tranh ở Libya với lý do “ông Gaddafi muốn có được vũ khí hạt nhân”.



Tàu khu trục USS Barry của Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào các mục tiêu radar và hệ thống tên lửa của Libya hồi tháng 3/2011

RT dẫn lời chuyên gia Toloraya bình luận về tuyên bố của tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: “Người Mỹ có cái đầu kỳ lạ. Và rõ ràng là Triều Tiên sẽ không tuân theo cái logic này”.

Theo chuyên gia này, còn có nhiều quan chức trong chính quyền cựu Tổng thống George Bush “Con”, như ông Colin Powell, vẫn cho rằng những kinh nghiệm Libya về từ bỏ vũ khí hạt nhân là tích cực và đưa quốc gia này đến sự hội nhập với cộng đồng quốc tế.

Nhà nghiên cứu khoa học cao cấp thuộc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, ông Konstantin Asmolov nhận định cho tới trước năm 2011, kinh nghiệm Libya vẫn thực sự được coi là tích cực và cần áp dụng đối với tình hình Triều Tiên.

Theo quan điểm của ông Bolton, không cần phải cung cấp thứ gì cho Bình Nhưỡng để đổi lấy chương trình hạt nhân - không hỗ trợ về kinh tế, không hiệp ước hoà bình, vốn vẫn chưa được ký kết kể từ thời kỳ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.



Một đoàn xe của lực lượng ủng hộ Chính phủ Libya bị liên quân phương Tây không kích ngày 20/3/2011 trên một con đường nối Benghazi và Ajdabiyah

Ông John Bolton nổi tiếng với quan điểm cứng rắn đối với Bình Nhưỡng. Đặc biệt, năm 2017, thời kỳ gia tăng xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên, ông này đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ cuộc tấn công phòng thủ vào Triều Tiên. Mới đây, trên tạp chí Phố Wall số ra cách đây 1 tháng, ông Bolton đã kêu gọi ném bom Triều Tiên.

Chuyên gia Toloraya khẳng định: “Tôi hiểu rõ Bolton trong thời kỳ chính quyền Bush, tôi đã gặp ông ta. Quan điểm của ông ta không hề thay đổi, ông ta là một con người cứng rắn, kiên quyết. Tôi e rằng vào mùa hè năm 2018 sẽ xảy ra cuộc xung đột với vũ khí và phóng tên lửa cùng nhiều thứ tương tự như vậy”.

RT cho biết, trong thời gian làm việc ở Bộ Ngoại giao đầu những năm 2000, ông Bolton đã phản đối nỗ lực của Ngoại trưởng Colin Powel khi đó nhằm thiết lập đối thoại với Triều Tiên.

Khi đó, Mỹ, Nga, Triều Tiên và Hàn Quốc, cũng như Trung Quốc đã tiến hành đàm phán về phi hạt nhân hoá của Triều Tiên, tuy nhiên, kết thúc đàm phán không đạt được kết quả nào do tình trạng căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên.

Đông Triều