Căng thẳng ngoại giao: “Cơn sóng dữ” với ông Putin sau khi tái đắc cử



Cách Nga phản ứng đã không hiệu quả trước cáo buộc của Anh cho rằng, Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang trên lãnh thổ Anh.

Tổng thống Nga Putin vốn được tin tưởng là một nhà chiến lược thiên tài, song vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang Sergei Skripal lại đang được đánh giá như một bước “sảy chân” trong chiến lược của ông Putin.




Tổng thống Nga Putin đương đầu với cơn sóng dữ đầu tiên sau khi tái đắc cử. Ảnh: Getty Images

Cách Nga phản ứng đã không hiệu quả trước cáo buộc của Anh cho rằng Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang và con gái của ông này trên lãnh thổ Anh.

Mỹ, Canada, Ukraine cùng hàng loạt nước trong Liên minh châu Âu đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga vì vụ việc này, nhằm thể hiện ủng hộ với Thủ tướng Anh Theresa May. Trong khi, bà May gọi đây là “cuộc trục xuất ngoại giao đồng loạt lớn nhất trong lịch sử”.

Trong nhiều năm qua, phương Tây đã đau đầu với cái họ gọi là “trò chơi điệp viên” của Nga, khi mà Điện Kremlin có khả năng thấy được sự hồ nghi và lập tức tung hỏa mù bằng các chiến dịch nhiễu loạn thông tin.

Với vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal tại thành phố Salisbury của Anh hồi đầu tháng 3 này, phản ứng của Nga là một kịch bản hoàn toàn có thể đoán trước.

Sau khi Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng “có khả năng cao” Nga đứng sau và phải chịu trách nhiệm cho vụ đầu độc này, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova có tuyên bố đáp trả đầu tiên khẳng định, đây là một màn kịch không hơn không kém của phương Tây.

Tổng thống Putin sau đó cũng khẳng định cáo buộc của Thủ tướng Anh là vô lý. Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh, Nga không có động cơ gì để gây ra vụ việc này ngay trước thềm bầu cử Tổng thống 2018 và khi World Cup tại Sochi đang tới gần.

Những diễn biến sau đó là những bất lợi cho Nga với những tuyên bố trái ngược nhau và gây nghi ngờ.

Nga tuyên bố rằng nước này đã tiêu hủy các kho vũ khí hóa học và Nga không hề có loại vũ khí hóa học “Novichok”- loại chất độc thần kinh mà các nhà điều tra Anh cho là được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên.

Tuy nhiên, một nhà khoa học người Nga phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông nhà nước đã khẳng định đang làm việc với “Novichok”. Trong khi đó, dòng tít chạy cùng bài phỏng vấn lại ghi rằng “Một chương trình nghiên cứu để chế tạo ra “Novichok” là không tồn tại”.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tông thống Nga Putin (phải). Nga hứng chịu cuộc trục xuất ngoại giao lớn nhất lịch sử. Ảnh: Getty Images

“Thuyết âm mưu” sau vụ đầu độc cựu điệp viên

Sau tình tiết này, hàng loạt “thuyết âm mưu” đã được dựng lên. Trong đó, vụ cựu điệp viên Sergei Skripal là nhằm phá hoại World Cup 2018 diễn ra tại thành phố Sochi (Nga) vào mùa Hè này.

Một giả thuyết nữa là: Anh, Slovakia, Czech, Thụy Điển và thậm chí là Mỹ đã cùng dàn dựng vụ việc này.

Rất nhiều nhà phân tích đã nhảy vào cuộc để tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề. Khi mà sự việc vẫn chưa ngã ngũ và Nga vẫn một mực bác bỏ cáo buộc của Anh trong vụ đầu độc, thì hàng chục nước đã cùng với Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Anh coi đây là một thắng lợi ngoại giao, trong khi giới quan sát tại Nga lại khá bối rối và phải nhìn nhận vụ việc này là cơn sóng lớn đầu tiên mà Tổng thống Putin phải đương đầu ngay sau khi tái đắc cử.

Trả lời phỏng vấn báo Kommersant của Nga ngày 27/3, Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman không ngần ngại nói rằng, Mỹ và các đồng minh của mình đã quá chán với những “lời nói dối”.

Với câu hỏi tại sao Mỹ lại quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga khi mà cuộc điều tra vụ đầu độc cựu điệp viên vẫn chưa có kết quả cuối cùng, Đại sứ Jon Huntsman cho rằng, ông và bất cứ ai đều thấy “cả một biển thông tin giả” nhằm đánh lạc hướng từ phía Nga.

“Do đó rất khó để mọi người có thể thấy được sự thật. Chúng tôi phải đáp trả, và cùng với Anh, chúng tôi dựa vào chính những thông tin và cuộc điều tra nghiêm ngặt mà Anh thực hiện. Chúng tôi tin tưởng vào những gì Anh đã làm và sẽ làm”.

Ít nhất 21 quốc gia, gồm 16 nước Liên minh châu Âu cùng với Mỹ, Canada, Ukraine, Na Uy và Albania, đã đồng loạt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Hơn 100 nhà ngoại giao Nga đã phải thu xếp hành lý trở về nước./.


Hoàng Lê/VOV.VN
28/03/2018