Hy hữu ốc giác chứa “long châu” trị giá hơn 2 triệu USD




Việc tìm thấy ngọc trong ốc giác đã rất hiếm thế mà một người dân tại Phúc Kiến, Trung Quốc lại phát hiện tới 3 viên ngọc trong cùng 1 con ốc.




3 viên ngọc ốc có màu vỏ quýt hiếm gặp. (Ảnh: NTDTV)


Người may mắn sở hữu những viên ngọc là ông chủ Trần của một nhà hàng tại huyện Huệ An, Tuyền Châu, Phúc Kiến.

Theo đó, vào ngày 25/3, ông Trần mua 5 con ốc giác với giá 200 Nhân dân tệ (tương đương 725.000 VNĐ) và nuôi chúng trong bể. Hơn 7h tối 28/3, có người bạn thân đến quán ăn, ông Trần vớt 3 con ốc giác làm món ăn, chuẩn bị rượu đãi khách.

Khi xẻ thịt ốc, ông Trần bất ngờ phát hiện 3 viên ngọc hiếm thấy, trong đó viên lớn nhất to hơn cả một đồng tiền xu. Ông lập tức nói với người bạn thân nhưng mọi người đều không tin. “Họ đều giễu cợt, nói tôi lấy viên bi cho trẻ con chơi ra chọc mọi người“.

Cả 3 viên ngọc đều có hình trứng, màu vỏ quýt tươi đẹp được gọi là “long châu” hoặc “hỏa diễm châu”. Ngọc ốc có từ màu trắng đến màu vỏ quýt, trong đó quý nhất và hiếm thấy nhất là màu vỏ quýt. Hình dạng của nó cũng không cố định, nhưng hình tròn có giá trị cao nhất.

Ông Trần cho biết, viên ngọc nhỏ nhất nặng 1,32g, viên thứ hai năng 10,2g còn viên lớn nhất nặng 29,94g. Ông chủ nhà hàng này đã làm thịt ốc hơn 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên ông tìm thấy ngọc ốc.

Ông Trần nói rằng ông biết ngọc ốc rất hiếm thấy, có giá trị rất cao, nhưng hiện ông chưa quyết định sẽ bán những viên ngọc này hay giữ lại làm vật gia truyền.

Ngọc ốc ít được đeo dùng làm trang sức vì hiếm hoi, với tỉ lệ xuất hiện chỉ 1/1000, tỉ lệ xuất hiện viên long châu thì lại càng thấp hơn.

Nhiều người cho sở hữu được ngọc ốc là điềm lành, mang lại may mắn nên thường cất giữ rất cẩn trọng. Ngọc ốc khá mềm, so với độ cứng kim cương là 100, thì ngọc ốc nằm ở độ cứng 19 – 21, móng tay cạo có thể gây trầy xước, bào mòn.

Trong một phiên đấu giá tại Hong Kong năm 2003, một viên long châu nặng 20 được đấu giá tới 2,7 triệu USD, lập kỷ lục viên ngọc có giá cao nhất thế giới. Vì ngọc ốc không thể nuôi cấy nên số lượng long châu trên thế giới rất ít, đa số đều được người châu Âu sưu tầm.

Tú Văn, theo NTDTV