Phát hiện nghĩa địa hóa thạch 5.000 năm ở Lý Sơn


Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi ngày 31.1 cho biết UBND tỉnh đã ra văn bản yêu cầu các sở, ngành chức năng và địa phương liên quan có biện pháp bảo tồn khẩn cấp di sản “nghĩa địa” hóa thạch san hô hình cối xay ở đảo Lý Sơn (ảnh).



Ảnh: Hiển Cừ

Những hóa thạch san hô có hình cối xay nặng hàng tấn vừa được tìm thấy ở Lý Sơn, Quảng Ngãi thu hút sự quan tâm của giới khoa học.

Quá trình khảo sát để chuẩn bị hồ sơ thành lập công viên địa chất Lý Sơn, chuyên gia của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã phát hiện hóa thạch san hô, được đánh giá là di chỉ địa chất độc đáo của Việt Nam.



Hóa thạch san hô trên đảo Lý Sơn (Ảnh: Zing)

“Trên thế giới chưa có loại hóa thạch san hô này”, ông Nguyễn Xuân Nam, thành viên nhóm nghiên cứu nói và cho biết đã tìm thấy chúng ở gần Hang Cau (xã An Hải).

Khối hóa thạch nặng đến hàng tấn, đường kính từ 2 mét trở lên. Nó giống như chiếc cối xay với vòng đồng tâm bắt mắt mà người Bắc Bộ thường sử dụng.



Khối hóa thạch nặng tới hàng tấn (Ảnh: vnexpress)

Phát hiện trên giúp các nhà khoa học xem xét lịch sử cổ môi trường, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới về quá trình hình thành san hô. Đây cũng là căn cứ quan trọng trong hồ sơ đề nghị công nhận công viên địa chất Lý Sơn.

“Chúng tôi mong muốn hóa thạch san hô có thể được sắp xếp lại, trở thành điểm thu hút khách tham quan”, ông Nam nói.



Mô hình bảo tồn nghĩa địa hóa thạch san hô

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý. Lý Sơn được gọi là cù lao Ré mà theo cách lý giải của dân gian là “cù lao có nhiều cây Ré”. Hòn đảo là vết tích còn lại của một núi lửa với 5 miệng, được hình thành cách đây 25-30 triệu năm. Năm ngọn núi là nguồn giữ các mạch nước ngầm chính cung cấp nguồn nước cho toàn bộ người dân trên đảo. Đây cũng là một trong những địa điểm du lịch biển được yêu thích nhất Việt Nam.



Phạm Hương