Hiệu ứng Mandela – Sự kết nối của não bộ với thế giới song song?


Những hồi tưởng sai lầm có thể xảy ra cùng lúc ở một nhóm người hoặc nhiều người và ảnh hưởng lớn đến xã hội. Người ta gọi chung là “hiệu ứng Mandela”. Và có một giả thuyết cho rằng đó là do sự ảnh hưởng của việc nhiều vũ trụ đang đồng thời tồn tại với vũ trụ chúng ta.


Trí nhớ con người thực sự là một phạm trù đặc biệt. Người ta từng rất ngạc nhiên trước phạm vi và khả năng của trí nhớ, đồng thời cũng nhận ra trí nhớ đang ngày càng suy giảm. Trong nhiều năm, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực tâm lý học nhận thức và thần kinh học đã nghiên cứu rất nhiều về sự hoạt động của trí nhớ, nhưng bên cạnh những phát hiện thì phần lớn trí nhớ của con người vẫn là bí ẩn.

Một điều chắc chắn là ở tất cả mọi người bộ nhớ đều không hoàn hảo. Và bằng chứng về sự không hoàn hảo này nằm ở những ký ức, những hồi tưởng sai lầm các sự kiện xảy ra trong quá khứ một cách vô thức.

Hiệu ứng Mandela là gì?

Hiệu ứng Mandela về cơ bản được định nghĩa là tập hợp các ký ức sai lệch về một thực tế hoặc sự kiện nào đó. Trong đó, xuất hiện hiện tượng một nhóm người cùng có những ký ức sai lệch nhưng lại khá giống nhau.

Thuật ngữ này lần đầu được đặt ra bởi “nhà tư vấn huyền bí” Fiona Broome, cô đã tuyên bố nhận định này sau khi phát hiện một số người đã có cùng ký ức sai lầm giống mình. Ký ức sai lầm mà Broome nói đến chính là việc nhà hoạt động nhân quyền và chủ tịch nước Nam Phi đã chết trong ngục vào những năm 1980 nhưng trên thực tế ông chỉ mới qua đời vào năm 2013 gần đây. Cô tin rằng những trường hợp này không chỉ đơn giản là một lỗi sai của bộ nhớ, mà là một cái gì đó không bình thường của những người có ký ức sai lầm giống nhau về những chi tiết không bao giờ xảy ra trong thực tế.

Một người trong cuộc chia sẻ: “Lúc đó tôi cứ nghĩ rằng Nelson Mandela đã qua đời trong tù. Tôi nghĩ tôi đã nhớ rất rõ về điều đó, thậm chí cả đoạn phim ghi hình tang lễ của ông tại Nam Phi, và bài diễn văn đầy xúc động của người vợ góa phụ. Sau đó, tôi phát hiện ra ông ấy vẫn còn sống. Thật kỳ lạ!”.

Một số ví dụ khác về hiệu ứng Mandela

Hoa Kỳ có tổng cộng bao nhiêu bang?

Theo hồi ức của nhiều người, Hoa Kỳ có tổng cộng 51 hoặc 52 bang chứ không phải là 50 như hiện tại với đặc khu hành chính là Washington D.C. Ngoài ra Hoa Kỳ còn bảo hộ một số hòn đảo như Puerto Rico, Guam và Samoa thuộc Mỹ, có thể đó là lý do vì sao mà người ta quan niệm sai lầm về số bang của nước Mỹ. Dù vậy, về lý thì quan niệm này chỉ xuất hiện ở những người không phải công dân Mỹ, tuy nhiên nó cũng xuất hiện khá nhiều trong xã hội Hoa Kỳ, họ nói rằng khi còn nhỏ đã được thầy giáo dạy điều này ở trường học, ngoài ra có rất nhiều người khác cũng nói về ký ức sai lệch này.

Đuôi Pikachu có màu đen


Rất nhiều người cho rằng có một dải màu đen trên đuôi Pikachu, nhưng thực ra không phải. Làm cách nào nhiều người đến thế lại có cùng một ký ức không thực?

Mona Lisa thay đổi nét mặt từ “vô hồn thành vui”


Đối với tác phẩm kinh điển của Leonardo da Vinci, rất nhiều người cho rằng nét biểu lộ cảm xúc trên gương mặt Mona Lisa đã thay đổi, bởi họ nhớ rằng trước đây cô có một gương mặt “thẳng băng, vô hồn”, nhưng dường như hiện nay cô lại có một nụ cười hé mở. Trên thực tế, nét biểu cảm của Mona Lisa từ lâu đã như vậy rồi.

Tại sao rất nhiều người có cùng một loại ký ức sai lệch như vậy?

Do hiệu ứng Mandela ngày càng phổ biến trong những năm gần đây, nên chủ đề bí ẩn này cũng được đưa vào nhiều cuộc thảo luận. Nhìn chung có 2 luồng ý kiến đến từ các nhà khoa học chính thống và các chuyên gia về khoa học tâm linh.

Một lý thuyết dựa trên các quy tắc của cơ học lượng tử cho rằng, những người từng trải qua hiệu ứng Mandela có thể đã “lướt” qua một thực tế ở thế giới khác song song với không gian của chúng ta. Theo lý thuyết này, một số người đã lớn lên trong một vũ trụ nào đó, nơi nước Mỹ thực sự có hơn 50 bang và các giáo viên trong trường học đã dạy họ điều đó cho đến một ngày thức giấc, họ đã ở trong thế giới chúng ta với nước Mỹ chỉ có 50 bang.


Theo thuyết đa vũ trụ, ngoài vụ mà chúng ta đang sinh sống vẫn có những vũ trụ khác đồng thời tồn tại. (Ảnh minh họa)

Và các vũ trụ này có thể có một số điểm tương đồng, cũng như một số điểm dị biệt với vũ trụ chúng ta. Như Dave Campbell, một nhà trị liệu bằng liệu pháp thôi miên, nhận định:

“Đôi khi, chúng ta có các phát minh tương đồng ở những vũ trụ khác nhau trong cùng một thời điểm. Ví dụ như lò vi sóng, ở một vũ trụ nó được gọi là lò vi sóng, nhưng ở vũ trụ khác nó được gọi nó là nồi cơm nhanh”.

Một giả thuyết khác được đưa ra đó là chúng ta đang sống trong một thực tế ảo. Thông thường thực tế ảo này luôn có xu hướng “ổn định” một cách tương đối, khi nó thay đổi, nó sẽ gây cho chúng ta những nhận thức không nhất quán về thực tế.

Thực tế ảo thay đổi có thể khiến bộ nhớ của một số người tự “tạo ra” những mẩu tin khác nhau, nhưng những mẩu tin này không bị xóa bỏ mà được một số khía cạnh tâm lý khác của xã hội như sự thiên vị, liên tưởng, trí tưởng tượng, sự kỳ vọng… nuôi dưỡng và bóp méo, dẫn đến hình thành một ký ức sai lệch trong vô thức.

Mặc dù rất có thể “hiệu ứng Mandela” là bằng chứng cho sự tồn tại của thế giới song song hoặc giả nó cũng có thể nói lên rằng không gian sống của chúng ta là một thực tế ảo nhiều khiếm khuyết. Tuy có nhiều nghi vấn nhưng nhiều nhà khoa học chính thống đã không công nhận những giả thuyết này. Giả thuyết được họ chấp nhận rộng rãi đó là hiệu ứng Mandela chỉ đơn giản là những rối loạn tâm lý ở một nhóm người trong xã hội, Fiona Broome đã nhận thức sai và thuật ngữ “hiệu ứng Madenla” cũng không nên tồn tại.

Dù vậy, trên thực tế không thể phủ nhận rằng “hiệu ứng Mandela” vẫn luôn là một chủ đề thú vị đầy bí ẩn về ký ức của con người, đồng thời đây cũng là một ví dụ cho thấy chúng ta còn quá nhiều điều chưa biết về bản chất của thời gian và không gian trong vũ trụ này.

Hoàng An (dịch & t/h)