“Facebook không nên ủng hộ thể chế độc tài”





Ảnh minh họa mạng xã hội Facebook.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_de...11.html/FB.wav


50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam vào ngày 9 tháng 4 đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị lấy xuống và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.

Bức thư nêu rõ tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và lấy nội dung xuống, đã gia tăng nghiêm trọng kể từ sau buổi gặp gỡ giữa VN và đại diện Facebook năm ngoái. Các nhà hoạt động cho biết họ không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.

Trước tình hình trên, họ đã thúc giục ông Mark Zuckerberg xem xét lại cách làm việc của Facebook vì có thể dập tắt tiếng nói của giới bảo vệ quyền con người và nhà báo độc lập ở Việt Nam, đồng thời trở thành đồng lão với kiểm duyệt của một nhà nước độc tài cai trị như Việt Nam.

Trao đổi với đài RFA, nhà hoạt động Lã Việt Dũng, một trong những cá nhân ký tên vào bức thư ngỏ cho biết:

Tôi có những bằng chứng rất rõ ràng về việc một số nhà hoạt động và một số người bạn của tôi bị khóa tài khoản facebook như blogger Bùi Thanh Hiếu hay cụ Lê Hiền Đức là công dân chống tham nhũng. Bản thân cụ Lê Hiền Đức rất cần Facebook để đăng những bài về việc tham nhũng của quan chức chính quyền Cộng sản VN nhưng cụ cứ mở được tài khoản Facebook nào là một thời gian sau bị report và bị khóa tài khoản.

Vì quyền tự do ngôn luận cũng như những chính kiến trên những bài viết trên mạng xã hội nên em quyết định ký vào thư đó gửi cho Facebook
- Luật sư Võ An Đôn

Buổi gặp gỡ giữa chính phủ VN và đại diện Facebook mà bức thư ngỏ nhắc tới diễn ra vào tháng 4 năm ngoái. Lúc bấy giờ đại diện cho phía VN là ông Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, kích động bạo lực và tấn công thù địch.

Trước đề nghị này , phía Facebook cũng đã cam kết rằng tất cả các tất cả các tài khoản đăng tải nội dung xấu mang tính chất bôi nhọ người khác sẽ không còn chỗ “dung thân” trên Facebook. Đại diện phía Facebook cũng nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam để tạo một môi trường Facebook lành mạnh.

Anh Lã Việt Dũng cho biết khi tìm cách khôi phục tài khoản, Facebook chỉ đưa ra một lý do rất khó hiểu đó là “vi phạm Tiêu Chuẩn Cộng Đồng” chứ không hề nêu rõ là tiêu chuẩn nào. Anh nghi ngờ có sự can thiệp của lực lượng dư luận viên trong sự việc này:

Phần lớn những người bị khóa thường bị cộng đồng dư luận viên của Việt Nam hay còn gọi là Lực Lượng 47 họ báo cáo và tiếp xúc không biết có phải là nhân viên Facebook người Việt không mà họ khóa rất nhanh.

Tôi thấy cơ chế đóng tài khoản của Facebook dường như họ thiên về hoạt động của chính phủ VN nhiều hơn mà không tính tới việc hỗ trợ những người cất lên tiếng nói độc lập.

Cuối năm ngoái, VN xác nhận đã thiết lập một đơn vị không gian mạng mới của quân đội bao gồm 10.000 người mang tên "Lực lượng 47" được nói là nhằm chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái. Lực lượng này được mô tả là "vừa hồng vừa chuyên," vừa kiên định về ý thức hệ, vừa có trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ cao để thực hiện nhiệm vụ. Một số tổ chức tự do ngôn luận đã bày tỏ lo ngại về đội quân này, cho rằng đây giống như một cuộc tấn công nhắm vào quyền tự do thông tin của người dân Việt.

Trong bức thư ngỏ gửi người sáng lập Facebook, các nhà hoạt động cũng tố cáo chính quyền Việt Nam thiết lập đội quân này với mục tiêu duy nhất là tung tin giả và đàn áp tiếng nói đối lập.

Trang Thời Báo Châu Á ngày 2/5/2017 đã đăng tải một bài viết đặt ra câu hỏi liệu Facebook có đang đặt lợi nhuận lên trên tự do dân chủ ở Đông Nam Á? Bài viết đưa ra các dẫn chứng cho thấy Facebook đang hỗ trợ các chính phủ ở Đông Nam Á dập tắt tiếng nói đối lập bằng cách ngăn chặn tài khoản Facebook của họ - một phương tiện chính được giới bất đồng chính kiến sử dụng để bày tỏ quan điểm.

Facebook cần phải hiểu rằng việc tôn trọng và tạo thuận lợi cho những người có tiếng nói độc lập sẽ quan trọng hơn việc ủng hộ chính thể độc tài.
- Nhà hoạt động Lã Việt Dũng


Luật sư Võ An Đôn, ở Phú Yên, người đồng ký tên vào bức thư ngỏ gửi nhà sáng lập Facebook, cũng là người đã bị tước vai trò của một luật sư chỉ vì những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân trên mạng xã hội, nói với RFA:

Bản thân em cũng như nhiều người khi viết những bài phản biện xã hội, không biết vì lý do nào đó mà bên Facebook gỡ bài viết hoặc xóa tài khoản một thời gian sau đó mới trả lại. Nhiều thông tin và hình ảnh cũng không đăng được. Vì quyền tự do ngôn luận cũng như những chính kiến trên những bài viết trên mạng xã hội nên em quyết định ký vào thư đó gửi cho Facebook để không làm phiền người sử dụng nữa.

Hãng AFP liên lạc với cơ quan chức năng VN về bức thư này nhưng không nhận được câu trả lời. Trong khi đó, trao đổi với đài RFA chúng tôi vào chiều tối ngày 10 tháng 4, đại diện truyền thông của Facebook bà Sophie Vogel thừa nhận mặc dù Facebook có đề ra Tiêu chuẩn Cộng đồng nhưng đôi khi vẫn phải gỡ bỏ những nội dung dù không vi phạm tiêu chuẩn này nhưng vi phạm luật pháp của một quốc gia. Bà Sophie cũng cho biết Facebook không nhất thiết xóa bỏ nội dung đó hoàn toàn mà có thể chỉ giới hạn quyền truy cập trong phạm vi quốc gia nơi nội dung này bị cho là phạm luật mà thôi.

Đại diện truyền thông Facebook còn nói với RFA rằng Facebook sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và trên toàn thế giới để bảo vệ cộng đồng người dùng khỏi sự can thiệp một cách quá mức và không cần thiết của chính phủ.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng chia sẻ về những mong muốn khi gửi bức thư tới ông Mark Zuckerberg:

Facebook cần phải hiểu rằng việc tôn trọng và tạo thuận lợi cho những người có tiếng nói độc lập sẽ quan trọng hơn việc ủng hộ chính thể độc tài. Bởi vì khi Facebook giúp những người có tiếng nói độc lập lên tiếng thì xã hội sẽ thay đổi tốt hơn. Và khi xã hội thay đổi tốt hơn thì người dùng Facebook sẽ mở rộng hơn.

Khác với Trung Quốc, Việt Nam không chặn truy cập vào Facebook nhưng ra sức kiểm soát và kiểm duyệt nội dung. Ngoài Facebook, chính phủ Hà Nội còn thúc ép Google, Youtube gỡ hàng ngàn bài viết, video họ cho là “độc hại”. Giới lãnh đạo cấp cao, trong đó có ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thường xuyên lên tiếng phải xử lý nghiêm những cá nhân đưa tin “thù địch, phản động”. Tuy nhiên, nhiều nhà bất đồng chính kiến nói rằng đối với chính quyền Hà Nội, biên giới giữa phanh phui tiêu cực và phản động quá mong manh, đôi khi họ vì muốn xây dựng một đất nước tốt đẹp hơn nhưng lại bị quy kết tội chống phá chế độ.


RFA
2018-04-10