Khởi tố 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng vì liên quan Vũ 'nhôm'



Hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng cùng cựu Phó tổng cục trưởng Bộ Công an vừa bị khởi tố vì liên quan vụ án Vũ "nhôm".

ối 17/4, Bộ Công an thông tin đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Văn Minh (SN 1955), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011 và ông Văn Hữu Chiến (SN 1954), nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014, về các hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại và Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.



Ông Trần Văn Minh. Ảnh: Facebook của nhân vật.

Ông Trần Văn Minh bị bắt tạm giam, trong khi ông Văn Hữu Chiến được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cơ quan CSĐT cũng khởi tố ông Nguyễn Điểu (SN 1958), Trần Văn Toán (SN 1957), nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường thành phố Đà Nẵng, ông Lê Cảnh Dương (SN 1975), Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng, về hành vi Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai. Cả 3 bị can này được cho tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cố ý làm lộ bí mật nhà nước

Cùng ngày, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phan Hữu Tuấn (SN 1955, ngụ Hà Nội, nguyên Phó tổng cục trưởng Bộ Công an) và Nguyễn Hữu Bách (SN 1963, trú tại Hà Nội, cán bộ Bộ Công an) về hành vi “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.



Bị can Phan Văn Anh Vũ trước lúc bị bắt. Ảnh: P.V.
Cùng ngày, Chủ tịch nước đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Phan Hữu Tuấn; Bộ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Hữu Bách.

Các bị can trên bị khởi tố để làm rõ vai trò trong vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, “Trốn thuế”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của Phan Văn Anh Vũ (còn gọi Vũ "nhôm").

Quan lộ của ông Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến

Ông Trần Văn Minh tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Tạo tác thủy lợi. Năm 1998-2003, ông giữ chức Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng. Năm 2003, ông giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng. Năm 2006 ông giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Tháng 7/2011, ông Trần Văn Minh thôi giữ chức Chủ tịch UBND TP, để giữ chức vụ Phó ban Tổ chức Trung ương. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), ông nghỉ hưu.



Nhiều phóng viên có mặt trước cổng nhà ông Trần Văn Minh tối 17/4. Ảnh: Giáp Hồ.

Ngày 9/2, dư luận tại Đà Nẵng xôn xao việc công an đến khám xét nhà riêng của cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng. Chiều hôm đó, trả lời Zing.vn qua điện thoại, ông cho hay thông tin lan truyền về việc nhà ông (ở đường Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị khám xét là không đúng.

"Tôi mới đi dự đám giỗ anh Nguyễn Bá Thanh (cố Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) về nhà. Mọi sinh hoạt của tôi vẫn bình thường", cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói và cho biết thêm ông chưa hề nhận được bất kỳ liên hệ nào của cơ quan công an liên quan đến vấn đề của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").
Còn ông Văn Hữu Chiến từng giữ các chức vụ Trưởng Ban Quản lý dự án QL14B, Giám đốc Sở Giao thông – Công chính (nay là Sở Giao thông Vận tải), Phó chủ tịch UBND TP kiêm Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Ông Chiến cũng là đại biểu HĐND thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày 30/9/2011, Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khóa XX bầu ông Văn Hữu Chiến giữ chức Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2010 - 2015.



Ông Văn Hữu Chiến. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ngày 3/10/2011, tại kỳ họp lần thứ 2, HĐND TP Đà Nẵng (phiên họp bất thường), bầu ông Văn Hữu Chiến, giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016.

Kể từ ngày 1/1/2015, ông Văn Hữu Chiến nghỉ hưu theo chế độ. Ngày 17/3/2015, tại Đại hội lần thứ V của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp hội.
Có liên quan đến Vũ 'nhôm'?

Khi được hỏi về những căn nhà công sản mà Đà Nẵng đã bán cho bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") giai đoạn ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Minh từ chối trả lời và cho biết sự việc đã lâu, cơ quan điều tra đang làm rõ.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (công bố năm 2013) cho biết năm 2006, UBND TP Đà Nẵng và Công ty TNHH Daewon Cantavil ký bản thỏa thuận nguyên tắc, để phía Daewon triển khai đầu tư dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước với số vốn khoảng 300 triệu USD.



Nhà riêng của ông Minh. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Năm 2016, Daewon quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp vào dự án này cho Công ty CP Nova - Bắc Nam 79 (công ty do Phan Văn Anh Vũ góp vốn cùng 1 doanh nghiệp bất động sản lớn).
Năm 2017, Công ty CP Nova - Bắc Nam 79 đổi tên Công ty TNHH Daewon Cantavil thành Công ty TNHH Sunrise Bay (do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch Hội đồng thành viên). Sau đó, dự án này cũng được đổi tên từ khu đô thị quốc tế Đa Phước thành Dự án khu đô thị The Sunrise Bay Novaland Đa Phước Đà Nẵng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng UBND TP Đà Nẵng giao Công ty CP Xây dựng 79 (của ông Phan Văn Anh Vũ) 29 ha trong Khu đô thị Đa Phước (vịnh Đà Nẵng) với giá 300.000 đồng/m2 là thấp hơn giá đất quy định.
Đồng ý bán nhiều tài sản công cho Vũ "nhôm"

Theo Người Lao Động, khi còn làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Minh đã đồng ý bán bán hàng loạt nhà, đất công sản cho Vũ "nhôm". Những tài sản này đang được Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an điều tra vì nghi việc mua - bán chưa đúng pháp luật.



Khu đô thị Đa Phước. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Cụ thể, tháng 9/2009, UBND TP Đà Nẵng bán nhà, đất tại số 7 Bạch Đằng, hơn 10 tỷ đồng cho Phan Văn Anh Vũ. Ngôi nhà 3 tầng tại số 45, 49 đường Nguyễn Thái Học cũng được địa phương bán cho các công ty mà Vũ "nhôm" góp vốn. Những căn nhà này là nơi cư ngụ của gia đình ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Năm 2010, chính quyền Đà Nẵng cũng bán nhà, đất tại số 2 Hải Phòng cho Công ty TNHH Minh Hưng Phát (công ty này Vũ Nhôm góp vốn hơn 40 tỷ), với giá trên 3 tỷ đồng. Cũng trong năm này, Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 mua ngôi nhà, đất tại 319 Lê Duẩn rồi chuyển đổi tên người nhận chuyển quyền sử dụng đất sang cho ông Phan Văn Anh Vũ.

Cũng theo Người Lao Động, trong số 9 dự án công sản mà Bộ Công an đang điều tra, có nhiều lô đất ở vị trí "đắc địa" được Đà Nẵng bán cho Vũ thời kỳ ông Minh còn đương chức.

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường cho biết nhiều lô đất và nhà công sản được bán cho Vũ "nhôm" một cách chóng vánh và không qua đấu giá. Khi đó vị này làm giám đốc sở nhưng ít khi được tham mưu trong việc bán một số tài sản công.

Muốn bán nhà công sản, Đà Nẵng phải thực hiện những gì? Theo quy định, muốn bán tài sản công, Đà Nẵng phải thông qua 13 bước để đấu giá công khai. Công an sẽ làm rõ chính quyền địa phương bán tài sản này có qua đấu giá hay không.

Đoàn Nguyên - Giáp Hồ