Nước Nhật sạch nhất thế giới nhờ người dân tuân thủ những nguyên tắc này



Nước Nhật nổi tiếng sạch nhất thế giới nhờ tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt trong phân loại và tái chế rác thải. Đặc biệt, bất kỳ ai đến Nhật cũng phải… học cách vất rác cho đúng, vậy đó là những nguyên tắc gì?

Mỗi người dân là một nhân viên môi trường



Người dân làng Kamikatsu luôn tự phân loại và tự mang rác đến nơi tái chế.

Kamikatsu là ngôi làng thanh bình nằm ở phía Nam của Nhật Bản. Ngôi làng này thoạt trông chẳng có gì đặc biệt, thế nhưng khi khám phá, du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên khi tất cả rác thải đều được tái sử dụng hoàn toàn.

Trước đây, người làng Kamikatsu thường có thói quen đốt rác, nhưng vào năm 2003, tất cả mọi thứ dường như đã thay đổi. Người dân bắt đầu nhận thức được việc làm của mình đang gây hại cho môi trường. Một chiến dịch mở ra nhằm giúp xử lý rác thải hằng ngày hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Hoạt động này bắt buộc tất cả mọi người phải phân biệt được 34 loại rác khác nhau nhằm phân loại cho chính xác. Tất cả mọi người trong làng Kamikatsu đã mất một thời gian rất lâu để làm quen với mô hình xử lý rác kiểu mới này. Những lon nhôm, lon sắt, giấy tờ, bìa các tông phải được rửa sạch, sắp xếp riêng biệt rồi mới đem đến trung tâm tái chế.Hiện nay, có đến 80% lượng rác ở Kamikatsu được tái sử dụng. Thị trấn này đã tiết kiệm được 1/3 chi phí cho lò đốt rác. Ngôi làng này hi vọng vào năm 2020 sẽ hoàn toàn không có rác thải.

Một điều đặc biệt là làng Kamikatsu không có xe tải chở rác, tất cả mọi người đều phải tự tay làm tất cả quy trình, sau đó mang rác tới trung tâm để xử lý.

Luôn mang theo túi rác mỗi sáng



Đàn ông thành đạt hay các cô gái xinh đẹp đều không ngại mang túi rác bên mình mỗi sáng.

Ví dụ trên chỉ là minh chứng nhỏ cho lối sống kỷ luật, và cách ứng xử với môi trường của người Nhật. Với người Nhật Bản thì việc đầu tiên khi mở cửa là vứt rác.

Người Nhật Bản mỗi buổi sáng thức dậy ra khỏi cửa đều một tay xách cặp một tay xách túi rác. Trước khi đến cơ quan, nhiệm vụ của người đàn ông trong nhà là vứt rác vào thùng rác cố định hoặc máy thu gom rác đặt ở tầng 1. Thế nên người Nhật Bản mới nói đùa với nhau rằng, “ông xã chính là một cái máy vứt rác”.

Vỏ chai 1 thùng, nắp ở 1 thùng khác



Có cả chục thùng rác cho mỗi loại, điều này không hề lạ lẫm ở Nhật.

Chúng ta uống hết một bình nước thường đem vỏ chai vứt vào thùng rác. Nhưng ở Nhật, để vứt được một chiếc vỏ bình nước không phải là một việc đơn giản. Thùng rác cũng có sự khác biệt dựa trên chức năng của các khu vực trong thành phố và đều có hình ảnh chỉ dẫn rất rõ ràng để nhắc nhở du khách. Thùng rác này chuyên dùng để gom bình không. Những bình chưa uống hết hoặc vẫn còn chất lỏng lưu lại thì vứt vào thùng kia. Có nhiều nơi còn có yêu cầu vứt bình và nắp bình ở hai nơi khác nhau để tiện cho việc thu gom các chất khác nhau.

Tuyên truyền tới mọi người dân ý thức bảo vệ môi trường



Nhà máy tái chế rác như một tác phẩm nghệ thuật.

Các cơ sở xử lý rác ở Nhật luôn mở cửa với công chúng, trở thành một cửa địa điểm quan trọng trong công tác tuyên truyền giáo dục cho người dân. Ở các cơ sở xử lý rác thải đều có những khu chuyên dùng cho việc đón tiếp những người đến đây tham quan.Học sinh các trường, cư dân thành phố đều là những vị khách thường xuyên của nơi đây.

Đặc biệt là đối với học sinh, việc tham quan các cơ sở xử lý rác đã trở thành một môn học bắt buộc. Ngoài ra sau khi tham quan các trường còn tổ chức cho học sinh viết các bài thu hoạch, viết các báo tường tuyên truyền, powerpoint, tranh ảnh tuyên truyền, cho đến những sản phẩm thủ công được làm từ các vật phế thải,…

Những tác phẩm này còn được dùng cho các nhà máy xử lý rác dùng để trưng bày ngay tại các khu tiếp đãi của mình trở thành những tác phẩm tuyên truyền sinh động. Thông qua quá trình như vậy, ý niệm về bảo vệ môi trường dần dần hình thành trong mọi người. Từ đó, trẻ em ở Nhật trở thành những người tuyên truyền tích cực cho công tác bảo vệ môi trường.

Rút thăm để được... mua đồ tái chế

Trung tâm thu mua các tài nguyên có thể tái sử dụng ở Nhật giống như một cửa hàng trưng bày vật dụng gia đình. Theo giới thiệu, vì đời sống được nâng cao nên có rất nhiều gia đình muốn mua mới vật dụng, các vật dụng cũ vì thế từ khắp mọi nơi tập trung về đây.

Ở đây, sau khi trải qua quá trình tẩy rửa chuyên nghiệp, sửa sang, các vật dụng “tái sinh” như mới và tiếp tục bán ra cho những người có nhu cầu sử dụng. Theo đó, những vật dụng gia đình “secondhand” sẽ có giá rẻ hơn, hấp dẫn nhiều khách hàng hơn.

Và vì cung không đủ cầu, nhiều người đã tranh giành nhau mua, nhiều lúc phải dùng hình thức rút thăm để quyết định ai sẽ được quyền mua một món đồ “secondhand”

Tạo thêm đất bằng … rác



Có ai tin sân bay quốc tế Chubu Centrair được xây dựng bằng… rác

Bên cạnh đốt và tái chế rác, Nhật Bản còn có một cách xử trí khác rất độc đáo. Quốc gia này đã từng phải đối mặt với vấn đề không đủ đất để chôn rác nên họ đã nghĩ ra một cách “nhất cử lưỡng tiện”: tạo thêm đất bằng chính rác thải của mình.

Có thể nói, với quy trình xử lý rác thải nghiêm ngặt như vậy, sẽ không quá ngạc nhiên khi Nhật Bản được bình chọn là một trong những đất nước sạch nhất trên thế giới.


Dân Việt