Hơn 2.700 người "biến mất" khỏi thị trấn đáng sợ nhất Mỹ


Điều khủng khiếp gì đã xảy ra?


Hơn 2.700 người "biến mất" khỏi thị trấn đáng sợ nhất Mỹ: Điều khủng khiếp gì đã xảy ra?



Ở Centralia tồn tại bí ẩn đáng sợ gì mà nhiều người gọi nó là "địa ngục trần gian"?


Hành tinh mà chúng ta đang sống ẩn chứa rất nhiều bí ẩn và cũng không thiếu những điều đáng sợ. Trong series "Những khu vực nguy hiểm nhất hành tinh", chúng ta sẽ lần lượt điểm danh những địa điểm trên Trái Đất có thể khiến con người bỏ mạng.

#1: Thị trấn Centralia, Mỹ

Khu vực nguy hiểm được các nhà khoa học xếp hạng 31 chính là thị trấn bị bỏ hoang đáng sợ nhất nước Mỹ: Thị trấn Centralia, thuộc quận Columbia, tiểu bang Pennsylvania, phía Đông nước Mỹ.

"Đây là một "thế giới" con người không thể sinh sống, bởi nó nóng hơn sao Thủy, bầu khí quyển độc như sao Thổ. Nhiệt độ nóng nhất đạt 540 độ C. Khí độc CO, sunfurơ... tựa như những đám mây chết chóc bao trùm lên tất cả.." (Trích trong cuốn sách "Hiểm họa vô hình: Tấn bi kịch của con người, chính phủ và Centralia" của David DeKok, 1986).

Bí ẩn thị trấn chỉ có 10 người sinh sống tại Mỹ

Trong lịch sử hơn 140 năm (từ 1870 - 2016) của Centralia, chưa bao giờ người ta lại chứng kiến số người tại thị trấn nhỏ miền Đông nước Mỹ "biến mất" một cách bất thường như thế.

Từ thời điểm dân số đạt mức cao nhất vào năm 1890 với 2.761 người đến bắt đầu những năm 1990, dân số Centralia đã tụt xuống mức "không thể tin được" - chỉ còn 63 người! Con số tiếp tục giảm, và đến năm 2016, người ta chỉ còn đếm trên đầu ngón tay dân cư sinh sống tại đây. Như vậy, tính từ năm 1890 đến năm 2016, 2.751 người đã "biến mất" khỏi nơi đây!

Bao trùm lên toàn bộ thị trấn rộng vỏn vẹn 0,62 km2 là khung cảnh hoang vu, điêu tàn đến ớn lạnh: Những căn nhà cứ thế mặc cho rêu phong và thời gian phủ bụi, những con đường vắng bóng con người và động vật... Cuộc sống từng náo nhiệt mội thời tại Centralia giờ nhường chỗ cho màu úa tàn của thời gian cùng sự đông đặc của "tử khí".


Từ gần 3.000 người năm 1890, dân số của Centralia chỉ còn 10 người vào năm 2016. Nguồn: Population.us


Ở Centralia ẩn giấu bí mật gì mà khiến cho hàng nghìn người "chạy trốn" khỏi đây? Tại sao nó khiến cho những ai từng vô tình đặt chân đến đây cũng phải tránh xa? Lý do gì người Mỹ gọi nó là thị trấn đáng sợ và nguy hiểm nhất? Chúng ta hãy cùng lật mở vấn đề.

Giải mã bí ẩn của Centralia

Từ "vựa than đá" giàu có...

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), tiểu bang Pennsylvania là một "vựa khoáng sản" hiếm thấy của nước Mỹ. Mảnh đất đầy nhựa sống này có những mỏ dầu, than đá, đá, cát, sỏi... nằm ẩn mình dưới những lớp đất đá được thời gian bồi đắp. Chỉ tính riêng năm 2003, công nghiệp khai khoáng tại Pennsylvania đã thu được 1,26 tỷ USD!

Và thị trấn Centralia là một trong những "vựa than đá" dồi dào của bang. Lẽ tất yếu, khu vực này bắt đầu được khai thác từ rất sớm. Ngay từ năm 1856, công cuộc khai thác than đá tại Centralia bắt đầu với việc hai mỏ than Locust Run và Coal Ridge chính thức được mở.

Khoảng 30 năm sau, Centralia từ một vùng đất thưa thớt người đã trở thành thị trấn phồn vinh với hai thành tựu đạt đỉnh: Dân số đạt đỉnh ở mức 2.761 người năm 1890; Nhờ Centralia, sản xuất than hoạt tính anthracite ở Pennsylvania cũng đạt đỉnh.

Tuy nhiên, hơn 100 năm sau, Centralia chứng kiến hàng loạt sự thoái trào không thể tránh khỏi từ công nghiệp khai khoáng đến cuộc sống người dân nơi đây: Tính đến năm 1960, mọi hoạt động khai thác than dừng hẳn, khai thác lậu còn được tiếp tục đến năm 1982 - Song song với đó, tính đến năm 1990, dân số của Centralai tụt mạnh, chỉ còn 63 người, đến năm 2016 thì chỉ còn 10 người!

Tại sao vậy?

Biến thành "địa ngục trần gian"

Sở dĩ, người dân Centralia bỏ thị trấn mà đi là vì họ muốn bảo toàn tính mạng của mình. Nếu tiếp tục ở lại vùng đất có "chảo lửa" khổng lồ ấy, họ có thể chết vì ngạt hoặc bị mặt đất "nuốt chửng"!

Câu chuyện bắt đầu từ nỗ lực làm sạch bãi rác chôn lấp khổng lồ của thị trấn cách đây hơn 5 thập kỷ. Cụ thể, vào tháng 5/1962, Hội đồng nhân dân Centralia đã thuê 5 thành viên của một công ty cứu hỏa để dọn sạch bãi rác của thị trấn. Như thường lệ, để tiêu hủy bãi rác khổng lồ, các nhân viên cứu hỏa tiến hành thiêu đốt bãi rác, cho nó cháy âm ỉ theo thời gian.

Ngọn lửa bùng lên cũng là lúc nó châm ngòi cho hàng loạt điều khủng khiếp về sau, mà cái giá con người phải trả là quá lớn.



Centralia - Vùng đất không có mùa đông.

Các nhân viên cứu hỏa cứ thế đốt bãi rác mà không hề hay biết rằng bên dưới bãi rác khoảng 90m là một mỏ than chưa được khai thác, dài 13km và trải rộng khoảng 15km2.

Lửa nóng âm ỉ bắt với vựa than khổng lồ bên dưới, hệ quả là, đến tận ngày nay nó vẫn âm thầm cháy khiến cho mặt đất nóng rãy, khí độc từ sự cháy gây tử vong ở người và vật nuôi. Ước tính, nhiệt độ tại trung tâm mỏ than lên đến 540 độ C.

Bất chấp mọi nỗ lực dập lửa của người dân, lửa ngầm vẫn âm thầm lan rộng đến trung tâm thị trấn rồi tàn phá cây cối, nhà cửa, con người, vật nuôi. Đáng sợ hơn, người ta nói rằng, bên dưới lòng đất có đủ lượng than đá để cháy âm ỉ trong 250 năm nữa!

Mặt đất nóng bỏng, khí độc CO, sunfurơ... từ những kẽ đất đá nứt toác (do nhiệt độ cao) phun lên quanh năm như nhấn chìm tất cả sự sống ở bên trên xuống địa ngục của nó. Người ta đã nói ví rằng, Centralia là vùng đất không có mùa đông, vì tuyết rơi xuống lập tức bị nền đất nóng làm cho tan chảy.

Để đảm bảo tính mạng cho người dân, năm 1980, Quốc hội Mỹ triển khai kế hoạch di dời tiêu tốn 42 triệu USD, nhằm khuyến khích người dân thị trấn dời đến nơi ở mới an toàn hơn. Hàng nghìn ngôi nhà đã bị phá hủy nhằm tránh kịch bản lửa bén gây hỏa hoạn diện rộng trên mặt đất.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của chính quyền bang Pennsylvani cùng những nguy hiểm hoàn-toàn-có-thể-nhận-thấy tại "địa ngục trần gian" này, vẫn có một vài người cố "bám đất", không chịu rời đi. Tính đến năm 2016, vẫn còn 10 người sinh sống tại đây.

Một số hình ảnh về thị trấn nguy hiểm nhất nước Mỹ - Centralia



Những vết nứt khổng lồ từ mặt đường do bị hun nóng.



Mặt đất nứt toác rộng đến mức có thể "nuốt chửng" người trưởng thành.



Nhiệt độ mặt đường tại Centralia đo được ở mức 86 °C.





Khí độc giết người vẫn âm thần len lỏi từ các vết đất nứt bay lên trên.



Con đường bị phá hủy hoàn toàn vì sức nóng bên dưới.



Khí độc miệt mài phun lên mặt đất.


Trang Ly /Bài viết sử dụng nguồn: Huffingtonpost, Tài liệu của tiểu bang Pennsylvania