'Năm 2017, manga Nhật kiếm được 340 tỷ yên nhờ bán cho các tạp chí'



Đại diện Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản cho biết truyện tranh mang lại doanh thu lớn, thu tác quyền không chỉ ở lĩnh vực xuất bản, mà còn bán bản quyền phim, sản phẩm tiêu dùng.

Ngày hội Bản quyền Sách Việt Nam - Nhật Bản đang diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi) trong hai ngày 24 và 25/5. Đây là dịp để giới làm sách hai nước hiểu hơn và nhau, từ đó mở ra cơ hội hợp tác lâu dài.


Ông Seiichi Higuchi - Tổng thư ký Hội Xuất bản Nhật Bản - trò chuyện với Zing.vn về tình hình xuất bản tại Hàn Quốc.


Ông Seiichi Higuchi - Tổng thư ký Hiệp hội Xuất bản Hàn Quốc. Ảnh: Quỳnh Trang


- Ông có thể giới thiệu những gì về ngành xuất bản ở Nhật?

- Ở Nhật có khoảng 3.000 nhà xuất bản, trong đó có những đơn vị quy mô nhỏ (mỗi năm làm 5, 6 cuốn). Có khoảng 400 nhà xuất bản đăng ký tham gia Hiệp hội Xuất bản Nhật. Bên cạnh đó, chúng tôi có hiệp hội về tạp chí. Trong số 3.000 đó có những NXB chỉ có một người. Có một nửa số nhà xuất bản có lượng nhân viên dưới 10 người.


- Mỗi năm Nhật cho ra thị trường bao nhiêu cuốn sách mới?

- Mỗi năm, chúng tôi xuất bản khoảng 77.000 cuốn sách mới, với 700 triệu bản sách, bao gồm cả những sách tái bản.


- Thể loại sách nào đang phát triển mạnh ở Nhật Bản?


- Manga là thể loại phát triển mạnh. Hiện nay 75% thị phần ebook là manga. Đối với sách giấy, năm 2017, lượng bán ra của manga trên tạp chí, sách giấy là 340 tỷ yên (khoảng 70 nghìn tỷ đồng).


Truyện tranh mang lại doanh thu lớn cho Nhật Bản. Ngoài bán sách, các nhà xuất bản còn thu lợi từ bán bản quyền chuyển thể phim, thực hiện các sản phẩm tiêu dùng.


- Thể loại Manga đã được các nhà xuất bản khai thác như thế nào để đạt được doanh thu đó?

- Rất nhiều tác phẩm manga được chuyển thể thành phim, kịch… Ví dụ như nhân vật Doraemon được nhiều công ty sử dụng in lên bao bì sản phẩm, sản xuất trò chơi... Đó là những hình thức phái sinh của manga có thể thu lợi nhuận tác quyền.


- Bên cạnh manga, Nhật có dòng sách nào là thế mạnh?

- Chúng tôi có rất nhiều tiểu thuyết bán chạy, đó là nguyên tác để chuyển thể. Nhưng sách văn chương có khuynh hướng giảm. Những tác phẩm phục vụ nhu cầu giải trí, có những tác giả cứ nghe tên là biết sách sẽ bán được rồi. Nhưng có những tác phẩm mang giá trị văn chương lại khó bán.


- Ebook phát triển như thế nào ở Nhật Bản?

-Tại Nhật, trong khi lượng sách, tạp chí bán ra đang giảm đi, thì việc bán tạp chí điện tử lại tăng mạnh.

Số lượng ebook vẫn tăng mạnh, 20-30% một năm.


- Người Nhật quan tâm thế nào tới việc đọc sách?

- Một năm chúng tôi có 700 triệu bản sách, với dân số 120 triệu người. Nếu không tính sách giáo khoa, mỗi năm một người Nhật đọc 5-6 đầu sách. Đó là con số bình quân, trên thực tế, có những người không đọc sách tí nào, tất nhiên cũng có những người đọc rất nhiều sách.


- Vấn đề bản quyền của Nhật được quản lý như thế nào?

- Ở cấp nhà nước không kiểm soát bản quyền, mà chỉ tuyên truyền quảng bá phải bảo vệ bản quyền. Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bản quyền của mình ra nước ngoài. Chúng tôi có các liên hoan âm nhạc, manga muốn bán bản quyền ra nước ngoài thì nhà nước hỗ trợ, như chương trình COOL Japan chẳng hạn.

Với các nhà xuất bản, các lĩnh vực có tiềm năng là các cuốn manga, sách chuyển thể thành phim, các công ty xuất bản đang nỗ lực bán bản quyền ra nước ngoài, đạt nhiều thành tựu.

Các công ty có lượng bán sách, tạp chí giảm đi rất nhiều, nhưng lượng bán bản quyền tăng 30% mỗi năm.


- Nhật Bản xử lý như thế nào với các vi phạm bản quyền?

- Chúng tôi xử lý theo luật tác quyền Nhật Bản, với mức phạt tù tối đa 10 năm, phạt tiền tối đa 100 triệu yên. Việc kiểm soát bản quyền rất nghiêm nên ít khi bị phạt ở mức tối đa.

Vấn đề vi phạm bản quyền, sách lậu cũng là một vấn nạn ở Nhật Bản. Đặc biệt là những bản sách ebook, scan sách không bản quyền rất khó quản lý.



Ông Yamamoto - Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Nhật (phải) và ông Seiichi Higuchi trao đổi về quan hệ hợp tác bản quyền sách Việt - Nhật.


- Chính phủ Nhật có chính sách nào thúc đẩy người dân đọc sách?

- Ở Nhật, tự bản thân mỗi người sẽ đọc sách theo nhu cầu của mình. Nhà nước có những kế hoạch xúc tiến đọc sách, nhưng đó chỉ văn bản, kế hoạch, chứ không hỗ trợ tiền bạc nhiều. Địa phương căn cứ vào đó để thực hiện.

Ở Nhật Bản, mỗi trường đều được cấp kinh phí cho đọc sách, xây dựng tủ sách, cứ 5 năm mỗi trường được làm lại, cấp mới tủ sách với một nguồn kinh phí lớn.


- Ông kỳ vọng gì khi tham gia Ngày hội Bản quyền sách Việt Nam - Nhật Bản lần này?

- Tôi hy vọng sẽ được hiểu biết về nhu cầu độc giả Việt Nam. Thông qua đó, chúng ta sẽ hiểu biết lẫn nhau về văn hóa, con người hai nước. Hợp tác xuất bản sẽ được thắt chặt hơn nữa, điều này có lợi cho giao lưu hai nước.

Chúng tôi không nhìn nhận sự kiện này là hoạt động ngắn hạn, chỉ gói gọn trong hai ngày trao đổi bản quyền. Tôi tin rằng quan hệ hợp tác này thêm bền chặt trong tương lai.

Thoibao.Today