Công tố Liên Bang Đức đề nghị mức án 4 năm tù với Nguyễn Hải Long





Bị cáo Nguyễn Hải Long ngồi trong phòng kính chống đạn tại tòa án tại Đức

Tổng Công tố Liên Bang Đức hôm 24/7 đã đề nghị mức án 4 năm tù với bị cáo Nguyễn Hải Long, người đã tham gia vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí bị buộc tội tham nhũng Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức hồi tháng 7 năm ngoái.

Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút tờ Thời Báo tại Đức, người có mặt tại phiên tòa, cho Đài Á Châu Tự Do biết về kết quả phiên xử ngày 24/7 như vậy.

Hôm nay Tổng Công tố Liên Bang đã đề nghị mức án 4 năm với bị cáo Nguyễn Hải Long. Họ đã đọc một bản cáo trạng rất dài trong đó họ có nói đến tình tiết giảm nhẹ vì ông này đã nhận tội”, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết.

Bị cáo Nguyễn Hải Long (47 tuổi) bị cáo buộc hai tội là tham gia hỗ trợ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và hoạt động gián điệp trên đất Đức.

Nhà báo Lê Trung Khoa cũng cho biết luật sư đại diện của Nguyễn Hải Long đã đề nghị một mức án 3 năm 6 tháng sau khi xem xét các tình tiết như việc bị cáo nhận tội và điều kiện gia đình có vợ và con nhỏ ở Cộng Hòa Czech và mẹ già ở Việt Nam.

Theo dự kiến, tòa sẽ tuyên án vào 3 giờ chiều giờ địa phương ngày 25/7.

Trước đó vào ngày 17/7, bị cáo Nguyễn Hải Long đã bất ngờ nhận tội trước tòa là có tham gia giúp đỡ mật vụ Việt Nam trong việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Trước đó, bị cáo này luôn khẳng định mình không biết gì về vụ bắt cóc.
Theo nhà báo Lê Trung Khoa, với hai tội danh được nêu ra, bị cáo sẽ phải đối mặt với mức án từ 3 tháng đến 7 năm tù giam. Tuy nhiên với việc nhận tội trước tòa, bị cáo Nguyễn Hải Long sẽ được nhận khoan hồng theo luật pháp Đức, tức là mức án sẽ được giảm bớt.

Bị cáo Nguyễn Hải Long sinh sống tại Cộng hòa Séc và có một cửa hàng chuyên về dịch vụ đổi tiền, chuyển tiền trong chợ Sapa. Theo điều tra của cảnh sát Đức, ông Nguyễn Hải Long đã nhận thuê xe cho mật vụ Việt Nam để chở Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin hôm 23/7/2017.


Chiếc xe biển số Czech đã được mật vụ Việt Nam dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hôm 23/07/17, đưa vào Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, Đức. Courtesy of Thoibao.de

Ngay sau vụ bắt cóc, phía Đức đã tố cáo Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Đức khi bắt cóc người ngay trên đất Đức. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam đã bác bỏ và nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.

Những điều tra sau đó từ phía Đức cho thấy một số những nhân vật khác trong Bộ Công an Việt Nam cũng tham gia vào vụ bắt cóc với điển hình là Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an, người được cho là chỉ huy vụ bắt cóc. Tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam cũng bị đặt trong vòng nghi ngờ có liên quan đến vụ bắt cóc. Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết thêm ‘Công tố Liên bang cũng nói đến tên ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã đứng ra mượn chiếc máy bay của Slovakia được nghi ngờ rất lớn là để chở ông Trịnh Xuân Thanh về Moscow, vì lịch làm việc với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia chỉ có sau khi vụ bắt cóc xảy ra. Sau khi bắt cóc rồi họ mới làm lịch làm việc. Điều đó rất gấp nên việc này chỉ phục vụ cho việc bắt cóc

Bộ Nội vụ Slovakia hôm 29/4 cũng đã bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của Bộ trưởng Tô Lâm sang nước này hồi năm ngoái vì nghi ngờ chuyến thăm được sử dụng nhằm mục đích khác hơn là hữu nghị.

Với việc phiên tòa xử bị cáo Nguyễn Hải Long sắp đi đến kết thúc, nhà báo Lê Trung Khoa nhận định, phía Đức sẽ có những bước đi tiếp theo đối với những nhân vật khác đã được phía Đức xác định có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. “Khi Nguyễn Hải Long đã chủ động nhận tội tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thì vụ án này có kết quả rất tốt, bằng kết quả là họ ký nhận có tham gia vụ bắt cóc và đây là vụ bắt cóc. Khi có kết quả này rồi thì như nhận định của bà luật sư đại diện cho Trịnh Xuân Thanh là chắc chắn sẽ có những động thái tiếp theo với những đối tượng đang trốn chạy là tướng Đường Minh Hng, Đào Quốc Oai, Lê Anh Tú và một số những người khác đã được nêu tên trước tòa”




RFA
2018-07-24