HRW kêu gọi Thái Lan thả 130 người Thượng Việt Nam tị nạn





Người tị nạn từ Việt Nam, Campuchia bị bắt ở Thái Lan ngày 28/8/2018.



Hôm 30/8, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi chính quyền Thái Lan trả tự do cho 181 người dân tộc thiểu số, hầu hết là người Thượng từ Việt Nam và người Campuchia đang xin tị nạn, bị cảnh sát Thái bắt giam hôm 28/8.

Trong một thông cáo, ông Brad Adams, Giám đốc ban Á Châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói:

“Những tuyên bố thường xuyên của Thái Lan về việc cải thiện quyền tị nạn chỉ là sáo rỗng khi quan chức bỏ tù hàng chục gia đình đang được bảo vệ bởi cơ quan tị nạn của LHQ. Những người Thượng này sẽ bị bức hại tàn bạo nếu họ bị trả về Campuchia và Việt Nam – điều mà Thái Lan không nên làm trong bất kỳ hoàn cảnh nào.”

Theo HRW, sáng ngày 28/8, một nhóm viên chức Bộ Nội vụ, cảnh sát di trú, binh lính của quận Bang Yai, Thái Lan, ập vào một khu nhà ở tỉnh Nonthaburi, cách Bangkok hơn 30Km, bắt giữ 181 người tị nạn đến từ Việt Nam và Campuchia, trong số này có hơn 50 trẻ em.

HRW cho biết những người Thượng đang xin quy chế tị nạn ở Thái Lan hầu hết đến từ khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, vì bị chính quyền cưỡng chế đất đai mà không được đền bù thỏa đáng hoặc bị đàn áp khi theo đạo Tin Lành, nên phải chạy trốn qua các nước lân cận.



Cảnh sát Thái bắt giam hơn 130 người Thượng hôm 28/8/2018.

Hôm 29/8, Bangkok Post dẫn lời bà Puttanee Kangkun thuộc tổ chức phi lợi nhuận Fortify Rights cho biết chính quyền Thái Lan sẽ đưa 130 người tị nạn Việt Nam ra xét xử và nhiều khả năng họ sẽ bị phạt và sau đó sẽ bị trục xuất.

Bà nói: “Nếu như họ nhập cảnh bất hợp pháp hoặc quá hạn thì sẽ bị phạt, nhưng họ lại không có khả năng nộp phạt và có thể sẽ phải ngồi tù, và sau đó họ cũng sẽ bị giải đến đến Trung tâm giam giữ di dân bất hợp pháp (IDC) và chờ bị trục xuất. Nhưng có thể họ không thể bị trục xuất vì hầu hết trong số họ đều có quy chế người tị nạn hoặc là người tìm quy chế tị nạn.”

Bà Kangkun cho biết thêm hiện nay có khoảng 20 người Thượng đang làm thủ tục xin quy chế tị nạn.

Bà Grace Bùi, đại diện Dự án Trợ giúp người Thượng tại Thái Lan viết trên Facebook hôm 31/8: “Xin đừng làm ngơ đối với những người nhập cư bất hợp pháp. Họ đã hy sinh rất nhiều để tìm kiếm tự do.”

Bà Grace Bùi viết tiếp: “43 năm sau, chúng tôi vẫn thấy những người tìm cách trốn thoát khỏi Việt Nam. Đối với nhiều người nước ngoài, Việt Nam là một điểm đến du lịch tốt, nơi có thức ăn ngon và cảnh đẹp an bình. Tuy nhiên, không nhiều du khách biết rằng sâu bên dưới là cả sự hỗn loạn.”

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA vào tháng trước, bà Grace Bùi nói bà đang vận động dân biểu Mỹ Chris Smith, và thông qua ông, kêu gọi Quốc hội Mỹ ủng hộ việc tái định cư trong số hơn 400 người Thượng Việt Nam thuộc 150 hộ gia đình đang xin tị nạn tại Thái Lan.



Bà Grace Bùi (áo đen) và Dân biểu Chris Smith (cầm giấy) tại thủ đô Washington, DC, tháng 7/2018. Facebook Grace Bui.

Theo Tổ chức Cứu trợ Người vượt biên (BPSOS) có trụ sở tại Hoa Kỳ, hiện nay tháng nào cũng có những đợt người Việt mới đến Thái Lan, bao gồm một số người đã tham gia biểu tình đòi công lý cho nạn nhân của nhà máy gang thép Formosa hoặc chống lại Luật An Ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu.

Những người vượt biên sang Thái Lan muốn xin quy chế tịn nạn phải ghi danh với Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), chờ khoảng 3 tháng để được phỏng vấn, và lại chờ 3 đến 6 tháng nữa để nhận quyết định. Người đang chờ phỏng vấn thì được gọi là người đang xin tị nạn (asylum seeker), những ai được cấp quy chế tị nạn thì được gọi là người tị nạn (refugee). Người đang xin tị nạn và người tị nạn được sự bảo vệ của UNHCR.

Vào tháng 1/2018, Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) kêu gọi Thái Lan không trục xuất những người đến từ Việt Nam và Campuchia được UNHCR cấp quy chế tị nạn, vì họ có thể sẽ bị bắt bớ khi trở về nước.

Tổ chức Ân xá Quốc tế khuyến cáo rằng chính phủ Thái Lan cần thực hiện trách nhiệm bảo vệ những người có quy chế tị nạn một cách hiệu quả và lâu dài.



VOA
31-8-2018