Nghị sỹ Mỹ kêu gọi tước quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông của Trung Quốc





Thượng nghị sỹ Marco Rubio (Ảnh: AP)


Nghị sỹ Mỹ kêu gọi Ủy ban Olympic Quốc tế xem xét lại quyết định trao quyền tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 cho Trung Quốc vì những vi phạm nhân quyền, đặc biệt là cuộc đàn áp tàn bạo đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, theo Vision Times.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio (bang Florida) và Hạ nghị sỹ Chris Smith (bang New Jersey), đồng Chủ tịch Ủy ban Điều hành Nghị viện Mỹ về Trung Quốc (CECC), đã viết một Bức thư chung ngày 10/10, cho ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), kêu gọi cơ quan thể thao quốc tế này “xem xét và chỉ định lại địa điểm Thế vận hội Mùa đông 2022″ vì những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra của chính quyền Trung Quốc.

Đặc biệt, bức thư trích dẫn “những báo cáo đáng tin cậy về tình trạng giam giữ hàng loạt tùy tiện đối với 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ hay nhiều hơn, và những người thiểu số đạo Hồi khác ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc (XUAR), và các vụ lạm dụng nhân quyền khác đang diễn ra, của chính phủ Trung Quốc”.

Bức thư nêu rõ việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trên quy mô lớn tại các ‘trại cải tạo chính trị’ là “sự giam giữ hàng loạt lớn nhất” đối với người dân tộc thiểu số kể từ Thế chiến 2”.

Bức thư chỉ rõ Trung Quốc có những nghĩa vụ nhất định cần phải được đáp ứng nếu như họ là nước chủ nhà của Thế vận hội Mùa đông.

“Trước khi [quyền tổ chức Thế vận hội 2020 được trao cho Bắc Kinh, chính phủ Trung Quốc đã cam kết với Ủy ban Xét duyệt của IOC rằng họ sẽ tôn trọng điều lệ Olympic và hợp đồng của thành phố chủ nhà, trong đó yêu cầu các thành phố đăng cai ‘cấm bất kỳ hình thức phân biệt’ nào dựa trên tôn giáo và sắc tộc, bảo vệ và tôn trọng quyền con người, đảm bảo mọi vi phạm nhân quyền phải được xử lý theo cách phù hợp với các hiệp ước quốc tế, luật pháp và quy định áp dụng ở nước sở tại, và theo cách phù hợp với tất cả các tiêu chuẩn và nguyên tắc về nhân quyền, được quốc tế công nhận”, bức thư nêu rõ.

Bức thư của CECC được đưa ra vào thời điểm khi mà sự quan ngại quốc tế ngày càng gia tăng trước sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ, một sự đàn áp đã bị người đứng đầu tổ chức nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) mô tả là “nhiễu loạn sâu sắc”.

Bức thư thúc giục IOC phối hợp với LHQ gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc, cho phép các nhà điều tra nhân quyền, các cơ quan giám sát LHQ và các nhà báo được tiếp cận không giới hạn tới khu vực Tân Cương, bao gồm các trại cải tạo. Các nghị sỹ Mỹ cũng thúc giục IOC yêu cầu các trại cải tạo này phải đóng cửa, và trả tự do cho hàng triệu người hiện đang bị giam giữ ở đó.

“Chúng tôi thừa nhận tính chất to lớn trong những yêu cầu của mình, nhưng cộng đồng quốc tế không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở Trung Quốc tại thời điểm này. Chúng tôi sẽ cung cấp cho IOC những thông tin mà chúng tôi có được, liên quan đến tình hình hiện nay ở XUAR, cung cấp cho các ngài bất cứ sự hỗ trợ nào mà chúng tôi có thể làm, từ Nghị viện Mỹ, để quyết định về việc chỉ định lại [nơi tổ chức] Thế vận hội 2022”, bức thư nêu rõ.

Được biết, Tân Cương có 10-12 triệu người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống, những người chủ yếu tu theo hình thức Hồi giáo ôn hòa. Các nhóm nhân quyền cho rằng nhà cầm quyền Trung Quốc từ lâu đã ngăn cấm tôn giáo và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ.

Bức thư đã được công bố cùng với ‘Báo cáo hàng năm’ 2018 của CECC về Trung Quốc, và một số sáng kiến chung khác, nhằm bảo vệ công dân và cư dân Mỹ khỏi bị đe dọa, và ngăn chặn những tội ác chống lại nhân loại có thể xảy ra ở Trung Quốc.


Hạ nghị sỹ Chris Smith (Phải), và Thượng nghị sỹ Marco Rubio phát biểu về việc công bố Báo cáo Hàng năm 2018 của Ủy ban CECC về tình hình nhân quyền và diễn biến pháp quyền tại Trung Quốc, ở Washington ngày 10/10/2018. (Ảnh: The Epoch Times)

Báo cáo kêu gọi Nghị viện Mỹ và các quan chức chính quyền Trump nhấn mạnh với chính phủ Trung Quốc về quyền tự do tín ngưỡng của các Phật tử, những người theo Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo, và những người tập Pháp Luân Công, môn khí công thuộc trường phái Phật gia không có đặc điểm của tôn giáo như giáo đường, nhưng cũng trở thành nạn nhân của cuộc đàn áp đức tin tại Trung Quốc từ năm 1999 đến nay.

Mô tả cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn đối với Pháp Luân Công, Báo cáo 2018 có đoạn: “CECC lưu ý các thông tin về sự đàn áp liên tục đối với các học viên Pháp Luân Công, bằng cách quấy rối, giam giữ tùy tiện, và truy tố. Các tổ chức quốc tế tiếp tục thể hiện sự quan ngại trước những báo cáo rằng nội tạng của những tù nhân bị giam giữ, bao gồm các học viên Pháp Luân Công, vẫn bị sử dụng trong rất nhiều các ca cấy ghép tạng ở Trung Quốc. Các tổ chức hỗ trợ quốc tế và các chuyên gia y tế đều chống lại những tuyên bố của các quan chức y tế Trung Quốc rằng hệ thống cung cấp nội tạng đã được cải cách phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế, trích dẫn những quan ngại đạo đức về nguồn cấp nội tạng có được trong một thời gian ngắn cho các ca cấy ghép, và sự khác biệt về số liệu các ca cấy ghép tạng”.

Trong một tuyên bố, Thượng nghị sỹ Rubio nhận định: “Báo cáo 2018 của CECC đưa ra những tư liệu chứng minh những vi phạm thô bạo về nhân quyền tại những khu vực dân tộc thiểu số, những vi phạm tự do tín ngưỡng, quấy rối các luật sư và những người bảo vệ nhân quyền, đàn áp tự do ngôn luận, hạn chế thô bạo xã hội dân sự, và nhiều hơn nữa – những dấu hiệu của một nhà nước độc tài”.

Phạm Duy(DKN)
16-10-2018