'Bệnh lạ' tiếp diễn, Canada giảm nửa nhân viên sứ quán ở Cuba





Canada không cắt quan hệ ngoại giao với Havana sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959

Canada quyết định cắt giảm một nửa nhân viên ngoại giao ở Cuba sau khi có thêm một người khác bị bệnh, Ottawa cho biết hôm 30/1.

Theo Reuters, kể từ năm 2017 đến nay đã có 14 nhà ngoại giao Canada mắc các triệu chứng bí ẩn.

Các nhà ngoại giao Canada và Hoa Kỳ đóng tại Havana lần đầu tiên bắt đầu than phiền chuyện họ bị chóng mặt, đau đầu và buồn nôn vào mùa xuân năm 2017.

Hoa Kỳ đã giảm lượng nhân viên sứ quán ở Cuba từ hơn 50 xuống còn 18 người, sau khi hơn 20 nhân viên "bị bệnh bất thường".

"Một sự cắt giảm lượng nhân viên sứ quán Canada được coi là phản ứng thích hợp," một giới chức chính phủ Canada nói với phóng viên.

Vụ việc hồi tháng 11/2018 là có thêm một nhà ngoại giao ở Canada được ghi nhận mắc bệnh trong nhiều tháng, dẫn đến quyết định sơ tán những nhân viên còn lại. Người nhà của nhân viên ngoại giao cũng rời đi năm ngoái.

Thông cáo của Josefina Vidal, Đại sứ Cuba tại Canada nói rằng Havana coi quyết định của Canada là "không thể hiểu được", vì nó sẽ không giúp giải quyết bí ẩn về các vụ nhà ngoại giao mắc bệnh và sẽ làm tổn thương quan hệ song phương.

"Cách hành xử này chỉ có lợi cho những người ở Hoa Kỳ tận dụng vấn đề này để công kích và chê bai Cuba, bà Vidal nói.

Chính phủ Cuba đã hợp tác với một cuộc điều tra của Canada về nguyên nhân gây ra những căn bệnh chưa được xác định.

Hồi tháng 4/2018, Chính phủ Canada đưa gia đình của các nhân viên ngoại giao đóng ở thủ đô Havana, Cuba, về nước.

Động thái này diễn ra sau khi 10 người Canada tiếp tục có các triệu chứng không thể lý giải, giới chức cho biết.

Những người này, gồm một số trẻ vị thành niên, bị chóng mặt, buồn nôn và mất tập trung.

Báo cáo của một chuyên gia y tế Canada nói rằng dạng tổn thương não mới có thể là nguyên nhân của căn bệnh bí ẩn mà nhân viên ngoại giao và người nhà họ ở Cuba đang mắc phải.

Canada nói rằng họ loại trừ giả thuyết "tấn công âm thanh" là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.



Ở Cuba, hầu hết báo chí là do nhà nước quản lý

Các nhân viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Havana cũng bị bệnh tương tự hồi năm ngoái.

Washington rút nhân viên ngoại giao ở Havana về nước vào tháng 9/2017 và cảnh báo các công dân Hoa Kỳ không tới Cuba.

Họ cho biết 21 nhân viên sứ quán bị thương trong vụ này.



Chủ tịch Raul Castro sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 19/4 và lần đầu tiên Cuba không còn lãnh đạo họ Castro trong 59 năm

'Thao túng chính trị'

Giới chức cho biết, một số người dường như hồi phục sau đó.

Cuba trước đó bác cáo buộc về cuộc tấn công âm thanh nhắm vào nhân viên sứ quán Hoa Kỳ ở Havana.

Tháng 10/2017, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez tuyên bố cáo buộc của Mỹ là "thao túng chính trị" nhằm phá hoại quan hệ song phương.

Hơn một triệu người Canada đến Cuba mỗi năm, nhưng Cơ quan Phát triển Quốc tế Canada cho biết không có ghi nhận du khách Canada mắc căn bệnh này.

Khác với Hoa Kỳ, Canada không cắt quan hệ ngoại giao với Havana sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959.


BBC
31-1-2019