Canada cấm Huawei khỏi mạng 5G là điều ‘không thể tránh’





Người sáng lập Huawei, ông Nhậm Chính Phi đứng cạnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại văn phòng của tập đoàn này tại Luân Đôn năm 2015. (Ảnh: AFP)

Việc cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của Canada, có lẽ là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt khi báo cáo khảo sát quan điểm người dân cho thấy hầu hết người Canada hiện không muốn đầu tư của Trung Quốc vào “các ngành công nghiệp nhạy cảm”, như viễn thông, theo cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour.

Là một luật sư chuyên nghiệp, từng phục vụ tại Hạ viện trong gần 27 năm và được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho nỗ lực phơi bày nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, ông Kilgour cho rằng chính phủ của Thủ tướng Trudeau cần trì hoãn công bố quyết định này lâu nhất có thể, nhằm tránh gây thêm phiền phức cho 3 công dân Canada bị Bắc Kinh cầm tù, và không nghi ngờ gì về việc họ bị ngược đãi ở Trung Quốc.


Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour (bên trái) và luật sư nhân quyền David Matas, hai tác giả của cuốn sách điều tra “Thu hoạch đẫm máu: Hoạt động giết hại các học viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng”, phát biểu tại Diễn đàn Ted về ngành công nghiệp mổ cướp nội tạng của chính quyền Trung Quốc (Ảnh: endtransplantabuse.org)

Chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor ngay sau khi Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu bị Canaba bắt giữ theo Hiệp ước dẫn độ với Mỹ. Bà Mạnh nhanh chóng sau đó được tại ngoại ở Vancouver. Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc công ty bà Mạnh đã sử dụng một công ty con, nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ về kinh doanh với Iran.

Đại sứ Trung Quốc tại Canada, ông Lô Sa Dã (Lu Shaye), đã đe dọa “những hậu quả nặng nề” đối với Canada nếu Huawei bị cấm tham gia mạng 5G của Canada với những lý do an ninh.



Thiết bị của Huawei bị nhiều nước nghi là có cài cắm phần mềm khai thác thông tin tình báo. (Ảnh: Reuters)

Ông Kilgour cho rằng điều đó hoàn toàn có thể dự đoán được, khi những người theo dõi Trung Quốc, biết rõ rằng chính quyền Bắc Kinh chỉ thực hiện các thỏa thuận khi nó có lợi cho họ. Ví dụ như sau khi phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế tại La Hay, và yêu sách gần như toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của mình.

Ba trong số 5 nước thuộc Liên minh Tình báo ‘Ngũ nhãn’ (5 Eyes) là Mỹ, Úc và New Zealand, và một số công ty lớn nhất của họ, đã cấm sử dụng công nghệ của Huawei trong các chi tiết cốt lõi quan trọng của mạng viễn thông 5G của họ, ngoại trừ Canada và Anh, đã không làm như vậy.

Tuần này, cơ quan an ninh mạng của Anh cảnh báo rằng Anh phải nhận thức được “những hậu quả và đe dọa tiềm tàng” của việc sử dụng công nghệ Trung Quốc.

Media player poster frameSự xâm nhập âm thầm của Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới danh nghĩa Khổng Tử
Hầu hết các công ty điện thoại di động của Anh đã làm việc với Huawei về mạng 5G, nhưng một đánh giá của chính phủ Anh vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới, sẽ xác định liệu mọi thứ sẽ tiếp tục. Một báo cáo gần đây của Viện nghiên cứu Hoàng gia về các vấn đề Quốc phòng và An ninh Anh (RUSI) cho rằng sẽ là ‘ngây thơ và vô trách nhiệm’ nếu cho phép Huawei tiếp cận mạng 5G của Anh.

Người sáng lập của Huawei, ông Nhậm Chính Phi đã bác bỏ cáo buộc rằng thiết bị của Huawei đã được sử dụng để làm gián điệp. Ông Nhậm biện bạch: “Huawei tuyên bố cần tuân thủ luật pháp Trung Quốc và cả luật pháp bên ngoài Trung Quốc, nếu chúng tôi hoạt động ở những quốc gia đó”.




Mạnh Vãn Châu (bên phải) là con gái lớn của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (giữa) – người từng là kỹ sư công trình trong quân đội Trung Quốc. (Ảnh: Et Today)
Tuy nhiên, theo ông Kilgour, bất cứ ai biết rõ việc Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân của họ ở nước ngoài như thế nào, thì đều cho rằng tuyên bố của ông Nhậm chỉ là lời lẽ tự ngụy biện.

Được biết, chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đang tìm cách loại bỏ Huawei ra khỏi mạng quốc gia 5G của mình.

Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ công bố một báo cáo, kết luận rằng Huawei đặt ra một rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia trước những quan ngại rằng các công nghệ của họ có thể được Bắc Kinh sử dụng để do thám người Mỹ. Kể từ đó, cả chính quyền Obama và Trump đều đẩy mạnh việc cấm sử dụng thiết bị Huawei tại những hạ tầng cốt lõi.

Canada dự kiến sẽ tổ chức một cuộc đấu thầu về mạng 5G trong năm 2019 hoặc 2020, nhưng chưa đưa ra ngày chính thức cho việc kết thúc cuộc điều tra hiện nay về công nghệ 5G của Huawei.

Ông Gus Van Harten, giáo sư về các cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa các nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) cho hay theo ‘Thỏa thuận bảo vệ đầu tư nước ngoài 2014’ của Canada với Trung Quốc, công ty ‘Huawei Canada’ – nhà đầu tư hiện tại, có sở hữu tài sản và có mối quan hệ kinh doanh tại Canada – “có thể đưa ra yêu cầu bồi thường bất cứ lúc nào chống lại Canada”.

Ông Harten nói thêm rằng phần bất lợi nhất của ‘Thỏa thuận’ đối với Canada là những qui định tại Điều 4, đòi hỏi phải đối xử công bằng và bình đẳng, và bảo vệ đầy đủ và an toàn” cho các khoản đầu tư của Huawei.

Tuy nhiên, theo ông Kilgour, các chuyên gia an ninh của Canada quan ngại rằng mạng viễn thông cũng có thể hoạt động như một công cụ gián điệp rộng lớn, cho những ai có thể mong muốn khai thác nó.

Giám đốc FBI Christopher Wray cũng nhận định điện thoại thông minh của Huawei có thể được sử dụng để sửa đổi gây hại, hoặc đánh cắp thông tin, và tiến hành “các hành vi gián điệp không bị phát hiện”.

“Nói tóm lại, Canada hiện đang ở vào một vị thế vô cùng khó khăn, không biết sẽ quyết định thế nào cho mạng 5G khi là một nước thành viên trong Liên minh Ngũ Nhãn”, ông Kilgour kết luận.

Duy Nghĩa