LHQ: Nhân quyền Triều Tiên vẫn tệ hại





Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên.

Mặc dù tích cực theo đuổi ngoại giao về chương trình hạt nhân của mình, Triều Tiên vẫn tiếp tục bóp nghẹt các quyền tự do cơ bản, duy trì các trại tù chính trị và giám sát chặt chẽ công dân của mình, một nhà điều tra nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu.

“Với những diễn biến tích cực trong năm 2018 vừa qua, điều đáng tiếc hơn cả là tình hình nhân quyền nghiêm trọng trên thực địa ở Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vẫn không thay đổi,” Tomas Ojea Quintana, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên, nói trong báo cáo mới nhất của mình.

Triều Tiên đã đình chỉ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn từ năm 2017 và tổ chức một số hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc trong năm qua, xuất đầu lộ diện sau nhiều thập niên bị cô lập.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức cuộc hội đàm thứ nhì vào tuần trước, nhưng các cuộc đàm phán của họ tại Việt Nam đổ vỡ mà không đạt được thỏa thuận nào. Ông Trump nói vào ngày thứ Sáu rằng ông sẽ thất vọng nếu Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm vũ khí và nhắc lại niềm tin của ông vào mối quan hệ tốt đẹp với ông Kim.

Ông Ojea Quintana nói ông hy vọng việc hội nghị thượng đỉnh đột ngột kết thúc không gây tổn hại môi trường hòa bình cho cuộc đối thoại mà tất cả các bên đã nỗ lực đạt được trong suốt năm 2018.

Chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết ông “tiếp tục nhận được báo cáo về sự tồn tại của các trại tù chính trị nơi mà người dân bị gửi tới không thông qua xét xử. Tra tấn và ngược đãi được báo cáo là vẫn còn phổ biến và có hệ thống trong các cơ sở giam giữ.”

Việc giám sát và theo dõi chặt mọi công dân, và các hạn chế nghiêm ngặt khác như quyền tự do đi lại vẫn giữ nguyên, ông Ojea Quintana nói. Ông nói thêm hệ thống hình phạt của Triều Tiên không thông qua thủ tục tố tụng và không đảm bảo xét xử công bằng.

Ông nói rằng ông đã liên lạc với Trung Quốc vào năm ngoái về 18 người Triều Tiên rời khỏi nước trước đó và bị câu lưu ở Trung Quốc, giữa những lo ngại họ sẽ bị buộc phải trở về quê hương nơi những người đào tị khác được cho là đã chịu tra tấn và bạo lực tình dục.

Tuy nhiên, ông Ojea Quintana cũng kêu gọi nới lỏng các chế tài áp đặt lên Triều Tiên vì các hoạt động hạt nhân của họ, nói rằng các chế tài đã dẫn đến “những sự chậm trễ và gián đoạn đáng kể” trong nỗ lực đưa viện trợ nhân đạo tới. Khoảng 10,3 triệu người hoặc 41 phần trăm dân số thiếu thực phẩm, ông nói.

Trong một báo cáo mang tính bước ngoặt vào năm 2014, các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc nói rằng 80.000 đến 120.000 người được cho là đang bị giam giữ trong các trại ở Triều Tiên. Báo cáo ghi nhận tình trạng tra tấn và những vi phạm khác, nói rằng chúng có thể cấu thành tội ác chống nhân loại.

Ông Ojea Quintana nói những hạn chế và nỗi sợ hãi chính quyền và sự giám sát đã ăn sâu vào xã hội Triều Tiên đến nỗi một trong những người đào tị mà ông gặp ở Seoul trong một chuyến thăm gần đây kết luận: “Cả nước là một nhà tù.”

Han Tae Song, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói với Hội đồng Nhân quyền hôm thứ Năm rằng đất nước của ông cam kết đối thoại và hợp tác thực sự để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

“Chúng tôi cũng bác bỏ mọi cáo buộc vô căn cứ của một số phái đoàn vì họ có động cơ chính trị trong việc theo đuổi các mục đích thầm kín hơn là nhân quyền,” ông Han nói.


VOA
9-3-2019