Sách giáo khoa Tiếng Việt dạy học hay tuyên truyền




Trích đoạn thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa được đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt. from FB Nhat Ky Yeu Nuoc

Trong những ngày gần đây, trên khắp các trang mạng lan truyền một trích đoạn của một bài thơ của tác giả Trần Đăng Khoa được dùng trong sách giáo khoa tập Tiếng Việt và Toán lớp 2, tập 2 do nhà xuất bản giáo dục và được phát hành cho toàn học sinh Việt Nam.
Trích một đoạn trong bài thơ:

“...Bác chào chú đứng gác
Rồi đi vòng quanh khắp trên thế giới

Để chăm sóc trẻ con

Nhất là đứa nào phải nằm trong bệnh viện...”

Ngay sau khi bài thơ được lan truyền trên mạng xã hội, dư luận phản ứng cho rằng những câu văn, câu thơ mang tính chất tuyên truyền và không chân thật này lại được Bộ Giáo dục đưa vào chương trình giảng dạy cho học sinh tiểu học.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa trao đổi với chúng tôi rằng, việc đưa hình tượng lãnh tụ vào sách giáo khoa thì đã có từ rất lâu rồi, từ thế hệ trước người ta đã sùng bái một con người và điều đó nó rất phổ biển ở nhiều nước.
“Như Trung Quốc có Mao Trạch Đông đúng sai đều sùng bái ca ngợi, ở Liên Xô có Lenin, ở Cuba có ông Castro… và Việt Nam có Cụ Hồ. Thì việc sùng bái cá nhân đó rất là nặng và họ coi các cá nhân lãnh đạo đó hơn cả thần, cả thánh, tổ tiên cha ông mình. Hành vi sùng bái quá mức, ca ngợi. Điều đó có thể có lợi đối với một số quốc gia, trong một số thời gian để đoàn kết đấu tranh ngoại xâm. Thế nhưng trong cái thời đại phát triển kinh tế thời bình như thời hiện nay chúng tôi nên nhìn lại vấn đề thì sẽ thấy việc đó hơi quá đáng, lố và bất thường. Thì những bài viết đó người ta cũng lẳng lặng quên đi thế vừa rồi trên mạng xã hội xuất hiện bài đó rồi người ta bới nó ra.”
Thầy Khoa nói thêm rằng, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng như thầy một thời tuổi trẻ sùng bái cá nhân như vậy nhưng bây giờ xã hội phát triển và nhiều thay đổi nên không cần thiết bới sâu lại.

“Chúng tôi thời trẻ chúng tôi cũng thế thôi, cũng sùng bái cá nhân như thế, cũng coi lãnh tụ của ta là nhất thế giới, đẹp nhất và cái gì cũng nhất thì bên giờ phải nhìn nhận lại khi mà nhiều cái thay đổi như tuổi tác, nhiều phương tiện đủ để cho trí khôn, người dân phát triển lên có cái nhìn lại. Thôi thì cũng nên thông cảm với nhà thơ Trần Đăng Khoa không cần thiết phải bới sâu lại làm gì.”

Vài ngày sau sự phản ứng của dư luận, nhà thơ Trần Đăng Khoa có chia sẻ bài viết trên trang cá nhân của mình rằng, ông chính là tác giả của bài thơ nhưng được viết vào năm 1969 vào thời điểm ông Hồ mất và khi đó ông mới 11 tuổi và đang nằm trong bệnh viện Mắt Hà Nội. Ông khẳng định rằng đoạn thơ được trích ra từ một bài thơ dài của ông có tên là “Em Gặp Bác Hồ”, tuy nhiên nhà xuất bản chỉ trích đoạn cuối bài và không để nguồn từ đâu nên gây sự hiểu lầm trong dư luận.

Ông viết rằng “Chỉ tiếc người làm sách lại trích mấy câu cuối, và đoạn trích lại tách ra khỏi bài, nghĩa là tách ra khỏi hoàn cảnh của câu chuyện nên người đọc không hiểu gì cả. Còn tất nhiên câu hỏi thì không có gì khó. Chỉ yêu cầu đặt câu hỏi cho những chữ in đậm thì em bé nào cũng làm được. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn những người làm sách nên cẩn trọng. Có những câu thơ tách ra, nó vẫn đứng được độc lập. Nhưng cũng có những câu không tách ra được. Trường hợp mấy câu trích này là thế. Muốn tách phải có lời dẫn. Ở đây không có lời dẫn. Đấy là điều rất tiếc.”

Dư luận xã hội chia sẻ nhiều ý kiến cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên những vấn đề tai tiếng liên quan đến sách giáo khoa tại Việt Nam, trước đây từng có những vụ việc lỗi trong sách giáo khoa hay những cách phát âm và sử dụng từ ngữ khó hiểu áp dụng cho bậc tiểu học khiến nhiều phụ huynh hoang mang.
Ngoài ra, trong sách Tiếng Việt 1 còn có nhiều bài thơ, câu văn được dư luận cho rằng dùng nhiều từ ngữ khó hiểu và đánh đố học sinh. Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục được giảng dạy năm học 2018-2019 khiến phụ huynh và dư luận hoang mang vì cách đánh vần mới của bộ sách.



Cách đánh vần mới lại và việc lựa chọn sách TIếng Việt của phụ huynh.RFA Edited

Theo giải thích của thầy Khoa rằng, các nhà xuất bản vẫn còn tư duy sùng bái cá nhân và họ cho rằng điều đó đúng, tại Việt Nam nhiều khi chỉ một vài cá nhân có thể quyết định cả vấn đề in hay không in một bài viết nên thành ra nó xảy ra những chuyện như vậy.
“Tôi nghĩ rằng đa số các sách giáo khoa hiện nay do Bộ giáo dục đào tạo thẩm định thì có sự chọn lựa rất là kỹ, hạn chế những bài viết không thật sự sắc xảo, không nghệ thuật, một số đơn vị tư nhân phát hành sách sách giáo khoa thường không có thẩm định cẩn thận cho nên là họ viết và họ đưa vào theo ý chủ quan của họ.”

Một cô giáo không muốn nêu tên chia sẻ với chúng tôi rằng, hiện nay sách giáo khoa không chỉ của Bộ Giáo dục phát hành mà còn nhiều sách của các nhà xuất bản ở các tỉnh thành khác, khi phụ huynh muốn con em mình học khá hơn thì sẽ lựa chọn mua thêm những loại sách đó về tham khảo nhưng chắc chắn nó không đúng của Bộ Giáo dục nên thành ra lỗi.
Cô nói thêm “Thậm chí có những bài cấu tạo câu, đáp án đáp số này kia đều sai hết. Sách giáo khoa của bộ giáo dục mà đưa về cho các trường thì đó mới là sách chính xác nhất còn sách giáo khoa bây giờ tràn lan thị trường nhiều lắm em, ra nhà sách là thấy liền nhiều lắm nên thông thường các loại sách đó thì sai rất nhiều. Bây giờ mạnh ai có đủ điều kiện thì cứ xuất bản ra rất là đại trà nhưng chỉ như là dạng sách tham khảo này kia thôi chứ đưa vào trường học thì không có và thậm chí nhiều phụ huynh mua sách đó về để dạy cho con em mình,rồi đến khi giáo viên vô trường dạy thì hoàn toàn sai, cái này là do ngoài thị trường này kia thôi.”
Ngoài ra, vị giáo viên này còn nói với chúng tôi rằng cô hiện đang làm giáo viên dạy môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 2 và cô khẳng định bài thơ được cộng đồng mạng xôn xao mấy ngày qua là hoàn toàn không có trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 như trên.

“Nói chung mình hiện đang dạy môn văn học sinh lớp 2 và mình xác nhận hiện không có sách Tiếng Việt nào có bài thơ nào như vậy hết, chỉ có duy nhất một bài là “Cháu nhớ Bác Hồ” trong bài này thì câu cú này kia thì nó hơi hình tượng hóa, trừu tượng hóa nếu các em nhỏ chưa hiểu thì giáo viên phải giảng thôi, còn đối với bài thơ vừa nêu thì hiện nay mình không thấy có trong sách vì chính mình hiện đang dạy học sinh lớp 2 đây. Không biết tin ở đâu mà cộng đồng mạng lại đi nói như vậy. Còn việc thay đổi sách thì đến năm 2021 mới bắt đầu có sự thay đổi sách theo trình tự là cuốn chiếu.”

Đồng ý với điều đó, thầy Khoa cho hay phụ huynh nên lựa chọn sách giáo khoa đã được chuẩn hóa và hiện nay trên cả nước vẫn thống nhất chỉ được sử dụng sách của nhà xuất bản giáo dục và được các cơ quan chức năng khắp nơi mang về trường. Thầy kêu gọi phụ huynh cùng các thầy cô nên lựa chọn những loại sách đạt chuẩn, cái gì chưa được cái gì còn kém thì bỏ đi đừng đưa học sinh kẻo làm trò cười cho thiên hạ cũng như những điều còn tồn đọng lâu nay.


RFA
12-4-2019