700 dân Thủ Thiêm 'mòn mỏi' chờ Thủ tướng





Cuộc tiếp xúc cử tri quận 2, TP Hồ Chí Minh của đoàn đại biểu Quốc Hội hôm 7/5 lại nóng lên vì vụ đất Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết.

"Sai phạm tại Thủ Thiêm hiện đã thành một mớ hỗn độn.... Nhưng không hy vọng cũng phải hy vọng. Vì ít nhất nếu chúng tôi ngưng lại thì vụ việc sẽ bị chìm xuồng," bà Nguyễn Thùy Dương nói với BBC ngay sau cuộc họp hôm 7/5.

Thùy Dương là người phụ nữ 'ném giầy' gây xôn xao dư luận trong một buổi họp khác giữa đoàn đại biểu Quốc Hội và người dân Thủ Thiêm năm 2018.

Đã có 700 người dân Thủ Thiêm ký đơn gửi Thủ tướng chính phủ và các cơ quan liên quan, đề nghị giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai của họ ở Thủ Thiêm, theo Tuổi Trẻ.

"Thêm một ngày chờ đợi là một ngày người dân Thủ Thiêm sống trong chui rúc, mỏi mòn, đau khổ.

Bà Nguyễn Thùy Dương, người dân TP Hồ Chí Minh


Đây là những hộ thuộc 5 khu phố của ba phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh với tổng diện tích đất 4,3 ha được cho là bị giải tỏa 'oan sai' để làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, đẩy hàng ngàn hộ ở đây vào cảnh ăn nhờ ở đậu và khiếu kiện kéo dài 20 năm qua.

Khu đất này hiện đang được chính quyền TP Hồ Chí Minh xem xét xác định là nằm ngoài ranh quy hoạch.

'Dân Thủ Thiêm sống mòn trong nắng nóng'

"Nóng khủng khiếp. Một số bà con đã chuyển lên chung cư tạm nhưng chịu không nổi tiền điện nước. Và cũng chỉ ở tạm đấy thôi chưa giải quyết gì. Khu tạm cư thì xuống cấp," bà Nguyễn Thùy Dương nói với Mỹ Hằng của BBC.

"Chỗ ở tạm quây bốn mặt tôn nóng khủng khiếp. Một số hộ nước thải đen ngập nhà, hôi thối. Ở trên thì nóng ở dưới thì nước cống," bà Dương mô tả lại đời sống các hộ dân Thủ Thiêm bị giải tỏa hiện nay theo chứng kiến của cá nhân bà.

"Thêm một ngày chờ đợi là một ngày người dân Thủ Thiêm sống trong chui rúc, mỏi mòn, đau khổ. Từng ngày, từng ngày héo hon, hao mòn. Sống không được được, chết không xong. Sai phạm của quan chức trả giá bằng tuổi trẻ, hạnh phúc, sinh tồn của người dân," bà Dương nói.

'Chiếm nhà không căn cứ'

Trong video quay lại nội dung cuộc họp sáng 7/5, người ta nhìn thấy bà Nguyễn Thị Kim Phượng, một công dân phường An Bình, kể lại việc bị cưỡng chế nhà vô căn cứ.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm dù được phê duyệt quy hoạch đã gần 20 năm, kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, di dời khoảng 15.000 hộ dân, chi gần 30.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư, nhưng tới nay vẫn chưa thành hình, theo Zing.vn.

Bà Phượng cho hay nhà của hai chị em bà bị cưỡng chế lần lượt trong hai năm 2011 và 2012. Hiện chị gái bà phải đi ở nhà thuê, trong khi bà Phượng hiện đang ở trong căn chòi tôn 2 mét vuông để 'giữ đất và thờ chồng'.

Ủy ban Nhân dân quận 2 đã căn cứ vào cái không có để cướp nhà và đất của chúng tôi.

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, phường An Bình


"Căn chòi này dựng lên từ chính căn nhà cũ bị đập của vợ chồng tôi trước đây, có diện tích 87,61m2 tại quận 2, khu đô thị mới Thủ Thiêm," bà Phượng nói.

Bà Phượng cầm trên tay quyết định cưỡng chế đất số 1997 ngày 10/5/2002 của của chủ tịch TP Hồ Chí Minh - văn bản mà theo bà, được chính quyền quận 2 lấy làm căn cứ để lấy đất của gia đình bà.

"Quyết định này đã được tòa án xác định không phải là quyết định thu hồi đất hành chính của người dân, mà chỉ là quyết định chỉ đạo điều hành nội bộ của bộ máy ủy ban thành phố. Vậy tại sao chính quyền quận 2 lại căn cứ vào đó đập nhà chúng tôi, đẩy chúng tôi ra đường? Và không có quyết định này thì tại sao lại ban hành được quyết định bồi thường?"

"Căn cứ trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử hữu đất ở, hai chị em tôi vẫn là chủ sở hữu của các mảnh đất đó cho tới thời điểm hiện nay. Ủy ban Nhân dân quận 2 đã căn cứ vào cái không có để cướp nhà và đất của chúng tôi."

"Vừa rồi chị tôi đã kiện ra tòa, yêu cầu quận 2 đưa ra bản đồ 1/5.000 quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm mà họ căn cứ vào đó để đập nhà chúng tôi. Nhưng bản đồ đó không hề có. Vậy căn cứ vào đâu để họ đập nhà chúng tôi? Tại sao lại căn cứ vào cái không có để chiếm đoạt tài sản của người dân?"

"Sau khi lấy đất của chúng tôi thì chính quyền biến chúng tôi thành người vô hình. Vừa rồi tôi đi kê khai dân số thì được cán bộ cho biết là không có hộ nào có tên như thế ở địa chỉ như thế. Sau khi tôi làm dữ lên thì họ nói là lỗi phần mềm," bà Phượng phát biểu tại cuộc họp với đoàn đại biểu Quốc Hội.

'Mất niềm tin toàn diện'

Ông Cao Thăng Ca, một người dân quận 2 thì nói đã năm trôi qua kể từ khi ông Nguyễn Thiện Nhân về họp tại chính hội trường này, hứa hẹn giải quyết vụ Thủ Thiêm và 'đã có kết quả nhất định'.

Sau một năm ông Nhân về họp tại đây thì kết quả là gây bức xúc, căng thẳng thêm, đặc biệt gây mất toàn diện niềm tin của nhân dân vào chính quyền.
Ông Cao Thăng Ca, Thủ Thiêm


"Kết quả đó là gây bức xúc thêm, căng thẳng thêm, và đặc biệt gây mất toàn diện niềm tin của nhân dân vào chính quyền," ông Ca nói trong những tràng vỗ tay tán thưởng của người dân dự họp.

"Cách giải quyết của chính quyền TP Hồ Chí Minh qua ba lần tiếp xúc cử tri là lại tìm cách lừa gạt bà con. Ông Chủ tịch TP Hồ Chí Minh từng nói 'chúng tôi làm lãnh đạo ở đây không vì dân thì vì cái gì? Vì cái gì ở đây thì thưa ông, ai cũng biết."



Biểu ngữ người dân Thủ Thiêm dăng trước buổi thành phố gặp dân hôm 14/11

"Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh kêu gọi bà con hợp tác với chính quyền để giải quyết khiếu nại... nhưng con đường của ông nêu ra là con đường của nhóm lợi ích. Càng chậm giải quyết khiếu nại bao nhiêu thì càng lộ ra ai là tàn dư của nhóm lợi ích... , càng chậm càng mất niềm tin của dân."

"Tôi kiến nghị rằng tại kỳ họp sắp tới 3.000 đại biểu nêu vụ đại án Thủ Thiêm ra trước Quốc Hội thì điều đó mới chứng tỏ các vị không thờ ơ với người dân Thủ Thiêm chúng tôi," ông Ca nói.

Chúng tôi có quyền làm người không?

Bà Phạm Thị Hồng, Thủ Thiêm


Trong khi đó, cử tri Trương Văn Sinh (phường Bình Trưng Tây) kiến nghị tổ đại biểu Quốc hội kiểm tra, giám sát việc UBND TP Hồ Chí MInh tổ chức đối thoại với người dân 5 khu phố tại 3 phường có 4,3ha nằm ngoài ranh dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.

Bức xúc tại cuộc họp với đoàn đại biểu Quốc Hội dâng cao khi bà Phạm Thị Hồng, một người dân mất đất ở phường An Khánh, Thủ Thiêm, đặt câu hỏi: "Chúng tôi có quyền làm người không?"

Chính quyền nói gì?



Ông Như Khuê nói "mong bà con yên tâm vì thành phố đang quyết liệt giải quyết và đều có trao đổi với các cơ quan trung ương. Quá trình hơn 20 năm qua có những sai sót, lần này phải giải quyết và không được phép sinh ra những sai sót khác", ông Khuê được trích lời trên báo Tuổi Trẻ.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm thì nói ""Chúng tôi nói là làm chứ không phải nói rồi để đó" và khẳng định bà và các đại biểu vẫn tiếp tục đốc thúc và giám sát mạnh mẽ vấn đề này.

Trong khi đó, bà Thùy Dương nói với BBC rằng sự bế tắc hiện nay của chính quyền trong giải quyết vấn đề Thủ Thiêm "nằm ở lợi ích nhóm".

"Để sửa cái sai cũ họ lấy cái sai khác chồng lên. Hiện nay sai phạm tại Thủ Thiêm và những nơi bị liên lụy đã tạo thành một mớ hỗn độn.

"Để giải quyết vấn đề này cần ngưng tạo thêm sai phạm. Nhận sai, sửa sai và quan trọng là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đáng tiếc hiện nay vẫn chưa thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra, kiểm toán toàn bộ Thủ Thiêm và Quận 2. Kế đến phải 'thay máu' toàn bộ nhân sự lãnh đạo.

"Tránh hậu quả về sau nên có sự sửa chữa về luật đất đai. Ít nhất về đền bù giải tỏa: Người dân phải được thương lượng, đảm bảo quyền lợi dù có là quy hoạch với mục đích gì đi nữa. Không thanh tra không thể khởi tố," bà Dương bình luận.

Đã có nhiều cuộc họp giữa chính quyền thành phố với bà con Thủ Thiêm trong suốt một năm qua nhưng đến nay tình hình khiếu kiện vẫn chưa chấm dứt.

Kiến nghị của 700 hộ dân cho hay các vi phạm về ranh quy hoạch, giao đất cho các chủ đầu tư làm dự án; bất cập về giá đền bù, chính sách tái định cư, v.v... đã được Thanh tra Chính phủ và Thanh tra TP.HCM kết luận trước đây, và cũng được bà con phản ánh trong các cuộc gặp với lãnh đạo, nhưng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.


BBC
8-5-2019