Bình đẳng chính trị Đông - Tây sau 20 năm thống nhất nước Đức

Tiến sĩ Âu Dương Thệ

Thấm thoát nước Đức đã thống nhất được 20 năm, một sự thống nhất đã được thực hiện trong hòa bình không tốn một viên đạn, không có ai bị thiệt mạng. Cho nên nhân dân Đức gọi đây là một "cuộc Cách mạng hòa bình".

Tiến trình thống nhất hòa bình này đã diễn ra vào mùa thu 1989 cùng với sự chuyển mình chính trị của nhiều nước cộng sản Đông Âu, với điểm cao là sự sụp đổ bức tường ô nhục Berlin. Trước đó không lâu, tổng bí thư đảng Cộng sản Đông Đức khi ấy, ông Honecker, đã khẳng định như đinh đóng cột trong lễ Quốc khánh của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, tức Đông Đức cộng sản (khi ấy có cả sự hiện diện của nguyên tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh), là bức tường Berlin sẽ còn tồn tại cả trăm năm nữa. Nhưng chỉ một năm sau Tây Đức và Đông Đức chính thức thống nhất vào ngày 03/10, cách đây 20 năm.

Thành quả và tồn tại sau 20 năm thống nhất đất nước

Cả nước Đức với dân số 82 triệu người nay đã trở thành một nước theo chế độ dân chủ đa nguyên, tình hình chính trị ở Cộng hòa Liên bang Đức được coi là rất ổn định ở trong Liên Hiệp Châu Âu. Ngay cả tổng bí thư và chủ tịch nước cuối cùng của Đông Đức cũ, Egon Krenz, sau một vài năm bị tù nay đã được tự do. Vài hôm trước, ông đã thăm Việt Nam, đã phê bình công khai chính phủ Đức nhưng không bị kết tội gì cả. Trong khi ấy, một số người Việt Nam dân chủ ở trong nước chỉ phê bình Nhà nước cũng đã bị kết án tù, thật đáng tiếc.

Về kinh tế, sau hai năm khủng hoảng kinh tế tài chánh thế giới, hiện nay Đức đang mau chóng trở lại làm đầu tầu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, mức tăng trưởng kinh tế trong năm nay được dự đoán khoảng 3%, đây là con số cao nhất trong Liên Hiệp Châu Âu. Nếu chúng ta để ý tới việc Tây Đức trong 20 năm qua đã phải chi viện 1.600 tỉ Euro để vực dậy kinh tế xã hội chủ nghĩa kiệt quệ của phía Đông thì sẽ càng thấy sự tháo vát, năng động của nền kinh tế thị trường của Đức như thế nào.

Tuy kinh tế Đông Đức cũ được bơm một số tiền khổng lồ như vậy, nhưng sự phát triển kinh tế của phía Đông vẫn chưa đuổi kịp phía Tây. Điều này trái với những dự đoán và tuyên bố của nhiều chính trị gia Đức, kể cả nguyên thủ tướng Kohl - cha đẻ của sự thống nhất Đức, là chỉ khoảng 10-15 năm sau thì kinh tế phía Đông sẽ theo kịp phía Tây.

Nay thì các chuyên viên dự đoán thời gian dài hơn. Bởi vì sau 20 năm thống nhất, lương bổng trung bình của người lao động phía Đông mới chỉ bằng ba phần tư phía Tây. Ngoài ra, tỉ lệ số người thất nghiệp ở Đông Đức cao gấp hai lần phía Tây. Các yếu tố này đã dẫn tới việc người Đông Đức di dân sang phía Tây để tìm cuộc sống ổn định hơn ngày càng nhiều. Theo thống kê, sau 20 năm đã có tới khoảng 20% người Đông Đức sang lập nghiệp ở phía Tây.

Người gốc Đông Đức tham gia chính trường

Tuy thống nhất trong hòa bình, nhưng khi đó không chỉ các đảng viên cộng sản Đông Đức mà là đối với đại đa số người Đức phía Đông thì đây là một sự đổi đời theo nhiều nghĩa cả trong chính trị, kinh tế và xã hội và cả tập quán.

Trong những năm đầu một số thủ tướng và nhiều bộ trưởng của các chính phủ 5 tiểu bang mới của Đức là các chính khách từ phía Tây sang. Khi đó người ta nói ví von là, Tây Đức không chỉ bỏ tiền vực phía Đông dậy, mà còn phải xuất cảng cả các chính trị gia, thành lập các chính đảng dân chủ ở phía Đông để đưa tiến trình dân chủ đa nguyên được thuận buồm xuôi gió ngay trong giai đoạn đầu.

Nhưng hiện nay, 4 trong số 5 thủ tướng các tiểu bang phía Đông đã là những người sinh trưởng ở phía Đông và hầu hết các bộ trưởng các chính phủ tiểu bang phía Đông cũng do người Đông Đức đảm nhận. Ngay tại thủ đô Berlin (trước đây từng bị chia đôi), tuy thị trưởng hiện nay là người phía Tây, nhưng chính phủ của thủ đô Berlin là chính phủ liên hiệp giữa đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Tân Tả, một hậu thân của đảng Cộng sản Đông Đức trước đây.

Nhưng điều nổi bật nhất trong chính trường Đức là vị thủ tướng đương nhiệm lại là người xuất thân từ phía Đông, bà tiến sĩ Angela Merkel. Bà đang giữ chức vụ quan trọng nhất trong hệ thống chính trị của Đức từ 2005. Sự nghiệp chính trị lên như diều của bà một phần do cái may của sự thống nhất, nhưng còn có cả sự nhạy cảm của bà trong chính trị, nhất là khi xẩy ra cuộc khủng hoảng chính trị rất lớn trong đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) vào giữa thập niên 90 của thế kỉ trước khiến thủ tướng Kohl phải rút lui.

Tuy nhiên trong nội các hiện nay của thủ tướng Merkel gồm tất cả 15 bộ trưởng thì không có người nào xuất thân từ phía Đông. Chỉ có một số người phía Đông giữ chức cấp thứ trưởng trở xuống.

Các nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân giải thích tại sao các chính khách phía Đông còn tham gia giới hạn ở cấp Liên bang.

Trong sinh hoạt chính trị của chế độ dân chủ đa nguyên thì thời gian 20 năm chưa phải là dài. Muốn trở thành chính trị gia hay chính khách nổi tiếng trong một nước theo dân chủ đa nguyên thì họ phải tham gia vào các chính đảng ở những cấp thấp nhất, như các đoàn thanh niên của các đảng này, sau đó họ phải đấu tranh để giữ các chức vụ ở chính quyền cấp địa phương, rồi tới các Tiểu bang và Quốc hội Liên bang (như ở Đức). Sau đó mới được chính đảng của họ cử vào các chức vụ quan trọng hơn ở cấp liên bang. Nếu họ thành công trong các chức vụ được giao phó thì có thể leo lên các ghế cao hơn trong chính phủ Liên bang như thủ tướng và các bộ trưởng

Cho nên tiến trình này đòi hỏi thời gian dài chứ không như ở các nước độc tài, như lãnh đạo Bắc Triều Tiên vừa tự ý phong cho con trai mới 27 tưổi lên chức đại tướng để chuẩn bị kế vị ông ta. Hay gần đây tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã đưa người con trai lên làm bí thư tỉnh ủy Bắc Giang để chuẩn bị lên làm Ủy viên Trung ương đảng trong Đại hội 11 sắp tới.

Một số lí do khác cũng giải thích việc tại sao vẫn còn hiếm người phía Đông Đức trong chính phủ Liên bang có thể tìm thấy trong yếu tố kinh tế, xã hội và tập quán. Cuộc thống nhất Đức trước đây 20 năm là một cuộc đổi đời của hầu hết người Đông Đức. Nó đã dẫn tới những hậu quả chính trị, kinh tế và xã hội, khiến nhiều người mất địa vị trong xã hội kể cả công ăn việc làm. Điều này cũng tạo ra một khủng hoảng tâm lí rất lớn cho nhiều giới ở Đông Đức. Muốn làm quen với tư duy và cách sinh hoạt chính trị dân chủ đa nguyên thì họ cần phải có thời gian.

Những giải pháp

Để tham gia chính trị ở bình diện liên bang thì người dân Đông Đức cần có thời gian. Nhưng nếu nhìn tiến trình tổ chức và quản trị của 5 chính phủ tiểu bang phía Đông trong thời gian qua thì thấy là họ đã tiến bước khá nhanh trong việc xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên. Tình hình chính trị ở các tiểu bang này rất ổn định, không có những nghi kị và thù hận giữa người Đức phía Đông và Tây. Đây là những lợi thế rất lớn để phát triển đất nước. Trong các cuộc bầu cử dân chủ và tự do số cử tri tham gia ở phía Đông rất cao, đây là sự ý thức chính trị công dân rất tốt.

Nếu tiến trình này được tiếp tục thì chỉ cần một thế hệ nữa, tức 20 năm tới thì số chính khách phía Đông sẽ đóng góp nhiều hơn, không chỉ trong bình diện tiểu bang mà cả trong chính phủ Liên bang ở Đức.

Tiến sĩ Âu Dương Thệ
Nguồn: RFI 3.10.2010

Diễn Đàn Thế Kỷ