Người đàn ông đào thoát cầu xin: Đừng đưa tôi trở về Trung Quốc




Abulikemu Yusufu và hộ chiếu của ông (Ảnh: Arslan Hidayat)

Một người đàn ông Duy Ngô Nhĩ 54 tuổi đang kêu gọi sự can thiệp từ các nước phương Tây và các nhóm nhân quyền sau khi ông nhận thông báo buộc phải quay về quê nhà Trung Quốc.

Ngày 3/8, ông Abulikemu Yusufu đăng một video lên mạng truyền thông xã hội từ sân bay quốc tế Doha Hamad, nơi ông cho biết mình đang bị giam giữ trước khi bị trục xuất đến Bắc Kinh.


“Tên tôi là Abulikemu, tôi hiện đang bị giam giữ tại sân bay Doha, sắp bị trục xuất tới Bắc Kinh, Trung Quốc vào sáng 4/8”, ông nói trong đoạn video có phụ đề bằng tiếng Anh được dịch bởi nhà nhân quyền người Úc gốc Duy Ngô Nhĩ Arslan Hidayat.

“Tôi cần sự giúp đỡ của thế giới”, ông Abulikemu nói.

Theo các bức ảnh được đăng trên phương tiện truyền thông, chuyến bay của ông Yusufu từ Doha đến Bắc Kinh sẽ khởi hành vào lúc 11h20′ sáng 4/8 theo giờ địa phương.


Arslan Hidayat đã đăng thông tin chuyến bay của ông Abulikemu Yusufu lên mạng xã hội, mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. (Ảnh: Arslan Hidayat)
Trong cuộc phỏng vấn với SBS News, anh Hidayat cho biết ông Abulikemu đã cố gắng vào châu Âu qua Bosnia vào ngày 31/7, sau khi bay qua Qatar, nhưng ông buộc phải quay lại Doha. Ông Abulikemu cho biết, chính quyền Qatar hiện đang nhất định muốn ông trở về Trung Quốc.

Ông Hidayat nói: “Sự an toàn của Abulikemu là điều quan trọng nhất bây giờ”.

Trong một tuyên bố viết bằng tiếng Trung Quốc và cung cấp cho SBS News, ông Abulikemu cho biết ông đã trốn khỏi Trung Quốc và cố gắng vào Bosnia vì lo sợ bị đàn áp tại quê nhà. Nếu trở về Trung Quốc, ông cho rằng mình sẽ “không có đường sống”.

Ông Abulikemu là một trong số nhiều người dân tộc Duy Ngô Nhĩ cố gắng thoát khỏi Trung Quốc, nơi chính quyền áp dụng chính sách đàn áp tộc người thiểu số này trong nhiều năm qua. Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc báo cáo có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị bắt giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc.

Tháng trước, 22 quốc gia – trong đó có Australia – đã ký một bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt tình trạng giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ.


DKN
4-8-2019