Võ sư đánh vợ nhập viện gây phẫn nộ





Võ sư đánh vợ nhập viện gây phẫn nộ
Một video lan truyền trên mạng xã hội hôm 27/8 cảnh chồng đánh vợ túi bụi khi chị này đang ôm con nhỏ khiến dư luận Việt Nam phẫn nộ.

Người chồng sau đó được xác định là võ sư Nguyễn Xuân Vinh, 32 tuổi. Vợ chị Vũ Thị Thu L., 27 tuổi. Đứa trẻ chị L. bế khi bị đánh là con thứ hai mới 2 tháng tuổi của họ.

Ông Nguyễn Xuân Vinh sau đó thừa nhận "có tát vợ vài cái" và việc đánh vợ khi hai vợ chồng cãi cọ là "chuyện bình thường, không có gì phải ầm ĩ', theo truyền thông Việt Nam.

Nguyên nhân vụ bạo hành được cho là do chị L. chuyển ti vi mà không hỏi ý kiến chồng.

Chị Vũ Thị H. (chị gái của chị L) cho hay sau khi xem lại clip do camera trong nhà ghi lại thì thấy em gái mình bị đánh trong suốt một tiếng đồng hồ và 'cả hai mẹ con đều bị ngã'.

Chị L. đã phải nhập viện trong đêm 27/8 và gia đình cho hay các bác sỹ nghi chị bị chấn thương sọ não.

Theo chia sẻ của chị L.với báo Công an Nhân dân, đây không phải lần đầu chị bị bạo hành. Chị nói lần này chị quyết định báo công an để pháp luật xử lý chứ không nhẫn nhịn chịu đựng như các lần trước.

Đại diện công an phường Thạch Bàn, Quận Long Biên xác nhận đã nắm được thông tin vụ việc và đang tiến hành điều tra làm rõ.

Trong khi đó, Võ sư Đinh Trọng Thủy, Phó ban chuyên môn Hội Võ thuật Hà Nội nói với báo Lao Động rằng không thể gọi Nguyễn Xuân Vinh là võ sư vì người luyện võ "đến nơi đến chốn" sẽ "không còn cáu giận, nhất là với những người thân của mình".

'Con trẻ bị ảnh hưởng'

Bà Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý Giáo dục, Hà Nội, nói với Vietnamnet rằng những cảnh bạo lực gia đình có thể gây ảnh hưởng tâm lý trẻ.

Bà Nga cho hay trẻ phải chứng kiến cảnh bạo hành thường thu mình lại, dễ kích động, khó thực hiện theo yêu cầu của người lớn, học tập kém dần. Trẻ cũng có thể 'tái hiện' các cảnh đã chứng kiến sau khi trưởng thành, ví dụ như thu mình lại như mẹ hoặc hung bạo như bố. Trẻ cũng kém thích ứng với các khó khăn của xã hội.

Người phát hiện bạo lực gia đình phải báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực (Khoản 1 Điều 18, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình)

Bà Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, thì nói trẻ có thể không nhớ hành vi bố đánh mẹ do còn quá nhỏ nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng tâm lý khi môi trường sống xung quanh bất an. "Trẻ có thể bị trầm cảm ở thời điểm sơ sinh như hay khóc, ngủ không tốt. Sau này khi trưởng thành trẻ có thể trở nên yếu đuối. Vì vậy môi trường giáo dục trong gia đình rất quan trọng," bà Hương nói.

Còn theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Hà Nội, tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi đánh vợ mà người bạo hành có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam, theo báo Nhân Dân. Theo điều tra mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, tỷ lệ nữ giới bị bạo hành tinh thần là 47,2%, bạo hành thể chất là 7,3%, bạo hành tình dục là 4,2%, bạo lực về kinh tế là 1,8%.

Mạng xã hội nói gì?

Facebooker Nguyễn Hoàng Anh: Trách nhiệm gia đình ở đâu? Theo bà N., con gái bà và người chồng hiện tại quen nhau lúc còn đi học, sau đó thì kết hôn. Cuộc hôn nhân kéo dài nhiều năm, cũng là chừng ấy thời gian con gái bà nhiều lần bị người chồng vũ phu đánh đập, bạo hành, chửi bới. "Gia đình chúng tôi cũng khuyên con chịu đựng vì hai người con nhỏ, để hai cháu còn có bố có mẹ, không hay gì chuyện bỏ nhau". Đành rằng vợ chồng bỏ nhau cần suy xét kỹ nhưng vũ lực có hệ thống là không thể chấp nhận!

Ngọc Trinh Đường: Cái loại võ sư gì mà lại đi đánh phụ nữ như này? Nhất là trên tay người ta vẫn bế đứa con vài tháng tuổi! Chả biết đúng sai như thế nào. Loại đàn ông tung cước đi đánh đàn bà yếu thế hơn mình đúng là hèn hạ!

BBC
28-8-2019