Sống chung với thủy ngân: Người dân sống sát vách Rạng Đông nói gì?





"Ngọn lửa đỏ lòm thè ra, lởn vởn bên trên bức tường bao làm ranh giới với nhà máy" sát với chung cư 54 nơi ông Nguyễn Tường Thụy sinh sống

"Sáng sớm ngày 6 tháng 9, chúng tôi sang chào gia đình ông bà hàng xóm duy nhất cùng tầng còn ở lại thì bà bảo, ông bà đi trước, rồi chúng tôi cũng phải đi. Vậy là 8 gia đình tầng tôi ở sẽ không còn ai ở lại."

"Bấm thang máy, chẳng phải đợi lâu như mọi lần và chẳng có ai đi chung. Xuống tới sân chung cư, một cảnh đìu hiu đến đắng lòng. Nhìn lên căn hộ mình ở lần cuối, nghĩ không biết bao giờ mới có thể quay trở lại. Sân khu chung cư, không một bóng trẻ em. Tôi không phải để ý tránh những trái bóng của các em đá ra từ đủ mọi hướng, hoặc nhỡ một em nào đó mải chạy va vào..."

Đó là lời kể của nhà văn Nguyễn Tường Thụy, người sinh sống trong khu Chung cư 54, ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội - chỉ cách nhà máy Rạng Đông một bức tường.

Ông và vợ trở lại căn hộ một tuần sau khi đám cháy xảy ra nhưng vẫn cảm thấy khó thở, buồn nôn, rồi gia đình ông lại tất tưởi ra đi.

Ông Thụy kể với BBC Việt Ngữ rằng vào khoảng 6 giờ tối 28/8 là lúc nhà máy Rạng Đông bùng cháy. Người dân ai nấy cũng rất lo lắng, sợ ngọn lửa sẽ kéo sang khu chung cư. Đội phòng cháy chữa cháy của khu căn hộ làm việc cật lực, lấy nước, kéo vòi, ra sức dập.

Đến khi hơn 11 giờ đêm thì đám cháy tạm thời được khống chế, nhưng cảm giác yên tâm chưa được bao lâu thì theo sau là cảm giác khó chịu.

"Tôi thấy rất khét, rất tức ngực. Tôi về và lập tức lên kế hoạch cho các cháu sơ tán."



Nhà văn Nguyễn Tường Thụy: ''Tôi thấy rất khét, rất tức ngực. Tôi về và lập tức lên kế hoạch cho các cháu sơ tán."

Gia đình ông tám người, ngay lập tức chia nhau đi sơ tán. Ông nói nhà ông may mắn đến chỗ người thân con cháu ở, hoặc thuê nhà trong thành phố. Những hộ khác có người phải về quê.

Đến ngày 5/9, một tuần sau đám cháy, ông quay về "ở thử" thì vợ ông ôm ngực và nôn ọe bảo không thể chịu được còn ông vẫn tức ngực và khó thở.

Được biết gia đình ông chưa ai đi khám bệnh vì chưa thu xếp được, nhưng ông Thụy nói khi chuyển ra chỗ khác sống, cảm giác khó chịu không còn nữa.

Ông Thụy cũng cho biết khi mua chung cư và chuyển đến khu này, gia đình ông đã không suy nghĩ nhiều về việc sinh sống sát cạnh bóng đèn Rạng Đông.

Sự thiếu nhất quán của chính quyền

Một ngày sau khi đám cháy xảy ra, ủy ban phường Hạ Đình đã nhanh chóng ra văn bản dặn dò người dân không sử dụng thực phẩm trong bán kính 1km.



Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường, cùng các nhân viên đến kiểm tra khu vực bị cháy tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông hôm 31/8.

Nhưng thông báo này nhanh chóng bị quận Thanh Xuân thu hồi và thậm chí kiểm điểm phường Hạ Đình vì ra thông báo, "không đúng thẩm quyền" và "nội dung không có cơ sở khoa học, gây hoang mang cho người dân".

Tuy nhiên với ông Thụy, dù không nhận được thông báo nhưng đọc được trên mạng, tin rằng thông báo của phường Hạ Đình là một quyết định "hết sức kịp thời, nhạy bén và có trách nhiệm với dân".

Ông cho rằng việc làm của quận Thanh Xuân là sự bưng bít.

"Đây là cái thói quen giấu giếm của chính quyền, là thái độ coi thường, chuyên bưng bít, xuyên tạc, coi dân như cỏ rác!"

Ông Thụy nói sự hoang mang của người dân là điều có thật, một là do đám cháy tác động đến các hộ dân, nhưng "sự bưng bít của quận Thanh Xuân" còn làm họ hoang mang hơn, chứ không phải do thông báo của phường Hạ Đình.

Sau đó, chính Tổng cục môi trường lại lên tiếng cho rằng văn bản của phường Hạ Đình là hợp lý.

Công ty Rạng Đông xin lỗi

Gần 10 ngày sau hỏa hoạn, công ty Rạng Đông mới chính thức có thư xin lỗi chính quyền và người dân.

Lá thư viết ngày 6/9 do Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thắng ký, tập trung gửi lời xin lỗi đến lãnh đạo quận Thanh Xuân và lãnh đạo thành phố Hà Nội.

"Sự cố hỏa hoạn xảy ra tại công ty chúng tôi đã làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, quận Thanh Xuân, ảnh hưởng đến sức khỏe lực lượng PCCC và đặc biệt tới nhân dân 2 phường sát công ty," lá thư viết.

Trong thư xin lỗi, công ty Rạng Đông thừa nhận đám cháy gây ra "khói, tro bụi kèm theo đã làm ô nhiễm môi trường về không khí, đất và nước tại một số khu vực trong quận".

Tuy nhiên lá thư này không đề cập đến vấn đề nhiễm độc thủy ngân.



Trung bình có 30 mg thủy ngân trong một bóng đèn huỳnh quang và 8 mg trong một bóng đèn compact nên các nhà khoa học tính toán có khoảng 27,2 kg thủy ngân đã bị phát tán.

Số người bị nhiễm thủy ngân

Theo Infornet, đến 9/9 đã có gần 1000 người đi khám sàng lọc nhiễm độc thủy ngân và được khám miễn phí.

Trước đó, hôm 6/9, trong 179 người đến khám thì có 52 người phải điều trị.

Hôm 4/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân nói có khoảng 15,1-27,2kg thủy ngân đã bị phát tán sau đám cháy.

Trong khi đó, PGS TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường nói cần phải xem hệ lụy đám cháy ở Rạng Đông là một thảm họa môi trường.

Được biết chính quyền Hà Nội đã ký gửi công văn đề nghị Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tham gia giám định.

Chính quyền còn đề nghị viện phối hợp với các chuyên gia nước ngoài, nhưng các chuyên gia trong nước nói họ vẫn đủ điều kiện, năng lực, chưa cần đến sự vào cuộc của chuyên gia nước ngoài.



BBC
9-9-2019