Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Một khoảnh khắc hạnh phúc là một niềm vui bất diệt.
Figuiere
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Tu viện Shasta và Ni Sư Jiyu-Kennett

  1. #1
    Join Date
    Oct 2010
    Bài Viết
    7,107
    Thanks
    9
    Được Cám Ơn 14 Lần
    Trong 14 Bài Viết

    Tu viện Shasta và Ni Sư Jiyu-Kennett

    .

    Tu viện Shasta và Ni Sư Jiyu-Kennett




    Có câu hỏi rằng:

    – Vậy thì, làm thế nào để có thể “tự thanh tịnh tâm ý?

    Người viết xin giới thiệu một tấm gương hành trì để "tự thanh tịnh tâm ý" . Đó là một bậc nữ lưu, người đã tận tụy một đời tu và học ở đất nước xa xôi, để có đủ khả năng truyền dạy lại cho người đời phương pháp “tự thanh tịnh tâm ý”, đồng thời tạo dựng những cơ sở vật chất để mọi người có phương tiện tới tu học. Đó là ni sư Jiyu-Kennett, nữ thiền sư môn phái Tào Động Nhật Bản, đồng thời là người sáng lập The Order of Buddhist Contemplatives, mà hai nơi tu tập chính là tu viện Shasta tại Hoa Kỳ và tu viện Throssel Hole tại Anh Quốc.

    Ni sư ra đời tại Anh Quốc vào ngày Tết dương lịch năm 1924, con út và là con gái độc nhất của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, gia đình theo Anh Giáo, tên thánh là Peggy Teresa Nancy. Thiếu thời, cô Peggy được học bổng để học âm nhạc, đậu bằng cử nhân tại
    University of Durham về đàn organ và hòa âm.

    Tiếp cận đầu tiên của Peggy với đạo Phật là cuốn The Light of Asia trong tủ sách của thân phụ và một pho tượng Phật, chẳng biết vì lý do gì được đặt gọn gàng trên bệ lò sưởi tại phòng họp của ngôi trường đầu tiên mà cô bé tới học. Pho tượng này đã đem lại niềm an ủi cho Peggy về những nỗi buồn bã cô đơn tại gia đình và trường học. Dù mới chỉ là một em bé gái nhỏ, mỗi khi nhìn thấy vị sư trong tấm y tu hành thong thả bước trên đường phố, là cô bé lại nói với mẹ rằng cô muốn khi lớn lên sẽ thành một nhà sư như thế.

    Vào năm 1939, thế chiến thứ 2 bùng nổ, bom đạn, chết chóc và những nỗi kinh hoàng mà cô chứng kiến bám theo cô suốt cả cuộc đời. Luôn luôn, cô tự hỏi “Tại sao người ta lại gây ra những chuyện tàn nhẫn như thế với nhau?”.

    Thời gian này là buổi đầu cô giao tiếp với nhạc thánh ca nhà thờ, đồng thời cũng báo hiệu rằng âm nhạc là niềm vui tinh thần đi theo suốt cuộc đời ni sư Jiyu Kennett sau này và được ni sư ứng dụng tuyệt vời vào nhạc lễ tại các thiền viện trong hệ thống Order of Buddhist Contemplatives mà ni sư thiết lập.

    Lúc này cũng là thời gian Peggy tích cực tìm hiểu đạo Phật và được dạy rất chu đáo về căn bản Phật pháp theo truyền thống Nguyên Thủy, quy y và thọ giới cư sĩ với thiền sư Saddhatissa, tiến sĩ Phật học Tích Lan, một bậc danh tăng và là sư trưởng tại London. Cũng tại London, Peggy được gặp gỡ và tham học với rất nhiều giáo sư, trong số đó có tiến sĩ Daisetz Teitaro Suzuki, người đã giới thiệu thiền Lâm Tế với cô.

    Năm 1960, đại sư Keido Chisan Koho, tu viện trưởng chùa Soji bên Nhật qua London, trong chương trình hoằng truyền Phật pháp tại Hoa Kỳ và Anh quốc, gặp cô Peggy Kennett, người tổ chức cuộc đón tiếp, bèn hỏi ý nếu cô muốn trở thành đệ tử của ngài và qua Nhật tu học tại chùa Soji, một trong hai thiền viện chính của tông Tào Động, nơi vốn xưa nay chỉ có nam tu sĩ, thì ngài sẽ chấp nhận.

    Trên đường qua Nhật vào năm 1962, tới Malaysia, cô thọ ni giới theo truyền thống Trung Hoa với đại sư Seck Kim Seng, được đặt pháp danh là Chân Hữu. Tới Nhật, ni cô Chân Hữu tu học với đại sư Koho tại chùa Soji. Sau này ni cô Jiyu được đại sư Koho xác nhận khả năng giảng dạy Phật pháp và cuối cùng, ni sư được ấn chứng là Đạo Sư.

    Trong thời gian lưu ngụ tại Nhật, một quốc gia vốn có truyền thống trọng nam khinh nữ, lại kỳ thị người ngoại quốc, nhất là đàn bà ngoại quốc mà lại muốn trở thành tu sĩ là việc vốn của nam giới, ni cô Jiyu phải chịu trăm ngàn cay đắng để nỗ lực hành trì thiền quán, mục tiêu là giải thoát, theo gương đức Phật, không ngại gian nan cực khổ, làm nhiều việc, giữ nhiều nhiệm vụ, kể cả Tri Khách bộ môn người nước ngoài. Cuối cùng ni sư được được bổ nhiệm là tu viện trưởng chùa Umpukuji.

    Sau khi đại sư Chisan Koho qua đời, ni sư rời nước Nhật định trở lại London. Trong khi dừng chân tại
    San Francisco, năm 1969, ni sư quyết định lưu lại Hoa Kỳ, thiết lập Zen Mission Society năm 1970. Tám năm sau, hội này tái tổ chức và đổi tên là Order of Buddhist Contemplatives cho tới nay. Tháng 11 năm 1970, ni sư thành lập tu viện Shasta tại tỉnh Mount Shasta, California, nơi ni sư trụ trì và là tu viện trưởng đầu tiên suốt 26 năm. Ni sư thành lập tu viện Throssel Hole tại Northumberland, Anh quốc năm 1972, đồng thời trong suốt cuộc đời, ni sư cũng thành lập nhiều tu viện tại Bắc Mỹ cũng như tại Âu Châu.

    Ni sư Jiyu- Kennett qua đời tại tu viện Shasta vào ngày 6 tháng 11 năm 1996, để lại khoảng trên 1,000 bài thuyết giảng và một số sách viết về đạo Phật và phương pháp hành trì để giác ngộ.





    Sau đây, xin gửi đến quý vị một đoạn trích dịch từ cuốn Roar of the Tigress, gồm những bài thuyết giảng của ni sư Jiyu Kennet, nói với những người mới bước vào rừng thiền:

    …”… Trước khi nói về cách thực hành Thiền, tôi muốn hãy nói về lý do mà người ta tìm tới con đường Thiền tập đã.

    Bạn phải bắt đầu từ chính bản thân, từ sự ham muốn của bản thân. Bạn cũng thấy đó, có những người đến với tôn giáo không phải vì họ thực sự hâm mộ tôn giáo, nhưng vì họ chẳng có nơi nào khác để hướng tới. Bạn đến với tôn giáo khi tâm lý hoặc tinh thần suy sụp, hoặc thất bại về chuyện gì đó, tâm bạn hoang mang tự hỏi: “Ôi, bây giờ mình biết làm gì, đi đâu ?” Hỏi rồi bạn tự trả lời: “Ờ, biết đâu chẳng có cái gì đó mà mình chưa biết rõ, hay là tìm hiểu thử coi”.

    Thế là bạn bắt đầu mầy mò đi tìm ông tu sĩ hoặc ông đạo sư. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp được một người có khả năng chỉ đường cho bạn.

    Vậy thì, lý do tiên quyết nào khiến cho người ta đi tầm đạo?

    Nhiều người nói rằng vì họ sợ chết, nhưng không phải vậy, mà là họ sợ đời sống. Rất nhiều người sợ những hệ lụy trong đời sống hơn là sợ chết, họ khiếp hãi trước những bất trắc của cuộc đời. Họ có thể chấp nhận cái chết, họ biết đó là chuyện chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai, vả lại, đã luôn luôn có bác sĩ chống chọi để kéo dài mạng sống của họ. Chưa hết, may ra lại có những loại thuốc thần làm cho chuyện chết trở thành dễ có thể chịu đựng được.

    Nhưng chuyện sống thì khác. Ngày mai, bạn sẽ phải chạm mặt ông xếp trong sở làm, bạn phải đi làm, bạn phải lái xe trên xa lộ và biết đâu chừng lại có một tên điên khùng đang lái xe ngay cạnh xe bạn, vậy bạn phải làm thế nào?

    Sự sợ hãi trong đời sống đã đưa người ta tìm về tôn giáo, tìm tới những nhà tâm lý trị liệu, những nhà tâm thần học để hỏi những câu như : ” Bây giờ tôi phải làm gì?”, hoặc:” Tôi phải phản ứng như thế nào ?”

    Khi mà những câu hỏi đơn giản đó không đủ để trả lời cho những băn khoăn thao thức trong lòng, bạn quay vào nội tâm để trầm tư. Và khi mà bạn nói: ”Thế này chưa đủ, tôi muốn đi xa hơn nữa”, thì đó là lúc bạn muốn đến với tôn giáo. Và khi bạn nói: “Tôi chưa thỏa mãn, chắc là còn có cái gì khác hơn nữa”, và bạn bế tắc tại chính điểm này, không còn đường đi tới, thì bạn sẽ tìm về đâu?

    Thưa bạn, khi đó, bạn tìm về nội tâm.

    Ngày nay có nhiều người biết rằng tọa thiền là phần quan trọng của Thiền Phật giáo. Họ hỏi: “Tại sao bạn lại tọa thiền?”, hoặc “Tại sao thiền Tào Động lại lặng lẽ ngồi nhìn vào vách tường?”

    Thưa rằng, đó là một trong những phương pháp chính để nhìn vào nội tâm, để trực diện với chuyện sinh và tử….”… Đã bao giờ bạn nhìn thẳng vào tâm bạn chưa? Khi tọa thiền, bạn ngồi đối diện và nhìn vào bức tường thực, nhưng chỉ một lúc sau là bạn sẽ nhận ra ngay rằng bạn đang nhìn vào đó để lấp bít các cảnh tượng, đang đóng cửa các giác quan, để nhìn vào nội tâm của bạn…”…

    Trên đây là bài pháp trích dịch từ cuốn Roar of the Tigress.




    Shasta Abbey Monastery - 1974
    Địa chỉ: 3724 Summit Dr, Mt Shasta, CA 96067
    Điện thoại: (530) 926-4208
    Website: http://www.shastaabbey.org.

    ***


    Để quý vị có thêm khái niệm về hành thiền Phật giáo, chúng tôi xin kính gửi những lời tâm tình của đạo hữu Danny Việt, người cư sĩ đã từng lưu ngụ tại tu viện Shasta, nơi ni sư Jiyu Kennett đã dày công xây dựng, như sau:

    … “… Tu viện tọa lạc trên một khoảng đất rộng 20 mẫu rừng thông, nơi sườn núi Shasta, cực bắc tiểu bang California, giáp ranh Oregon, trên độ cao 4000 feet, gồm khu nhà tăng ni và khu cư sĩ riêng biệt. Khu tăng ni thì tôi không được vào coi, theo như hình ảnh cho thấy thì đời sống tu hành của họ đạm bạc, gọn gàng, cũng như những thiền viện cổ xưa bên Nhật, hoặc bên Tầu, với cái giường dài thoòng, chia ra cho mỗi người một khúc, chạy theo giường là cái tủ dài, cũng chia ra theo với cái giường, coi như đầu giường, để đựng quần áo cá nhân, mà thôi.

    Khu cư sĩ là một căn nhà dài, chia ra làm hai khu Nam và Nữ, giữa là phòng uống trà. Mỗi bên chạy dài hai dẫy phòng cho cư sĩ ở, có người thường trú quanh năm, có người chỉ lưu lại trong khoảng thời gian mỗi khóa retreat, thường là một hoặc hai tuần. Ngoài ra, ai muốn ở lâu mau, tùy ý, chỉ cần liên lạc với tu viện để sắp xếp.

    Trong hai lần lưu ngụ trên đó, tôi đều thấy các sư thường trú gồm khoảng gần 30 vị, và cư sĩ thường trú chừng 20 vị, có một lần gặp kỳ retreat, tôi thấy cư sĩ từ các nơi xa đến, đông cỡ gần một trăm vị

    Tu viện đặt sự hành trì lên rất cao. Phần lớn thời gian dành cho tọa thiền, thiền hành, và working meditation, cũng chỉ là làm những việc thường ngày trong tu viện, mục tiêu để luôn luôn giữ được sự tỉnh giác, sống ngay trong hiện tại, không để tâm lang thang về quá khứ hoặc tương lai. Mọi người đều rất tôn trọng sự tu hành của người khác, và giúp đỡ nhau tối đa. Trong một lần tôi ở trên đó, một hôm tôi bị xoắn bắp thịt lưng, đau quá, vậy mà thấy tôi không đi được, suốt mấy ngày trời, mọi người dìu tôi lên thiền đường, xa cỡ 100 mét, để tôi không bị gián đoạn tọa thiền. Mà nào đã xong, tôi đau quá, không ngồi được, các sư và bạn đạo lại sắp xếp, dìu tôi nằm xuống để tâm tọa.

    Sau khi sống với các vị tu sĩ trên đó mấy tháng trời, tôi cảm động xác nhận rằng họ là những người tràn ngập lòng từ bi, mọi người cư xử với nhau rất bình đẳng.

    Mỗi ngày mọi người dùng bữa ba lần, ăn trong hoàn toàn yên lặng, có cử hành tam đề, ngũ quán. Tuy ăn chay lacto ovo, tức là có trứng và sữa (vì hầu hết cư sĩ đều là người Mỹ, mới tập ăn chay theo đạo Phật), nhưng các sư nấu thêm đồ ăn không có trứng và sữa cho người kiêng kỹ.

    Các sư săn sóc người già, bệnh, không phân biệt giầu nghèo, và tiền mọi góp để đến ở là tùy hỉ, tự động bỏ vào cái hộp đề là Begging Bowl, không cần phải đưa cho tu viện, tránh người nghèo tủi thân. Nếu cư sĩ đã thường trú hai năm, muốn xuất gia, sẽ được tiếp đón nồng nhiệt vào tăng đoàn.

    Trong hai lần ở trên tu viện Shasta, dù tôi là người VN độc nhất, xa lạ, nhưng tôi cảm nhận cách tu viện đối xử với tôi hoàn toàn bình đẳng.

    Tu viện có một nghĩa địa chôn chó mèo v.v…, khắp khu chung quanh đem chôn xác pet của họ, rồi họ tới thăm mộ, nghe các sư giảng về lòng từ bi, bình đẳng của đạo Phật đối với toàn thể chúng sinh (sentient beings), có một số chuyển qua đạo Phật luôn.

    Về phương pháp hành trì, tu viện Shasta theo truyền thống từ Tổ Tào Động của Nhật Bản, đại sư Đạo Nguyên, viết trong cuốn Shobogenzo (Chánh Pháp Nhãn Tạng), là Phật tánh (trên đó gọi là Buddha Nature, Buddha Mind, True Mind) vốn sẵn sàng, khắp nơi, thường hằng. Chỉ vì ta đã để cho mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày liên tiếp lôi kéo, khiến cho tam độc tham, sân, si chi phối, tạo nghiệp liên tục, như con tầm dệt cái kén để tự nhốt mình vào trong, thấy thế giới chỉ còn là phạm vi cái kén, chúng ta thì tạo nghiệp, trả quả báo, nên sống hết kiếp này tới kiếp khác trong mê. Tọa thiền là trở lại sự bình thường, vĩnh hằng, phi không gian thời gian, của TÂM. Mà vì TÂM ở mọi nơi, mọi lúc, nên có thể tự hiển lộ (họ dùng chữ “manifest itself”).

    Chính vì không đuổi theo cái sanh diệt liên tục, nên có từ ngữ tạm dùng gọi là quán chiếu tâm, rồi lại có người cho là hành giả Tào Động Nhật Bản nhìn vào tâm tưởng như là mặt trăng, im lặng nhìn cái mặt trăng đó, nên gọi là mặc chiếu. Theo quan niệm thực tế của tôi trong vài tháng ở trên đó, tôi chưa hề nghe sư nào dậy ngồi “quán chiếu” như vậy, mà chỉ dậy rằng vì tâm vốn sẵn, đầy đủ quanh ta, nên nó sẽ “manifest itself”, khi có cơ duyên.

    Tọa thiền theo tu viện Shasta (zazen) là ngồi lặng lẽ, lưng thẳng, mắt mở hé cho khỏi ngủ, ngó mông (nghĩa là nhìn bâng quơ) cách khoảng 1 mét, tất cả mọi sự việc của thế gian trôi qua cứ để tự nhiên, theo thí dụ như một người ngồi dưới chân cầu, bao nhiêu xe cộ chạy qua, dù tai có nghe, nhưng không phải chuyện mình quan tâm, nên cứ để kệ, thế thôi, đối với họ, như thế là mình trở về nguồn tâm.

    Đây là tôi tóm tắt, nhưng cách ngồi cũng có qui tắc để không bị phát những bệnh như đau lưng, tức ngực v.v…, do ngồi nghiêng vẹo v.v…

    Một đặc điểm của tu viện Shasta là có rất nhiều tượng Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, bầy ở khắp nơi, (các tượng chư Phật, chư Bồ Tát khác cũng có, nhưng ít thôi). Tôi có hỏi lý do thì các sư trả lời là :

    ” Tượng Ngài khắp nơi để nhắc chúng ta là tất cả chúng ta đều có thể hiển lộ tâm từ bi bất cứ lúc nào, và vì chúng ta sống trong thế giới cùng với những sinh vật khác, nên chúng ta luôn luôn có cơ hội để thể hiện tâm đó, chúng ta thì hay quên, nên tượng để nhắc nhở”.

    Không những từ bi với sinh vật, ngay đối với đồ vật, mọi hành động thí dụ đặt món đồ xuống, đóng cánh cửa, v.v…, đều được yêu cầu làm thật nhẹ nhàng.

    Đời sống trong tu viện rất êm ả, gặp nhau là chắp tay xá, không có đảnh lễ, cư sĩ xá sư thì sư xá lại. Ít khi có tiếng nói lớn, thường chỉ vừa đủ nghe tuy rằng thiền viện rộng lớn.

    Thời khóa biểu của tu sĩ thì tôi không được biết, nhưng chỉ biết họ thức dậy lúc 3:30 AM

    Thời khóa biểu của cư sĩ trong thời gian tôi ở đó thì sáng dậy từ 6 giờ, tối đi ngủ lúc 10 giờ, được chia ra để làm các việc như tọa thiền tại thiền đường, khóa lễ buổi sáng, dọn dẹp trong ngoài chùa, dùng bữa sáng, đọc sách, thiền trong lúc làm việc, thiền tập tại khu cư sĩ, bữa trưa, nghỉ trưa,thiền làm việc, khóa lễ chiều, bữa chiều, nghỉ ngơi, tọa thiền và khóa lễ ngắn, trà đàm, có sư tới nhà khách để giải đáp thắc mắc, tắt đèn lúc 10 giờ. Những giờ như “nghỉ”, “đọc sách”, ai thích thay thế bằng tọa thiền thì đã có thiền phòng trong dẫy nhà cư sĩ.

    Trong tuần lễ retreat mà tôi có tham dự, thời khóa biểu được tăng thêm thời gian tọa thiền, và hằng ngày có “độc tham”, (tức là gặp riêng vị sư có trách nhiệm, để được giải đáp về những kinh nghiệm tâm linh, nếu có).

    Cuối kỳ retreat, tất cả mọi người đều được mời gặp riêng vị sư đó. Tôi trông thấy một bà cụ đi từ phòng độc tham ra, vừa đi vừa khóc. Bà cụ sau này hẹn sẽ gặp tôi trong kỳ retreat tới, với nét mặt tưng bừng, rạng rỡ. Có lẽ bà cụ đã tìm thấy một niềm tin sâu sắc về mặt tâm linh, hoặc là vị sư đã giải tỏa nỗi ẩn ức, niềm thống khổ nào đó của bà cụ.

    Có thể vì thói quen của người Mỹ là tôn trong sự riêng tư (privacy), nên tuy trong bản qui chế chỉ dặn sơ qua, mà suốt thời gian tôi ở trên đó không ai hỏi gia cảnh, nghề nghiệp vân vân, của tôi. Mà tôi cũng rất hiếm thấy cảnh vài người rù rì tâm tình, tuy là phong cảnh thiên nhiên đẹp vô cùng với những dẫy núi mây giăng, sương tỏa, cảnh mặt trời chiếu trên đỉnh núi tuyết trắng xóa, rực rỡ như khối kim cương khổng lồ óng ánh …''…





    Liên Hương (ĐPK)
    (Trích "Chương trình phát thanh Tìm hiểu Phật pháp Tuệ Đăng")
    Last edited by khieman; 09-27-2019 at 06:12 PM.

Chủ Đề Tương Tự

  1. Núi Shasta: Địa điểm linh thiêng với những câu chuyện bí ẩn
    By sophienguyen in forum Thế Giới Huyền Bí
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 12-09-2015, 02:59 AM
  2. Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 08-30-2014, 11:26 PM
  3. Tu viện Shasta và Ni Sư Jiyu-Kennett
    By khieman in forum Tự Do Tôn Giáo
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-22-2014, 10:34 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •