.

Đạo Khổng
còn hợp với thời nay không?





Trước đây, dưới thời Pháp thuộc, đã từng có những đợt nghiên cứu và đánh giá lại Nho giáo với các học giả có tên tuổi như Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Đào Duy Anh… Rồi đến khi nổ ra cuộc “cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc, với phong trào “phế Khổng, phê Lâm” thì ở nước ta lại rộ lên cuộc tranh luận “quét sạch tàn dư của Khổng giáo” (xem Xưa & Nay số 197, tháng 10/2003). Gần đây, trong mối giao lưu và hội nhập ngày càng được đẩy mạnh với các nước trong khu vực, nhiều học giả đã quay trở lại với việc đánh giá vai trò của Nho giáo trong xã hội Việt Nam thời hiện đại. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn đọc tổng hợp một số ý kiến của các học giả nước ngoài, và quan diểm của một số nhà nghiên cứu Việt Nam đối với vấn đề trên.

Ở Nhật Bản, ngày 6/4/1868 Minh Trị Thiên Hoàng long trọng tuyên bố cai trị theo ý nguyện của dân và đề ra cương lĩnh hành động trong đó có điểm mấu chốt:

"Học tập nước ngoài để xây dựng đất nước".

Phong trào Âu hóa đất nước phát triển rầm rộ vào những năm đầu thời Minh Trị. Nhà nước Nhật Bản đã tiếp thu mạnh mẽ những thành tựu của phương Tây, đã muốn giáo dục con em họ theo nội dung đạo đức Châu Âu. Họ say mê tân học bài xích cựu học.

Nhưng đến giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XIX chủ nghĩa Âu hóa lại bị dân chúng phê phán vì không phù hợp với xã hội Nhật Bản. Họ đòi phục hồi lại những giá trị truyền thống của Nhật Bản - giáo dục theo Nho giáo, lấy Nhân - Nghĩa –Trung - Hiếu làm nòng cốt.

Nguyên Điều Vĩnh Phù- một nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản thời đó viết:

"Điều quan trọng của giáo dục là phải minh xác các điều Nhân - Nghĩa - Trung - Hiếu, phải nghiên cứu hiểu biết các tri thức, nghề nghiệp, phải thực hiện đầy đủ đạo làm người, đó là phương châm lớn từ trước đến nay của đất nước ta, tồn tại từ trên xuống dưới ở khắp mọi người. Nhưng có thể nêu ra tình hình là gần đây lại có thói tôn sùng tri thức nghề nghiệp, rơi vào chỗ sau chót của sự văn minh khai hóa, làm tổn hại nhiều đến phẩm hạnh, phong tục. Có thể nêu lên rằng những người đi hàng đầu muốn phá vỡ tập quán vốn có từ xưa mở rộng tri thức ra toàn thế giới, nhất thời tiếp thu chỗ mạnh của phương Tây, đặt Nhân - Nghĩa - Trung - Hiếu ở sau, phải đặt nó trên cơ sở giáo huấn kinh điển của tổ tiên, phải xác đinh rõ ràng việc học trung hiếu đạo đúc, lấy Khổng Tử, lấy việc mọi người phải tôn sùng sự thành thục, phẩm hạnh làm điều trọng yếu..."
(Giáo học thánh chỉ) (l).

Trong lúc tân học bài xích cựu học thì nhờ có Minh Trị Thiên Hoàng là bậc minh quân cương quyết đã điều hòa giải quyết gìn giữ tinh thần đạo đức cổ truyền mà lại nghiên cứu văn minh khoa học đã đưa nước. Nhật yếu kém, chỉ trong vòng mươi năm vượt lên đứng ngang hàng với các nước Âu Mỹ.

Ngày 30/10/1890 trong chỉ dụ Minh Trị Thiên Hoàng đã tỏ rõ lập trường cải cách của mình:

“Các tiên đề đã sáng lập nước trên nền tảng rộng rãi chắc chắn, nền tảng ấy là nhân đức mà các đấng muốn cho ăn sâu rễ vào lâm hồn quốc dân, thần dân ta nhất tề trung hiếu từ đời này sang đời khác đã chứng tỏ việc các đấng tiên đế là mỹ hảo và đó là vinh dự của nước ta. Nguồn mạch giáo dục của giống nòi cũng do cái đức trung hiếu mà phát khởi. Hỡi các thần dân, đối với cha mẹ, các ngươi hãy hiếu thảo, đối với anh chị em, các ngươi yêu thương, trong gia đình hãy hoà hợp, trong sự giao du với bạn bè, các ngươi hãy trung thành. Hãy ăn ở cho nhã nhặn tiết độ, hãy hảo tâm thiện chí với một người, hãy luyện tập các khoa học và nghệ thuật, hãy tiến triển các khả năng tri thức. Hãy phát huy các lực lượng luân lý. Hãy quan tâm đến công lợi, công ích, hãy kính trọng hiến pháp, hãy giữ gìn luật lệ khi cần thiết hãy đưa vai gánh vác giang sơn, hãy ân cần bảo vệ nền thịnh vượng của quốc gia. Làm như vậy các ngươi sẽ là những công dân tốt và giúp vào việc duy trì nền văn minh thịnh vượng khiến cho dân tộc Đại Nhật hãnh diện với các nước văn minh" (2).

Để hưởng ứng ý nguyện canh tân của nhà vua, thân sĩ và nhân dân Nhật đều phấn khởi chung lo việc nước. Toàn quốc thành lập nhiều hội Tư Văn để đào tạo tư cách con người. Ai nấy đều lo tự tỉnh tự cường, giữ gìn tinh thần đạo đức cổ truyền lại tiếp thu văn minh khoa học Âu - Mỹ.

Bây giờ chúng ta quay lại Trung Hoa cội nguồn phát sinh ra học thuyết Nho giáo để nghiên cứu sự thăng trầm của Nho giáo trong thời cận, hiện đại. Sau khi cách mạng Tân Hợi thành công (1911), chế độ phong kiến tồn tại hàng mấy ngàn năm bi lật đổ, Trung Hoa Dân quốc được thành lập Thái Nguyên Bồi nhận chức Tổng trưởng Giáo dục. Do thấy trong tôn chỉ giáo dục đời Thanh có hai điều là:

"Trung quân và tôn Khổng, mà trung quân thì không hợp với chính thể cộng hòa, tôn Khổng thì trái ngược với tự do tín ngưỡng nên xóa việc tôn thờ Đức Khổng Tử. Mùa thu năm Dân Quốc thứ năm (1916), Khang Hữu Vi đệ thư lên cho Lê Nguyên Hồng và Đoàn Kỳ Thụy yêu cầu lấy Khổng giáo làm quốc giáo, đưa vào hiến pháp. Bởi những việc đó gây cản trở cho phong trào dân chủ nên dẫn tới sự chống đối của Trần Độc Tú. Trần Độc Tú cho rằng Khổng giáo không dung hòa được với chế độ lập hiến, do vậy đạo Khổng đi ngược với cuộc sống hiện đại. Lý lẽ đó hợp với tâm lý ghét chế độ đế chế của thanh niên và trí thức đương thời dẫn đến sự công kích toàn diện truyền thống Nho giáo (3). Do vậy, họ bỏ học thuyết duy lý nhã nhặn, kín đáo của Khổng Tử, đi theo học thuyết duy lý máy móc của phương Tây. Vả lại đạo Khổng bảo thủ, dung hòa được sự hăng hái của tuổi trẻ và sự thận trọng của tuổi già. Cách mạng chỉ biết có tuổi trẻ, và mỉm cười trước lời khuyên này của Khổng Tử "Người nào cho những bờ đê cũ là vô ích và phá bỏ đi thì một ngày kia sẽ bị tai hại của nạn lụt lội” (4).

Khi phong trào chống Nho gia đạt đến cao trao thì Lương Thấu Minh là người mở đầu cuộc cách mạng tư tưởng, dựng ngọn cờ Nho giáo bắt đầu đề xướng Khổng học. Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), Lương Thấu Minh mở một cuộc "Hội thảo triết học Khổng Tử” ở sở Nghiên cứu triết học. Ông đã nói lên quan điểm lập trường của ông khi mở cuộc hội thảo triết học ấy"… ở Trung Quốc ngày nay có người đề xướng Tây học, có người đề xướng Phật học, chỉ về Khổng Tử là ngượng mồm không ai đám nói đến. Sự thật về Khổng Tử nếu tôi không đề xướng thì chẳng ai đề xướng? Đó là duyên cớ bức tôi tự mình đến sống ở nhà họ Khổng” (5).

Trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Quốc, để đoàn kết nhân tâm cùng nhau chống Nhật, chủ nghĩa dân tộc được hình thành. Nhà nước cũng nêu cao tinh thần dân tộc, khôi phục đạo đức vốn có. Quốc Dân Đảng thúc đẩy phong trào đời sống mới, việc đó được xây dựng trên luân lý truyền thống. Chính trong không khí chân hưng luân lý truyền thống này, năm Dân Quốc thứ 23 (1934) khôi phục lại ngày lễ kỷ niệm Thánh Đản của Đức Khổng Tử đã bị Thái Nguyên Bồi bãi bỏ từ năm đầu Dân Quốc (1912).

Trong lễ kỷ niệm nay người được mời nói về học thuyết của Khổng Tử chính là Lương Thấu Minh - người đầu tiên nêu ngọn cờ phục hưng truyền thống Nho giáo(6).

Trong các thập kỷ 50, 60, 70 ở Trung Quốc vẫn tiếp tục phê phán Nho giáo. Nhưng vì nghiên cứu theo định hướng trước nên thiếu phần khách quan trong phân tích và nhận định không có sức thuyết phục. Trong thời kỳ này người ta biết phê phán, học thuật thành phê phán chính trị, người ta gắn “phê phán” Khổng Tử với phê phán các nhà chính trị, quân sự đương đại của Trung Quốc. Họ phủ nhận sạch trơn Nho học, Nho giáo theo chủ nghĩa hư vô, thậm chí oán ghét quá khứ, đập phá quá khứ (7).

Ngày nay, ở Trung Quốc vai trò của Nho giáo đã được căn bản khẳng định. Giới học thuật Trung Quốc đã có Tạp chí nghiên cứu riêng về Khổng Tử. Hàng trăm đầu sách nghiên cứu về Nho học - Nho giáo ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các tỉnh đã được xuất bản. Các học giả nổi tiếng như Lý Trạch Hậu, Trương Đại Niên, Thái Thượng Tư, Trương Lập Văn, Thang Nhất Giới, Phương Lập Thiên... đều lên tiếng "phản tư” (suy nghĩ lại). Họ khẳng định những giá trị xã hội của Khổng Tử, Mạnh Tử, đồng thời chỉ ra những nhân tố hợp lý và những nhân tố còn hạn chế của Nho giáo (8).

Nho học

Nho giáo là thành tố văn hóa truyền thống của nhiều nước Đông Á. Ở Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã có nhiều cuộc thảo luận về Nho học Nho giáo. Các học giả nghiên cứu Nho học - Nho giáo ở Đài Loan như Dư Thời Anh, Phó Bội Vinh, Thẩm Thanh Tùng, ở Nhật Bản như Morishima Michio, Hoàng Sơn Mẫn Thu, ở Hàn Quốc như Lý Hữu Thành, Di Ngư Thuần đều có những công trình nghiên cứu sâu sắc về Nho giáo, đều nêu lên những ưu điểm nổi trội của Nho giáo như về các vấn đề gia đình, đất nước, về học thuyết Nhân và Lễ. Ở Pháp giáo sư Léon Vandermeerch cũng khẳng định tác dụng tích cực của Nho giáo ở các nước Đông Á. Rõ ràng gần đây có cái "nhiệt Nho giáo” trong nghiên cứu khoa học xã hội hiện đại ở nhiều nước (9).

Ở Nhật Bản và "bốn con rồng Châu Á" nhiều tác giả và các Nhà quản lý lại cho rằng, Nho giáo có nhiều yếu tố tích cực giúp cho các nước này tăng trưởng và phát triển.

Singapore là một xã hội đa nguyên, đa dân tộc, đa tôn giáo, người Hoa chiếm đa số. Tháng 2/1982 các nhà đương cục về giáo dụcSingapore tuyên bố đưa các môn luân lý học và nho giáo vào các khóa trình tôn giáo để các học sinh năm thứ 3 và thứ 4 trung học lựa chọn.

Tháng 6/1982 phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Ngô Khánh Thụy cầm đầu một phái đoàn sang Hoa Kỳ bàn với các học giả Nho giáo người Mỹ gốc Hoa về những nguyên tắc và kế hoạch thúc đẩy việc thực hiện luân lý Nho giáo.

Tháng 7/1982 có 8 vị học giả từ Mỹ đến Singapore để tìm hiểu tình hình, giúp các học giả Singapore thực hiện việc đó.

Các nhà lãnh đao Singapore là Lý Quang Điệu và Ngô Khánh Thụy đã phát biểu ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của luân lý Nho giáo và mối quan hệ sâu sắc giữa tư tưởng Nho giáo với xã hội người Hoa. Năm 1987 các học giả Singapore và Trung Quốc tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế lớn về Nho học ở Khúc Phụ quê hương Đức Khổng (l0).

Tại Hội nghị khoa học quốc tế về nghiên cứu Khổng Tử và Đại hội thành lập liên hiệp Nho học quốc tế nhân kỷ niệm 2.545 năm sinh Khổng Tử tháng 10/1994 ở Bắc Kinh, Lý Quang Diệu - nguyên Thủ tướng Singapore đã nói lên mối quan hệ xã hội Singapore và Nho giáo. Ông cho rằng, nội dung giáo dục con người hiện nay ở nước ông là phát huy các giá trị quan và quy phạm luân lý Nho gia: "76% nhân khẩu Singapore là người Hoa. Văn hóa dân tộc Hoa chú trọng ngũ luân, cũng tức cha - con có tình thân, vua - quan thì có nghĩa, chồng - vợ có khác biệt, trưởng - ấu có thứ tự, bạn - bè có điều tin. Họ xem lợỉ ích xã hội cao hơn lợi ích cá nhân, do đó không tiếp thu chủ nghĩa cá nhân vô hạn độ của Mỹ" (11).

Ông Lý Quang Diệu nêu rõ một số ý kiến về kết quả thực tế về giá trị quan Nho giáo đưa lại:

"Từ kinh nghiệm quản lý nước Singapore, đặc biệt là trong những ngày gian khổ từ năm 1959-1969 khiến tôi tin tưởng sâu sắc rằng, nếu không phải là đại bộ phận nhân dân Singapore, đặc biệt là trong đại bộ phận nhân dân Singapore được hun đúc giá trị quan của Nho học thì chúng tôi không có cách gì có thể khắc phục được những khó khăn và trở ngại đã vấp phải (12).

Cũng tại hội nghị trên ông Cốc Mục, Hội trưởng Hội nghiên cứu Khổng học Trung Quốc cũng đã nói triển vọng của Nho học - Nho giáo trong phạm vi quốc tế:

"Nho học, văn hóa truyền thống cổ xưa của phương Đông này có khả năng thu hút được giá trị mới, gây được ảnh hương tích cực trong sự phát triển mới của xã hội loài người trên thế giới ở một khu vực rộng lớn (13).

Năm 1995, Hội nghị quốc tế về Nho giáo tồ chức tại Bắc Kinh đã bầu ông Lý Quang Diệu làm Chủ tịch Hội Khổng học thế giới.

Còn ở Việt Nam vấn đề nghiên cứu Nho giáo như thế nào? Gần đây ở Việt Nam việc nghiên cứu Nho giáo lại có chiều hướng mở rộng với các học giả Trần Văn Giàu, Nguyễn Khắc Viện, Vũ Khiêu, Nguyễn Tài Thư, Quang Đạm, Lê Sĩ Thắng… riêng giáo sư Nguyễn Tài Thư thuộc Viện Triết học là thành viên tham dự Hội thảo quốc tế về Khổng Tử tại Bắc Kinh năm 1994.

Ý kiến của các nhà nghiên cứu Việt Nam nói trên có điểm không thống nhất ngay từng học giả riêng biệt cũng không nhất quán, hiện tại không giống trước kia: Nói chung các nhà nghiên cứu chỉ tập trung phân tích sâu sắc ảnh hưởng tích cực và những hạn chế của Nho giáo ở Việt Nam. Nội dung nghiên cứu của Nho học và Nho giáo trong gần thập kỷ 90 của thề kỷ trước chủ yếu là tìm hiểu hệ thống giá trị của Nho giáo, sự bất lực của nó đối với xã hội trong thời gian khoảng hơn thế kỷ vừa qua. Trên thực tế các nhà nghiên cửu Việt Nam chưa đề cập nhiều đến vấn đề lịch sử phát triển của Nho giáo ở Việt Nam và đặc điểm Nho giáo Việt Nam giống và khác với Trung Quốc ở điểm nào (14).

Kế thừa tinh hoa Nho học - Nho giáo hoàn toàn không có nghĩa là quay trở lại với xã hội Nho học - Nho giáo ngày xưa. Xã hội phong kiến đã qua không bao giờ trở lại, những tinh hoa của Nho giáo vẫn là công cụ hữu ích cho quá trình phát triển xã hợi ngày nay.

Để kết thúc tôi xin mượn lời của Will Durant nhận xét về học thuyết tư tưởng Khổng Tử:

"Không nên trách Khổng Tử về tất cả những nhược điểm ấy. Không ai lại đòi một triết gia phải suy tư cho hai chục thế kỷ. Trong một đời người làm sao có thể tìm được con đường đưa tới tri thức cho hết thảy các đời sau. Mà rất ít người làm nhiệm vụ ấy một cách đầy đủ như Khổng Tử. Càng hiểu rõ ông, chúng ta càng ngạc nhiên rằng chỉ có một phần nhỏ trong đạo của ông là không hợp với khoa học, với những sự biến đổi do thời gian. Khi ta nhận thấy rằng ngay ở thời đại chúng ta, ông vẫn còn là người chỉ đường chắc chắn cho chúng ta thì chúng ta quên những lời đôi khi hơi nhàm của ông và đức độ quá hoàn toàn của ông làm cho ta có lúc chịu không nổi.“(l5).

***


1. Vũ Khiêu, Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nxb KHXH, 1997, tr.56 - 57 (Vũ Khiêu dẫn lại từ bài "Việc giáo dục đạo đức và Nho giáo ở Nhật Bản " của Hoàng Sơn Mẫn Thu trong cuốn Nho học quốc tế thảo luận hội văn tập Tề Lỗ Thư Điếm, 1987. tr. 1.299 - Trung Văn).

2.Tài liệu của linh mục Hoàng Văn Đoàn đăng trên tập san Cổ học tinh hoa sổ đặc biệt, CTQG, Quảng Nam, 1962.

3. Vi Chính Thông, Nho gia với Trung Quốc ngày nay (Nguyễn Huy Quý dịch), Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.282-283.

4. Wil Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa (Nguyễn Hiến Lê dịch),Nxb VHTT, tr.342)

5. Vi Chính Thông, Sđd, tr.311.

6. Vi Chính Thông, Sđd. tr.313.

7 . Phan Đại Doãn (chủ biên), Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam, Nxb CTQG, Hà
Nội, 1998, tr.272.

8. Phan Đại Doãn, Sđd, tr.8.

9. Phan Đại Doãn, Sđd, tr.8 - 9.

10.Vũ Khiêu, Sđd, tr.78 - 79.

11. Phan Đại Đoãn, sđd, tr.272 -273 (Gs Phan Đại Doãn trích lại tài Liệu của GS. Nguyễn Tài Thư, Viện Triết học, thành viên tham gia Hội thảo quốc tế về Khổng g Tử tại Bắc Kinh năm 1994).

12. Phan Đại Đoãn, Sđd, tr.273.

13. Phan Đại Đoãn, Sđd, tr.273.

14. Phan Đại Doãn, Sđd. tr.11.

15.Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb VHTT, tr.92-93.
Nguyễn Văn Nghệ
Tạp chí Xưa & Nay