Ai đã biến nhà ga Cát Linh – Hà Đông rơi vào thảm cảnh như hôm nay?



Còn nhớ trước đó, Bộ GTVT nhận định việc xây dựng dự án Tổng thầu Trung Quốc thực hiện tốt, công tác xây dựng cơ bản, cung cấp thiết bị cho dự án đến lúc này đã xong 99%, chỉ còn 1% còn lại là các hạng mục nhỏ là xong. Họ còn khẳng định, Cát Linh – Hà Đông êm hơn tàu Thống Nhất. Nhưng đến nay dự án vận hành đâu chẳng thấy, mà chỉ thấy nhà ga bị biến thành chợ cây cảnh Tết sau 17 năm “mang thai” nhưng không thể chào đời. Dư luận có quyền đặt câu hỏi, ai đã biến nhà ga Cát Linh – Hà Đông rơi vào thảm cảnh như hôm nay?

Không chỉ tiến độ ì ạch thi công ẩu, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn gây ch.ết người. Đau xót nhất là dự án đã trải qua bao đời Bộ trưởng, đời nào cũng được hứa hẹn nhưng đến nay gần hai chục năm rồi mà vẫn nằm chình ình ra đó như một tượng đài ô nhục giữa thủ đô. Chưa kịp đưa vào vận hành thương mại thì đã xuống cấp nghiêm trọng, ấy vậy mà mỗi năm, vẫn phải trả lãi cho Trung Quốc trên 870 tỷ đồng, mỗi ngày khoảng 2,4 tỷ.


Bộ GTVT từng khẳng định còn 1% khối lượng công việc nữa là đi vào vận hành…Nhưng nay 1% ấy có lẽ đã chưa hoàn thành nên Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa hoạt động. Không biết 1% ấy gồm những công việc kinh khủng như thế nào mà mất gần 1 năm vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Để rồi trong quá trình chờ đợi 1% ấy hoàn thành, Bộ GTVT còn tăng vốn đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên hơn 18.000 tỷ đồng mà không báo cáo Thủ tướng. Đến hôm nay, lại nói “bất lực” trước tiến độ của dự án.

Chưa hết, chính quyền Hà Nội cũng vay lại 98,35 triệu USD phần vốn vay nước ngoài để giải ngân các hạng mục liên quan tới việc khai thác, vận hành kinh doanh tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hà Nội còn trần tình, sẽ dùng khoản tiền vay này để giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài đối với khâu vận hành dự án, bao gồm cả trả lãi vay. Theo Hà Nội, việc vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông không làm vượt hạn mức vay nợ của TP. Để rồi cuối cùng Chính quyền Hà Nội cũng báo cáo Ban bí thư vì “bất lực” với dự án này.

Đầu năm mới Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào sử dụng. Nhớ không nhầm, cách đây tròn 3 tháng, ông Trịnh Đình Dũng cũng đích thân thị sát, đi thử tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ông đã chất vấn Tổng thầu Trung Quốc về việc để dự án chậm tiến độ, đồng thời yêu cầu Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trong năm 2019 phải đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Tổng thầu và Bộ GTVT đã không thực hiện được yêu cầu này.

Và nay, Cát Linh – Hà Đông, mà một số người xem như “bảo vật” của quốc gia không ai được đụng tới, trở thành chợ cây cảnh của người dân Hà Thành trước thềm năm mới.






Quất cảnh và các mặt hàng gốm sứ được bày bán la liệt dưới chân nhà ga đường sắt Cát Linh – Hà Đông, xâm phạm cả khuôn viên nhà ga lẫn vỉa hè bên ngoài. Bên phía mặt phố Cát Linh, các chậu quất cảnh được xếp san sát từ trong gầm nhà ga ra đến vỉa hè. Kế bên hàng quất cảnh là “siêu thị” gốm sứ với đủ loại bát hương, lọ hoa, đồ thờ cúng bày la liệt. Sau khi các sạp hàng được mở ra, lòng đường phố Cát Linh nhanh chóng trở thành nơi đỗ xe cho khách mua hàng. Những sợi xích làm hàng rào ngăn cách nhà ga với lòng đường cũng bị tháo bỏ.

Không phải ví von, chứ công nhận, đây chắc là chợ cây cảnh “đắt” nhất hành tinh. Khi bước sang năm 2020, chưa thể vận hành, nhưng mỗi ngày nhà nước đang phải trả gần 1 tỷ đồng tiền lãi, và lương cho 1000 nhân viên. Được biết, thành phố đã tuyển khoảng 1.000 nhân viên, cán bộ để vận hành, vậy nhưng 2 năm qua mặc dù tuyến chưa hoạt động nhưng thành phố đang phải trả lương đều hàng tháng cho số nhân viên, cán bộ này.

Ai đã đẩy Cát Linh – Hà Đông rơi vào thảm cảnh ngày hôm nay? Tự ý tăng vốn khi chưa hề báo cáo Thủ tướng, chưa hề được Quốc hội cho phép điều chỉnh. Điều chỉnh chi phí mua các đoàn tàu từ 2.778 tỉ lên đến 3.143 tỉ đồng. Trong số 11.400 tỉ nhà thầu TQ báo cáo, có tới 2.656 tỉ đồng do tính sai khối lượng, sai đơn giá. Phụ lục hợp đồng EPC phần thiết bị với đơn giá 178,7 triệu USD, cao hơn khoảng 8,3 triệu USD so với giá trong hợp đồng EPC không đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Vậy đã có ông bà nào chịu trách nhiệm trước dân hay chưa? Chả lẽ cứ nói bất lực là xong cả đôi đường?

Với những dấu hiệu củi lửa rất rõ và mức độ nghiêm trọng của Cát Linh – Hà Đông còn hơn so với gang thép Thái Nguyên, nhưng với Thái Nguyên các đồng chí liên quan đã chịu trách nhiệm, còn Cát Linh – Hà Đông thì những người phải chịu trách nhiệm vẫn kê cao gối ngủ ngon. Cát Linh – Hà Đông – một thứ “của nợ” mười mấy ngàn tỉ, giờ đang lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ có mỗi tác dụng bán cây cảnh dịp tết và trú nắng vào mùa hè. Xin hỏi, bao giờ thì cái lò mới cháy rực tại Cát Linh – Hà Đông đây?

Tường Lâm