Vợ chồng hiệu trưởng lấy ‘sổ đỏ’ trường học thế chấp vay tiền để hưởng thụ





Trường Tiểu Học và Trung Học Cơ Sở Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh. (Hình: Trần Hoàn/Infonet)

Hiệu trưởng trường Tiểu Học và Trung Học Cơ Sở Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh, đã dùng “sổ đỏ” của nhà trường mang đi thế chấp vay “nóng” lấy tiền tiêu xài cá nhân.

“Sổ đỏ,” tức “Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Đất” hay nhà, theo cách gọi vắn tắt của người dân ở Việt Nam vì có bìa màu đỏ.

Theo báo Infonet ngày 15 Tháng Hai, 2020, ông Kiều Minh Trí, hiệu trưởng trường Tiểu Học và Trung Học Cơ Sở Kỳ Trung (trường Kỳ Trung) ở huyện Kỳ Anh đã dùng “sổ đỏ” đất trồng rừng, làm vườn thực nghiệm có diện tích 21.90 hécta của nhà trường là mang đi thế chấp cho bà H. (trú phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), để vay “nóng” gần 300 triệu đồng ($12,897), tiêu xài cá nhân.

Khi vay tiền hồi năm 2016, ông Trí nói dối với bà H. là để “xây dựng tường rào, tu sửa cơ sở vật chất cho trường học chuẩn bị cho năm học mới,” nhưng thực chất là lấy tiền tiêu xài cá nhân. Sau hơn ba năm vay mượn, nhiều lần ông Trí hứa trả nhưng lại thất hẹn và đến nay mới chỉ trả được một ít. Tức giận, bà H. đã tố cáo sự việc đến báo chí.

Nói với báo Infonet, ban đầu ông Trí phủ nhận việc mang “sổ đỏ” đất rừng của nhà trường đi thế chấp vay tiền, đồng thời đưa ra một “sổ đỏ” (bản gốc) chứng nhận “Cơ Sở Giáo Dục – Đào Tạo, thời hạn sử dụng lâu dài” số AQ 097000 cấp ngày 14 Tháng Mười Hai, 2009, do trường Kỳ Trung đứng tên, có địa chỉ tại xóm Đông Sơn, xã Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh.



Tuy nhiên, khi báo Infonet cho rằng không phải “sổ đỏ” này, mà là “sổ đỏ” đất lâm nghiệp thì ông Trí chững lại trong giây lát và cho biết: “Bìa đất rừng bị hỏng rồi, hiện tôi đang làm tờ trình xin cấp lại.”



Giấy vay tiền của vợ chồng ông Kiều Minh Trí. (Hình: Trần Hoàn/Infonet)

Theo tờ trình số 26/TTr, ngày 2 Tháng Mười, 2019, do ông Kiều Minh Trí ký tên, đóng dấu có nội dung: “Năm 2017, cơn bão số 10 tàn phá nặng nề, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhà trường cũng như phòng học, công trình vệ sinh và văn phòng bị tốc mái, bị ướt một số tài liệu trong đó có Giấy Chứng Nhận Quyền Sở Hữu Đất trồng rừng số 00026 bị hỏng, nhòe không nhìn thấy gì cả. Vậy trường Kỳ Trung lập tờ trình này kính đề nghị Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Hà Tĩnh cấp lại bản mới.”

Thấy không thể né tránh, ông Trí thừa nhận: “Vợ tôi cũng là giáo viên, trước đây làm ăn bị thua lỗ rất nhiều. Bìa đất tôi bỏ trong tủ, vợ đến chơi rồi trộm đưa đi cầm cố. Vừa rồi tôi đã làm tờ trình xin cấp bìa mới.”

Khi báo Infonet đưa ra giấy vay tiền có chữ ký của cả hai vợ chồng, thì ông Trí phủ nhận: “Đây không phải là chữ ký của tôi, mà do vợ tôi tự ký khống.”

“Người ta nói vậy chứ tiền nợ không nhiều như thế đâu. Hiện nay còn một ít nữa sẽ yêu cầu bà ấy (bà Lê Thị Bích Thảo, vợ ông Trí) sắp xếp để lấy bìa về, để thế là không thể được. Lỗi của tôi là không bảo quản chặt chẽ để sơ suất nên mất đi,” ông Trí tiếp tục biện minh.

Nói về việc này ông Đinh Sỹ Quân, trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo huyện Kỳ Anh, cho biết: “Cách đây khoảng một năm, tôi có nhận được thông tin là thầy Trí lấy bìa đất của nhà trường đi vay nên yêu cầu hiệu trưởng và kế toán xuống làm việc, sau đó có đưa sổ đỏ của nhà trường xuống trình chứ không biết cái bìa đất lâm nghiệp này.”

“Quan điểm là đã vay thì phải trả để lấy ‘sổ đỏ’ về, chứ không thể cầm cố cái bìa này được, bởi vì đây là tài sản của nhà nước. Nếu không, tôi sẽ đề nghị với huyện xử lý,” ông Quân khẳng định.



(Tr.N)Người Việt