KINH TẾ MỸ CẦN GÓI KÍCH CẦU MẠNH NỮA CHO HỒI PHỤC THẬT SỰ


TS Phạm Đỗ Chí

Ông Krugman, người từng được giải Nobel về kinh tế, vừa lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ các chính sách kinh tế vĩ mô hiện tại khi cho rằng sự hồi phục nền kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu đang không xảy ra như trong các lời tuyên bố chính thức của các chính phủ. Ông đề nghị phải có những biện pháp mạnh hơn nữa và thật sự hiệu quả để làm giảm ngay nạn thất nghiệp vẫn đang quá cao.

Lãnh tụ Hạ viện khối Cộng hòa cũng đòi thay đổi ê kíp lãnh đạo kinh tế của TT Obama.

Thêm vào đó, trước áp lực của kỳ bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ vào tháng 11 mà phe Dân chủ đang được dự báo có thể thua do tình hình kinh tế không mấy sáng sủa, Tòa Bạch ốc cho tin đang họp để sửa soạn một gói kích cầu mới bằng cách giảm thuế cho giới trung lưu và một loạt các chi tiêu mới về hạ tầng cơ sở.

Hai người cùng là CEO (El Erian và Cross) của công ty đầu tư trái phiếu lớn nhất Mỹ là PIMCO thì đưa ra lời đề nghị mạnh bạo là phải giảm hẳn 1%-2% cho lãi suất dài hạn như lãi suất về bất động sản (mortgage) để làm tăng giá nhà độ 10%-15% vào mùa xuân năm tới thì chính sách kích cầu mới đẩy được kinh tế Mỹ ra khỏi dốc trũng hiện nay.

Thêm vào tin tức và bình luận nóng là lời cảnh báo nhắc lại của IMF cho rằng một số nước tiền tiến đang theo đuổi chính sách tài khóa quá aggressive gây nợ công cao, dù khó đến mức báo nguy như của Hy Lạp.

Trong đám hỏa mù của những tuyên bố chính sách trái ngược và tình trạng kinh tế tài chính thế giới rối beng, nhiều quan sát viên quốc tế thấy rõ đang có ít giải pháp cụ thể khả thi, do tình trạng đang ở liquidity trap của các chính sách tiền tệ của Mỹ và Nhật bản khó có thể dùng công cụ lãi suất hiệu quả khi nó đã ở mức quá thấp, và các chính sách tài khóa như giảm thuế hay chi tiêu công về giáo dục và hạ tầng vẫn phải là những biện pháp chính.

Chính sách tài khóa bảo thủ theo bài thuốc quen thuộc của IMF có thể đúng cho một vài nước đơn lẻ bị khó khăn về cán cân thanh toán quốc tế, nhưng nếu đem áp dụng lan rộng trong nhiều nước lớn sẽ làm giảm mức chi tiêu và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu, ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu trung hạn và nền thương mại toàn cầu, nhất là của các kinh tế mới nổi như TQ và Việt Nam. Và đây sẽ là sự nhầm lẫn về chính sách một cách tổng hợp (the fallacy of composition) như nhà kinh tế nổi tiếng Paul Samuelson đã từng cảnh cáo trong sách kinh tế nhập môn căn bản áp dụng cho tình hình kinh tế thế giới trong các năm 1930-40.

Cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu như dự đoán vẫn có ảnh hưởng kéo dài mặc dù tình hình của các xứ này có phần sáng sủa hơn. Nền kinh tế đầu tầu thứ hai của thế giới là TQ thì đang được làm giảm nóng để tránh tình trạng bong bóng. Do đó trông chờ thật sự hiệu quả vẫn phải là đầu tầu Mỹ với những khó khăn nêu trên.

Như dự báo tháng trước, giá chứng khoán thế giới đã giảm mạnh vào tháng 8, phản ánh nỗi lo sợ ngày càng tăng về khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu hình chữ W thay vì chữ V như kỳ vọng vào đầu năm. Riêng ở Mỹ, chỉ số Dow Jones xuống 4,3% và Nasdaq tuột hẳn 6,2%. Tình trạng thị trường chứng khoán thường ảm đạm vào tháng 9 theo thông lệ, nhưng năm nay vào ngày đầu tháng 9 chỉ số DJ đã bật dậy mạnh mẽ lên 2,5% và Nasdaq lên mạnh hơn 3%, do quyết định mua vào của nhà đầu tư sau tháng 8 đã xuống quá thấp (theo thống kê các năm gần đây, chứng khoán thường tăng vào tháng 8).

Ngược lại, do lãi suất dài hạn có thể giảm tiếp như theo đề nghị của nhóm PIMCO, triển vọng tiếp tục sáng sủa hơn cho thị trường trái phiếu Mỹ.

Do chiều hướng tăng trưởng toàn cầu bớt sáng sủa, như dự đoán giá dầu giảm tới 8,9% và trở lại mức $72/thùng. Giá các kim loại cơ bản như đồng chì kẽm thiếc.. đều giảm xuống, cho hy vọng lạm phát sẽ tiếp tục ở mức rất thấp hay không tăng ở Mỹ vào các tháng cuối năm.

Ngoại lệ nổi bật cũng được dự báo từ trước là giá vàng tiếp tục tăng 5,6% trong tháng 8 và vượt qua mức cao nhất là $1251/ounce do tâm lý các nhà đầu tư trên thế giới tìm chỗ ẩn náu, cùng với việc mua vào tiền Yen đẩy tiền này lên mức cao nhất là 84 yen ăn 1 đô la.

Do không thể giảm lãi suất thấp hơn nữa, nếu chính sách quantitative easing của Fed tiếp tục bằng cách giữ số nợ trái phiếu cao của Ngân khố Mỹ (đang ở mức 2,400 nghìn tỷ USD, tức là gần gấp 3 lần mức trước kỳ khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008) thay vì bán tống ra như dự định và lại còn có thể mua thêm trái phiếu tư nhân, khuynh hướng giá vàng tiếp tục tăng vẫn còn rất mạnh lên các đỉnh cao mới trong tháng này và cả quý 4.

KINH TẾ VIỆT NAM: TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH BẤT ỔN

GDP tăng 6,1% cho 6 tháng đầu năm và có thể tăng 6,7% cho cả năm.

Lạm phát tiếp tục giảm, chỉ tăng 0,2% trong tháng 8 so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kì năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng 14% trong 8 tháng đầu năm; mục tiêu làm giảm cung tiền và tín dụng xuống còn 20%-25% trong năm 2010 tiếp tục làm giảm kỳ vọng lạm phát.

Giá dầu giảm mạnh trong tháng 8 xuống còn 72 USD/ thùng và có thể giảm sức ép cho lạm phát cho quý 4. Do đó, có thể tiếp tục điều chỉnh dự báo lạm phát xuống còn 8% trong năm 2010.

Lo ngại đáng kể nhất là từ khu vực đầu tư nước ngoài với nền tài chính công và tình trạng ngân sách được thị trường tiếp tục cảm nhận là hao hụt đáng kể so với GDP trong năm nay.

Sau hiện tượng Vinashin, vấn đề chi tiêu công và nợ công được đặt ra một cách đặc biệt nghiêm trọng.

Do những vấn đề trên, và mặc dù vài chỉ số vĩ mô được cải thiện, cả hai thị trường chứng khoán và trái phiếu đều lâm vào cảnh bế tắc, cần nút gỡ chính sách.

Trước đây vào tháng 2-3 có dự báo lạc quan từ một hai công ty chứng khoán ở Sài gòn là sẽ có dòng tiền kép trong nước từ ngân hàng sẽ tháo khoán và giới đầu tư cá nhân sẽ chạy vào TTCK, giúp VN Index phục hồi và có thể lên mức 600-700.

Thực tế lại diễn ra ngược lại, thay vào đó có dòng tiền kép gồm cả nguồn tiền từ nước ngoài và từ trong nước rút ra khỏi TTCK, khiến chỉ số VN Index xuống mức 420-450 như dự đoán trong sổ tay tháng trước. Nguyên nhân tại sao?

Giải mã các khó khăn của thị trường chứng khoán

Nguồn tiền từ nước ngoài vào TTCK ít hơn do:
 Khủng hoảng tài chính thế giới khiến các nguồn tiền cạn kiệt, nhất là từ các quỹ hedge funds.
 Lo ngại về bất ổn tỷ giá của ĐVN.
 Sự tin tưởng vào các quỹ đầu tư ở VN giảm bớt rất nhiều, do tình trạng là từ 2009 và cho năm nay, các quỹ này có thành tích kém xa VN Index.
Nguồn tiền từ trong nước ít hơn do:
 Sự dè dặt của giới đầu tư cá nhân và các quỹ tự doanh của các công ty chứng khoán do tình hình vĩ mô cũng như tình trạng pha loãng cổ phiếu trong năm nay (y hệt như tình trạng năm 2007 đã gây cơn sụp đổ tàn tệ của thị trường chứng khoán--TTCK sau đó).
 Thiếu kích động TTCK như việc quá chậm trễ ban hành cơ chế giao dịch cổ phiếu T+2 được nhà đầu tư chờ đợi.
 Các vấn đề kỹ thuật nội bộ của hệ thống ngân hàng được bàn thảo rộng rãi trong báo chí, như chỉ còn cho thời gian quá ngắn để thực hiện các quy định mới đã được ngân hàng trung ương thông báo đòi hỏi từ lâu nhưng thiếu áp lực hiệu quả cho việc áp dụng cho đến vài tháng vừa rồi trong năm 2010: (i) việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng lên 3.000 tỷ ĐVN; (ii) đòi hỏi về trích lập dự phòng rủi ro chung là 0,75% mới bắt buộc áp dụng từ 15/5/10; và (iii) thông tư 13 ngày 20/05/10 đòi hỏi các ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn tài chính (CAR) từ 8% lên 9%.

Tựu chung, các quy định này đều làm giảm thanh khoản của các ngân hàng, tăng chi phí và khiến các ngân hàng rút bớt phần cho vay chứng khoán.

Bế tắc của lãi suất và thị trường tín dụng và việc ban hành trái phiếu mới

Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) khá sôi động từ cuối năm 2009 và mấy tháng đầu năm 2010, do lãi suất cao trên 11%-12%, và do các NH tích cực mua lúc chưa cho vay được nhiều ra bên ngoài, và cũng để dùng các TPCP như là giấy tờ có giá để mượn tiền qua Thị trường mở của NHNN lúc cần.

Từ cuối tháng 7/10 lúc lãi suất TPCP giảm xuống 9,8% thì mức cầu sụt giảm hẳn và gần như ngưng hẳn.

Vấn đề cho TPCP là lãi suất thấp thì khó phát hành trái phiếu, và tăng lãi suất thì không thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay như ngân hàng trung ương mong muốn.

Thay vào đó trái phiếu doanh nghiệp được tiếp nhận với lãi suất cao 14%-15%, nhưng việc Vinashin gặp khó khăn để trả lãi cho một số NH đã gây ra tăng rủi ro lớn hơn và khó làm giảm mặt bằng lãi suất chung như giới kinh doanh đang mong đợi.

Đó cũng là nguyên do các NH bằng lòng duy trì lãi suất huy động cao trên 11% để có được nguồn cung cấp vốn. Ngoài ra, cũng đang xảy ra cả hiện tượng dư thừa vốn do các doanh nghiệp dùng vốn tự có và ngại vay ngân hàng để tránh rủi ro.

Sự hấp thụ vốn đang chậm lại và vòng quay tiền cũng chậm lại. Bế tắc này có thể tiếp tục trong nhiều tháng tới nếu không có các giải pháp đồng bộ gỡ rối từ NHNN và Bộ Tài chính.

Các chính sách thay đổi được chờ đợi và nói đến nhiều trong nước bao gồm:
- NHNN cần xét lại nhanh chóng việc áp dụng một số thông tư áp dụng một số quy định mới. TTCK trở nên sôi động trong 2 ngày giao dịch cuối tháng 8 là bằng chứng cho việc thị trường chờ đợi hành động này.
- Bộ Tài chính cần ban hành sớm cơ chế giao dịch cổ phiếu T+2 được chờ đợi.

Mặc dù tỷ giá được điều chỉnh 2,1% vào ngày 18/8, áp lực mới lên tỷ giá lại xuất hiện (19.500 ĐVN/USD) do lo ngại mức tăng vọt của các khoản vay bằng USD sẽ gây ra mức cầu USD cao vào cuối năm để trả lại nợ ngân hàng.

Fitch Rating Service mới đây nhất hạ bậc tín nhiệm của hai ngân hàng lớn trong nước là Vietcombank và ACB do tăng trưởng tín dụng nhanh với mức an toàn xấu đi. Việc hạ bậc tín nhiệm đối với 2 ngân hàng này được Fitch thực hiện đúng một tháng sau khi tổ chức này công bố hạ bậc tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay dài hạn và trái phiếu của Việt Nam từ BB- xuống B+.

Thâm hụt ở cả hai cán cân căn bản là ngân sách và cán cân vãng lai quốc tế chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện bền vững và là nguyên nhân của các sụt hạng này. Dự trữ ngoại hối vẫn ở mức thấp và không được công bố thường xuyên tiếp tục gây ra các dự đoán lo ngại cho giới quan sát viên đánh giá quốc tế.

Diễn Đàn Thế Kỷ.