Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Trên đời chỉ có một việc đáng nói là tình yêu vì nó là mầm mống của sung sướng và là nguyên nhân của đau khổ.
Ronsard
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 17 of 17

Chủ Đề: Ôm Đàn Tới Giữa Đời

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Ôm Đàn Tới Giữa Đời

    Ôm Đàn Tới Giữa Đời


    Tác giả :Mai Thảo




    Chương 1
    Tiếng chân di động lạt sạt ở phòng ngoài cho tôi biết Huyền đã thức. Và nó đang sửa soạn cho cái đời sống hàng ngày của hai chị em tôi. Là mở quán tiếp khách.

    Tiếng chân của Huyền không thay đổi từ bao nhiêu năm nay, nghe không lẫn được. Nặng. Tất tưởi. Lật đật. Gót chân chứ không phải gót ngọc. Cái tướng Huyền vất vả. Từ một chuyển dáng nhỏ nhặt. Mỗi bước đi của Huyền đều lay chuyển theo nó rất nhiều không khí. Và chỉ cần dõi theo những bước chân nó từ góc này tới góc nọ, di chuyển tới đâu, tôi cũng đã biết Huyền đang làm những gì. Huyền đang chế nước sôi đầy ắp, vào lũ bình thủy xếp thành một hàng ngay ngắn trên cái bàn nhỏ sau quầy. Mở sắp một cuốn sổ, kèm theo một cây viết. Để biên bông chịu cho khách hàng quen. Để tính tiền, thối tiền cho những khách hàng lẻ loi lần đầu tới quán. Chọn sẵn một số băng nhạc chồng lên mặt quầy. Đám khách hàng trẻ tuổi và u uất khó tính của chúng tôi phần lớn đều thích nghe nhạc. Nhiều người chỉ nghe độc một băng nhạc, một tiếng hát, đòi nghe lại từng lần. Họ nghe, đắm đuối, mơ màng, đầu tựa nghiêng vào vách. Chân duỗi dài trễ nãi. Nhìn cà phê thả giọt. Và Huyền đang chuẩn bị tiếp họ. Bằng xem lại những hũ đường. Bằng xếp đủ năm điếu vào từng hộp thuốc lá bán lẻ. Việc nó sẽ làm sau cùng là vào phòng trong. La lối tôi ngủ muộn lười biếng. Bắt tôi rời khỏi mặt đệm.

    Tiếng chân Huyền chợt rời khu quầy, khu băng nhạc, khu bình thủy bình đường, ra phía ngoài. Tiếng những cái đóng cửa được tháo ra. Hôm nay là thứ sáu.Ngày nào của tháng nào, thứ nào của tuần lễ nào thì cũng vậy mà thôi. Sau một đêm đóng cửa quán Nhớ lại mở. Cùng với tiếng những cánh cửa được xếp chồng vào một góc tường, tôi hình dung thấy mặt đường trải đá xanh ướt đẫm sương đêm, những hơi lạnh, những thoáng khói từ cái bãi hoang bên kia đường tràn sang lùa từng đợt chập chờn vào quán. Quán đang mở cửa.

    Như thường lệ. Như hàng ngày. Trong ban mai nhợt nhạt. Giờ những giòng suối còn khép mắt. Giờ lá rừng còn ngủ, những thân cây mới sáng tới lưng chừng. Và mặt trời thì còn ở đâu đó, bên kia nhưng triền núi.

    Tấm chăn bông ấm áp lúc này còn ôm kín lấy thân thể tôi. Mặt đệm dưới lưng là một khoảng trũng thân mật. Hơi nóng từ tôi, của chăn, trộn lẫn thành một giam cầm lưu luyến. Muốn phủ tóc lên mặt. Thu tay vào lòng. Ngủ tiếp. Tôi đón ngày sáng nay bằng một cảm giác cực kỳ ngần ngại. Như ngày là một thau nước lạnh buốt, khiến ngại ngùng cả đến việc nhứng vào nó một đầu ngón tay. Còn sớm thế này, ban mai lạnh căm và có sương mù chắc Khoa chưa tới đâu. Những cây si của quán cũng vậy. Tôi thấy thù ghét những cuốn băng, những bình đường vô tả. Thù ghét cả cái quán Nhớ. Nhớ là cái gì. Tôi nhắm mắt lại. Xin đời cho tôi yên. Bằng tìm vào giấc ngủ.

    Cuộc đời không chịu cho tôi yên. Ngủ tiếp bị khước từ. Vì cuộc đời là Huyền. Tiếng nó nheo nhéo ở đầu giường:

    - Dậy đi, bà chủ.

    Tôi ậm ừ, cằn nhằn:

    - Tao không phải là bà chủ. Để yên cho tao ngủ.

    Huyền cười. Sao mới bảnh mắt, còn sương đêm, cái đứa em gái tôi đã tỉnh táo đã buổi trưa, buổi chiều, được đến như vậy.

    - Gần chín giờ rồi.

    Tôi hỏi, qua chăn, nghe tiếng gió xoáy hút vào những gờ mái:

    - Thứ đồng hồ nào?

    - Thứ đồng hồ ngoài quầy.

    Nhà chỉ có một cái đồng hồ. Mặt dạ quang. Treo đầu quầy cạnh chỗ tôi ngồi. Cái đồng hồ do Khoa về Sàigòn hồi đánh nhau năm ngoái mua lên cho tôi. Mác Thụy Sĩ. Rất đúng giờ với những giờ phát thanh, Huyền lại lên giây mỗi sáng một lần. Bí quá, tôi trở thành độc ác:

    - Đàn ông bây giờ ai cũng dậy muộn, mày biết không?

    Huyền cúi xuống, hất tấm chăn của tôi đi. Gió không chỉ nghe thấy nữa. Mà phủ xuống, kín trùm trên da thịt lạnh buốt. Cùng với cái cử chỉ tàn nhẫn đáng lên máy chém, Huyền hỏi:

    - Đàn ông ăn nhằm gì đến em?

    Tôi cay nghiệt:

    - Không ăn nhằm gì à. Trong cái số đàn ông dậy muộn, có một thằng sẽ là chồng mày. Nó đang ngủ ngon mầy dựng nó dậy, nó chỉ có hai cách. Một là đập chết mày. Hai là ly dị gấp.

    Còn Huyền không phải tay vừa. Nó trả đòn ác độc:

    - Lười biếng, ngủ muộn như chị, rồi anh Khoa anh ấy ly dị chứ không phải tôi đâu.

    Khoa, tiệm thuốc tây ngoài phố chính. Khoa, những bó hoa, những chiếc bánh gửi mừng từng sinh nhật, Khoa của một tỏ tình chưa dám, những một đính hôn đã là. Khoa của một mái tóc cắt ngắn, khỏe mạnh, mày râu nhẵn nhụi, trong khi đám bạn bè theo Khoa tới quán tóc dài thượt tới gáy, để râu từ lông tơ. Tôi nghĩ đến Khoa. Tách thoát. Dửng dưng. Không yêu, không nhớ. Lúc này Khoa không giá trị bằng tấm chăn nằm dưới chân. Tôi biết Khoa đã dành cho tôi cái chỗ đứng chính trong tiệm bào chế âu dược đường Hoàng Diệu. Cái chỗ đứng của một bà chủ hàng tháng về Sài gòn đặt thuốc, mỗi cuối tuần ra gửi tiền ở ngân hàng. Trong đám bạn bè, Khoa hơn tất cả mọi người. Họ quái dị, khác thường. Anh chàng này đến một mình. Nhìn cái phin cà phê hàng giờ không chớp mắt. Anh chàng kia lần nào cũng ngả ngốn trước mặt quầy. Đòi đưa tôi đi Biển Hồ. Có anh say rượu, nửa đêm đập cửa, rồi ngủ gục ở thềm quán. Riêng Khoa bình thường. Có đủ hành lý và bảo kê của một người chồng. Nhưng nhà Khoa thật gần mà Khoa còn ở khá xa trái tim tôi, một trái tim chưa biết nó muốn gì. Một trái tim chưa lựa chọn. Tôi nghĩ, hơi ngậm ngùi cho Khoa. Chưa gần. Còn xa. Đã thế sự xa cách mỗi ngày một thêm cách xa hơn nữa. Sao lại có chuyện chúng tôi đính hôn được. Điều kỳ lạ là chuyện ấy có. Vì Huyền vừa nhắc tới. Điều kỳ lạ hơn nữa, hồi gần đây tôi đã xử sự với Khoa như một người vợ sắp cưới.

    Căn phòng tối mờ. Ánh sáng lùa vào qua những khe gỗ là cái thứ ánh sáng ban mai đặc biệt của Pleiku. Đục. Loãng. Nhờ nhờ. Như mầu nước gạo. Gió bất chợt mạnh quẫy đảo hung hãn trong những kẽ mái. Ngôi nhà rung rinh cùng khắp. Gió thốc tháo nói chúng đã băng qua những khoảng trống mênh mông gợi cho tôi nghĩ đến những ngọn đồi trọc vây bọc thị xã như một vòng đai đỏ khé. Và xa hơn, Biển Hồ cứng, lạnh như một tảng băng. Và xa hơn nữa những triền núi, những cánh rừng rậm rì, xanh đặc, kéo dài tới biên giới. Bị đẩy lên trần nhà, giấc ngủ lại muốn đáp xuống. Một đáp xuống vô hình và êm ái. Chỉ cần kéo tấm chăn lên ngang tầm ngực, nhắm mắt lại. Nghe gió, nghe tới khi gió mưa thành một lời ru, tôi sẽ ngủ tiếp được dễ dàng và mau chóng.

    Tôi muốn thế. Muốn ngủ nữa. Bèn nói dối Huyền:

    - Cả đêm tao không ngủ được. Ra coi hàng cho tao ngủ thêm một chút nữa đã.

    Huyền nhăn nhó:

    - Khách sắp tới rồi.

    Tôi gắt lớn:

    - Thì pha cà phê cho họ uống. Mở nhạc cho họ nghe. Biên sổ và tính tiền. Bộ việc gì cũng phải tao sao?

    - Không có chị họ không uống.

    Tôi lẩm bẩm:

    - Họ khùng.

    - Bao nhiêu lần chỉ có em các anh ấy đuổi đi đòi kêu chị ra. Chị thừa biết rồi mà. Lát nữa anh Vận đưa xe đến đón chị ra phi trường, chị quên rồi sao?

    Tôi ngẩn người:

    - Ra phi trường? Ờ nhỉ tao quên. Dậy đây.

    Khoa về Sài gòn tuần lễ trước. Nói là về mua hàng, nhân tiện mua quà Giáng Sinh cho tôi. Trước hôm đi, Khoa đến uống cà phê, đòi nghe lại tới lần thứ ba bài Tà Áo Xanh của Đoàn Chuẩn. Đứng nói chuyện với tôi ở quầy hàng cho tới giờ quán đóng cửa. Đôi mắt Khoa buổi tối hôm đó nhìn tôi đắm đuối hơn bao giờ. Tình yêu Khoa dành cho tôi buổi tối hôm đó tỏ lộ rõ rệt hơn bao giờ. Tôi về Sài gòn, sẽ nhớ tới Ngọc hàng ngày. Sài gòn bao nhiêu người đẹp, xuống tới phi trường Tân Sơn Nhất là anh sẽ quên đứt Pleiku, tôi cười, trả lời. Khoa nhìn tôi đăm đăm. Cái nhìn nói khác. Nói như Khoa nói, là ở xa, ở đâu, Khoa cũng cũng nhớ đến quán Nhớ từng ngày.

    TÌnh yêu của Khoa, tôi chưa đáp lại. Cũng không từ chối. Tôi để đó, cho thời gian trả lời. Mặc dầu vậy, thái độ thành khẩn và cái nhìn đắm đuối của Khoa tối đó đã làm tôi xúc động. Lấy Khoa, tôi sẽ sung sướng. Tôi biết vậy. Chỉ là tôi chưa định về chôn đời mình sau cái quầy hàng của tiệm bào chế. Tối đó, Khoa hỏi tôi có tiễn chân Khoa một quãng đường không. Tôi lắc đầu, nhưng dặn Khoa trước ngày về đánh điện, tôi sẽ ra đón Khoa ở phi trường. Khoa gởi điện tín hôm qua, báo tin sẽ trở về, sáng nay, trên chuyến bay thứ nhất.

    Mười phút sau tôi chải đầu mặc áo len, theo Huyền đi ra. Quán Nhớ là một căn nhà khá rộng, chia làm hai phần. Phần trong nền xi măng cao hơn, gồm có quầy hàng ở một góc. Góc đối diện là một cái bàn lớn trên để ly tách, cà phê, một máy nghe dĩa và một máy nghe băng. Phần ngoài ngăn cách mặt lộ bằng một hàng hiên nhỏ và một khung cửa sổ hình bán nguyệt.

    Hai dẫy bàn thấp chạy dài theo hai vì tường. Bàn và ghế ở dãy phải kê liền sát dành cho những đám khách đông đảo, khi tới là đẩy những cái bàn vào nhau ngồi thành vòng chung quanh. Phía trái những cái bàn kê cách nhau xa hơn, người bàn này không nhìn thấy người bàn kia, bởi những tấm gỗ chắn làm cho khuất lấp. Mỗi vì tường treo hai bức tranh. Bốn bức tranh đều là của Dã Thụy.

    Dã Thụy ở một mình trong một túp lều gỗ giữa một vườn cây cỏ um tùm, tận cuối thị xã trên đường đi Khôngntum. Dã Thụy ở Qui Nhơn. Lên Pleiku trước đây ba năm mấy tháng trước ngày khai trương quán Nhớ. Thụy là họa sĩ. Thú họa sĩ đầy đọa, bí hiểm với những bức tranh màu tối, tôi nhìn hoài cũng không phân định được là những hình thù gì. Thụy có mái tóc dài nhất, cái nhìn nung nấu nhất, một thân hình gầy guộc nhất. Thụy ít bạn gần như không có. Tới quán một mình ngậm tẩu ngồi bất động một lúc rồi về.

    Ngày quán mới mở, Thụy tới một ngày hai buổi, và nói yêu tôi, yêu ngay phút đầu, yêu từ kiếp trước. Điên không thể tưởng tượng được. Nhưng không được đáp lại, Thụy không thù hận và chúng tôi trở thành bạn thân. Phần trang hoàng và bài trí của quán Nhớ là công trình của Thụy. Anh mang tranh đến tự tay treo lên tường. Vào rừng, chọn những thân cây nhẵn nhụi, cưa thành khúc, đem về cho quán Nhớ làm ghế ngồi cho khách. Những dò lan treo bên cạnh bốn bức tranh cũng do Thụy vào rừng lấy về. Mấy hôm nay không thấy Thụy đến. Tôi sợ Thụy đau. Thụy đau luôn.

    Sáng nay Thụy cũng chưa tới. Dưới ánh sáng tù mù của những ngọn đèn nhỏ, quán vắng ngắt trong ánh sáng lạnh buốt.

    Tôi hỏi Huyền:

    - Mấy hôm nay mày có gặp anh Thụy ở phố không?

    Huyền đi tới trước cái máy nghe băng:

    - Không.

    Tôi chép miệng:

    - Chắc anh ấy đau.

    Huyền vừa mở băng vừa nói:

    - Em cho anh ấy nhiều nhất là sáu tháng.

    - Sáu tháng thế nào?

    - Sáu tháng là hết anh Thụy. Anh Thụy chết.

    Huyền nói thật độc miệng. Nhưng có phần đúng. Thụy lao phổi thật nặng. Một lần đến quán uống cà phê, đã ngã gục, thổ ra máu. Mấy lần tôi tới túp lều nhỏ giữa khu vườn hoang, ngồi làm mẫu cho Thụy vẽ, Thụy vừa vẽ vừa ho rũ rượi, bàn tay gầy guộc đưa lên giữ chặt lấy bộ ngực còm cõi, tan nát. Tôi định chiều nay, nếu không thấy Thụy đến tôi sẽ rũ Huyền đến thăm. Thụy chết, chắc tôi sẽ khóc. Nhiều lần tôi khuyên THụy đổ đèo An Khê trở về Qui Nhơn, ở đó có gia đình Thụy, biển xanh và nắng ấm. Thụy gật nói sẽ nghe theo lời tôi. Nhưng tới mùa lạnh này, Thụy vẫn ở một mình trong túp lều nhỏ dưới trời Pleiku. Tôi không hiểu được tôi. Và vĩnh viễn không hiểu được những người trẻ tuổi lao phổi, vẽ tranh và sống một mình như Thụy.

    Tôi tự tay pha cho mình một ly cà phê. Những giọt nước nâu đậm nhỏ xuống lòng ly mờ khói. Cũng lúc một tiếng tách khô,gọn, phát ra từ cái máy nghe băng. Một vài vòng quay im lặng, chậm chạp. Rồi là bài hát. Một bài hát về vòm trời tôi đang sống, nơi chốn tôi đang ở. Một bài hát về Pleiku. Huyền đứng lặng, hai vai thu lại, cánh tay buông thõng là dáng điệu nó trước bản nhạc yêu thích. Tôi cũng yêu bài hát này. Bài hát thật buồn. Của một người buồn nhìn một Pleiku buồn. Pleiku. Những người con gái má đỏ môi hồng trơ vơ với xuân đời mình, như những nhành hoa núi nở trong quên lãng những đáy lũng, biền biệt những triền núi. Một bến xe. Một bãi đất trống. Một chuyến xe lên, từ biển. Một chuyến xe về từ rừng. Dăm người khách lạ đi lên đi xuống. Và chàng trẻ tuổi ở một tiền đồn biên giới, chỉ thấy người yêu bằng tưởng tượng, qua một màn mưa bay nghiêng.

    Huyền đứng rũ, huyển hoặc, mặc dầu nó đã nghe bài hát cả trăm lần. Năm ngoái vòm trời Pleiku nát nhầu lửa đạn. Dân chúng từ thị xã di tản đi nơi khác. Trọng pháo ầm ì dội đập đêm ngày. Những tiệm hàng đóng cửa. Trường học nghỉ. Đường phố Pleiku mất biến những má đỏ, môi hồng. Phố thấp, phố cao chỉ còn dầy đặc những giầy đinh, mũ sắt, những bộ quân phục màu tối, mỗi góc cây là một họng tiểu liên. Tôi lỳ. Quán Nhớ mở cửa như thường. Nhưng một đồng không thu được. Không một bóng khách tới. Cuối cùng, tôi đành nghe Khoa. Hai chị em về Sài gòn, đóng cửa quán Nhớ đúng hai tuần lễ. Quần áo mang theo không đủ, vậy mà Huyền khăng khăng mang theo băng nhạc có bài hát về Pleiku, bảo thế nào cũng không chịu bỏ lại.

    Tiếng máy của một chiếc xe díp chạy tới. Ngừng lại trước cửa quán. Máy tắt.

    Tôi bảo Huyền:

    - Khách tới, cô ả. Nghe gì mà đắm đuối quá thế?

    Huyền thính tai hơn tôi. Nó phân biệt được tiếng máy. Và nói, không rời cuộn băng:

    - Anh Vận đến đón chị đó.

    Một bóng người cao lớn bước vào quán. Vận thật. Vận với mái tóc cắt ngắn, bước chân mạnh mẽ da mặt rám nắng. Vận là người bạn thân thiết nhất của Khoa. Ra đời ở đây. Họ có chung với nhau một tuổi nhỏ, những năm học, chỉ khác biệt về đời sống, khi đã khôn lớn. Tôi nghĩ đến hai con phố của một Pleiku. Một thấp, bình yên nơi chân đồi. Một cao, chênh vênh nơi đỉnh đồi. Vận và Khoa là như thế. Vận đi luôn. Ở núi, nhưng yêu biển, yêu nắng. Tuần nào cũng đổ đèo An Khê, xuống Qui Nhơn một lần.

    Thế giới Khoa chỉ là tiệm bào chế và con đường Hoàng Diệu. Cái đích những di chuyển của Khoa là quán Nhớ này. Lần nào phải về Sài gòn lấy hàng và một vạn bất đắc dĩ. Khác biệt vậy mà họ vẫn thân nhau như hồi nhỏ. Tình bằng hữu của đám người trẻ tuổi, tôi nghiệm thấy, thật bền ở một tỉnh nhỏ. Họ không có ai. Hàng ngày gặp nhau. Đúng như lời hát trong bài hát. Phố này cao, phố kia thấp. Nhưng dăm ba thôi, nên thật gần gũi, nên phố tình thân. Những con phố tình thân ấy đến quán Nhớ hàng ngày. Ngồi chung một bàn. Hút chung một thứ thuốc lá. Như thế, mãi mãi.

    Vận tiến thẳng vào quầy hàng. Nét mặt Vận tươi sáng. Nụ cười hồn nhiên tươi tắn. Ngày sáng dần với Vận. Với Vận, quán thức hẳn. Ấy là Vận tạo cho tôi cái cảm giác đó. Thật ra, ban mai vẫn nhợt nhạt, và sương chưa tan ở bên ngoài, Vận liệng chùm chìa khóa xe lên mặt quầy, kể công:

    - Bỏ đi Khôngntum sáng nay đấy, bà chủ.

    Tôi cười:

    - Nghe đâu đường không an toàn lắm ở khúc gần Chu Pao. Lên Khôngntum có chuyện gì vậy.

    - Hẹn.

    - Ai?

    - Một nàng tiên nhỏ của tôi.

    Câu nói được nối tiếp bằng một tiếng cười lớn, nghịch ngợm vui thú. Huyền và tôi bật cười theo. Những nàng tiên nhỏ của Vận ở khắp nơi. Vận đã đưa một vài nàng tới quán. Nàng Ban Mê Thuột. Nàng Qui Nhơn. Nàng Ban Mê Thuột xanh như lá và gầy như liễu. Nàng Qui Nhơn da bánh mật mini jupe cũn cỡn, ngồi vắt chân và hút thuốc lá đen. Có cả nàng từ tận Sài gòn lên, mặt trát phấn môi son ướt nhẫy. Với những nàng tiên nhỏ ấy, Vận phân phát những mảnh tình đồng đều, khá thắm thiết, khá thành thật. Nhưng thế thôi, không lao đao, mê đắm. Tôi nghĩ đến Vận như một chuyến tầu, những người tình của Vận như những ga sép. Tàu tới, ở lại. Rồi lăn tới những ga khác, và không có cuối đường, chưa có ga chính.

    - Sao không đi? Tôi hỏi.

    Vận trợn mắt:

    - Ai đưa bà ra phi trường đây?

    Tôi nghiêm mặt:

    - Không có anh thì thôi ra phi trường. Tôi hơi hối hận đã hứa đi đón Khoa.

    Vận nhíu mày:

    - Sao vậy?

    - Tôi có thể tạo ra một hiểu lầm.

    - Cho ai?

    - Cho Khoa trước hết. Tôi và Khoa cũng như tôi với Vận. Bạn. Chưa có chuỵên khác.

    Vận nghịch với chùm chìa khóa. Băng nhạc phát ra một bài hát khác. Pleiku phố thấp phố cao nhường chỗ cho một thành phố tây phương, ở đó, những cặp tình nhân tựa vai sánh bước trên những bờ sông, dưới những gầm cầu, một đêm trăng sáng. Vận gật gù:

    - Khoa không nghĩ thế đâu nhé.

    - Đó là cái quyền của Khoa.

    Vận lắc lắc chùm chìa khóa:

    - Vậy đi đón hay không đi đón?

    - Đi chứ. Uống cà phê đã.

    Vận nhìn đồng hồ, cái đồng hồ của Khoa treo trên đầu quầy.

    - Thì uống chỉ sợ muộn thôi.

    Gió thổi mạnh. Trời lạnh. Buổi sáng run rẩy nhợt nhạt cho đoán thấy một nền trời xám, trần mây thấp, nặng chĩu, những cánh rừng mịt mùng, những đỉnh núi nhòa nhạt. Nắng có lên được, cũng phải gần trưa. Mưa có thể đổ, bất cứ lúc nào. Một buổi sáng cũng xám ngắt và lộng gió như thế này, tôi đã phải chờ ở phi trường Tân Sơn Nhất gần hai tiếng đồng hồ. Đó là lần hai chị em từ Sài gòn trở về Pleiku khi chiến sự đã lắng dịu. Sáng hôm đó, Pleiku điện về là trời tây nguyên xấu, sương mù kín đặc, trần mây thấp, máy bay chưa thể hạ cánh. Trường hợp này xảy ra luôn. Vào mùa này.

    Nhiều buổi sáng, tôi nằm trong chăn nghe tiếng máy bay ầm ì trên đầu. Tiếng máy lượn vòng. Nhiều lần rồi xa lảng mất hút. Ấy là những chuyến máy bay đã vào không phận Pleiku, phải quay trở về. Vì không đủ điều kiện cho một an toàn đáp xuống.

    Một vài người khách lục tục kéo tới. Những khuôn mặt quen biết. Những sự thường xuyên làm đầy quán Nhớ. Thập ở đầu phố. Chủ nhân một tiệm sách nhỏ. Cũng là người khách hàng khó tính nhất. Phin cà phê của Thập phải tôi pha Thập mới chịu. Nhạc ở đường Phan Bội Châu. Dạy học ở trường cộng đồng, nhưng lúc nào cũng đầu bù tóc rối, cái nhìn hoang vu, dáng điệu thi sĩ. Nhạc là của những ngụm trà tầu đắng chát, nóng bỏng đầu lưỡi, đựng trong những cái chén hạt mít khề khà, trầm ngâm hàng giờ như một ông cụ già. Cả hai cùng thất tình, cùng già trước tuổi.

    Trường hợp Nhạc trầm trọng hơn. Người yêu của Nhạc là Ngân. Ngân là bạn tôi. Ai cũng đinh ninh họ sẽ lấy nhau. Chủ nhật nào Nhạc cũng đến đón Ngân, hai người đưa nhau lên Biển Hồ hay tới Suối Mơ tình tự. Rồi thình lình là sự tan vỡ. Ngân về Sài Gòn, lấy chồng. Con nhỏ dịu dàng, ăn nói nhỏ nhẹ, không ngờ mà quyết liệt tàn nhẫn. Sự đoạn tuyệt như một nhát chém cắt đứt trái tim mềm yếu của Nhạc thành một vết thương máu huyết đầm đìa. Đến quán, Nhạc thường ngồi riêng một góc. Thất lạc. Rũ rượi. Tôi biết Nhạc vẫn ôm cái hy vọng mong manh, hão huyền là một ngày Ngân sẽ trở về. Nhưng con nhỏ, trước khi đi, đã nói với tôi là Pleiku không bao giờ còn thấy mặt nó nữa.

    Nhạc vào quán, lẳng lặng đến ngồi ở chỗ cũ. Thập thất vọng ra mặt khi thấy tôi sửa soạn ra khỏi nhà:

    - Đi đâu vậy Ngọc?

    Tôi nhìn Vận, cười:

    - Đi đằng này một chút.

    - Ai pha cà phê cho tôi đây?

    - Huyền.

    Thập giận dữ nói lớn:

    - Huyền pha tôi không uống.

    Tôi muốn ở lại. Pha một ly cà phê. Dọn một khay trà tầu. Làm vui lòng Nhạc. Làm vừa ý Thập. Những người khách hàng trẻ tuổi, khó tính và u uất này của tôi, mỗi lần tới quán là muốn có tôi ở trước mặt, ở bên cạnh họ. Chẳng phải họ yêu tôi, như Khoa. Mà cần. Tôi làm đầy những buổi sáng, làm ấm những buổi chiều của họ. Trên những con đường ướt đẫm sương đêm hay lất phất mưa bụi họ bước những bước co ro trong giá lạnh, với mục đích đến quán Nhớ là để thấy tôi đứng ở sau quầy. Lâu dần với đám người trẻ tuổi lãn g mạn và cô đơn này, có như là tôi đã trở thành một có mặt đầy yên tâm. Tôi chẳng hiểu tại sao lại như thế. Nhưng sự thật và cái không khí của quán Nhớ tới mùa lạnh này là như thế.

    Tôi đưa mắt nhìn Vận. Vận chỉ đồng hồ lắc đầu. Chúng tôi chỉ còn đủ thời giờ ra phi trường, trước giờ máy bay hạ cánh. Tôi ôn tồn:

    - Không chịu Huyền pha thì pha lấy mà uống vậy. Ngồi chơi, tôi về ngay.

    Đoạn tôi theo Vận ra xe.

    Gió ngớt. Một trận mưa phùn đã dấy. In lên một nền trời màu xám, mưa thả xuống những hạt ly ty. Mặt đường, những cạnh đá ướt loáng. Chiếc xe díp của Vận ghếch đầu lên một bờ cỏ. Bốn bánh xe lấm đầy bùn đất, thứ bùn đất đặc biệt của Pleiku quánh đặc, đỏ khé. Kính xe mờ hơi nước đọng. Ban mai vẫn là một khuôn mặt nhợt nhạt, thiếu máu. Như khuôn mặt của Nhạc, của Thập tôi vừa bỏ lại trong quán. Pleiku sáng nay không có trời, trời nối liền với mặt đất bằng triệu tơ mưa đọng lại thành những cái búp long lanh trên từng đầu ngọn cỏ.

    Vận lên ngồi trước tay bánh. Tôi lên ngồi cạnh Vận. Quán Nhớ nhìn từ mặt lộ có một mặt tiền thật tiều tụy, xập xệ. Trên quán vẽ trên tấm bảng gỗ. Nét vẽ của Dã Thụy xiêu đổ, lệch lạc. Tấm bảng treo nghiêng, mầu sơn của chữ đã phai lạt. Bực thềm vào quán long lở. Vòm cửa tối thẳm. Con phố chạy dài với hai bờ cỏ um tùm tràn chiếm. Tiếng nhạc từ trong quán vọng ra, chậm và buồn lê thê. Tôi nghĩ đến Nhạc đang trầm ngâm, Thập đang cúi đầu, mỗi người ngồi một góc, mỗi người lưu đầy trong nỗi đau riêng. Đến một Pleiku đau tim, đau thần kinh, đang bất động nhìn những giọt cà phê buồn thả xuống một đáy ly, nghe mưa và tưởng nhớ đến những cuộc tình đã mất.

    Chiếc xe chuyển bánh.

    Từ quán Nhớ ra phi trường Cù Hanh, đường dài đúng sáu cây số. Tôi ngồi ngay ngắn, cài hết hàng khuy của chiếc áo len dài tay mà vẫn cảm thấy hơi lạnh thấm đầy vào da thịt. Xe tăng dần tốc lực. Tôi nhìn sang hai bên đường. Pleiku đã thức giấc, nhưng cặp mắt ngái ngủ còn ngơ ngác và chứa đầy phiền muộn. Qua mấy phố chính. Những chiếc xe lam buông mui kín mít mệt nhọc leo lên những con dốc. Một vài đám đồng bào thiểu số từ trong núi ra, ngồi thu lu dưới những hàng hiên. Một gánh cải lương vừa từ Sài gòn lên đầu tuần lễ trước. Cổng đình, mấy tấm biển quảng cáo nhoè nhạt. Xe chạy qua một bót gác. Những hàng cây thoang thoáng. Rồi cảnh tượng bất chợt quang đãng. Trước mặt tôi, hai bên đường chỉ còn là những ngọn đồi thấp. Màn mưa dầy hơn, trắng xóa. Chúng tôi đã ra khỏi tỉnh. Chiếc xe phóng nhanh trên con đường ra phi trường.

    Từ lúc rời quán Nhớ, Vận và tôi, không nói với nhau một lời nào. Vận nhìn thẳng, miệng hé mở, hàm răng cắn chặt điếu thuốc. Điếu thuốc đã tắt ngấm.

    Đúng như dự đoán, chuyến máy bay từ Sài gòn lên phải chậm ít nhất là hai tiếng đồng hồ. Phải hoãn tới buổi chiều không chừng. Vận tới hỏi ở quầy hãng máy bay, nhún vai, quay gót, từ từ đi lại chỗ tôi ngồi.

    - Gần mười hai giờ là sớm nhất.

    Tôi chép miệng:

    - Nghĩa là chúng mình phải chờ?

    Tôi thắc mắc:

    - Nhưng liệu có máy bay không?

    Vận hất hàm về phía quầy:

    - Cái cô áo xanh kia cô ấy nói thế nào cũng có. Chỉ không biết giờ nào.

    Vận nói tiếp, giọng hài hước:

    - Cái cô áo xanh đã nói có thì thế nào cũng có. Chờ vậy.

    Tôi nhún vai nhắc lại câu nói của Vận:

    - Chỉ còn cách đó.

    - Thế là ông Khoa làm chúng mình mất đứt với ông ấy một buổi. Làm gì bây giờ đây.

    Tôi không thấy bồn chồn là mấy. Chẳng phải tôi đã quen lắm với những đợi chờ và đưa đón như thế này. Tôi chưa đi đón ai. Đón Khoa cũng lần đầu. Nhưng mà cái thứ thời gian lê thê của Pleiku thì tôi đã quen và đã sống. Những buổi sáng dài. Những buổi chiều rộng. Những buổi trưa, trưa mãi không sang chiều. Những buổi chiều, chiều mãi không tới đêm. Những đêm vô cùng, vô tận. Đó là thứ thời gian ngưng đọng của Pleiku. Tôi cười, bảo Vận:

    - Ra nói chuyện với cái cô áo xanh kia đi.

    Mắt Vận sáng lên:

    - Một ý kiến hay. Ngọc đứng đây nhé.

    Tôi đón lấy cái áo mưa trên tay Vận:

    - Mượn anh cái áo. Ra ngoài mưa một chút.

    Rời khỏi phòng đợi, tôi đi ra với một khoảng trống bát ngát. Phi trường Cù Hanh là một mặt phẳng trần trụi ngăn cách với những ngọn đồi đối diện bằng một thung lũng hẹp. Phi đạo chạy dài, song song với thung lũng.

    Ngày tôi và Huyền về Sài gòn, phi trường là một cảnh tượng di tản nhộn nhịp. Máy bay vận tải, trực thăng lên xuống không ngớt. Từng đám hành khách với những hành lý cồng kềnh chen chúc ở phòng đợi. Tình thế đầy ắp chất nổ hiện hình trên những nét mặt lo âu. Những chiếc máy bay là thấp xuống một hướng núi. Những tiếng nổ rung rinh núi đồi. Cảnh tượng đó sáng nay không còn nữa. Tình thế lắng dịu trả lại cho Cù Hanh bầu không khí cô tịch của một phi trường miền núi. Những ngọn đồi xa nằm yên tĩnh dưới màn mưa nghiêng nghiêng. Phi đạo ướt loáng. Tôi đứng trầm ngâm với chiếc áo mưa rộng thùng thình của Vận trên người. Một cảm giác ấm áp chen lẫn với một cảm giác rét mướt. Người tôi nóng dần, nhưng da mặt lạnh buốt.

    Mưa đậu trên mái tóc trên vai áo. Tôi sống, tôi đứng đó, giữa mưa phi trường với sự cô đơn của mình. Ném tầm mắt tới một hướng núi xa. Nghĩ mình là một đỉnh núi lạnh. Nhìn phi đạo gần. Và không thấy cho mình một chuyến đi nào.

    Tiếng Vận ở sau lưng kéo tôi ra khỏi giòng mơ màng:

    - Thấy gì chưa?

    Tôi lắc:

    - Chưa. Chắc máy bay không lên.

    Vận nhìn lên trời:

    - Sắp tới là đằng khác.

    - Sao anh biết?

    Vận cười:

    - Cô áo xanh nói. Sài gòn báo lên, máy bay đã cất cánh được nửa giờ. Mưa cũng sắp tạnh, Ngọc không thấy sao?

    Tôi nhìn lên. Mưa còn đều hạt, nhưng mưa sắp tạnh thật. Trời sáng hơn. Những đám mây không ứ đọng nữa, mà chuyển mau trên nền trời. Trận mưa khởi sự chuyển mình kéo tới một vùng trời khác. Rồi tôi nghe thấy một tiếng động. Cái tiếng động thật cao thật nhỏ ấy, lớn dần, thấp dần. Tôi và Vận cùng ném cái nhìn lên biển mây tìm kiếm. Tiếng động đã thật rõ trùm kín phi đạo. Một cái chấm nhỏ hiện ra. Máy bay đã hạ thấp dưới màn mây. Nó lượn nghiêng một vòng và đáp xuống.

    Người hành khách thứ nhất hiện ra ở khung cửa máy bay vừa mở rộng là Khoa. Khoa đã nhìn thấy chúng tôi. Khoa dừng lại một giây trên đầu thang, vẫy tay rối rít.

    Vận đẩy tôi:

    - Tới đón đi.

    Tôi lắc đầu đứng im:

    - Chờ anh ấy ở đây là được rồi.

    Vận bỏ tôi đứng lại một mình, chạy tới chỗ máy bay vừa ngừng. Khoa xách valy xuống thang. Đám hành khách lục tục xuống theo. Xuống khỏi chân thang, đoàn người bước rảo trên phi đạo thành một hàng dài. Khoa trao valy cho Vận, chạy tới. Nét mặt Khoa rạng rỡ. Tôi đứng im nhìn Khoa, nghĩ mình đang làm vui lòng một người. Khoa khỏe mạnh vững vàng như bao giờ. Phút này nhìn Khoa đang hấp tấp chạy tới, tôi vẫn không bỏ đựơc cái ý nghĩ là lấy Khoa, tôi sẽ được sung sướng một đời. Hạnh phúc có với Khoa sẽ là một hạnh phúc đơn giản, bình thường, nhưng bền vững. Tôi còn mơ ước gì hơn? Tôi nhìn Khoa nhủ thầm, một ngày nào đó mình sẽ lấy người đàn ông kia, và sống bình yên, với Pleiku, đến chết.

    Khoa đã tới trước mặt. Tôi không nhìn thấy ai nữa. Khoa nắm chặt lấy tay tôi.

    - Chờ lâu chưa?

    Tôi cười:

    - Khá lâu. Nhưng không sao. Chỉ sợ chuyến bay của anh phải hủy bỏ.

    Khoa gật:

    - Anh cũng sợ thế quá. Ngồi chờ ở Tân Sơn Nhất nóng ruột không thể nào tả được.

    Chúng tôi đã xưng hô anh em với nhau, từ lâu, không biết tự bao giờ. Đâu như là cái lần đó, chúng tôi đã ngồi với nhau lâu hơn trên cái bờ cỏ cao ngất nhìn xuống Biển Hồ xanh đặc ở phía dưới. Đâu như là cái lần đó, Khoa ở lại quán lâu hơn, trời mưa thật lớn và đêm Pleiku thăm thẳm mịt mùng. Đâu như. Tôi không nhớ. Pleiku đưa Khoa đến tôi, gần như là một đưa tới tự nhiên. Cuộc tình nhẹ nhàng, không đam mê, không thất đảm, là những bước chân khoan thai đi tới từng ngày. Tôi không nhận mà cũng thành ra nhận. Chưa đính ước gì với Khoa mà đã như nhìn thấy trước hôn nhân.

    Khoa hỏi:

    - Huyền đâu?

    - Ở quán.

    - Có chuyện gì lạ không?

    Tôi lắc.

    - Suốt một tuần anh vắng mặt Ngọc làm những gì?

    - Bán hàng rồi ngủ. Anh chưa kể chuyện Sài gòn cho em nghe.

    - Sài gòn nóng như một lò lửa. Và con gái Sài gòn không đẹp bằng con gái Pleiku. À anh đã mua quà Giáng sinh cho em. Cho cả Huyền nữa.

    - Cái gì thế?

    Khoa làm bộ bí mật:

    - Về quán sẽ biết. Thôi chúng mình về. Vận đâu nhỉ?

    Đám hành khách đã vào hết phòng đợi. Nhiều chiếc xe rú máy rời khỏi phi trường. Chúng tôi không nhìn thấy Vận đâu hết. Khoa chạy ra chỗ đậu xe rồi quay trở lại:

    - Ô hay, nó biến đằng nào rồi.

    Tôi cười:

    - Chắc đang nói chuyện với cô áo xanh.

    - Áo xanh nào?

    - Một cô chiêu đãi viên. Không chừng Vận đã theo cô ta lên máy bay và còn ở lại trên đó.

    Khoa cằn nhằn:

    - Cái thằng Vận đi đâu cũng thế hết. Em đứng đây để anh lên gọi nó xuống.

    Khoa đi trở lại phía máy bay. Tôi quay đầu, nhìn theo Khoa. Đúng vào cái giây phút này, tôi nhìn thấy người đàn ông.

    Thoạt đầu, tôi tưởng tôi hoa mắt, nhìn lầm. Những cái sự không thể tưởng tượng được là tôi không nhìn lầm. Cửa máy bay vẫn mở rộng. Vận ở đó thật, Vận đứng giữa khung cửa, tay xách chiếc valy của Khoa. Người nữ chiêu đãi đứng bên cạnh Vận, tà áo xanh của cô ta bay múa theo chiều gió. Chắc Vận vừa nói một câu gì ngộ nghĩnh lắm. Người nữ chiêu đãi bưng miệng cười. Và Khoa thì ngừng lại ở chân thang, ngay cạnh người đàn ông.

    Y khoác trên tay một cái áo tơi mưa mầu xám nhạt. Một chiếc valy nhỏ đặt dưới chân, người đàn ông quay mặt về phía tôi. Chắc chắn là y đã nhìn thấy tôi, từ lúc tôi đứng chờ Khoa, suốt thời gian tôi nói chuyện với Khoa, trong khi tôi không hay biết gì hết.

    Toàn thân tôi nóng bừng. Rồi lạnh toát. Sự bối rối ở tôi đã tới cực điểm của bối rối. Hai chân chôn chặt xuống đất, tôi chết sững trong một tê liệt hoàn toàn. Người đàn ông nhìn Khoa, nhìn tôi, yên lặng, đăm đăm. Sự kinh ngạc đồng đều ở cả hai phía.

    Khoa và Vận trở lại chỗ tôi đứng. Nét mặt Vận tươi rói, hớn hở, như sau mỗi lần Vận được trò chuyện với một người đàn bà xinh đẹp. Tôi đứng chôn chân, nhìn Khoa mà là nhìn người đàn ông qua bờ vai Kkhoa. Y xách va li lên, bước đi. Tôi hoảng hồn chỉ sợ y đi tới. Nhưng không, y không nhìn tôi nữa mà lặng lẽ đi vòng về một hướng. Y bước thong thả, đầu cúi xuống, nét mặt trông nghiêng dưới màn mưa toát ra một vẻ buồn bã khác thường, vẻ buồn bã kỳ lạ tôi không thấy ở một người đàn ông nào.

    Sự bàng hoàng trong tôi nguyên vẹn. Tự nhiên tôi đâm bực mình với Vận. Nếu Vận không nán lại với người nữ chiêu đãi tôi đã không thấy y. Và y cũng không thấy tôi.

    Tôi gắt:

    - Các anh lạ thật. Để tôi đứng dưới mưa thế này mãi sao?

    Vận và Khoa đờ người nhìn nhau. Họ chưa từng thấy tôi gắt gỏng vì một chuyện nhỏ mọn như thế này bao giờ. Đây là lần đầu. Gắt xong, tôi biết mình vô lý, tối thậm vô lý. Chính tôi tự ra đứng dưới trời mưa bay từ lúc phi cơ chưa tới. Vận kinh ngạc:

    - Xin lỗi. Bà chị hôm nay khó tính quá.

    Khoa cau mày trách Vận:

    - Tại cậu hết. Thôi mau mau đưa Ngọc về kẻo nguy to bây giờ.

    Tôi không nhìn thấy người đàn ông nữa. Y đã vào tỉnh trước hay còn ở lại phi trường tôi không hay. Vận trao tay bánh cho Khoa lên ngồi ở băng sau. Chiếc xe quay trở lại đoạn đường cũ. Cảnh vật vẫn vậy, mà lại như đã đổi khác. Từ một tâm thức xao xuyến, cái nhìn của tôi không còn là cái nhìn thư thái lúc theo Vận ra phi trường. Thấy tôi lặng im đắm chìm trong suy nghĩ riêng tư, Vận và Khoa cùng không dám gợi chuyện. Như thế, trên một quãng đường dài.

    Tôi ngồi thẳng, toàn thân bất động, hơi thở hồi hộp đứt quãng. Tôi cố đuổi dạt hình ảnh người đàn ông ra khỏi đầu óc, ra khỏi trí nhớ. Không được, không được. Hình ảnh y chập chờn trước mắt, chung quanh, trong tôi. Phía bên kia khung kính mờ hơi nước. Trên từng ngọn đồi chiếc xe chạy qua và bỏ lại. Kín khắp một vòm trời Pleiku. Và tôi thì là cái phiến gương phẳng lặng của Biển Hồ xanh biếc. Sự phẳng lặng không còn nữa. Người đàn ông thình lình xuất hiện. Như một tảng đá thật lớn ném mạnh xuống hồ làm cho mặt nước tan tác. Như một trận gió lớn ào qua, khiến cho cả cái thế giới bốn mùa tịch lặng của Biển Hồ cũng ào ào nổi gió.

    Nhiều câu hỏi mọc lên trong đầu óc rối loạn. Y lên Pleiku làm gì? Ai quen y ở cái thị xã khuất lánh này? Y tìm ai, hay tìm tôi? Pleiku chỉ là một chặng đường y dừng chân rồi lại đi tiếp tới những nơi chốn những thành phố khác? Hay y ở lại đây? Câu hỏi sau cùng làm tôi rùng mình.

    Tôi xin đánh đổi tất cả những gì quý báu nhất của đời tôi để không bao giờ phải nhìn thấy y nữa. Nhưng tôi đã nhìn thấy y. Hai chúng tôi đã nhìn thấy nhau. Pleiku với bốn phía núi rừng vây bọc, từ bao năm vẫn tạo cho tôi, cái cảm giác, cái ấn tượng một thung lũng kín khuất. Hơn nữa, một trú ẩn chắc chắn. Tôi tựa lưng vào rừng gối đầu vào núi sống với Pleiku từng buổi sáng bình yên, từng buổi chiều thư thái. Ở trong một cái vũng ở dước một cái đáy. Cảm giác cũ không còn nữa. Ấn tượng cũ tan biến.

    Tôi gục đầu thở dài não ruột.

    Khoa quay sang nét mặt khổ sở:

    - Em còn giận sao?

    Vận nói lên ở băng sau:

    - Tôi không dám vác mặt tới quán Nhớ nữa đâu nhé.

    Tôi quay lại với Vận:

    - Hơi mệt một chút. Thành ra tâm tính đáng ghét quá. Xin lỗi Vận.

    Sự mừng rỡ hiện rõ trên nét mặt Khoa. Vận cười với tôi, thở phào nhẹ nhõm. Mưa vẫn còn lất phất. Nhưng cảnh tượng đã ấm hẳn. Xe vào tới thị xã. Đám người đi lại trên hè đường đông đúc hơn, bây giờ tôi cùng Khoa trở về từ phi trường. Những cửa tiệm mở cửa. Xe dừng lại trước cửa tiệm bào chế. Bầy em nhỏ của Khoa từ trong nhà chạy túa ra. Tôi mới đến tiệm thuốc một vài lần. Giữa tôi và Khoa chưa có gì rõ rệt. Nhưng tin đồn đã bay đi. Pleiku coi như Khoa và tôi đã đính hôn. Sắp lấy nhau, tự nhiên không thể khác.

    Thấy tôi đám em nhỏ của KHoa đứng sững lại. Chúng mở lớn những cặp mắt tò mò. Tôi ngồi yên trên xe không theo Khoa vào cửa hàng.

    Khoa hỏi:

    - Vào chơi không?

    Tôi lắc:

    - Em phải về quán. Lát nữa anh đến nhé !

    Khoa xách va ly xuống xe. Vận trèo lên băng trước. Tôi nói với Khoa:

    - Em mời hai anh ăn cơm, trưa nay.

    Tự nhiên tôi muốn thân mật với Khoa hơn. Muốn đi tới. Như Khoa thình lình trở thành một nương tựa, một cần thiết, trước một nguy hiểm đang đe dọa mà tôi không đương đầu, không thể đối phó một mình. Khoa là người khách hàng thường xuyên và thân thiết nhất của quán Nhớ. Nhưng giữ ý, tôi chưa mời Khoa ăn cơm lần nào. Cũng chưa từng mời Vận. Tôi muốn tạ lỗi với họ. Với cả hai người.

    Sự mừng rỡ ở Khoa gia tăng thành một hạnh phúc toàn vẹn. Tôi mỉm cười với Khoa, nhìn Khoa âu yếm.

    - Nhận lời không?

    Khoa gật lấy gật để:

    - Tất nhiên là nhận. Vận thì sao?

    Vận làm bộ sợ hãi:

    - Bà chị đã cho ăn, chối từ làm sao được.

    Chiếc xe díp rời khỏi nhà Khoa. Tôi bảo Vận cho tôi ghé vào chợ, trên đường về quán Nhớ. Tôi xuống xe vào chợ mua đồ ăn, cho một bữa cơm thật ngon. Tôi muốn chứng tỏ cho Khoa, tôi không chỉ là một người con gái bán quán. Mà còn là một người nội trợ, biết làm bếp, biết làm cho một mái gia đình trở thành một mái nhà ấm áp. Lần đầu tiên, tôi bằng lòng lấy Khoa. Nghĩ Khoa qua hình ảnh người chồng sau này của mình.


  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Người đàn bà lộ vẻ vui mừng, tôi cũng chẳng hiểu tại sao. Bà ta mời tôi vào trong quầy nói chuyện. Thì ra bà có một người con trai. Tên anh là Chấn. Chấn nhập ngũ hồi đầu năm ngoái. Hiện đang ở Pleiku. Trong những lá thư và qua vài lần về thăm nhà. Chấn kể cho em gái về những buổi sáng chủ nhật đi dạo phố. Chấn cùng đám bạn bè kéo nhau đến quán Nhớ uống cà phê. Người đàn bà góa chồng, chỉ có Chấn là đứa con trai duy nhất. Bà ta muốn lên Pleiku thăm con trai hàng tuần, nhưng khách sạn không có ai trông nom nên những cuộc đi thăm con không thể luôn luôn như thế được.

    - Con tôi nói đến quán cô luôn. Cô biết nó không?

    Tôi cười:

    - Các anh ấy đến đông lắm. Nhưng nếu bà tả qua hình dáng, tôi sẽ nhận ra được.

    - Tôi có một ít đồ muốn gởi cho cháu. Chừng nào cô về Pleiku, tôi gửi cô cho cháu đến quán nhận được không?

    Tôi nói được, chuyện đó rất dễ dàng.

    Người đàn bà nắm lấy tay tôi:

    - Trên Pleiku, chúng tôi không có bà con quen thuộc gì hết. Cô với chúng tôi trước lạ bây giờ là quen. Tôi sẽ viết thư cho con tôi. Cô coi nó như em. Cho nó lui tới. Nó cần gì nhờ cô giúp đỡ cho.

    Thế là tôi trở thành thượng khách của bà chủ khách sạn. Mặc dù tôi nhất định từ chối, bà ta nhất định bảo con gái trả lại tôi mọt nửa tiền phòng. Bà ta đích thân đưa tôi lên lầu dành cho tôi căn phòng đẹp nhất. Đó là một căn phòng có máy lạnh, trước cửa sổ phòng có bóng cây, hành lang phía trước có một dàn hoa leo mầu tím.

    - Cần gì cô cứ nhấn chuông.

    Tôi nói:

    - Cám ơn bà.

    Chỉ mấy bức tranh của Dã Thụy, người đàn bà hỏi:

    - Cái gì đó?

    - Mấy bức tranh.

    Người đàn bà tỏ vẻ ngạc nhiên:

    - Cô biết vẽ sao?

    Tôi cười lắc đầu:

    - Không, đó là mấy bức tranh của một người bạn. Bạn tôi sinh trưởng ở đây. Anh ta vừa tạ thế ở Pleiku, mang mấy bức tranh về cho gia đình anh ấy ở đây.

    - Ai vậy?

    - Anh Dã Thụy.

    Bà chủ khách sạn nhíu mày:

    - Có phải là cái cậu bỏ nhà đi giang hồ từ mấy năm nay?

    - Vâng. Chắc thế. Tên anh bạn tôi là Thụy.

    - Cậu Thụy, đúng rồi. Cậu ta mất rồi sao? Tội nghiệp. Bà cụ thân sinh ra cậu ấy rất quen biết với gia đình chúng tôi. Từ ngày cậu ta bỏ đi, bà cụ khóc hoài. Đâu có cho người vào Sàigòn tìm kiếm nhưng không thấy.

    Bà chủ khách sạn chép miệng:

    - Tại sao cậu ấy không trở về, cô có biết không?

    Tôi biết tại sao Dã Thụy bỏ đi. Tôi biết tại sao Dã Thụy không trở về Quy Nhơn. Nhưng tôi không nói cái biết đó với bà chủ khách sạn. Vì Dã Thụy, chỉ những người như tôi, chỉ những người cùng một lứa tuổi với Dã Thụy, có một đời sống gió bão như Dã Thụy, mới hiểu được. Chúng tôi là những nhánh cây đứt rễ, những giọt nước mất nguồn, những con thuyền trôi dạt vì chối từ mọi bến đậu. Tôi ôn tồn nói với bà chủ khách sạn:

    - Anh Thụy đau yếu luôn, nên nhiều lần anh ấy muốn về Quy Nhơn mà không về được.

    Thấy tôi có vẻ mệt, không muốn kéo dài câu chuyện người đàn bà đi ra. Tới cửa phòng, bà ta đứng lại:

    - Cô nằm nghỉ. Lát nữa tôi sẽ cho bồi phòng lên mời cô xuống dùng bữa với chúng tôi.

    Cửa phòng đóng lại. Tôi thay quần áo, ném mình xuống mặt nệm. Cảm thấy mệt hơn bao giờ. Cảm thấy cô đơn hơn bao giờ. Sau một đoạn đường, ở tôi vẫn là cuộc chạy trốn đó, về trước mặt. Một cuộc chạy trốn thất đảm, vô ích, nhưng vẫn phải tiếp tục vì không thể dừng lại. Những khuôn mặt xa gần hiện lên. Thụy bây giờ đã yên thân ở chỗ nằm vĩnh viễn nơi lưng chừng một ngọn đồi. Đạo giờ này chắc đang nằm với một người đàn bà nào đó. Khoa mà tôi thành thật muốn đáp lại, để chỉ thấy giữa hai chúng tôi còn là một biển trời xa cách. Tôi muốn đi xa vài ngày. Đổi thay cho mình một không khí, một cảnh trí. Như thế, để nhìn thấy mình rõ hơn. Tôi chẳng nhìn thấy được gì hết. Càng nghĩ, đầu óc càng hoang mang rối loạn.

    Rồi sự mệt mỏi đè xuống, làm nặng chĩu mí mắt. Tôi thở dài, quay mặt vào tường. Và ngủ thiếp đi.

    Ngôi nhà nằm ở cuối một con đường nhỏ, đối diện với bãi biển. mái ngói đỏ. Những khung cửa sơn xanh. Những vì tường màu vàng. Bốn giờ chiều. Sau bữa ăn cơm cùng với mẹ con bà chủ khách sạn, tôi thuê xe đi một vòng trên những con đường chính của Quy Nhơn, rồi tìm đến nhà Dã Thụy. Đã định đem theo mấy bức tranh, nghĩ thế nào, tôi lại để chúng lại trên phòng khách sạn. Tôi cần biết phản ứng của gia đình Thụy đối với cuộc thăm viếng đột ngột của tôi như thế nào đã.

    Ngần ngại một phút trước ngôi nhà đóng kín cửa rồi tôi đưa tay lên, ấn mạnh vào nút chuông trên thành cửa. Tiếng chuông reo, thật sâu, trong căn nhà yên lặng. Không có ai trả lời.

    Tôi chưa biết nên chờ đợi hay nên bỏ đi thì cửa của căn nhà bên cạnh mở ra. Một cậu nhỏ thò đầu ra. Tôi hỏi:

    - Phải đây là nhà ông giáo Cát.

    Cậu nhỏ gật:

    - Phải.

    - Nhà không có ai sao?

    - Bà giáo bị đau nặng vào bệnh viện hai hôm nay rồi. Ông giáo cũng vào đó với cô Hiền từ trưa. Chắc đến chiều tối mới về.

    - Lát nữa, tôi quay lại vậy.

    Băng qua lòng đường, tôi đi thẳng xuống bãi. Từ thuở nhỏ, tầm mắt tôi chỉ quen thuộc với thứ địa hình trùng điệp của cao nguyên. Đó là những cánh rừng hòa vào những cánh rừng thành một vòng xanh đặc, rậm rì, bất tận. Đó là những ngọn đồi nối tiếp những ngọn đồi, những triền núi xếp thành một bức tường thiên nhiên cao vút. Tầm mắt vì thế bị án ngữ. Người ta không nhìn thấy chân trời.

    Bãi biển Quy Nhơn về chiều đang phơi bầy trước mắt tôi một cảnh tượng trái ngược hẳn. Tầm mắt được giải phóng. Chân trời là một vệt ngang thẳng tắp. Sự mênh mông trải phẳng đến không cùng làm cho cái nhìn rợn ngợp. Tôi đặt chân xuống mặt cát. Mầu cát vàng óng. Những bước chân tôi lún xuống, vừa đi vừa nhìn lại, thấy những dấu chân mình in rành rành thành một đường thẳng ở sau lưng.

    Khúc bãi trước cửa nhà Dã Thụy khá đông đảo. Từ con đường Nguyễn Huệ chạy dọc theo bãi, từ những con phố bên trong, nhiều toán người đang đi ra, cùng xuống bãi với tôi. Nhiều toán người khác ra bãi sớm hơn, đã vùng vẫy giữa những cơn sóng trắng xoá. Hàng rong ngồi thành một hàng tới sát chân nước. Tôi đi lẫn vào một bầy trẻ nhỏ. Bãi cát, với chúng biến thành một sân cỏ, trên đó một trận cầu hào hứng đang diễn ra. Những tiếng reo hò của bầy nhỏ át cả tiếng sóng.

    Đi được một quãng, tôi quay nhìn trở lại phía nhà Dã Thụy. Nhìn từ xa, mới thấy khúc phố khá đẹp mắt. Ngôi nhà nằm dưới một tàng cây lớn. Những bông hoa đỏ chói rực rỡ giữa những chùm lá xanh ngắt. Cảnh tượng vui ấm như thế kia, tại sao không lưu luyến được lòng người? Quy Nhơn không có vẻ gì là một nơi chốn lưu đày. Tại sao Dã Thụy bỏ đi, không nghĩ đến một lần trở lại? Tôi không tìm được câu trả lời.

    Nương theo chiều gió đẩy ở sau lưng, tôi lững thững đi tiếp. Bãi thưa vắng dần. Bây giờ thì tôi không còn nhìn thấy ai ở chung quanh nữa, mà chung quanh tôi chỉ còn là buổi chiều, bãi cát, tiếng sóng và biển bao la xanh biếc. Tôi chọn một khoảng cát thật mịn, ngồi xuống. Tỳ cằm lên đầu gối, tôi nhìn ra biển khơi. Nhớ một lần, Dã Thụy đã nói với tôi về biển: "Nhìn biển, người ta quên hết cuộc đời ở phía sau lưng". Tôi nhớ lại lời Thụy và thấy mình chưa tìm được sự quên lãng đó. Tiếng sóng đều đều từ mặt nước ném lên. Ngồi thêm một lát nữa thấy tiếng sóng tràn đầy tràn đầy.

    Bỗng, tôi rùng mình. Một bàn tay vừa đặt nhẹ lên vai tôi. Không nhìn lên, không quay lại, tôi cũng biết đó là một bàn tay đàn ông. Và người đàn ông không thể là ai khác, ngoài Đạo. Tôi đang nghĩ đến chàng. Chàng đã tới thật. Rất tình cờ. Không thể tin. Nhưng đúng vậy, chàng đã tới.

    Tiếng Đạo:

    - Anh nhìn không lầm. Nhưng sao em lại ở đây.

    Tôi đứng lên, từ từ:

    - - Em vừa từ Pleiku xuống.

    Chúng tôi nhìn nhau. Đạo hơi mỉm cười. Ánh mắt chàng đằm lại trong một thoáng mừng rỡ trầm lặng. Đạo mặc một cái áo sơ mi ngắn tay bỏ ra ngoài quần. Chàng có vẻ khỏe mạnh hơn là mấy ngày chàng ở Pleiku. Sự gặp gỡ thật bất ngờ. Nhưng chúng tôi nhìn nhau, lại có cảm tưởng như đó là một gặp gỡ tự nhiên, như chúng tôi cùng hẹn nhau ra bãi. Ý nghĩ này khiến tôi khám phá ra một sự thật. Quả thật là chúng tôi đã đi thật sâu vào đời nhau. Và quả thật là chúng tôi không còn ra khỏi đời nhau được nữa.

    - Em tưởng anh về Sàigòn từ lâu rồi.

    Đạo lắc đầu:

    - Anh từ Pleiku xuống thẳng đây. Anh nhìn thấy em từ xa.

    Chúng tôi nắm lấy tay nhau, đi theo bờ nước. Thêm một lần nữa, cái cảm giác yên tâm, một yên tâm cũng lớn và đầy như biển lại đến với tôi, lúc này, khi tôi có Đạo. Tôi không cần nói nhiều. Đạo cũng vậy. Chỉ một vài câu trao đổi ngắn ngủi, rồi sự im lặng là tiếng nói chung của hai chúng tôi. Mấy buổi trưa, mấy ban đêm ở Sàigòn, trong phòng Đạo, tôi đã được sống với sự im lặng khác thường này. Đạo nằm bên tôi. Chàng hút thuốc lá, nhìn đăm đăm lên trần nhà. Tôi nằm cạnh chàng và hai chúng tôi cùng im lặng hàng giờ không nói. Bây giờ cũng vậy. Nắng chiều đã xuống, ném hai cái bóng chúng tôi dài thênh trên bãi cát. Biển như sâu hơn. Tiếng sóng lớn hơn. Tôi phá tan sự im lặng:

    - Em đang ngồi, em đang nghĩ tới anh.

    Đạo gật, điềm đạm:

    - Anh biết.

    - Anh đi rồi, em có tới tìm anh ở khách sạn.

    Đạo lại gật:

    - Anh biết em tới.

    Tôi bật cười thành tiếng:

    - Em làm gì anh cũng biết sao?

    - Gần như thế.

    Tôi nhớ lại lúc tới tìm Đạo ở khách sạn. Tới sự thất vọng của tôi khi ở khách sạn đi ra. Tới phút gặp Thư, theo Thư về nhà. Và sự bực bội của mình cả ngày hôm đó.

    - Anh đi đâu, ít nhất cũng phải cho em biết chứ.

    Đạo nhìn tôi, ngạc nhiên:

    - Chúng mình có định như thế đâu.

    Biết mình vô lý, tôi cũng vẫn nói:

    - Ít nhất anh cũng phải để lại cho em một lá thư. Em đến tìm anh ở khách sạn, cả Pleiku biết rồi đó.

    - Có chuyện gì phiền phức xẩy ra cho em không?

    - Tất nhiên là có.

    - Chính vì thế mà anh thấy không nên ở lại Pleiku lâu hơn nữa.

    - Anh bỏ đi cũng chẳng thay đổi được gì hết.

    - Anh biết.

    Chúng tôi rời bãi, đi vào phía bên trong. Khúc này là con đường Nguyễn Huệ. Dãy nhà thấp, lác đác. Ở nhiều quãng, cát từ dưới bãi tràn lên mặt đường. Đạo nắm chặt tay tôi hơn.

    - Em giận anh đấy à?

    Tự nhiên, tôi chảy nước mắt:

    - Nếu em giận được anh, may cho em bao nhiêu.

    Tôi không giận được Đạo thật. Không bao giờ. Dù ngày mai khi tôi thức dậy trên giường ngủ của chàng, chàng đã bỏ đi, không để lại một lá thư, một giòng chữ. Tôi không thù oán Đạo được. Không bao giờ. Dù chàng đã đem lại thảm kịch cho đời tôi, và chắc chàng sẽ làm khổ tôi nhiều hơn nữa. Khoa đem lại cho tôi một hạnh phúc đích thực. Tôi không muốn sống với hạnh phúc đó. Đạo đem lại cho tôi bất hạnh. Tôi đuổi theo bất hạnh đó. Ôm chặt lấy nó. Sống. Và cảm thấy sung sướng. Thế có phải là tôi điên hay không?

    Chúng tôi đứng lại dưới một bóng cây. Đạo hỏi:

    - Em định ở đây mấy ngày?

    Đạo đã nhìn thấy tôi khóc. Nhưng chàng không dỗ. Tôi cũng không khóc nữa. Tôi chỉ thấy tôi yên tâm. Tôi chỉ thấy tôi bàng hoàng, đang sung sướng.

    - Ba ngày.

    - Em cũng chưa cho anh biết em xuống Quy Nhơn làm gì?

    Tôi nói vắn tắt cho Đạo biết về cái chết của Dã Thụy. Về cuộc viếng thăm tôi muốn thực hiện với gia đình Thụy.

    Tôi chỉ tay:

    - Nhà Thụy ở đằng kia. Nhưng em chưa gặp ai. Mọi người đi vắng hết.

    Đạo rút thuốc lá, châm lửa hút. Thái độ chàng khoan thai bình tĩnh. Trên một hè đường, trước một quầy rượu, hay trong không khí thân mật buông thả của một phòng ngủ, Đạo vẫn cách biệt. Như lúc này chàng đang đứng với tôi. Nhưng tôi biết Đạo đang vui. Vì gặp lại tôi ở một nơi chốn giữa những phút chàng không ngờ tới.

    Không biểu lộ, chỉ là chàng muốn che dấu niềm vui đó. Ít người thấy được những lúc vui mừng hiếm hoi của Đạo. Tôi thấy. Chỉ mình tôi thấy. Qua ánh mắt chàng. Nhưgn lúc lắng đọng xuống, cái nhìn hiền và êm đềm hơn. Qua giọng nói, chợt có lửa, chợt đầm ấm. Lúc vui của Đạo cũng là lúc ở chàng có một thỏa thuận. Với kẻ khác. Với chính chàng. Bây giờ Đạo đang vui. Chàng như trẻ hẳn lại. tôi cũng vậy. Đạo hỏi:

    - Em phải trở lại nhà đó ngay bây giờ không?

    Tôi lắc:

    - Không cần thiết gì lắm. Tối nay em sẽ tới.

    - Em ở nhà ai ở đây?

    - Khách sạn.

    - Khách sạn nào?

    Tôi nói tên khách sạn. Đạo gật:

    - Anh biết.

    Tôi kêu lớn:

    - Anh cũng ở đó?

    Đạo cười. Chàng dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ vào trán, khiến tôi lùi lại một bước.

    - Không. Làm gì mà la hoảng vậy?

    Tôi làm bộ mừng rỡ:

    - Nếu anh ở đó em phải đổi khách sạn khác.

    - Sao vậy?

    - Nguy hiểm. Em vừa có một bạn mới. Đó là bà chủ nhà. Khách sạn rất đứng đắn, không chấp nhận những chuyện bậy bạ.

    Đạo ngẩn người:

    - Chuyện anh và em là chuyện bậy bạ?

    - Nếu không hẳn là bậy thì cũng không thể coi là đứng đắn được.

    Đạo chợt buồn. Chàng nín thinh rồi gật đầu:

    - Đúng vậy. Không thể coi là chuyện đứng đắn được.

    Tôi nắm lấy tay Đạo:

    - Nhưng em mừng được gặp anh ở đây. Đó là điều quan trọng nhất.

    Tôi mừng thật. Pleiku buồn rầu, đã bỏ lại thật xa, bên kia những triền núi, bên kia những cánh rừng. Giờ này. Quy Nhơn đang chan hòa nắng dãi. Biển đang xanh biếc với tiếng sóng hát ca từ bãi cát thênh thang. Giờ này, ở Pleiku, sương chiều đã thả giọt, những triền núi đã thẩm mầu, hoàng hôn đã dăng lưới. Tôi ra khỏi được Pleiku rồi. Chẳng phải là tình yêu của tôi với Pleiku đã phai lạt hay tan vỡ. Pleiku là bến đậu muôn đời của tôi. Nhưng tôi còn trẻ, hãy xin cho tôi được một vài lần thoát ly. Rồi cuối cùng tôi cũng vẫn trở về với những cánh rừng, những bóng núi.

    Đạo và tôi cùng lìa khỏi con đường Nguyễn Huệ. Thành phố còn hoàn toàn xa lạ như lúc tôi mới đến. Tôi cảm thấy mình thoải mái và tự do hơn bao giờ. Ở Quy Nhơn, đi bên cạnh Đạo, chắc chắn tôi không còn phải gìn giữ ý tứ như ở Pleiku nữa. Tôi sánh vai Đạo, bước giữa lòng đường và lần đầu tiên tôi đối diện đích thực được với tình yêu vì tôi thấy tôi được tự do. Chúng tôi đi dần vào những khu phố trong. Biển không nhìn thấy nữa. Chợt mất đi tiếng sóng. Chỉ còn lại chung quanh hai chúng tôi cái tiếng động đặc biệt của Quy Nhơn là tiếng chuông leng keng đổ hồi. Khác biệt với tất cả mọi nơi, những chiếc cyclo ở Quy Nhơn vừa lăn bánh vừa rung chuông inh ỏi.

    - Em quên chưa hỏi anh. Anh ở đâu?

    - Nhà một người bạn.

    - Hơi lạ đó.

    - Sao vậy?

    - Anh là người của những khách sạn.

    - Đúng. Nhưng lần này, xuống Quy Nhơn thì có người ngăn không cho ở khách sạn nữa.

    Tôi nhìn sang Đạo:

    - Người ngăn anh có phải là người đàn bà em thấy ở Pleiku.

    Đạo xua tay:

    - Anh đi một mình. Không có chuyện cho người đàn bà ấy đi theo.

    - Mặc dầu bà ta đã đòi đi theo?

    Đạo gật, không che dấu:

    - Mỹ dung đòi đi. Nhưng anh từ chối. Người anh nói đây là một người bạn cũ. Anh ta ở đây, sống một mình. Trên anh là Luận. Hiện anh đang ở tạm nhà anh Luận. Lát nữa anh sẽ giới thiệu Luận với em.

    Tôi lắc đầu:

    - Em không muốn gặp ai hết.

    - Nhưng Luận thì em phải gặp. Một mẫu người rất kỳ lạ.

    Tôi cười:

    - Kỳ lạ đến như anh là cũng chứ gì?

    Đạo nghiêm trang;

    - Hơn. Em gặp sẽ thấy danh từ kỳ lạ anh dùng đúng không tả được.

    Đạo nhìn đồng hồ:

    - Em muốn về khách sạn?

    - Không. Đưa em đi chơi.

    - Lại ra bãi?

    Tôi nhìn trời, một bầu trời Quy Nhơn chói lòa với những đám mây lực lưỡng bay nhanh theo chiều gió.

    - Đêm nay có trăng. Để buổi tối ra bãi đẹp hơn.

    - Bây giờ em muốn đi đâu?

    - Đi khắp tỉnh. Đi như thế này.

    Đạo bật cười:

    - Giữa đường?

    - Giữa đường. Cho mọi người cùng nhìn thấy chúng mình đi với nhau.

    - Em muốn thế thì dễ lắm.

    Tôi muốn thế thật. Chẳng phải là lúc nào cũng muốn thế. Nhưng lúc này, tôi muốn tận hưởng sự tự do của mình. Tôi đã ở bên cạnh Đạo nhiều lần. Hai tuần lễ ở Sàigòn, một buổi tối ở Pleiku. Nhưng những lần đó, sự gần gũi của chúng tôi có một vẻ gì vẫn đục, vì phải che dấu, vì phải giam nhốt trong một căn phòng đóng kín. Tôi vẫn buồn bực vì chuyện đó. Chiều nay ở Quy Nhơn, tôi mới được phơi bày nhưng rung động của trái tim tôi ra ánh mặt trời. Cảnh trí thay đổi khiến cho tình yêu cũng đổi thay theo. Nó hồn nhiên, tươi sáng hơn. Tôi bằng lòng khao khát được sống, được yêu như thế. Một cách hồn nhiên và tươi sáng.

    Quy Nhơn có rất nhiều con phố rộng thẳng, rất nhiều con đường sầm uất. Nhưng lớn nhất và đông đúc nhất là đường Lê Lợi. Con đường khá gần với khách sạn tôi ở. Những cửa tiệm san sát. Tôi nắm tay Đạo đi trên vỉa hè, để mặc cho mọi cặp mắt tò mò nhìn nghe.

    Đi hết đường Lê Lợi, chúng tôi quay gót, đi trở lại con đường này, từ đầu đến cuối, trên hè phố bên kia. Buổi chiều đã xuống hẳn. Nắng nhạt. Vòm trời cao vút. Gió từ phía biển thổi vào, là là mặt đường. Tôi sống một cảm giác phơi phới. Quy Nhơn chiều nay ném trí nhớ tôi thật xa về những buổi chiều Sàigòn năm ngoái. Tôi cũng đã đi chơi tay đôi với Đạo như thế này. Có điều là chúng tôi còn rụt rè, chưa dám xuất hịên công khai ở những nơi chốn đông người. Mấy buổi chiều nắng đẹp, chỉ nhìn thấy chúng tôi trên những con đường, những bãi cỏ ngoại ô. Ở Sàigòn, tôi đã nằm với Đạo trên cỏ. Nhìn mây bay trên đầu. Nhìn nắng nhạt quanh mình. Nhìn giòng sông trước mặt. Bâg giờ, tôi đi với Đạo trên một hè phố đông đúc, thả cho tình yêu ung dung đi tới theo từng bước chân, tôi được sống, lần đầu tiên, một cảm giác vợ chồng ngây ngất.

    Mấy ngày ở Quy Nhơn, tôi sẽ sống tận cùng với chúng. Trong một hưởng thụ tràn đầy. Hạnh phúc với tôi vẫn chỉ là thứ hạnh phúc chốc lát. Nó không có lối thoát, chẳng có ngày mai. Rồi Đạo sẽ lại ra khỏi đời sống tôi, chàng đến như mây, chàng sẽ đi như gió. Tôi có chàng phút nào, biết phút ấy. Cho nên tôi phải tận hưởng, vì không dám có một ảo tưởng nào.

    Một giờ sau, tôi đưa Đạo trở về khách sạn. Bà chủ nhà vẫn ngồi với cô con gái ở sau quầy.

    Tôi bấm nhẹ vào cánh tay Đạo nói nhỏ:

    - Anh đừng ngạc nhiên nhé !

    Đạo ngạc nhiên:

    - Về chuyện gì mới được chứ?

    - Về chuyện em giới thiệu anh.

    - Cần thiết không?

    Tôi cười:

    - Bắt buộc.

    Miệng nói, tôi kéo Đạo đến trước quầy hàng. Tôi nói với Đạo:

    - Ạnh, đây là bà chủ khách sạn.

    Bà chủ quán ném cho Đạo một cái nhìn tò mò. Đạo cúi đầu, lễ phép.

    - Chào bà.

    Tôi chỉ Đạo, nói với người đàn bà.

    - Nhà tôi. Nhà tôi vừa từ Pleiku xuống.

    Bà chủ khách sạn tròn mắt:

    - Ông bà không đi cùng với nhau sao?

    Thấy tôi đóng kịch, Đạo phải đóng kịch theo:

    - Tôi có việc phải đi chuyến xe sau.

    Trông Đạo và tôi có vẻ gì là vợ chồng không? Hình như là không. Cái nhìn tò mò của người đàn bà chuyển thành một cái nhìn đầy nghi ngờ. Tôi điềm nhiên như không. Hỏi Đạo:

    - Anh thu xếp xong công việc chưa?

    Đạo mím môi, cố giữ vẻ nghiêm trang:

    - Tạm xong.

    - Chiều nay, ông bà có ăn cơm ở khách sạn?

    Tôi trả lời thay cho Đạo:

    - - Chúng tôi dùng bữa ngoài biển. Mai, chúng tôi sẽ ăn cơm ở đây.

    Tôi kéo Đạo đi về phía cầu thang. Tình yêu là một cái gì thật tươi vui, trẻ trung, nếu người ta vừa được đứng đắn với nó, lại vừa được đùa ngịch với nó. Tôi đang được như thế. Tôi bước rải trên những bực thang; cười khúc khích. Đạo đi bên cạnh tôi, nét mặt nghiêm trang hẳn lại. Chừng như danh từ vợ chồng tôi vừa nói tới làm Đạo bận tâm và suy nghĩ.

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tôi cười lớn:

    - Em đùa đó, anh đừng lo.

    Đạo nín thinh, không nói gì. Chàng lẳng lặng theo tôi tới trước cửa phòng. Hàng lang vắng ngắt. Bầu không khí riêng tây cho phép những cử chỉ, những biểu tỏ thân mật. Tôi vòng tay ôm ngang lưng Đạo, tựa đầu vào vai chàng. Đạo cúi xuống, hôn nhẹ lên mái tóc tôi. Nét mặt chàng vẫn cực kỳ nghiêm trang.

    Cửa phòng mở ra. Tôi kéo Đạo và thuận tay đóng mạnh cánh cửa lại. Đèn phòng bật sáng. Đạo đưa mắt, nhìn căn phòng, và những đồ đạc lặt vặt tôi còn ném bừa bãi trên mặt đệm. Tôi chờ Đạo ôm lấy tôi, như mọi lần. Nhưng không, chàng buông thõng hai tay, nét mặt vẫn nghiêm trang.

    Tôi hỏi:

    - Anh sao thế?

    Đạo thở dài thật nhẹ. Chàng từ từ lắc đầu:

    - Không.

    - Anh thấy chưa? Thế nào rồi chúng mình cũng gặp lại nhau.

    Đạo ngẫm nghĩ rồi kéo tôi lại giường, bắt tôi ngồi xuống:

    - Ngồi xuống đây, anh nói chuyện.

    Giọng Đạo trầm trọng. Tôi không dám cười cợt nữa.

    - Anh muốn nói gì với em.

    Đạo nhìn thẳng vào mặt tôi:

    - Anh muốn nói với em thế này. Chúng mình đừng đi xa thêm nữa.

    - Anh không muốn lên đây? Anh không muốn gặp em?

    Đạo xua tay:

    - Em đừng hỏi vậy. Em thừa biết là không phải như vậy?

    - Anh bận tâm điều gì?

    - Trò đùa nguy hiểm đã kéo dài. Đừng kéo dài nó thêm nữa.

    Đạo thở dài nói tiếp:

    - Anh đang như thế nào, em biết không? Anh đang rất ân hận.

    Tôi lắc đầu:

    - Em thì không !

    - Trong hai chúng mình phải có một người sáng suốt hơn người kia. Anh đã nghĩ lại. Tất cả. Từ đầu. Từ mấy tuần lễ ở Sàigòn. Từ chuyện anh lên Pleiku. Đến chuyện chúng mình tình cờ gặp nhau ở đây. Đáng lẽ anh phải thôi, phải để cho em yên. Anh đã không làm như thế.

    - Em không đổ lỗi cho anh.

    - Chính vì thế mà anh hối hận.

    Nói với Đạo rằng tôi không ân hận, tôi nghĩ tôi rất thành thực. Chẳng phải bây giờ, tôi mới không ân hận. Mà chẳng ân hận chút nào, đêm tôi theo Đạo vào phòng chàng ở Sàigòn. Không có gì vĩnh viễn trên trái đất này. Kể cả tình yêu, kể cả tuổi trẻ. Thêm một ngày sống, tôi lại có thêm không biết bao nhiêu minh chứng hùng hồn cho cái không lâu dài, cho cái không vĩnh viễn. Cái chết của anh KIện dưới chân ngọn đồi Chu Pao. Tuổi trẻ của anh nổ tung, tan tành thành muôn mảnh nhỏ. Cái chết của Dã Thụy trong túp lều hoang, bên cạnh những bức tranh không bao giờ được người đời biết đến. Tấm bia người chiến sĩ vô danh in lên nền trời An Khê. Những dấu chân tôi buổi chiều ngoài bãi biển Quy Nhơn. Những dấu chân ấy đã bị sóng biển bôi kín. Tất cả đều chốc lát. Tôi và Đạo cũng vậy. Tình yêu của chúng tôi, cũng vậy. Và ngày mai là một chân trời mịt mùng. Anh Đạo, anh không nhìn thấy em đang chạy trốn đó sao? Cuộc chạy trốn điên cuồng, tuyệt vọng về trước mặt. Chúng ta đang rủ nhau chạy trốn. Cuộc chạy trốn điên cuồng, tuyệt vọng về trước mặt.

    Tôi ấn mạnh ngón tay vào nút chuông ở đầu giường.

    Đạo nhíu mày:

    - Em làm gì vậy?

    - Gọi bồi phòng lên.

    - Em cần gì?

    - Hai cái ly. Một chai rượu mạnh.

    Sự kinh ngạc của Đạo khiến tôi cười lớn thành tiếng. Làm cho một người như Đạo phải kinh ngạc là một trò chơi cực kỳ vui thú. Tôi đặt mình nằm xuống mặt đệm. Thuận đà, tôi kéo Đạo nằm xuống theo. Tiếng cười của tôi vang động trong căn phòng kín. Tôi vẫn đang cười khi tiếng gõ cửa nổi lên. Tôi nói lớn:

    - Cứ vào đi.

    Cửa phòng hé mở. Người bồi phòng rụt rè bước vào. Tôi hỏi:

    - Dưới tiệm ăn có rượu không?

    Người bồi phòng gật:

    - Thưa có.

    - Anh muốn uống thứ rượu gì? Cô nhắc nhé?

    Đạo bật cười. Tôi đùa cợt. Chàng thua rồi. Chàng không nghiêm trang được nữa.

    - Em thành thạo về rượu lắm nhỉ?

    - Chuyện, chủ quán mà.

    Bằng một giọng thật ăn chơi, tôi nói với người bồi phòng.

    - Chú xuống nhà đưa lên cho tôi một chai cô nhắc. Một chai nguyên, nghe không. Hai cái ly và một sô đá nữa.

    Người bồi phòng lủi ra. Tôi thay áo dài, tháo mái tóc cho tự do chảy xuống hai bờ vai, phơi bầy thân thể tự nhiên trước mắt Đạo. Năm phút sau, người bồi phòng đưa khay rượu lên. Tôi mở nút chai rót rượu vào ly, đưa một ly cho Đạo. Tôi uống trước, một ngụm lớn. Rựơu đốt cháy cuống họng như mộtgiòng lửa. Chất men đắng, chát, choáng váng. Tôi cố gắng không nhăn mặt. Và ngửa cổ uống thêm một ngụm nữa.

    Đạo cau mày:

    - Coi chừng say.

    Đạo chép miệng:

    - Anh đã điên. Bây giờ anh khám phá thấy nhiều lúc em còn điên hơn anh.

    Đạo uống một chút rượu, uống miễn cưỡng. Lấy ly rượu khỏi tay tôi, chàng không cho tôi uống thêm nữa. Tôi biết lúc này, chàng đang bận tâm về tôi, chàng đang thương tôi, bằng một xót thương rất bất ngờ nhưng cũng rất vô cùng thành thật. Chàng biết nếu không cười đùa, không làm ồn, tôi sẽ sầu thảm và tôi sẽ bật khóc, tiếng khóc, thay cho tiếng cười, cũng sẽ vang động trong căn phòng đóng kín. Tôi chấp nhận cuộc tình chốc lát của chúng tôi.

    Tôi lao đầu vào trò đùa nguy hiểm, không than thở, không oán trách. Thái độ tôi đã làm Đạo xúc động.

    Nhưng rồi tôi cũng không cười đùa được nữa. Hai ngụm rượu làm tôi ngây ngất. Đầu óc tôi bềnh bồng, váng vất. Đạo ôm chặt lấy tôi. Tôi thu mình thật nhỏ, nằm yên trong tay chàng. Một phút im lặng.

    Đạo gọi:

    - Ngọc.

    Tôi nói, vùi mặt vào tai chàng:

    - Em đây.

    - Ngủ một chút đi.

    - Em ngủ để anh lại bỏ đi sao?

    Đạo dịu dàng:

    - Anh không bỏ đi đâu. Đừng sợ.

    - Ba ngày nữa, khi em trở về Pleiku, em sẽ bằng lòng cho anh bỏ đi. Nhưng bây giờ thì anh đừng đi đâu. Ạnh phải ở đây với em.

    Đạo gật:

    - Anh ở. Ngủ đi một lát.

    - Ôm em thật chặt cho em ngủ.

    Đạo hôn tóc, hôn miệng tôi. Thân thể chàng cứng cáp. Hơi thở chàng ấm áp. Tôi rùng mình. Lẫn lộn trong tôi là một yên tâm tận cùng và một hãi hùng không bờ bến. Nước mắt tôi chảy ra ràn rụa. Một bên ngực áo Đạo đã ướt đẫm nước mắt.

    Tiếng Đạo, trong tóc:

    - Sao em khóc?

    - Em không biết. Em không biết.

    Tôi thổn thức nói tiếp:

    - Tự nhiên như thế.

    Đạo dỗ dành:

    - Đừng khóc nữa.

    - Em khóc một chút có sao đâu?

    - Em không khóc một chút. Em đã khóc là khóc thật nhiều. Em khóc, anh buồn lắm.

    Tôi hỏi:

    - Tại sao anh buồn?

    - Vì anh đã làm em khóc.

    - Không phải thế đâu. Không phải thế.

    Tôi không khóc nữa. Tôi chỉ có ba ngày. Ba ngày để vui, để sống. Ba ngày đang trôi qua, ba ngày vẫn còn nhưng cũng là bà ngày sắp hết:

    - Chiều chúng mình ra bãi nhé !

    Đạo gật:

    - Anh sẽ đưa em ra bãi.

    - Đêm nay có trăng đó, anh.

    Đạo gật:

    - Phải rồi. Đêm nay có trăng.

    - Chúng mình sẽ ở ngoài bãi tới khuya.

    - Em muốn ở đến bao giờ cũng được.

    - Đêm nay, anh phải về đây với em. Em không bằng lòng cho anh ở nhà người bạn anh đâu.

    Đạo cười:

    - Tuân lệnh.

    Tôi cựa mình trong tay Đạo Rồi tôi ngủ thiếp đi.



  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 7
    Tôi không viết nhật ký bao giờ. Cũng sẽ chẳng bao giờ viết nhật ký nữa, ngoài những điều tôi muốn ghi lại về ba ngày sống với Đạo ở Quy Nhơn. Cuộc sống rồi hết. Cái chết của Dã Thụy, của anh Kiện bảo cho tôi biết như thế. Minh bạch. Rõ ràng. Ngày tháng trôi qua và sống là đồng nghĩa với lãng quên.

    Nhưng ba ngày sống với Đạo ở thành phố Quy Nhơn trên bãi biển Quy Nhơn, dưới nắng chói, và trăng sáng Quy Nhơn thì tôi muốn ghi nhớ. Mãi mãi ghi nhớ. Trọn đời ghi nhớ. Bởi vậy mà có mấy trang nhật ký này. Thư Dã Thụy để lại cho tôi có nói đến Pleiku như một nơi chốn của định mệnh.

    Một nơi chốn ở đó Thụy đã đồng thời tìm thấy đời sống và cái chết. Pleiku là bến đậu, là quê hương của Thụy.

    Quy Nhơn với tôi, khác. Nơi chốn chỉ là một địa điểm tôi đi qua, dừng lại vài ngày. Như một sân ga cho một con tầu. Nhưng Quy Nhơn là thiên đường của tôi. Và tôi không muốn lãng quên thiên đường, dù chỉ là một thiên đường chốc lát.

    Không ai có được một hạnh phúc một đời. Ai có thứ hạnh phúc đó, tôi nhất định không chịu tin đâu. Nhưng hạnh phúc chốc lát tôi tin là có, vì tôi đang được sống với hạnh phúc đó. Ba ngày. Ba ngày ngắn ngủi. Ba ngày. Ba ngày đang qua. Ba ngày Quy Nhơn. Ba ngày thần tiên. Ba ngày tuyệt vời. Chúng chỉ đến với tôi một lần trong đời. Và tôi muốn ghi lại. Để nhớ. Để sung sướng. Để khóc.

    Ngày đầu. Buổi chiều.

    Bàn tay Đạo đặt nhẹ lên vai, thành một lay gọi dịu dàng. Tôi cựa mình và thức giấc. Mặt đệm dưới lưng êm ái. Căn phòng tối mờ, Đạo ngồi ở thành giường. Chàng cúi nhìn tôi, bàn tay chàng trên vai.

    Tôi nắm lấy bàn tay, và nhìn khuôn mặt Đạo ở gần. Một khuôn mặt tình nhân. Một khuôn mặt quen thuộc.

    - Mấy giờ rồi anh?

    Đạo nhìn đồng hồ:

    - Bảy giờ kém mười lăm.

    Giọng nói của Đạo tỉnh táo. Chàng đã mặc quần áo. Và đang cầm trong tay một điếu thuốc lá.

    Tôi cười, chuyển thế nằm, gối đầu lên đùi Đạo.

    - Lạ giường, lạ chiếu, thế mà em cũng ngủ được một giấc.

    Đạo gật:

    - Một giấc khá dài, khá ngon. Đỡ mệt chưa?

    - Em khỏe mạnh hơn bao giờ. Đói bụng nữa.

    - Chúng mình đi ăn.

    - Anh không ngủ sao?

    - Không.

    - Trong lúc em ngủ, anh làm gì?

    Đạo giơ cao điếu thuốc:

    - Hút thuốc nhìn em ngủ.

    Tôi ngẫm nghĩ đến cái cảnh tượng tôi ngủ vùi, Đạo ở bên cạnh, hút thuốc nhìn tôi ngủ.

    - Em ngủ thế nào?

    - Xấu.

    Tôi hoảng hốt:

    - Thật sao?

    Đạo lắc đầu cười:

    - Anh nói đùa. Gái Pleiku ngủ đẹp lắm. Ngắm nhìn không chán mắt.

    Thế là Đạo khen tôi xinh đẹp. Có xinh đẹp mới dễ thương ngay cả trong giấc ngủ. Tôi thấy tôi sung sướng. Vì mình xinh đẹp. Vì được người tình ngắm nhìn. Cả trong giấc ngủ. Hai tuần ở Sàigòn, tôi đã thức giấc nhiều lần với Đạo ở bên cạnh như thế này. Nhưng đó là những thức giấc vật vã, lo hoảng. Những buổi chiều Sàigòn cũng chứa đựng trong chúng tôi một cái gì vất vả, lo hoảng. Chiều Quy Nhơn khác. Chiều Quy Nhơn giản đơn, êm đềm như những buổi chiều tuổi thơ.

    Dưới đường những hồi chuông leng keng liên hồi vọng lên. Tôi nghe bật cười:

    - Tại sao cyclo Quy Nhơn rung chuông hoài vậy, anh biết không?

    - Họ đùa.

    - Vừa đạp cyclo vừa đùa sao?

    Đạo gật:

    - Vừa đạp xe vừa đùa.

    Có lẽ Đạo nói đúng. Phần lớn những người đạp xe ở Quy Nhơn mà tôi nhìn thấy đều trẻ măng. Mười sáu mười bảy tuổi thôi. Họ rung chuông và họ thích đùa nghịch như phần lớn những người dân miền biển. Có lẽ lại chỉ là tôi tưởng tượng. Tôi đang sung sướng. Đang muốn ca hát, muốn đùa nghịch và tưởng ai cũng đang đùa nghịch như mình. Lúc này, có một cái chuông như mấy chú cyclo, tôi cũng rung chuông liên hồi, rung chuông vang động.

    Đạo đỡ tôi ngồi dậy. Tôi vươn vai, thở ra một hơi dài.

    - Cho em xin mười phút.

    Đạo cười:

    - Có thể thêm.

    Tôi lắc:

    - Mười phút thôi. Tắm, không trang điểm.

    Tôi vào phòng tắm. Nước ào ạt, mát lạnh. Ngắm nhìn khuôn mặt lướt thướt trong gương, tôi chợt nhớ đến Pleiku. Giờ này quán Nhớ có những ai? Cái chỗ thường ngồi của Thụy, người nào đã thay thế? Tôi đi vắng, mọi việc Huyền làm hết, chắc nó đang bực mình ghê gớm. Một mặc cảm hối hận bỗng nhiên tràn ngập. Còn Khoa nữa, Khoa đang mong tôi về. Mong từng giờ từng phút. Tôi vội vã ra khỏi phòng tắm, vội vã đuổi dạt mọi ý nghĩ vê Pleiku ra khỏi tâm trí.

    Thấy tôi kém vui, Đạo hỏi:

    - Sao thế?

    Tôi thở dài:

    - Em nghĩ đến quán Nhớ. Tự nhiên thấy sốt ruột quá.

    Đạo ôn tồn:

    - Một năm em có quyền đi chơi xa một vài ngày.

    - Em nghĩ vậy. Nên mới đi.

    Niềm vui mới khởi sự, mới bắt nguồn, đe dọa tan biến. Tôi chỉ xin có ba ngày thôi mà. Tôi chỉ xin có ba ngày sung sướng, sống hồn nhiên, không suy nghĩ. Tôi mặc quần áo vội vàng. Một cái áo sơ mi ngắn tay, kiểu đàn ông. Một cái quần ống rộng. Tôi dùng một sợi giây thung, buộc chặt mái tóc lại sau gáy.

    Đạo hỏi:

    - Em có đồ tắm không?

    Tôi lắc:

    - Không.

    - Em không muốn tắm biển?

    - Có chứ. Lát nữa, phải đi hỏi mua một bồ độ tắm.

    Chúng tôi đi ra. Đèn đã bật ngoài hành lang. Khách hàng thưa thớt ở phòng ăn dưới nhà. Cô con gái bà chủ, vẫn ngồi ở sau quầy chăm chú với cuốn tiểu thuyết. Tôi chợt nhớ đến mấy bức tranh còn để trên phòng. Phải đến nhà Thụy trước đã. Làm cái việc đó cho xong, rồi muốn làm gì thì làm.

    - Anh lên lấy dùm em mấy bức tranh.

    - Đến nhà anh Thụy?

    - Vâng. Rồi chúng mình đi ăn sau.

    - Em muốn thế cũng được.

    Đạo lên lấy tranh xuống. Ra tới ngoài đường, nắng đã tắt hẳn. Trời nhá nhem. Những vì sao thứ nhất đã được mọc trên một nền trời nhợt nhạt. Chúng tôi thuê hai chiếc cyclo, bảo xe đưa trở lại nhà Thụy. Suốt dọc đường, hai chiếc cyclo vừa chạy đua vừa lắc chuông inh ỏi. Tôi nhìn sang Đạo. Chúng tôi cười với nhau. Ban nãy, niềm vui ở tôi đe dọa tan biến. Với tiếng chuông vang động đường phố, tôi đã vui trở lại. Tôi sẽ buồn. Buồn khủng khiếp. Tôi sẽ khóc. Khóc hết nước mắt. Nhưng sau ba ngày đã. Khi tôi rời Quy Nhơn.

    Tám giờ tối

    Tôi ở nhà Dã Thụy nửa giờ. Đạo đưa tôi đến trước cửa ngôi nhà có những bông hoa đỏ chói rồi ra bãi chờ tôi. Ông cụ thân sinh ra Thụy và cô em gái vừa ở nhà thươngvề. Ông cụ cao gầy, nghiêm khắc, nét mặt lộ đầy vẻ phiền muộn, thứ phiền muộn u uất, không đáy của một người già không tìm đựơc sự thanh thản cho tâm hồn, sự an nhiên cho phần đời còn lại.

    em gái Thụy hiền, mắt to nụ cười dễ thương. Ông cụ chỉ tiếp tôi chừng năm phút rồi thở dài lui vào nhà trong. Khi báo tin Thụy đã mất, ông lão ngồi lặng người, chỉ nói vắn tắt: "Thế là thằng con tôi đã chết". Ông cụ không hỏi thăm tôi Thụy sống ra sao, chết như thế nào. Cũng không thèm chú ý tới mấy bức tranh tôi mang tới. Chờ cho người cha lui vào nhà trong rồi, cô em gái mới chảy nước mắt. Tôi ngồi im, nhìn cô ta khóc, không biết dỗ dành như thế nào. Tên cô ta là Hiền. Cái tên thật đúng với người.

    Hiền nín khóc, lau nước mắt, hỏi tôi:

    - Chị với anh Thụy là thế nào?

    - Bạn.

    - Anh Thụy có sống với một người đàn bà nào không?

    Tôi lắc:

    - Sống một mình.

    - Anh ấy đi. Không một lần viết thư về nhà. Thầy em giận lắm. Mẹ em nhớ con, mỗi lần nhắc đến anh ấy lại khóc. Sao chị không khuyên anh ấy về thăm nhà?

    - Có khuyên. Nhiều lần.

    Hiền chỉ tay về phía một cửa phòng đóng kín:

    - Đó là phòng anh Thụy. Từ ngày anh ấy bỏ đi, căn phòng vẫn bỏ trống. Em sẽ treo mấy bức tranh trong căn phòng đó.

    Tôi tỏ ý muốn vào thăm căn phòng của Thụy. Hiền đứng lên, đưa tôi vào. Đó là một căn phòng nhỏ, có cửa sổ nhìn thẳng ra bãi. Đồ đạc sơ sài. Một cái giường, một cái tủ, một bàn viết. Hiền bật đèn. Một tấm hình lồng kính của Thụy đặt trên mặt bàn. Cặp mắt trong hình như ngạc nhiên về sự có mặt đột ngột của tôi. Không có một ai vào phòng, đã nhiều ngày. Một lớp bụi đầy phủ kín lên hết thảy. Hiền mở cửa sổ, chỉ chiếc ghế gần cửa.

    - Những lúc không đi đâu, anh Thụy thường ngồi ở đó, nhìn ra biển hàng giờ.

    Tôi hỏi Hiền:

    - Tại sao anh Thụy bỏ đi. Hiền biết không?

    Hiền ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:

    - Em vẫn tự hỏi nhiều lần về điều chị vừa hỏi. Có những lúc em tưởng như tìm thấy nguyên nhân. Nhưng nghĩ lại, chẳng có nguyên nhân nào đúng hẳn. Anh Thụy nói ít, sống lạ lùng từ hồi nhỏ. Cả nhà không ai hiểu được anh ấy.

    Hiền hỏi lại tôi:

    - Chị là bạn thân, chị cũng không hiểu sao?

    Tôi đáp, không trả lời thẳng vào câu hỏi của Hiền:

    - Mỗi người có một đời sống riêng, nhiều khi chính người đó còn không hiểu được.

    Hiền nhìn tôi, bâng khuâng;

    - Điều chị vừa nói, em cũng không hiểu.

    Tôi hỏi:

    - Năm nay Hiền bao nhiêu tuổi?

    - Mười bảy.

    - Thêm vài tuổi nữa rồi Hiền sẽ hiểu.

    Thấy mình không còn lý do gì ở lại nhà Thụy lâu hơn, tôi đi ra. Hiền giữ tôi ở lại thềm cửa.

    - Anh Thụy chôn ở đâu?

    - Trên một ngọn đồi.

    - Ai chôn cất cho anh ấy.

    - Tôi và mấy người bạn.

    - Anh Thụy có nhiều bạn thân lắm nhỉ?

    Tôi gật:

    - Nhiều. Và ai cũng quý mến anh ấy.

    - Em muốn hỏi chị một điều cuối cùng. Anh Thụy có được sung sướng không?

    Tôi trả lời cho Thụy, có cảm tưởng trả lời cho cả chính mình:

    - Sự sung sướng hay sự khổ sở rất tương đối. Mỗi người, buồn khổ hay sung sướng một cách khác nhau. Tôi chỉ có thể nói với Hiền là anh Thụy đã sống theo đúng như anh ấy muốn.

    Hiền nói, nếu có cơ hội sẽ lên Pleiku. Tìm tôi. Nhờ tôi đưa tới viếng mộ Thụy nơi ngọn đồi ngoài thị xã. Tôi cho Hiền địa chỉ quán Nhớ rồi chúng tôi chia tay.

    Trăng đã lên. Ánh trăng nhạt, lẫn vào ánh điện đường. Chỉ tới khi ra tới bãi, mầu trăng về đêm trăng mới nhìn thấy rõ. Tôi đã được sống nhiều đêm trăng rừng huyền ảo, nhiều đêm trăng núi huyền hoặc. Trăng rừng núi xanh và lạnh, phơi dãi trên một cảnh tượng chập chùng.

    Trăng núi lúc nào cũng như có nước mắt. Mầu trăng cũng là mầu sương. Trăng biển rạng rỡ. Nền trời trong vắt. Mặt biển óng ánh. Con trăng treo lơ lửng giữa trời là một dĩa ngọc.

    Đạo đứng ở giữa bãi, quay lưng lại.

    Nghe thấy tiếng chân tôi, chàng quay lại:

    - Gặp chưa?

    - Rồi.

    - Như thế nào?

    - Buồn. Không ngờ có một gia đình buồn như thế. Thụy có một người em gái khá xinh đẹp, cô ta khóc làm em suýt khóc theo.

    - Ai rồi cũng phải chết.

    - Em cũng nghĩ như vậy, nên em không khóc nữa.

    Chúng tôi không vào phố mà đi ngược bãi biển lên phía trên, phía có những tiệm ăn. Đạo đưa tôi đến tiệm ăn chàng nói là thơ mộng và thoáng mát nhất. Tiệm thơ mộng. Thoáng mát nhất. Nơi chốn này trước là một hội quán riêng của sĩ quan Mỹ. Những người Mỹ rời khỏi Quy Nhơn, để lại hội quán cho một người địa phương khai thác. Bãi cát nằm sát chân hội quán là một nền xi măng mênh mông. Hai ba căn nhà tiền chế mỏng, nhẹ nằm cách nhau dưới những bóng dừa. Bàn ghế nằm rải rác. Những chiếc bàn thấp. Những chiếc ghế bành êm ái. Chúng tôi chọn một bàn ăn dưới một bóng dừa lả ngọn. Ánh đèn, bóng cây, bóng lá lẫn lộn, thấp thoáng. Gió thổi, miên man, tràn đầy.

    Người chủ quán tới với tấm thực đơn. Đạo gọi một đĩa cua rang muối và một đĩa chim sẻ. Hai đĩa đồ ăn được mang ra mau chóng. Quán hàng vắng khách. Chỉ có hai chúng tôi và một bàn khác nữa. Tôi ăn một con chim sẻ quay, nhớ đến những con chim mía trong bữa ăn có Dã Thụy. Giữa hai bữa ăn có bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Giữa hai bữa ăn, đã người còn, kẻ mất. Đã một nấm mồ. Đã những giọt lệ. Hạnh phúc chốc lát thật. Tôi biết thế rồi và tôi không khóc nữa.

    Bữa ăn kéo dài tới mười giờ đêm. Gió thổi mạnh hơn. Đêm lạnh. Để chống với cái lạnh thổi vào từ biển, tôi lại uống rượu nữa.

    Tôi hỏi Đạo:

    - Mai làm gì?

    - Anh chưa nghĩ tới. Có lẽ chúng mình sẽ đi thăm một vài nơi của Quy Nhơn. Để anh gặp người bạn đã. Anh ta thành thuộc về Quy Nhơn hơn anh nhiều.

    Chúng tôi trở về khách sạn giữa một thành phố Quy Nhơn đã lắng chìm vào yên lặng. Trăng lên cao. Biển xa xa là một thảm bạc mênh mông. Một vài chiếc cyclo còn lăn chậm trên những mặt đường rộng thoáng. Nhưng những hồi chuông vui tai trong nắng chiều đã tắt. Vầng trăng trên đầu đuổi theo hai chúng tôi. Tôi bước những bước hững hờ, toàn thân tựa hẳn vào cánh tay Đạo ôm chặt.

    Lúc sung sướng, người ta được sống tràn đầy, với một ý niệm tư hữu. Tôi đang được sống với cái ý niệm này. Đạo thuộc về tôi. Chàng ngang tàng một đời. Chàng sống như gió thổi, như mây bay. Nhưng phút này, chàng thuộc về tôi, là của tôi. Thành phố Quy Nhơn phút này cũng vậy. Nó là của tôi, ánh trăng đang đuổi theo con đường dài trước mặt, những ánh đèn, những viên gạch, những bóng lá. Và Đạo bên cạnh. Đạo không dữ, không ghê gớm. Đạo đã đổi thành một Đạo mới, chàng đang đi bên tôi, dịu dàng, ngoan ngoãn, như một chàng trai mới lớn.

    Mười một giờ đêm. Về tới khách sạn. Chúng tôi đã đi dưới trăng, trên một quãng đường dài. Hai chân tôi mỏi rời. Nhưng là một mỏi mệt kỳ thú. Tiệm ăn đã đóng cửa. Căn phòng tối đen. Chúng tôi vào khách sạn bằng lối cửa hông. Mẹ con bà chủ đã lui vào phòng riêng. Không bảo nhau, cả Đạo và tôi đều nhẹ bước. Những bực thang lượn vòng dưới ánh đèn xanh biếc. Hành lang vắng ngắt. Rồi phòng ngủ. Rồi mặt đệm. Gần sáng, tôi ngủ thiếp đi trong tay Đạo.

    Ngày thứ hai - Buổi sáng

    Tám giờ sáng. Tôi mở mắt, ra khỏi giấc ngủ trong một cảm giác buông thả khoan khoái. Đạo nằm nghiêng, một tấm chăn mỏng đắp trên người. Chàng còn ngủ say. Những tiếng chân nổi lên ngoài hành lang, cho biết ở khách sạn này đã có những người thức giấc từ sớm. Bên ngoài, trời đã nắng qua những tia sáng lọt vào từ những khe cửa. Tôi nhẹ nhàng rời khỏi giường, vào phòng tắm. Đạo thức, sau đó. Chúng tôi mặc quần áo, xuống dùng điểm tâm ở dưới nhà.

    Bà chủ gặp chúng tôi ở chân cầu thang.

    - Đêm qua ông bà có ngủ được ngon giấc không?

    Bà ta hỏi và tôi đưa mắt nhìn Đạo. Ông bà. Tôi với Đạo đã trở thành vợ chồng. Trong ba ngày.

    - Cám ơn bà. Không khí ban đêm ở đây rất dễ chịu.

    Bữa điểm tâm khá ngon miệng. Rồi Đạo đưa tôi đến gặp người bạn của Đạo. Đúng như Đạo đã nói trước, người bạn chàng kỳ dị thật. Kỳ dị từ hình thức đến cách sống. Chỗ ở của Luận - Tên người bạn Đạo - Là một ngôi nhà một tầng, kiểu cổ. Nó được ngăn cách với mặt đường bằng một hàng rào gỗ và với những nhà láng giềng bằng hai hàng cây cao. Nếu có một chỗ nào mát mẻ và nhiều bóng cây nhất ở Quy Nhơn thì là ở đây. Luận đang đọc sách khi chúng tôi tới. Đạo gõ cửa. Từ bên trong một tiếng người vọng ra.

    - Đạo hả? Cửa khép, cứ vào đi.

    Đạo nói nhỏ với tôi:

    - Đã thấy lạ lùng chưa?

    Tôi ngẩn người:

    - Em chưa thấy gì hết.

    - Rồi đó. ANh vừa gõ cửa anh ta đã biết anh là ai.

    Tôi cười:

    - Ban anh là một ông thầy bói.

    Đạo gật, nghiêm trang:

    - Gần như thế. Một đạo sĩ.

    - Đạo sĩ là người thế nào?

    Đạo nhún vai:

    - Một người sống ẩn. Bên ngoài cuộc đời. Và sống khác hẳn mọi người.

    Khác thật. Cánh cửa vừa đẩy ra, tôi đã nhìn thấy một xâu chuỗi những cái khác lạ chưa từng nhìn thấy ở đây hết. Tôi nhìn thấy những gì? Nhìn thấy một căn phòng cực kỳ ngổn ngang, bừa bãi. Cái ngổn ngang bừa bãi cực kỳ ấy là những cuốn sách. Nói là một rừng sách thì đúng hơn. Sách hiện hình cùng khắp. Sách che lấp hết thẩy. Những chồng sách chất đống, đụng tới trần. Những dẫy sách nằm liền liền phủ kín nền nhà. Và ở giữa một khoảng trống nhỏ là một ông lão già. Ông lão mặc một bộ quần áo màu vàng, tay áo thật rộng, kiểu áo của những người tu hành. Tóc ông ta thật dài trùm gáy, tới lưng như tóc đàn bà. Bộ râu cũng vậy, thòng dài tới ngực. Ông lão đang cầm trên tay một cuốn sách. Thấy chúng tôi ông ta cười, đứng lên.

    tôi nhìn rõ hơn. Và biết mình nhìn lầm. Luận không phải là một lão già. Ánh mắt tin tưởng, dáng điệu khỏe mạnh. Luận thật ra còn trẻ hơn Đạo nhiều. Chỉ là mái tóc và bộ râu đã khiến cho tôi nhìn lầm người đàn ông trung niên thành một ông lão tám mươi. Đạo cố gắng không cười trước nét mặt ngẩn ngơ của tôi. Chàng giới thiệu:

    - Ngọc, anh giới thiệu với em đây là anh Luận.

    Luận cầm cuốn sách hai tay buông thõng, nhìn tôi đăm đăm với nụ cười không tắt trên môi. Tôi mất hẳn tự nhiên trước người đàn ông kỳ dị.

    - Mời chị ngồi chơi.

    Luận cười lớn, nói tiếp:

    - Không có bàn ghế gì hết. Chịu khó ngồi trên những cuốn sách, ngồi xuống.

    Đạo chỉ cuốn sách nơi tay Lụân hỏi:

    - Đọc gì thế?

    - Một cuốn kinh.

    - Có gì đặc biệt ở trong đó?

    Luận giở giở mấy tờ của cuốn sách chữ Hán.

    - Mới đọc. Chưa biết nói thế nào. Nhưng đọc tới đâu, thấy đầu óc nhẹ nhõm khoan khoái tới đó thì chắc là một cuốn sách hay.

    Luận hỏi tôi, giọng giễu cợt vui thú.

    - Chắc chị ngạc nhiên lắm.

    Tôi gật đầu, thú nhận:

    - Thoạt đầu, tôi tưởng anh là một ông lão già.

    Luận vuốt bộ râu dài:

    - Tôi mới bốn mươi lăm. Nhưng cũng cho là mình già, mình hết đời rồi.

    Luận chỉ tay vào cái rừng sách vây quanh:

    - Tôi sống một mình như thế này. Với những cuốn sách.

    Tôi hỏi:

    - Anh thường ra khỏi nhà?

    Luận lắc đầu:

    - Nói rằng tôi giam mình trong căn phòng này gần như quanh năm suốt tháng thì đúng hơn. Tôi để râu, nuôi tóc vì thế. Râu tóc với những cuốn sách là bè bạn duy nhất.

    Luận nói một cách đơn giản tự nhiên, thật lập dị mà lại không có vẻ gì của một người lập dị.

    Tôi hỏi:

    - Anh ở đây đã lâu.

    Gần hai mươi năm. Trước, tôi ở trong Sàigòn.

    Luận cười:

    - Cũng làm ăn, buôn bán, như mọi người.

    Luận cười thành tiếng, chỉ Đạo:

    - Cũng chơi bời không thua gì ông Đạo này. Rồi tình cờ, tôi ra Quy Nhơn. Và tôi vất bỏ hết để ra sống ở đây, như thế này.

    Tôi thắc mắc:

    - Anh cũng phải làm gì để sống chứ?

    - Tất nhiên. Nhưng mà những nhu cầu vật chất của tôi đã thu lại tới mức tối thiểu. Một ngày hai bữa cơm muối vừng. Một bình trà. Tôi dạy học mấy giờ một tuần ở một trường tư trong khu phố này.

    Luận pha trà trên cái khay trà là một cuốn sách lớn. Tôi dần dần thấy có cảm tình với người đàn ông kỳ dị. Dần dần thấy yêu mến cái đời sống thoát tục của Luận Phải, sống như Luận đang sống là rất nên. Ở xa mọi tục lụy. Ở ngoài mọi ràng buộc.

    Qua câu chuyện hai người đàn ông nói với nhau, tôi được biết thêm nhiều điều khá ngộ nghĩnh về Luận. Như năm ngoái, năm kia, Đạo cầm đầu đoàn người trẻ tuổi xuống đường, thức hàng chục đêm không ngủ giữa những người trẻ tuổi diễn thuyết ca hát. Như Luận đã nghiên cứu tướng số rất kỹ lưỡng và coi như người am tường nhất về khoa tử vi ở Quy Nhơn. Luận đã coi bói, coi tử vi cho rất nhiều người. Coi chơi. Thường là coi cho bạn bè. Không lấy tiền

    Đạo hỏi tôi:

    - Nhân tiện, em muốn anh Luận coi cho một quẻ không?

    Tôi lắc đầu:

    - Không.

    Luận ném cho tôi một cái nhìn tò mò:

    - Sao vậy?

    Tôi nhún vai:

    - Tôi không thích, không muốn.

    - Chị không tin?

    - Cũng không hẳn là như vậy.

    Luận cười:

    - Biết một chút về cái đã xẩy ra và về cái sắp xẩy ra cho cuộc đời mình cũng hay lắm chứ.

    Tôi nhìn Đạo nửa đùa nửa thật:

    - Cả hai phương diện đó tôi đều đã biết.

    Đạo nín thinh, như có ý hiểu. Hiểu rằng tôi không có một ảo tưởng gì về cuộc tình tôi đang sống và hạnh phúc tôi, tôi chỉ giới hạn nó trong ba ngày ở Quy Nhơn không hơn. Tôi sống ngắn hạn. Với cái đang xẩy ra. Thu nhỏ đời mình trong những cái đang xẩy ra. Những đường chỉ tay, những lá số tử vi đều vô ích và vô nghĩa. Đạo đứng lên:

    - Đi chơi với chúng tôi được không?

    Luận gật:

    - Được. Đi đâu?

    - Anh là hướng đạo cho chúng tôi. Đi đâu tùy anh.

    Luận ngẫm nghĩ:

    - Quy Nhơn có nhiều chỗ đáng thấy. Nhưng hơi xa. Để tôi chạy sang hàng xóm hỏi mượn cái xe hơi đã. Anh lái xe được không?

    - Được.

    Mười phút sau, chúng tôi rời khỏi cái rừng sách của Luận, trên một chiếc xe jeep cũ kỹ.

    Luận vẫn mặc bộ quần áo vàng đạo sĩ, thêm một cái quạt nan phe phẩy trong tay, Luận chỉ đường cho Đạo đi dọcbờ biển hướng về một phía núi. Đường bắt đầu xấu. chiếc xe lắc lư gập ghềnh. Lòng đường hẹp dần, cao dần. Phía trái là những vách đá dựng thẳng. Phía phải, một thung lũng sâu hút. Cảnh vật phơi dưới nắng khô khan và cằn cỗi.

    Đạo hỏi:

    - Đi đâu thế này?

    Luận cười:

    - Thăm mộ một người chết.

    Quay sang tôi Luận hỏi:

    - Chị Ngọc đã đọc thơ Hàn Mặc Tử bao giờ chưa?

    Tôi chưa đọc thơ Hàn Mặc Tử bao giờ. Cũng chưa đọc thơ của ai hết. Tôi chỉ thích âm nhạc. Thơ ở ngoài đời sống tôi. Nhưng tôi đã được nghe nói đến nhà thơ sinh trưởng ở Quy Nhơn và chết vì bệnh cùi thật nhiều. Nhạc và Thập đều yêu thơ Hàn Mặc Tử. Dã Thụy nữa. Nhiều buổi chiều mưa ở quán Nhớ, họ chụm đầu đọc thơ Hàn Mặc Tử thành khẩn và say sưa.

    Tôi trả lời Luận:

    - Chưa, nhưng cái ông thi sĩ ấy thì tôi đã đựơc nghe bè bạn nhắc tới.

    Chiếc xe nặng nhọc vượt qua nhiều con dốc nữa. Nó ngừng lại ở một khúc quanh. Chúng tôi phải xuống, đi bộ một quãng nữa mới tới mộ Hàn mặc Tử. Như mộ Dã Thụy, nơi yên giấc ngàn đời của nhà thơ Quy Nhơn cũng nằm trên một chỗ cao. Cạnh mộ thấp hơn một chút, là một đồn binh. Những ụ súng lầm lỳ. Những hàng rào thép gai. Đá núi trần trụi và cỏ hoang cùng khắp. Thấp hơn nữa, chói lòa dưới nắng là vùng biển Quy Nhơn. Tôi đi theo Luận và Đạo tới đứng trước ngôi mộ. Một phiến đá lớn, phẳng. Một mộ chí, trên đó ghi tên tuổi, ngày ra đời và tạ thế của thi sĩ. Có cả nhà thơ Quách Tấn là người bạn thân đã góp phần vào xây dựng bia mộ này. Ở Pleiku, Dã Thụy nằm hướng về một phía núi cao ngất. Hàn Mặc Tử nằm trên một tầng cao nhìn xuống biển Quy Nhơn.

    Chúng tôi cùng đứng lặng. Tôi không nghĩ được gì khác, là nghĩ về những cuộc đời đã hết, tất cả tan biến vào hư vô. Người xúc động nhất lại là Đạo. Chàng nhìn nấm mộ đăm đăm, chìm đắm trong một suy nghĩ buồn bã. Nắng chan hòa. Những bụi cỏ hầm hập bốc hơi. Tôi nhìn xuống vùng biển, xuống thành phố QUy Nhơn. Hôm nào, tôi cũng đã từ trên một ngọn đồi cao nhìn xuống Pleiku dưới thấp. Đứng trên cao, thấy xa đồi, gần trời. Đứng trên cao, thấy được cái lớn lao, cũng đồng thời nhận thức được cái tầm thường, cái nhỏ bé, cái hữu hạn.

    Luận trao cho toi cây quạt:

    - Chị che đầu cho đỡ nắng.

    Tôi lại gần Đạo, nói nhỏ:

    - Thăm một người thân hay là người quen, bao giờ cũng buồn quá. Đi chỗ khác, anh.

    Đạo bứt một ngọn cỏ, thả cho rớt xuống trong nắng. Chúng tôi trở về chỗ đậu xe.

    Luận chỉ tay về hướng núi:

    - Bây giờ đi thăm trại cùi Quy Nhơn.

    Tôi rùng mình. Tôi đã nghe nói đến trại cùi này, cả đời sống đầy đọa, khuất lánh của những người cùi. Cũng đã được xem một cuốn phim về những người cùi thời trung cổ, sống lưu đầy trong một thung lũng đá vôi.

    Tôi ngần ngại:

    - Nên không?

    Luận cười:

    - Tại sao lại không nên. Đã tới Quy Nhơn phải đi thăm trại cùi. Chẳng phải ai cũng vào được đâu. Tôi quen mấy dì phước ở đó. Vào được.

    Luận dơ một ngón tay:

    - Đừng tưởng chúng ta là những người lành mạnh. Và đừng tưởng những người cùi đáng ghê tởm.

    Tôi cau mày:

    - Sao anh lại nói thế?

    Luận lên xe.

    - Ngọc vào tới nơi sẽ biết tại sao?

    Chiếc xe lại trèo tới, mệt nhọc, vất vả trên con đường khấp khểnh. Thung lũng sâu hơn. Rồi xe đổ dốc, xuống một thung lũng khác.

    Một con đường thẳng tắp mở ra. Nhịp xe êm ả hẳn lại. Cảnh vật vẫn hoang vắng, tịch mịch, nhưng không man rợ nữa, vì đã có bàn tay chăm sóc của người.

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Luận nói:

    - Chúng ta đã vào tới thế giới người cùi.

    Chiếc xe ngừng lại trước một cổng sắt. Hai cánh cổng đóng kín. Nhìn vào lại một đường nữa, thẳng tắp giữa hai hàng cây. Trên cánh cổng, treo một tấm bảng với hàng chữ tôi chưa từng đọc thấy ở một tấm bảng nào: "Hãy để cho chúng tôi được yên lành". Tôi rợn người trong một cảm giác khó tả. Chúng tôi đây là những người cùi. Họ sống trong một thế giới riêng. Họ xin loài người hãy để cho họ được yên lành. Cuộc viếng thăm của chúng tôi có nên không? Hay chỉ là một đột nhập khả ố, một phá rối không thể tha thứ? Tôi nói sự thắc mắc của tôi với Đạo. Đạo hỏi ý kiến Luận.

    Luận cười:

    - Không sao? Tuần nào cũng có người đến đây thăm viếng. Tấm bảng chỉ để làm bớt đi những sự thăm viếng ấy mà thôi. Chúng ta sẽ không ở lâu.

    Nghe thấy tiếng xe, một người đàn ông từ sau một lùm cây chạy ra. Ông ta chừng bốn mươi tuổi, nước da ngăm đen, dáng điệu bình thường, khỏe mạnh. Da thịt người đàn ông nguyên vẹn, nhẵn nhụi, không có những triệu chứng lở loét của người cùi. Tôi hỏi nhỏ:

    - Người này là thế nào?

    Luận:

    - Một bệnh nhân.

    Tôi ngạc nhiên:

    - Bệnh nhân mà cũng được đi lại tự nhiên, thong dong như thế kia sao?

    Luận giải thích:

    - Đó là những người bệnh nhẹ. Hoặc sắp khỏi hay mới bắt đầu.

    Tôi ngẩn người:

    - Bệnh cùi cũng chữa được sao?

    Luận gật:

    - Có chứ. Rất nhiều người đã ra khỏi trại này. Vì được chữa khỏi.

    Người đàn ông lẳng lặng mở rộng cánh cửa. Ông ta mỉm cười, đáp lại cái gật đầu của chúng tôi. Và đứng tránh sang một bên. Xe vào trại. Lúc này tôi mới nhận ra hai hàng cây xếp hàng trên hai bờ đường là hai dãy phi lao thấp. Biển chưa nhìn thấy. Nhưng biển đã đâu đó. Trong tiếng gió rì rào làm cho hai hàng phi lao rung lên. Xe chạy hết con đường, rẽ về phía tay trái. Nhìn những bồn cỏ mịn màng, những luống hoa tươi tốt, tôi có cảm tưởng đang ở trong một công viên bát ngát hơn là ở giữa đất sống và đất chết của những người cùi. Xe ngừng lại trước một toà nhà hai tầng, có thềm cao kiến trúc rất tây phương. Vẫn không một bóng người, không một tiếng động. Tất cả đều yên nghĩ, thư thái, thiêm thiếp.

    Chúng tôi phải đứng chờ ngoài thềm chừng năm phút mới có một dì phước chạy ra. Luận tới nói chuyện với dì phước. Dì phước gật đầu chào chúng tôi, mời cả bọn vào phòng khách. Dì nói dì người vùng Quảng Bình. Năm ngoái dì còn ở một chủng viện trên Khôngntum. Dì tình nguyện xuống phục vụ Ở trại cùi. Dì mới ở Quy Nhơn từ đầu năm nay.

    Phòng khách như mọi nơi trong trại, sạch bóng. Những chiếc ghế bằng mây vây chung quanh một cái bàn thấp. Trên tường hình Đức Mẹ và Thánh giá. Dì phước trở lại với một khay nước ngọt. Dì mời chúng tôi uống cho đỡ khát trước khi được hướng dẫn đi thăm những khu vực chính của bệnh viện.

    - Cô cứ uống, không sao. Bệnh cùi cũng lây nhưng không lây dễ dàng như mọi người tưởng nữa. Lát nữa cô sẽ gặp bà Nhất người Pháp. Bà đã ở đây bốn mươi năm, giữa những người cùi, bà không sao hết.

    Tôi hổ thẹn, đỏ bừng mặt. Đạo ném cho tôi một cái nhìn giễu cợt. Tôi bưng ly nước uống, không cảm thấy ghê rợn như lúc mới đến trại nữa. Bầu không khí thư thái. Sự yên tĩnh như một bóng rợp dịu dàng bao phủ. Những bông hoa nở trong yên lặng ở ngoài vườn. Những hàng phi lao xôn xao. Những thảm cỏ óng mướt. Sự bồn chồn trong tâm hồn tôi cũng đã lắng dịu theo. Tôi đã hết sợ. Và muốn xem trại. Muốn thấy. Muốn ở lại.

    Chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau cho tới khi bà Nhất người Pháp trên lầu đi xuống.

    Trái với dì phước mảnh khảnh, xanh yếu, bà Nhất đẫy đà khỏe mạnh. Nước da bà trắng hồng. Mái tóc bà đã bạc phơ, khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Nhưng cặp mắt xanh biếc mầu trời thì tinh anh vô chừng và cái nhìn tươi tắn.

    Bà bắt tay chúng tôi, tỏ ý bằng lòng khi cả ba chúng tôi đều nói được tiếng pháp. Bà cười dùng tiếng Việt.

    - Như thế tôi có thể nói bằng tiếng Pháp. Tôi ở đây đã trên bốn mươi năm, nhưng nói tiếng Việt còn kém lắm.

    Luận:

    - Bà nói không khác gì chúng tôi.

    Bà Nhất xua tay:

    - Đâu phải. Cái dấu đó. Tôi không nói được rõ dấu. Các người đã thấy rồi chứ.

    Chúng tôi cùng cười. Sau đó, bà Nhất, có dì phước theo sau, hướng dẫn chúng tôi đi thăm bệnh viện. Phòng giải phẫu. Phòng phát thuốc. Phòng thí nghiệm. Đâu đâu cũng ngăn nắp, sáng láng. Chúng tôi xuống thềm đi sang một căn nhà khác. Khu này dành cho nữ bệnh nhân. Đám người bệnh cùng ngồi lên khi thấy chúng tôi vào. Nét mặt họ bình tĩnh. Họ nhìn chúng tôi lặng lẽ. Rời khu đàn bà, chúng tôi sang khu đàn ông. Giữa hai khu nhà nhiều bệnh nhân ngồi sưởi nắng trên những cái ghế dài. Tôi nhìn mọi khuôn mặt. Điều tôi nhận thấy là phần lớn những người bệnh đã an phận, đã nhẫn nhục với chứng bệnh hiểm nghèo của họ. Họ không kêu khóc, không vật vã. Trên những khuôn mặt bất động, nét lo âu đã biến mất. Chỉ còn một vẻ buồn bã, lặng lờ không bờ bến.

    Chúng tôi đi ra khỏi những khu nhà.

    Luận hỏi Đạo:

    - Anh thấy thế nào?

    Đạo nín thinh, không trả lời.

    Quay sang tôi, Luận hỏi:

    - Chị thấy gì?

    - Sự chờ đợi. Sự chờ đợi cái chết.

    - Không hẳn là như thế đâu. Nếu nói đến cái chết thì cái chết đã có từ ngoài cổng vào. Đây là đời sống, ở một hình thái khác.

    Chúng tôi đi thong thả dưới cái nắng Quy Nhơn chan hòa rực rỡ. Im lặng một lát, Luận nói tiếp:

    - Những kiếp người ở đây không còn thuộc về đời sống chúng ta nữa. Họ đã xa, đã quên chúng ta. Họ đã ở trong một kiếp khác.

    Tôi bâng khuâng:

    - Anh tin như thế? Tin có kiếp khác?

    Luận, giọng quả quyết:

    - Những nơi chốn như nơi chốn này cho tôi thấy. Thấy. Chứ không chỉ là tin.

    Tôi bàng hoàng, phân vân không biết những điều Luận vừa nói ra có đúng hay không. Tất cả đều có thể đúng. Tất cả đều có thể sai. Cái chết cũng đúng như đời sống. Lúc cám ơn bà Nhất ra về, xe tới cổng trại, tôi đọc những hàng chữ trên tấm bảng một lần nữa. Xin hãy để cho chúng tôi được yên. Đó là ý nguyện cuối cùng những người cùi gởi cho đời. Giòng chữ ám ảnh thần trí tôi suốt dọc đường. Cho tới khi về tới thị xã Quy Nhơn.

    Ngày thứ hai - Buổi chiều

    Luận từ chối lời mời đi ăn cơm trưa. Cười, nói đã quen với gạo lứt muối vừng, không ăn được cơm tiệm. Tôi nghĩ Luận giữ ý thì đúng hơn, muốn để tôi và Đạo được tự do với nhau. Chúng tôi đưa trả người đạo sĩ râu tóc về với cái rừng sách. Hai đứa lại lang thang. Trưa biển, gió thổi mạnh. Veo veo. Trùng trùng. Nắng gió lồng lộng một trời QUy Nhơn lpham rối bù mái tóc, tung bay tà áo. Đạo đưa tôi vào một cửa tiệm đường Lê Lợi. Tôi mua một bộ đồ tắm màu xanh lá cây, một cái khăn tắm lớn rồi hai đứa đi ăn cơm. Tiệm cơm Tầu trống trải vắng khách. Tôi ngồi xuống ghế, thở ra. Cuộc đi chơi liên miên suốt buổi làm mỏi mệt tay chân và váng vất đầu óc.

    Đạo hỏi:

    - Mệt?

    Tôi gật:

    - Em chưa quen. Trên Pleiku, em ngồi suốt ngày sau quầy, nằm suốt buổi trong giường. Về Pleiku, chắc em phải ngủ mấy ngày liền.

    Pleiku. Con đường trở về. Cuộc phiêu lưu chấm dứt. Hạnh phúc mong manh chốc lát. Khuôn mặt hạnh phúc lung linh tan rời, đôi khi như nó là môt biến thái quái ác của bất hạnh chứ không phải là hạnh phúc đích thực. Rồi lại những chiều mưa, những đêm lạnh. Rồi lại cái bóng mình nhòa trong bóng núi bóng rừng trùng địêp. Tôi sẽ gặp lại những nét mặt quen thuộc, một không khí quen thuộc. Nhạc, Khoa, Thập. Chiếc xe Jeep của Vận buổi chiều tới đậu trước cửa quán. Những giọt cà phê thả xuống trong lòng ly mờ khói. Bài hát buồn về Pleiku " Đi dăm bước đã về chốn cũ, một buổi chiều mưa lòng bỗng bâng khuâng". Phải, Pleiku sẽ vẫn như thế lúc tôi trở về. Chỉ có tôi là đã đổi khác. Như thế nào. Làm sao biết được. Chỉ biết tôi đổi khác. Không thể không còn như trước.

    Một phút im lặng, bất chợt. Đạo và tôi cùng không nói ra, nhưng chúng tôi cùng nhau biết đang nghĩ đến gì. Chúng tôi cố tránh không nghĩ đến điều đó. Nhưng đang nghĩ, đang nghĩ đến nó.

    - Rồi anh sẽ quên em mau chóng.

    Lời nói thốt ra, tự nhiên, không giữ được. Đạo cau mày:

    - Em đừng xác định một cái gì không thuộc về em.

    Tôi bướng bỉnh:

    - Nhưng em biết rõ.

    - Em không mong điều đó cho cả hai chúng ta sao?

    - Anh mong?

    Đạo gật:

    - Mong.

    Hai chúng tôi nhìn nhau đăm đăm. Cuộc tình hệt như một cuộc chơi. Cuộc chơi nào cũng có những quy luật mà người nhập cuộc phải chấp nhận. Tôi lại nhảm, lại nhi nữ thường tình rồi. Phải chấp nhận những quy luật. Cho cuộc chơi tồn tại. Trong ba ngày. Tôi chớp mắt.

    - Em xin lỗi.

    Đạo thôi nhìn tôi, nhìn đi chỗ khác:

    - Đừng bao giờ em nói như thế nữa. Xin lỗi nhau, nghe nó kỳ cục lắm, em không thấy như thế sao?

    - Tại sao?

    - Xin lỗi là chẳng có gì nữa hết. Chỉ còn có sự xin lỗi, sự thật không phải là như thế.

    - Em hiểu.

    Chúng tôi cố tìm lại bầu không khí vui tươi, bằng cách chụm đầu trên tấm thực đơn. Tôi mệt, ăn không thấy ngon nữa. Ăn xong về thẳng khách sạn. Đặt mình nằm xuống giường, hai mí mắt đã sụp xuống. Tôi chỉ nói được với Đạo: "Em ngủ một lát nhé !" rồi thiếp đi.

    Tỉnh dậy, đã năm giờ chiều. Thuê xe, ra thẳng bãi biển. Từ nhỏ, tôi chưa tắm biển bao giờ. Đây là lần đầu. Cảm thấy quê mùa, lúng túng trong bộ đồ tắm bó sát lấy thân thể. Cũng may, khúc bãi vắng vẻ. Chỉ có mấy đứa nhỏ nhìn chúng tôi từ xa. Đạo nói tôi có một thân hình cân đối chẳng thua kém gì thân hình những người con gái đẹp nhất ở bất cứ một bãi biển mùa hè nào. Chàng đưa tôi xuống nước. Gió vẫn thổi mạnh. Sóng lớn. Những cơn sóng hung dữ ào tới, làm tối tăm mặt mũi. Tôi phải nắm chặt lấy tay Đạo. Một lát, bạo dạn dần, thấy tắm biển là một khám phá kỳ thú.

    Nửa giờ sau, lên nằm nghỉ trên bãi cát. Da thịt tôi chưa quen với nắng gió, với nước mặn, nên rạo rực cùng khắp. Trên chiếc khăn tắm, tôi duỗi dài tay chân, nhìn bầu trời xanh vô tận trên đầu. Mây trắng từng đám lực lưỡng trôi. Chiều chói lòa rồi nắng dịu dần.

    Ngồi bên cạnh, Đạo kể cho tôi nghe về một thời kỳ phiêu lưu của chàng. Chàng ở Phú Quốc. Chàng ở Hải Phòng. Những đêm chàng la cà trong những quán rượu trên bến tàu, những quán rượu mù mịt khói thuốc với những người thủy thủ say rượu la hét đập phá.

    Tôi cười:

    - Và anh cũng như những người thủy thủ say rượu ấy?

    Đạo cười theo:

    - Còn hơn nữa.

    Chàng nói tiếp giọng đổi khác, trong một thoáng hồi tưởng đầy lưu luyến.

    - Đó là thời kỳ điên cuồng và sung sướng nhất của anh.

    - Bây giờ thì sao?

    - Bây giờ?

    Chừng như Đạo không tìm được câu trả lời. Chàng nhíu mày vẽ những ngón tay lên mặt cát.

    - Em nên nghĩ cho em hơn là tìm hiểu về anh.

    - Em nghĩ cho em xong rồi.

    - Như thế nào?

    - Đóng cửa quán Nhớ. Bỏ Pleiku. Về Sàigòn.

    - Nghĩ bậy.

    - Đấy rồi anh coi.

    Tôi không hề tính đến chuyện về Sàigòn. Trước kia và trước đây một phút, tôi vẫn chỉ là một người con gái tỉnh nhỏ, và Pleiku là nơi tôi có đi đâu rồi cũng phải tìm về, nói đóng cửa quán, thoạt đầu chỉ là buột miệng nói đùa. Nhưng nghĩ lại, tại sao không? Trong mấy ngày tôi xuống Quy Nhơn, chắc đã có không biết bao nhiêu điều này tiếng kia về tôi, ở Pleiku. Thư nín thinh sao được, Thư đang cố gắng phá tôi bằng được. Chắc Thư đã thành công và Khoa đã nhìn tôi bằng một cái nhìn khác. Trong trường hợp ấy, tại sao tôi không bỏ đi. Đến một vùng trời khác. Sống một cuộc đời khác. Cái dở nhất của tôi là không biết thay đổi. Dù có Khoa hay không có Khoa. Dù có Đạo hay không còn Đạo.

    Thử hình dung ra cái ngày tôi và Huyền rời bỏ Pleiku, rời bỏ vĩnh viễn, xem sao. Người sung sướng nhất tất nhiên là Thư. Thư nhổ đi được một cái gai nhức nhối trước mắt. Người vui mừng thứ hai không ai ngoài Hồng Hạnh. Không còn tôi, Hồng Hạnh sẽ chiếm lại được Khoa. Còn mấy người bạn trai, như Thập, như Nhạc? Tất nhiên họ buồn phiền vì mất một người bạn và một chỗ lui tới hàng ngày. Tôi không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Trước ngày lên máy bay, tôi sẽ đi thăm Pleiku một lần cuối cùng. Tới Biển Hồ, ném một hòn đá xuống mặt hồ xanh biếc, như một cử chỉ vĩnh biệt. Tới Suối Mơ. Nghe cái âm thanh róc rách thủy tinh của suối, một lần chót. Đi lại những con đường cao. Đi lại những con phố thấp. Bảo với phố với đường rằng người con gái Pleiku má đỏ môi hồng ở tôi không còn nữa. Nó đã chết với Pleiku. Để sống lại, dưới một hình dáng khác, ở Sàigòn. "Những buổi chiều mưa, lòng bỗng bâng khuâng". Ở xa, tôi sẽ nhớ lại Pleiku. Như một quãng đời. Như một kỷ niệm. Và Khoa khi đó, thì đã lập gia đình với Hồng Hạnh. Chàng có con, chàng quên dần tôi cho đến khi quên hẳn.

    - Dưới Sàigòn, những mỹ viện nhiều lắm phải không anh?

    Đạo bật cười:

    - Khi không hỏi thăm mỹ viện làm gì vậy?

    - Em nghĩ tới một mỹ viện. Em sẽ tới đó. Cho người ta sửa mắt, sửa mũi, bơm ngực như những cô gái Sàigòn. Sửa đến anh không nhận ra em được nữa.

    - Để làm gì?

    - Để bắt đầu cuộc sống mới. Bằng một con người hoàn toàn mới.

    - Sửa thế nào thì em cũng vẫn là em. Chẳng có mỹ viện nào sửa được trái tim.

    - Trái tim em tự sửa lấy, không cần mỹ viện.

    - Khi đó, em sẽ trở thành, một loại đàn bà nào?

    - Loại đàn bà ăn chơi, bất cần đời. Loại đàn bà thiêu thân. Loại đàn bà khốc liệt.

    Tôi ấn mạnh một ngón tay trên gò má mình:

    - Với một nốt ruồi thương phu trích lệ to tướng. Ở chỗ này.

    Đạo nhìn tôi đăm đăm rồi ngửa cổ cười lớn. Tiếng cười cũng lớn như tiếng sóng. Tôi cau mày:

    - Sao anh cười? Em nói chuyện đứng đắn mà.

    - Em định về Sàigòn thật?

    Tôi gật:

    - Vâng. Nếu sống ở Pleiku không được nữa.

    Nét mặt Đạo trở nên nghiêm trang. Chàng hỏi:

    - Người đàn ông yêu em ở Pleiku tên là gì?

    - Khoa.

    - Em nói chuyện như em và Khoa sẽ thôi nhau.

    Lần đầu tiên, chúng tôi nói đến Khoa. Thường thường một người đàn ông và một người đàn bà tránh nhắc đến một người đàn ông khác. Chúng tôi đã nhắc đến Khoa. Tự nhiên, không giễu cợt.

    Tôi trả lời Đạo:

    - Chuyện em với Khoa khó nói lắm. Em cũng chẳng hiểu như thế nào. Không đáp lại, không phải. Đáp lại, thấy cũng không xong.

    Tôi kể cho Đạo nghe về tình yêu Khoa dành cho tôi, từ mấy năm nay. Một tình yêu chân thành, thắm thiết tràn đầy, không thay đổi.

    - Nhưng gia đình Khoa không bằng lòng.

    - Sao vậy?

    Tôi trả lời bằng kể tiếp cho Đạo hay về Thư. Thư đã bắt gặp tôi lần đến tìm Đạo ở khách sạn. Tôi cười:

    - Con nhỏ đó rất ghê gớm. Nó sẽ phá em bằng được.

    - Em sẽ đối phó như thế nào?

    - Không đối phó gì hết. Muốn ra sao thì ra. Chính vì thế mà em đã phải bỏ Pleiku vài ngày, đến sống ở một nơi khác.

    Đạo nói nhỏ:

    - Đáng tiếc.

    - Chuyện anh và em cũng đáng tiếc vậy.

    Đạo từ từ lắc đầu:

    - Chuyện anh và em khác.

    Đạo nằm xuống cạnh tôi. Chúng tôi không nói gì thêm nữa. Mỗi người cũng như đang theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Rồi nắng tắt. Chiều lan dần. Nhìn ra, biển như mênh mông hơn, sâu thẳm và huyền bí hơn, chung quanh chỗ chúng tôi nằm, bóng tối dần dần phủ xuống. Cảnh tượng nhá nhem trong khoảnh khắc, rồi một thứ ánh sáng khác lan chiếu dần dần. Trăng đã lên. Đêm qua, đêm thứ nhất ở Quy Nhơn, đã là một đêm trăng đẹp tuyệt vời. Đêm nay, trăng trở lại cũng vằng vặc, cũng tròn đầy như vầng trăng trước. Ánh trăng thoạt đầu dụt dè, nhợt nhạt, như không đủ xa, không đủ sáng. Nhưng rồi trăng lên cao tới đâu, ánh trăng mạnh mẽ và bạo dạn tới đó. Tôi nhìn vầng trăng lên lúc cúi xuống nhìn mình, da thịt tôi đã nhễ nhại trăng. Đạo cũng vậy. Trăng tắm đẫm chúng tôi trong vùng ánh sáng bao vây huyền hoặc.

    Lúc này, mọi người ở ngoài bãi đã về hết. Chỉ còn tôi và Đạo. Tôi sống một cảm giác quên đời. Quên cả chung quanh. Quên cả bản thân. Thị xã Quy Nhơn ở phía sau lưng lấp lánh ánh đèn. Nhưng Quy Nhơn cũng đã tách rời, thuộc vào một tinh cầu, một thế giới khác. Bãi biển trở thành một hòn đảo. Biển trăng biến thành một đại dương thứ hai. Hòn đảo trên đó là hai chúng tôi như trôi nổi giữa một cõi lênh đênh không bến bờ.

    Trăng đã đưa chúng tôi đi thật xa. Cảm giác quên đời biến thành một cảm giác rợn ngập. Tôi rùng mình.

    Đạo hỏi:

    - Lạnh?

    Tôi hỏi, mơ màng:

    - Chúng mình đang ở đâu?

    - Trên chỗ nằm cũ, từ buổi chiều.

    Đạo kéo một nửa tấm chăn phủ lên ngang người tôi. Chàng ôm lấy tôi cho tôi đỡ lạnh. Chàng nói nên trở về khách sạn vì đêm đã khuya, nước triều đang lên, sắp phủ kín bãi cát. Tôi đành ngồi lên. Tôi còn muốn ở ngoài bãi. Tới sáng. Con đường trở về, như một giấc mơ. Lên tới phòng, Đạo đóng mọi cánh cửa lại. Ánh trăng lại đuổi ra ngoài. Đêm thứ hai của tôi ở Quy Nhơn là một đêm thần tiên. Tôi lại được quên đời. Quên hẳn. Trong cánh tay ôm chặt của Đạo.

    Ngày thứ ba - Buổi sáng.

    Giấc ngủ mê mệt về sáng thức dậy, không thấy Đạo nằm bên cạnh. Tôi hoảng hốt, ngồi vụt lên. Đêm cuối cùng của hai chúng tôi ở Sàigòn, Đạo cũng bỏ đi, trong lúc tôi ngủ say. Chàng lại bỏ đi, như lần trước rồi sao?



    Tôi hoàn hồn khi nhìn thấy một mẩu giấy nhỏ để trên cái bàn thấp, cạnh giừơng. Đạo viết: "Anh xuống phố một lát. Sáng nay không đi đâu. Cứ ngủ tiếp đi." Tôi bật cười với sự lo sợ sai lầm của mình. Sự mỏi mệt đẩy tôi nằm xuống mặt đệm. Tôi thở ra một hơi dài, nhắm nghiền mắt lại. Nhưng giấc ngủ không đến nữa.

    Sau hai ngày sống với Quy Nhơn, biển đã ở trong tôi. Đã ở trong tôi, trời Quy Nhơn cao xanh, nắng Quy Nhơn chan hòa, mây Quy Nhơn bồng bềnh, trăng Quy Nhơn vắng vặc.

    Căn phòng khách sạn xa lạ cũng đã trở thành một nơi chốn vô cùng quen thuộc. Tôi vừa ngủ trên chăn gối tôi. Tôi vừa thức dậy, trên giường đệm tôi. Nghĩ đến ngày mai trở về Pleiku, tôi bỗng thấy lưu luyến, lưu luyến ngay từ những giây phút này, với nơi chốn tôi sắp phải rời bờ. Nếu không có quán Nhớ, nếu chẳng có Huyền là những ràng buộc, những trách nhiệm tôi không thể rũ thoát, tôi sẽ ở lại đây, rồi muốn ra sao thì ra.

    Sự suy nghĩ làm tôi bâng khuâng. Nó giúp tôi khám phá được một sự thật trước kia chưa từng nghĩ tới. Đó là sự tự do của một người. Trước tôi vẫn nghĩ mình tự do, tự do hoàn toàn. Không phải. Không một ai tự do hoàn toàn. Đạo sống như gió khơi, như mây trời mà cũng còn vướng bận vào những ràng buộc. Thôi, đừng có một ảo tưởng nào nữa, hạnh phúc này trước sau là một hạnh phúc chốc lát, mày sẽ phải trở về, tôi nhủ thầm, và rời khỏi giường.

    Mười lăm phút sau, tôi đã mặc quần áo xong xuôi và ngồi chờ Đạo. Tiếng gõ cửa nổi lên. Tôi nói lớn:

    - Cứ vào.

    Cửa mở, bà chủ tươi cười bước vào. Bà ta hỏi:

    - Bà mạnh chứ? Đêm qua bà ngủ được không?

    - Dạ, được.

    - Ông nhà đâu?

    Ông nhà. Bà chủ muốn nói tới Đạo đó. Tôi đóng một vở kịch và bà chủ nhà đã tin đó là sự thật. Kể người đời cũng dễ tin thật. Vì vở kịch tôi đóng thật dở. Kẻ khác nhìn thấy tôi và Đạo như một cặp vợ chồng thật sao? Tôi chỉ biết rằng ngày mai, chúng tôi sẽ xa nhau, thôi nhau, không bao giờ gặp lại.

    - Nhà tôi xuống phố.

    Bà chủ ngồi xuống ghế.

    - Bà lập gia đình lâu chưa?

    Tôi trả lời, nghĩ đến lần từ Pleiku về Sàigòn lánh nạn.

    - Hai năm.

    Bà chủ khách sạn thở dài.

    - Nhà tôi mất đến nay đã được gần mười năm rồi. Chúng tôi di cư từ Hà Nội vào. Bấy giờ Quy Nhơn đâu có được khang trang và đông đúc như bây giờ. Chúng tôi đã phải sống những ngày thật vất vả, cực nhọc. Đến lúc khấm khá được một chút thì nhà tôi đau rồi mất. May mà tôi còn có con cháu. Nhưng tôi không muốn ở Quy Nhơn nữa.

    Tôi hỏi:

    - Bà định đi đâu?

    - Tôi có một người anh ruột ở Sàigòn. Nếu bán đựơc khách sạn này, tôi sẽ đưa cháu vào trong đó, sống với gia đình anh tôi. Bà biết ai muốn mở khách sạn không?

    Tôi cười:

    - Tôi.

    Bà chủ nhà vồn vã:

    - Thật không?

    - Thật. Nhưng mua khách sạn này thì không thể. Vì tôi không có tiền.

    Bà chủ nhà ngẫm nghĩ:

    - Tôi có thể giao khách sạn cho bà trông coi nếu bà muốn.

    Tôi chỉ mới biết bà chủ khách sạn từ hai hôm nay. Đề nghị đầy tin cẩn của bà ta làm tôi xúc động. Tôi ngập ngừng:

    - Tôi mới quen bà...

    Bà chủ khách sạn giơ tay:

    - Mới hay lâu không thành vấn đề. Bà là một người đàng hoàng tử tế và tôi biết tôi không nhìn lầm. Bà thử bàn lại với ông nhà xem sao. Thú thật là tôi muốn về Sàigòn càng sớm chừng nào càng hay chừng đó.

    Nói thêm dăm ba câu chuyện nữa rồi bà chủ khách sạn đi ra. Tới thềm cửa, bà ta đứng lại:

    - Bao giờ bà về Pleiku.

    - Thưa, sáng mai.

    - Bà không ở lại thêm vài ngày nữa được sao?

    Tôi lắc đầu:

    - Tôi phải về. Tôi sẽ viết thư liên lạc với bà.

    - Tốt lắm.... Tôi đã viết thư cho con trai tôi. Có chỗ đi lại ở trên đó chắc cháu mừng lắm.

    Đạo trở về sau đó. Tôi đem câu chuyện vừa trao đổi với bà chủ khách sạn kể lại cho Đạo nghe. Nghe xong Đạo nhìn tôi gật gù:

    - Em được quý trọng quá nhỉ?

    Tôi nhìn Đạo:

    - Mọi người đều quý trọng em. Chỉ có anh là coi thường em thôi.

    Đạo chịu đựng cái nhìn của tôi. Thật lâu. Rồi chàng nói, giọng nghiêm trang:

    - Không bao giờ anh coi thường em.

    Giọng chàng trầm xuống, buồn bã:

    - Anh chỉ coi thường anh thôi.

    Một phút im lặng. Tôi không biết nói với Đạo như thế nào nữa. Trong hai tuần lễ gặp Đạo ở Sàigòn, chàng đã coi thường tôi thật. Chàng chiếm đoạt tôi. Rồi bỏ rơi, thản nhiên, tàn nhẫn. Tôi đã thù ghét chàng vì thế. Rồi hai đứa gặp lại nhau ở Pleiku. Tôi hoang mang không còn biết tôi với Đạo là thế nào. Đến lúc chàng bỏ đi, không thèm để lại một lá thư, một giòng chữ, tôi lại thù ghét chàng, vì thêm một lần nữa, thái độ tàn nhẫn của người tình lại làm cho tôi đau đớn. Lần gặp này ở Quy Nhơn, Đạo có với tôi một thái độ khác hẳn hai lần trước. Chẳng phải vì chàng tỏ tình, hay chàng nói chàng sẽ chung thủy, sẽ gắn bó với tôi, mãi mãi. Nhưng đổi khác thì quả thực là tôi thấy Đạo đã đổi khác. Tôi đã trở thành nỗi bận tâm chính yếu của Đạo. Chiều hôm qua, nằm với nhau trên bãi biển, dưới trăng sáng đầy trời, trưa hôm qua, lúc đi dạo với chàng trên những hè đường Quy Nhơn lòa nắng, đêm qua, nằm cạnh chàng, lúc nào tôi cũng nhận thấy ở Đạo sự thay đổi đó. Tuy cuộc tình của chúng tôi cuối cùng rồi vẫn không đi đến đâu, nhưng Đạo đã hết coi tôi như một trò đùa chốc lát. Tôi đã có một chỗ đứng nào đó, trong trái tim chàng. Có thể đó chỉ là một chỗ đứng thật nhỏ bé. Nhưng chỗ đứng đó đã có. Rất thật. Trong trái tim chàng.

    Tôi ngậm ngùi:

    - Mai em về anh không giữ em lại với anh thêm ít ngày nữa sao?

    - Không.

    - Đó.

    Đạo lại gần. Chàng ôm chặt lấy tôi:

    - Ngày cuối cùng, anh không muốn nó là một ngày buồn. Sau này em sẽ hiểu. Chúng ta sống thêm với nhau ba ngày là đủ. Không nên kéo thêm. Thôi đừng bắt anh trả lời nữa. Chúng mình đi ăn sáng rồi ra bãi.

    Chúng tôi đi ra. Cửa phòng đóng lại, xuống thang, ra đường. Cảnh trí thay đổi và tôi được sống một tâm trạng khác. Bầu không khí thân mật, lý tưởng nhất cho một cặp tình nhân tất nhiên là bầu không khí của một căn phòng đóng kín. Giữa mùng màn buông rũ. Trên tuyền toang chăn gối. Nhưng bầu không khí ấy cũng rất dễ trở thành ngột ngạt u uất. Bởi vì, trong riêng tây tuyệt đối, những người tình thường đẩy nhau tới đối diện với những vấn đề. Ra ngoài, cuộc tình được thả vào đám đông. Ném vào nắng gió. Cho hòa nhập với chung quanh. Khuôn mặt nó mất đi cái vẻ khốc liệt trầm trọng, để có được cái nhẹ nhõm, cái bay bổng, tôi không thấy được cho Đạo và tôi khi chúng tôi giam thân trong một căn phòng đóng kín.

    Quên đi những câu giận hờn vừa nói, chúng tôi bước những bước khoan thai trên hè đường. Tôi yêu cánh tay, bàn tay Đạo, nhưng lúc như thế này. Cánh tay chàng ôm ngang lưng, vừa vặn một vòng ôm. Tôi thấy tôi nhỏ lại, được che chở. Bàn tay chàng nắm lấy tay tôi, dẫn tôi đi, và tôi sung sướng đi theo.

    Mặt trời đã lên cao. Bên trên những hàng cây. Vượt khỏi những mái nhà. Quy Nhơn mở hết mọi cửa tiệm. Sang tới ngày thứ ba rồi. Quy Nhơn đã là một bến đậu mới. Tôi bước, bạo dạn, mặt ngửng cao, nghe thấy trái tim mình đập mạnh. Gió biển không còn làm tôi mệt như ngày hôm trước nữa. Đạo đưa tôi vào một tiệm phở. Người ngồi đông chật trên mấy dẫy bàn.

    Đạo nói:

    - Đây là tiệm ăn sáng nổi tiếng nhất Quy Nhơn.

    - Về món gì?

    - Phở, trước đã. Rồi đến bánh cuốn.

    Tôi cười:

    - Anh cũng chỉ mới ở mấy ngày như em. Sao anh biết rõ thế?

    - Nhờ anh Luận.

    - Anh Luận đâu phải người la cà ở những nơi ăn uống.

    Đạo gật:

    - Đúng vậy. Quanh năm anh ta chỉ gạo lức muối mè. Ấy thế mà cái gì anh ta cũng biết.

    - Sao anh không mời anh Luận đi chơi?

    - Tối nay.

    - Tối nay đi đâu?

    - Đi biển. Ra đảo.

    Sáng nay, tôi mặc một cái áo ngắn tay. Dơ cánh tay trần lên cao, tôi thấy da thịt tôi đã đỏ hồng vì nắng. Dấu vết của Quy Nhơn đó. Dấu vết của cả một buổi phơi mình ngoài bãi cát, của hai ngày đi chơi thỏa thích ngoài trời. Về Pleiku rồi cái mầu hồng hồng trên da sẽ biến mất. Về Pleiku rồi tôi lại xanh như lá, lại buồn như rừng, lại nín thinh như núi.

    Phải đứng chờ chừng năm phút giữa lối đi, chúng tôi mới tìm được chỗ ngồi. Đạo ăn phở. Tôi làm khác Đạo. Tôi kêu một đĩa bánh cuốn. Tiệm ăn xứng đáng với sự đông khách của nó. Món điểm tâm khá ngon. Bánh cuốn nhân thịt có mùi cà cuống thơm hắc. Tôi cười nói thoải mái với Đạo.

    - Anh thấy gì không?

    Đạo ngơ ngác:

    - Thấy gì?

    - Từ nãy đến giờ chưa gặp người quen.

    - Em thích gặp người quen.

    - Anh thì sao?

    - Không.

    - Em cũng vậy. Quy Nhơn đáng yêu nhất ở điểm này. Quy Nhơn để mặc cho chúng mình tự do.

    Hai phin cà phê được đưa tới. Tôi không thể khen cà phê của quán hàng này được. Nó chua lòm và nhạt phèo. Tôi uống một ngụm, nhăn mặt đẩy cái ly ra xa. Nét mặt tôi chắc là ngộ nghĩnh tức cười lắm. Đạo ngửa cổ cười lớn.

    Tôi nhăn mặt một lần nữa:

    - Anh cười gì vậy?

    - Em uống cà phê như uống nhầm phải một liều thuốc đắng.

    - Còn hơn một liều thuốc. anh uống được không?

    - Được.

    Chàng uống ly cà phê, ngon lành, đến hết.

    Tôi ngẩn người:

    - Không ngờ anh dễ tính thật.

    - Trên từng phương diện mà thôi.

    - Anh khó tính trên những phương diện nào?

    - Rượu mạnh và đàn bà.

    - Rượu mạnh như thế nào?

    - Thật. Và phải uống một cách nào đó, trong một không khí nào đó.

    Về sự hiểu biết những thói quen đặc biệt của đàn ông, tôi rất kém cỏi. Khoa không có một thói quen nào hết. Đời sống của Khoa đơn giản, lành mạnh, chỉ như đời sống một cậu học trò mới lớn. Thập và Nhạc chỉ uống cà phê, không phải là những tửu đồ. Đến Đạo, tôi mới nhìn thấy người đàn ông trên một khía cạnh khác thường và kỳ lạ. chẳng hạn như Đạo thường thức giấc bất chợt về đêm, chàng nằm yên lặng hàng giờ trong bóng tối đen hoa mắt. Chẳng hạn như mỗi lần mở cửa đóng cừa, chàng thường đứng lặng trong khoảng khắc, đầu cúi xuống, rồi mới bước vào hay mới đi ra. Đạo còn nhiều thói quen khác nữa. Hẳn thế. Như tất cả những người đã sống tới một tuổi nào. Tôi muốn biết thêm về những thói quen khác của Đạo. Hỏi chàng:

    - Anh thích uống rượu như thế nào?

    Đạo đáp, gọn lỏn:

    - Một mình.

    Người đàn bà nào sống được với Đạo mãi mãi? Để cùng chia sẻ với chàng một ánh trăng, đi cùng với chàng một đoạn đường mãi mãi? Tôi nghĩ qua tôi. Câu trả lời là không.

    - Anh sẽ uống rượu một mình suốt đời.

    Đạo gật gù:

    - Chắc thế.

    Tôi đẩy tới cái ý muốn tìm hiểu.

    - Còn về đàn bà?

    - Những người khác thường, có thể rất khổ đau nhưng không bao giờ than thở.

    - Không có em trong số đàn bà đó.

    Đạo ngạc nhiên, một ngạc nhiên thành thật.

    - Anh nghĩ đến em khi nói đến những người đàn bà ấy.

    - Em thở than một cây.

    - Anh chưa thấy bao giờ.

    - Hoài hoài à. Ngầm. Một mình. Em thở than một mình như anh uống rượu một mình.

    - Em sẽ thở than như thế suốt đời.

    - Đúng. Như anh sẽ uống rượu một mình suốt đời.

    Suốt đời. Một mình. Một mình. Suốt đời. Chúng tôi cùng nói đến những điều trầm trọng và cùng bằng một giọng giễu cợt. Chúng tôi đang biến những cái thật thành những cái đùa, và những cái đùa thành những cái thật. Như thế, thêm một ngày nữa. Ngày cuối cùng. Trước khi trò đùa chấm dứt.

    Ra khỏi tiệm ăn sáng, tôi đòi Đạo đi thêm một quãng đường nữa, trước khi ra bãi.



    Ngày thứ ba - Buổi trưa

    Bãi. Bãi thẳng tắp, sáng loáng như một tấm gương lớn. Mặt trời trên đầu. Biển xanh biếc, cứng, sắc như một tảng kim khí. Da thịt hừng hừng, chín nẫu. Tôi nằm úp mặt trên cát, nghĩ đến những sân ga, những con tầu. Vừa thấy mình là một sân ga, một con tầu. Vừa thấy mình đứng lại, vừa thấy mình rời đi. Nắng Quy Nhơn đang chan hòa và tôi nằm phơi nắng, thì đang nghĩ đến những chiều mưa Pleiku. Còn một chút gì để nhớ. Còn một chút gì để quên. Lời hát về Pleiku cũng là lời hát của đời tôi. Tôi sống đang quên quên, nhớ nhớ. Còn một ngày nữa. Đã hai ngày qua. Còn một ngày nữa. Tôi nhắm mắt lại. Tiếng sóng rõ hơn. Biển trùm lên tôi.


  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 8
    Đã hai tuần trôi qua, kể từ ngày tôi từ Quy Nhơn trở về. Hai tuần lễ của những trận mưa liên miên kéo dài không dứt. Những buổi sáng thức dậy, tôi đều nghe thấy tiếng mưa rơi. Những đêm nằm đợi chờ giấc ngủ, sự đợi chờ nào của tôi cũng kéo dài trong tiếng mưa đổ. Như đêm tối không có tiếng mưa làm nền, đêm tối không phải là đêm tối Pleiku.

    Tôi đang nằm trên giường, với một tấm chăn dầy phủ lên ngang ngực. Lúc này là buổi chiều. Dưới chăn, thân thể tôi lạnh buốt. Tôi đã nằm từ sáng, bây giờ vẫn chưa dậy được. Chỗ nằm, đáng lẽ phải ở một nơi khác. Trong một bệnh viện Tôi đã không chịu đến một bệnh viện. Nằm nhà, ưng thuận cho cơn bệnh kéo dài, ru hồn mình buồn phiền và ngổn ngang trăm nỗi bằng tiếng mưa rơi.

    Tôi đau ngay từ hôm về tới Pleiku. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi chia tay với Đạo, chàng đưa tôi ra bến xe. Bà chủ khách sạn đứng đón tôi dưới quầy hàng. Bà trao mấy món đồ, nhờ chuyển cho con trai bà. Phút chia tay với bà chủ khá lưu luyến.

    Bà ta nắm lấy tay tôi:

    - Bao giờ ông bà trở xuống?

    Bao giờ? Tôi nhìn Đạo. Chàng ở lại Quy Nhơn hay chàng trở về Sàigòn, tôi còn chẳng biết. Chúng tôi mỗi người một ngả, và Quy Nhơn rồi cũng chỉ còn là một kỷ niệm phai mờ bỏ lại sau lưng.

    - Tháng sau, không chừng.

    Bà chủ nghiêm trang:

    - Câu chuyện tôi nói hôm qua là chuyện đứng đắn. Bà đã mở tiệm cà phê thì trông coi khách sạn cũng được. Nếu bà xuống trước khi tôi phải vào Sàigòn thì hay lắm.

    - Tôi sẽ cố gắng.

    Bà chủ khách sạn nhìn tôi, nhìn nước da còn hồng hồng rám nắng của tôi.

    - Xem chừng Quy Nhơn hợp với bà lắm rồi đó.

    - Sao vậy ạ?

    - Chỉ mới vài ngày, bà khỏe mạnh tươi tắn hơn hôm mới tới nhiều. Thế là khí hậu miền biển thích hợp với bà.

    Quay sang Đạo, bà ta nói tiếp:

    - Ông khuyên bà một câu đi. Tiếng là khó khăn hơn trước, nhưng ở Quy Nhơn làm ăn vẫn còn dễ dàng lắm.

    Tôi hứa sẽ viết thư trả lời bà chủ rồi hai chúng tôi rời khỏi khách sạn. Phút chia tay với Đạo mau chóng. Chúng tôi cùng tránh kéo dài nó. Tới bến xe cho đến lúc xe sắp chuyển bánh chàng không nói với tôi một lời nào. Những cặp tình nhân lúc chia tay không hẹn ngày gặp lại đều im lặng như thế sao? Tôi có hàng nghìn lời muốn nói. Đồng thời cũng lại cảm thấy lời nói nào cũng thừa. Thừa và vô ích lắm.

    Tài xế dục mọi người lên xe. Máy nổ Đạo đứng sát cửa xe nhìn lên. Tôi cố giữ cho khỏi bật ra tiếng khóc, nhưng trái tim thì chảy máu. Chúng tôi chỉ còn nhìn thấy nhau trong cái thời gian ngắn ngủi của một khoảng khắc.

    - Em đi, anh.

    - Ừ, em đi.

    - Anh còn ở lại đây?

    - Anh chưa định.

    Tôi gượng cười, thò bàn tay ra ngoài cửa xe cho Đạo nắm lấy. Chúng tôi cùng muốn tỏ ra cứng rắn. Thật tội nghiệp cho hai đứa.

    - Em nhớ giữ gìn sức khỏe.

    Tôi gật:

    - Còn anh.

    Đạo thình lình buông tay tôi ra. Chàng ngắt ngang, gần như tức giận:

    - Đừng nói gì nữa. Quên anh đi.

    Chiếc xe hàng từ từ chuyển bánh cùng một lúc với Đạo quay lưng, bước nhanh ra khỏi bến xe. Tôi nhìn theo, xúc động. Vì biết Đạo vội vã quay gót, là vì chàng đã bất chợt xúc động mãnh liệt. Đạo mất đi mau chóng. Xe lìa bến sau đó. Nắng gió Quy Nhơn trên đường về, đuổi theo ở sau lưng. Biển xa dần. Những con sóng. Những ánh trăng xa dần. Chuyến đi náo nức, mới lạ. Cảm tưởng đổi thay hai bên bờ đường hút lấy tầm mắt. Chuyến về cảnh vật ở ngoài. Chiếm đoạt thần trí tôi chỉ còn là một giòng suy nghĩ miên man. Ánh mắt tôi nhìn lại Đạo trong tưởng tượng. Tôi muốn nghĩ chàng cũng buồn như tôi đang đau, chàng cũng hoang mang như tôi đang tan nát. Từ bến xe, chàng mang thẳng hình ảnh tôi ra bãi biển. Xe đang đưa tôi trở về cùng núi rừng Pleiku và Đạo thì đang đi một mình trên bãi cát vắng lặng. Chàng nhìn xuống những dấu chân chàng, những con dã tràng, chàng nhìn ra khơi, biển xanh lơ và mầu biển với chàng là mầu của một thương nhớ mênh mông.

    Mãi nghĩ xe tới đèo An Khê lúc nào không hay. Lại những khúc quanh. Lại những con dốc. Một vài đồn binh đứng trơ vơ trên những ngọn đồi biệt lập. Hàng rào thép gai trên những thước đất đã cháy xém. Lô cốt phòng sự in lên nền trời. Thung lũng sâu hút với những con lạch khô cạn. Mộ người chiến sĩ vô danh trên đỉnh đèo gặp lại. Anh Kiện thấp thoáng trong đầu óc bồng bềnh choáng váng.

    Qua khỏi đèo, bỗng nhiên tôi bị xâm chiếm bởi một mỏi mệt rã rời. Ba ngày ở Quy nhơn, tôi đã sống bằng ba tháng, ba năm, một đời. Mà nhịp sống quay cuồng, chóng mặt. Quy Nhơn có tất cả làm tôi vui, tôi quên. Nhưng đồng thời, tất cả của Quy Nhơn cũng làm tôi mệt lả. Cái gió. Cái nắng chói chang. Cái gió lồng lộng. Trời Quy Nhơn quá xanh, nhìn mãi, màu xanh trôi cũng làm cho cái nhìn ngây ngất. Tôi biết tôi đau rồi. Đau từ phút xe qua đèo An Khê.

    Những ngọn đồi, những ngọn đồi thấp, thoai thoải, nối tiếp hết ngọn này đến ngọn khác. Những vách núi và những cánh rừng ở xa, mầu núi và mầu rừng lẫn lộn. Một nền trời xám ngắt, nặng chĩu hơi nước, vương đầy sương mù. Một vẻ buồn bã vô hình phủ lên hết thảy. Đó là Pleiku. Pleiku tôi vừa gặp lại. Một Pleiku không thay đổi, như rừng và núi im sững, không bao giờ đổi thay.

    Cơn sốt trong tôi đã dấy. Người tôi gây gây lạnh. Xuống xe, tôi phải lấy trong va ly ra chiếc áo len và khoác vội nó lên người.

    Một chiếc xe lam lăn tới.

    - Cô về phố?

    Tôi hỏi, mệt nhọc:

    - Biết quán Nhớ không?

    Người phu xe gật, giọng ăn chắc:

    - Quán Nhớ ở đây ai mà không biết.

    Đang buồn, đang đau tôi cũng bật cười. Pleiku, thêm một lần nữa, lại hiện rõ cái tinh thần xóm làng nhỏ chật. Lời bài hát càng nghĩ càng thấy đúng. Những con phố tình thân. Đi dăm bước đã về chốn cũ. Nhưng Đạo xa rồi, tôi còn gì để nhớ để quên?

    Tôi hỏi:

    - Quán Nhớ danh tiếng lẫy lừng đến thế sao?

    - Cả tỉnh Pleiku này đều biết mà.

    - Tại sao mới đựơc chứ?

    - Cà phê đã ngon. Cô chủ quán lại đẹp.

    Chẳng biết ai nói đến tai anh phu xe này rằng nữ chủ nhân quán Nhớ là một bông hoa kiều diễm. Phút này, cái bông hoa ấy chẳng kiều diễm chút nào hết. Tâm thể của nó héo hon. Dung nhan nó tiều tụy. Sau cuộc phiêu lưu thần tiên, bông hoa trở về cùng khu vườn cũ chỉ còn là cánh bèo thảm hại trôi dạt. Tôi bước lên xe. Đường về quán Nhớ bắt buộc phải đi qua cửa tiệm tơ lụa của Hồng Hạnh. Qua cả tiệm thuốc tây của Khoa nữa. Tôi thầm mong đừng phải đụng đầu với ai. Sự mong ước của tôi không được thực hiện. Tôi chạm mặt với cả Thư và Hồng Hạnh. Hai vị thiên kim tiểu thư này đứng nói chuyện với nhau trước nhà Hồng Hạnh. Khi chiếc xe chở tôi đi qua. Cả hai cùng nhìn thấy tôi và chiếc valy đầy bụi bặm đường trường đặt dưới chân tôi.

    Lần trước gặp Hồng Hạnh đã vênh mặt không thèm chào hỏi. Lần này, thêm Thư. Họ mở lớn cặp mắt nhìn tôi, cái nhìn tuy ném tới từ xa, nhưng rõ rệt cái ánh lửa vui mừng đắc thắng.

    Tôi không cần phải suy đoán làm gì nữa. Những cái bất lợi đã dồn dập xẩy đến cho tôi trong mấy ngày xuống Quy Nhơn. Mọi người đã biết tôi đi đâu. Không chừng họ còn biết tôi gặp Đạo ở Quy Nhơn nữa. Những con phố tình thân thôi chẳng còn là những con phố tình. Một hố thẳm đã được khơi đào, thật sâu rộng giữa tôi và mọi người. Phía bên kia là tất cả. Khoa nữa. Khoa cũng đã đứng ở cái phía đối diện, cái phía thù nghịch.

    Xe thả tôi xuống trước cửa quán Nhớ.

    Huyền từ trong quán chạy ra. Nó vui mừng:

    - Chị đã về.

    Tôi mệt nhọc xuống xe.

    - Nhà có chuyện gì không?

    Huyền xách lấy cái val y. Nó đáp gọn:

    - Nhiều.

    - Những chuyện gì?

    - Toàn là những chuyện không hay cho chị.

    Tôi vịn vào vai Huyền, bước vào quán. Sự bực tức đẩy tôi tới một phản ứng đương đầu, thách thức. Mọi người hãy đứng hết về phía bên kia. Tôi không cần đồng minh. Cho tôi đứng một mình với tôi ở phía bên này. Tôi không cần ai nữa và tôi chấp hết.

    - Tao không cần.

    Quán không có một người khách nào. Những dãy ghế trống trơn. Khách quen, khách lạ đều vắng mặt.

    Tôi ngạc nhiên:

    - Sao vắng vẻ thế này?

    Huyền sịu mặt:

    - Chùa bà đanh từ hai hôm nay.

    - Anh Thập, anh Nhạc cũng không tới?

    - Các anh ấy nói các anh không tới đây nữa.

    - Không tới thì thôi. Chị bị đau ở dọc đường. Kiếm mau cho chị mấy viên thuốc. Và đóng cửa lại.

    Huyền lặng lẽ làm theo lời tôi. Nó di động lủi thủi, như một cái bóng. Quán Nhớ đóng cửa, nằm bệnh thêm một buổi nữa. Cửa quán đóng chặt, nhạc không trổi lên, đèn không thắp sáng, quán vừa im lìm vừa tối thui. Huyền buông mùng cho tôi, cùng với cơn sốt vùng lên, dữ dội. Tôi sốt - Sốt mê man, đến tận hôm sau mới tỉnh. Ở Quy Nhơn về được hai ngày thì Khoa tới. Chẳng hiểu tại sao, Khoa biết tôi đau. Khoa tới với một gói thuốc lớn. Khoa nói, tôi phải đến bác sĩ. Tôi trả lời Khoa rằng tôi khỏi rồi, chẳng cần đến một phòng mạch nào hết.

    Câu chuyện trao đổi giữa hai chúng tôi miễn cưỡng và tẻ nhạt. Một lúc nào đó, Khoa ngập ngừng mãi rồi mới hỏi:

    - Em xuống Quy Nhơn có vui không?

    - Thường vậy.

    - Có gặp gia đình anh Thụy không?

    Tôi đáp có gặp.

    Lại ngập ngừng một hồi lâu. Tôi nằm trên giường, Khoa kéo ghế ngồi cạnh đầu giường. Giữa hai chúng tôi là sự có mặt vô hình rõ rệt của người thứ ba, một người thứ ba đã tan nhòa vào hư vô. Rồi Khoa hỏi giọng buồn thảm.

    - Người đàn ông đó là ai?

    Tôi đáp, nhìn lên trần nhà:

    - Một người anh không quen.

    - Y là thế nào với em?

    - Thế nào? Em không thể nói được.

    Khoa thở dài, không hỏi gì thêm về Đạo nữa. Có những chuyện không cần phải hỏi, nhưng càng nín thinh, càng né tránh, sự thật càng phơi bầy, ngột ngạt. Chuyện tôi với Đạo, đối với Pleiku, với Khoa nằm trong trường hợp này. Khoa ngồi thêm một lát nữa, rồi buồn rầu bỏ về. Trước khi ra khỏi phòng, Khoa hỏi:

    - Em muốn nói gì với anh không?

    Tôi lắc:

    - Em đang mệt. Nếu anh muốn, lúc khác chúng mình nói chuyện.

    Ra đến thềm cửa Khoa đứng lại. Tôi nằm im, mắt nhìn thẳng lên trần nhà, nên không nhìn thấy Khoa nữa. Chỉ nghe thấy tiếng, qua một câu hỏi làm cho cả hai người cùng đớn đau:

    - Tại sao em dấu anh?

    - Em không biết tại sao.

    Tiếng thở dài:

    - Đáng tiếc cho chúng mình.

    Tôi nói với Khoa, câu Đạo đã nói với tôi ở bến xe đò Quy Nhơn.

    - Anh về đi. Quên em đi.

    Tôi tưởng khỏi, lại đau lại. Cơn bệnh lúc thuyên giảm, lúc gia tăng kéo dài gần mười ngày. Cuối cùng đám bạn bè ở Pleiku hiểu về tôi như thế này. Tôi có một người tình ở Sàigòn. Tuy ngoài mặt, tôi ưng thuận lấy Khoa, nhưng tôi vẫn không chịu đoạn tuyệt với người tình cũ.

    Người tình của tôi ở Sàigòn. Tôi vẫn thư từ, liên lạc với hắn. Trong một lá thư, tôi rủ người tình của tôi lên Pleiku. Tôi mướn phòng khách sạn cho y ở, lui tới khách sạn với y mấy đêm liền. Như thế chưa đủ, tôi còn theo người đàn ông xuống Quy Nhơn, ngoài mặt nói dối là xuống thăm gia đình Dã Thụy để báo tin Thụy chết. Như thế, nghĩa là Khoa yêu tôi thành thật; Khoa tin tôi hết lòng, nhưng tôi đã lừa dối Khoa, lừa dối tàn nhẫn, lừa dối từ đầu đến cuối.

    Thảo nào mà bạn bè cũng xa lánh. Thảo nào mà đến những người bạn trai thân nhất như Thập và Nhạc cũng có thái độ đoạn giao quyết liệt, không thèm lui tới quán Nhớ nữa.

    Chung thủy không đổi thay, chỉ có Vận. Vận là hiện thân của một tình bằng hữu tràn đầy, vô điều kiện. Hàng ngày Vận vẫn lui tớí quán Nhớ thân mật và thắm thiết như cũ. Vận rất buồn về sự tan vỡ giữa tôi và Khoa, nhưng cho đó là chuyện riêng của hai chúng tôi nên né tránh không đả động tới. Mỗi lần tới, Vận ở lại lâu hơn. Tôi tự tay pha cà phê cho người bạn quý này. Một tối, trời mưa lớn, quán vắng ngắt, Vận bước vào với đôi giầy bê bết bùn đất đỏ khè. Hai chị em đang nghe nhạc. Vẫn bản nhạc Huyền thích. Bản nhạc về Pleiku. Những người con gái má đỏ môi hồng. Những buổi chiều mù sương. Những con phố tình thân. Còn một chút gì để nhớ, còn một chút gì để quên.

    Tôi nhìn đôi giầy Vận:

    - Đi đâu về vậy?

    - Từ Khôngntum về.

    Tôi hỏi đùa:

    - Các cô ở Khôngntum vẫn chưa lấy chồng?

    Vận nhún vai làm vẻ thê thảm:

    - Chưa. Nhưng thương thằng khác rồi. Cho rơi thằng này rồi.

    Tôi cười:

    - Anh đáng bị bỏ rơi lắm.

    - Ô hay, sao nói vậy?

    - Anh yêu thật nhiều người một lúc, không chịu sống chết với ai, thì tất cả mọi người sẽ lần lượt bỏ rơi anh.

    - Nghĩa là đáng đời, phải không?

    - Đáng. Đáng kiếp.

    - Đàn bà bây giờ thay đổi chóng mặt.

    - Chúng tôi không muốn thế. Chỉ là cái chung quanh đẩy đàn bà tới những thay đổi bắt buộc.

    Vận ngẫm nghĩ rồi gật gù:

    - Cũng đúng.

    Thấy Vận là tôi nhớ đến Khoa. Đã ba ngày, Khoa không trở lại. Vì đã quên tôi hay vì tự ái? Mỗi lần nghĩ đến Khoa, trong tôi lại ngậm ngùi vô tận. Dù sao, chúng tôi cũng đã có với nhau rất nhìeu kỷ niệm. Những buổi ngồi với nhau trên bờ Biển Hồ, nhìn xuống làn nước xanh đặc, với một hạnh phúc êm ả lâu bền tưởng như đã thành hình chung quanh chỗ ngồi. Những đêm Khoa ở lại quán tới giờ đóng cửa, mọi chuyện tưởng như sẽ xuôi chảy tốt đẹp giữa hai chúng tôi, với cuộc chung sống dần dần rồi sẽ tới. Khoa bỏ đi, chững chạc như lúc nào Khoa cũng chững chạc, nghiêm chỉnh. Thái độ ấy càng làm tôi ngậm ngùi hơn. Tôi hỏi Vận:

    - Mấy hôm nay anh có gặp Khoa không?

    - Có. Nó nín thinh, không nói chuyện gì hết.

    Thấy tôi nhắc đến Khoa, Vận mới hỏi:

    - Tan vỡ?

    Tôi không trả lời thẳng vào câu hỏi:

    - Chắc không bao giờ Khoa tới đây nữa. Anh nữa, anh cũng chẳng nên tới đây làm gì.

    - Sao vậy?

    - Tôi là sự xa lánh của mọi người. Anh xem đó, đến anh Thập, anh Nhạc..

    Vận xua tay ngắt ngang:

    - Chúng nó có thái độ với Ngọc vì đứng về phía Khoa. Thằng này đứng giữa.

    Vận nhìn tôi:

    - Chỉ đáng buồn là Ngọc đang bị nói xấu dữ quá.

    Những ai đang mạt sát tôi không tiếc lời, tôi đã đoán được. Cũng cứ hỏi Vận:

    - Ai vậy?

    - Thư. Thư và con nhỏ Hồng Hạnh.

    Tôi cười buồn. Một người con gái tỉnh nhỏ muốn yên lành, không bao giờ được phép vượt khỏi cái giới hạn của tỉnh nhỏ ở đó nó đã lớn lên và đã sống. Chuyến đi Quy nHơn, cuộc tình thầm kín với người đàn ông xa lạ, với đứa con gái tỉnh nhỏ ở tôi là bấy nhiêu tội lỗi lớn lao tầy đình không thể bỏ qua, không thể tha thứ. Điều không ai biết và hỏi, vì vậy không ai chấp nhận được, là chỉ cần một chuyến đi, một tình cờ cũng đủ thay đổi cả một giòng đời. Hiện tượng này không xẩy đến cho ai. Nhưng nó đã xẩy đến cho tôi. Tôi đã thay đổi. Với chính tôi trước nhất.

    Và, bằng những trận mưa đêm rì rào, bằng những trận mưa chiều thả giọt, đã hai tuần lễ trôi qua. Sáng nay là sáng chủ nhật. Tôi thức dậy để thấy mình tỉnh táo hơn ngày hôm trước. Quán vẫn phải mở cửa. Tiếng chân Huyền đi lại ở phòng ngoài. Tôi nằm im, nhớ đến giấc mộng đêm qua. Giấc mộng có cả Khoa và Đạo. Lúc có Khoa, lúc có Đạo. Qua một số hình ảnh què cụt, lổng chổng, rời đứt vô nghĩa, mưa đều đều trên mái. Huyền mở nhạc. Tiếng nhạc nhỏ, lẫn trong tiếng mưa.

    Huyền vào:

    - Có khách tới.

    - Ai vậy?

    - Anh chàng thiếu úy.

    - Mời anh ta ngồi chơi nói chị ra ngay.

    Con trai của bà chủ khách sạn ở Quy Nhơn, theo đúng bà mẹ dặn trong thư đã đến quán Nhớ. Nhận đồ và giới thiệu. Anh ta tên là Chấn. Hiền lành. Dễ thương. Trong bộ quân phục thẳng nếp. Chấn mỗi lần đến quán, đều mang theo cái vẻ lạc lõng thừơng thấy ở những người trẻ tuổi bây giờ. Chấn tỏ ý rất vui mừng đã có một nơi chốn quen thuộc để lui tới. Nói không có bạn thân trong đơn vị. Nói buổi sáng chủ nhật, ra phố lang thang không biết đi đâu, không biết làm gì. Anh cứ đến đây, tôi nói với Chấn. Anh cần tiền cứ cho biết tự nhiên, tôi nói thêm, bà nhà sẽ trả lại tôi sau. Chấn đến lần đầu, tôi giữ anh ta ở lại ăn cơm. Sự thân mật tới mau chóng. Chấn làm tôi nhớ đến anh Kiện. Ăn cơm xong, tôi bỏ vào trong nhà, để cho chàng trẻ tuổi được tự do trò chuyện với Huyền. Xem chừng, hai đứa mới quen đã hợp nhau. Huyền tìm mở cho Chấn nghe những bản nhạc Chấn ưa thích. Hai đứa nói chuyện tay đôi cho đến giờ Chấn phải vào trại. Một cuộc tình có những triệu chứng khởi đầu. Tôi thấy ở Chấn và đứa em gái tôi những triệu chứng ấy. Vận thì không xong rồi. Không chừng, em gái tôi may mắn với Chấn hơn. Tôi thầm cầu mong Huyền may mắn hơn tôi. Trong lần yêu thứ nhất. Tôi chải qua mái tóc rồi đi ra. Nhìn vào gương, dung nhan tôi tiều tụy hơn bao giờ. Một thứ dung nhan của những ngày mưa phùn, những hoàng hôn buồn. Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai? Câu thơ này của ai thế? Câu thơ và lời nói của tôi, gói tròn cái tâm trạng não nùng tôi đang sống. Mắt tôi sâu trũng. Vành môi phiền muộn. Cái nhìn chán chường. Thêm một lần nữa, tôi lại thấy mình đứng ngỡ ngàng giữa một ngã ba đường, với bước chân hoang mang, phân vân, không biết về đâu.

    Chấn đứng lên khi tôi từ nhà trong đi ra. Huyền và Chấn đều hơi mất tự nhiên. Quán Nhớ không phải là nơi chốn trò chuyện lý tưởng của họ. Sao họ không đưa nhau tới bên bờ Biển Hồ? Sao họ không đi dạo với nhau ngoài bãi biển Quy Nhơn? Để có riêng nhau với nhau. Để sống tận cùng thứ hạnh phúc chốc lát là thứ hạnh phúc duy nhất.

    Chấn lễ phép:

    - Chị khỏe hẳn chưa?

    - Cám ơn. Tôi vẫn còn hơi mệt một chút.

    Tôi nhận thấy lần đến này, Chấn chải chuốt hơn lần trước nhiều. Vẫn chỉ là bộ quân phục. Nhưng cái áo phẳng phiu, cái quần thẳng nếp và đôi giầy đánh bóng.

    - Quán vắng quá hả chị?

    Tôi nhún vai:

    - Đã thế từ mấy tuần nay.

    - Sao vậy?

    Tôi cười:

    - Những khách hàng quen nhất cũng không thèm đến đây nữa. Họ đã đoạn tuyệt với quán Nhớ.

    Tôi nhìn Huyền khiến con nhỏ hơi ngượng. Sáng nay, chủ nhật, biết anh chàng Chấn sẽ tới, nó đã làm dáng để được đẹp trước mặt người tình. Ngày trước, Huyền đâu có thế. Những tấm gương trong nhà, chỉ có tôi soi ngắm. Huyền không soi gương, không chải đầu. Nó mặc thừa của tôi những chiếc áo cũ. Sáng nay mái tóc cô ả óng mượt. Cô ả mặc chiếc áo dài mới nhất. Không có gì đẹp bằng sự thay đổi khác thường này. Đó là sự thay đổi đầy đặc những cái vụng về, những cái lúng túng rất đáng yêu của tình yêu thứ nhất. Chấn và Huyền vừa cùng nhau nhắp vào một ly rượu. Ly rượu cùng làm cho chàng và cho nàng ngây ngất.

  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Tôi bảo Chấn ngồi xuống ghế:

    - Chiều mới phải vào trại chứ?

    - Vâng.

    - Trưa nay ở lại đây ăn cơm với chúng tôi. Được nghỉ ngày chủ nhật, sao không về Quy Nhơn thăm bà?

    - Em cũng định thế, tuần sau. Muốn mời chị và Huyền cùng đi cho vui.

    Tôi hỏi Huyền:

    - Thế nào?

    Con nhỏ ấp úng:

    - Em chưa biết biển bao giờ.

    - Thế thì phải biết. Biển Quy Nhơn khác với núi rừng Pleiku. Tôi vừa xuống đó rồi. Nhưng nếu Huyền muốn đi chơi, thì cứ đi, không có tôi cũng được.

    Chấn mừng rỡ:

    - Chị cho phép Huyền?

    Tôi nghiêm trang gật đầu:

    - Huyền tới tuổi trưởng thành rồi. Cũng nên đi đây đi đó luôn luôn cho biết.

    Tôi nói tiếp, như một nhắn nhủ gởi gấm về phía Chấn:

    - Người con gái chỉ được quyền tự do một thời kỳ. Khi còn là con gái. Lấy chồng rồi, không phải là muốn làm gì cũng được, đi đâu cũng được.

    Để cho hai trẻ được tự do với nhau, tôi kiếm cớ ra khỏi nhà. Tôi nói tôi đi chợ, mua đồ ăn về làm bữa ăn trưa đãi Chấn. Trời mưa lất phất. Tôi cài hết hàng khuy chiếc áo tơi, cổ áo trùm kín gáy. Pleiku của một ngày mưa phùn phơi bầy cái bộ mặt muôn thuở của một thị trấn miền núi. Xám ngắt. Nhợt nhạt. Rét mướt. Ngôi đình cổ trống trơn, không còn những tấm áp phích, những hình vẽ lòe loẹt của gánh hát cải lương tuần trước. Đoàn hát lưu diễn đã bỏ đi, đâu như lên diễn ở Khôngntum. Vẫn những người dân thiểu số từ những nhà sàn trong núi ra, ngồi thu lu cạnh những gốc cây, thản nhiên hứng chịu những giọt nước trên cành thả xuống. Vẫn những bụi cỏ phố lan tràn trên những mặt đường đỏ khé. Vẫn những đám mây nặng chĩu hơi nước trôi về từ phía phi trường Cù Hanh. Chủ nhật của Pleiku là một chủ nhật buồn. Nó thiếu những tà áo mầu, những quán nước sáng choang, nhộn nhịp như ở Sàigòn. Và Pleiku cúi đầu dưới mưa, chỉ có những quán cà phê tối thui như quán Nhớ. Gần tới chợ, tôi đụng đầu với Nhạc. Nhạc chào tôi ngượng ngập:

    - Đi đâu vậy Ngọc.

    - Đi chợ.

    Nhạc lúng túng:

    - Có gì lạ không?

    Tôi ung dung:

    - Nhiều chuyện lạ lắm. Chẳng hạn như chuyện anh không thèm lui tới quán Nhớ nữa. Chẳng sao. Quán Nhớ sẽ có những khách hàng mới.

    Nhạc giọng trách móc:

    - Tôi đã biết khách hàng mới của Ngọc bây giờ là ai !

    Tôi lắc đầu, nhìn thẳng vào mắt Nhạc, giọng khiêu khích:

    - Làm sao các anh biết được.

    Nhạc không trả lời, cũng không kéo dài phút gặp gỡ mà bỏ đi luôn. Sự thay đổi đã hoàn toàn giữa tôi và đám bạn trai. Những lần trước, gặp tôi ở ngoài đường, họ mừng rỡ biết bao nhiêu. Bây giờ là sự xa lánh rõ rệt.

    Tôi vào chợ. Nền chợ nhớp nhúa. Những người bán hàng co ro trong những mạnh áo không đủ ấm. Gió thổi lùa trên những hình thể gầy guộc, những mầu sắc nhợt nhạt. Pleiku thiếu những đường máu đỏ, thừa những đường gân xanh. Thiếu thật nhiều, thừa cũng thật nhiều. Tôi lại nhớ tới Quy Nhơn, tới cái giải nắng chói lòa và những trận gió Lào thốc tháo, mù mịt bên kia chân đèo An Khê. Thêm nhiều lượng nắng gió khỏe mạnh, chắc con người và đời sống Pleiku sẽ đổi khác, đổi khác ghê gớm.

    Nghĩ xa, nghĩ gần, tôi đi lang thang từ đầu chợ đến cuối chợ. Và đụng đầu với Mỹ Dung. Mỹ Dung đã nhìn thấy tôi từ xa, hẳn thế. Người đàn bà đứng giữa lối đi, buông thõng hai tay chờ tôi đi tới. Tuy là buổi sáng sớm, và cũng đi chợ mua đồ ăn như tôi, nhưng Mỹ Dung trang điểm rất lộng lẫy. Tôi chưa tới gần, mùi phấn sáp từ người Mỹ Dung đã tỏa ra thơm lừng. Một đứa nhỏ đứng sau lưng người đàn bà, nó xách một cái lẳn mây đầy ắp thực phẩm. Tôi muốn né tránh cũng không đựơc. Quay trở lại thì thấy mình vừa thua kém vừa vô lý. Nét mặt Mỹ Dung tươi cười, không thù nghịch. Người đàn bà gật đầu:

    - Chào cô Ngọc.

    Tôi gật đầu đáp lại. Mấy ngày đau liên miên, quán Nhớ không có ai lui tới, tôi đã gần như đứt rời hẳn với đời sống chung quanh.

    Tôi vẫn tưởng Mỹ Dung không còn ở Pleiku nữa. Người đàn bà gió bão kia làm sao có thể ở mãi một nơi chốn khuất lánh và hiu hắt như nơi này? Hay nàng cũng như tôi, đang đứng phân vân giữa một ngã ba đường, không biết về đâu?

    - Cô đi chợ?

    Tôi đáp, thận trọng:

    - Vâng.

    Nghe nói cô đau. Khỏi chưa?

    Giọng Mỹ Dung thân mật, giọng nói dành cho một người bạn, không phải cho một tình địch.

    - Tôi đã khỏi.

    Mỹ Dung cười:

    - Tôi định đến quán Nhớ nhiều lần. Nghĩ thế nào lại thôi.

    - Sao vậy?

    - Sợ cô hiểu lầm.

    - Sao bà biết tôi đau?

    - Xin gọi tôi bằng tên, bằng chị. Tôi muốn nói chuyện với Ngọc, làm quen, kết bạn. Bằng lòng không?

    Tôi nín thinh không biết trả lời thế nào. Nhớ lại cái đêm đứng dưới đường nhìn lên cửa sổ phòng ngủ Mỹ Dung, mặt mũi tôi muốn nóng bừng vì hổ thẹn. Đạo xa rồi. Tôi không còn lý do coi Mỹ Dung là tình địch nữa. Chúng tôi chỉ còn là hai người đàn bà cùng cô đơn như nhau.

    Mỹ Dung tiến tới thân mật nắm lấy tay tôi.

    - Xuống Quy Nhơn mấy ngày, vui vẻ không?

    Tôi giật mình. Tôi đi Quy Nhơn tưởng không ai biết, tôi về cũng chẳng ai hay. Mỹ Dung không đến quán Nhớ, làm sao cũng biết. Tôi lại nín thinh. Vì không biết trả lời như thế nào. Sau đó, Mỹ Dung mời tôi về nhà nàng. Đáng lẽ tôi phải từ chối. Đi với người đàn bà chơi bời này, dù chỉ một đoạn đường ngắn là chuyện không nên. Sẽ mang tiếng. Sẽ bị hiểu lầm. Vậy mà chẳng hiểu tại sao, tôi đã đi theo Mỹ Dung ra cửa chợ. Và mười lăm phút sau, tôi đã ở trong nhà Mỹ Dung. Tầng dưới ngôi nhà khá rộng, ngăn chia thành nhiều phòng nhỏ. Những căn phòng nhỏ xíu ấy đối diện nhau, cửa phòng nào cũng có tấm rèm che kín. Một lối đi chạy giữa hai dãy phòng. Trên lối đi, những cái ghế dài bọc da đỏ thẫm kê cách nhau trong những khoảng cách đều đặn. Không có một tiếng động nào phát ra từ những căn phòng. Tiệm tắm hơi của Mỹ Dung đã đóng cửa.

    Mỹ Dung chỉ tay vào cái lối đi vắng ngắt.

    - Không có ai đâu, cô đừng ngại.

    Tôi lắc đầu:

    - Tôi không ngại, chỉ hơi ngạc nhiên thôi. Không còn ai đến đây nữa sao?

    - Một vài người. Nhưng tôi nói đã dẹp tiệm nên họ không đến nữa.

    Mỹ Dung đưa tôi lên lầu, vào phòng ngủ của nàng. Căn phòng thật đẹp thật ấm cúng, bài trí khá mỹ thuật. Một tấm thảm dầy phủ kín mặt sàn. Giường ngủ thấp kiểu mới nhất. Tủ áo lồng kính. Phấn sáp, nước hoa và những đồ trang điểm khác của đàn bà xếp hàng trên mặt cái bàn phấn ở đầu giường. Một mùi thơm nhẹ phảng phất trong không khí. Căn phòng của Mỹ Dung không chỉ là một nơi chốn để ngủ. Thứ phòng ngủ diễm lệ vừa đón tôi vào là một nơi chốn để tình tự. Đêm nào, Đạo đã ở đây. Chàng đã nằm trên mặt đệm kia, với Mỹ Dung trong tay.

    Mỹ Dung cởi bỏ chiếc áo mưa, ném cái áo lên thành giường. Chiếc áo dài màu rượu chát bó sát lấy thân hình nẩy nở của nàng.

    Mỹ Dung kéo tôi ngồi xuống mặt đệm, hỏi tự nhiên, đột ngột:

    - Đạo đâu?

    Tôi không muốn che dấu nữa. Chuyến đi Quy Nhơn của tôi, cả Pleiku đã biết.

    - Anh ấy không trở về đây.

    - Anh ấy vẫn ở Quy Nhơn?

    - Tôi không rõ.

    - Ngọc đang là đầu đề cho dư luận bàn tán đấy nhé !

    Tôi gật:

    - Tôi biết.

    - Kể chuyện cho tôi nghe về Đạo được không?

    - Tôi không muốn.

    Mỹ Dung nhìn tôi:

    - Ai gặp Đạo rồi cũng vậy. Muốn quên, không muốn nhắc tới. Nhưng càng muốn quên, càng nghĩ, càng nhớ tới Đạo. Đạo không ở với một người đàn bà nào. Đàn bà với anh ta chỉ là một trò đùa. Nhưng lần này...

    Ngừng một giây, Mỹ Dung nói tiếp:

    - Tôi tưởng lần này không giống với những lần trước. Tôi ngạc nhiên khi thấy Ngọc trở về Pleiku một mình.

    Đến lượt tôi ngạc nhiên:

    - Chị tưởng tôi đi hẳn?

    Mỹ Dung gật:

    - Phải. Đi hẳn với Đạo. Trở về đây làm gì nữa?

    - Chị vừa nói Đạo coi đàn bà là một trò đùa mà.

    - Nhưng Ngọc khác. Ngọc không phải là một trò đùa. Có một đêm, Đạo đã ở đây, đến sáng. Đạo có nói chuyện không?

    - Không.

    Tôi ở lại trong căn phòng ngủ diêm dúa của Mỹ Dung, hai tiếng đồng hồ. Tới gần mười hai giờ. Quên cả cái việc chưa đi chợ xong phải về, vì Chấn đang đợi ở nhà. Tôi từ chối không chịu để cho Mỹ Dung nói chuyện với mình về Đạo, nhưng rồi tôi đã ngồi đó, nghe Mỹ Dung nói về Đạo. Về con người chàng. Về quá khứ chàng. Về những điều đã khiến tôi thao thức, thắc mắc, nhưng không tìm hiểu được nguyên nhân. Về những điều tôi chỉ cảm thấy rất mơ hồ vì không có bằng chứng rõ rệt. Tại sao Đạo tàn nhẫn với đàn bà? Tại sao chàng coi tình yêu, đàn bà như một trò đùa, khiến từ chàng tôi cũng chỉ thấy được hạnh phúc như một hạnh phúc chốc lát? Câu trả lời đến từ một buổi sáng chủ nhật, của một quá khứ xa thẳm.

    Năm đó, Đạo mới hai mươi bảy tuổi. Điều khó ngờ ở một người như Đạo, là còn trẻ như vậy, Đạo đã có vợ từ năm năm. Vợ Đạo tên Diễm, là một vũ nữ. Đạo mới chớm chơi bời, nhưng lấy Diễm, chàng yêu người vũ nữ đằm thắm và đoạn tuyệt ngay với cuộc sống về đêm. Cặp vợ chồng sống với nhau trong một căn nhà nhỏ, cạnh chỗ ở của Mỹ Dung, vì thế mà Mỹ Dung biết chuyện. Cuộc chung sống êm đềm được một năm thì Đạo có con. Đứa con trai giống cha như đúc. Đạo yêu con vô chừng ngày hai buổi đi làm, ở sở về thẳng nhà, không có một đời sống nào khác ngoài đời sống gia đình, không biết đến một người đàn bà nào khác ngoài Diễm mà Đạo tin cũng đã đoạn tuyệt hoàn toàn với đời sống cũ.

    Cặp vợ chồng có một xe hơi nhỏ. Buổi sáng chủ nhật, họ thường cùng với đứa con trai kháu khỉnh lái xe ra khỏi thành phố. Đi xa thì ra Vũng Tàu, chiều về. Đi gần thì lên Biên Hò, Thủ Dầu Một, ăn cơm trưa ngoài trời, thả cho đứa nhỏ chạy nhảy, đùa nghịch giữa những thước không khí trong lành và thoáng mát. Đạo chăm sóc thằng nhỏ cực kỳ cẩn thận. Không cho con chơi với con cái nhà hàng xóm, sợ con hư. Không cho con ra phố ra đường một mình sợ tai nạn xe cộ.

    Chủ nhật hôm đó là một chủ nhật rất đẹp trời. Hai vợ chồng sửa soạn đưa con trai đi Thủ Đức. Phút chót, sở có công việc khẩn, sai tùy phái đến tìm. Đạo đành phải để cho Diễm lái xe hơi đưa con đi một mình.

    Xe rời nhà khoảng tám giờ sáng. Chín giờ tai nạn thảm thương đã xảy ra. Diễm đưa đứa nhỏ lên hồ tắm Thủ Đức, sơ ý thế nào để đứa nhỏ xẩy chân rớt xuống hồ tắm. Giờ đó chưa có một người nào. Đến lúc hay biết. Diễm la thét, cầu cứu, người ta vớt được thằng nhỏ từ đáy nước lên thì nó đã tắt thở. Xác đứa nhỏ được chở về nhà. Hàng xóm đến sở báo tin sét đánh. Đạo hoảng hốt chạy về, nhưng tất cả đều đã muộn. Diễm khóc lóc, nhận lỗi về sự sơ xuất không thể tha thứ của mình. Đạo nín thinh, không nói với vợ một lời, lẳng lặng đi chôn con ở một nghĩa địa vùng ngoại ô Chợ Lớn. Cặp vợ chồng tiếp tục sống với nhau như cũ. Nhưng mất đứa con, ngôi nhà không còn tiếng trẻ thơ bi bô đùa nghịch, không thể còn là cái tổ uyên ương sáng hồng như trước. Và tình yêu giữa cặp vợ chồng cũng tan vỡ theo cái chết thảm khốc của đứa nhỏ.

    Nghe đến đây, tôi cau mày, ngắt lời Mỹ Dung:

    - Không thể như thế.

    Mỹ Dung ngừng kể, hỏi:

    - Không thể như thế là thế nào?

    - Đứa con chết chỉ là một sơ ý.

    - Và Diễm phải được tha thứ?

    - Chính vậy.

    Mỹ Dung kể tiếp, nói thêm cho tôi biết nguyên nhân tại sao Đạo không tha thứ cho sự sơ ý chốc lát của Diễm. Thực ra, Đạo đã muốn quên, để sống mãi với Diễm. Ít lâu sau ngày đứa con trai chết. Đạo buồn phiền, lái xe lên Thủ Đức một mình. Chàng tới hồ tắm, nơi xảy ra tai nạn. Ở đây, Đạo được biết thêm những điều mà Diễm đã che dấu về cái buổi sáng chủ nhật đẹp trời kia. Tới hồ tắm, Diễm đã gặp lại một trong những người tình cũ của nàng. Bỏ mặc đứa con tha thẩn một mình bên hồ tắm vắng vẻ. Diễm đã đi chơi với người tình vào một cánh rừng cao su gần đó. Nàng ở trong cánh rừng cao su với người tình gặp lại không chỉ mười lăm phút, mà cả nửa tiếng đồng hồ. Đứa con chết đuối trong khoảng thời gian này.

    Sự tha thứ, muốn có, ở Đạo, thế là tan biến. Diễm không chỉ là một người mẹ sơ suất. Diễm còn là một người vợ không chung thủy. Cái chết của đứa con tố giác thêm sự phản bội của người đàn bà. Đạo buồn bã và thất vọng. Đạo trở lại với cuộc sống hoang tàn ngày trước. Chàng đi chơi đêm, uống rượu, bỏ việc, hàng tuần lễ miệt mài ở những nơi chốn nhầy nhụa không về tới nhà.

    Không ai có thể kéo dài với nhau một chung sống đã trở thành địa ngục. Năm tháng sau ngày đứa con chết, Diễm bỏ đi. Một tháng sau khi rời Đạo, người ta đã thấy Diễm tươi cười khoát tay những người đàn ông khác. Đạo nhìn đàn bà, cũng bằng một cái nhìn mới từ đó. Đàn bà chỉ còn là một giải trí, một trò đùa. Đạo ăn nằm hết người này đến người khác để bỏ rơi họ, tàn nhẫn, không thương tiếc.

    Qúa khứ Đạo được Mỹ Dung kể tới đó là hết. Đến chuyện tôi. Mỹ Dung nói tiếp:

    - Cho tới khi Đạo gặp cô.

    Tôi nhớ lại hai tuần lễ ở Sàigòn. Nhớ lại không thiếu sót một chi tiết nào. Nhớ lại và rùng mình. Tôi là người đàn bà thứ bao nhiêu đây trong cuộc đời của Đạo?

    Tôi cười nhạt:

    - Sự gặp gỡ ấy cũng chẳng có gì đáng nói.

    - Rất đáng nói là đằng khác. Vì trường hợp cô không phải là trừơng hợp của mọi người.

    Tôi ném cho Mỹ Dung cái nhìn nghi ngờ:

    - Làm sao chị biết được.

    - Tôi biết. Vì Đạo nói.

    Tôi nhíu mày:

    - Anh Đạo đã đem chuyện tôi ra nói hết với chị.

    - Không hẳn. Anh ấy không nhắc đến tên cô, khiến đêm hôm đó, tôi không đoán được là ai. Bây giờ, tôi mới biết.

    Hình ảnh Đạo đứng sánh vai với Mỹ Dung giữa khung cửa sổ mở rộng trở về trong trí nhớ tôi. Cánh cửa chỉ mở rộng trong khoảnh khắc rồi được đóng chặt lại. Đêm hôm đó, tôi đã sống như một con vật bị hất hủi. Mỹ Dung có Đạo trong một căn phòng ấm cúng. Tôi đứng một mình dưới mặt đường tối đen, với đêm lạnh buốt vây quanh. Sự uất ức đã làm tôi chảy nước mắt. Rồi lủi thủi trở về, tôi đã hình dung ra những giờ phút gần gũi thân mật của người đàn ông và người đàn bà. Suốt đêm hôm đó, tôi không ngủ được, bởi cái cảnh tượng Đạo nằm trên mặt đệm chiếc giường tôi đang ngồi, với Mỹ Dung trong tay, vẫn rành rành trước mắt.

    Bây giờ. Mỹ Dung thuật lại và sự thật lại không phải như vậy:

    - Cô đừng hiểu lầm. Không có chuyện gì xảy ra đêm hôm đó đâu. Anh Đạo chỉ uống rượu, uống liên miên. Chúng tôi nói chuyện đã, ngồi như thế với nhau tới sáng. Anh nói chuyện gì cô biết không? Chuyện một người con gái anh gặp ở Sàigòn. Anh bỏ rơi tàn nhẫn, dễ dàng như anh đã có một thái độ tương tự với những người con gái khác. Nhưng điều lạ lùng là người con gái ấy khi xa rồi, vẫn ám ảnh thần trí anh bằng một ám ảnh không thôi? Tôi hỏi Đạo: "Vậy thì không phải là một trò đùa? " Đạo nín thinh, cúi đầu, không nói. Chưa từng bao giờ, tôi thấy Đạo như thế. Xa vắng. Buồn bã. Chìm đắm trong một bận tâm thầm kín. Suốt đêm, Đạo ở cạnh tôi, mà cũng là suốt đêm Đạo nghĩ đến người con gái ấy. Rồi Đạo cho biết anh tình cờ gặp lại người con gái ấy ở đây. Tôi hỏi ai, Đạo lắc đầu không chịu nói tên. Mấy ngày sau, anh ấy bỏ đi và người thất vọng là tôi.

    Tôi hỏi Mỹ Dung:

    - Tại sao chị thất vọng?

    - Gặp Đạo tôi mừng như bắt được của. Tôi đang sống một mình. Rất buồn. Đang cần một người tình như Đạo. Tôi muốn giữ Đạo ở lại với tôi. Không có cô, chắc Đạo đã ở lại.

    Mỹ Dung đưa tôi xuống đường. Nàng hỏi tôi, rất nghiêm trang:

    - Tại sao cô trở về một mình?

    - Không có gì giữa chúng tôi hết.

    - Vô lý. Đạo không nói yêu cô sao?

    Không. Tôi chưa từng nghe Đạo nói với tôi như vậy, dù chỉ một lần. Ở đây. Cũng như hai tuần lễ ở Sàigòn. Cũng như ba ngày ở Quy Nhơn. Tôi trả lời Mỹ Dung rằng Đạo không bao giờ nói chàng yêu tôi.

    Mỹ Dung cau mày:

    - Không nói cô cũng phải biết.

    - Làm sao tôi biết được.

    Mỹ Dung chép miệng:

    - Tôi còn biết, tại sao cô không biết? Chỉ là cô không muốn biết mà thôi.

    Chia tay với Mỹ Dung tôi nghĩ ngợi miên man suốt dọc đường trở về. Bỏ dở buổi chợ, bữa cơm không có, hai chị em phải mời Chấn đi ăn cơm tiệm. Thấy tôi có vẻ bằng lòng, Chấn không giữ gìn ý tứ như lần đầu nữa. Huyền cũng bạo dạn, tự nhiên hơn. Suốt bữa, cặp tình nhân không ăn, chỉ ngồi nhìn nhau. Không ngờ tình yêu tới với anh chàng trẻ tuổi và đứa em gái trầm lặng của tôi một cách mau chóng như thế. Chỉ một tuần lễ, tình yêu chớm nụ, mãn khai và thơm hương. Nó đang đi tới bằng những bước dài bảy dậm. Nghĩ cho cùng, chẳng có gì ngạc nhiên. Tình yêu đầu mà. Nhịp đập của trái tìm tuổi trẻ mà. Tiếng sét long trời lở đất mà. Và tại sao lại không như thế. Như thế mới là yêu. Chỉ có tôi là hoang mang bởi không biết mình muốn gì. Chỉ có tôi đang đứng giữa ngã ba, ở giữa sương mù.

    Ăn xong, hai chị em và Chấn lại trở về quán. Tôi kêu mệt, lấy cớ vào nhà trong nằm nghỉ. Đầu óc váng vất, bồng bềnh, tôi nghe thoáng thấy những tiếng trò chuyện thì thầm ở phòng ngoài. Tiếng mưa nữa. Tiếng gió. Còn gì giữ tôi ở lại với cái thị trấn miền núi này không? Tôi không tìm được câu trả lời, và ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

    Giấc ngủ kéo dài. Như một lãng quên đời. Thức giấc, trời đã tối. Ánh đèn ngoài quán hàng đã le lói. Nhạc nổi. Vẫn bài hát cũ. Về một Pleiku vừa gắn bó, vừa đứt rời, vừa lưu luyến, vừa cách biệt. Tôi mặc áo ấm, đi ra. Vận tới lúc nào. Trái với mọi lần, Huyền để mặc Vận ngồi một mình. Còn nó, nó ngồi sau quầy, đắm chìm trong mơ mộng.

    Tôi hỏi Huyền:

    - Chấn đâu?

    - Anh ấy vào trại rồi.

    - Sao không gọi chị dậy.

    - Anh ấy bảo để yên cho chị ngủ.

    Tôi nhìn Huyền, âu yếm:

    - Đã nhất định tuần sau xuống Quy Nhơn chưa?

    - Tùy chị.

    Tôi gật đầu:

    - Để tính lại coi sao. Có lẽ quán Nhớ này đã đến lúc phải đóng cửa thật rồi. Cho nó thành quán quên. Cứ coi là chị em mình sẽ đi Quy nhơn.

    Bỏ Huyền với sự mơ mộng tuyệt vời đang tràn chiếm tâm hồn nó, một tâm hồn vừa mở cửa trước tình yêu đầu, bàng hoàng ngây ngất, tôi đến ngồi nói chuyện với Vận.

    Vận nhìn những cái ghế trống, chép miệng:

    - Sao vắng thế này?

    Tôi cười:

    - Còn anh mà !

    - Tôi là người khách cuối cùng?

    - Một người khách là đủ.

    Nói vậy, mà cái giọng muốn làm ra đùa cợt của tôi cũng không thể đùa cợt được nữa. Một ngày kia, tấm biển hàng trước cửa quán sẽ hạ xuống. Bên trong quán, những ánh đèn sẽ tắt đi. Bản nhạc về Pleiku sẽ không còn bổng trầm thánh thót trong căn phòng này. Và quán Nhớ sẽ sống những giờ phút cuối cùng của nó.

    Ngày khai trương quán trở lại, thình lình trong trí nhớ tôi. Thấm thoát mà cũng năm năm. Hôm đó, mọi người có mặt đông đủ. Anh Kiện cũng về, có mặt. Dã Thụy tới, mừng quán bằng một bức tranh. Bức tranh được treo ngay lên tường. Khoa đến với một bó hoa lớn, mọi người đều ăn mặc đẹp, những khuôn mặt rạng rỡ. Nhạc kéo theo mấy người bạn nhạc sĩ của Nhạc nữa. Những cây đàn cồng kềnh. Mọi người bắt tôi phải nói một vài câu rồi mới chịu vào tiệc.

    Tôi đã lên đứng trước micro, trước ban nhạc. Thấy tôi bước lên bục, mọi người vỗ tay như sấm động. Chiều khai trương, quán Nhớ đèn lửa sáng choang chứ không tối thui như bây giờ. Có cả hoa và rượu nữa. Tôi mặc chiếc áo màu lộng lẫy nhất. Tươi cười dưới ánh đèn và trước những cặp mắt nhìn ngắm, tôi đã chào mừng bạn hữu, nói quán Nhớ muốn đựơc là nơi họp mặt thường xuyên của mọi người, nó sẽ sống mãi với Pleiku, không bao giờ hạ bảng, không bao giờ đóng cửa.

    Nhớ hôm đó, Vận đã nâng ly rựơu hỏi lớn:

    - Không bao giờ đóng cửa chứ, chắc không?

    Tôi đã gật đầu, dõng dạc:

    - Chắc.

    - Thế nhỡ cô chủ không ở Pleiku nữa thì sao?

    Tôi đưa tay:

    - Tôi sống chết với Pleiku, không bao giờ đi nơi khác.

    Lại một tràng pháo tay như sấm động, tán thưởng câu nói chung thủy gắn bó với một nơi chốn không rời đổi. Buổi tối hôm đó thật vui. Bạn hữu đến nhà đông chật. Không có chỗ đứng, không có chỗ ngồi mà khách hàng vẫn cứ kéo vào ùn ùn. Phải mở cửa phòng ngủ cho đám bạn thân sang ngồi ở đó. Chúng tôi thức với nhau tới khuya. Mọi người thi nhau lên dàn nhạc, hát, kể chuyện tiếu lâm, đùa nghịch trong một không khí buông thả đến tận cùng. Quán Nhớ có mặt trong sinh hoạt Pleiku từ đó. Với những lúc vui, với những lúc buồn. Qua những chiều mưa, qua những mùa nắng. Tôi đã có với quán thật nhiều kỷ niệm. Đám bàn ghế đồ đạc lâu dần rồi cũng như có một linh hồn. Góc kia là chỗ ngồi của Dã Thụy, cái góc mù mịt khói thuốc. Đầu quầy này là chỗ Vận thường đứng, dưới, chiếc đồng hồ là quà tặng của Khoa. Buổi sáng, quán mở cửa, sương ban mai ùa vào xanh biếc. Đêm khuya, cửa quán đóng lại, nhạc tắt, quán rơi chìm êm ái vào một vắng lặng buồn rầu. Bao nhiêu năm rồi, tôi đã ở đây, ngôi nhà nhỏ có bóng dáng hàng ngày của bạn hữu có thể gọi được là một mái nhà ấm. Vậy mà tôi sắp bỏ đi? Hạnh phúc nào cũng chỉ là một hạnh phúc chốc lát? Tôi còn tìm đựơc cho tôi một nơi trú ẩn nào mới? Không rõ, không biết. Nhìn lên từ một hướng biển, nhìn xuống từ một hướng núi, nhìn từ đâu cũng chỉ là một tương lai mịt mùng. Và những người đàn ông thì đều đã mất đã xa. Khoa bây giờ cũng đã đứng ở chỗ đứng của Đạo. Một chỗ đứng tôi không nhìn thấy nữa.


  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương kết
    Con đường xa lạ, thêm một chuyến đi về nữa, đã trở thành một con đường quen thuộc. Gặp lại những chân đèo, những khúc quanh, những dốc phà. Gặp lại những dấu chân trên bãi cát, miền biển xanh mênh mông, màu nắng vàng chói lọi. Thêm nhiều tuần trôi quạ Pleiku trong khoảng thời gian này, có một vài chuyện lạ. Như Mỹ Dung là một khách hàng mới của quán Nhớ. Nếu quán Nhớ đổi chủ, Mỹ Dung sẽ là bà chủ mới. Chúng tôi mới đề cập sơ sơ tới vấn đề này. Cũng chưa đi tới một quyết định, một thỏa thuận nào. "Nếu muốn nhường quán cho người khác thì đừng nhường cho ai, nhường cho tôi". Mỹ Dung nói. "Rất có thể. Để tôi coi". Tôi trả lời. Thấy tôi giao thiệp Mỹ Dung, mọi người càng xa lánh. Tôi cũng mặc. Tất cả, bỗng nhiên không còn gì quan trọng, Tôi hỏi Mỹ Dung: "Bộ chị muốn ở đây mãi mãi?". Người đàn bà: "Tôi không còn biết đi tới đâu nữa, già rồi, mệt rồi. Đất này được cái yên tĩnh. Nó hợp với những người ở tuổi tôi, chứ lại không hợp với Ngọc đâu". Một người sống quẫy động như Mỹ Dung bỗng muốn tìm kiếm cho đời mình cái phẳng lặng của mặt nước Biển Hồ. Đó là một chuyện lạ.

    Chuyện lạ thứ hai: cuộc hôn nhân giữa Khoa và Hồng Hạnh đã được sửa soạn. Chưa ai nhìn thấy họ cặp đôi với nhau nhưng tin đồn đã lan rộng. Cuối cùng những người con gái nhà lành liên kết thành một mặt trận đã đánh thắng đứa con gái tỉnh nhỏ sống theo sức xô đẩy của tâm hồn. Chắc Hồng Hạnh đang kiêu hãnh lắm, hả hê sung sướng lắm. Thư cũng vậy. Họ đã đinh ninh mất Khoa về tay tôi. Bây giờ họ mừng rỡ vì đã cướp lại được Khoa, giữ đựơc Khoa ở lại với cái phía bên này, đẩy tôi sang cái phía đối diện. Tôi nghe tin, vừa vui vừa buồn. Đời sống Pleiku lại hiện hình trong mấy lời hát.

    Nơi đây, những chân người đi dăm bảy bước lại trở về chốn cũ, nhưng nơi đây cũng là những phố thấp chạy xuống một thung lũng, những phố cao mở lên một ngọn đồi, đường với đường thật gần nhưng đường với đường chia lìa không đoàn tụ. Cuối cùng là những trận mưa buổi chiều và Pleiku là một niềm bâng khuâng phảng phất trong tâm hồn như một lớp mù sương.

    Khoa không đến quán Nhớ nhưng có nhờ Vận chuyển cho tôi một lá thư ngắn. Nói muốn gặp một lần cuối cùng. Cuối cùng. Tôi ghét nhất cái danh từ này. Cuối cùng. Cuối cùng. Người ta còn nói được gì với nhau khi sự tan vỡ đã hoàn toàn không thể hàn gắn. Tôi bằng lòng gặp Khoa. Một buổi trưa. Vận đến chở tôi đến chỗ hẹn. Trời không mưa. Nhưng bầu trời xám thấp. Bầu trời thấp là hình ảnh một mái tóc rũ, mái tóc phủ lên khuôn mặt Pleiku đăm đăm cặp mắt buồn phiền. Xe ra khỏi tỉnh. Vận nói bâng quơ:

    - Mọi chuyện vẫn có thể cứu vãn được.

    Tôi không nói gì. Nín thinh, nhìn núi, nhìn rừng. Không phải là cái vấn đề cứu vãn. Chỉ là Pleiku trong một khoảng khắc nào đó, đã trở thành xa lạ với tôi, và ngược lại, tôi với nơi chốn này cũng chỉ còn là một bóng hình xa lạ. Cuộc chia lìa không phải là người với người. Mà người với nơi chốn. Không bao giờ tôi quên được Pleiku, nhưng tôi sẽ bỏ đi. Tâm trạng như thế này, nhưng hành động thì ngược lại.

    Như đoán được ý tôi, Vận hỏi:

    - Bao giờ đi?

    Tôi nói trong gió tạt, dưới trời thấp, tiếng nói tan biến mau chóng và trống trải lan rộng.

    - Đi đâu?

    - Bạn bè không sắp mất Ngọc sao?

    - Có thể. Sắp.

    Vận cười:

    - Phải có tiệc tiễn biệt.

    - Nếu tôi đi sẽ là đi âm thầm không ai hay.

    Qua một đồn binh chiếc xe rời khỏi con đường lên tỉnh, rẽ xuống một con đường thấp hơn. Mặt nhựa bị tróc trên nhiều khoảng lớn. Cỏ dại tràn chiếm. Đất đồi hai bên bờ đường rắn lạnh và đỏ khé. Mặt đất như một dung nhan người đàn bà sắp về chiều chằng chịt những nếp nhăn là những cái rãnh do nước mưa nhiều mùa soi mòn. Bốn phía chung quanh Pleiku trống trải hắt hiu chạy dài tới những chân núi. Những ngọn cỏ, những cánh đồi, những giải mây này rồi sẽ xa lắm, trong một đám ký ức mịt mùng, tôi bâng khuâng nghĩ thầm. Một chuyến đi nào đó, đã ở trong tôi.

    Vận đang ngồi bên cạnh, rồi Vận cũng sẽ chỉ còn là một bóng núi quá khứ.

    Con đường càng khó đi hơn. Chiếc xe hục hặc vật vã. Rồi chiếc xe chao đi, lao xuống. Con đường thấy hẳn và lượn vòng theo một sườn đồi dựng thành. Đã tới Biển Hồ. Biển Hồ ở phía bên kia một ngọn đồi. Vận ngừng xe lại giữa khoảng đất trống. Vận chỉ tay lên ngọn đồi, um tùm:

    - Nó ở trên đó.

    Tôi nắm tay Vận:

    - Lên với tôi chứ.

    - Không. Có thêm thằng này vô, hai người nói gì với nhau được.

    Cũng đúng. Khoa muốn gặp riêng tôi. Trong một cuộc gặp gỡ không thể có người thứ ba. Bởi vậy mà Khoa không tới quán Nhớ và đã phải cất công lên chờ tôi ở Biển Hồ. Trong một khoảng khắc tôi nhận thức được tất cả tầm quan trọng của lần họp mặt này. Hỏi Vận:

    - Anh chờ ở đây sao?

    - Tôi trở về chơi với mấy thằng bạn ở đồn binh. Một tiếng đồng hồ có xong không?

    Xong là xong cái gì? Xong cho tôi hay xong cho Khoa? Tôi cười buồn:

    - Làm sao tôi biết được?

    Vận nhìn đồng hồ tay:

    - Thôi, cứ cho là một tiếng đi, rồi tôi sẽ lại đón.

    Chiếc xe nổ máy, Vận ôn tồn:

    - Khoa không muốn chấm dứt đâu. Ngọc hiểu như thế không?

    - Tôi hiểu.

    - Tụi này không muốn mất Ngọc.

    Tôi chớp mắt, cảm động. Sự cảm động của tôi rất thành thật. Có những người bạn chung thủy như Vận, cuộc sống buốt lạnh có ấm áp được phần nào. Có những tấm lòng thắm thiết, không đổi thay như Vận, những mùa mưa Pleiku sẽ đỡ sầu thảm, những cơn gió Pleiku sẽ đỡ buốt lạnh. Và không chừng vì cái không khí bằng hữu ấm áp vây bọc, tôi sẽ ở lại với Pleiku, mãi mãi. Thành ra cuối cùng, chỉ có tình bạn là toàn vẹn, tốt đẹp. Không bao giờ nó khiến ta phải đau đớn. Nó có thể đem lại sự buồn bã, nhưng một buồn bã dịu dàng không bao giờ là một vết thương đau đớn. Nếu Khoa cũng chỉ như Vận. Trong giới hạn, trong vị trí một người bạn? Bây giờ tôi mới cảm thấy ân hận, đã để Khoa đi xa hơn. Và vì đã quá đi xa, Khoa mới ngồi chờ tôi ở trên kia. Tôi đi lên với Khoa trên một lối đi nhỏ ẩn ẩn hiện hiện giữa hai bờ cỏ rậm. Một cặp tình nhân từ phía trên đi xuống. Tưởng không gặp ai, họvừa đi vừa ôm nhau thật chặt. Người con gái úp mặt vào vai anh con trai. Tôi phải đằng hắng họ mới giật mình buông nhau ra. Anh con trai đeo trên vai một cái máy chụp hình. Chắc nhiều tấm hình đã được chụp giữa thắng cảnh thơ mộng. Khoa cũng đã chụp cho tôi rất nhiều hình ở Biển Hồ. Đủ kiểu. Tôi tựa vào gốc cây, nhìn lên trời cao, nhìn xuống hồ thấp. Tôi đứng dưới chân tượng Phật bà, với những giải mây của nền trời mùa thu sau lưng. Những tấm hình kỷ niệm. Pleiku cuối cùng chỉ là một kỷ niệm. Một ngày không xa lắm, những tấm hình tôi do Khoa cất giữ trang trọng sẽ bị đốt cháy. Vì Khoa đã có những tấm mới, những tấm hình Hồng Hạnh.

    Khoa ngồi trên một hòn đá, quay lưng lại. Mặt hồ xanh biếc, phẳng tắp như một tấm gương. Tôi đến đứng sau lưng Khoa. Chợt nhớ lại phút chia tay với Đạo ở bến xe Quy Nhơn. Thêm một lần chia tay nữa. Sống chỉ là một chia tay như thế này sao? Nơi chốn nào là nơi chốn xum họp?

    Tôi cất tiếng trước:

    - Anh Khoa chờ em lâu chưa?

    Khoa giật mình quay lại và vội vã đứng lên.

    - Vận đưa em tới?

    - Vâng.

    - Vận đâu?

    - Đi rồi. Hẹn một giờ sau sẽ quay lại.

    Hai chúng tôi nhìn nhau. Cả hai cùng thấy nhau tiều tụy. Nhưng tôi vẫn đẹp, vẫn diễm ảo, vẫn duy nhất trước mắt Khoa. Cái nhìn bàng hoàng của Khoa cho tôi biết như thế. Những tấm hình có thể sẽ bị đốt, nhưng tôi, trong trí nhớ Khoa, sẽ hơn những tấm hình. Khoa sẽ cất tôi vào một xó góc nào đó trong tâm hồn chàng. Thành một nỗi nhớ một niềm đau quen thuộc, dịu dàng, mãi mãi. Tôi cũng như vậy, dù ở bất cứ nơi nào.

    - Chúng mình ngồi xuống đây nhé.

    - Vâng.

    Phiến đá là chỗ ngồi cũ. Ở đây, chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh Biển Hồ. Tầm mắt ném đi, lướt trên mặt hồ, tới tận bờ hồ bên kia. Biển Hồ nhìn từ cao, lọt thỏm giữa một vùng mênh mông đậm đặc. Một cái giếng lộ thiên. Do thiên nhiên đào ra. Những tình yêu đã mang nhau tới đây. Nghiêng mình và tự soi ngắm. Lòng giếng sâu thẳm như nền trời. Tình yêu không bao giờ hiện rõ khuôn mặt.

    - Nghe nói em đau?

    Tôi nói cho Khoa khỏi thắc mắc:

    - Thường thôi, em đã khỏi. Anh vẫn mạnh?

    Câu hỏi, câu trả lời bỗng trở nên kiểu cách. Người ta thường kiểu cách với nhau như thế, khi sự tan vỡ đã có. Tôi muốn chảy nước mắt.

    - Anh muốn gặp em?

    Khoa gật, châm thuốc lá. Khoa là của những tiếng cười, cái nhìn tươi sáng, nét mặt rạng rỡ. Sự buồn bã làm Khoa vụng về, lúng túng. Khoa không còn là Khoa nữa, dù trên chỗ ngồi cũ và Biển Hồ vẫn bình yên, vẫn xanh biếc trước mặt.

    Lúc này là buổi chiều. Lúc đẹp nhất, thơ mộng nhất của Biển hồ. Chiều thả xuống, chiều dăng lưới, giam nhốt tâm hồn và thần trí vào cái khối sầu mênh mông bát ngát của chiều. Chiều dâng lên, linh hồn chiều là cái đáy hồ thăm thẳm, chiều lên gặp trời, sự gặp gỡ vô hình biến thành một ngưng đọng, rưng rưng giữa lưng chừng không gian. Sự vật vang ngân, không cùng trong thứ tiếng nói huyền dịu của im lặng. Trong tôi, bỗng nhiên là một lo lắng không đâu. Tạo vật lớn lao khiến con người giữa nó chỉ còn là một cây kim bé nhỏ. Tôi sống một cảm giác rợn ngập. Chúng tôi chưa biết hỏi tiếp câu chuyện với nhau như thế nào. Phút chia tay đắm chìm trong xúc động. Chia tay nào cũng vậy, ở một sân ga, một bóng tầu, hay trên ngọn đồi nhìn xuống một mặt hồ.

    Nhưng trên một cảm thấy nào đó, phút chia tay cũng phơi bầy một vẻ nhạt nhẽo và gắng gượng không dám thú nhận. Người ta không còn gì để nói với nhau. Trên một tình yêu đã chết.

    - Ông bà chụp một tấm hình.

    Tiếng nói của người thợ chụp hình ném tới sau lưng chúng tôi. Khoa cau mày quay lại. Người thợ chụp hình còn trẻ tuổi, đã đưa cao cái máy lên trước tầm mắt.

    Khoa quát lớn:

    - Không.

    Người thợ chụp hình không chịu bỏ đi. Y nài:

    - Hình mầu. Lấy ngay. Bốn trăm một tấm.

    Khoa đứng vùng lên:

    - Tôi bảo không. Anh có đi ngay không?

    Người thợ chụp hình buông máy, nghiêm mặt:

    - Đi thì đi. Ông làm gì mà nóng quá thế.

    Khoa hậm hực ngồi xuống. Chưa bao giờ tôi thấy Khoa có một thái độ khó chịu như vậy. Tươi cười bình tĩnh, khả ái với tất cả mọi người, thân hay sơ, đó là Khoa. Tình yêu làm Khoa đổi khác. Vui hơn, sung sướng hơn, dễ thương hơn. Sự thất vọng cũng làm khoa đổi khác. Như tôi đang thấy. Trên một chiều hướng ngược lại. Chỉ mấy ngày không gặp nhau, có như là Khoa đã già đi hơn mười tuổi. Người thợ chụp hình bỏ đi. Ngoài hai chúng tôi, trên đồi không còn ai. Tôi chợt nhớ lại lần đi chơi đầu với Khoa mà nơi hẹn hò là Biển Hồ. Cũng một buổi chiều như buổi chiều này. Anh thợ chụp hình chừng như cũng vẫn là anh thợ chụp hình của buổi chìêu cũ. Hôm đó lần đầu tiên Khoa dám nắm lấy tay tôi lúc dắt tôi từ chân đồi đi lên. Sự hồi hộp mới mẻ còn làm Khoa lúng túng trong từng cử chỉ nhỏ nhặt. Chúng tôi đi quanh quẩn chân tháp, nhìn lên tượng Phật. Khoa mất tự nhiên vì chung quanh hai đứa còn rất đông người đến thăm viếng danh lam thắng cảnh. Có cả một bầy nữ sinh nhỏ tuổi nữa. Khoa không nói được gì nhiều. Nhưng tình yêu chân thành tỏ lộ trong cái nhìn, trong im lặng. Rồi chúng tôi tìm được một phiến đá ở chỗ khuất lánh nhất. Chúng tôi đã ngồi xuống phiến đá ấy, cùng ngó xuống hồ, dưới trời chiều mênh mông. Lúc về tới thị xã, Pleiku đã lên đèn. Trời lạnh, mưa phùn bắt đầu, thả giọt. Những mặt đường ướt át. Khoa đưa tôi về tới quán. Vào nhà.

    Huyền hỏi:

    - Đi đâu về vậy?

    - Biển Hồ.

    - Chỉ có hai người?

    Tôi trừng mắt với con nhỏ:

    - Bộ mày cho ta đi chơi với một mình anh Khoa không đủ sao?

    Nó nhún vai.

    Thêm một buổi chiều nữa, tự buổi chiều hôm đó. Trận mưa phùn của buổi chiều nào mở ra một chân trời. Tới chiều nay, cái chân trời ấy đã khép kín. Khoa bứt những cọng cỏ vò nát chúng trong lòng tay.

    - Mấy hôm nay quán ra sao?

    Tôi đáp, vắn tắt:

    - Vắng.

    - Sao vậy?

    Khoa đã hiểu tại sao. Nhưng cứ hỏi. Tôi đáp:

    - Anh không đến nữa, mọi người cũng bắt chước anh, không đến luôn.

    - Mọi người là những ai?

    - Tất cả.

    Khoa nói, như xin lỗi:

    - Mấy hôm nay, anh bận quá.

    Tôi nhìn những thân cỏ bị vò nát dưới chân chúng tôi. Nói gì được với nhau nữa. Những thân cỏ đã bị vò nát. Và lát nữa, về tới thị xã, sẽ lại có trận mưa phùn buồn rầu thả giọt.

    - Anh gặp em có chuyện gì?

    - Anh muốn nói với em một vài điều. Trước nhất là dù thế nào, anh cũng không thay đổi.

    Khoa nói vậy, nhưng Khoa đã thay đổi. Tôi biết vậy. Chính Khoa cũng biết rõ ràng như vậy. Trong một khoảnh khắc, bỗng nhiên tôi muốn có một cố gắng. Đó là hai chúng tôi cùng cố gắng lãng quên, bỏ qua, tất cả mọi chuỵên đã xảy ra.

    Chuyến đi Quy Nhơn, hai lần đến tìm Đạo ở khách sạn, tất cả những chuyện này chúng tôi đều không nghĩ tới chúng nữa, và chúng tôi sẽ bắt đầu lại với nhau, tất cả từ đầu. Nhưng tôi biết sự thật sẽ chẳng bao giờ là như thế. Hình ảnh Đạo mãi mãi rồi sẽ ở giữa chúng tôi, và sự ám ảnh đó mãi mãi rồi sẽ làm cho chúng tôi đau đớn.

    - Em không đựơc như anh đâu.

    Khoa bàng hoàng:

    - Thế là thế nào?

    - Em lúc thế này lúc thế nọ. Em chẳng còn là đứa con gái anh nhìn thấy. Anh đã nhìn lầm,thấy lầm về em, từ đầu.

    - Em chỉ cần hứa với anh. . .

    Tôi nắm lấy tay Khoa, không để cho chàng nói tiếp nữa:

    - Không phải thế. Một lời hứa chẳng có nghĩa lý gì hết. Anh nên sống khác đi. Anh đừng nên đến quán Nhớ làm gì nữa. Thời giờ của anh bây giờ là để dành riêng cho một người. Người đó không thể là em.

    Khoa bực bội:

    - Không có người nào hết.

    - Vậy mà em lại nghe nói anh sắp lấy Hồng Hạnh.

    Khoa ngập ngừng:

    - Gia đình anh muốn thế. Anh không muốn thế.

    Một phút im lặng. Trong tôi, hình ảnh một đám cưới hiện ra, một đám cưới tỉnh nhỏ với bầu không khí và những màu sắc vừa quê mùa vừa cảm động của nó. Một người con gái đang bước dần từng bước tới ngày vui lớn nhất của đời mình. Người con gái đó là Hồng Hạnh. Ngồi trong quầy hàng, với tơ lụa óng ả vây quanh. Hồng Hạnh đang đếm từng ngày, đang mong từng buổi. Cái nhìn bâng khuâng, trái tim đập mạnh, nhìn ra con phố thân quen trước mặt, trong một cảnh trí đã có, không đổi thay, từ những tháng ngày nhỏ dại, Hồng Hạnh chắc đang sống trước, từ bây giờ với cái ngày nàng bước lên một chiếc xe hoa về nhà chồng. Tất cả đều chưa tới, nhưng tất cả đã được xếp đặt, trong tưởng tượng. Tiệm hàng được làm đẹp bằng những lớp vôi mới trên những vì tường. Những tấm thịêp hồng được gởi đi. Bà con thân thuộc ở các tỉnh xa nhận được tin vui đều lục tục kéo về. Rồi đám cưới với những bữa tiệc hân hoan kéo dài trong những lời chúc tụng bay bướm. Một đám cưới. Một chiếc nhẫn. Một tờ hôn thú. Chẳng bao giờ tôi có được cho tôi những cái thứ đó. Những cái đó đang tới dần, chậm chạp nhưng chắc chắn với Hồng Hạnh. Và tôi là người con gái tỉnh nhỏ duy nhất đứng trên một bờ đường, nhìn những đám cưới của những người con gái khác đi qua.

    Khoa hỏi, làm bộ thản nhiên:

    - Em có gặp Hồng Hạnh?

    - Nhìn thấy nhau thôi. Trong mấy lần em đi qua tiệm tơ lụa.

    Tôi bật cười, nhớ lại nét mặt thù nghịch của đứa bạn gái cùng trường:

    - Ngày xưa ngồi chung một bàn đấy nhé. Bây giờ không chào hỏi nhau nữa.

    Tôi cười lớn hơn:

    - Tại anh đó.

    Khoa thở dài:

    - Mọi chuyện đều tại em gây ra thì đúng hơn. Anh vẫn đinh ninh điều anh mong ước sẽ tới, không thể không tới. Bây giờ anh không còn biết nói với gia đình như thế nào.

    Khoa nhắc lại câu chàng đã nói:

    - Nhưng lấy Hồng Hạnh thì không bao giờ có chuyện đó.

    - Tại sao?

    - Vì em còn ở đây, thế nào rồi chúng mình cũng sẽ gặp nhau.

    Chúng tôi vẫn phải gặp nhau thật. Pleiku nhỏ quá, chỉ dăm bảy phố cao, chỉ một vài phố thấp. Những người không muốn nhìn thấy mặt nhau, bởi càng muốn lãng quên, mãi mãi rồi vẫn phải đụng đầu nhau trên một vài ngả đường nhất định. Như thế, nếu cứ sống chung với nhau một bầu trời, một khí hậu Pleiku, người ta còn có chung với nhau, vĩnh viễn một cảnh tượng hàng ngày. Chung một đám bè bạn. chung. Những buổi nắng. Những chiều mưa. Chung. Những lời hát kia trong bài hát ấy. Đi dăm bước đã về chốn cũ, một buổi chiều mưa, lòng bỗng bâng khuâng. Chung. Ngọn núi phía Khôngntum, nhìn thấy từ xa, in hình lên nền trời.

    Chung, những ngọn đồi những thung lũng gần vây bọc, ở đó, người ta bắt buộc phải nghĩ tới nhau từng buổi sáng thức dậy, và bởi vậy mà chuyện cũ và kỷ niệm sẽ chẳng bao giờ nhận chìm được hoàn toàn, vào lãng quên. Tôi hiểu được nỗi khổ tâm của Khoa. Đồng thời cũng nhìn thấy cho hai chúng tôi một cách thức giải quyết duy nhất.

    Nửa giờ sau, tôi đứng lên. Chiều muộn. Trời cao thả xuống Biển Hồ thêm nhiều lượng bóng tối nữa. Mặt nước im lạnh, thăm thẳm ghê rợn. Khoa lặng lẽ đi theo tôi xuống bãi đất trống, nơi Vận đã trở lại. Chiếc xe Jeep rời khỏi vùng địa hình diễm lệ của Biển Hồ cùng một lúc với một trận mưa phùn bắt đầu bay nghiêng trên một Pleiku hoàng hôn. Rồi là đường về thị xã, với đồn binh ở một đầu khúc quanh, những hàng rào giây thép gai cắt những sườn đồi thành nhiều khúc và những hạt nước ly ty làm mờ khung kính. Không ai nói với ai một lời nào. Sự im lặng của Khoa hàm chứa một ý nghĩa rõ rệt. Khoa không đổi thay. Khoa vẫn chờ đợi. Biển Hồ còn đó nguyên vẹn, phố thấp là phố láng giềng, phố cao là phố hàng xóm. Khoa còn hy vọng và Khoa nhẫn nhục chờ đợi. Hồng Hạnh để đó, đám cưới xẩy ra. Khoa tựa lưng vào đồng minh cuối cùng là thời gian. Cho sóng gió qua đi. Cho dư luận lắng dần. Để tôi nghĩ lại.

    Tôi đã nghĩ. Nhiều buổi chiều. Nhiều đêm dài. Gặp Khoa ở Biển hồ là một ngày đầu tuần. Cuối tuần, tôi đi cùng với Chấn và Huyền xuống Quy Nhơn. Bà chủ khách sạn nán lại chờ tôi, chưa vào Sài gòn, khách sạn cũng chưa nhường lại cho người khác. Chấn giới thiệu Huyền với mẹ. Gặp lại tôi, thấy lại con, bà chủ khách sạn mừng rỡ, đón hai chị em vào nhà. Hai chị em được mời lên nghỉ trưa ở căn phòng sang trọng nhất. Tôi nhìn thấy sự sung sướng của Huyền, một sự sung sướng nó muốn che dấu nhưng tràn đầy trong từng cử chỉ nhỏ nhặt. Buổi chiều, Chấn đưa Huyền ra bãi biển. Tôi ở lại khách sạn, nói chuyện với bà chủ nhà. Trong khi hai chị em nghỉ trưa trên lầu, chàng trẻ tuổi chắc đã bày tỏ tình yêu đầu với mẹ. Bà chủ khách sạn hỏi thăm về gia đình tôi. Tôi trả lời hết mọi câu hỏi của người đàn bà về gia cảnh mình. Hai chị em mồ côi từ thuở nhỏ, họ hàng thân thích đều thất lạc ở xa. Bà chủ khách sạn nói như thế thì mọi chuyện đều dễ dàng, cuộc tình của Chấn và Huyền bà không phản đối, hôn lễ càng tổ chức sớm được ngày nào càng tốt chừng nấy, bà nói điều quan trọng là hai đứa nó yêu nhau và thành thực muốn trở thành vợ chồng.

    Thế là xong, là yên cho đời Huyền. Nghĩ cũng lạ lùng. Chuyện thật bất ngờ. Ở quán Nhớ, mỗi buổi sáng còn nằm trên giường, tôi đã nghe thấy cái tiếng chân của Huyền. Tiếng chân nặng, tất tưởi, vất vả. Cái dáng đi của em gái tôi cũng vậy. Chẳng khoan thai, không ung dung đài các chút nào. Cái tướng nó như thế. Nghĩ nó phải khổ hơn tôi mới đúng.

    Cuộc sống đã chứng minh ngược lại.

    Đời sống tôi muốn nói là tuổi trẻ. Tuổi trẻ tôi muốn nói là thứ tuổi trẻ vững mạnh sáng láng của những người như Chấn như Huyền. Không phải là thứ tuổi trẻ đau xanh bệnh của tôi, của Thập, của Nhạc. Những giọt cà phê thả xuống một lòng ly mờ khói, tiếng nhạc thảm lẫn trong tiếng mưa thầm, những ánh đèn vàng vọt, thoi thóp của quán Nhớ, suốt bấy lâu đã nhận chìm chúng tôi vào một vũng lầy không ra thoát. Bây giờ, tôi mừng vì bãi biển Quy Nhơn đang lòa nắng, trời Quy Nhơn đang xanh biếc, và Huyền đang đi dạo với người yêu của nó, trên một bãi cát cũng quang đãng, cũng xa rộng như đời sống của chúng nó sau này. Hai chị em sắp xa nhau rồi đấy. Nhưng mà có những xa cách cần thiết phải chấp nhận. Cho mọi người cùng sống. Tôi xa Khoa, cũng trên tinh thần này. Rồi Khoa sẽ hiểu. Không phải bây giờ. Tất nhiên. Nhưng sau này khi tôi đã bỏ đi. Khoa sẽ hiểu.

    Vấn đề nhường lại khách sạn không đặt ra nữa. Quán Nhớ đóng cửa, Huyền sẽ về sống ở Quy Nhơn. Mỗi tuần nó sẽ vượt đèo An Khê lên Pleiku thăm chồng. Cho tới khi Chấn được đổi về gần nhà hay được giải ngũ. Tôi tưởng phải ở lại Quy Nhơn lâu hơn. Không ngờ mọi chuyện được giải quyết êm đẹp, mau chóng.

    Tôi nói với bà chủ khách sạn:

    - Sáng mai, tôi phải về.

    Bà chủ khách sạn kêu lớn:

    - Ủa, bà chủ không ở lại đây sao?

    - Thưa không, tôi phải về.

    - Em Chấn được nghỉ phép ba ngày. Thứ tư cháu mới phải về đơn vị.

    - Tôi biết. Tôi về một mình.

    - Bà để Huyền ở lại đây với chúng tôi. Tôi muốn coi cô ấy như con cái chúng tôi, kể từ giờ phút này, nếu bà không thấy gì bất tiện.

    Tôi để Huyền ở lại. Nó ở đâu cũng vẫn hơn là ở giữa bầu không khí quạnh quẽ và phiền muộn của quán Nhớ. Buổi chiều. Nắng đã nhạt trước hè đường khách sạn. Huyền và Chấn còn ở ngoài bãi, chưa về. Tôi ra khỏi nhà hàng. Quy Nhơn không đổi khác, với những cây lao xao nắng gió và những hồi chuông kéo dài theo những bánh xe lăn. Một chiếc cyclo chở tôi tới nhà Luận. Người đạo sĩ râu tóc vẫn ngồi ở chỗ cũ, trong ngôi nhà cổ tịch lặng không một tiếng động, giữa những cuốn sách xếp chồng. Da mặt Luận rám nắng. Nói mới đi biển về, sau mấy ngày ở đảo. Luận hơi ngạc nhiên thấy tôi trở lại Quy Nhơn và trở lại một mình. Nhưng giữ ý. Luận không đá động gì đến Đạo. Luận mời tôi ngồi chơi, vẫn một chồng sách làm ghế, kể cho tôi về mấy ngày ở đảo. Đêm, theo đám dân chài đi đánh cá, trên một mặt biển sáng ngời lân tinh. Ngày, ngủ đầy giấc trên một chòi canh, giữa những bóng dừa lả ngọn. Cuộc sống của Luận thế mà sướng. Một cô độc thoát tục. Ở ngoài mọi hệ lụy. Ngăn cách với đời bằng một rừng sách trong đó là cuộc viễn du êm đềm của trí tuệ qua những ngày tháng nhẹ thênh. Tôi nghe, cười

    - Nếu tôi được là đàn ông như anh.

    Luận cười theo:

    - Hận vì mình là đàn bà phải không? Vấn đề không phải là đàn ông hay đàn bà. Chỉ là mình biết mình muốn gì và sống theo như thế.

    Một giờ sau, tôi cáo từ ra về. Luận đưa tiễn tôi ra cổng. Lúc đó, Luận mới hỏi:

    - Đạo đâu?

    Tôi nhìn đi chỗ khác.

    - Tôi không gặp. Từ lần trước gặp anh.

    Luận nhìn tôi đăm đăm:

    - Đạo ở đây với tôi thêm hai ngày nữa rồi trở về Sàigòn. Lúc đi, chỉ nói thế, không cho tôi biết địa chỉ. Ngọc biết chứ?

    Tôi lắc đầu:

    - Không, anh ạ. Đạo không nói, tôi cũng không hỏi.

    - Tôi vừa nói với Ngọc vấn đề là mình biết mình muốn gì. Một con đường có trăm phương nghìn ngả. Nhưng đi mãi, rồi ta vẫn tìm kiếm thấy. Ngọc hiểu tôi muốn nói gì chứ?

    - Vâng. Tôi hiểu.

    Luận đứng nhìn theo tôi một quãng xa rồi mới lững thững quay vào. Về tới khách sạn, Huyền và Chấn cũng vừa từ bãi biển trở về. Bữa cơm ăn ở phòng trong, thân mật ấm cúng. Thật khuya hai chị em mới lên phòng. Chúng tôi nói chuỵên với nhau tới khuya. Tôi dỗ Huyền ở lại thêm mấy ngày nữa, nói thế nào tôi cũng xuống đón. Huyền khóc:

    - Chị Ngọc đánh lừa em.

    Tôi ôm lấy con nhỏ:

    - Chị đánh lừa em hay không cũng chẳng quan trọng gì. Đời sống của em bây giờ là với Chấn ở đây. Đừng nghĩ đến quán Nhớ của chúng mình nữa. Quán Nhớ không còn nữa.

    Sáng hôm sau, Huyền đưa tôi ra xe. Huyền và Chấn nắm tay nhau nhìn tôi đi. Khi tới lưng đèo An Khê, tôi đã quyết định xong. Pleiku chỉ còn thấy tôi, thêm một ngày nữa.

    Lá thư viết cho Khoa khá dài. Tôi viết được nó dễ dàng, trong tiếng mưa thả đều trên mái. Ngồi với Khoa cả tiếng đồng hồ ở Biển hồ, tôi không nói được gì. Vĩnh biệt đẹp nhất cuối cùng vẫn bằng một lá thư. Lá thư được viết trong đêm. Một mình dưới ánh đèn. Trong thư tôi nói tôi phải bỏ đi, tôi đã nghĩ kỹ từ sau buổi chiều chia tay ở Biển hồ, sự bỏ đi nếu không là một giải đáp tốt đẹp cho người lên đường, ít nhất cũng là một giải quyết êm thắm cho những người ở lại. Êm thắm cho Khoa, cho Thư, cho Hồng Hạnh. Pleiku phải là Pleiku, mãi mãi. Như những hình ảnh trong bài hát ấy. Người ta đi trên những con phố tình thân, đi dăm bước đã trở về chốn cũ. Người ta gặp ở đây những người con gái má đỏ môi hồng, sống phẳng lặng dưới một vòm trời quen thuộc. Tôi đã ở ngoài. Bước chân đi hoang của tôi đã đi trên những con đường khác, và khi người ta cảm thấy mình đã thay đổi thực sự, người ta không còn lý do gì sống nữa với một nơi chốn ngưng đọng không bao giờ đổi thay.

    Tôi không nói với Khoa tôi đi đâu. Chỉ nói KHoa đừng kiếm tìm vô ích. Tôi chúc Khoa ở lại sung sướng, may mắn. Cuối thư, tôi nhờ Khoa chuyển dùm lời chào từ biệt đến tất cả những bạn hữu đã từng lui tới quán Nhớ. Tôi nói không chừng một ngày tôi sẽ trở về thăm Pleiku, nhưng ngày ấy chắc còn xa lắm, và khi đó tôi hy vọng bạn bè không còn nhìn tôi bằng những cặp mắt lạnh nhạt như bây giờ nữa.

    Lá thư viết ban đêm, sau khi đã thu xếp xong một vài chuyện bắt buộc phải thanh toán trước bất cứ một chuyến đi xa nào.

    Ở Quy Nhơn về, tôi đến ngay nhà Mỹ Dung.

    Người đàn bà vẫn tiếp tôi trong căn phòng ngủ diễm lệ của nàng. Tôi vào thẳng vấn đề. Và vấn đề được giải quyết dễ dàng mau chóng.

    - Đồng ý là sang lại quán Nhớ cho tôi. Nhưng sao sang gấp thế.

    - Hôm nay là ngày cuối cùng của tôi ở Pleiku.

    Mỹ Dung cười:

    - Bỏ Pleiku đi tới chân trời góc biển nào?

    Tôi nói đùa theo:

    - Vì là chân trời góc biển nên chưa biết là chân trời góc biển nào.

    - Tôi phải trả cho Ngọc bao nhiêu đây?

    Quán Nhớ với những bàn ghế để lại đáng giá hơn một triệu. Ít nhất là như thế. Tôi chỉ đòi tám trăm ngàn.

    - Sao rẻ thế? Bộ vừa sang vừa cho sao?

    - Quán đang vắng khách. Chị lấy cho là may rồi. Cũng chẳng rẻ lắm đâu.

    - Bây giờ thì tôi chưa đủ tiền. Sáng mai tôi đưa tới quán được không?

    - Trước giờ tôi ra máy bay là được.

    Mỹ Dung đưa chân tôi xuống đường, như lần trước. Nàng không hỏi tôi một câu nào về Đạo. Thành ra người duy nhất tôn trọng đời sống riêng tư của tôi cuối cùng lại là Mỹ Dung. Nghĩ cũng dễ hiểu. Nàng đã là nạn nhân của dư luận. Nàng đã đứng ở phía đối nghịch với dư luận. Tôi trở về quán Nhớ sau đó. Để lại tất cả cho Mỹ Dung, tôi chỉ mang theo quần áo, và những đồ dùng cần thiết, tất cả xếp vừa hai cái valy. Tôi làm cái công việc dọn dẹp, cố gắng thản nhiên bình tĩnh, cố gắng nhận chìm mọi xúc động lưu luyến với một nơi chốn thân yêu sắp rời bỏ. Nhưng lúc gỡ khỏi tường bức chân dung mình do Dã Thụy vẽ trước khi tạ thế, tôi không cầm được nước mắt. Bức họa vẽ chưa xong, cái dở dang lưng chừng là hình ảnh cuộc đời và tuổi trẻ chúng tôi sớm nở nên cũng sớm tàn, giữa một nắng mưa thù nghịch.

    Không hiểu bằng cách nào, tôi đã mở được máy nghe nhạc. Một giọng hát quen, một bài hát cũ, Tà áo văn quân của Phạm Duy Nhượng:

    .. . Một chàng phiêu lãng

    Ôm đàn tới giữa đời

    Mộng chưa tàn khúc. . .

    Câu hát tự nhiên làm tôi thổn thức. Ôm đàn tới giữa đời: một khúc hát phù du, khoảnh khắc. Rồi thôi. Thật đúng với hình ảnh của Đạo, cuộc đời của Dã Thụy. Đúng cả với tình yêu của tôi.

    Buổi sáng cuối cùng. Đây, buổi sáng lên đường. Ban mai của Pleiku vẫn vậy: nhợt nhạt và run rẩy lạnh. Chín giờ, Mỹ Dung tới. Trao tiền cho tôi xong, Mỹ Dung hỏi:

    - Xong chưa?

    Tôi chỉ hai chiếc va ly:

    - Đã. Tôi đang chờ chị tới rồi đi.

    - Ai đưa Ngọc ra phi trường?

    - Tôi đưa tôi đi.

    Mỹ Dung xua tay:

    - Không được. Để tôi đưa đi.

    Tôi đưa lá thư viết gửi Khoa cho người đàn bà:

    - Nhờ chị một việc. Chị chuyển dùm thư này cho Khoa.

    Mỹ Dung đón lấy chiếc phong bì:

    - Thư từ biệt? Sao không gặp?

    - Tôi nghĩ như thế là hơn.

    Tôi ra khỏi quán Nhớ. Cửa quán khóa lại. Chìa khóa giao cho Mỹ Dung. Tiếng khóa bập mạnh. Tiếng động khô khan, tàn nhẫn. Rồi đường ra phi trường. Phố thấp, phố cao, ướt át. Những lùm cây thấp lướt thướt. Những con phố tình thân lùi dần, sau bánh xe lăn. Tới một quãng, tầm mắt đột nhiên mở rộng, màn mưa bất chợt trở thành một bối cảnh kín trùm. Tôi ngồi cạnh Mỹ Dung, người đàn bà tôn trọng sự im lặng của tôi, chúng tôi cùng không nói một lời nào, cho tới khi xe ngừng lại trước cửa vào phi trường. Buổi sáng muộn thêm. Mưa vẫn là những đường tơ trắng xóa bay nghiêng, nhưng trời trên đầu sáng dần cho những vai núi, những lưng đồi hiện ra.

    Mười giờ. Một tiếng động ầm ỹ, lúc có lúc mất, rồi một vệt dài chọc trần mây, hạ thấp, lan dần, ở đầu phi đạo. Mỹ Dung đặt tay lên vai tôi:

    - Máy bay tới rồi đó.

    Tôi nắm lấy tay Mỹ Dung, nói mà không biết nói rõ rệt với ai:

    - Cho tôi gởi lời chào tất cả.

    Mỹ Dung gật, cái nhìn thân mến âu yếm:

    - Đừng bận tâm cho những cái bỏ lại. Những cái bỏ lại không còn ý nghĩa gì hết với người lên đường. Hãy sống ngay, từ lúc bây giờ, với cái sắp gặp.

    Người đàn bà đẩy nhẹ tôi đi. Nàng cười:

    - Cho gửi lời hỏi thăm anh Đạo.

    Tôi sững người:

    - Anh Đạo?

    Mỹ Dung ung dung, vẫn nụ cười tinh quái trên môi:

    - Phải. Anh Đạo. Cho tôi gửi lời hỏi thăm, đừng quên. Thôi Ngọc đi. Chúc Ngọc may mắn.

    Mấy bay cất cánh năm phút sau đó. Trên không phận Cù Hanh, tôi nhìn xuống phía dưới. Rừng núi, đồi nương Pleiku, từng phiến xanh thẫm, từng tảng đỏ thắm như trong một họa phẩm nhiều màu của Dã Thụy, phơi bầy dưới màn mưa bay nghiêng. Máy bay đổi chiều. Dưới đất quay theo. Tôi bàng hoàng trong một khoảng khắc trước sự đảo lộn chớp mắt của phương hướng kéo theo sự đứt rời hoàn toàn với nơi chốn. Nước mắt tôi một giọt ứa ra, chảy xuống. Rồi Pleiku không nhìn thấy nữa. Những con phố tình thân đã nhạt nhòa chìm khuất dưới nền mây trùng trùng. Tôi tháo giây lưng an toàn, tựa đầu vào thành ghế, hai mắt nhìn thẳng. Mây bay chuyển hướng một lần nữa. Rồi hạ thấp. Sống trước đi với cái sắp tới. Mỹ Dung nói. Chúc Ngọc nhiều may mắn. Mỹ Dung, cám ơn chị. Cũng xin lỗi nữa, vì khi em gặp Đạo rồi chắc em sẽ quên hết, quên những con đường cao, quên những con phố thấp và những trận mưa phùn chỉ còn lại một tiếng động rì rào bỏ lại sau lưng.

    Sàigòn 1974
    Mai Thảo


Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •