Ngành nail của người Việt khốn đốn vì lệnh đóng cửa trở lại của California




Nhiều tiệm làm móng do người Việt làm chủ ở bang California đang lâm vào tình cảnh khốn đốn với sắc lệnh đóng cửa lần thứ hai vì số ca nhiễm virus corona tăng vọt trong những tuần gần đây, một người am hiểu tình hình trong ngành nói với VOA.

Tính đến ngày 13/7, California, bang đông dân nhất ở Mỹ và cũng là nơi người gốc Việt tập trung nhiều nhất, có hơn 333.000 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận và trên 7.000 ca tử vong, theo báo The Los Angeles Times.

California ghi nhận trung bình 8.211 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong tuần qua. Tuần trước, trung bình là 7,876 ca.

Thống đốc Gavin Newsom ngày 13/7 ra lệnh đóng cửa các cơ sở kinh doanh trong nhà trên toàn bang, bao gồm nhà hàng, quán bar, xưởng rượu, rạp chiếu phim, vườn thú và viện bảo tàng.

Ông cũng áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn ở 30 quận, bao gồm Los Angeles, Napa, Orange, Riverside, Sacramento, San Bernardino, San Diego và Ventura. Trong các quận này, phòng tập thể dục, nơi thờ phượng, văn phòng không thiết yếu, các dịch vụ chăm sóc cá nhân, tiệm làm móng, tiệm cắt tóc và trung tâm thương mại ngưng tất cả các hoạt động trong nhà.

Quận Los Angeles và Quận Orange ở miền nam (thường được gọi là Quận Cam) có mật độ người gốc Việt tập trung đông nhất cả nước Mỹ và cũng là thủ phủ của ngành làm móng mà người Việt chiếm đại đa số.

Ông Nguyễn Thành Tâm, người sáng lập tổ chức Nailing It for America chuyên vận động cho kỹ nghệ này, cho biết sắc lệnh đóng cửa trở lại là một cú giáng đối với nhiều tiệm nail mới chỉ mở lại cách đây ba tuần.

“Tôi có nói chuyện với chủ của một hệ thống tiệm nail ở vùng Sacramento hôm qua thì được biết anh ấy bị ảnh hưởng và tình hình rất là khó khăn. Anh ấy nói rằng, ‘Mình không phải như cái cột đèn mà muốn bật tắt mỗi lần như vậy,’” ông nói.

Ông Tâm, cũng là chủ tịch của trường dạy nghề chăm sóc sắc đẹp Advance Beauty College ở thành phố Garden Grove, cho biết tình hình kinh doanh của nhiều tiệm nail đã chậm đi thấy rõ giữa lúc số ca nhập viện vì Covid-19 tăng mạnh ở California.

Ông nói thu nhập sụt giảm không chỉ vì khách đến tiệm ít đi do những lo ngại về đợt gia tăng mới mà còn vì các tiệm phải giảm lượng khách phục vụ xuống còn 50 phần trăm để đáp ứng quy định về giãn cách xã hội, cũng như đầu tư thêm vào các dụng cụ như găng tay hay khẩu trang để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, chủ tiệm còn đối mặt với một loạt những nỗi lo khác như điiều đình về tiền thuê mặt bằng trong những tháng doanh nghiệp đóng cửa, tính toán tiền lương cho nhân viên, hay lo liệu hồ sơ xin được cấp các khoản vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, ông nói.

“Có ít nhất là ba tiệm đã liên lạc với cá nhân tôi để cho biết họ quyết định không mở lại. Tôi cũng nói chuyện với thêm hai chủ người Việt nói là nếu họ bị đóng cửa lần thứ hai từ ba tuần tới một tháng thì họ sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn,” ông Tâm chia sẻ.

Ông dẫn ra số liệu dự báo từ các chuyên gia kinh tế trong ngành tóc và ngành làm móng, bao gồm cả các nhà sản xuất mỹ phẩm lớn như L’Oréal và Revlon, cho biết số lượng doanh nghiệp đóng cử vĩnh viễn sau đợt đóng cửa phong tỏa đầu tiên từ tháng 3 có thể từ 20-40%.

Tỉ lệ này có thể còn cao hơn với đợt đóng cửa thứ hai mà hiện chưa rõ sẽ kéo dài bao lâu, ông nói thêm.

Thống đốc Newsom nói trong cuộc họp báo hôm 14/7 rằng người dân California nên nhớ rằng virus corona sẽ không biến mất cho đến khi có vắc-xin hoặc có một liệu pháp chữa trị hữu hiệu.

“Virus này sẽ không sớm biến mất,” ông nói. “Tôi hy vọng tất cả chúng ta nhận thức rằng nếu chúng ta cứ đinh ninh khi trời ấm lên thì nó sẽ biến mất hoặc bằng cách nào đó nó sẽ bớt lây lan trong những tháng mùa hè hoặc cuối tuần, chuyện đó đã không xảy ra.”

Theo sắc lệnh vừa ra, các hạn chế mới sẽ có hiệu lực cho đến khi viên chức y tế công của bang, bác sĩ Sonia Angell, xác định thời điểm thích hợp để đảo ngược tiến trình, theo báo The Los Angeles Times.

“Những quyết định mà chúng ta đưa ra hôm nay sẽ quyết định COVID-19 tác động đến cộng đồng và gia đình của chúng ta vào ngày mai ra sao,” Bác sĩ Angell được dẫn lời.

VOA