Trung Quốc: 4 dị tượng xuất hiện vào tháng 8 cảnh báo sắp xảy ra nạn đói lớn?





Ảnh ghép minh hoạ.

Từ khi bước vào năm Canh Tý 2020, Trung Quốc xảy ra thảm họa ở khắp mọi nơi và dừng như mọi thứ vẫn chưa dừng lại. Theo sau dịch bệnh, nạn châu chấu, hạn hán và lũ lụt thì chính là hậu quả khủng khiếp mà ai cũng có thể hình dung ra: nạn đói lớn.

Thiên tượng liên tục giáng xuống những hiện tượng lạ để cảnh báo con người. Nhưng dưới sự cai trị của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người dân đã tin theo thuyết vô Thần, dường như vẫn đang ngủ say không biết rằng đại nạn đang ở trên đầu. Bước vào nửa năm cuối 2020, dị tượng xảy ra vào tháng 7, tháng 8 ngày càng nhiều và rõ ràng hơn. Có lẽ thảm họa nghiêm trọng hơn đang ở ngay trước mắt.

Người xưa nói “Thiên Nhân cảm ứng”, từ sự thay đổi của các hiện tượng trên trời có thể dự đoán được những chuyện sắp xảy ra đối với con người. Vì vậy người xưa rất xem trọng việc quan sát hiện tượng, xem thiên văn. Bài viết dưới đây sẽ dựa theo giải thích từ nhiều sách cổ để phân tích 4 hiện tượng thiên văn quan trọng xảy ra vào tháng 8.

“Thổ Mộc song tinh hợp nguyệt” vào ngày 2 và ngày 28 tháng 8

“Thổ Mộc song tinh hợp nguyệt” nghĩa là sao Thổ, sao Mộc và Mặt trăng cùng xuất hiện trên bầu trời đêm. Trong tháng 8 có hai lần xuất hiện hiện tượng “song tinh hợp nguyệt”. Lần đầu tiên là vào ngày 1 đến ngày 2 tháng 8, lần thứ hai là vào ngày 28 đến ngày 29 tháng 8.

Trung Quốc thời xưa gọi sao Thổ là “Trấn tinh”, gọi sao Mộc là “Tuế tinh”. Nếu như sao Mộc và sao Thổ xuất hiện cùng một lúc thì nghĩa là quốc gia sẽ xảy ra nội chiến, nạn đói, nếu có chiến tranh với ngoại bang thì sẽ bại trận. Điều này được rất nhiều sách chiêm tinh cổ xưa ghi chép lại.

Ví dụ như trong “Ất Tỵ Chiêm” của Lý Thuần Phong thời nhà Đường có ghi: “Sao Thổ, sao Mộc cùng xuất hiện, quốc gia đói kém”.

“Trăng và Tuế tinh (sao Mộc) cùng sáng thì có nạn đói, sao Thổ cũng như thế”.

“Mặt trăng đến gần Tuế tinh (sao Mộc), năm đó nhiều cướp bóc, hình ngục phiền toái”.

“Mặt trăng đến gần sao Thổ, người dân kiếm lời của nhau, lương thực đắt, quan trông coi nông nghiệp lo buồn”.

“Mặt trăng tiến gần sao Thổ, quốc gia diệt vong vì nạn đói”.

“Sao Thổ và sao Mộc cùng xuất hiện là điềm thua trận, đại tướng bị giết. Sao Thổ và sao Mộc cùng xuất hiện, quốc gia chịu đói kém, chiến tranh binh bại, cùng đường, mất đất”.

Ghi chép trong “Khai Nguyên Chiêm Kinh” của Cù Đàm Tất Đạt (Gautama Siddha) của nhà Đường có viết: “Sách Kinh châu Chiêm” nói: “Mặt trăng và Tuế tinh (sao Mộc) chiếu sáng nhau, thì nạn đói trong ba năm, ngũ cốc đắt, dân chúng lưu vong”.

“Khai Nguyên Chiêm Tinh” trích dẫn phần ghi chép trong “Thiên văn chí” của “Tống Thư” rằng: “Tháng 9 năm Quang Hy thứ nhất, Trấn tinh (sao Thổ) phạm vào Tuế tinh (sao Mộc), là lúc Tư Mã Việt chuyên quyền, cuối cùng bị diệt vì vô lễ”.

“Ngày Kỷ Dậu, tháng giêng, năm Hàm An thứ 2, Tuế tinh (sao Mộc) phạm Trấn tinh (sao Thổ) ở phạm vi sao Tu Nữ. Tháng bảy, hoàng đế bệnh nặng, triệu Hoàn Ôn đến nói: “Con trẻ phò được thì phò, không phò được thì ông lên thay thế”. Nhan thị trung Vương Thản Chi hủy chiếu chỉ ấy, đổi thành Vương Đạo phụ chính. Hoàn Ôn nghe được chuyện này, tức giận muốn giết đám người của Thản, nội chiến diễn ra”.

“Năm Đinh Mão, An Đế năm Nghĩa Hy thứ 7, Tuế tinh (sao Mộc) lại phạm Trấn tinh (sao Thổ). Lúc này Chu Linh Thạch đánh Thục, người dân Thục tìm cách phản kháng, lại chiến tranh lần nữa”.

Ba đoạn lịch sử mà “Khai Nguyên Chiêm Kinh” trích dẫn đều nói về một hiện tượng giống nhau: quốc gia xảy ra nội chiến, phản loạn sau khi “Thổ Mộc hợp nguyệt”.

“Hỏa tinh hợp nguyệt” vào ngày 9 tháng 8

Vào lúc 22 giờ ngày 9 tháng 8, sao Hỏa cùng Mặt trăng xuất hiện trên bầu trời đêm. Theo các nhà thiên văn học, đến tháng 8, sao Hoà đang ngày một sáng hơn. Thời Trung Quốc cổ đại, sao Hỏa được gọi là “Huỳnh Hoặc”. Sao Hỏa chớp sáng như đom đóm, màu sắc hơi đỏ, quỹ đạo biến đổi rất khó đoán biết, vì vậy gọi là “Huỳnh Hoặc”. Huỳnh Hoặc là “ngôi sao trừng phạt” trong thiên văn học của Trung Quốc ngày xưa, đại diện cho chiến tranh, chết chóc. Trong thiên văn học của phương Tây, sao Hỏa cũng đại diện sự trừng phạt của ông trời như chiến tranh, chết chóc…

Người xưa cho rằng, khi xảy ra hiện tượng “Huỳnh Hoặc thủ nguyệt” (tức là sao Hỏa gặp Mặt trăng) chính là điềm báo sắp xảy ra nạn đói, nội chiến, hoặc sẽ có nhân vật lớn qua đời. Theo ghi chép của “Khai Nguyên Chiêm Kinh”, “Dịch Truyện” của Kinh Phòng viết: “Mặt trăng và Huỳnh Hoặc gặp nhau, quốc vương nước ấy băng hà”.

“Hải Trung Chiêm” cũng viết: “Mặt trăng và Huỳnh Hoặc gặp nhau, thái tử nước đó chết, quý nhân bị thương, là điềm hung, trong nước có nội chiến”.

“Kinh Châu Chiêm” viết: “Mặt trăng và Huỳnh Hoặc cùng xuất hiện thì tiềm ẩn nguy cơ nội chiến, sau ba năm sẽ có chiến tranh, trong vòng ba năm thì thái tử nước đó chết”.

Vu Hàm viết: “Mặt trăng và Huỳnh Hoặc cùng chiếu sáng, tháng đó có nguyệt thực, trong nước có loạn thần, và có nạn đói”.

“Ất Tỵ Chiêm” cũng nhắc đến việc này: “Mặt trăng và Huỳnh Hoặc phạm nhau, quý nhân chết. Hễ sao Hỏa vận hành lặp lại quỹ tích thì gọi là ‘thiêu tích’, là điềm đại hung, xảy ra hạn hán đói khát, bại trận diệt vong”.

Mưa sao băng Perseid vào ngày 12 tháng 8

Mưa sao băng Perseid xảy ra vào 21 giờ ngày 12 tháng 8 đến khoảng 00 giờ ngày 13 tháng 8, lượng thiên thạch trong một giờ (ZHR) của trận mưa sao băng này vào khoảng 110 viên. Người xưa cho rằng, sao băng tượng trưng cho những người lưu chuyển. Bởi thế mưa sao băng ám chỉ về nạn đói hoặc chiến tranh, dẫn đến người dân lưu vong, thời hạn kéo dài không quá ba năm.

Trong “Thiên văn ký” của “Tống Thư” có ghi chép: “Ngày Đinh Hợi, tháng 12, năm Vĩnh Gia thứ nhất thời vua Tấn Hiếu Hoài, lưu tinh (sao băng) bay tán loạn” (Lưu Hướng nói rằng, hiện tượng trên trời xuất hiện nhiều tinh tú, rất nhiều ngôi sao nhỏ không có tên, tức là dân thường. Đây là hiện tượng bá quan và dân thường đều bị lưu tán, sau đó thiên hạ đại loạn, bá quan ngàn người di chuyển chết mất xác). Thạch Thị viết: “Lưu tinh rơi xuống tán loạn, rơi thẳng không dừng lại; thiên hạ đói khát, chiến tranh, người dân lưu vong, mỗi người một nơi, thời hạn kéo dài không quá ba năm”.



Ảnh ghép minh hoạ.

“Kim tinh hợp nguyệt” vào ngày 15 tháng 8


Hiện tượng thiên văn “Kim tinh hợp nguyệt” (sao Kim và Mặt trăng cùng xuất hiện) xảy ra vào ngày 15 đến rạng sáng ngày 16 tháng 8. Trung Quốc thời xưa gọi sao Kim là Thái Bạch hoặc “Thái Bạch kim tinh”. Khi xuất hiện trên bầu trời phía đông trước buổi bình minh thì gọi là “Khởi Minh Tinh”, khi xuất hiện trên bầu trời phía tây lúc sau hoàng hôn thì gọi là “Trường Canh Tinh”.

Trong sách cổ “Ngũ Hành Truyện” nói: “Sao Thái Bạch, phía tây còn là Kim tinh, tượng trưng cho Nghĩa trong Ngũ thường. Hành động thích đáng, lấy Ngũ sự làm lời nói (5 điều chú ý tu dưỡng là dung mạo, lời nói, nhìn, lắng nghe và suy nghĩ), nghĩa là hiệu lệnh dân chúng. Lời nói thiếu sót, trái hiệu lệnh, thì Thái Bạch sẽ biến, biến động, xảy ra chiến tranh, là giết chóc”. Người xưa cho rằng, nếu như sao Kim mất quỹ đạo kỷ cương thì sẽ gây ra binh đao chém giết, hình phạt chiến tranh, bất luận kiếp nạn lớn hay nhỏ, đều giống như sấm đánh gãy cây, khiến thế gian biến đổi.

Theo quan niệm của người xưa, hiện tượng “Kim tinh hợp nguyệt” là điềm báo đại hung đại sát. Bởi vì “Thái Bạch thuộc Kim, Kim chủ về chiến tranh”. Kim làm chủ phổi, ý nói sẽ có tai họa về phổi. Dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Trung Quốc kéo theo hàng loạt hệ luỵ chính là hợp với ý này. Nếu xảy ra dị tượng này, phần lớn là điềm báo về chiến tranh, người đứng đầu diệt vong và làm hại nhiều người bị chết.

Theo Secret China
Châu Yến biên dịch