Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Kẻ nào không chịu đựng được đau khổ trong tình yêu thì không xứng đáng để hưởng hạnh phúc của tình yêu.
V.Ạ Sukhomlinski
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 19 of 19

Chủ Đề: Lan Hữu

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Lan Hữu

    Lan Hữu


    Tác giả :Nhượng Tống




    Khu vườn của Nhượng Tống



    Năm 1940, đúng mười lăm năm sau khi Song An Hoàng Ngọc Phách cho xuất bản Tố Tâm, Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân in Lan Hữu ở nhà xuất bản Lê Cường, Hà Nội, với "Lời tựa" của Lưu Trọng Lư. Giờ đây nhìn lại, ta chỉ có thể kinh ngạc khi thấy hai cuốn tiểu thuyết gần nhau đến thế về nhiều mặt lại có số phận khác nhau đến vậy.

    Cách tồn tại của Nhượng Tống ở trong hậu thế rất giống một nhà văn lớn khác cùng thời: Khái Hưng. Sau này cả hai vẫn sẽ được biết đến, nhưng chủ yếu là theo lối phiến diện. Văn nghiệp của Nhượng Tống thường chỉ được nhìn nhận qua các bản dịch (những bản dịch tuyệt vời như Nam Hoa kinh, Thơ Đỗ Phủ, Mái Tây tức Tây sương ký... nhưng cả ở mảng này người ta cũng ít biết Nhượng Tống còn dịch Ngọc Lê Hồn một cách trác tuyệt, chưa kể nhiều dịch phẩm khác nữa), trong khi ông còn là một nhà thơ, một tiểu thuyết gia tài năng, về phần Khái Hưng người ta chỉ biết đến Hồn bướm mơ tiên hay Nửa chừng xuân và một số tác phẩm khác, trong khi Băn khoăn, cuốn tiểu thuyết cuối cùng của ông, in năm 1943 1, mới thực sự là một kiệt tác. Rất có thể, toàn bộ mảng văn xuôi đồ sộ của văn chương tiền chiến Việt Nam chỉ có ba tiểu thuyết thực sự lớn, là Tố Tâm, Lan Hữu và Băn khoăn. Trong bộ ba ấy, chỉ mình Tố Tâm có được số phận tương đối xứng đáng với giá trị của mình.

    Nhưng lịch sử văn chương là câu chuyện của các giá trị, nếu không thì ta sẽ không có lịch sử văn chương. Cả Tố Tâm, Lan Hữu và Băn khoăn đều là những câu chuyện tình. Tố Tâm đã quá nổi tiếng với cốt truyện bi thảm của nó, Lan Hữu là cái nhìn đầy thương xót nhưng không kém phần tỉnh táo của một người trưởng thành nhớ lại mối tình xưa, còn Băn khoăn, với những câu chuyện tình ái lắt léo của nó, là cuốn tiểu thuyết Việt Nam xứng đáng nhất, và rất có thể cũng là duy nhất, của một giai đoạn suy đồi.

    Một cuốn tiểu thuyết được coi là lớn, là "giá trị" một cách toàn diện nhất, khi bên trong nó chứa đựng những điều kỳ diệu, giống như hạt mầm giấu kín ở đâu đó, sẽ hồi sinh và nảy nở mãnh liệt khi gặp được môi trường phù hợp và xứng đáng. Tố Tâm đã có một số phận như vậy, và giờ đã đến lúc chúng ta cần trả về đúng vị trí một tác phẩm khác, không kém phần kỳ diệu - Lan Hữu của Nhượng Tống. Đến nay, ngoài lần ra mắt năm 1940, nó mới chỉ tái xuất một lần duy nhất, tại nhà xuất bản Á Châu (Hà Nội) đầu thập niên 50, vài năm sau khi Nhượng Tống qua đời.

    Lan Hữu có thể được đọc trên ba phương diện: vì nó thuật lại rất trung thực một quãng đời tác giả, đây chính là một tài liệu quan trọng góp cho việc tìm hiểu tiểu sử Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, một tiểu sử mới chỉ được biết đến sơ sài, với rất nhiều chi tiết nhầm lẫn. Vì gia cảnh, Nhượng Tống phải bỏ học rất sớm vào năm mười tám tuổi, sau khi thân phụ qua đời (người cha bất đắc chí, tuy từng là "thủ khoa thành Nam", nhưng giữa một thời kỳ lịch sử u tối, đã chán chường mà chết: cái chết này được thuật lại rất cặn kẽ trong Lan Hữu). Vụ việc liên quan đến mấy mẫu đất gây thiệt hại lớn cho gia đình Nhượng Tống cũng được kể lại trong Lan Hữu. Đặc biệt, tác giả viết rất chuẩn xác về dòng dõi của mình: "nối dõi cái mạch thư hương của nhà tôi, truyền từ đời Lê cho đến bấy giờ". Nhượng Tống thuộc một gia đình rất thành đạt về học vấn suốt nhiều thế hệ, tiền nhân của ông từng là thầy dạy hai nhân vật lớn của "thành Nam" là Nguyễn Khuyến và Trần Bích San.

    Nhượng Tống bộc lộ tài năng văn chương rất sớm, mười sáu tuổi đã có bài đăng trên Khai Hóa (tờ báo của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi), đúng như trong Lan Hữu có kể. Sự nghiệp báo chí của Nhượng Tống còn dài: vài năm sau Khai Hóa là đến giai đoạn cộng tác với tờ Thực nghiệp dân báo với yếu nhân Mai Du Lân; ngay sau đó, ông cùng vài người bạn lập ra Nam Đồng thư xã, in một số sách, tài liệu. Nhượng Tống là thành viên sáng lập của Việt Nam Quốc dân đảng, dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học; vì được Nguyễn Thái Học giao nhiệm vụ ở Huế năm 1929 rồi bị mật thám Pháp bắt nên Nhượng Tống tình cờ mà thoát khỏi chuỗi án tử hình đẫm máu của thực dân đầu thập niên 30, trong đó chấn động hơn cả là "vụ Yên Bái", khi những người đồng chí thân thiết của ông như Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính bỏ mình dưới lưỡi dao máy chém. Thoát chết nhưng Nhượng Tống phải chịu cảnh tù đày ở Côn Đảo (trong Lan Hữu cũng có lúc ông ám chỉ chuyện này: "đày tôi ra Côn Đảo ba năm, tôi không sợ bằng đày tôi cửa chùa Thiên Trù suốt ba tháng hội") và tiếp theo là những năm dài bị quản thúc ở quê, định kỳ phải ra Phủ Lý trình diện mật thám. Nhượng Tống còn viết báo thêm vài năm từ sau 1945, ở các tờ như Chính nghĩa, Thời sự... ông mất năm 1949 ở Hà Nội.

    (Trong các tài liệu tra cứu phổ biến nhất hiện nay, ta thường đọc ở tiểu sử Nhượng Tống hai chi tiết: sinh năm 1897 và được thả từ Côn Đảo về năm 1936; hai chi tiết này đều sai, vì Nhượng Tống tuổi Bính Ngọ, sinh năm 1906 và sau các sự kiện của Việt Nam Quốc dân đảng, Nhượng Tống được thả khỏi Côn Đảo trước 1936 nhiều, bởi trước đó mấy năm ông đã lấy vợ ở quê nhà Ý Yên; các chi tiết này hiện nay đều còn lại văn bản để kiểm chứng) 2

    Trong Lan Hữu, Nhượng Tống buộc lòng phải giấu đi nhiều chi tiết để tránh kiểm duyệt của chính quyền (thế nhưng vẫn bị kiểm duyệt bỏ thêm nhiều chỗ). Chí khí cách mạng của ông có lẽ thể hiện đậm nét hơn cả trong Lan Hữu ở đoạn luận thơ với cha và bác (người bác thích Lý Bạch, người cha nhiều phẫn uất lại thích Lục Du); khi được hỏi, cậu bé Ngọc nhận là mình thích nhất thơ Đỗ Phủ, bởi: thơ ấy gồm "biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy... Thơ như thế mới thật là 'khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán'." Câu chuyện này cũng được Nhượng Tống kể lại bằng thơ, bài thơ ấy dùng làm lời tựa cho bản dịch Thơ Đỗ Phủ in năm 1944, sau Lan Hữu bốn năm; đoạn đầu của bài thơ như sau:

    Tôi biết đọc thơ từ thuở nhỏ

    Trong thơ thích riêng thơ Đỗ Phủ.

    Một hôm thầy tôi hỏi: "Tại sao?"

    Đứng dậy chắp tay tôi sẽ ngỏ

    Rằng: "Tại thơ ông là đời ông:

    Lạ, đẹp, hùng tráng mọi vẻ đủ,

    Mà còn chan chứa một lòng thương

    Những kẻ nghèo nàn, phường xấu số.

    Vì tấm lòng ấy nên nhiều khi

    Đối với quan lại với vua chúa

    Ông thường chê trách, thường mỉa mai,

    Không thèm nịnh hót, không xu phụ.

    Ngoài một thiên tài hiếm có ra,

    Ông còn một tâm hồn hiếm có..."

    Nghe xong, thầy tôi gật đầu cười

    Dạy rằng: "Ồ! mày thật con bố!

    Thế nhưng bất lợi ở thời này!

    Rồi đó xem: Đời mày sẽ khổ!"

    Lan Hữu lại có thể được đọc như một sự "chuyển dịch cốt truyện" Hồng Lâu Mộng vào khung cảnh Việt Nam, với hai điều rất dễ thấy: đại quan viên của Vinh phủ trong Hồng Lâu Mộng được chuyển về tỉnh Thái Bình, trong khi mối tình tay ba Giả Bảo Ngọc, Lâm Đại Ngọc, Tiết Bảo Thoa được tái hiện trong mối quan hệ của (Lương) Ngọc, (Mai) Hữu và Lan.

    Nhượng Tống chọn cho nhân vật của mình cái tên "Ngọc" với rất nhiều chủ ý. Nó rất gần với tên thật của ông nhưng ngay lập tức cũng gợi đến Giả Bảo Ngọc, và Ngọc của Lan Hữu cũng mau chóng nhắc thẳng tới Hồng Lâu Mộng (thông qua Thạch đầu ký), và cụ thể hơn, bài thơ "Khóc hoa" nổi tiếng mà Ngọc dùng để dò xem Hữu có yêu mình hay không.

    (Lan Hữu, qua chuyện Ngọc dịch "Táng hoa từ", nhắc ta nhớ đến Nhượng Tống trong vai trò một dịch giả kiệt xuất. Giai đoạn rực rỡ nhất của sự nghiệp dịch thuật Nhượng Tống là mấy năm trước 1945, chủ yếu in ở nhà xuất bản Tân Việt với ông chủ Lê văn Văng là một người thân tình với ông. Tính riêng "Lục tài tử thư" do Kim Thánh Thán bình chọn, ông đã dịch ít nhất năm: Nam Hoa kinh, Ly Tao, Sử ký, Thơ Đỗ Phủ, Mái Tây (Tây sương ký). Có tài liệu cho biết Nhượng Tống từng dịch cả Hồng Lâu Mộng, Đạo đức kinh, thậm chí cả cuốn thứ sáu của "Lục tài tử thư" là Thủy hử. Trước đó, cuối thập niên 20, ông cũng đã dịch Ngọc Lê Hồn của Từ Chẩm Á với nhan đề tiếng Việt Dưới hoa cùng một số tác phẩm nhỏ khác. Riêng năm 1945, ông in ít nhất ba cuốn sách: Nguyễn Thái Học, Tân Việt Cách mệnh đảng và Hỗ trợ. Thảo luận - đây là thời điểm Nhượng Tống chứng tỏ vai trò sử gia và nhà bình luận chính trị-xã hội của mình. Từ 1945, Nhượng Tống còn viết vài vở kịch, dịch một ít Liêu Trai chí dị và tác phẩm Hương ngọc 3; dùng bút danh Mạc Bảo Thần để dịch Đại Việt sử ký toàn thư và Lam Sơn thực lục. Ông còn giúp Thi Nham Đinh Gia Thuyết hiệu chỉnh và dịch thêm Ức Trai tập - tác phẩm mới chỉ ở dạng bản thảo. Trước tác của Nhượng Tống còn rải rác trong một số tuyển tập giờ đây ít người được biết đến như Tản văn mới của "Thư viện Tố Như" trước 1945; thơ của ông từng được Trúc Khê Ngô văn Triện bình luận trên Văn học tạp chí và xuất hiện không ít trong Thi thoại của Văn Hạc Lê văn Hòe in năm 1942; một nhà phê bình văn học nổi tiếng từng bình luận về văn chương Nhượng Tống là Vũ Ngọc Phan miêu tả văn chương ấy "tài hoa lãng mạn").

    Bởi vì trước hết là những bông hoa: "Nguyên từ bé tôi đã có tính yêu hoa", ngay ở đầu cuốn sách, Nhượng Tống đã viết như vậy. Lan là tên một loài hoa, còn Hữu có tên đầy đủ là "Mai Hữu", cũng liên quan đến một loài hoa khác (ngay câu chuyện tình với hai cô gái trong đó một là họ hàng cũng từng xảy ra trong đời thật Nhượng Tống). Tình yêu hoa xuất phát từ tình yêu đối với người ông qua đời năm Ngọc mười bốn tuổi, một người rất gắn bó với cậu bé trong một thời gian dài: "ngoài sự sợ, tôi cũng yêu ông tôi và yêu cả những cây hoa mà ông tôi yêu. Là vì ông tôi yêu thứ hoa nào, lại cắt nghĩa cho tôi biết tại sao mà ông tôi yêu. Và tôi khi ấy, ông tôi nói gì tôi cũng cho là phải cả. Những khi tôi theo ông tôi ra vườn, lại được nghe ông tôi kể cho nghe các chuyện cổ tích về hoa. Nào chuyện Võ Tắc Thiên bắt hoa đi đày, nào chuyện Đường Minh Hoàng giục hoa phải nở. Nào vô số những chuyện hoa hóa ra người, người hóa ra hoa. Nghe nhiều những chuyện ấy, tôi thành ra coi các hoa trong vườn đều là những người bạn có cảm giác như tôi, chỉ kém tôi cái biết đi và biết nói". Nhiều khi ta tưởng như tình của Ngọc nồng nàn nhất là với các loài hoa, thậm chí còn hơn tình của Ngọc với Lan và Hữu; để tang cuộc tình suốt mấy năm trời, Ngọc đặt trước ảnh họ lọ hoa để thờ, và những câu văn đẹp nhất trong Lan Hữu là dành cho hoa: "Dưới trăng, các cây hoa hiện ra trước mắt tôi như những mặt bạn thân, vắng mấy ngày mới lại gặp", hoặc khi gặp lại Hữu trên Phú Thọ: "Dưới ánh trăng tà, các cây hoa trồng trong các chậu in bóng cành bóng lá xuống đầy sân. Tôi ước ao lại được cùng Hữu ngồi đôi nói chuyện ở giữa cảnh vườn xuân".

    Mối sầu tình của Ngọc trong Lan Hữu cũng có yếu tố họ hàng như cuộc tình duyên bi lụy của Hồng Lâu Mộng. Hoa và tình, nhưng cũng thêm cả mộng nữa: ít có tiểu thuyết Việt Nam nào tả mộng nhiều và hay như Lan Hữu. Về sau, cuộc tình không còn là thực nữa, chỉ là mộng mà thôi: "Trong mộng, tôi với họ cùng sống cuộc đời êm ái năm xưa. Trong mộng, nhan sắc của họ càng thêm rực rỡ, câu chuyện của họ càng thêm thơ ngây". Lan Hữu "viết lại" Hồng Lâu Mộng theo một cách thức chưa từng có, không khỏi làm ta liên hệ tới những gì mà Nguyễn Du từng làm với Kiều.

    Và tất nhiên, trước hết, Lan Hữu cần được đọc cho chính nó, với chính nó. Câu chuyện của Lan Hữu rất ý vị và không hề đơn giản. Nó lại được viết một cách hết sức chín chắn, bởi con mắt hồi cố của một người đã trải đời nhìn lại tuổi hoa niên thơ mộng. Ngọc không phải là Đạm Thủy của Tố Tâm, vì Ngọc ý thức rất rõ sự phi lý của tình duyên, thậm chí đến cả tính chất vớ vẩn của những mối tình thơ trẻ. Nhưng vẫn có đó nỗi ngậm ngùi khôn nguôi: "Tuy trong khi yêu ấy tôi đă tốn bao nước mắt, bao tiếng thở dài, cùng chịu bao mối cảm xúc mệt người, năm mười sáu tuổi, tôi nhìn lại vẫn là một năm có hạnh phúc"; hạnh phúc ở tuổi mười sáu là điều được Nhượng Tống nêu lên ngay từ đầu Lan Hữu, và sẽ được lặp lại nhiều lần trong suốt tác phẩm. Khởi đi là nỗi bàng hoàng của tình yêu đầu đời, càng bàng hoàng hơn vì nhận ra cùng một lúc mình yêu cả hai người con gái: "Tôi bắt đầu cảm thấy cuộc đời phiền phức vô cùng", và nảy sinh một khát vọng rất trẻ con: "Người tôi yêu chẳng phải là người tri kỷ, mà người tri kỷ lại chẳng phải là người tôi yêu! Tôi ước ao có thể hợp cả Lan lẫn Hữu làm một người". Hữu, cô em họ, xuất hiện trước, đó là mối tình đầu tiên, nên khi có thêm Lan, thoạt tiên với Ngọc, tình cảnh là: "Vướng có Lan, tôi mất cả tự do yêu Hữu", nhưng dần dần Ngọc nhận ra Lan có những điều mà Hữu không hề có, "[h]uống chi Lan yêu tôi có khi còn hơn Hữu: Lan còn biết thương cái tài của tôi nữa. Ở đời, được một người yêu mình, biết mình cũng khó lắm chứ!" Không chỉ là bạn thanh khí với Ngọc, Lan còn là tri kỷ, lại có một tấm lòng yêu tường chừng như mù quáng; Lan cũng là một con người quyết liệt, như thể sẵn sàng chống đối mọi ràng buộc gia đình, xã hội để được yêu Ngọc. Trước mối cuồng tình như vậy, một cậu bé mười sáu tuổi đầy nhút nhát khó có thể thoát được mảnh lưới đã buông, cho đến lúc phải bật ra ý nghĩ: "tôi vẫn tin ái tình chuyên nhất mới thật là ái tình, mà nay tôi tự trông thấy trái tim tôi chia đôi cho Lan và Hữu".

    Nhìn lại một cách tỉnh táo, pha rất nhiều "vỡ mộng", nhưng tài năng tiểu thuyết của Nhượng Tống nằm ở chỗ ông vẫn thổi được vào câu chuyện lẽ ra không mấy đặc sắc một tấm màn vi diệu của tình cảm, của lòng thành thực yêu mến tuổi trẻ; giọng văn đầy tiết chế, nhiều khi lạnh lùng, thiên hẳn về hướng phân tích, lại càng làm nổi bật lên một tâm hồn yêu đương nồng cháy, lẫn vào với những dằn vặt nội tâm không ngừng, thậm chí còn nhiều khi đi tới chỗ tự khinh bỉ chính mình. Tâm hồn ấy cũng có thể rất lạ: khi mới đến một khu vườn mới, thỏa lòng mong mỏi được kề cận với những bông hoa, trong lòng Ngọc nảy ra một ý nghĩ: "Thiếu giai nhân, tôi đành mong được gặp hồ, gặp quỷ như những anh chàng nào trong truyện Liêu Trai". Cái tâm hồn Á Đông đa tình trộn lẫn với huyền hoặc này, thỉnh thoảng ta mới thấy, một cách kỳ diệu, ở một số tác phẩm văn chương Việt Nam, chẳng hạn như khi Đinh Hùng viết những câu thơ:

    Có những bông hoa, tiền thân là thiếu nữ

    Những mùi hương rạo rực hiện hình người

    Hương công chúa và men say hoàng tử

    Cánh bướm thời gian treo võng tóc buông lơi

    Lan Hữu là cả một bầu trời huyền hoặc của tình tuổi trẻ được Nhượng Tống, sau khi đã thấm thìa rằng "đời là một cuộc đổi thay, muôn sự, muôn vật ở trên đời, nào có cái gì là vĩnh viễn", thuật lại một cách kỳ diệu. Dau câu chuyện này, đúng như Lưu Trọng Lư đã nhìn ra khi viết lời tựa cho bản in 1940, là chuyện mà ai cũng có, ai cũng giấu đâu đó trong ngóc ngách ký ức mình, thì cách kể của Nhượng Tống, bởi nó thu gom được những tinh túy của Hồng Lâu Mộng lẫn những gì mà chỉ mình tâm hồn Nhượng Tống mới có, vẫn còn gây rung động mãnh liệt ở độc giả sau đến ba phần tư thế kỷ.

    Lan Hữu chính là một khu vườn, khu vườn ngôn từ của nhà nghệ sĩ Nhượng Tống, cho đến giờ vẫn không hề cũ kỹ, thậm chí còn mới mẻ đến bất ngờ, và đó cũng là một khu vườn hoa, nhưng là một khu vườn không hề tầm thường, nơi in dấu hạnh phúc và cũng chứa đựng biết bao nhiêu thương xót của một dĩ vãng: "Kìa cảnh vườn hoa, tôi không dám bước chân ra nữa: Đấy là nơi nghĩa địa đã vùi xương [cái "tôi" mơ mộng và sung sướng]". Khu vườn ấy xứng đáng được những tâm hồn đồng điệu viếng thăm với lòng ngưỡng mộ chân thành.

    Cao Việt Dũng

    ° ° °

    Ghi chú: Văn bản Lan Hữu được khôi phục một cách nguyên vẹn so với ấn bản Lê Cường, 1940, chỉ sửa rất ít chính tả và thêm một số chú thích. Cuối sách sao lục hai bài thơ của Nhượng Tống giống như ở ấn bản Lan Hữu của nhà xuất bản Á Châu.



    Lời tựa (cho ấn bản 1940)
    Người đề tựa với tác giả là chỗ thân tình, nhưng không phải vì cớ ấy mà tán hươu tán vượn, vẽ rồng vẽ rắn vào cuốn sách. Người đề tựa cũng không phải là cốt để giới thiệu ông Nhượng Tống với độc giả. [...] 4 Quyển Lan Hữu chính là một trong những tập văn của Nhượng Tống viết trong thời gần đây. Một cuốn tiểu thuyết tình không hơn, không kém. [...] 5 Nhượng Tống, trong một thuở, đã có những rung động tưng bừng, trong sáng hay âm u mà nay anh cứ việc chép lại, qua ký ức. Người ta trong một đời, ai lại không có một câu chuyện tâm sự để thuật lại hay để chép ra. Nhưng cả cái giá trị, cả nghệ thuật là ở sự kể lại mà thôi, chứ thực ra, những câu chuyện của người ta đều na ná giống như nhau cả: cũng chỉ là những bản đàn thiên cổ - tuy có đổi xoang, đổi điệu mà vẫn là những bản xưa, đã giấu ở trong lòng người, cái lòng người duy nhất, không xứ sở không kim cổ.

    Lan Hữu cũng chỉ là cái mộng - hay những cái bóng mộng ở trong giấc ngủ tưng bừng của các người niên thiếu, ở đây, cũng như ở trong các giấc mộng khác của người niên thiếu, người ta cũng vẫn tìm thấy ở trong, cái rộn rực, cái quằn quại, cái bâng khuâng: sự chia ly ở trong tâm hồn, ở trong cuộc đời.

    Nhưng mộng đẹp đến đâu, rồi cũng tàn, và chì để lại cho người ta một chút thương tiếc ở trong lòng hay đầu lưỡi. Mối tiếc thương ấy, ở văn nhân, thành gần như là một duyên nợ cả đời. Người ta lúc nhỏ ai cũng có một điều buồn não, một chuyện thương tâm. Cái buồn ấy ở một vài người thường thường mỗi năm về một lần... giống như cái cuộc du lịch hằng năm của các con chiên về đất Thánh. Truyện Lan Hữu chính là cái buồn hằng năm của người ta, đã về theo một ngọn gió đầu thu hay cuối hạ.

    Lan Hữu cũng là một ngọn gió hằng năm đến gợi dậy ở trong lòng ta những hình bóng âm u của một chuyện cũ - mà ai ai lại chẳng có một câu chuyện như thế...?

    Đó chỉ là như lời Baudelaire đã nói:

    Một giấc mộng nồng nàn dệt xe trên gối kẻ thiếu niên.

    Vì thế, Lan Hữu là cuốn sách của mọi người... Nhưng không phải là một cuốn sách tầm thường: tác giả đã cho nó một sức mạnh huyền diệu khiến cho ta không thể ngừng lại một quãng nào ở trên quyển sách. Ta chỉ muốn đọc nhanh đi cho chóng hết, để hưởng thú gấp sách lại.

    Tất cả giá trị, tất cả tài nghệ của cuốn sách là ở chỗ này: tác giả là một người kể chuyện rất khéo, khiến cho một câu chuyện của mình mà người tưởng như của người, một câu chuyện rất bình thường mà tưởng như rất mới lạ, một giấc mộng hằng ngày ở bên gối, mà tưởng như xa vời ở trong một trời nước xa xôi... Vì tác giả là một nhà tiểu thuyết xứng với danh nghĩa ấy. Và đó chỉ mới là sự bắt đầu...

    Lưu Trọng Lư



    1
    Ví phỏng đời tôi còn có những ngày tốt đẹp đến đâu nữa, tôi cũng vẫn nhớ hồi năm tôi mười sáu tuổi là có hạnh phúc. Hạnh phúc ấy, tôi đã tìm thấy ở trong một vườn hoa.

    Nguyên từ bé tôi đã có tính yêu hoa...

    Tính ấy hoặc tự trời phú cho tôi. Dù vậy, cũng bởi ông tôi gây cho tôi nữa. Ông tôi là một ông già, bỏ quan về nhà từ ngày còn trẻ; mà xã hội chỉ là một đàn cháu, mà thế giới chỉ là một vườn hoa. Trong các cháu, ông tôi yêu nhất tôi. Vì tôi thìn nết 6 và thông minh, ông tôi bảo vậy và người nhà tin vậy. Nay tôi nghĩ lại thì không phải vì thế. Một người đậu thủ khoa trường Nam từ năm mười bảy như ông tôi quyết không thể mãn ý về phần thông minh của tôi được: tôi là một đứa "học trước quên sau". Tôi ngày bé lại cũng không thìn nết chút nào. Tôi uống vụng rượu. Tôi ăn cắp tiền. Tôi chửi nhau, đánh nhau với hồ khắp các trẻ con trong làng. Tôi không hề ham đọc những sách mà ông tôi dạy. Trái lại, những sách ông tôi cấm, tôi lại đọc trộm và đọc mãi đến nỗi có khi thức suốt đêm, hay quên bữa không về ăn. Mà những cái "chết hư" ấy của tôi, ông tôi biết cả. Nay tôi nghĩ lại thì ông tôi yêu tôi nhất, chỉ vì tôi là đứa cháu trai sinh trước nhất của ông tôi. Mẹ tôi thường nói chuyện lại cho tôi nghe rằng: "Bấy giờ ông chưa có cháu trai nên mẹ đẻ được con ra, ông mừng lắm. Đêm hôm ấy ông uống rượu suốt sáng. Sáng ra, ông mới đặt tên cho con là Lương Ngọc. Ông bảo đặt tên cho con là 'Ngọc' là ý ông quý con như ngọc. Thêm chữ 'Lương' nữa, là ý ông mong cho con đã là ngọc, thì phải là 'ngọc lành'." Nhiều khi mẹ tôi kể lại chuyện ấy, thầy tôi - tôi gọi cha tôi là thầy - lại nghiêm mặt bảo tôi: "Ấy mày nghe đấy! Làm thế nào cho khỏi phụ tấm lòng ông cha kỳ vọng ở mày!" Trời ơi! Tôi biết làm thế nào cho khỏi phụ tấm lòng ông cha tôi kỳ vọng ở tôi?

    Thiên hạ chỉ những kẻ yêu nhau mới thật là những kẻ làm khổ nhau. Ông tôi yêu tôi, thế tất phải làm khổ tôi...

    Năm tôi lên năm tuổi, ông tôi đã bắt tôi phải rời xa lòng mẹ, về ở với ông tôi. Tôi còn nhớ khi ấy tôi khóc lăn lóc chạy theo mẹ tôi. Nhưng các chị con bác tôi cố ôm tôi, bắt tôi trở lại. Giận quá, tôi đâm khùng, chửi cả các chị. Nhưng các chị không giận, chỉ cười khúc khích và đem quà dỗ tôi. Mấy ngày hôm sau, mỗi khi vắng, nhất là khi chiều tối, tôi lại sụt sịt khóc một mình. Nhưng dần dà cũng không khóc nữa. Cho tôi chơi một tháng rồi, ông tôi làm lễ vỡ lòng cho tôi.

    Rồi vài, ba tháng sau, ông tôi mới bắt tôi "vào văn phép". Ông tôi giảng cho tôi những thế nào là "đứng như núi"; thế nào là "ngồi như thần thi"... Từ đó, trước mặt ông tôi, bao giờ tôi cũng phải làm phép "hãm mình"! Đứng, không dám khèo chân nọ sang chân kia. Ngồi, phải xếp chân bằng tròn và chắp tay lại... Còn bao nhiêu những điều phiền phức nữa! Cho bọn nhà nho "câu thúc thân thể", các thánh Tàu đã bày ra "ba trăm uy nghi, ba nghìn lễ nghi!" Lại vài ba năm sau, mỗi khi có khách, ông tôi lại gọi tôi lên cho họ hạch về câu đối, về thơ ứng khẩu. Thực những lúc tôi đứng lượm tay cúi đầu mà nghĩ "văn chương" ấy, tôi thấy khó chịu [...] 7. Tôi còn nhớ một lần ông tôi và một ông khách bắt gặp tôi đương bắc thang leo lên đầu nhà, thăm một tổ chim di. Tôi vội vàng leo xuống, mặt tái mét. Hai ông bắt tôi phải làm một bài thơ "tức sự". Tôi cắn nát mười đầu móng tay rồi đọc:

    Một tổ chim di được bốn con

    Chưa lông; chưa cánh hãy còn non.

    Bao giờ cho nó ra ràng nhỉ?

    Gắp chả mời ông nhắm rượu ngon!

    Khách khen hay. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được cái hay của bài thơ ấy!... Lại một lần, tôi đương cho bốn con chào mào non ăn châu chấu, thì phải gọi vào đem thông minh cho người ta thử. Khách là bạn thân của ông tôi, hết câu đối này đến bài thơ khác, rở hãm 8 mãi tôi cho đến chiều tối. Đến lúc tôi thoát nạn chạy ra bên lồng chim, thì, vì vắng tôi, nắng đến không ai cất lồng vào chỗ râm, bốn con chim trong lồng đã chết khô tất cả. Thế mới khổ thân tôi! Tôi liền liệm chúng nó vào một mảnh lá chuối, rồi lấy dao đào đất, đem chúng nó đi chôn. Chôn xong, tôi ngồi bên mả chim mà khóc nức nở, thảm thiết. Mấy ngày sau, tôi bòn nhặt được bốn cái vỏ diêm, liền bốc mả cho chúng nó.

    Tôi chỉ kể mấy chuyện đó thôi. Những cái ông tôi làm khổ tôi còn nhiều. Biết đâu cách giáo dục của ông tôi chẳng có trách nhiệm lớn về cái tinh thần nhu nhược, cái thân thể yếu ớt của tôi ngày nay? Dù vậy trừ mẹ tôi ra thì ông tôi là người yêu tôi nhất trong đời. Điều đó, tôi có thể nói chắc được. Cũng vì thế mà nhiều cái ông tôi nuông tôi lắm. Có cái gì ăn, ông tôi tất cho tôi trước. Tối đến tôi được ngủ trong giường ông tôi. Mùa rét, ông tôi ấp tôi vào bọc. Mùa bức có khi tôi thức dậy, còn thấy ông tôi ngồi quạt cho tôi. Mỗi khi có nơi đón ông tôi đi đề chủ hay đề thần vị 9, tôi lại được một quản bút quấn kim tuyến, và một bộ quần, áo màu, may bằng những vóc, lụa lót tay. Cái gì cũng thừa tôi rồi mới đến các cháu khác, ông tôi lại xé giấy mà vẽ cho tôi những bức tranh nhỏ. Và lấy "xương vỏ" mà gọt những tượng nhỏ cho tôi bày chùa. Khi thường cũng như khi có lỗi, ông tôi chỉ khuyên bảo tôi bằng giọng ôn tồn. Tôi không hề bị ông tôi đánh, đập. Do đó, ngoài sự sợ, tôi cũng yêu ông tôi và yêu cả những cây hoa mà ông tôi yêu. Là vì ông tôi yêu thứ hoa nào, lại cắt nghĩa cho tôi biết tại sao mà ông tôi yêu. Và tôi khi ấy, ông tôi nói gì tôi cũng cho là phải cả. Những khi tôi theo ông tôi ra vườn, lại được nghe ông tôi kể cho nghe các chuyện cổ tích về hoa. Nào chuyện Võ Tắc Thiên bắt hoa đi đày, nào chuyện Đường Minh Hoàng giục hoa phải nở. Nào vô số những chuyện hoa hóa ra người, người hóa ra hoa. Nghe nhiều những chuyện ấy, tôi thành ra coi các hoa trong vườn đều là những người bạn có cảm giác như tôi, chỉ kém tôi cái biết đi và biết nói. Bởi vậy, nhiều khi vắng vẻ, tôi thơ thẩn ngoài vườn, một mình nói chuyện với hoa.

    Tôi ở với ông tôi mãi đến khi ông tôi mất. Năm ấy tôi mười bốn tuổi. Sau khi khóc ông tôi, tôi về ở với thầy mẹ tôi. Bấy giờ tôi mới bắt đầu học quốc ngữ và chữ Pháp. Đó là ý định của thầy mẹ tôi ngay từ năm tôi mười tuổi. Ấy là năm Ất Mão, năm mà ở Bắc Kỳ người ta bắt đầu bổ chõng và bẻ gọng lều [...] 10, năm mà ông cha tôi đã mất cái hy vọng cho tôi làm ông Nghè ông Cử để nối dõi cái mạch thư hương của nhà tôi, truyền từ đời Lê cho đến bấy giờ! Nhưng khi ông tôi còn, thì cái ý định ấy không làm nổi... Hai năm tôi mười bốn, mười lăm, có thể là những năm khổ nhất trong đời tôi. Từ khi về ở với thầy, mẹ tôi, tôi không còn có hoa mà xem, và không còn có tiểu thuyết mà đọc. Vả lại, tôi cũng không còn dư thì giờ nữa. Tuổi tôi đã lớn, tôi cần phải cố sống, cố chết mà học. Nhiều đêm phải rửa mặt hàng chục lần cho đỡ buồn ngủ. Bây giờ nghĩ lại, tôi lấy làm lạ rằng sao tôi không mắc bệnh ho lao!

    Cuối năm mười lăm, thầy tôi đổi về Thái 11. Nhà tôi ở trọ trong nhà chú Hường tôi. Sở dĩ tôi gọi thế, là vì ông ấy có mua hàm Hồng lô tự Thiếu khanh, và với thầy tôi là đôi con cô, con cậu.

    Năm sau tức là năm tôi mười sáu tuổi - năm mà tôi đã nói rằng tôi tìm thấy hạnh phúc ở trong một vườn hoa. Cái vườn hoa ấy là của chú tôi. So với vườn hoa của ông tôi, nó vừa rộng hơn, vừa nhiều hoa lạ hơn nữa. Ngay hôm mới đến tôi đã nhảy ra vườn và thơ thẩn, tối ngày không chán. Tuy vậy, cái hạnh phúc của tôi năm ấy, không những là lại được yêu hoa, mà còn là bắt đầu được yêu Mai Hữu, con gái chú tôi...

    --------------------------------
    1 Ban đầu nhà xuất bản Đời nay đặt cho nó nhan đề Thanh Đức và hệ thống quảng cáo của Tự Lực văn đoàn còn gán cho nó một tên phụ, Tội lỗi; sau này khi Nhất Linh cho tái bản cuốn sách ở Sài Gòn, cuốn tiểu thuyết trở lại nhan đề ban đầu mà Khái Hưng đã chọn lúc sinh thời: Băn khoăn.
    2 Các chi tiết liên quan đến cuộc đời Nhượng Tống sử dụng trong bài viết đều đã được xác nhận bởi bà Hoàng Lương Minh Viễn, con gái độc nhất của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân, hiện vẫn sống ở Hà Nội.
    3 Của Liễu Tuyền tiên sinh, do nhà xuất bản Tân Việt in năm 1947; lúc này nhà Tân Việt mới chuyển trở lại vào trong Nam.
    4 Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ mười ba dòng. (Các chú thích trong sách, nếu không có ghi chú thêm, đều là của Cao Việt Dũng).
    5 Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ ba dòng.
    6 Ý nói tính nết thuần và tốt.
    7 Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ ba dòng.
    8 Rở hãm: "rỡ" thì đúng hơn là "rở", có nghĩa là gỡ ra, còn "hãm" nghĩa là chôn vùi. "Rỡ hãm" có thể hiểu như dây dưa, nâng lên đặt xuống, xoay vần. Kiều có câu: "Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi" nghĩa tương tự.
    9 "Đề chủ": thông thường bài vị trên bàn thờ có viết trước chữ chủ nhưng còn thiếu nét. Đám tang làm lễ từ nhà đến mộ, tới giữa đường dừng lại để làm lễ đề chủ. Bậc quan viên hay đại khoa được gia đình mời viết nốt chữ chủ (một chấm trên đầu và một nét sổ). Cũng có nơi lễ đề chủ được thực hiện sau khi an táng từ 49 ngày đến hai năm. "Đề thần": thường thực hiện trong lễ chiêu vong (bao gồm chiêu vong, đề phan, đề thần). Tuy nhiên nhiều nơi gọi đề thần chung với lễ đề chủ thành lễ đề thần chủ.
    10 Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ mấy chữ.
    11 Địa danh "Thái" trong cuốn sách nên hiểu là Thái Bình: cha của nhân vật chính được giới thiệu là "thủ khoa thành Nam", và khi được gọi về, nhân vật chính từ nhà "chủ Hường" về tới nhà chỉ trong vòng một buổi, như vậy sẽ là hợp lý nếu là từ Thái Bình về một nơi gần Nam Định. Rất dễ nhầm "Thái" là Thái Nguyên vì ở chương XV, Nhượng Tống để cho nhân vật nhắc đến "Thái Nguyên".


  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    11
    Ngày tôi từ biệt Lan và Hữu, tức là ngày tôi từ biệt cái hạnh phúc được yêu. Tuy trong khi yêu ấy tôi đã tốn bao nước mắt, bao tiếng thở dài, cùng chịu bao mối cảm xúc mệt người, năm mười sáu tuổi, tôi nhìn lại vẫn là một năm có hạnh phúc. Trong đời, tôi chỉ mong được cái hạnh phúc tương đối như thế. Nhưng sang năm sau thì cái hạnh phúc ấy không còn nữa. Ôm một tấm lòng yêu tuyệt vọng tôi đã tự đầu độc cho tâm hồn tôi...

    Khi về đến nhà, tôi lên chào thầy tôi. Thầy tôi cùng bác tôi đương ngồi uống rượu. Tôi chào xong, thầy tôi cho phép tôi ngồi hầu chuyện. Tôi xón vén 1 lại bên tấm phản, hai chân xếp bằng lại, hai tay chắp vào với nhau để đàng trước mặt và hai mắt tôi chăm chăm nhìn vào đấy như các ông triều thần nhìn vào cái hốt cầm tay. "Quân tử bất trọng tác bất uy, học tắc bất cố" (Người quân tử không nghiêm trọng thời không có oai; học thời không bền), bao giờ tôi ngồi trước mặt các bậc tôn trưởng trong nhà cũng phải nhớ câu ấy mà ngồi cho "có phép". Trước mặt thầy tôi và bác tôi, tôi tự nhiên thấy tôi là kẻ có tội với "danh giáo". Trong một năm nay, từ hành vi đến tư tưởng, đã bao nhiêu điều tôi vượt ra ngoài vòng "luân lý khuôn". Gần Hữu và gần Lan, ngày nào tôi không phạm đến cái lễ "nam, nữ thụ, thụ bất thân" (con trai, con gái không đưa tay cho nhau vật gì) của các đấng Thánh, Hiền? Lòng tôi thấy xôn xao, áy náy. Chợt nghe bác tôi hỏi:

    - Thầy với bác đang nói chuyện thơ. Bác nói, bác thích thơ Thanh Liên 2. Thầy bảo, thầy thích thơ Kiếm Nam. Còn cháu, cháu thích thơ nào?

    Tôi "dạ" chưa kịp thưa thì thầy tôi đã nối lời bác tôi:

    - "Thi ngôn chí". Bác hỏi thế là bác muốn biết chí hướng của con đấy. Có thế nào nói cho thật.

    Tôi lại cất tiếng dạ, trong lòng thì cảm động về giọng nói ôn tồn của thầy tôi: Từ thuở tôi biết, lần này mới là lần thứ nhất thầy tôi gọi tôi bằng "con" mà không gọi bằng "mày". Bác tôi lại giục. Tôi đứng dậy chắp tay vào ngực, thưa:

    - Bẩm bác, con thích thơ Đỗ Phủ.

    Bác tôi gật gù nói:

    - Ừ! Cứ ngồi xuống, bác hỏi: Sao cháu lại thích thơ Đỗ Phủ?

    Tôi ngồi xuống mà đáp:

    - Bẩm bác, con thích thơ Đỗ Phủ, vì trong thơ chứa chan tấm lòng trắc ẩn. Trong Toàn Tập, biết bao nhiêu bài tả những cảnh huống khổ nhục của đám dân nghèo. Mỗi khi con đọc, lại thấy như có đám người khố rách, áo ôm ấy kêu khóc ở bên tai, mà trong lòng thì uất ức muốn đứng phắt dậy... Thơ như thế mới thật là "khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán!" 3 Con tưởng người làm thơ nên như Đỗ Phủ chứ không nên như Viên Tử Tài 4 hay Bạch Cư Dị, chỉ biết đem thơ mà phò nịnh bọn giàu sang.

    Bác tôi cất chén gật gù:

    - Câu nói hay!

    Thầy tôi thì cười:

    - Thế mới thật con cha! Rồi mày ngày sau sẽ nghèo và sẽ khổ, con ạ!

    Bác tôi bỗng hỏi thầy tôi:

    - Cháu năm nay đã nhớn. Chú, thím đã định nơi nào cho cháu chưa?

    - Thưa chưa. Cũng có nhiều nơi người ta muốn cho. Tôi định nhân độ này nó về nghỉ, cho nó đi nom mắt qua cả một lượt. Rồi nó bằng lòng đám nào, tôi sẽ liệu.

    Câu nói của thầy tôi làm cho người tôi phát rét. Tôi ngồi lặng mà nghĩ cách đối phó. Nghĩ đã chín, tôi liền quyết định dùng kế "hoãn binh". Rồi tôi mỉm cười mình lại bảo mình:

    - Tưởng rằng về phải chịu cái khổ đi lễ tổ, ai ngờ lại phải chịu cái nợ đi nom mắt vợ! Việc đời có biết đâu mà lường được!

    Tối hôm ấy tôi ngủ ở trong màn thầy tôi. Cái đó là một cái khổ. Vì tính tôi nằm hay dẫy dọn 5, còn thầy tôi thì thích tĩnh và hay gắt. Cho nên mỗi khi chung giường với thầy tôi, tôi phải cố mà nằm yên như một cái xác, đến nỗi tôi thức hay ngủ thầy tôi cũng không biết nữa. Bấy giờ thầy tôi sẽ hỏi tôi:

    - Ngọc thức hay ngủ đấy?

    Tôi dạ. Thầy tôi nói:

    - Mai là ngày ba mươi, phiên chợ. Thầy cho đứa nó dẫn con 6 ra chợ. Nó sẽ chỉ cho con những đứa mà người ta định gả cho con. Chợ Tết, chắc đứa nào cũng đi cả. Nhược bằng có đứa nào con không xem được, thì trong ba ngày Tết, thầy cho con đi đến từng nhà mà xem. Các nhà ấy, chỗ quen biết cả ấy mà! Cứ nói là đi lễ Tết nhân tiện vào chơi. Mà đã có đứa nói, con cũng không cần phải nói nữa. Thế là người ta biết ý, sẽ lập cách cho con nom được...

    Tôi chiêu tập hết cả sức mạnh bạo trong người, rồi đường hoàng thưa lại:

    - Bẩm thầy, cổ nhân ba mươi tuổi mới lấy vợ. Con còn bé, thầy mẹ hãy cho con chuyên tâm về việc học. Việc hôn nhân xin để thong thả, con tưởng cũng không muộn gì! - Tôi tưởng tôi viện cổ nhân ra như thế là đủ chiết phục 7 được thầy tôi, không ngờ thầy tôi lại cười mà nói bông:

    - Con không muốn lấy vợ à? Ngày xưa có một anh, lúc bé, cha, mẹ bảo lấy vợ cho thì nói: "Xin để thư thả, con còn bé!" Đến lúc nhiều tuổi thì lại nói: "Con già rồi, còn vợ, con gì nữa!" Rồi thầy tôi lại tiếp bằng một giọng nghiêm nghị: "Con nói cũng phải. Nhưng con nói thế là con chưa rõ đến tình cảnh nhà. Đã ngót nửa năm nay, sức thầy thấy yếu đi nhiều. Ăn không được. Ngủ không được. Ngửi đến rượu thì kinh. Con coi ban nãy ngồi tiếp bác, thầy chỉ cầm chén chứ có uống đâu. Ông có nói chuyện cụ ngày xưa khi sắp mất. Thầy xem ra, cái bệnh thầy bây giờ cũng thế. Thế mà thuốc thang mãi không khỏi con ạ! Con thử nghĩ nếu thầy chết đi thì tình cảnh nhà ta ra thế nào. Con thì đi học. Các chị con thì chúng nó ở nhà chồng. Ở nhà chỉ có mẹ con và mấy đứa em nhỏ. Mẹ con, người vốn 'năm ngày ba tật'. Trông ai khi tắt lửa, tối đèn? Ai là người giúp đỡ mẹ con mà trông coi nhà cửa, chăm chút các em? Cho nên thầy muốn định liệu sớm cho con. Nhỡ một mai thầy có thế nào, có người nó sớm hôm quấn quít với mẹ con. Trước là mẹ con đỡ khó nhọc. Sau nữa mẹ con cũng được vui bụng..."

    Thầy tôi nói đến đấy thì nước mắt tôi đã chan hòa, nằm yên không dám nói nữa.

    Thế là hôm sau tôi phải theo một người anh họ tôi ra chợ. Người ấy nói với tôi:

    - Tôi cùng cầu Trời khấn Phật cho chú nom được ngay trong buổi chợ hôm nay. Không có thì ngày Tết ông còn bắt tôi dẫn chú đi mỏi cẳng!

    Tôi cười:

    - Anh không lo. Đến nhà họ thì có vác mặt đến cho họ nom mình chứ mình nom sao được họ! Mà nom được nữa, biết đâu họ không cho nom người này mà cho cưới người khác? Mai chú có bắt đi nữa, anh, em mình cứ việc đem nhau đi chạy láo. Tối ngày ta về nói với chú là đi rồi. Chú biết đâu!

    Thế rồi tôi ra chợ đứng vơ vẩn một lúc rồi về. Chứ cũng không nom ai cả. Tôi dặn người anh họ:

    - Về thì anh cứ nói là tôi đã nom món nọ, món kia rồi, nhưng không thuận đâu cả!...

    Buổi sáng tôi đã nghĩ lại lời thầy tôi nói đêm trước. Tôi thấy việc lấy vợ cho tôi thực không cần thiết gì cả. Giúp đỡ mẹ tôi, việc ấy chỉ một người vú già cũng làm được. Cho nên tôi vẫn quả quyết thi hành kế hoãn binh của tôi là: Nếu khi thầy tôi hỏi lại, tôi sẽ nói không bằng lòng đám nào hết. Rồi vài ngày tôi đi học, thế là chuyện sẽ yên. Kế ấy chỉ làm cho tôi phải mắng mấy câu là cùng. Nhưng khi ở chợ về, tôi chợt nghĩ: Chi bằng đem ngay tình riêng mà kêu nài với thầy tôi. Kíp, chầy 8 thế nào chả phải một lần nói? Tôi tự xét mình, thấy có đủ can đảm nói. Trong trí tôi liền nảy ra một câu hỏi: Nhưng trong hai người: Lan và Hữu, nên lựa người nào? Tôi cũng biết rằng lựa người nọ là phụ người kia. Nhưng tôi thấy rằng tôi không có thể giữ vẹn cả hai bề được. Thế rồi tôi quyết sẽ xin lấy Hữu, chỉ vì mỗi một cớ: Hữu là người yêu tôi trước và tôi yêu trước. Định vậy rồi, tôi mong sau cho chóng đến lúc đi ngủ, để thầy tôi hỏi lại và để tôi sẽ nói. Lòng mong ấy cũng y như lòng mong của người bị cáo mong chóng đến ngày ra trước Tòa án: dù thất vọng, biết rõ tình thế mình vẫn đỡ khổ hơn là không biết và nhân đó mà ngày đêm phải phấp phỏng lo phiền.

    Nhưng đêm ấy là đêm ba mươi, thầy tôi bận rất nhiều việc. Cho mãi đến nửa đêm, cũng còn phải ra nhà thờ họ dự tế Giao thừa. Bởi vậy, đêm sau thầy tôi mới nhắc lại việc nom mắt. Thầy tôi hỏi:

    - Những đứa con đã nom, con không bằng lòng đứa nào cả phải không?

    Tôi sẽ nói và nói thật nhanh:

    - Thưa thầy, vâng. Nhưng con nghĩ thầy cũng không cần cho con đi nom mắt đâu nữa. Thầy cứ hỏi Hữu nhà chú Hường cho con cũng được.

    Nói xong, tôi nằm lặng nghe tiếng trống ngực tôi đập dồn mà đợi thầy tôi trả lời. Thì giờ lúc ấy dài ra cho tôi cũng như cho một người mẹ đứng trong phòng mổ mà chờ thầy thuốc mổ xong đứa con đau, khoảng thì giờ mà hy vọng với tuyệt vọng chỉ cách nhau bằng sợi tóc. Thầy tôi nín lặng một lúc rồi nói:

    - Không được, con ạ! Kể ra con ấy cũng khá và tính cũng ngoan. Nhà chú mày lại cũng nhà dòng dõi. Con bằng lòng cũng là phải. Nhưng hai bên còn phải đóng giỗ, đóng Tết với nhau, họ còn gần lắm! Giá phỏng nhà chú mày cũng như nhà ta thì không nói. Nhưng nhà chú mày thì có, mà nhà ta thì nghèo. Lấy như thế, họ lại bảo thầy, mẹ tham giàu mà quên cả tổ tiên! Cái tai tiếng ấy, con có chịu được không? Thầy thì thầy không chịu được!

    Mấy câu nói của thầy tôi, làm cho tôi tưởng như tim tôi không còn đập nữa. Tôi sẽ thở dài. Bao nhiêu mộng tưởng về cuộc đời hạnh phúc mà tôi mong hưởng chung với Hữu đều theo tiếng thở dài ấy mà tan... Trong lúc bàng hoàng tê tái, tôi chợt nghĩ đến Lan. Lòng tôi bỗng đâm liều như một người đánh bạc khi đã thua cay nhưng vơ vét còn được ít tiền dính túi. Dù biết đánh tất thua, người đánh bạc có cái liều đánh cho thua một thể. Dù biết nói ra tất thất vọng, tôi có cái liều nói ra cho thất vọng đến cùng. Ánh đèn mờ không soi rõ vẻ mặt nghiêm khắc của thầy tôi. Song tôi cũng nhắm mắt lại, rồi cất giọng run run mà nói:

    - Thưa thầy, nếu thầy không bằng lòng hỏi Hữu cho con, thì thầy hỏi Lan con nhà ông Đốc Bò cho con vậy!

    Thầy tôi nói:

    - Con nhà Đốc Bò à? Thầy không biết nó thế nào, nhưng bố, mẹ nó như thế thì lấy sao được. Nhà nó là một nhà mới nổi, không có nền nếp. Thằng chồng thì quanh năm cô đầu, cô đít! Con vợ thì suốt ngày rong chơi, ngắm vuốt. Một nhà kiêu sa, dâm, dật như thế, con cái chắc không có nết. Vả chăng, những con nhà ấy nó lại gả vào những đám vương tôn, công tử. Trừ những nhà biết nhà mình, biết quý dòng dõi, nền nếp, thiên hạ họ không hoài con gái mà gả cho một thằng học trò xác 9 như con đâu! Con nên kén ở nhà quê. Nhà ta, nên lấy con gái nhà quê mới phải.

    Tôi nín lặng. Vì đã tính trước sự thất bại, nên nghe thầy tôi nói, tôi cũng không nôn nao lắm. Khi nghe đến câu cuối cùng, trí tôi còn nảy ra một cái ý nghĩ khôi hài và chua chát: Thế này ra tôi lấy vợ là lấy vợ cho nhà tôi! Thế mà từ trước tôi vẫn tưởng là lấy cho tôi!

    Thầy tôi đóng câu chuyện dằng dai và vô vị của hai cha con, bằng một câu chen vào giữa hai tiếng thở dài:

    - Có ta nói thì nói, chứ ta biết chúng mày, những đứa ra học tỉnh, ngày ngày trông thấy những con gái thị thành, có đứa nào là thiết lấy vợ ở nhà quê đâu!...

    --------------------------------
    1 Rón rén, co ro.
    2 Tức Lý Bạch.
    3 Trích Luận ngữ. [Xem thơ] có thể phấn khởi được ý chí, xem xét được việc hay dở, hòa hợp được với mọi người, bày tỏ được nỗi sầu oán.
    4 Tức Viên Mai.
    5 Hay loay hoay, không yên.
    6 Ý nói cho người dẫn đi.
    7 Chiết: bẻ gãy, chiết phục có nghĩa là dùng sức mạnh để hàng phục. Ở đây có thể hiểu là "thuyết phục".
    8 Kíp: khẩn cấp; chầy: trì hoãn. Kíp chầy nghĩa là "sớm muộn".
    9 Ý nói học trò nghèo kiết xác.

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    12
    Xong Tết, tôi đi học, đem theo một mối tuyệt vọng ở trong lòng. Tuy vậy, nỗi lòng tôi vẫn giữ kín, không dám ngỏ cho Lan hay Hữu biết. Tính khờ dại và tính tự tôn của tôi bắt tôi phải nghĩ rằng: Nếu tôi cho họ biết thì họ sẽ đau đớn lắm. Thiên hạ có nhiều kẻ trông thấy những người họ yêu, họ thương phải chịu cực còn thấy khổ hơn là chính mình phải chịu cực. Những kẻ ấy, nếu họ không làm gì để khổ cho những người họ yêu, họ thương thì đó chẳng qua là do lòng ích kỷ. Tôi là một kẻ trong hạng người ấy.

    Thành thử ra mối tuyệt vọng của tôi chỉ làm cho tôi âm thầm đau đớn một mình. Tôi âm thầm đau đớn như một kẻ ở tang cho một người mà mình yêu quý nhất trên đời. Mà ai bảo tôi không đương ở tang? Cái "tôi" mơ mộng và sung sướng trong năm mười sáu tuổi vừa mới chết xong! Tôi ở tang cho nó! Bao nhiêu những cái nhắc cho tôi nhớ đến nó đều làm bật máu tươi cho vết thương lòng mà không bao giờ tôi có thể hàn gắn nổi. Bao nhiêu những cái ấy đều làm cho tôi xót xa, ghê sợ. Kìa cảnh vườn hoa, tôi không dám bước chân ra nữa: Đấy là nơi nghĩa địa đã vùi xương nó... Nọ Lan cùng Hữu, tôi không muốn nhìn mặt nữa: Đấy là những bạn tình của nó... Này lại những ảnh, những mùi soa, những thứ mà Lan cùng Hữu cho tôi làm kỷ niệm, tôi không nở liền tay ngắm nghía nữa: Đấy là những di tích của nó để lại ở đời... Quanh mình tôi lúc nào hình như cũng vây bọc bởi một vùng không khí lạnh lẽo gớm ghê. Bỗng dưng tôi rùng mình. Bỗng dưng tôi bủn rủn. Tôi chán nản. Tôi biếng nhác. Tôi không còn thấy có thú sống. Những cảnh lọt vào mắt tôi, đều hiện ra màu thảm đạm. Những tiếng đưa vào tai tôi, đều nghe ra những âm hưởng não nùng. Nhiều khi tôi bơ thờ như người mắc bệnh thần kinh. Tôi mê mụ mà quên cả câu tôi vừa nói buông mồm. Tôi vơ vẩn mà tìm cuốn sách chính tôi đương cầm trong tay. Ngoài hai buổi học, hai bữa cơm, tôi lại về buồng nằm. Tôi lơ mơ như người buồn ngủ suốt ngày, song không mấy đêm là ngủ được ngay và không giật mình thức giấc lại hai, ba lượt. Đời trước mắt đã làm cho tôi phiền não. Đời trong mộng cũng không cho tôi được sự nghỉ ngơi. Hễ nhắm mắt lại là tôi lại thấy thần hồn bay lạc đi những đâu đâu. Hoặc là trong bóng hoàng hôn, một mình thơ thẩn trong một cảnh đền miếu hoang tàn. Hoặc là dưới màn mưa bụi, một mình tôi bước chậm bên một hồ nước lặng, rong, dậy mọc đầy, hay trên một quãng đường vắng hai bèn xơ xác những bông lau, bông sậy!... Những giấc chiêm bao như thế làm cho tôi lúc thức dậy thấy trong người lạnh lùng và mỏi mệt... Soi gương tôi thấy đôi mày tôi ủ dột và đôi mắt tôi hình như tắt hết tinh anh... Tuy trước mặt Lan và Hữu tôi vẫn gượng nói, gượng cười, song chỉ mấy ngày là họ đã đoán biết tôi tất có điều gì sầu khổ trong lòng mà không muốn nói. Hữu hỏi tôi:

    - Sao độ này trông anh mất cả sắc? Hay ở nhà có chuyện gì để anh lo nghĩ?

    Tôi cố làm ra vẻ vô tư lự, nói giỡn:

    - Sao em anh lại rủa anh như thế! Tết về anh cảm, người nay còn chưa lại. Đêm anh không ngủ được nên người trông nó mệt đấy thôi!

    Lan cũng hỏi tôi:

    - Ngọc ơi! Sao Ngọc lại giấu Lan? Chúng mình lại không phải một người sao? Có điều gì khổ tâm, Ngọc san sẻ cho Lan chịu chung với chứ!

    Tôi cười:

    - Có điều gì mà tôi giấu! Chúng mình bây giờ sung sướng quá! Nhưng nghĩ đến đường xa tôi lại sợ. Không biết rồi đây có được sung sướng mãi thế này hay không? Những khi nghĩ thế thì tôi lại thấy buồn. Thế đấy thôi chứ không có sao cả, Lan ạ!

    Lan nín lặng ra ý suy nghĩ. Tôi trông thấy vẻ buồn của tôi in trên nét mặt Lan...

    Tháng Ba năm ấy ông Đốc Bò phải đổi đi Thái Nguyên. Lan báo tin ấy cho tôi và Hữu hay, vừa nói vừa muốn sa nước mắt. Hữu bảo Lan:

    - Thi sắp đến nơi rồi. Lan xin phép ở đây học với tôi. Thi xong rồi hãy lên trên ấy. Ở nhà tôi cũng như ở nhà Lan vậy.

    Lan buồn rầu đáp:

    - Tôi cũng đã nói, nhưng cậu, mợ tôi không bằng lòng.

    Tôi nhìn Lan thở dài. Tiếng thở dài ấy không phải dấu hiệu của một tấm lòng buồn. Đã mấy tháng nay tôi nằm ngồi với tuyệt vọng. Lòng tôi đã tê tái, không còn biết có gì là vui vậy. Đó là tiếng thở dài của một kẻ tuyệt vọng khi thoáng thấy một tia hy vọng. Tôi có cái hy vọng xa Lan sẽ quên được Lan. Không tìm được hạnh phúc trong sự yêu Lan, tôi đành mong được yên nghỉ trong sự quên Lan vậy! Cố nhiên Lan dù xa, bên mình tôi cũng vẫn còn có Hữu. Cố nhiên một mình Hữu cũng đủ làm cho tôi đau đớn. Tôi biết vậy. Nhưng tôi mong quên Lan cũng như ai mang hai vết thương, khi không khỏi được cả hai, hãy mong cho khỏi một. Tôi mong tôi quên Lan, rồi tôi lại mong Lan không còn nhớ đến tôi. Tôi liền quyết ý đem mối tuyệt vọng của tôi mà nói rõ cùng Lan. Tôi suy nghĩ xem nên cho Lan biết theo cách nào. Trước hết, tôi định nhân khi từ biệt, tôi sẽ nói cho Lan biết. Nhưng tôi sợ kết quả của cách ấy. Tôi không nỡ trông thấy Lan đau đớn trong khi trái tim Lan một lúc phải chịu hai mũi tên "biệt ly" và "tuyệt vọng"! Thế rồi tôi định cho Lan biết bằng thư, sau khi từ biệt. Nhưng tôi lại ngại thư bị người nhà hay thầy giáo biết trước mà không đến tay Lan. Sau cùng, tôi nghĩ được một cách tiện lợi hơn: tôi viết thư mà đưa tay cho Lan, trước khi từ biệt. Tối hôm ấy tôi không xuống buồng học. Tôi đem bút giấy về buồng ngủ mà viết thư. Tôi viết từ chập tối đến nửa đêm trước, sau sáu bức, xong, khi đọc lại, tôi lại lần lượt xé đi tất cả. Tôi ném bút đứng dậy, đi bách bộ ở trong phòng, nhất định nghĩ kỹ rồi mới viết chứ không nghĩ đến đâu viết đến đấy như trước nữa. Thế rồi tôi viết một bức thư dài hết hai trang giấy lớn. Trong thư nhiều đoạn rất giả dối. Song giả dối nhất là câu: "Không được yêu Lan, đời tôi, tôi thề không dám yêu ai nữa!" Kỳ thực thì ngoài Lan ra, tôi vẫn yêu Hữu. Vả chăng, nào có ai cấm tôi không được yêu Lan! Tuy giả dối làm vậy, mà bức thư ấy, khi tôi đọc lại, cũng làm cho tôi nước mắt chan hòa. Văn tôi đã làm cảm động tôi, cũng như giọng nói, giọng hát của một người đóng trò làm cảm động họ ở trên sân khấu. Tôi cố tình để cho nước mắt tôi nhỏ vào lòe loẹt cả thư, để cho Lan biết thư tôi thực là "hòa lệ mà viết". Tôi còn ngồi trước bức thư để đợi cho khô nước mắt, thì Lan đã đẩy cửa buồng mà bước vào, vịn vai tôi, cầm lấy thư xem. Tôi luống cuống đứng dậy, nhường ghế cho Lan. Không biết Lan đọc có hết hay không, mà mấy phút sau đã thấy nức nở gục đầu vào bức thư. Tôi van, tôi lạy thế nào, Lan cũng không nín nữa. Không làm thế nào được, tôi đóng chặt cửa buồng lại. Rồi kéo ghế, ngồi bên Lan, gục mặt xuống bàn, tôi cũng khóc theo Lan. Trong khi tôi khóc, tôi thấy tôi có đủ can đảm mà tự sát theo Lan, nếu khi Lan có ý ấy. Chợt thấy Lan lay tôi mà gọi:

    - Ngọc! Ngọc! Rồi hãy khóc! Lan bảo đã.

    Tôi lau nước mắt nhìn Lan. Khuôn mặt Lan, sau một trận khóc, dưới một ánh đèn hơi mờ, đã hiện ra một vẻ đẹp thần tiên, tôi chưa từng được thấy. Lan cất giọng chua chát hỏi tôi:

    - Bây giờ Ngọc không tin Lan nữa?

    - Sao Lan lại nói thế?

    - Thế sao Ngọc khuyên Lan quên Ngọc? Ngọc cho rằng Lan có thể quên Ngọc được hay sao?

    - Không phải thế! Nhưng Ngọc nghĩ Ngọc là một đứa chẳng ra gì. Nếu Lan không quên Ngọc thì Ngọc phải hối hận suốt đời rằng: Chính Ngọc đã giết Lan, đã giết cả hạnh phúc một đời của Lan!

    - Thế thì Lan không giết Ngọc, không giết cả hạnh phúc một đời của Ngọc hay sao? Như trong thư Ngọc viết: "Không được yêu Lan, Ngọc thề không dám yêu ai nữa"...

    - Nhưng Lan khổ, càng khổ thêm cho Ngọc!

    - Ngọc tưởng vậy, nhưng Lan nghĩ khác. Lan thấy rằng nếu chúng ta không quên nhau thì chưa hẳn đã tuyệt vọng. Nhưng cái đó còn tùy ở Ngọc...

    - Sao lại thế? Lan nói rõ. Đầu óc Ngọc bây giờ đã mê mụ đi cả!

    - Ngọc có thể, nhà hỏi đâu cho, cũng nhất định không lấy không?

    - Cái đó thì đã đành!

    - Thế thì được rồi! Chúng ta lại không có lúc làm được đủ nuôi miệng hay sao? Đến lúc ấy, nhà không thuận, ta có thể bỏ nhà theo nhau được.

    Câu nói cứng cáp của Lan làm cho tôi tỉnh ngộ. Do câu nói ấy, Lan đã sẻ cho tôi một phần nghị lực. Tôi nhìn tương lai không thấy đen tối mịt mù như trước nữa, tuy nó là một quãng đường đầy những chông gai... Nét mặt chúng tôi trở nên bình tĩnh sau một trận khóc hết nước mắt, cũng như bầu trời trở nên quang đãng sau một trận mưa rào. Chúng tôi vui vẻ mà bàn nhau về những chuyện đường xa. Chúng tôi khuyên nhau cố học cho lên bậc trung học để có thể cùng nhau tái hội ở Hà Nội. Chúng tôi mơ màng đến những cuộc gặp gỡ nhau ở các bờ hồ, các vườn hoa trong những ngày nghỉ học... Tiếng gà xao xác gáy. Chúng tôi từ biệt nhau sau một cái hôn say mê, đằm thắm nó như nối lại mối tình suýt đứt giữa chúng tôi...


  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    13
    Bấy giờ là một buổi sáng trong vụ nghỉ hè.

    Tôi đương ngồi ăn cơm với chú, thím tôi cùng các em thì có người nhà đến tìm. Người ấy chào cả nhà rồi nói với tôi:

    - Bẩm cậu, mời cậu về ngay; ông ở nhà ngặt lắm!

    Tôi giật nảy mình, buông đũa bát đứng dậy rồi thu xếp ra về. Dọc đường, bao nhiêu lần tôi hỏi người đày tớ về bệnh trạng thầy tôi. Tuy hắn đã đáp rồi mà chốc chốc tôi lại hỏi lại. Khi tôi về đến nhà thì trời đã chiều. Những tiếng tràng, tiếng đục của bọn thợ mộc đóng quan tài như đập thẳng vào tim, óc tôi cho tan ra từng mảnh vụn! Vào trong nhà, tôi thấy thầy tôi đương ngồi ở trong giường, tựa mình vào mấy cái chăn gấp vuông lại và để chồng lên nhau. Tuy đầu thầy tôi đã cạo trọc và người gầy yếu hơn trước nhiều song cửa vẫn mở, màn vẫn vắt một bên, quang cảnh trong nhà coi không ra quang cảnh chỗ nằm của người Việt Nam sắp chết.

    Tôi vào chào thầy tôi, rồi ngồi vào chiếc ghế đặt ở trước giường mà hỏi thăm về bệnh trạng. Thầy tôi cười, cất giọng mỏi mệt đáp:

    - Bệnh thầy thì hỏng rồi, con ạ! Đã hai hôm nay đại, tiểu tiện bí cả. Chốc chốc lại lên cơn đau bụng. Con trông đây: chân, tay lại hơi phù. Ăn uống cái gì vào là thổ ra ngay. Các thầy lang bó tay chịu cả. Kìa! sao lại khóc? Thầy đã chết đâu mà khóc? Mà khóc có ích gì đâu, con!...

    Tuy sợ thầy tôi thật, song tôi lau nước mắt đi nó lại tràn ra. Kỳ thực thì sự trông thấy một người thân đương vào tay thần Chết lôi đi, mà mình chịu bó tay ngồi nhìn, vốn là một cảnh không mấy người nín được khóc, dù biết khóc là vô ích. Hai chị tôi ngồi ở cạnh thầy tôi, thấy tôi khóc cũng khóc nức nở. Thầy tôi gắt:

    - Ô hay! Những quân này lạ chứ! Chúng mày định làm tội bố chúng mày đến lúc chết à? Trông thấy chúng mày khóc, tao khó chịu vô cùng! Tao chịu tội với chúng mày đã chán rồi! Bây giờ sắp chết, cũng để cho tao thư thả một chút chứ!

    Nói đến đấy, thầy tôi đã mệt, thở lên hồng hộc. Chúng tôi không dám khóc nữa. Vội vàng đỡ thầy tôi nằm xuống. Thầy tôi bảo tôi ngồi vào trong giường và xua các chị tôi ra ngoài. Rồi thầy tôi cầm. tay tôi, đặt vào ngực, nhìn tôi một cách âu yếm. Đó là lần thứ nhất thầy tôi tỏ lòng yêu tôi bằng hai mắt. Tôi không thấy sợ thầy tôi nữa. Đối với thầy tôi lúc ấy, tôi thấy trong lòng chỉ chứa chan những mối yêu, thương. Yên lặng một lúc, thầy tôi mới thở dài mà sẽ bảo tôi:

    - Bây giờ là lúc thầy cần phải nói với con. Bây giờ không nói, sợ rồi ra muốn nói cũng không kịp nữa: Chân, tay thầy thấy đã buồn bã cả...

    Tôi dạ. Thầy tôi lại nói:

    - Thầy là một người suốt đời bất đắc chí! Lúc thiếu niên, nào thầy có thiết chi phú, quý ở đời này! Trung gian chỉ vì cớ đông chúng con mà phải đem thân luồn, cúi người ta! "Vị ngũ đẩu mễ chiết yêu!" 1 (Vì năm đấu gạo mà phải khom lưng), cái nhục ấy không bao giờ thầy quên được! Cho đến bây giờ tuổi già, mình yếu, trông lại hoài bão lúc bình sinh, nghìn phần thầy không làm được phần nào cả! Thầy thật không có mặt mũi nào trông thấy người thiên hạ! Cho nên, con xem đấy, có lúc nào là thầy được vui đâu! Sống như thầy thật có như nhời cổ nhân: "Mạc nhược tốc tử chi vi dũ!" (chẳng gì bằng chóng chết là hơn cả). Bây giờ chết đi, thầy còn tiếc gì đời nữa! Chỉ thương hại cho mấy đứa em con còn bé, dại cả. Nhưng biết làm sao được! Thôi thì thương thầy, con thương lấy chúng nó. Liệu đấy mà nuôi, dạy cho chúng nó nên người... Thôi, ra gọi chúng nó vào đây! Thầy chỉ dặn con có thế.

    Tôi bàng hoàng chạy ra, gọi ba đứa em nhỏ tôi vào. Thầy tôi bảo chúng nó ngồi cả chung quanh, rồi chỉ tôi mà dặn:

    - Thầy chết đi, anh nó bảo thế nào, chúng con phải nghe thế nhé!

    Chúng nó vừa cất tiếng vâng, vừa sụt sịt khóc. Thầy tôi cười nhạt, cầm lấy tay chúng nó:

    - Nín đi thầy bảo! Thầy nói thế chứ thầy đã chết đầy 2 !

    Rồi thầy tôi lại như nói một mình:

    - Ai ngờ tôi lại chết uổng vào tay vợ, con tôi!

    Tôi ngồi ngây mà nhìn thầy tôi và mấy đứa em nước mắt dài, nước mắt ngắn trong ánh sáng lờ mờ của cảnh hoàng hôn. Hai chị tôi đem đèn vào, đổ nước sâm cho thầy tôi, nhưng thầy tôi gạt ra không uống. Mẹ tôi vào gọi tôi và mấy đứa em ra ăn cơm. Ăn xong, tôi lại vào bên giường bệnh. Mẹ tôi thì tiếp các người đến hỏi thăm ở bên ngoài. Thầy tôi bảo các chị tôi có chuyện cổ tích gì tức cười kể lại thầy tôi nghe. Các chị tôi dạ, song không tìm được chuyện gì kể. Thầy tôi liền bảo tôi:

    - Thôi! Thằng Ngọc đi lấy tập thơ Phương Đình 3 đọc tao nghe cũng được.

    Tôi đọc một lúc thì nghe tiếng thầy tôi ngáy. Tôi thôi không đọc nữa, vì tôi chắc thầy tôi ngủ. Nhưng khi nhìn xuống thì thấy mắt thầy tôi vẫn mở, và đưa đi, đưa lại luôn luôn. Tôi sợ hãi, hỏi người anh trưởng họ tôi, lúc ấy ngồi bên tôi:

    - Anh ơi! Anh trông mắt chú sao lại thế này?

    Anh ta nhìn rồi đáp:

    - Chú mê mất rồi! Thử gọi xem!

    - Nhưng chú đương ngáy. Tôi sợ gọi chú mất giấc ngủ.

    - Cứ thử gọi xem! Ngủ sao lại mở mắt? Có dễ chú thở ra đấy, không phải ngáy đâu!

    Tôi luống cuống, ghé bên thầy tôi mà gọi. Nhưng gọi thế nào thầy tôi cũng không đáp nữa!...

    Sau khi đưa đám thầy tôi, tôi theo học lên Hà Nội. Sự biến cố trong nhà, sự xa Hữu và Lan, làm cho tâm hồn tôi có một đôi phần thay đổi. Nhiều khi tôi muốn đoạn tuyệt với cả hai người để được chuyên tâm về việc học. Tôi cho rằng cái cuộc tình duyên rắc rối ấy, tôi theo đuổi bao nhiêu, chỉ chuốc thêm phiền não bấy nhiêu, chứ chung quy tất không có kết quả gì! Tuy vậy, tôi không đủ can đảm để làm theo ý muốn của tôi. Tôi như một anh nghiện kiết nào, vẫn biết thuốc phiện làm cho mình càng ngày càng thêm cùng quẫn, song không sao mà bỏ được. Sự bỏ thuốc phiện làm cho anh ta chịu ngay cái khổ nhỡn tiền - cái khổ "thuốc phiện vật"! Sự đoạn tuyệt với ái tình đối với tôi cũng vậy: sống không yên, cô ả nhàn sầu cũng có sức "vật" tôi khổ hơn là mắc tay cô ả phù dung! Chao ôi! Vì hèn nhát, trong đời còn biết bao nhiêu kẻ hy sinh tương lai cho hiện tại như tôi với anh nghiện ấy? Cũng bởi thế mà khi đến Hà Nội là tôi viết thư ngay cho Lan và Hữu. Nhưng sau khi gửi thư đi, tôi mong mãi mà không được thư trả lời. Thế rồi khi lòng mong đã đến cực độ, tôi thấy sự mong làm khổ tôi quá! Tôi liền phát phẫn mà không mong! Tôi cho là họ không bao giờ trả lời tôi nữa! Tôi tự nhủ bằng một câu chua chát: "Thôi mong làm chi nữa! Mày chẳng qua là một món nghiên cứu để chúng nó dùng trong khi vỡ lòng học sự yêu trai! Bây giờ mày là đứa học trò xác, mà chúng nó thì là những cô tiểu thư nghìn vàng! Đứa nào còn nghĩ đến mày nữa!" Sự suy nghĩ ấy giúp cho tôi quả quyết thi hành cái ý muốn mà trước kia tôi không làm nổi. Đêm khuya tôi ngồi dậy, cầm ngọn đèn trong đêm ra ngoài sân gác. Rồi tôi lục hết cả các món mà hai người cho tôi làm kỷ niệm, nào ảnh, nào tóc, nào mùi soa, nào gối, tôi đem đốt cho kỳ hết. Tôi ngồi ngây ra mà nhìn cho ngọn lửa vô tình cháy dần những món tôi yêu, thương về trước đó, rồi tôi đem nước mắt nóng mà tưới cho nắm tro tàn. Trái tim tôi lúc ấy, như cũng đã tàn ra tro! Tung đám tro đó cho bay tan sang nóc nhà láng giềng, tôi tự yên ủi tôi: "Thôi thế cũng xong! Thà rằng bây giờ họ phụ mình, còn hơn sau này có lúc mình phụ họ!" Từ đó tôi chuyên tâm về việc học. Tuy vậy, mỗi khi nhớ đến việc cũ, tôi lại thở dài như một nhà đạo đức hủ 4 : Tôi thở dài cho thế thái, nhân tình!

    Ai ngờ ngay trong năm ấy, lại còn một việc làm cho tôi phải thở dài cho thế thái nhân tình một cách chua cay hơn thế!

    Nhà tôi vốn là một nhà thế gia, nghĩa là một nhà nghèo. [...] 5

    Giàu là những nhà đi buôn, những nhà làm ruộng. Phần di sản của ông tôi để lại cho thầy tôi có một sào đất với ba sào ruộng. Khi thầy tôi còn làm việc, ruộng, mẹ tôi cũng dành dụm tậu được thêm ba mẫu. Đó là cả cơ nghiệp nhà tôi ở trong làng. Cái cơ nghiệp ấy, sau khi thầy tôi mất đã hao hụt đi nhiều. Không muốn ai nói động đến vong linh thầy tôi, mẹ tôi đã phải làm mấy bữa cỗ trả "nợ miệng" các nhân đinh trong làng và các quan viên trong hàng tổng, hàng huyện: Thầy tôi xuất thân là một ông Cử. Thế là đi đứt mấy mẫu ruộng mới tậu. Tuy vậy, nhà tôi còn một cái cơ nghiệp ở ngoài làng nữa là năm mẫu ruộng mà ông ngoại tôi chia cho mẹ tôi. Việc quản lý mấy mẫu ruộng ấy, nhà tôi vẫn giao cho cậu cả tôi. Mẹ tôi cứ chắc trông vào đó, việc chi tiêu trong nhà sẽ không đến nỗi thiếu thốn. Khi tôi đi Hà Nội, vốn mong thi vào được trường Bảo hộ và xin được học bổng. Nhưng thi trượt, tôi phải học tư ngoài. Sợ nhờ việc học của tôi, mẹ tôi phải vay tiền cho tôi chi độ 6. Mẹ tôi định sẽ bán số lúa thuế ruộng mà bấy lâu vẫn gửi cậu tôi cho vay để trả món nợ. Không ngờ lúc mẹ tôi đến tính với cậu tôi, thì số lúa kia hóa ra "hữu danh vô thực". Bao nhiêu lúa trong huân, mợ tôi đều nhận là của mợ tôi cả. Còn số lúa mẹ tôi gửi, thì mợ tôi nói: "Lúa má nào? Tôi biết đâu đấy! Mặc kệ anh em nhà cô với nhau!" Mẹ tôi đành cãi nhau với cậu, mợ tôi một trận rồi sướt mướt khóc trở về. Về, mẹ tôi thu xếp bán mấy mẫu ruộng ấy. Nhưng cậu tôi là lý trưởng đương thứ 7. Mẹ tôi xếp bán cho ai, cậu tôi cũng nhất định không đóng đồng triện vào văn tự! Nhân cớ ông ngoại tôi hồi xưa chia ruộng cho mẹ tôi là chia miệng chứ không có di chúc, cậu tôi đã lấy quyền gia trưởng, lập ý muốn nuốt không mấy mẫu ruộng về phần mẹ tôi. Nhưng bề ngoài thì cậu tôi lại tỏ ra một ông anh cả rất nhân từ. Cậu tôi bảo mẹ tôi: "Cô dại lắm! Bán đi lúc nào là hết lúc ấy! Rồi mẹ con lấy gì mà nuôi nhau được? Tôi không thể biết đấy mà không giữ. Tôi nhất định không cho cô bán! Tôi giữ là giữ cho cô và các cháu chứ cho ai!"

    Đó là câu chuyện "thế thái, nhân tình" mà mẹ tôi cho tôi biết vào hồi cuối năm ấy, khi tôi nghỉ Tết, vừa "mới bước chân về đến nhà". Mẹ tôi cho tôi biết tấm lòng vàng - hay tấm lòng "tham vàng" - của cậu, mợ tôi rồi bảo tôi:

    - Theo ý bác con thì nhà ta nên đi kiện!

    Tôi ngẫm nghĩ rồi đáp:

    - Thưa mẹ, kể cậu, mợ con mà ăn ở như thế là tuyệt đường nhân nghĩa rồi, đi kiện cũng là phải. Nhưng con chỉ sợ mấy mẫu ruộng ấy không ở tay cậu con thì vào túi quan Huyện chứ không đến phần nhà ta.

    - Thế thì làm thế nào bây giờ? Lấy gì trả nợ người ta? Lấy gì cho con đi học? Lấy gì nuôi các em nay, mai cũng có đứa phải đi học trường tỉnh? Mẹ ở nhà nuôi con lợn, con gà, làm cái vải cái giấy cố công tần tảo, nuôi chúng nó đủ ngày hai bữa, kiếm cho nó đủ bút, giấy đi học trường làng, thế cũng đã là khó lắm rồi!

    Mẹ tôi vừa nói, vừa nước mắt chảy xuống ròng ròng.

    Tôi nhìn mẹ tôi, trong lòng cay đắng muôn vàn. Ai là kẻ làm con, đã cầm lòng đậu trước những giọt lệ thương tâm của mẹ? Tôi ngồi lặng đi một lúc lâu, rồi khảng khái mà nói:

    - Thưa mẹ, con xin mẹ đừng nghĩ gì nữa! Con đã có cách! Con sẽ bỏ học. Con sẽ đi kiếm việc làm. Có việc làm là có tiền trả nợ, có tiền nuôi được các em...

    - Nhưng thế thì khổ thân con quá! Năm nay con mới có mười bảy tuổi đầu!

    - Con cũng biết mẹ thương con lắm, nhưng làm thế nào được!

    Nói thế rồi, tôi cũng khóc. Tôi khóc cho cái đời trí thức của tôi!

    Một lúc sau, mẹ tôi lục đưa cho tôi hai bức thư: Tôi nhìn ngoài phong bì thì là thư của Hữu viết cho tôi vào hồi tháng Chín tháng Mười năm ấy. Tôi mở ra đọc. Bức thứ nhất Hữu cho tôi biết chú tôi sắp sửa dời nhà lên Phú Thọ, vì mới mở đồn điền ở đấy. Bức thứ hai, Hữu cho tôi biết địa chỉ mới. Bức thứ nhất có kèm thư của Lan gửi về nhà chú tôi cho tôi, báo tin ông thân sinh bị mệt nặng. Xem xong, tôi hối hận về sự tôi đã ngờ oan họ. Vì thư họ gửi cho tôi, chính vào độ tôi gửi thư cho họ. Nhưng thư họ đến nơi, còn thư tôi thì lạc. Thư cho Hữu lạc vì cớ chú tôi đổi chỗ ở. Còn thư cho Lan lạc, chắc cũng vì một cớ giống như thế. Họ không được thư tôi, tự nhiên không biết địa chỉ mới của tôi ở Hà Nội để viết thư cho tôi nữa. Thần ngẫu nhiên đã cắt dịp 8 cầu ân ái, chứ chẳng phải là họ đã quên tôi. Thế nhưng tôi lại nghĩ: Dù bấy giờ họ chưa quên, nhưng bây giờ chắc họ quên rồi. Mà họ chẳng quên tôi nữa, tôi cũng nên quên họ. Tôi nên quên họ cũng như tôi nên quên tôi vậy. Vì rằng thân tôi đã không phải là của tôi nữa. Nó đã là của nhà tôi, của hai đứa em tôi. Tôi đã trót hứa với thầy, mẹ tôi như thế mất rồi!

    Thế là tôi thất học từ năm mười tám tuổi! Cái đó là một vết thương tâm mà tôi mang đến suốt đời. Cho nên bây giờ khi tôi gặp những người trẻ tuổi mà hoàn cảnh bắt buộc phải thôi học, thì thực lòng tôi thương họ vô cùng. Kỳ thực thì là tôi tự thương tôi: Trong họ có một phần "tôi" năm tôi mười tám tuổi. Tôi chỉ thương có cái phần ấy...

    --------------------------------
    1 Câu nói nổi tiếng của Đào Tiềm thời Đông Tấn ở Trung Quốc. "Ngã khởi năng vị ngũ đẩu mễ chiết yêu quyển quyển sự hương lý tiểu nhân đa", nghĩa là "Ta lại có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu còng lưng, vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi thôn xóm ấy ru".
    2 Có lẽ là "chết đâu".
    3 Tức Phạm Đình Hổ.
    4 Tức là cổ hủ.
    5 Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ một đoạn.
    6 Chi tiêu độ nhật.
    7 Đương nhiệm, tại vị.
    8 Tức là nhịp.

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    14
    Hôm ấy lại là một hôm nghỉ lễ Phục sinh.

    Tôi thơ thẩn ra chơi chùa Ngọc Sơn, một mình ngồi trước Trấn Ba đình, mắt tôi nhìn những bóng nhà, bóng cây, in dưới mặt hồ nước lặng mà lòng tôi thì nghĩ vẩn vơ. Hoàn cảnh eo hẹp của tôi cấm tôi hết thảy mọi xa vọng 1 có thể làm náo nức một tâm hồn trẻ trung. Cho nên dù trẻ trung mà tôi ngồi đó như một ông già: Tôi sống về quá khứ. Cái tương lai bằng phảng, tầm thường, tưởng tượng đến tôi chỉ thấy nhọc nhằn và chán nản. Muốn giải trí, tôi nhớ lại những ngày năm xưa. Tôi chợt nhớ lại ngày lễ Phục sinh mà Lan và Hữu cùng tôi trảy hội chùa Hương. Phim ảnh quãng đời tôi lúc ấy từ trong nếp óc mà trải ra trước mắt tôi, biết bao vẻ nên thơ, nên mộng! Nhưng khi phim ảnh ấy đã lướt qua, lòng tôi lại không khỏi ngậm ngùi, tiếc rẻ. Sống trong cái vũ trụ nay thay, mai đổi, tôi tự thương mình cũng theo với tháng ngày mà thay đổi, từ khu xác 2 đến tâm hồn. Nét mặt tôi, con mắt tôi, đâu còn vẻ vui, tươi, trong, sáng ngày xưa! Mà trái tim tôi, ngày xưa hớn hở, nồng nàn, nay cũng như héo hắt, khô khan, sau bao nỗi thương đau, nhục nhã!...

    Tôi đương nghĩ vẩn vơ như thế thì sau lưng tôi nghe có tiếng giày đi lại. Rồi thì lòng tôi hồi hộp khi nghe tiếng Hữu nói:

    - Mợ! Người ngồi kia có dễ là anh Ngọc.

    Tiếng thím tôi nói tiếp:

    - Ừ nhỉ!

    Tôi không đợi cho hai người đi lại gần nữa, vội vàng đứng dậy chào thím tôi. Thím tôi hỏi:

    - Bác ở nhà mạnh đấy chứ? Anh bây giờ học đâu? Hơn một năm nay rồi, anh bận gì mà cũng không thèm nhìn đến chú, thím nữa?

    Tôi bối rối đáp:

    - Thưa thím, mẹ con vẫn mạnh. Con bây giờ đã bỏ học...

    - Sao lại bỏ học?

    - Thưa thím, nhà con bây giờ túng lắm. Con phải đi làm lấy tiền nuôi các em con...

    - Thế sao không viết thư cho chú, thím? Chú, thím trời cho có. Nếu biết nhà túng, cũng có thể giúp đỡ được anh không đến nỗi bỏ học...

    Trong khi thím tôi nói, tôi cho ngay là nói đãi bôi! Sau khi được biết cách cư xử tàn nhẫn của một người cậu, tôi không còn tin tấm lòng quảng đại của người đời. Thím tôi nói tiếp:

    - Tội nghiệp! Thế làm ăn có khá không?

    - Thưa mỗi tháng được có hơn hai chục đồng!

    - Thôi thế cũng khá! Nhưng sao cho đủ được?

    - Bẩm không đủ cũng phải đủ! - Tôi vừa nói vừa cười nhạt.

    - Thôi, thong thả thím cháu sẽ nói chuyện. Bây giờ tiện xe, anh lên chơi với chú. Các em không mấy ngày là chúng nó không nhắc.

    Tôi tự thấy chối không nổi, đành cất tiếng "vâng". Bấy giờ tôi mới đưa mắt nhìn Hữu. Tôi cứ chắc Hữu đối với tôi lúc ấy hẳn giữ một thái độ lạnh lùng và rẻ rúng. Song khi nhìn thì gặp đôi mắt Hữu đương chăm chắm nhìn tôi một cách đau xót, và vẻ mặt đã tỏ ra thực lòng cảm động về tình cảnh của tôi. Thím tôi đã quay ra. Tôi và Hữu bước theo. Lúc nhường tôi đi trước, Hữu còn nhìn tôi và mỉm một nụ cười ngày xưa. Cái hạnh phúc được yêu lại trở lại với tôi. Cái nhan sắc dậy thì của Hữu, sự xa lâu mới gặp cùng làm cho tôi sung sướng tê mê. Tâm hồn tôi như lại bị nắm chặt trong tay Hữu...

    Lên xe, ngồi bên tôi, Hữu sẽ hỏi tôi bằng giọng trách móc:

    - Anh tệ quá! Mấy lần em viết thư mà anh cũng không thèm trả lời nữa!

    - Cái ấy thì anh có lỗi thật! Nhưng...

    Tôi không sao nói tiếp được nữa! Vì tôi không sao tìm ra được một cớ để gỡ lỗi cho mình. May Hữu cũng không vặn lại, chỉ trách thêm một câu:

    - Mà Hà Nội với Phú Thọ, mấy hào tàu, anh cũng tiếc!

    - Không phải thế! Nhưng từ ngày bỏ học, anh thực không còn muốn đi đến đâu, không còn muốn nhìn thấy một ai!

    - Không muốn nhìn thấy cả em? Không nhớ đến em?

    - Vẫn nhớ! Nhưng em quên anh rồi! Một đứa nghèo hèn như anh, còn đáng nhớ đến ai nữa!

    - Anh khinh em quá! Anh cho em chỉ biết quý có những người phú quý! Anh nhầm lắm! Ngày xưa anh có phú quý bao giờ đâu!

    - Nhưng ngày xưa không phải là bây giờ! Anh cho rằng em bây giờ không phải là em ngày xưa.

    - Ai bảo anh thế?

    - Thế thì anh lại xin lỗi em lần nữa! Gặp nhiều việc biến cố, óc anh bây giờ nó loạn lên như thế đấy. Em giận hay em thương?

    - Em thương!

    Hữu sẽ đáp tôi sau một tiếng thở dài. Rồi chúng tôi nhìn nhau bằng hai cặp mắt mê man, say đắm. Khi xe về đến nhà, thì chú tôi đi thăm đồn điền vắng. Mấy đứa em nhỏ chạy ra đón. Trông thấy tôi đều ra vẻ mừng rỡ, xúm xít hỏi chuyện. Ăn bữa chiều xong, thím tôi mắc dở có khách. Tôi cùng các em cùng ngồi nói chuyện trẻ con với nhau ở dưới nhà ngang. Quá tám giờ, thím tôi mới lại xuống hỏi chuyện tôi. Mười giờ, thím tôi đứng dậy, đem các em nhỏ đi ngủ, và bảo Hữu:

    - Em bảo chúng nó dọn giường trên nhà khách cho anh nghỉ.

    Tôi đứng dậy, theo một người đày tớ trai lên nhà khách. Đương lúc tôi đứng nhìn quanh vơ vẩn thì Hữu cùng con hầu đã đem chăn, màn, đệm, gối lên. Hữu bảo người đày tớ mắc màn và sắp đặt chỗ nằm. Lại xem xét lại một lượt rồi nói với tôi bằng một giọng nửa ân cần, nửa lễ phép:

    - Thôi mời anh đi nghỉ. Em xuống.

    Hữu và người nhà ra khỏi rồi, tôi tắt ngọn đèn to, đem ngọn đèn nhỏ vào trong màn, định nằm đọc cho hết cuốn sách mà tôi đọc dở để ở trong túi. Từ khi tôi thất học, tháng nào tôi cũng dành được ít tiền mua sách, và lúc nào túi tôi cũng có một cuốn sách nhỏ để đọc vào những thì giờ vụn vặt. Đó là cách tôi yên ủi cho cái đời trí thức của tôi. Nhưng tôi vừa đặt mình xuống, thì thấy trong lần áo gối có vật gì cồm cộm. Tò mò, tôi ngồi dậy, cầm lấy chiếc gối. Tôi thoáng thấy một góc có thêu chữ H nhỏ bằng móng tay. Mở áo gối ra coi thì là một vuông khăn màu hồ thủy, trong gói tấm hình của Hữu. Nhìn hình, tôi biết là mới chụp. Tim tôi hồi hộp trong khi nghĩ đến Hữu đã đưa gối của Hữu cho tôi gối và tặng tôi tấm ảnh cùng vuông khăn. Tôi sẽ đưa tấm ảnh lên môi mà hôn rồi gấp vào trong cuốn sách. Còn vuông khăn, tôi cất trước vào túi áo. Đóng lại áo gối rồi, tôi nằm mà đọc sách. Nhưng đọc đấy mà không hiểu. Mắt tôi nhìn vào sách mà trí tôi thì lạc đi những đâu. Gấp sách lại, tôi cất ngọn đèn ra ngoài màn. Dưới ánh trăng tà, các cây hoa trồng trong các chậu in bóng cành bóng lá xuống đầy sân. Vào màn nằm, cảnh vườn cũ bỗng hiện ra trong trí nhớ của tôi. Tôi ước ao lại được cùng Hữu ngồi đôi nói chuyện ở giữa cảnh vườn xuân. Nhưng lại tự biết rằng cái thú ấy hiện nay không thể tìm được nữa...

    Sáng hôm sau, chú tôi đã về. Chú tôi hỏi thăm việc nhà tôi rồi hỏi tôi học đâu. Tôi chưa kịp thưa thì thím tôi đã thuật hộ tình cảnh tôi cho chú tôi rõ. Chú tôi yên ủi tôi:

    - Thôi cũng được! Người ta có min 3 có chí là làm ăn được chứ bằng cấp cũng không quan hệ gì cho lắm. Như chú, nào bằng cấp gì đâu mà tay không cũng làm nên được như bây giờ! Còn như học lấy biết thì cháu cứ đọc cho nhiều sách là được rồi! Nếu có thiếu tiền sách vở và chi độ ở nhà, cứ viết thư lên. Chú, thím xin trợ cấp.

    Tôi "vâng", song trong bụng thì nhất định không bao giờ lại xin tiền chú thím tôi. Chuyện vãn một lúc, chú tôi chợt cười bảo tôi:

    - Cháu năm nay đã lớn mà tang thầy cháu cũng sắp xong rồi. Để chú nói với mẹ, chú kén vợ cho. Hay cháu bằng lòng đâu thì bảo chú, chú làm mối thì giỏi lắm, đâu cũng là phải đắt!

    Tôi bẽn lẽn đáp:

    - Thưa chú dạy vậy, chứ con thì học hành dở dang, nhà con thì sa sút, ai có hoài con gái mà gả cho con!

    - Cháu khinh người quá! Cháu bảo người thiên hạ chỉ biết có tiền với bằng cấp hay sao? Người ta cốt ở người chứ!

    Tôi cười không nói nữa. Trong lòng thì mừng rỡ, vì tôi cho đó là chú tôi tỏ ý muốn gả Hữu cho tôi.

    Buổi chiều, tôi đáp xe lửa về Hà Nội. Hôm qua còn mải nói chuyện với Hữu. Hôm nay tôi mới tựa cửa sổ mà ngắm xem phong cảnh dọc đường. Quen nhìn những cảnh ruộng lầy, nước đọng ở đồng bằng trông đến những đồng màu xanh những đồi đất đỏ miền trung du, tôi thấy có một mối cảm lạ lùng mới mẻ. Tôi nhìn không biết mỏi mắt. Kỳ thực trong túi tôi có tấm ảnh Hữu mới tặng, trong óc tôi lại có cái hy vọng cùng Hữu nên duyên đôi lứa, tôi nhìn đâu mà chẳng là phong cảnh hữu tình! Tôi đinh ninh rằng mẹ tôi vốn nuông tôi, nếu tôi khéo vật nài, thì về việc cầu hôn với Hữu mẹ tôi sẽ không để tôi phải thất vọng như thầy tôi độ trước.

    --------------------------------
    1 Trông ngóng xa xôi.
    2 Thân xác.
    3 "Min" trong tiếng cổ thường có nghĩa là "mình", trỏ vào bản thân đối tượng phát ngôn.

  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    15
    Trong ánh mặt trời tà, tôi thơ thẩn dưới một cây tân di 1, mọc bên đường Cổ Ngư, chơi với mấy đứa trẻ đứng chơi quanh mình. Đó là cái thú tiêu khiển duy nhất của tôi từ khi đi làm. Được ngày nghỉ, tôi bỏ ít thì giờ đi lang thang một mình. Đến đâu, thấy có đàn trẻ đương chơi, tôi liền nhập bọn với chúng. Tùy lúc, tùy chỗ, tôi bày thêm cho chúng một trò chơi. Thế là chúng thân với tôi ngay, và làm quà cho tôi những câu chuyện thơ ngây, ngộ nghĩnh. Lúc ra về, tôi lại làm quà cho chúng những thứ mà tôi mua sẵn để trong túi: mấy cái kẹo hay mấy gói lạc rang. Bấy giờ thì tôi lấy giấy làm một cái thuyền buồm thả xuống mặt hồ. Làn gió chiều hây hẩy, đưa thuyền ra tận ngoài xa. Đàn trẻ nhìn theo nhí nhởn cười. Tôi lại bẻ lá tân di làm cho chúng và tôi mỗi đứa một con trâu. Rồi dứt dây cỏ làm chạc trâu, tôi cùng chúng dắt trâu đi, vừa cười vừa bắt chước tiếng trâu kêu: "Nghé ngọ! Nghé ngọ!" Tôi đương mải nhìn một đứa trẻ mà miệng cười tươi như miệng cười của Hữu, thì chợt nghe tiếng gọi:

    - Ngọc! Ngọc! Làm gì ở đấy?

    Tôi giật mình ngảnh lại thì Lan đã từ trên xe nhà bước xuống, vẻ đẹp ẻo lả thêm não người vì bộ áo, quần đại tang. Người tôi như gặp một luồng gió lạnh đưa qua; tôi rùng mình nhớ lại việc Lan đã quấy rối cuộc đời bình tĩnh của tôi năm trước. Tuy vậy, tôi cũng vội đứng dậy và ân cần hỏi:

    - Kìa Lan! Để tang ai thế?

    - Cậu tôi mất ngay năm đi khỏi Thái. Thế Ngọc không nhận được giấy báo tang à? Còn Ngọc, Ngọc để tang ai?

    - Thầy tôi cũng mất năm ấy. Tôi đã gửi thư cho Lan biết rồi thôi?

    - Gửi hồi nào? Gửi vào đâu? Tôi không nhận được.

    - Tôi gửi sau hồi nghỉ hè, gửi lên Thái Nguyên.

    - Thế thì thư lạc rồi. Hồi ấy nhà tôi đã về cả Hà Nội.

    - Còn giấy báo tang Lan gửi chắc cũng thế. Hồi ấy chú tôi dời nhà đi Phú Thọ. Mà giấy báo tang chắc Lan gửi vào nhà chú tôi cho tôi. Lan có biết nhà quê tôi đâu.

    - Thế không trách được! Thảo nào tôi mong thư Ngọc mãi! Tôi giận Ngọc lắm lúc đến phát khóc!

    - Thì tôi cũng mong thư Lan như thế!

    - Thôi, việc cũ không kể! Ngọc lên Hà Nội mấy năm nay rồi? Học đâu?

    - Có học hành gì! Lên Hà Nội hai năm nay, học được mấy tháng, rồi phải đi làm đày tớ ông thần Tiền!

    - Tôi cũng bỏ học rồi! Mợ tôi thấy người yếu không cho đi học nữa! Hơn một năm nay, tôi mắc chứng thổ huyết, Ngọc ạ!

    Nói đến đây, Lan sẽ cất tiếng thở dài, rồi giậm mũi giày xuống đám cỏ xanh vô tội dưới chân mà nói tiếp:

    - Thành thử ra cùng ở Hà Nội hai năm nay mà không gặp nhau! Thôi! Giờ lại đàng nhà thăm mợ tôi!

    Tôi định chối song mồm không sao mở được. Lan bảo người kéo xe chạy gọi xe cho tôi. Ngồi trên xe, tôi thấy tôi như người bị Lan bắt cóc. Một lúc sau, xe chúng tôi đã đậu trước một cửa hàng tơ lụa ở phố Hàng Đào. Tôi theo Lan bước vào thì thấy bà mẹ đang ngồi coi hàng. Tôi bỏ mũ chào. Lan cười hỏi mẹ:

    - Con đố mợ biết ai đây?

    Bà mẹ cười nhìn tôi:

    - Cậu gì cháu ông Hường dưới Thái phải không?

    Tôi đáp:

    - Bẩm vâng! Nhân gặp cô Lan, con mới biết ông đã mất. Bảo lại hỏi thăm bà.

    - Cám ơn cậu! Mời cậu vào trong nhà.

    Bà mẹ vừa nói vừa đứng dậy. Tôi bước theo. Qua một khu sân nhỏ bày gần kín những chậu cảnh, thì đến phòng khách. Trong phòng, trước cái tủ chè cái sập gụ cổ lệ, bày một bộ bàn, ghế mặt đá. Bà mẹ mời tôi ngồi, rồi ngồi đối diện với tôi. Còn Lan thì sắp bộ đồ chè, đợi pha nước. Câu chuyện hàn huyên của tôi và bà rất vô vị! Về phần tôi, tôi hỏi về bệnh trạng ông chồng, từ khi đau đến khi chết. Cái đó nhắc bà phải nhớ lại một quãng đời buồn rầu, thê thảm. Về phần bà, bà hỏi tôi học đâu. Cái đó bắt buộc tôi phải cung khai một cái tình cảnh thương tâm và nhục nhã. Tuy vậy tôi cũng cố tình khai thực. Không phải muốn cho bà thương, mà là muốn cho bà rẻ rúng tôi. Tôi cho rằng nếu bà rẻ rúng tôi, tôi sẽ có cớ để tuyệt tình cùng con gái bà mà không ra con người phụ bạc. Uống nước xong tôi cáo từ đứng dậy. Lan vồn vã hỏi tôi trọ đâu rồi nói:

    - Chủ nhật, ngày lễ anh không đi làm, tôi cho xe nó đến đón anh, lại đây tôi học thêm ít chữ nho.

    Tôi giật nảy mình nhìn bà mẹ. Bà cười:

    - Phải đấy! Giá nhờ cậu dạy cho đọc thông được những chúc thư, văn tự thì hay lắm. Cậu chịu khó giúp em.

    Tôi càng thêm kinh ngạc, cất tiếng "vâng" như một cái máy, rồi cũng như một cái máy tôi ra khỏi cửa hàng.

    Đêm hôm ấy tôi mất ngủ già nửa đêm. Tôi nghĩ về tình thế của tôi lúc ấy. Ngoài cớ Hữu là người tôi yêu trước, tôi còn thấy nhiều cớ khác mà lòng ích kỷ viện ra, bảo tôi cần phải tuyệt tình cùng Lan. Lan người vốn gầy yếu, nay lại mắc bệnh thổ huyết. Nếu lấy Lan tôi sẽ phải ở chung với một người ốm suốt đời, và có những đứa con "còm cõi như con cò đói"! Nhà Lan nhà con một. Nếu lấy Lan, tôi sẽ phải "ở rể" và được thiên hạ mỉa mai bằng những câu "chuột sa chĩnh gạo!", "lặn chuồng tiêu lấy vàng!" Còn nữa... Còn nữa... Tôi nghĩ thế, rồi tôi nghĩ đến những cách làm thế nào mà xa được Lan ra. Nếu tôi là người thắng tỏ 2 thì sự đó dễ lắm. Ban nãy, lúc Lan hỏi tôi trọ đâu, tôi cứ nói bịa ra một cái số nhà vu vơ. Hay lúc Lan nài tôi dạy học, tôi cứ chối phắt một câu. Thế là đủ. Nhưng tôi là đứa giả dối. Tôi muốn phụ bạc, nhưng tôi lại không muốn Lan biết tôi là phụ bạc. Cái cách lưỡng toàn ấy mới là khó. Tuy vậy, "nhất dạ sinh bách kế"! Nghĩ suốt mấy khắc canh tôi cũng tìm ra được một mớ tướng những phương pháp mà tôi cho là tuyệt diệu. Những phương pháp ấy còn phải đợi dịp mới thi hành được. Tạm thời tôi hãy làm ra vẻ tự nhiên.

    Tôi xin thú thực rằng, khi không tôi vẫn định dứt tình cùng Lan, song khi ngồi gần Lan tôi vẫn thấy một mối cảm êm đềm gần như sung sướng. Cặp mắt mơ mộng, đa tình; nụ cười đằm thắm có duyên; nước da mịn màng và trắng xanh; mười đầu ngón tay nho nhỏ, thon thon, như trời sinh ra để bấm, chí trái tim người khác... tiếng nói trong trẻo và dõng dạc; vẻ đi tha thướt và khoan thai... Bao nhiêu những cái đó ở Lan, cùng hùa nhau mà làm cho tôi, như người ta nói, chuyển động tâm thần!... Trong những lúc ấy, tôi thấy cái ý định dứt tình cùng Lan, là một ý định bất nhân, tàn nhẫn. Nhưng khi ra về, tôi lại bàng hoàng như kẻ chiêm bao mới dậy. Nhìn tấm ảnh Hữu tôi tự nhiên thấy ngượng ngùng, bẽn lẽn với người trong ảnh, tôi tự cho tôi là có tội. Bao nhiêu lần tôi tự nhủ: "Nếu Hữu có phép tàng hình, trông thấy mình khi ngồi đối diện với Lan...!" Nhưng những lời tự nhủ ấy không làm cho tôi khỏi càng ngày càng đắm say Lan. Trước tôi còn mượn tấm ảnh Hữu làm cái bùa trừ để xua đuổi những bóng dáng Lan thường theo dõi ám ảnh tôi. Nhưng sau bùa cũng không thiêng nữa! Trước kia ngoài buổi đi làm, tôi nằm, ngồi yên một chỗ mà đọc sách. Bấy giờ tôi nằm ngồi không yên nữa. Tôi phải chạy rong các phố, vừa đi vừa nghĩ vẩn vơ. Trước kia, sắp đến ngày nghỉ, tôi còn nghĩ kiếm cách từ chối, không đến dạy Lan, dù những cách ấy tôi không làm bao giờ. Bấy giờ thì chẳng những ngày nghỉ tôi ngồi ngong ngóng chờ người nhà Lan đến đón tôi, ngày thường lắm lúc bỗng dưng tôi cũng nảy ra cái ý nghĩ đến thăm Lan nữa. Một hôm đêm đã khuya, tôi còn một mình đi ở ngoài đường như người đi trong giấc mê ngủ. Chợt thấy chân tôi đứng dừng lại, tôi kinh ngạc mà nhận ra rằng chỗ tôi đứng là cửa nhà Lan. Tôi vội vàng rảo bước đi qua. Nhưng một lúc sau, tôi lại thấy tôi dừng chân ở chỗ tôi dừng chân lần trước. Tôi hoảng hốt chạy về nhà trọ như kẻ nát đảm 3 tưởng mình bị ma đuổi! Tôi bắt đầu cảm thấy sự gần gụi Lan là nguy hiểm. Tôi tự nghĩ: "Mình mê mất rồi! Khi người ta đã mê thì biết thế nào mà nói được! Biết đâu rồi chẳng có ngày mình không còn nhớ đến Hữu nữa!" Ý nghĩ ấy làm tôi chua xót. Tôi đem ảnh Hữu và các thư của Hữu bày cả ra trước mặt. Rồi tự thề rằng không bao giờ quên Hữu. Một lúc sau, tôi ngồi mà viết cho Lan một bài học, chua rõ cả âm lẫn nghĩa vào từng chữ. Bên dưới lại phụ thêm lời giảng nghĩa về cả bài, và lời dặn về văn pháp. Tôi lại viết một bức thư cho Lan. Đại ý nói từ nay tôi bận phải kèm cho mấy đứa em học - tôi nói bịa ra như thế - vậy xin cứ viết bài đến để Lan học mà thôi...

    Hôm sau người nhà Lan lại đón, tôi giao hắn đem thư và bài học về. Tôi mong ít dịp phải gần Lan để lòng tôi khỏi xiêu đổ về phía Lan. Song chính ngày hôm ấy, tôi ủ rũ như người mất hồn. Tôi càng thấy rõ tôi đã để tâm hồn tôi cho Lan thu bắt mất một phần lớn quá!

    --------------------------------
    1 Tân di: cây đa lông, hay dùng để làm thuốc. Ở chỗ này có lẽ là cây đa, vì sau đó tác giả có viết "bẻ lá tân di làm cho chúng và tôi mỗi đứa một con trâu".
    2 Thẳng thắn.
    3 Nát đảm: nghĩa là vỡ gan, ý nói kinh hoàng táng đởm.

  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    16
    Từ khi tôi không đến nhà dạy Lan học, ít dịp nói chuyện với tôi bằng miệng, Lan nói chuyện với tôi bằng thư. Trước còn mỗi tuần Lan viết thư cho tôi một lần. Sau đến không mấy ngày là tôi không phải viết thư trả lời Lan nữa. Trái với những câu chuyện cứng cát 1, vui vẻ mà Lan nói trước mặt tôi, những câu trong thư Lan, cũng như thơ Lan, như vẽ ra một tâm hồn ủy mị và sầu cảm. Bấy giờ chúng tôi đều đã xong tang. Thư nào Lan cũng tỏ ý lo sợ một cuộc hôn nhân ép uổng. Đáp lại những bức thư như thế, tôi chỉ có những câu hàm hồ như lời một ông Thánh hay một nhà luân lý, khuyên Lan nên biết nhẫn nại, nên biết hy sinh... Tôi muốn bắt đầu thi hành những kế để tuyệt tình cùng Lan.

    Một hôm vừa ăn xong bữa chiều, thì nhận được thư Lan. Trong thư chỉ có mấy chữ:

    - "Ngọc lại ngay! Thế nào cũng lại!"

    Tôi vội vàng theo người nhà lại thì gặp Lan đương ngồi ở cửa hàng. Lan cười bảo tôi:

    - Hôm nay mợ tôi xuống Nam vắng, bảo nó mời Ngọc lại đây nói chuyện.

    Rồi Lan giao hàng cho người nhà, cùng tôi vào phòng khách. Bấy giờ trời đã tối, dưới ánh đèn điện, khuôn mặt Lan trước mười phần đã gầy đi đến ba phần. Nhìn Lan, lòng tôi thấy ái ngại, xót xa. Ân cần, thành thực, tôi hỏi Lan:

    - Sao Lan độ này trông xanh quá?

    Lan cười nhạt:

    - Xanh à? Ngày ăn một bữa, bữa ăn một bát, làm gì mà chẳng xanh!

    - Thế thì Lan phải uống thuốc mới được!

    - Vẫn thuốc mãi đấy! Nhưng thuốc nào cho lại với những nỗi bực mình ở trong một cảnh gia đình hắc ám! Từ độ hết tang đến giờ, ngày nào là nhà này không có chuyện! Có đêm nào là ngủ được đâu! Ở mãi cái nhà này, rồi cũng đến chết mất thôi! Ngọc còn đợi bao giờ mới cứu Lan ra nữa?

    Tôi thở dài, đem hết sức cương quyết bình sinh ra mà nói:

    - Lan đừng nên trông mong ở Ngọc! Ngọc bây giờ là một đứa trong đám mạt lưu xã hội, không có gì là tiền trình, là hy vọng cả. Cắm cúi suốt ngày chỉ đủ nuôi được miệng, còn dám mong đâu có vợ, có con!

    Mỗi câu nói của tôi, làm cho sắc mặt Lan nhợt nhạt thêm một phần. Mắt tôi không chống nổi cặp mắt đổ lửa của Lan, nói chưa dứt, tôi đã phải nhìn xuôi xuống đất. Yên lặng một lúc lâu, Lan mới cất tiếng lanh lảnh hỏi lại:

    - Ngọc nói thế là ý thế nào? Hay bây giờ trong lòng Ngọc đã có người nào khác?

    Tôi cười nhạt:

    - Lan thử nghĩ coi, trừ Lan ra, ai là người có địa vị của Lan, có học thức của Lan, có nhan sắc của Lan mà lại yêu được một đứa sống không nhà ở, chết không đất chôn như Ngọc? Ngọc nói thế là Ngọc nói tình thực. Ngọc nói thế là Ngọc yêu Lan. Yêu Lan nên không nỡ trông thấy Lan khổ. Vì Lan lấy Ngọc thì Lan sẽ khổ. Lan thử đặt mình vào địa vị Ngọc mà coi.

    - Lan có phải là người sợ khổ đâu! Mà làm gì mà khổ? Lan là người, Lan cũng làm được đủ nuôi thân chứ! Ngọc khinh Lan quá! Lan có phải là hạng mong lấy chồng để nhờ chồng đâu?

    - Đành vậy, nhưng Lan bảo Ngọc làm thế nào? Cũng phải đợi năm, ba năm để Ngọc xoay xở xem ra làm sao, chứ bây giờ lấy địa vị Ngọc mà hỏi Lan, khi nào mợ gả! Mà mợ gả nữa, lấy gì làm tiền cưới?

    - Không, mợ cũng là người biết. Xem ý mợ cũng yêu quý Ngọc lắm. Có cái gì ăn, mợ cũng nhắc đến Ngọc, sai người đem cho Ngọc. Mợ sai chúng nó đem lại đấy, chứ không phải Lan đâu! Mợ nửa đời ở với cậu, đã biết hạnh phúc không phải ở chỗ làm bà Đốc bà Tham. Nếu Ngọc ngỏ lời hỏi thì thế nào mợ cũng bằng lòng. Mà mợ bằng lòng thì mợ có lạ gì Ngọc không có tiền cưới. Cái ấy không ngại.

    - Nếu mợ thương cho như thế thì còn gì bằng nữa! Thế sao Lan cứ phàn nàn về nỗi gia đình hắc ám là nghĩa lý gì?

    - Là nghĩa lý gì à? Ngọc tưởng Lan nói bịa hẳn! Không! Lan nói thật đấy! Nếu Ngọc không hỏi ngay thì Lan ở nhà này ngày nào là khổ ngày ấy. Không biết mợ nghĩ thế nào mà hình như Lan ở nhà là một cái tai vạ cho mợ! Mợ chỉ muốn tống cho được Lan ra khỏi cửa! Nếu Ngọc không hỏi, thì hằng ngày Lan phải nghe những lời chán tai của bọn mối lái. Không những thế, lại còn phải nghe mợ dỗ dành, mợ thở than, mợ khóc lóc nửa! Mà rồi có khi bảo không được mợ ép uổng Lan nữa cũng chửa biết chừng!

    - Ngọc chỉ sợ hỏi ra mợ cự tuyệt thôi! Nhưng đã nói chắc như thế, thì để Ngọc viết thư về nhà thưa với mẹ...

    Cái không khí hòa thuận lại trở lại hai chúng tôi. Tôi ngồi nói chuyện với Lan mãi đến hai giờ đêm mới đứng dậy ra về. Thế là một cái kế tuyệt diệu của tôi đã không diệu một chút nào cả!

    Khi về, ngồi trên xe, tôi bỗng tự mắng tôi: "Sao làm bộ thế! Mày thì là ông gì mà lại định làm bộ với một người con gái có tài, có sắc, một nhà biết quý người như thế?" Tôi vừa nghĩ thế thì lập tức trong trí tôi văng vẳng có tiếng đáp lại: "Nhưng còn Hữu thì sao?"

    Đêm hôm ấy, tôi khóc thầm! Khóc thầm, một đứa hèn nhát như tôi, cái phương pháp đối phó với những việc khó khăn, thường chỉ có thế!

    Ba hôm sau, gặp ngày nghỉ, Lan lại viết giấy gọi tôi đến. Tôi vào đến cửa, bà mẹ tươi cười bảo tôi:

    - Em nó bảo mời cậu lại nó hỏi mấy câu khó nghĩa, nó không hiểu. Tôi đương dở bận, cậu tha lỗi cho...

    Tôi "không dám" rồi bước thẳng vào trong nhà. Lan vui vẻ đón tôi, gọi người nhà đun nước. Tôi vào ngồi rồi, cầm lấy cuốn vở tập viết của Lan ở trên mặt bàn, thì thấy vẫn là quyển vở từ ngày tôi còn đến nhà dạy Lan học. Tôi bảo Lan đưa tôi coi vở mới. Lan cười đáp:

    - Hơn một tháng nay, có học, viết gì đâu!

    - Thế thì bắt tội tôi viết bài học làm gì!

    Nói thế rồi, tôi thấy hơi giận bốc lên mặt tôi. Tôi hầm hầm mắng Lan y như một thầy giáo mắng một cậu học trò không vâng lời. Lan thì ngồi lặng, mắt nhìn xuống đất. Bây giờ nghĩ lại, tôi thật lấy làm lạ: sao khi ấy tôi lại giận được lâu, và mắng được nhiều như thế. Sau cùng, Lan đưa cặp mắt đầy lệ nhìn tôi mà nói:

    - Thì Ngọc làm gì mà nói nhiều thế! Học, Lan cũng muốn học, nhưng ốm thì còn học làm sao?

    Mấy giọt nước mắt của Lan, hình như đã tưới tắt ngấm ngọn lửa giận dữ của tôi. Tôi lại thấy tôi vô lý và tức cười! Tôi hối hận đã làm cho Lan khóc. Vội vàng xin lỗi Lan rồi thở dài nói tiếp:

    - Lan coi đó, tính tôi lắm lúc điên như thế đấy! Tôi thường vẫn nói tính ấy là tính cô độc. Chỉ có thể ở một mình là được, còn ở với ai cũng không được hết! Càng là người tôi thân yêu, cùng ở với tôi lại càng khổ. Ví dụ như các em tôi. Xa chúng nó, tôi thật nhớ. Nhưng gần chúng nó, chỉ mười lăm phút là tôi đã kiếm chuyện với chúng nó rồi. Là vì tôi yêu ai thì cứ muốn cho người ấy hoàn toàn. Trông thấy chỗ không hoàn toàn của nhau, tôi bực tức không thể chịu được. Tôi bực tức chừng nào thì tôi cáu kỉnh chừng nấy. Nhưng người ta ai là thánh nhân mà hoàn toàn được. Tôi cũng biết vậy mà không sao đổi được tính hay cầu toàn trách bị. Thành thử ra sự ở chung, vừa khổ cho tôi, vừa khổ cho người tôi yêu...

    Lan cười:

    - Người ta ai không có lúc nóng. Nếu một người nóng, một người biết tính nhịn đi thì gia đình bao giờ cũng êm thấm. Ngọc coi Ngọc nóng là thế mà mấy giọt nước mắt của Lan làm cho nguội ngắt. Ngọc có nóng gì cho lắm đâu!

    Thế là lại một cái kế tuyệt diệu của tôi xoay ra một trò cười.

    Cái kế tuyệt diệu thứ ba của tôi, kết quả còn điêu đứng hơn nữa.

    Lần này tôi tự đến, chứ không đợi ai mời. Tôi gặp bà mẹ ở cửa hàng. Bà mời tôi vào phòng khách rồi ngồi tiếp tôi. Tôi hỏi:

    - Thưa bà, cô Lan đâu ạ?

    - Em nó cảm nằm ở trong nhà. Để tôi gọi.

    - Thưa bà thôi. Để cô ấy nằm nghỉ. Cũng không có việc gì...

    - Được ạ. Em nó hơi mệt, không hề chi.

    Nói thế rồi bà lên tiếng gọi to:

    - Lan đâu? Có cậu Ngọc lại chơi.

    Rồi bà ngồi mời tôi uống nước, uống chưa cạn chén nước thì Lan đã đẩy cánh cửa phía bên phòng khách bước vào, mình khoác chiếc áo đoạn thâm, tóc vấn trần, cặp mắt lóng lánh, sắc mặt hồng hồng, trông đủ biết là người đương cơn sốt cảm. Vẻ đẹp của Lan đương cơn sốt tôn thêm lên vì cách ăn vận sơ sài, thật là một vẻ đẹp lộng lẫy. Nhìn Lan, tôi cảm động bồi hồi, cố định thần để khỏi quên mất những câu tôi định nói. Lan chào tôi rồi xo ro ngồi xuống chiếc ghế cạnh bà mẹ. Tôi buồn rầu nói:

    - Cô sốt à! Tôi lại làm phiền quá... Nay mai tôi sắp không ở Hà Nội nữa. Bác tôi mới viết giấy bảo cấp tiền cho tôi sang Pháp. Ít ra tôi đi cũng năm, bảy năm mới về được. Vậy lại chào bà và cô...

    Trên mặt Lan thoáng qua vẻ thất vọng, nhưng lại tươi tỉnh ngay.

    Cất giọng ân cần Lan nói:

    - Anh sang Pháp à? Có lẽ tôi cũng nói với mợ tôi xin mấy nghìn đồng, để đi học với anh nhân thể!

    Bà mẹ mỉm một nụ cười mà tôi không dò được nghĩa. Tôi cũng cười tiếp:

    - Nhưng người cô yếu lắm, xông pha sao được sóng gió!

    - Người ta nếu có chí đi thì đi đâu mà chẳng được! Khỏe mà cũng chán người ngồi xó! Yếu mà cũng nhiều người đi được khắp đó đây!...

    Nghe câu Lan nói, tôi tự nhiên thấy thẹn trong lòng. Rồi tôi thấy ngay cái kế của tôi là một cách "nói dối không thông": Nếu có một ông bác sẵn lòng cấp tiền cho tôi sang Pháp, thì sao lại để tôi phải hai năm nay thất học? Tôi thấy mặt tôi ngượng quá, sợ ngồi lâu càng thêm dơ dáng, tôi liền đứng dậy xin ra, lấy cớ là để Lan về phòng nghỉ và để bà mẹ ra coi hàng. Lan còn dặn với tôi bằng một giọng mà tôi nghe ra mỉa mai:

    - Thế hôm nào anh định đi, bảo trước để tôi thu xếp nhé! Tôi đi với anh thật đấy!

  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    17
    Tôi về ngẫm nghĩ lại cái kế "giả điều du học" của tôi. Tôi cứ áy náy mãi về chỗ Lan và bà mẹ biết là tôi nói dối. Tôi càng nghĩ càng chắc như thế. Nhưng rồi tôi không áy náy nữa. Tôi đâm khùng mà tự hỏi: Thì họ biết là nói dối nữa đã sao? Tôi lại tự đáp: Thì Lan bảo mày là đứa bạc, và bà mẹ bảo mày là đứa làm bộ! Vì họ biết mày nói thế, thì mày không còn đến nhà họ nữa! Tôi tắc lưỡi: Thôi thì họ cho mình là người thế nào cũng được! Miễn là mình dứt tình được với Lan! Tôi tự cười tôi là đứa ngốc đời: Nếu biết dù sao cũng không giấu kín được bộ mặt thật với Lan, thì thà quyết tuyệt ngay từ khi mới lại gặp! Bây giờ đã tốn thêm bao công trình, chịu thêm bao điều khó chịu, mà chung quy có được việc gì đâu! Tôi tự yên ủi tôi bằng câu của Khổng Khâu: "Ta có lỗi, lỗi ấy người ta tất biết!" Tôi tự thấy trong người nhẹ nhàng trong khi nghĩ đến rằng: Từ nay trở đi, tôi không còn phải đến nhà Lan.

    Thế nhưng ngay ngày hôm sau tôi lại nảy ra cái ý định tuyệt tình cùng Hữu nữa!...

    Bấy giờ là hồi mười hai giờ trưa. Tôi ngồi trên gác nhà trọ. Thẩn thơ nhìn những hạt mưa bay lặng lẽ tạt vào mặt cửa kính và sa vào các tàu lá xanh bóng của một cây sấu rủ cành vào trước cửa sổ. Trong phòng ấm áp. Tôi chợt thương đến mấy con chim nhỏ đậu xo ro trên một cành cây, hình ảnh đám dân đói rét, trong những ngày gió bấc, mưa dầm. Bỗng nghe có tiếng chân người bước vội dưới cầu thang. Tôi quay lại thì là người xe nhà Lan. Người ấy nói với tôi:

    - Thưa cậu, mời cậu lại ngay, cô con mệt nặng lắm!

    - Cô vẫn sốt thôi chứ gì?

    - Bẩm hôm qua không biết hai bà, con có chuyện gì to tiếng với nhau. Nên hôm nay cô con lại thổ ra huyết. Mấy năm nay cô con cứ thế mãi. Hễ hơi có chuyện bực đến mình thì lại thổ ra huyết. Mà thuốc nào cũng không khỏi dứt.

    - Thôi, thế đi!

    Nói thế rồi tôi bước theo người xe xuống gác. Trong trí tôi thoáng cảm thấy nỗi khổ sở của một người con gái có óc mới ở giữa một nhà đầy những thành kiến cũ. Tôi thương Lan và tôi tự trách tôi từ trước vẫn cho những lời Lan phàn nàn về nỗi gia đình hắc ám là những câu sáo miệng. Tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi hối hận về những việc ít lâu nay tôi đã làm thêm đau đớn cho trái tim đã sẵn vết thương và tấm thân đã sẵn một bệnh căn cay nghiệt của Lan. Hai bên phố xá, người đi lại thưa không. Dưới màn mưa bay, mấy người phu xe nặng nhọc kéo cái xe, lệt bệt chạy trên mặt đường mà bụi cát đọng lại thành bùn lầy. Bày ra trước mắt tôi, một quang cảnh thê lương và thảm đạm. Xe đỗ, tôi lật đật bước thẳng vào nhà khách. Không thấy bà mẹ, tôi ngảnh lại hỏi người xe:

    - Bà đâu?

    Người xe chưa đáp thì thằng nhỏ đứng đấy đã đáp hộ:

    - Thưa, bà con đi mua họ 1. Mời cậu vào, cô con ở trong này.

    Tôi theo nó vào buồng nằm của Lan. Trong một cỗ màn nửa khép, trên tấm đệm vóc, Lan nằm quay mặt ra, mình mặc bộ quần, áo lót bằng lụa trắng, chiếc chăn gấm vắt ngang từ ngực xuống quá đầu gối. Thấy tôi vào, Lan vịn giường ngồi dậy. Mái tóc dài rũ rượi xuống hai vai. Tôi lại gần hỏi Lan:

    - Người Lan bây giờ thế nào?

    Lan nhìn tôi bằng cặp mắt mỏi mệt buồn rầu; môi mấp máy toan cất tiếng trả lời, bỗng nét mặt nhăn nhó, hai tay đỡ vội lấy ngực, nằm vật xuống giường, ngoái cổ ra ngoài màn mà thổ ra toàn những máu. Mớ tóc rũ xuống đất, dây vào cả đám máu tươi. Tôi luống cuống vội đỡ Lan. Một tay tôi vén mớ tóc lên giường, một tay tôi lật Lan nằm bằng mặt lại. Tôi cho rằng nằm bằng mặt lại thì máu sẽ không hộc ra nữa. Lan hai mắt nhắm nghiền, mí dưới lóng lánh mấy giọt nước mắt mới ứa. Hơi thở hổn hển. Tay rút chiếc mùi soa lau miệng. Tôi ngồi vào bên giường, một bàn tay đỡ vào ngực Lan, cất tiếng sảng sốt:

    - Lan nằm yên! Nằm yên máu nó sẽ cầm lại.

    Nói thế, rồi tôi quay ra bảo thằng nhỏ lấy nước cho Lan súc miệng. Tôi đỡ Lan dậy súc miệng, rồi tôi lại đặt Lan nằm như cũ mà hỏi:

    - Trong người Lan bây giờ thế nào? Có dễ chịu không?

    Lan mở mắt nhìn tôi, nước mắt tràn ra đẵm má, sẽ lắc đầu và sẽ nói:

    - Trong ngực nó đau như xé!

    Tôi thở dài nín lặng, nước mắt tôi sa xuống má Lan. Rút mùi soa, tôi lau má cho Lan, nhưng Lan giữ tay tôi lại. Một lúc yên lặng. Trong lúc ấy, Lan cùng tôi, chưa chắc đã ai đau đớn hơn ai. Sau cùng, Lan thở dài sẽ nói với tôi:

    - Ngọc đi Pháp thật à? Bước tiền trình của Ngọc, lẽ nào Lan dám cản. Nhưng nếu có thể được thì hãy chờ Lan chết đã. Lan tự xét mình cũng không thể sống được bao nhiêu ngày nữa. Ngọc chờ đấy! Sống không theo Ngọc đi được, họa ra chết, hồn Lan có theo Ngọc đi được chăng!

    Nói thế rồi, Lan quay vào mà nức nở. Tôi mê man, nắm chặt lấy tay Lan mà nói:

    - Không! Lan cứ cố mà tĩnh dưỡng, Lan còn yếu, Ngọc không đi đâu hết!... Thôi, ngồi đây mãi không tiện mà cũng vô ích, Ngọc xin về lúc khác lại đến thăm Lan.

    Lan không quay lại, lạnh lùng đáp:

    - Ừ! Thôi Ngọc về.

    Tôi bàng hoàng lui ra. Chợt nhìn xuống hai ống quần, mấy vết máu Lan thổ bắn phải hãy còn chưa ráo hẳn. Tôi rùng mình kinh hãi. Tôi thấy nếu phụ Lan tôi sẽ phạm vào tội giết người! Mà giết một người vô tội! Giết một người chỉ có cái tội là đã quá yêu tôi! Tôi quyết ý không bỏ Lan. Tôi quyết phụ Hữu. Tôi cho rằng tôi phụ Hữu, Hữu chỉ phải chịu một cơn đau đớn qua loa. Nhưng Lan là người yếu ớt hơn. Nếu tôi phụ Lan, Lan tất không khỏi chết. Trong hai tội, tôi chọn mà làm một tội nhẹ hơn...

    Hôm sau tôi nhận được một bức thư dài tám trang giấy lớn của Lan. Nét chữ run run mà nhòe nhoẹt những vết lệ. Lan báo tin cho tôi biết bà mẹ muốn ép gả Lan cho một cậu Tú mới đỗ. Ngoài tin ấy, trong thư đầy những lời thương tâm và tuyệt vọng. Nào là: "Đưa mắt trông ra phương trời, Lan chỉ thấy nặng trịch những mây sầu, gió thảm!" Nào là: "Dưới gầm trời mưa gió riêng một mình Lan đau đớn!..." Nào là: "Ở trong cái gia đình hắc ám này, giây phút nào Lan cũng như ngồi giữa đám than hồng lửa đỏ! Gọi đất, đất không thưa! Kêu trời, trời chẳng thấu! Mình không chắp cánh cao bay được! Ruột những vò tơ gỡ chẳng ra!..." Mấy câu đó, tôi không rõ tự Lan viết ra hay chép lại ở đâu, nhưng tôi còn nhớ mãi, vì nó tuy là văn sáo, song trong khi tôi đọc, thì mỗi câu chẳng khác gì một nhát dao đâm vào trái tim tôi. Tôi đau đớn tưởng đến phát dại, phát điên! Tay tôi cầm thư đọc run lên lật đật, tôi cố giữ cũng không nổi. Đọc đi rồi lại đọc lại... Chợt trông lên thì thấy thằng nhỏ đưa thư đương nhìn tôi mà cười một cách tinh quái. Tôi khó chịu, hỏi xẵng:

    - Anh cười gì tôi?

    - Thưa cậu, trông thấy cậu bây giờ con lại nhớ đến cậu hôm qua, lúc ở trong buồng cô con. Tự nhiên con bật buồn cười, không sao nhịn được.

    - Sao vậy?

    - Bẩm, lúc ấy cậu còn mất sắc hơn bây giờ...

    - Ừ! Thế sao?

    - Thế là cậu cũng như bà con, mắc lừa cô con cả... Chắc cậu tưởng cô con thổ huyết thật...

    - Phải! - Tôi ngạc nhiên đáp và hỏi - Thế lại không thật à?

    - Bẩm cậu không, tiết lợn đấy ạ! Buổi, cô con mới sai con đi mua một xu!

    Nghe đến câu ấy, tôi - như người ta nói - ngã ngửa người ra! Tự nhớ lại các điệu bộ luống cuống của mình hôm trước, bất giác cũng phải bật cười. Thằng nhỏ lại nói tiếp:

    - Cô con mắc bệnh thổ huyết đã hai năm nay. Chỉ có lần đầu là thổ huyết thật, nhưng uống thuốc đã khỏi rồi. Còn các lần sau, toàn là tiết lợn cả! Hễ có việc gì bực mình với bà con, cô con lại ăn một miếng gừng thật to cho nóng để ho lên sù sụ! Rồi là sai con đi mua tiết lợn. Thế là bà con lại sợ xanh mắt lại như cậu hôm qua! Lại phải hết sức chiều chuộng. Cho nên cô con muốn sao được vậy. Bà con chỉ sợ cô con chết thôi! Cũng có thế, nên trong bụng bà con ghét cậu lắm - cũng có khi bà con nói ra miệng với chúng con - nhưng có mặt cậu, bà con phải làm ra vẻ yêu quý cậu, cho cô con bằng lòng. Cậu thử nghĩ mà coi: Dù yêu quý cậu đến đâu nữa, một nhà khác có con gái lớn trong nhà, ai để cho cậu đi lại tự do như thế?

    Tôi cười nhạt hỏi:

    - Thế nhưng những lần sau bà không lấy thuốc cho cô ấy uống hay sao?

    - Có! Nhưng thuốc đun lên, cô con lại hắt đi và dặn chúng con không được nói cho bà con biết. Thôi, cậu viết thư trả lời cho cô con.

    - Anh cứ về. Giờ tôi chưa viết đuợc. Mai tôi viết rồi bỏ nhà dây thép.

    - Thế cậu cũng viết cho mấy chữ làm tin. Không có cô con lại tưởng con dối trá thì con chết! Cô con tính nóng lắm. Động một tí, là thanh củi tạ cô con phang luôn! Giá cô con lại không hay cho tiền thì con cũng không sao mà ở được!

    Tôi xé một mảnh giấy viết cho nó mấy chữ. Khi nó ra rồi, tôi vừa cười một mình, vừa nghĩ lại câu chuyện vừa được nghe.

    --------------------------------
    1 Tức là hàng họ.

  9. #18
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    18
    Mối căm thứ nhất của tôi sau khi nghĩ kỹ lại câu chuyện "thổ huyết lợn" là tức giận. Đó là mối cảm thường có cho những kẻ khi biết mình mắc lừa. Tôi tức giận Lan đã bày trò để dối tôi... Nhưng khi tôi tự xét chính mình cũng đã nhiều lần bày trò để dối Lan thì lòng công bằng bắt tôi phải có lòng dong thứ. Lúc đó tôi lại thương Lan, và tôi thương cả đến sự giả dối của Lan nữa... Vì đâu mà Lan phải giả dối? Chẳng qua vì yêu tôi. Yêu tôi, có tội gì? Vậy, đối với tôi, sự giả dối của Lan là vô tội. Cho đến đối với mẹ, sự giả dối của Lan cũng là vô tội nữa! Một nhà luân lý nào 1 chẳng cho nói dối là cách tự vệ chính đáng của kẻ yếu đó sao? Muốn bênh vực cho ý muốn tự do 2 của mình, đối với sự bó buộc, sự áp chế của gia đình, Lan là kẻ yếu, có quyền dùng thứ lợi khí của kẻ yếu! Tuy vậy, những ý tưởng quảng đại ấy chẳng giữ được cho cái ý định của tôi hôm qua khỏi thay đổi. Hôm qua, tôi tưởng bệnh thế của Lan có thể đưa đến cho Lan cái chết, nên tôi định theo Lan mà bỏ Hữu. Nhưng hôm nay tôi đã biết bệnh Lan là bệnh giả, lòng ích kỷ lại viện đủ mọi cớ để xin tôi theo Hữu mà bỏ Lan. Nó lại còn kéo cả bạn thân của nó là gã Tự ái đến kêu nài với tôi rằng: "Ông ơi! Ông ơi! Hôm nọ ông đã chào bà mẹ cô ta để đi xa rồi! Nếu bây giờ ông còn đến nhà cô ta, còn viết thư cho cô ta, nhất là còn mở mồm hỏi bà mẹ xin lấy cô ta, thì... con chết! Ông làm như thế, bà ta có quyền khinh cái nhân cách của ông, có quyền coi ông là một thằng vô lại, một thằng hèn mạt đấy! Làm cho thiên hạ ghét, cái đó được! Nhưng làm cho người ta khinh thì nhục lắm, ông ạ! Cổ nhân dạy: Vua nhục thì tôi chết! Làm tôi ông, nếu ông nhục thì con không sống được đâu!" Tôi nghe lời cả hai gã. Vội vàng cầm bút viết thật nhanh một bức thư cho Lan như thế này:

    "Tôi tự xét tôi về mọi phương diện, đều thấy không đủ làm một người chồng có thể mưu được hạnh phúc cho vợ. Tôi rất hối hận từ trước đến nay đã làm cho Lan phải bao phen khổ sở vì tôi. Tôi không muốn và không dám còn đem tấm thân tội lỗi này mà làm khổ sở Lan đến suốt đời. Vậy, xin Lan quên tôi, Lan quên được tôi, thế là Lan thương tôi, là Lan yêu tôi, là Lan không muốn làm thêm nặng tội cho tôi: đã đắc tội với Lan, còn đắc tội với bà, đắc tội với đời...

    Tôi rất tự thẹn rằng trong lúc này Lan đương đau đớn vì tôi mà tôi lại không nhìn đến Lan. Nhưng tôi biết rằng tôi nhìn Lan chỉ làm cho Lan thêm đau đớn. Cho nên tôi mong từ nay tôi không còn bao giờ gặp Lan để hại Lan nữa. Lan hãy can đảm mà sống. Tùy hoàn cảnh mà mưu lấy hạnh phúc, đừng nghĩ gì đến tôi".

    Tôi viết xong, bỏ vào phong bì, dán kín lại, rồi chạy như một đứa điên đem bỏ ra thùng thư trước nhà phát vé xe điện ở bờ Hồ. Tôi chỉ sợ không gửi ngay, tôi lại xé thư viết lại, mà viết không bao giờ xong nữa. Quả nhiên khi bỏ thư xong, về đến nhà, tôi đã hối lại lời trong thư khí vô tình quá! Nhưng việc đã dĩ nhiên mất rồi!

    Mấy ngày hôm sau, lòng tôi cứ sậm sột 3 như có tai vạ gì sắp tới nơi. Nhưng dần dần tôi không thấy động tĩnh gì, tinh thần tôi cũng dần dần khôi phục lại. Bấy giờ thì tôi được yên thân mà sống trong cái hạnh phúc yêu Hữu. Tuy vậy mỗi khi chợt nhìn đến tấm ảnh Lan tặng tôi sau khi lại gặp, tôi cũng không khỏi ngậm ngùi thương Lan. Nhiều khi tôi đã toan đốt tấm ảnh ấy đi, nhưng nó đã trở nên một vật thiêng liêng cho tôi, tôi không dám ra tay hủy hoại.

    Hơn một tháng sau, tôi nhận được giấy báo hỷ, đứng tên bà mẹ Lan, mời tôi đến dự lễ thành hôn cho Lan với cậu tú mà trước Lan cho tôi biết. Trong giấy, Lan có viết kèm một dòng chữ: "Thế nào anh cũng đến!" Cố nhiên là tôi không đến, nhưng lòng tôi thì thực mừng rỡ mà cầu nguyện cho hạnh phúc của vợ chồng Lan.

    Tôi vẫn định đợi cho Lan lấy chồng, rồi tôi sẽ tính đến việc hôn nhân của tôi. Bấy giờ Lan lấy chồng rồi, nhân dịp về nghỉ Tết, tôi mới chọn ngày tốt lành là ngày mồng một Tết, đem tình riêng mà thưa với mẹ!

    Tôi thực không ngờ mẹ tôi vốn nuông tôi mà đối với việc ấy lại tỏ ra nghiêm khắc không kém gì thầy tôi cả...

    Mẹ tôi nói:

    - Con năm nay đã hai mươi tuổi. Mẹ cũng nghĩ cần phải lấy vợ cho con. Thế nhưng đám nào chứ đám ấy thì mẹ không thể chiều con được! Người ta lấy vợ là cốt hòng sinh con đẻ cái! Nhưng thế nào là "phúc đức tại mẫu": Đứa mẹ có phúc đức thì đứa con mới mong ra giống người. Như con Hữu, kể ra cũng ngoan ngoãn mà người cũng xinh. Nhưng mà chú Hường con thì quá lắm, con ạ! Con xem cách chú ấy xử sự ở làng đấy: Đình, chú ấy bắt dân phá đi làm quán chợ! Chùa, chú ấy bắt dân dỡ đi xây trường học! Một người bạo thiên, ngược địa, khinh thần, mạn thánh như thế, rồi con cháu, phải trả nợ: "Đời cha ăn mặn, đời con mới khát!" "Cha mẹ có hiền lành, mới để được đức cho con!" Nếu con lấy con Hữu, thì cái tội của chú ấy, con, cháu về sau trả đến mấy đời cho xong? Nhà con được bao nhiêu phúc đức?

    Tôi giở hết tài hùng biện ra cũng không sao biện bạch được cho mẹ tôi tin rằng việc phá đình, phá chùa của chú tôi là không có tội. Sau cùng tôi giở đến giọng dỗi:

    - Nếu mẹ không bằng lòng cho con, thì suốt đời con cũng không lấy ai cả.

    Mẹ tôi cười nhạt:

    - Cái ấy thì tùy con đấy! Chứ mẹ thì không sao chiều ý con được! Một người nàng dâu trưởng, là một người phải trông nom việc giỗ, tết. Nếu con lấy nó thì rồi có cúng, thầy con cũng không về nữa! Ngày trước thầy cũng đã có nói với mẹ rằng: Thầy không thuận cho con lấy nó. Thầy đã không thuận, thì cỗ bàn nó có làm ra, thầy cũng không thèm ăn đâu! Con bảo mẹ chiều con mà bỏ chồng ăn "cháo thí lá đa" à?

    Tôi không còn biết nói cách nào cho chuyển được lòng mẹ tôi. Tôi nằm lăn ra mà khóc cho đến lúc mệt quá ngủ quên đi mất!

    --------------------------------
    1 Schopenhauer. (Chú thích của tác giả.)
    2 Nhượng Tống đang nhắc đến khái niệm quan trọng trong triết học của Arthur Schopenhauer, hiện nay được biết đến rộng rãi hơn dưới cái tên "ý chí tự do".
    3 Bồn chồn, bứt rứt.

  10. #19
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    19
    Từ khi lại gặp Hữu, cứ vài tháng tôi lại lên thăm chú, thím tôi một lần. Con đường Hà Nội, Phú Thọ, tôi vốn có thể nhờ xe lửa mà đi chiều thứ Bảy về chiều Chủ nhật được. Ngoài việc đi thăm ấy, tuần nào tôi cũng có thư cho Hữu, dù thư viết bao giờ tôi cũng lấy tư cách người anh họ, chứ không lấy tư cách người tình nhân. Tôi với Hữu đã hẹn nhau: "Miễn chúng mình trông thấy nét chữ nhau là đủ rồi. Có cứ gì phải nói ra miệng, viết ra giấy mới là ân ái!"

    Từ khi mẹ tôi không bằng lòng hỏi Hữu cho tôi, tôi không còn dám lên thăm chú, thím tôi và viết thư cho Hữu nữa. Tôi muốn Hữu tưởng tôi đã đi đâu hay đã chết đâu rồi! Tôi mong cho Hữu quên tôi cũng như hồi trước tôi đã mong cho Lan quên tôi. Và cũng như hồi trước tôi đã mong cho Lan, tôi lại mong cho Hữu chóng có chồng, và vợ, chồng Hữu được sống một đời hạnh phúc.

    Còn về phần tôi thì suốt ba tháng xuân, tôi vơ vẩn như người ốm đứng. Bao nhiêu giờ rỗi tôi đọc những sách khó hiểu và chán phè để khỏi nghĩ đến Hữu. Bao nhiêu thư của Hữu gửi cho, tôi phải đem hết nghị lực ra mà xé đi hay đốt đi ngay khi tiếp được. Trong lúc tôi đốt, tôi xé thư Hữu, cố nhiên là tôi đau đớn lắm. Nhưng tôi tin rằng nếu đọc vào, tôi còn đau đớn hơn nhiều. May sao chỉ mấy tuần sau, tôi đã không còn nhận được thư của Hữu nữa.

    Mùa thu năm ấy, tôi nhận được giấy báo hỷ của Hữu gửi vào trong sở tôi làm thuê. Trong giấy Hữu cũng viết kèm một câu như câu của Lan: "Thế nào anh cũng lên đấy!" Cả hai câu của hai người viết, đến nay tôi cũng vẫn chưa hiểu nghĩa sâu của nó là thế nào...

    Việc Hữu đi lấy chồng, và việc tôi cố sức đọc các sách triết lý, luân lý dần dần làm cho người tôi lại bình tĩnh. Nỗi đau thương của tôi, trước kia tôi tưởng không bao giờ yên ủi được, vậy mà tôi tìm được cách để tự yên ủi. Tôi cho việc tôi không lấy được Hữu hoặc giả chính là một cái quả báo của sự tôi đã cố tình bỏ Lan. Tôi đã làm cho người khác đau đớn. Nếu tôi có bụng công bằng thì khi người khác làm cho tôi đau đớn, tôi nên mỉm cười mà chịu lấy. Đau đớn rửa gột cho cái đời tội lỗi của tôi được trong sạch. Một mặt thì thế. Một mặt thì tôi tuy chịu cái đau đớn không được lấy Hữu, song đã được cái hạnh phúc suốt đời giữ mãi được tấm lòng yêu đằm thắm đối với Hữu. Tôi tự nghĩ: Thiên hạ biết bao nhiêu đôi trai gái, khi chưa lấy được nhau thì nồng mặn, mà khi lấy được nhau rồi thì nhạt phai! Sự ăn chung, ở lộn, đã đầu độc cho tấm lòng yêu thương của loài người. Ai là người không có khuyết điểm? Gần nhau, những khuyết điểm của nhau sẽ ngày một bày ra... Ai là người thật có giá trị? Gần nhau, những giá trị của nhau sẽ ngày một mất dần... Đó là những ý tưởng tôi đã tả trong bốn câu thơ mà tôi vẫn còn nhớ:

    Ngọc, nhìn kỹ, sẽ tìm ra vết;

    Hoa, để gần, sẽ hết cả hương:

    Xa nhau, mong ước mơ màng...

    Gần nhau, rẻ rúng, khinh thường biết đâu!

    Tôi nghĩ tiếp: Vả chăng đời là một cuộc đổi thay, muôn sự, muôn vật ở trên đời, nào có cái gì là vĩnh viễn! Người đẹp đến đâu cũng có ngày răn má 5 ! Tiệc vui thế nào chả có lúc chia tay! Vậy thì: dữ kỳ ta cùng Hữu được lấy nhau, mà rồi ra có lúc phải cãi vặt nhau, phải hờn mát nhau, phải trông thấy nhau già, phải khóc thương nhau chết, sao bằng không lấy được nhau, không bao giờ nhìn thấy nhau nữa, nhưng trong trí nhớ của nhau, hình ảnh của nhau lúc nào cũng trai trẻ, đức nết của nhau lúc nào cũng hoàn toàn? Ngoài không gian và thời gian, bóng người yêu không hề biến đổi theo đời. Nhân đó mà tấm lòng đối với người yêu, giữ trọn được trước, sau như một. Yêu nhau như thế, chẳng phải là một hạnh phúc đáng mong đáng ước đó sao!

    Nghĩ vậy rồi, tôi cho ái tình như thế mới thật là trong sạch, mới thật là cao thượng! - Mà mới thật là ngộ dại! (Lời nói chêm của Tuệ Chiếu 2 ). Từ khi tôi có được cái quan niệm mới về ái tình như thế, tôi thấy tôi chẳng những yêu được Hữu, mà còn yêu được cả Lan... Tôi liền đi đặt một cái khung ảnh hai mặt kính. Mặt trước tôi để ảnh Hữu, mặt sau tôi để ảnh Lan. Còn bao nhiêu thư từ của họ tôi lót vào giữa. Rồi tôi mua một đôi lọ hoa con, đật ở trước ảnh. Tôi mua hoa về cắm vào lọ để thờ sống họ. Hễ hoa gần tàn là tôi lại thay hoa mới ngay. Đêm đêm khi sắp đi ngủ tôi lại cầm ảnh mà hôn một cách kính cẩn như người theo Đạo hôn ảnh đức chúa Da-Tô vậy! Do sự thờ phụng thành tâm ấy, không mấy đêm là Lan và Hữu không về thăm tôi. Trong mộng, tôi với họ cùng sống cuộc đời êm ái năm xưa. Trong mộng, nhan sắc của họ càng thêm rực rỡ, câu chuyện của họ càng thêm thơ ngây...

    Ròng rã bốn năm trời, tôi có thể nói rằng tôi đã sống ở trong mộng. Vì chỉ trong mộng, tôi mới thấy tôi là có sống...

    Nhưng ở đời, những mộng đẹp có còn mãi đâu!

    Tôi phải lấy làm lạ rằng: Cuộc tình duyên của tôi với Hữu và Lan, trước bắt đầu vào một ngày lễ Phục sinh, sau đoạn tuyệt cũng lại vào một ngày lễ Phục sinh; trước bắt đầu ở chùa Hương Tích, sau đoạn tuyệt cũng ở chùa Hương Tích. Cái đó ngẫu nhiên hay tiền định?

    Năm ấy, nhân ngày lễ Phục sinh, tôi lại vào Hương Tích, định để ôn lại đoạn đời mà tôi cùng hai cô bạn đã cùng sống với nhau ở đấy. Tôi vừa ở đò Yến Vĩ đi vào, thì gặp hai người mỗi người dắt một đứa con nhỏ, đứng nói chuyện với nhau ở cửa chùa Ngoài. Tôi vốn định không bao giờ còn giáp mặt họ ở trong đời. Nhưng tôi vừa toan quay mặt đi thì Hữu đã trông thấy tôi, đon đả lên tiếng gọi:

    - Kìa anh Ngọc! Anh vào bao giờ thế? Đã mấy năm nay không gặp. Chúng tôi vừa nói chuyện đến anh xong.

    Vừa nói, Hữu vừa dắt con chạy lại trước mặt tôi. Lan cũng thế. Tôi không trốn đâu được, đành phải gượng cười đứng lại. Hữu bảo con:

    - Con chắp tay chào cậu đi! Cậu con đấy!

    Lan cũng cười cầm tay con:

    - Con cũng chắp tay lại: "Lạy bác ạ!"

    Hai đứa trẻ theo lời mẹ, chắp tay và cất tiếng chào tôi. Tôi đành phải xoa đầu chúng, khen luôn hai lượt hai tiếng "ngoan lắm!" Lan bế con lên tay, cười bảo tôi:

    - Thằng bé này đáng lẽ là con anh đấy! Mấy cháu rồi? Anh thật làm bộ quá! Chị ấy bây giờ thần, thánh thế nào kia không biết!

    Tôi cười nhạt:

    - Không phải là tôi làm bộ. Tôi là đứa vô phúc, tôi không muốn làm hại người khác. Thế thôi. Nhưng tôi nói thật mà có ai chịu cho là thật đâu! Thì xem đấy: các cô có con cả rồi, mà tôi vẫn không có vợ!

    Lan ngảnh lại hỏi Hữu:

    - Anh ấy vẫn chưa lấy vợ thật à?

    - Không biết! - Hữu đáp - Nhưng chắc chưa lấy thật! Nếu có thì đã thấy cậu, mợ tôi nói chuyện.

    Hai người cùng nhìn tôi ra vẻ ái ngại, rồi Lan bảo Hữu:

    - Thế thì chúng mình thương anh ấy quá nhỉ!

    Tôi cười một vẻ chua chát:

    - Các cô làm gì có quyền thương tôi!

    Tôi nói thế là vì tôi nhìn khuôn mặt đề đạm 3, vóc người béo đẫy của họ, tôi đoán rằng họ vui chồng, vui con họ, mà quên tôi đã từ lâu rồi. Hữu bảo lại Lan:

    - Thôi thì chúng mình xem có món nào xứng đáng, làm mối cho anh ấy một món vậy!

    Câu nói ấy, càng làm cho tôi chắc họ quên tôi. Tôi lại càng cáu:

    - Cám ơn! Nhưng tôi không phải là người của các cô, không phải là người của bất cứ ai trong bọn đàn bà các cô!...

    Câu tôi nói lúc ấy thật tự trong tâm can mà ra. Tôi giận hai người, tôi đã ghét lây tất cả bọn đàn bà, tôi lại còn chán cả đời nữa. Bọn trẻ chúng ta, mấy ai ghét đàn bà mà lại chẳng chán đời!

    Lan đưa đứa con cho tôi:

    - Thôi đừng dằn dỗi nữa! Hôn cho thằng bé này một cái!

    Hữu cũng bế con lên:

    - Hôn cả cháu đây nữa! Nó không là con cậu, nó là cháu cậu cũng được chứ sao!

    Tôi tuy giận hai người thật, song không sao nỡ lòng không hôn hai đứa trẻ thơ. Mà lạ thay! Cái hôn in trên má chúng nó bấy giờ tôi thấy đằm thắm chẳng kém gì những cái hôn in trên môi mẹ chúng nó mấy năm về trước! Buông hai đứa trẻ ra, nước mắt tôi đã đầy mặt. Tôi cắm đầu chạy lấy, chạy để, không còn dám quay đầu lại, dù sau lưng vẫn nghe tiếng hai người gọi với tôi.

    Thế là tàn tạ cuộc đời êm ái ở trong mộng của tôi. Vì từ đó, nếu khi tôi có chiêm bao thấy họ, thì họ chỉ còn có cái khuôn mặt đề đạm, cái vóc người béo đẫy mà tôi gặp ở cửa chùa Ngoài, chứ không còn có những vẻ đẹp rực rỡ, những câu chuyện thơ ngây như trước nữa!



    Mấy bài thơ của Nhượng Tống
    Dưới bức màn sương chợt nhớ em,

    Bồi hồi hàng lệ gạt đương đêm.

    Lòng thề sắt đá dầu không chuyển,

    Mộng cách non sông chửa dễ tìm!

    Tả hận từng phen quăng ngọn bút,

    Thêu sầu xin chớ mượn đường kim,

    Phải chăng giờ trước song thu lạnh,

    Em cũng ngồi trông bóng nguyệt chìm.

    (Trích H. N. T. V. 12-3-1940)

    Ngoài trời ly hận mảnh hồn si

    Chỉ biết bay cao, chẳng nhớ gì...

    Chẳng nhớ đường trần tối như mực,

    Mưa lầy bùn lạnh, khắc canh khuya...

    Những tiếng gà hoang một xóm nào

    Rung hồn lạc khỏi cõi xa, cao.

    Trái tim bắt chợt đau như xé:

    Một mũi tên bay đã cắm vào!

    Vũ trụ tan trong mắt lệ mờ!

    Lao đao ngồi tựa gốc cây xưa,

    Như trong mây khói, như trong mộng,

    Anh ngã, mình sa giữa lưới ngờ...

    (Trích H. N. T. V. 26-3-1940)

    --------------------------------
    1 Nhăn má.
    2 Nhượng Tống muốn nhắc đến Lâm Tế.
    3 Tương tự với phúc hậu, đầy đặn.

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Lâu Lan Cổ Mộ
    By giavui in forum Audio Trinh Thám hình Sự
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 04-01-2019, 12:34 AM
  2. Làm bánh bông lan lá dứa
    By sophienguyen in forum Món Tráng Miệng
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-23-2016, 01:40 AM
  3. Bánh Bông Lan
    By sophienguyen in forum Video Nấu Ăn
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-23-2015, 02:45 AM
  4. Biểu tình lan rộng ở Thái Lan
    By duyanh in forum Tin Tức Quốc Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-28-2013, 02:01 PM
  5. Ý Lan
    By Santafe in forum Nhạc Việt Nam
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 11-20-2010, 06:12 PM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •