Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Kẻ nào không chịu đựng được đau khổ trong tình yêu thì không xứng đáng để hưởng hạnh phúc của tình yêu.
V.Ạ Sukhomlinski
Trang 3 / 5 ĐầuĐầu 12345 Cuối Cuối
Results 21 to 30 of 41

Chủ Đề: Mười Hai Chiếc Ghế

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Mười Hai Chiếc Ghế

    Mười Hai Chiếc Ghế

    Tác giả: Ilya Ilf Và E.petrov

    Dịch giả: Lê Khánh Trường





    MỤC LỤC

    PHẦN I: SƯ TỬ STARGOROT

    1. Bejentruc Và "Nimfa"
    2. Mađam Petukhova Lìa Đời
    3. Tấm Gương Của Kẻ Tội Đồ
    4. Chất Thơ Của Những Chuyến Đi Xa
    5. Vua Mánh
    6. Khói Kim Cương
    7. Dấu Vết Thuốc Nhuộm Titanik
    8. Kẻ Cắp Quý Phái
    9. Mái Tóc Xoăn Của Cha Đâu Rồi?
    10. Ông Thợ Nguội, Con Vẹt Và Mụ Thầy Bói
    11. Vần Chữ Cái "Tấm Gương Của Cuộc Sống"
    12. Ước Mơ Của Nhà Thơ
    13. Hãy Thở Sâu Hơn Bạn Đang Hồi Hộp Đấy
    14. Liên Minh Lưỡi Kiếm Và Lưỡi Cày


    PHẦN II: Ở MÁTXCƠVA

    15. Giữa Biển Ghế
    16. Nhà Tập Thể Mang Tên Tu Sĩ Bertol’D Shvartsa
    17. Hãy Tôn Trọng Những Cái Đệm Giường Hỡi Bà Con!
    18. Bảo Tàng Đồ Gỗ
    19. Bầu Cử Kiểu Tây Âu
    20. Từ Sêvilia Đến Grênađa
    21. Nhục Thể
    22. Elloska Ăn Người
    23. Avessal Vlađimirovich Iznurenkov
    24. Câu Lạc Bộ Những Tay Chơi Ô-Tô
    25. Nói Chuyện Với Viên Kỹ Sư Ở Truồng
    26. Hai Cuộc Viếng Thăm
    27. Cái Lẵng Tuyệt Diệu Của Người Tù
    28. Ả Gà Mái Và Chú Gà Trống Thái Bình Dương
    29. Tác Giả Khổ Thơ Bất Hủ
    30. Nhà Hát Kolumbo


    PHẦN III: KHO BÁU CỦA MAĐAM PETUKHOVA

    31. Đêm Huyền Diệu Trên Sông Volga
    32. Hai Kẻ Gian
    33. Đuổi Khỏi Thiên Đường
    34. Cuộc Đấu Cờ Liên Hành Tinh
    35. Và Vân Vân
    36. Thắng Cảnh Vũng Nước Xanh
    37. Dưới Những Đám Mây
    38. Động Đất
    39. Kho Báu


    LỜI TỰA


    Mười hai chiếc ghế" của hai nhà văn Liên Xô I.Ilf và E.Petrov là một kiệt tác của nền văn học Liên Xô thuộc thể loại tiểu thuyết trào phúng, được xếp vào hàng các tác phẩm kinh điển khi các tác giả còn sống.

    Ra mắt bạn đọc Liên Xô từ trước chiến tranh thế giới lần thứ 2, đến nay "Mười hai chiếc ghế" đã được in đi in lại hàng chục lần, được dựng thành phim 3 lần (lần thứ 3 vào năm 1982), được tất cả các tầng lớp nhân dân yêu mến, có nhiều người đọc thuộc lòng cả tác phẩm (!) và tên sách được lấy làm tiêu đề cho trang 16 (trang cuối cùng) trên tuần báo "Văn Nghệ" cơ quan ngôn luận của mọi nhà văn Liên Xô. Một hiện tượng văn học độc đáo.
    "Mười hai chiếc ghế" tập trung phê phán các thói xấu của con người và nhiều hiện tượng tiêu cực hoặc bất hợp lý trong xã hội.

    Sự việc trong tác phẩm diễn ra vào năm 1927 ở Liên Xô, thời kỳ Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới vừa trải qua muôn vàn gian khổ của những ngày đầu sau cách mạng tháng Mười, của cuộc nội chiến khốc liệt, của sự can thiệp do bọn đế quốc bên ngoài gây nên, vừa trải qua chế độ cộng sản chủ nghĩa thời chiến và chính sách kinh tế mới. Trong cái giai đoạn trứng nước, còn nhiều ấu trĩ ấy của cách mạng, khi xã hội đầy ắp những biến động dồn dập, có nơi có lúc rối loạn, thì bên cạnh những cố gắng vượt bậc của nhân dân lao động cùng chính quyền Xô viết thiết lập một trật tự xã hội mới, xây dựng một cuộc sống mới theo những tiêu chuẩn chính trị, đạo đức tiến bộ, vẫn còn rơi rớt nhiều tàn dư của quá khứ, vẫn còn một bộ phận nhỏ những người lạc lõng, phần thì do bản chất giai cấp đối kháng với nhân dân lao động, phần thì do ngây thơ, ấu trĩ, trình độ nhận thức non kém, phần thì do không khắc phục nổi những thói hư tật xấu có tính chất phổ biến của xã hội loài người - cái bộ phận nhỏ ấy lại tiến hành những hoạt động tội lỗi hoặc phi đạo đức, cản trở tiến bộ xã hội. Trong bộ phận ấy, có bọn chủ mưu, cố ý (thuộc giai cấp bóc lột), nhưng cũng có người vô ý thức, hoặc chỉ là nạn nhân đáng thương và bị lợi dụng làm phương tiện cho kẻ xấu.

    Bằng ngôn ngữ trào lộng, sinh động, dí dỏm, tinh tế, ngòi bút sắc sảo của hai tác giả đã chĩa mũi nhọn vào hàng loạt thói xấu tệ hại và hiện tượng tiêu cực của xã hội. Nào là ước mong làm giàu một cách bất chính, chạy theo ảo ảnh giàu sang, phú quý, hưởng lạc lỗi thời, sằn sàng dùng mọi thủ đoạn tội lỗi, từ nhỏ đến lớn, kể cả giết người để đạt tới mục đích của mình (Ippolit, Ostap, cố đạo Fêđor). Nào là tệ ăn cắp, bòn rút của công, lợi dụng chức quyền (chủ nhiệm nhà dưỡng lão - Alkhen, phụ trách phòng lưu trữ hồ sơ - Varfolomei). Nào là hoạt động kinh doanh trái phép, gian dối, buôn lậu, làm hàng "dỏm" (chủ nhiệm hợp tác xã Kisliarski, dược sĩ Leopold). Nào là thói đam mê bói toán (Êlêna, Gritsasueva). Nào là bệnh chạy theo mốt, đua đòi rởm (Elloshka), định cạnh tranh về cách ăn mặc và giải trí với con gái nhà tỉ phú Mỹ. Nào là sự ngây thơ đến ngu ngốc về chính trị của một số thương gia và các phần tử bất mãn với chế độ mới, tin vào tổ chức giả danh giải phóng, để đến nỗi bị móc túi một cách công khai (liên minh "Lưỡi kiếm và lưỡi cày"). Nào là thủ đoạn giả đò ăn mày. Nào là bệnh hình thức và ấu trĩ trong công tác tuyên truyền, báo chí, phim ảnh (tại lễ khánh thành đường tàu điện mà có tới sáu diễn giả nói về tình hình thế giới, kể cả "tình hình thế giới của nước ta" (!!!), diễn kịch cổ điển của Gôgôn mà xen vào những câu chuyện đả kích quốc hội Anh và Sămbéclanh; tật nói dai, nói dài, không đi vào thực chất vấn đề, cái lối nêu khẩu hiệu tùy tiện, ngớ ngẩn "Ăn thịt có hại cho sức khỏe"). Nào là vô số những sự bất hợp lý trong cách tổ chức sinh hoạt công cộng (các rạp hát và chiếu bóng, sân vận động chỉ mở một cửa nhỏ để dân chúng phải chen chúc khổ sở khi ra vào, dựng các thứ chướng ngại vật ngăn cách người tới liên hệ công tác...)

    Nhân vật trung tâm là Ippolit và Ostap. Ngài cựu đô thống quý tộc dưới thời Sa hoàng ở thành phố Stargorot, sau cách mạng đã trốn đến thị trấn N làm nhân viên phòng hộ tịch, rồi theo lời trối trăn của bà mẹ vợ về những viên kim cương giấu trong ruột một trong 12 chiếc ghế; đã bỏ công tác để đi tìm kho báu ấy. Ngày đầu tiên săn tìm kim cương, Ippolit đã gặp Ostap, một tay đại bợm, một ông vua mánh. Ostap là con trai một nữ công tước thời trước (kết quả tằng tịu giữa bà ta với một gã công dân Thổ Nhĩ Kỳ), một thanh niên thông minh, đầy sức sống. Nhưng toàn bộ óc thông minh và sức sống mãnh liệt của hắn bị hướng vào hoạt động lừa đảo, bịp bợm. Điều thú vị là Ostap biết chớp lấy thời cơ, chỉ nhằm vào chỗ yếu, chỉ lợi dụng mọi sơ hở, mọi thói hư tật xấu và sự cả tin đáng yêu của những người khác. Thành thử, nên trong hai nhân chính này (hai kẻ lúc nào cũng ở bên nhau), Ippolit, vị đại diện của giới quý tộc nước Nga cũ, tỏ ra lỗi thời, xấu xa, ngu xuẩn, hèn hạ, bần tiện đến thảm hại, gây nên cảm giác khinh bỉ, ghê tởm ở bạn đọc đối với hắn; thì Ostap vẫn còn giành được phần nào thiện cảm của người đọc, luôn luôn gợi tiếng cười thoải mái, tiếng cười châm biếm qua những hành động quay quắt, lối ngụy biện giàu tính hài hước, thái độ tự tin, lạc quan của hắn.

    Ở phần kết, Ippolit giết Ostap để định độc chiếm kho báu. Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc đã viết thư đề nghị hai tác giả cho Ostap được sống lại. Và thể theo nguyện vọng ấy, hai nhà văn đã cho Ostap hồi sinh, trở thành nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết thứ hai cũng nổi tiếng không kém "CON BÊ VÀNG".

    Toàn bộ cuốn truyện toát ra sự phê phán rất thâm thúy, sắc bén, nhưng rất nhẹ nhàng, thú vị, đối với các thói hư tật xấu của con người.
    Xã hội Xô viết ngày nay đã trở thành một xã hội tốt đẹp nhất thế giới, nhân dân Liên Xô đang xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển. Đương nhiên, cái thời kỳ được miêu tả trong tác phẩm "MƯỜI HAI CHIẾC GHẾ" đã là quá khứ gần sáu mươi năm về trước ở Liên Xô. Nhiều điều bây giờ đọc lại, ta chỉ còn lắc đầu nhè nhẹ và mỉm cười tủm tỉm. Thế nhưng, điều đáng buồn là một số thói hư tật xấu lại mang tính chất phổ biến đối với loài người. Cho nên cuộc đấu tranh khắc phục chúng ta đã, đang và sẽ còn diễn ra lâu dài, ở mọi lúc, mọi nơi, và trong cuộc đấu tranh ấy, tiếng cười châm biếm, phê phán là một vũ khí hiệu nghiệm của chúng ta.
    LÊ KHÁNH TRƯỜNG

  2. #21
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết



    CHƯƠNG 20: TỪ SÊVILLA ĐẾN GRÊNAĐA
    Xin lỗi, thế cha Fêđor đâu? Vị cố đạo cắt tóc ngắn ở nhà thờ Flor và Lavr đâu rồi? Hình như cha định đi tới phố Vinográt, số nhà 34, gặp công dân Brune thì phải? Cái người đội lốt thiên thần đi tìm kho báu ấy, kẻ thù không đội trời chung của Ippolit Matveevich (người đang đứng chầu chực cạnh chiếc két sắt trong hành lang tối om), đâu rồi?
    Cha Fêđor biến mất. Công cha là công dã tràng. Người ta bảo thấy cha ở góc Poparnaia, tuyến đường sắt Đô-nết. Cha chạy trên sân ga, với nước trà nóng trên tay.
    Cha Fêđor say mê cảnh giàu có. Số phận đưa cha đi khắp nước Nga để tìm kiếm bộ đồ gỗ của bà vợ tướng Popova, bộ đồ mà trong đó thú thật là chẳng cất giấu thứ gì cả.
    Cha Fêđor cứ đi xe ngang dọc trên nước Nga, và viết thư đều đều cho vợ.
    THƯ CỦA CHA FÊĐOR
    Viết tại nhà ga của thành phố Khác-cốp
    Gửi cho vợ mình ở thị trấn N
    Con chim câu của anh, Katêrina Aleksanđrovna yêu dấu!
    Anh thật có lỗi với em. Anh đã bỏ em, con chim câu đáng thương, bỏ em một mình giữa thời buổi nhiễu nhương này.
    Anh phải kể em nghe đầu đuôi câu chuyện. Em sẽ hiểu anh và có thể hy vọng rằng em sẽ đồng ý thôi.
    Anh không hề đi đến tu viện nào cả, dĩ nhiên, cũng chẳng có ý định đi tu nữa, và chúa sẽ tha cho anh tội đó.
    Bây giờ em hãy đọc cho kỹ. Chúng mình sắp sống khác đi rồi. Em còn nhớ anh vẫn nói với em về cái nhà máy nến chứ? Nó sẽ là của chúng mình, và chúng mình có lẽ còn có một số của cải khác nữa. Và em sẽ khỏi phải lăn vào bếp nấu nướng cho gia đình, và càng khỏi phải nấu ăn thuê. Chúng mình sẽ đi Samara và sẽ thuê kẻ hầu người hạ hẳn hoi.
    Có việc như sau, nhưng em phải giữ thật kín, đừng kể cho bất cứ ai, ngay cả với Maria Ivanôpna. Anh đang tìm báu vật. Em nhớ bà Klavđia Ivanôpna Pêtukhôva, mẹ vợ của Ippolit Vorobjaninov chứ? Trước khi từ giã cõi đời, bà Klavđia đã tiết lộ với anh rằng trong phòng khách nhà bà ở Stargorot, ở một trong số mười hai chiếc ghế, bà ấy có cất giấu nhiều viên kim cương của bà ấy.
    Katêrina ơi, em chớ nghĩ anh là thằng ăn cắp nhé. Bà Klavđia đã di chúc số kim cương ấy cho anh và bảo anh lấy hết đi, đừng cho gã con rể đốn mạt Ippolit một chút gì, vì hắn đã hành hạ bà ấy trong nhiều năm.
    Chính vì lẽ đó mà anh đã đột ngột bỏ em, người vợ đáng thương của anh, ở lại một mình.
    Xin em đừng buộc tội anh.
    Anh đã đến Stargorot, và em thử tưởng tượng, cái thằng con rể đốn mạt của bà Klavđia cũng xuất hiện ở đấy. Hắn cũng biết chuyện thì phải. Chắc là hắn đã tra khảo bà lão trước khi bà lão nhắm mắt xuôi tay. Một kẻ đáng sợ biết mấy! Cùng đi với hắn còn một tên tội phạm hình sự nữa kia: hắn đã thuê hẳn một tên tướng cướp làm bạn. Hai đứa đã tấn công anh trực diện, chúng muốn giết chết anh. Nhưng anh đâu dễ bị lừa, anh đâu có để chúng giết mình.
    Ban đầu anh bị nhầm đường. Ở nhà cũ của Ippolit (nay dùng làm nhà dưỡng lão) anh chỉ tìm thấy một chiếc ghế; anh đem chiếc ghế của mình về khách sạn "Sorbonna", nơi mình ở, bỗng từ góc phố có một kẻ gầm lên, nhảy xổ ra như một con sư tử và chộp lấy chiếc ghế. Suýt nữa thì đánh nhau to. Hắn định hạ thủ anh. Sau anh nhìn kỹ, thì ra thằng cha Ippolit. Hắn cạo sạch râu ria và em thử tưởng tượng, hắn cạo trọc cả đầu, đồ con phe, già đời mà không biết nhục!
    Anh và hắn phá tung chiếc ghế - bên trong chả có gì. Sau đó anh mới hiểu rằng mình đã lạc đường. Chứ hôm ấy thì anh buồn lắm.
    Bực mình, anh mới chửi cho hắn một trận.
    Ông ngần này tuổi đầu mà không biết xấu hổ, anh nói, cái nước Nga bây giờ sao mà man rợ đến thế, anh nói, ai đời một gã đô thống quý tộc lại nhảy xổ như một con sư tử vào vị linh mục và định ăn sống nuốt tươi đức cha đáng kính, lại còn mắng đức cha về chuyện không vào đảng! Mày là quân hèn mạt, anh nhiếc hắn, mày đã làm tình làm tội bà Klavđia, mày đã săn tìm tài sản của người khác, cái tài sản bây giờ đã thuộc về nhà nước, chứ không còn là của mày nữa.
    Hắn xấu hổ quá, chuồn luôn, chắc là hắn chạy đi tìm nhà thổ.
    Còn anh, anh trở về phòng ở của mình tại khách sạn "Sorbonna" và bắt đầu suy tính kế hoạch tiếp theo. Và anh đã nghĩ ra cái điều mà thằng trọc phú ngu ngốc Ippolit không thể nào nghĩ ra được! Anh quyết định đi tìm cái người đã phân phối những đồ gỗ quý bị sung công. Em thử tưởng tượng, Kachia yêu quý, việc anh học khoa luật chẳng uổng phí chút nào. Anh đã tìm thấy người ấy... Tìm thấy ngay hôm sau thôi. Vanrfolomêvich là một ông già đứng đắn. Ông ấy sống với một bà lão, vất vả mới kiếm đủ miếng ăn. Ông ấy đã trao toàn bộ giấy tờ cho anh. Đành phải thưởng cho ông ấy thích đáng. Thành thử anh hết cả tiền (chuyện này anh sẽ bàn sau). Hóa ra tất cả mười hai chiếc ghế ở phòng khách nhà Ippolit đều rơi vào tay kỹ sư Bruns, ở phố Vinográt, số nhà 34. Em nhớ là tất cả mười hai chiếc ghế về tay một người nhé, điều này ngoài sự mong đợi của anh (chỉ sợ rơi vào tay nhiều người khác nhau). Anh mừng lắm. Hôm ấy ở "Sorbonna" anh lại chạm trán với Ippolit, cái thằng khốn nạn. Anh chửi cho hắn và cả thằng tướng cướp bạn hắn một trận không tiếc lời. Anh rất sợ chúng nó biết được bí mật của mình, nên cứ khóa cửa ở tịt trong phòng cho đến lúc hai thằng cuốn gói.
    Thì ra Bruns đã chuyển công tác từ Stargorot đến Khác-cốp từ năm 1923. Anh dò hỏi ông già lao công và được biết rằng viên kỹ sư đã mang toàn bộ số ghế ấy đi theo, rằng anh ta hết sức giữ gìn số ghế đó. Người ta bảo Bruns là con người mực thước.
    Lúc này anh đang ngồi ở nhà ga thành phố Khác-cốp viết thư này cho em để nói mấy điều như sau. Thứ nhất, anh rất yêu em, rất nhớ em. Thứ hai, kỹ sư Bruns đã không còn ở đây nữa. Nhưng em đừng thất vọng. Hiện giờ Bruns đang công tác ở Rostôp, ở "Công ty xi măng mới", theo như anh được biết. Tiền ăn đường anh còn quá ít. Một giờ nữa anh phải đáp tàu hàng. Em yêu quý, em hãy đến nhà thằng con rể lấy năm chục rúp (nó nợ anh và đã hứa trả), rồi gửi đến Rostôp cho anh theo địa chỉ sau: Bưu điện trung tâm, hòm thư lưu. Fêđor Ioannôvich Vostricôp. Gửi bằng đường thư thì cước phí rẻ thôi, chỉ độ ba mươi cô-pếch, tiết kiệm được chút nào hay chút ấy, em ạ.
    Ở thị trấn ta có nghe gì không? Có chuyện gì mới không?
    Kônđrachevna có hay đến chơi với em không? Em bảo cha Kirill rằng anh sắp về nhé, rằng anh đi Vôrônesh thăm bà nhạc đang hấp hối. Em cố gắng ăn tiêu dè sẻn. Evstigneev vẫn ăn trưa ở nhà ta chứ? Em bảo anh gửi lời thăm ông ta và nói rằng anh đi thăm người cô ruột.
    Thời tiết ra sao? Ở đây, Khác-cốp đang là mùa hè. Thành phố ồn ào lắm, và đây là trung tâm của nước cộng hòa Ukraina. Ở tỉnh lẻ đến đây cứ có cảm tưởng mình ra ngoại quốc vậy.
    Em hãy làm mấy việc:
    1- Đem chiếc áo thụng mùa hè của anh đi giặt và sửa lại (tốn 3 rúp còn hơn may cái mới).
    2- Giữ gìn sức khỏe.
    3- Nếu viết thư cho Gulenca, em cứ làm như vô tình nói rằng anh đến thăm nhà bà cô ruột ở Vôrônesh.
    Cho anh gởi lời thăm tất cả mọi người và bảo rằng anh sắp về.
    Ôm hôn em và ban phước cho em.
    Feđia chồng em.
    Nôtabene 1: Hiện nay thằng cha Ippolit đang lùng sục ở đâu đó thì phải.
    Tình yêu làm cho con người khô héo. Con bò đực hậm hực vì thèm khát. Con gà trống đứng ngồi không yên. Ngài đô thống quí tộc thì ăn mất ngon.
    Bỏ Ostap và tay sinh viên Ivanôpulo ở quán rượu, Ippolit Matveevich lặn mò về ngôi nhà tập thể màu hồng và chiếm lĩnh vị trí bên cạnh cái két sắt. Ông nghe rõ tiếng xình xịch của những chuyến tàu chạy đi Kastilia và tiếng chân vịt quay nước của những chiếc tàu thủy nhổ neo.
    Những miền đất vàng tươi
    Xứ Alpukhara xa xôi héo hắt.
    Con tim đung đưa như quả lắc. Nghe trong tai điểm từng tiếng tích tắc, tích tắc.
    Hỡi em yêu
    Có nghe chăng tiếng đàn réo rắt
    Tiếng gọi của ghita.
    Nỗi lo buồn lan khắp hành lang. Không có gì có thể sưởi ấm cái lạnh giá của chiếc két sắt.
    Từ Sevilia đến Grênađa
    Trong bóng đêm yên hòa...
    Tiếng đĩa hát rên rỉ trong mấy căn phòng-hộp bút. Và những bếp đèn dầu reo o o như tổ ong.
    Vang vang khúc dạ ca
    Hòa trong tiếng gươm khua...
    Tóm lại, Ippolit Matveevich đã mê nàng Lida Kalachôva như điếu đổ.
    Nhiều người đi qua hành lang, qua chỗ Ippolit đứng, nhưng từ họ phả ra mùi thuốc lá, hoặc mùi rượu vốt-ca, hoặc mùi thuốc trị bênh, hoặc mùi canh suông. Trong bóng tối của hành lang, chỉ có thể nhận biết mọi người theo mùi hoặc theo tiếng bước chân nặng nhẹ. Chưa thấy Lida đi qua, Ippolit tin chắc như vậy. Nàng không hút thuốc, không uống rượu vốt-ca và không đi ủng đóng cá sắt. Từ người nàng không thể tỏa ra mùi I-ốt hoặc mùi đầu cá chiên. Thân hình nàng chỉ có thể phảng phất mùi thơm dịu của món cháo lúa mạch hoặc mùi cỏ non mà phu nhân Norđman Sererova đã dùng làm thức ăn cho họa sĩ lừng danh Ilia Rêpin trong một thời gian dài.
    Nhưng kìa đã thoáng thấy tiếng bước chân nhè nhẹ, rụt rè. Có ai đó đi dọc hành lang, chạm vào các bức tường đàn hồi của nó, miệng người ấy khẽ lẩm nhẩm:
    - Lida đấy phải không? - Ippolit hỏi khẽ như tiếng gió thoảng.
    Một giọng trầm đáp lại.
    - Làm ơn cho biết gia đình Pfeferkora sống ở phòng nào ạ? Tối như bưng lấy mắt, chả còn nhìn thấy gì.
    Ippolit hốt hoảng. Vị khách tìm phòng Pfeferkora ngơ ngác chờ trả lời mãi không được, đành tiếp tục lần mò.
    Mãi đến chín giờ tối, Lida mới tới. Hai người bước ra phố, dưới bầu trời màu xám nhạt.
    - Ta đi đâu chơi đây? - Lida hỏi.
    Ippolit nhìn khuôn mặt trắng trẻo của cô gái và thay vì đọc thẳng câu thơ "Hỡi em, Inezilia, anh đứng dưới cửa sổ phòng em đây", ông lại đi nói dài dòng và tẻ ngắt về chuyện đã lâu ông không ở Mátxcơva, rằng Paris hơn hẳn thị trấn Belokamennala, một nơi dù có tô điểm đến mấy cũng sẽ chỉ là một cái làng lớn, được xây dựng theo một quy hoạch tùy tiện, lộn xộn.
    - Tôi nhớ Mátxcơva khác hẳn bây giờ, Lida ạ. Bây giờ ở đây tất cả đều toát ra sự bần tiện. Ngày xưa ấy à, bọn tôi tiêu tiền như rác ấy chứ. "Đời người chỉ sống một lần", có câu hát như vậy đấy.
    Họ đi hết đại lộ Frechishten và ra phố bờ sông, phía đền chúa cứu thế.
    Những cái đuôi cáo chạy dài phía sau cầu Moskoretski. Những trạm phát điện của nhà máy thủy điện Mátxcơva tỏa khói như một đoàn tàu thủy. Các chuyến tàu điện chạy qua cầu. Mấy con thuyền lửng lơ trôi dưới sông. Tiếng đàn gió rên rỉ buồn rầu.
    Lida khoác tay Ippolit, vừa đi vừa kể lại tất cả những nỗi cay cực của mình. Nào những lần cãi nhau với chồng, nào sinh hoạt khó khăn bên cạnh những người hàng xóm - cựu sinh viên hóa học - chuyên nghe lỏm, nào lối ăn chay đơn điệu.
    Ippolit vừa nghe vừa tưởng tượng. Quỷ sứ trỗi dậy trong lòng ông. Ông hình dung một bữa ăn tối tuyệt diệu. Ông đi đến kết luận rằng cần phải tìm cách làm cho một cô gái như Lida sửng sốt.
    - Ta đi xem hát nhé, - Ippolit đề xuất.
    - Xem phim hay hơn, - Lida nói, - đỡ tốn kém nữa.
    - Ồ, nghĩ đến chuyện tiền nong làm gì, cô em. Đêm nay đẹp thế này, ai lại nhắc đến tốn kém.
    Con quỷ nổi hứng không cần mặc cả, đưa luôn cặp trai gái lên xe ngựa đến rạp chiếu bóng "Ars". Ippolit tỏ ra hào phóng. Ông mua loại vé đắt tiền nhất. Phải nói thêm rằng họ không xem hết buổi, vì Lida đã quen ngồi ở hàng ghế rẻ tiền, gần màn ảnh; lần này từ dãy ghế thứ ba mươi tư đắt tiền, cô nhìn không được rõ.
    Trong túi Ippolit có cả một nửa số tiền mà hai thành viên hợp đồng quyên góp được của hội kín Stargorot. Đấy là một khoản tiền lớn so với Ippolit, người đã quen thói xa xỉ ngày xưa. Hôm nay, phấn chấn vì khả năng dễ dàng chinh phục tình yêu, ông muốn ăn tiêu hào phóng cho Lida lóa mắt. Để làm việc ấy, ông cho là mình đã được chuẩn bị chu đáo. Ông kiêu hãnh nhớ lại mình đã từng chinh phục trái tim nàng Êlêna Bour kiều diễm dễ dàng như thế nào. Thói quen tiêu tiền hoang phí, thoải mái vốn là bản tính của ông. Ở Stargorot ông từng nổi danh là một người bặt thiệp và biết trò chuyện với bất kỳ phụ nữ nào. Ông thấy nực cười, nếu phải vận dụng toàn bộ sự lão luyện ngày xưa của mình vào việc chinh phục một cô bé Xô viết hoàn toàn non nớt, ngây thơ.
    Sau nhiều lời năn nỉ, Ippolit chở Lida đến cửa hàng "Praha" là tiệm ăn mẫu mực của Hội tiêu dùng Mátxcơva, "chỗ ăn ngon nhất" ở Mátxcơva theo lời Ostap nói với ông.
    "Praha" làm cho Lida kinh ngạc vì ở đây có rất nhiều gương ánh sáng và chậu hoa. Lida thấy mình đến đây là vô tội, vì cô chưa bao giờ tới thăm các tiệm ăn lớn mẫu mực. Nhưng phòng ăn đầy những gương là gương làm cho cả Ippolit cũng sững sờ. Ông lạc hậu mất rồi, đã quên mất phong thái ở tiệm ăn rồi. Giờ đây ông thấy xấu hổ về đôi ủng mũi vuông của mình, về cái quần dài may từ trước chiến tranh và cái áo gi-lê lỗi thời.
    Cả hai người đều lúng túng và đứng sững trước đám khách ăn đông đúc, ăn mặc khá chải chuốt, sặc sỡ.
    - Ta đi lại góc đằng kia nhé, - Ippolit đề nghị, mặc dù ngay cạnh chỗ dàn nhạc đang dạo một khúc hổ lốn trích từ bản "Baiađerka" có mấy bàn trống.
    Cảm thấy tất cả mọi người đang nhìn mình, Lida đồng ý luôn. Con sư tử trần tục và nhà chinh phục đàn bà Ippolit bước theo sau cô. Cái đít quần nhàu nát của con sư tử trên đôi mông gầy nhom trông dúm da dúm dó. Nhà chinh phục đàn bà gỡ kính kẹp mũi ra lau để đỡ phần bối rối.
    Chẳng ai lại bàn. Ippolit không ngờ như vậy. Và ông lẽ ra phải lịch sự trò chuyện với cô đầm của mình, thì lại cứ im như thóc, uể oải cầm cái gạt tàn gõ xuống bàn cành cạch và luôn miệng húng hắng ho. Lida tò mò nhìn bốn phía, sự im lặng trở nên mất tự nhiên. Nhưng Ippolit vẫn không thốt ra một lời. Ông quên rằng chính ông bao giờ cũng phải nói trong tình huống như lúc này.
    - Anh ơi, làm ơn... - ông gọi nhỏ khi thấy những người phục vụ bàn lướt qua.
    - Xin chờ một lát! - Họ vừa rảo bước vừa trả lời ông.
    Cuối cùng người ta mang bản thực đơn tới. Ippolit chúi đầu vào xem với cảm giác nhẹ cả người.
    - Tại sao, - ông lẩm bẩm, - thịt bê hai rúp hai mươi lăm cô-pếch, phi-lê hai rúp hai lăm mà vốt-ca những năm rúp nhỉ?
    - Năm rúp được cả một bình to, - nhân viên phục vụ bàn nói và nóng ruột nhìn sang bàn khác.
    "Mình làm gì thế nhỉ? - Ippolit hoảng hốt, - Thành trò cười cho họ rồi".
    - Mời cô muốn dùng món gì thì chọn, - Ông nói với vẻ lịch sự muộn màng.
    Lida ngượng quá. Cô thấy gã nhân viên phục vụ bàn kiêu ngạo nhìn ông bạn đường của cô và cô hiểu rằng Ippolit đã cư xử không đúng điều gì đó.
    - Tôi hoàn toàn không đói, - cô nói, giọng run run. - Hay là... Đồng chí ơi, ở đây có món ăn chay không?
    Gã nhân viên phục vụ bắt đầu giậm chân như ngựa.
    - Không có món ăn chay. Chỉ có món omlét với giăm bông.
    - Thế thì cho tôi món xúc xích vậy, - Ippolit quả quyết nói.
    - Cô ăn được món xúc xích chứ, Lida?
    - Được.
    - Vậy là xúc xích. Đây, mỗi xuất một rúp hai mươi lăm này. Và một chai vốt-ca.
    - Chỉ có rượu vốt-ca trong bình thôi.
    - Thế thì cho một bình to vào.
    Gã nhân viên phục vụ nhìn Lida bằng cặp mắt trong suốt.
    - Ông nhắm vốt-ca với gì chứ? Món trứng cá tươi? Cá hồi hay món gì?
    Trong con người Ippolit vẫn tiếp tục nổi lên lời nhắc nhở của gã nhân viên phòng đăng ký hộ tịch.
    - Khỏi cần, - ông thô lỗ đáp, vẻ khó chịu. - Dưa chuột muối ở tiệm này giá bao nhiêu? Thôi được, cho hai xuất.
    Gã phục vụ bàn đã chạy đi, không khí lại trở nên im lặng nặng nề. Lida lên tiếng trước.
    - Tôi chưa đến đây lần nào. Ở đây đẹp thật.
    - Vâng, - Ippolit dài giọng, ông đang tính nhẩm xem các món vừa đặt hết bao nhiêu tiền cả thảy.
    "Không sao, - ông nghĩ, - uống hết rượu là mình rút lui. Không đặt món ăn thì cũng bất tiện".
    Nhưng khi ông đã uống rượu và nhấm nháp dưa chuột rồi, thì ông chẳng những không rút lui, mà còn lầm lì hơn. Lida không uống rượu. Không khí tiếp tục căng. Đã thế lại có một người đàn ông đến bên bàn, âu yếm nhìn Lida và mời cô mua hoa.
    Ippolit làm ra vẻ không để ý đến gã bán hoa, song gã chẳng chịu xéo đi cho. Mà khi có mặt gã, làm sao có thể nói những câu lịch thiệp được kia chứ.
    May mà chương trình có nhạc giúp ông thoát bí. Một ông béo mặc áo Niditca, đi giày bóng lộn bước ra bục diễn.
    - Thế là chúng ta lại gặp nhau, - ông ta nói với cử tọa. - Tiết mục sắp tới trong chương trình ca nhạc của chúng tôi là của Vacvara Ivanôpna Gốtlépxkaia, người trình diễn các bài dân ca Nga nổi tiếng thế giới mà bà con ở khu vực Maria đều biết tiếng... Xin mời Vacvara Ivanôpna!
    Ippolit uống vốt-ca và im lặng vì Lida không uống và lúc nào cũng nhấp nhổm đòi về, nên ông phải vội vàng uống nhanh cho hết bình rượu to.
    Khi một người đàn ông mặc áo nhung ra thay thế tiết muc của nữ ca sĩ mà bà con ở khu vực Maria đều biết tiếng, và cất tiếng hát:
    Các anh cứ đi
    Lang thang lang thang nơi này chốn nọ
    Làm như khúc ruột thừa của các anh
    Sẽ no vì đi lắm
    Đi lắm,
    Ta - ra - ra - ra,
    thì Ippolit đã say quá rồi, và cùng với tất cả thực khách của tiệm ăn kiểu mẫu, những người mà nửa tiếng trước ông còn coi là bọn thô lỗ, bọn tướng cướp Xô viết bần tiện, - ông vỗ tay đánh nhịp và hòa theo"
    Đi lắm, đi lắm,
    Ta - ra - ra - rá...
    Ông cứ đứng dậy luôn và đi vào phòng toa-lét mà không xin lỗi. Các bàn bên cạnh đã gọi ông là bác và kéo ông sang uống bia với họ. Nhưng ông từ chối. Ông bỗng trở nên ngạo mạn và đáng ngờ. Lida quả quyết đứng lên:
    - Ông cứ ở lại, tôi về đây. Tôi về một mình cũng được.
    - Không, sao lại thế? Là nhà quý tộc, tôi không thể để như vậy! Xinho đâu! Tính tiền! Khốn nạn!
    Ippolit xem hóa đơn thanh toán hồi lâu, người cứ đung đưa qua lại trên ghế.
    - Chín rúp hai mươi cô-pếch cơ à? - Ông lẩm bẩm, - Có lẽ phải đưa cả cho anh chìa khóa mở cửa phòng để tiền chăng?
    Câu chuyện chấm dứt bằng việc người ta phải xốc hai bên nách dìu Ippolit đi xuống. Lida không thể bỏ chạy, bởi vì phiếu gửi áo khoác đang ở trong túi con sư tử trần tục.
    Ở ngõ phố thứ nhất, Ippolit tựa hẳn vai vào người Lida và bắt đầu chụp lấy cả hai tay cô. Lida lặng lẽ gỡ ra.
    - Ơ hay! - Cô nói - Ơ hay! Ơ hay!
    - Mình đến khách sạn thuê phòng đi! - Ippolit năn nỉ.
    Lida giằng tay ra và đấm thẳng vào cánh mũi nhà chinh phục đàn bà. Chiếc kính kẹp mũi gọng vàng văng ngay xuống cái mũi ủng hình vuông và vỡ tan.
    Gió đêm nhè nhẹ
    Không khí êm đềm.
    Lida nuốt nước mắt chạy trên phố Serebrian về nhà mình.
    Gvađalkvivir 2
    Chảy ào ào
    Như người mù vì bị mất kính, Ippolit dò dẫm đi theo hướng ngược lại, miệng hét to:
    - Bắt lấy kẻ cắp! Bà con ơi!
    Sau đó ông khóc một lúc lâu, rồi vừa chùi nước mắt vừa mua cả làn bánh mì vòng của một bà già. Ông ra chợ Smôlensk lúc này vắng tanh và tối om, đi ngang đi dọc trong chợ hồi lâu, vừa đi vừa tung những chiếc bánh mì vòng như người nông dân gieo hạt, miệng lảm nhảm:
    Các anh cứ đi
    Lang thang, lang thang nơi này chốn nọ,
    Ta - ra - ra - rá...
    Sau đó Ippolit kết bạn với một tay xà ích, thổ lộ toàn bộ nỗi lòng với anh ta và kể hết chuyện tìm kim cương.
    - Một ông chủ vui tính thật! - Tay xà ích nhận xét.
    Ippolit quả thật đang vui. Rõ ràng cái vui của ông có phần đáng trách, bởi vì khoảng mười một giờ trưa hôm sau ông thức dậy ở đồn Công an. Từ hai trăm rúp mà ông có trong túi khi mở đầu đêm giải trí nhục nhã, bây giờ ông chỉ còn mười hai rúp.
    Ông có cảm tưởng ông đang hấp hối. Xương sống đau như dần, gan đau âm ỉ, đầu nhức buốt, nặng như chì. Nhưng đáng sợ nhất là ông không còn nhớ là ông tiêu ở đâu và như thế nào một món tiền lớn như vậy. Trên đường về nhà, ông phải rẽ vào hiệu kính để lắp mắt kính mới.
    Ostap ngạc nhiên nhìn ngó cái thể xác đẫm nước đái của Ippolit một lúc lâu, nhưng không nói gì cả. Hắn lạnh lùng chuẩn bị trận chiến đấu mới.
    Chú thích
    1.Notaben - tái bút.
    2.Tên một dòng sông ở vùng núi Thổ Nhĩ Kỳ (thơ của Puskin).

  3. #22
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHƯƠNG 21: NHỤC THỂ
    Cuộc bán đấu giá bắt đầu từ lúc năm giờ. Cửa mở cho khách vào xem các đồ vật thì bắt đầu từ bốn giờ. Hai nhân vật của chúng ta có mặt ở đó lúc ba giờ và dành cả một tiếng đồng hồ để xem cuộc triển lãm cơ khí bố trí ở ngay bên cạnh.
    Ostap nói:
    - Có lẽ ngay ngày mai chúng ta đã có thể mua cái đầu máy xe lửa nhỏ này nếu ta muốn. Tiếc rằng không thấy đề giá. Dầu sao có một cái đầu máy xe lửa của riêng mình thì cũng thú.
    Ippolit nóng ruột, bồn chồn. Chỉ những cái ghế mới có thể an ủi ông.
    Ông chỉ rời khỏi chỗ kê bộ ghế khi người phụ trách bán đấu giá leo lên bục. Ông ta mặc một chiếc quần kẻ ô cổ lỗ sĩ, chòm râu dài đến ngực, giọng nói tiếng Nga trọ trẹ.
    Ippolit và Ostap chiếm vị trí ở hàng thứ tư bên phải. Ippolit bắt đầu hồi hộp tợn. Ông có cảm tưởng rằng mấy chiếc ghế sẽ được bán ngay bây giờ. Nhưng số thứ tự của chúng những thứ bốn mươi ba kia, và mặt hàng được bán đầu tiên là mấy thứ hàng đấu giá vớ vẩn: những bộ đồ ăn lẫn lộn, cả khay chén bằng bạc, tranh phong cảnh của họa sĩ Pêtunin, ví hạt cườm, bộ bấc đèn dầu hỏa hoàn toàn mới, tượng bán thân Napoléon, coócsê bằng vải gai, tấm thảm treo "Thợ săn bắn vịt trời" và một số đồ vật ba lăng nhăng khác.
    Đành phải kiên nhẫn chờ đợi. Chờ đợi thật là khó: cả mười chiếc ghế đều ở ngay trước mặt, mục tiêu mới gần làm sao, chỉ với tay là tới.
    Ostap nhìn đám đông, nghĩ thầm "Ví thử mọi người biết có vật báu gì nằm trong bộ ghế kia, có lẽ nơi này sẽ trở thành bãi chiến trường mất".
    - Bức tượng thần công lý! - Người bán đấu giá nói to - bằng đồng đen. Chưa bị sứt sẹo gì. Năm rúp. Ai trả hơn không? Sáu rúp rưỡi, dãy bên phải, bảy rúp - ở dãy cuối. Tám rúp - dãy thứ nhất, trước mặt. Lần thứ hai, tám rúp, trước mặt. Lần thứ ba, dãy thứ nhất, trước mặt.
    Ngay sau đó, một cô gái cầm hóa đơn thu tiền bay đến chỗ vị công dân ở dãy thứ nhất.
    Chiếc búa nhỏ của người bán đấu giá đã gõ xuống. Người ta bán mấy cái gạt tàn thuốc của lâu đài, đồ pha lê Bakhar, cái hộp đựng phấn bôi mặt bằng sứ.
    Thời gian trôi đi quá chậm.
    - Tượng bán thân bằng đồng đen của Alếchxăngđr Đệ tam. Có thể dùng làm cái chặn giấy, chứ không thể làm gì khác. Tượng Alếchxăngđr Đệ tam được bán với giá định sẵn.
    Công chúng cười ồ.
    - Mua đi, ngài đô thống, - Ostap nói, - hình như ông thích nó thì phải.
    Ippolit không rời mắt khỏi bộ ghế, im lặng.
    - Không ai mua ư? Thôi bán đấu giá tượng bán thân Alếchxăngđr Đệ tam. Bây giờ đến bức tượng thần công lý. Hình như cùng cặp với cái tượng đã bán lúc nãy. Vaxili, hãy giơ lên cho bà con nhìn rõ "Thần công lý". Năm rúp. Ai trả hơn?
    Dãy thứ nhất, trước mặt, có tiếng hậm hực. Rõ ràng ông khách ấy muốn đủ bộ "Thần công lý".
    - "Thần công lý" bằng đồng đen - năm rúp!
    - Sáu! - Ông khách dãy thứ nhất nói to.
    - Sáu rúp ở trước mặt. Bảy. Chín rúp ở dãy cuối, bàn phải.
    - Chín rúp rưỡi - Ông khách thích "Thần công lý" giơ tay ns nhỏ.
    - Chín rúp rưỡi, trước mặt. Lần thứ hai, chín rúp rưỡi. Lần thứ ba chín rúp rưỡi trước mặt.
    Chiếc búa gõ xuống. Cô tiểu thư chạy đến chỗ ông khách ở dãy thứ nhất.
    Ông ta trả tiền rồi đi sang phòng bên nhận bức tượng của mình.
    - Mười chiếc ghế của lâu đài! - Người bán đấu giá chợ hô to.
    - Sao lại của lâu đài? - Ippolit khẽ thốt lên.
    Ostap nổi giận:
    - Cút mẹ ông đi! Đứng im đấy mà nghe!
    - Mười chiếc ghế của lâu đài. Bằng gỗ hồ đào. Thời Alếchxăngđr Đệ nhị. Còn tốt nguyên. Mặt hàng của xưởng gỗ Hambx. Vaxili, hãy giơ một chiếc ra trước đèn chiếu.
    Vaxili kéo chiếc ghế xềnh xệch khiến Ippolit nhổm hẳn người dậy.
    - Ngồi xuống, đồ ngu. Thật khổ cái thân tôi! - Ostap rít lên. - Đã bảo ông ngồi xuống kia mà!
    Hàm dưới của Ippolit trẹo hẳn đi. Ostap ngồi nghiêm. Mắt hắn sáng lên.
    - Mười chiếc ghế hồ đào. Tám chục rúp.
    Công chúng sôi nổi hẳn lên. Người ta đang bán một thứ đồ dùng cần thiết trong gia đình. Những cánh tay thi nhau giơ lên. Ostap vẫn bình thản.
    - Sao anh không mặc cả đi? - Ippolit công kích hắn.
    - Cút! - Ostap nghiến răng đáp.
    - Một trăm hai mươi rúp, phía sau. Một trăm ba mươi lăm rúp, cũng phía sau. Một trăm bốn mươi.
    Ostap thản nhiên quay lưng lại phía bục rao và mỉa mai nhìn những đối thủ cạnh tranh của mình.
    Phòng bán đấu giá lúc này chật ních người. Không còn một chỗ trống. Ngay dãy thứ năm cạnh Ostap, một bà trao đổi với chồng mấy lời nức nở khen bộ ghế ("Kém gì ghế bành đâu! Đóng khéo thật! Alếchxăngđr, mua đi! Ghế lâu đài kia đấy!") và bà ta giơ tay lên.
    - Một trăm bốn mươi lăm, dãy thứ năm bên phải. Lần thứ nhất.
    Công chúng im phăng phắc. Đắt quá.
    - Một trăm bốn mươi lăm. Lần thứ hai.
    Ostap thản nhiên nhìn thành tường đắp nổi. Ippolit ngồi gục đầu, người run bắn.
    - Một trăm bốn mươi lăm. Lần thứ ba.
    Nhưng trước khi cái búa nhỏ đánh xi đen bóng kịp gõ xuống bục gỗ, Ostap quay lại, vung cánh tay và nói không to:
    - Hai trăm.
    Mọi cái đầu đều ngoảnh về phía hắn. Những cái khăn, chiếc mũ đủ kiểu xê dịch. Nhân viên bán đấu giá ngẩng mặt lên nhìn Ostap.
    - Hai trăm lần thứ nhất. - Ông ta nói - Hai trăm dãy thứ tư bên phải, lần thứ hai. Có ai muốn mặc cả không nào? Hai trăm rúp, bộ ghế bằng gỗ hồ đào của lâu đài gồm mười chiếc. Hai trăm rúp, lần thứ ba, dãy thứ tư bên phải.
    Cánh tay cầm búa lơ lửng trên bục.
    - Mẹ ơi! - Ippolit kêu to.
    Ostap, hồng hào và thản nhiên, mỉm cười. Chiếc búa gõ xuống, phát ra một âm thanh thiêng liêng.
    - Đứng giá rồi, - Nhân viên bán đấu giá nói. - Tiểu thư! Dãy thứ tư, bên phải.
    - Thế nào ông chủ nhiệm, épphê chưa? - Ostap hỏi. - Liệu không có giám đốc kỹ thuật, ông sẽ làm ăn như thế nào nhỉ?
    Ippolit sung sướng thở phào. Cô gái chạy lon ton lại chỗ hai người.
    - Hai ông mua ghế phải không ạ?
    - Vâng, chính chúng tôi! - Ippolit thét lên sau cả một thời gian dài nín nhịn. Chúng tôi, chính chúng tôi. Bao giờ có thể nhận ghế?
    - Bao giờ ông muốn. Ngay bây giờ cũng được!
    "Giai điệu các anh cứ đi, lang thang, lang thang nơi này chốn nọ" bỗng dâng lên trong óc Ippolit. "Ghế của ta đây, ta đây, ta đây!" - Cả cơ thể ông như muốn thét lên mấy câu ấy. "Của ta đây" - lá gan nói. "Của ta đây" - khúc ruột thừa kêu.
    Ông mừng rỡ đến nỗi mạch đập loạn xạ ở những chỗ bất ngờ nhất. Tất cả chao đảo, đung đưa, rạn nứt dưới sức ép của niềm hạnh phúc chưa từng thấy. Kìa đang hiện ra chuyến tàu chạy đến gần Xanh-Gotard. Ippolit đứng ở bậc toa sau cùng, trong bộ y phục trắng toát, miệng ngậm xì gà. Những bông tuyết lặng lẽ rơi xuống mái đầu đã được nhuộm lại màu nhôm trắng của ông. Ông đang đáp tàu đi Eđem.
    - Tại sao hai trăm ba, chứ không phải hai trăm? - Ippolit nghe rõ câu hỏi.
    Đó là câu hỏi của Ostap, hắn đang xoay xoay tờ hóa đơn trong tay.
    - Vì tính thêm mười lăm phần trăm hoa hồng, - cô tiểu thư trả lời.
    - Thôi cũng đành! Trả thì trả!
    Ostap rút ví, đếm hai trăm rúp và quay sang vị chủ nhiệm hợp đồng:
    - Xì ba mươi rúp ra đi, nhanh lên, ông không thấy tiểu thư đang đợi sao. Nào?
    Ippolit không tỏ dấu hiệu nào là định lấy tiền ra.
    - Nào? Sao ông cứ nhìn tôi như lính thấy rệp thế? Sướng qua mụ người rồi hả?
    - Tôi không có tiền, - Cuối cùng Ippolit lắp bắp.
    - Ai không có tiền? - Ostap hỏi rất nhỏ.
    - Tôi.
    - Thế hai trăm rúp đâu?
    - Tôi... đ... đ... đánh mất rồi.
    Ostap nhìn Ippolit, đánh giá rất nhanh vẻ mặt thiểu não, màu tái xanh của gò má và quầng mắt sâu thẳm của ông ta.
    - Bỏ tiền ra! - Hắn căm giận rít khẽ. - Đồ con lợn!
    - Hai ông có trả tiền không nào? - Cô tiểu thư hỏi.
    - Chờ một chút! - Ostap mỉm cười thật tươi, - xin cô em chờ một chút xíu thôi.
    Còn đôi chút hy vọng. Có thể thuyết phục họ cho mình trả chậm lại chăng.
    Ippolit Matveevich bỗng như người sực tỉnh, ông nhổ nước miếng, nói to:
    - Xin lỗi! Tại sao trả tiền huê hồng? Chúng tôi chẳng biết gì về cái lệ ấy cả. Phải tuyên bố trước chứ. Tôi không trả khoản ba chục rúp huê hồng đâu.
    - Được, - cô tiểu thư đáp gọn, - tôi sẽ giải quyết việc này xong ngay.
    Cô ta lấy lại tờ hóa đơn, chạy đến chỗ người nhân viên bán đấu giá, nói mấy câu gì đấy. Ông kia lập tức đứng dậy. Chòm râu ông ta lấp lánh dưới ánh đèn rực rỡ.
    - Theo thể lệ bán đấu giá, - ông tuyên bố sang sảng, - kẻ nào không trả đủ số tiền mua hàng, phải rời khỏi phòng. Cuộc ngã giá coi như bị xóa bỏ.
    Hai anh bạn của chúng ta ngồi bất động vì sững sờ.
    - Mời hai ông! - nhân viên bán đấu giá nói trọ trẹ, épphê thật là mạnh. Công chúng cười rộ lên. Ostap vẫn chưa đứng dậy. Đã lâu lắm hắn không bị những cú đòn như thế này.
    - Mo-ơ-ời hai ông ra ngay! - lão nhân viên bán đấu giá hát bằng một giọng không cho phép ai phản đối.
    Tiếng cười trong phòng càng to hơn.
    Hai nhân vật đành đi ra. Ít ai rời khỏi phòng đấu giá với cảm giác cay đắng như họ. Ippolit đi trước. Ông xo ro đôi vai gầy và xuôi, với chiếc áo vét ngắn củn, đôi ủng tã, ông bước như một con sếu và cảm thấy sau lưng cái nhìn thân ái, ấm áp của tay vua mánh.
    Hai người dừng lại ở phòng bên cạnh. Bấy giờ họ chỉ có thể xem cảnh bán đấu giá qua cửa kính. Đường sang bên ấy đã bị cắt đứt. Ostap im lặng thân ái.
    - Chẳng còn ra cái trật tự gì, - Ippolit lẩm bẩm với thái độ sợ sệt, - thật là tùy tiện! Phải đi báo công an đến phạt chúng nó mới được.
    Ostap làm thinh.
    - Đúng là quỷ sứ mới biết được! - Ippolit tiếp tục bực bội - Chúng nó bóc lột người lao động bằng giá bán đắt gấp mấy lần. Lạy chúa... Có mười cái ghế long chân mà chúng nó chém những hai trăm ba mươi rúp. Phát điên lên được.
    - Ừ, - Ostap lạnh như tiền.
    - Đúng thế không? - Ippolit hỏi lại - Phát điên lên được đấy nhỉ?
    - Có thể lắm.
    Ostap bước sát tới chỗ Ippolit, nhìn quanh, rồi kín đáo thụi mạnh vào mạng mỡ vị đô thống.
    - Này thì báo công an! Này thì bán đắt mấy chiếc ghế để lột da người lao động tất cả các nước! Này thì đi chơi đêm với gái! Này thì quỷ sứ mới biết!
    Suốt thời gian nhục thể ấy, Ippolit không phát ra được một tiếng.
    Người ngoài nhìn vào có thể tưởng tượng rằng cậu con trai đang cung kính nói với ông bố, còn ông bố thì cứ gật đầu lia lịa.
    - Thôi, giờ thì cút!
    Ostap quay lưng về phía chủ nhiệm hợp đồng và bắt đầu nhìn sang phòng bán đấu giá. Một phút sau hắn ngoảnh lại, thấy Ippolit vẫn đứng phía sau, hai tay đặt ở chỉ quần!
    - Sao, linh hồn của xã hội, ông vẫn còn ở đây hả? Cút! Bảo cút đi kia mà!
    - Đồng... đồng chí Benđer! - Ippolit van xin - Đồng chí Benđer ơi!
    - Cút, cút đi! Và chớ có về nhà Ivanopulo! Ta sẽ đuổi cổ mi ra.
    - Đồng... đồng chí Benđer!
    Ostap không quay lại nữa. Phòng bên đang xảy ra điều gì đó hấp dẫn Benđer đến nỗi hắn khẽ hé cửa ra và dỏng tai nghe.
    - Đi đứt rồi! - Hắn lẩm bẩm.
    - Cái gì đi đứt ạ? - Ippolit hỏi lấy lòng.
    - Họ đang bán riêng từng cái ghế chứ còn cái gì. Có lẽ ông muốn mua hả? Xin mời. Tôi chả ngăn cản. Có điều tôi ngờ rằng họ sẽ không cho ông mua đâu. Vả lại, hình như ông cũng chả có mấy đồng.
    Trong lúc đó, ở phòng bán đấu giá, câu chuyện diễn như sau: lão nhân viên phụ trách cảm thấy khó mà rút ruột đám đông lấy hai trăm rúp liền một lúc (một khoản tiêu quá lớn so với những vật dụng lặt vặt còn lại trong phòng), nên đã quyết định thu hai trăm rúp dần dần. Bộ ghế lại được đem ra bán đấu giá, nhưng theo từng chiếc một.
    - Bốn chiếc ghế của lâu đài. Bằng gỗ hồ đào. Đệm mềm. Kiểu Hambx. Ba mươi rúp. Ai trả hơn?
    Toàn bộ vẻ kiên quyết và máu lạnh nhanh chóng trở lại với Ostap.
    - Này ông mê gái, ông hãy đứng đây và nhìn kỹ xem ai mua cái gì. Không được đi đâu cả, chừng vài phút tôi sẽ quay lại. Nhớ đừng để người ta mang đi chiếc ghế nào đấy.
    Trong óc Ostap đã phác xong một kế hoạch có khả năng duy nhất trong những hoàn cảnh hết sức gay cấn mà hai người gặp phải.
    Hắn chạy ra phố Petrovka, đến chỗ đặt thùng nấu nhựa đường gần nhau và bàn chuyện hợp tác làm ăn với đám trẻ lang thang.
    Như đã hứa trước, dăm phút sau Ostap đã quay trở lại chỗ Ippolit. Tốp trẻ lang thang đã đứng chực sẵn sàng ở cửa phòng bán đấu giá.
    - Họ đang bán, đang bán. - Ippolit nói nhỏ. - Đã bán xong hai đợt, một đợt bốn cái, một đợt hai cái rồi.
    - Thì ông đã hỗ trợ cho họ mà, - Ostap nói. - Sướng chưa. Tất cả đã ở trong tay, ông hiểu chứ, ở trong tay ta, thế mà... Ông sáng mắt ra chưa?
    Trong phòng âm vang giọng nói mà trời chỉ phú cho những người bán đấu giá, bọn hồ lì và thợ kính:
    - Thêm nửa rúp, bên trái. Ba. Một chiếc ghế lâu đài nữa, gỗ hồ đào. Còn tốt nguyên. Thêm nửa rúp, trước mặt. Lần thứ nhất, thêm nửa rúp, trước mặt.
    Ba chiếc ghế được bán riêng từng chiếc. Lão phụ trách bán đấu giá tuyên bố chiếc ghế cuối cùng.
    Cơn giận sôi sục trong ngực Ostap. Hắn lại nhiếc móc Ippolit, lời lẽ của hắn đầy vẻ cay đắng. Không biết những câu trào phúng của Ostap sẽ đi xa đến đâu, nếu như chúng không bị cắt đứt bởi một người đàn ông mặc bộ com-lê màu nâu. Ông ta bước nhanh lại chỗ Ostap, hai tay vung vẩy, người nhún nhảy như đang chơi ten-nít, cúi đầu hỏi Ostap liến thoắng:
    - Anh bạn ơi, có đúng là ở đây đang bán đấu giá không? Đúng không? Bán đấu giá ấy mà? Có đúng ở đây người ta bán nhiều đồ dùng không? Tuyệt!
    Người lạ mặt quay gót nhảy đi, và mặt ông ta sáng lên vô số nụ cười.
    - Ở đây đang bán các thứ đồ dùng thật ư? Đúng là có thể mua với giá rẻ chứ? Nhất hạng! Tuyệt! Tuyệt! Ái chà! Chao! Chao!
    Người lạ mặt nhún nhẩy cặp đùi núng nính, chạy vút sang phòng bên trước con mặt ngạc nhiên của hai thành viên hợp đồng và mua chiếc ghế cuối cùng nhanh đến nỗi Ippolit chỉ thốt được mỗi một tiếng "Ơ". Ông ta cầm tờ hóa đơn chạy đến chỗ nhận hàng.
    - Xin lỗi, có thể lấy ghế ở đây phải không? Tuyệt! Tuyệt! Ái chà chà! Chao! Chao!
    Miệng liếng thoắng, hai chân lúc nào cũng nhún nhẩy, người lạ mặt gọi xe ngựa, đặt chiếc ghế lên và phóng ngay đi. Một chú bé lang thang chạy theo vết xe.
    Dần dần tất cả những người chủ mới của các chiếc ghế đều đã ra về. Bám sát theo họ là các trinh sát viên nhỏ tuổi của Ostap. Chính hắn cũng đi về nhà. Ippolit sợ sệt len lén theo đằng sau. Ông cảm thấy ngày hôm nay là một giấc mơ. Mọi việc xảy ra rất nhanh và hoàn toàn không như sự mong đợi.
    Ở phố Sivtsev Vrazhek, những chiếc dương cầm, măngđôlin và đàn gió đang chào đón mùa xuân. Các cửa sổ mở toang, trên bậu cửa kê đầy các chậu hoa. Một người to béo, phanh bộ ngực lông lá, đứng bên cửa sổ và say sưa hát. Hai cái dây đeo quần của ông căng ra. Một con mèo chậm chạp bò men bờ tường. Các quầy bán hoa quả đều đã đốt đèn dầu, vì trời đã chạng vạng tối.
    Kolia đang đi đi lại lại bên ngôi nhà nhỏ màu hồng. Trông thấy Ostap, anh ta lịch sự cúi chào rồi tiến sát tới chỗ Ippolit ở phía sau. Ippolit niềm nở chào anh ta. Nhưng Kolia không muốn mất thời gian.
    - Chào ông! - Kolia nói và không nhịn thêm được nữa, anh ta đấm thẳng vào tai Ippolit.
    Vừa đấm, Kolia vừa nói một câu mà Ostap đứng ngoài quan sát cảnh tượng ấy cho là hơi đểu:
    - Đây sẽ là bài học, - Kolia nói bằng giọng trẻ con, - cho tất cả những đứa nào dám sờ vào...
    Dám sờ vào cái gì thì Kolia không nói nốt. Anh ta đang mải nhón chân, nhắm mắt, tát lia lịa vào mặt Ippolit.
    Ippolit chỉ giơ khuỷu tay lên che mặt chứ không dám ho he một tiếng.
    - Đúng lắm, - Ostap nói, - còn bây giờ thì đập vào cổ. Hai cái. Thế. Biết làm sao được. Đôi khi trứng đành dạy khôn cho vịt mới nở... Giáng cho hắn một cú nữa đi... Thế. Đừng ngại. Đừng đánh vào đầu hắn. Đấy là chỗ yếu nhất của hắn đấy.
    Ví thử các thành viên hội kín ở Stargorot nhìn thấy nhà tư tưởng khổng lồ và cha đẻ của nền dân chủ Nga vào giây phút tai hại đối với ông ta lúc này, thì hẳn là liên minh "Lưỡi kiếm và lưỡi cày" đến phải ngừng tồn tại.
    - Thôi, hình như đủ rồi, - Kolia nói và đút tay vào túi.
    - Thì cứ thêm một đòn nữa đi, - Ostap năn nỉ.
    - Tha cho nó. Lần sau còn thế thì biết tay tao!
    Kolia bỏ đi. Ostap đi lên phòng Ippolit và nhìn xuống dưới đường. Ippolit đứng gục mặt vào hàng rào sắt của sứ quán nước nọ.
    - Ông Mikhelson! - Ostap gọi - Konđrat Karlovich! Vào nhà đi! Tôi cho phép đấy!
    Ippolit bước vào phòng, vẻ mặt đã tươi hơn đôi chút.
    - Quân càn dở! - Ippolit tức giận nói. - Tôi phải cố nén lòng nhường nhịn nó.
    - Ây - ây - ây, - Ostap tỏ vẻ thông cảm - Bọn trẻ bây giờ quá quắt lắm! Bọn nó tệ lắm! Ai đời cứ đeo đuổi vợ người khác! Rồi vung phí tiền của người khác nữa chứ. Đúng là một lũ đồi bại, À này, khi bị đánh vào đầu, ông có thấy đau thật không?
    - Tôi sẽ thách nó phải đấu súng với tôi!
    - Hay nhỉ! Tôi có thể giới thiệu với ông một người quen của tôi để hướng dẫn cho ông. Anh ta thuộc làu bộ luật đấu súng và có hai cái chổi hoàn toàn tiện lợi cho một cuộc đấu sống mái. Còn người làm chứng thì có thể lấy Ivanopulo và tay láng giềng ở bên phải. Cậu ta vốn là công dân danh dự của thành phố Kologriv và hiện giờ vẫn còn núp dưới danh hiệu ấy. Mà cũng có thể tổ chức quyết đấu bằng cối xay thịt - như vậy lịch sự hơn. Mỗi vết thương dĩ nhiên là nặng. Đối thủ gục ngã sẽ lập tức biến thành món thịt xay. Cái đó khiến ngài vừa lòng chứ, ngài đô thống?
    Lúc ấy từ ngoài phố vọng vào tiếng huýt sáo, và Ostap bèn bước ra nhận các tin tình báo do tốp trẻ lang thang đem về.
    Bọn trẻ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao. Bốn chiếc ghế chở về nhà hát Kolumbơ. Một chú bé kể tỉ mỉ từ lúc người ta chất ghế lên xe, chở đi, rồi khiêng vào nhà hát qua cổng dành cho diễn viên như thế nào. Đặc điểm nhà hát Ostap đã biết rõ.
    Theo lời một trinh sát viên nhỏ tuổi khác, thì "một phu nhân kỳ quặc" thuê xe ngựa chở hai chiếc ghế đến phố Varsonofiev. Chú bé này không thuộc loại thông minh cho lắm. Chú chỉ nhớ số phòng, mà quên biến mất số nhà của "phu nhân kỳ quặc" kia.
    - Tại cháu chạy vội quá nên quên biến mất số nhà, - chú bé nói.
    - Thì khỏi nhận tiền thưởng. - Ostap tuyên bố.
    - Chú ơi!... Cháu sẽ chỉ chỗ ấy cho chú mà.
    - Được thì lát nữa ta cùng đi.
    Người mua chiếc ghế cuối cùng ở phố Sađovaia Spaaskaia. Ostap ghi rõ địa chỉ của ông ta vào sổ tay.
    Một chiếc ghế các chở về Nhà hữu nghị các dân tộc. Chú bé theo dõi chiếc này tỏ ra rất láu lỉnh. Chú đã vượt qua tất cả các hàng rào ngăn cách (ý nói các nhân viên quản trị, thường trực) để lọt vào bên trong và xác định chắc chắn rằng người mua chiếc ghế ấy là trưởng phòng quản trị tòa soạn báo "Máy cái".
    Còn hai cậu bé nữa chưa về. Lát sau cả hai cùng chạy đến một lúc, hơi thở hổn hển.
    - Phố Kazarma, cạnh hồ Chistoe.
    - Số nhà?
    - Chín. Phòng cũng số chín. Có một tốp người Tata sống cạnh đó, ngay dưới sân. Cháu đã bê hộ chiếc ghế cho ông ta. Ông ta đi bộ chứ không thuê xe.
    Cậu bé cuối cùng đem về một tin buồn. Lúc đầu mọi chuyện đều thuận lợi, nhưng sau đó hỏng bét cả. Người mua xách chiếc ghế vào bãi hàng của ga Oktiabrơ, cậu bé không tài nào lẻn vào theo bởi vì cửa ga có rất nhiều công an của Bộ giao thông đứng gác.
    - Có lẽ ông ta đáp tàu đi mất rồi, - cậu bé kết thúc bản báo của mình.
    Tin này khiến Ostap rất lo ngại. Sau khi thưởng công hậu hĩnh cho bọn trẻ, mỗi đứa một rúp, trừ chú bé quên số nhà ở phố Varsonofiev (Ostap dặn nó sáng mai phải đến gặp hắn thật sớm), vị giám đốc kỹ thuật quay vào nhà, không buồn trả lời đủ thứ câu hỏi của vị chủ nhiệm hợp đồng mới bị nhục thể. Hắn đang mải suy tính.
    - Chưa mất gì cả. Có địa chỉ đây rồi. Muốn chiếm được ghế có nhiều thủ pháp cũ đã trải qua thử thách. 1- làm quen với thân chủ; 2- bày trò yêu đương; 3- đến thăm bằng cách trèo tường bẻ khóa; 4- trao đổi và 5- bỏ tiền ra mua. Thủ pháp thứ năm là chắc ăn nhất. Nhưng tiền còn ít quá.
    Ostap giễu cợt nhìn Ippolit Matveevich. Lối tư duy sáng suốt và tâm trạng thư thái đã trở lại với ông vua mánh. Gì chứ khoản tiền thì có thể xoay ra thôi. Dự trữ của hắn còn mấy thứ sau đây: bức tranh "Những người bôn-sê-vích viết thư cho Sămbéclanh, cái lọc bã trà và khả năng vô tận về mặt sắm vai chú rể.
    Chiếc ghế thứ mười khiến Ostap lo lắng. Dấu vết thì có đấy, nhưng nó mới mờ mịt, xa xôi làm sao!
    - Thôi được! - Ostap nói to - Còn nhiều hy vọng có thể nắm bắt. Xác xuất chín chọi một. Phiên họp tiếp tục. Các ngài nghe rõ chưa, thưa các ngài bồi thẩm?

  4. #23
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHƯƠNG 22: ELLOSKA ĂN NGƯỜI
    Theo tính toán của giới nghiên cứu, vốn từ ngữ của Uyliam Seck Pia bao gồm 12.000 từ. Vốn từ ngữ của một gã da đen ở bộ lạc ăn thịt người "Mumbo-Humbo" là 300 từ.
    Elloska Sukina chỉ cần ba mươi từ ngữ đã có thể giao tiếp nhẹ nhàng thoải mái.
    1- Bậy.
    2- Khô - khô! (tùy theo hoàn cảnh, từ ngữ này biểu thị sự châm biếm, ngạc nhiên, thích thú, căm ghét, vui sướng, khinh bỉ hoặc hài lòng).
    3- Nổi quá.
    4- Rầu rầu (đối với tất cả mọi thứ. Ví dụ: "Pêchia vác bộ mặt rầu rầu đến chơi", "thời tiết rầu rầu", "trường hợp rầu rầu", "con mèo rầu rầu".
    5- Tăm tối.
    6- Khiếp khủng (ví dụ, khi gặp người quen thân khi đó là cuộc gặp khiếp khủng).
    7- Nhóc con (dùng để gọi tất cả những người đàn ông quen biết, bất kể tuổi tác và địa vị xã hội).
    8- Đừng dạy tôi cách sống.
    9- Như trẻ con (dùng trong lúc chơi bài - "Tôi hạ nó dễ như trẻ con". Đối với người thuê nhà - "Tôi chém nó như trẻ con").
    10- Đ - đẹ - ẹp!
    11- Mập và đẹp (dùng để nói cả về người lẫn đồ vật).
    12- Đi xe (nói với chồng).
    13- Đi tắcxô (nói với cánh đàn ông quen biết).
    14- Trắng cả lưng (nói đùa).
    15- Nghĩ thế à.
    16- Ulia (cái đuôi âu yếm gắn vào tên người, ví dụ Miss thì gọi là Misulia, Zina - Zinulia).
    17- Ô hô! (Giễu cợt, ngạc nhiên, thán phục, căm ghét, vui sướng, khinh bỉ và hài lòng).
    Số từ ít ỏi còn lại được dùng làm khâu trung gian giữa Elloska và những người đánh xe ngựa đậu trước cửa hàng bách hóa,
    Nếu nhìn kỹ hai bức ảnh chụp Elloska treo ở đầu giường chồng chị ta là kỹ sư Ernest Pavlovich Sukin (một cái nhìn thẳng, một cái nhìn nghiêng), thì có thể dễ dàng nhận ra cái trán cao và dồ, cặp mắt ướt và to, cái mũi nhỏ đẹp nhất tỉnh Mátxcơva và chiếc cằm có chấm một nốt ruồi bằng mực tàu.
    Tầm vóc của Elloska làm vừa lòng đàn ông. Chị ta thấp đến nỗi những người đàn ông lùn nhất đứng bên cạnh chị ta cũng trở thành những trang hảo hán cao lớn.
    Ngoài ra không có đặc điểm nhận dạng nào khác. Vả lại Elloska cũng chả cần đến chúng. Như thế này chị ta cũng đã xinh chán rồi.
    Hai trăm rúp lương tháng mà chồng chị ta lĩnh ở nhà máy "Flektroliustra" đối với chị ta là một sự sỉ nhục. Khoản tiền ấy không tài nào bổ trợ cuộc đấu tranh rộng lớn mà Elloska đã tiến hành suốt bốn năm nay, kể từ ngày chị ta làm vợ Sukin và sắm vai nội trợ. Cuộc đấu tranh ấy cuốn hút toàn bộ sức lực của chị ta. Nó ngốn hết mọi khoản tiền. Sukin phải đem việc về làm thêm buổi tối ở nhà, không dám thuê người ở, phải nấu ăn bằng bếp dầu hỏa, phải thân chinh đi đổ rác và thậm chí tự rán lấy món cốtlết.
    Nhưng tất cả đều vô hiệu. Kẻ thù nguy hiểm cứ mỗi năm lại phá hoại kinh tế gia đình trầm trọng hơn. Cách đây bốn năm, Elloska nhận thấy rằng chị ta có một nữ đấu thủ ở bên kia đại dương. Nỗi bất hạnh đến với Elloska vào một buổi tối vui vẻ, khi chị ta ướm thử một chiếc áo nhiễu Trung Quốc đẹp cực kỳ. Mặc chiếc áo ấy vào chị ta gần như trở thành một nữ thần.
    Khô - khô! - Elloska thốt lên, dùng cái từ ngữ rợn người ấy để diễn tả những cảm xúc phức tạp xâm chiếm chị ta.
    Những cảm xúc ấy có thể nói bằng một câu nôm na như sau: "Trông thấy mình thế này, bọn đàn ông sẽ phải ngây ngất, run rẩy. Họ sẽ mê mệt và sẵn sàng theo ta đi cùng trời cuối đất. Nhưng ta sẽ lạnh nhạt với họ. Họ đâu xứng với ta. Ta là người đàn bà đẹp nhất. Trên trái đất này chẳng có một ai có cái áo nhiễu mê hồn như thế này".
    Nhưng vì vốn từ chỉ có ba mươi cả thảy, nên Elloska bèn chọn từ ngữ diễn cảm nhất - Khô - khô!
    Giữa giây phút hùng vĩ đó, thì cô bạn Fima Sobak đến chơi. Cô ta mang theo hơi thở lạnh giá của tháng giêng và tờ tạp chí thời trang của Pháp. Elloska dừng lại ở ngay trang đầu. Tấm ảnh rực rỡ chụp cô con gái của nhà tỷ phú Mỹ Vanđerbilđ mặc chiếc váy buổi tối. Cái áo có cả lông thú lẫn lông chim, đính cả kim cương lẫn ngọc trai, lại may bằng hàng cực mỏng. Kiểu chải tóc của cô gái trong ảnh thì nhìn qua đã thấy ngất ngây. Tấm ảnh đã quyết định hết hết thảy.
    - ¬Ô hô! - Elloska tự nhủ với mình.
    Điều đó có nghĩa: "Hoặc ta, hoặc nó".
    Sáng hôm sau, người ta thấy Elloska đến hiệu uốn tóc. Tại đây chị ta cắt đi cái bím tọc đuôi sam màu đen cực đẹp của mình và nhuộm tóc thành màu hung. Sau đó còn bước lên một bậc nữa trên cái thang đưa Elloska tới gần thiên đường, nơi con gái các tay tỷ phú - những kẻ không xứng gót chân Elloska - đang nhởn nhơ dạo chơi. Elloska đi vay tín dụng công hội để mua một bộ lông chó giả làm lông cầy hương, đính vào chiếc áo mặc buổi tối.
    Mistơ Sukin từ lâu mơ ước mua chiếc bảng vẽ mới, đành thở dài thất vọng.
    Cái áo dài đính cổ lông chó đã giáng cho ả con gái kênh kiệu của lão tỷ phú Mỹ đòn đầu tiên chí mạng. Rồi ả gái Mỹ ấy còn ăn liên tiếp ba đòn nữa. Elloska mua lại của tay thợ thuộc lông ở nhà Fima Sobak tấm lông sóc (thực ra là lông một loài thỏ đã bị tuyệt giống ở tỉnh Tula), may một cái mũ bằng vải dạ Achentina và chữa lại cái áo vét mới của chồng thành chiếc giakét hợp mốt cho mình. Ả gái Mỹ bị đòn loạng choạng suýt ngã, nhưng còn đứng vững hẳn là nhờ người bố tỷ phú của cô ta vốn cưng chiều con cái.
    Số tiếp theo của tờ tạp chí thời trang đăng ảnh của ả đối thủ đáng nguyền rủa nọ với bốn kiểu trang phục: 1/ mặc áo lông cáo màu hung sẫm, 2/ có ngôi sao kim cương trên trán, 3/ mặc bộ quần áo ngành hàng không (ủng cao, áo vét xanh da trời mỏng dính, đôi găng đính nhiều hạt ngọc cỡ trung và 4/ y phục dạ hội (với vô số đồ trang sức quý giá và một ít tơ lụa.
    Elloska tiến hành tổng động viên. Sukin đi vay nợ của quỹ tương trợ. Người ta chỉ trao cho anh ta chục rúp không hơn. Nỗ lực mới quá cao đã lay chuyển tận gốc nền kinh tế gia đình. Đành phải phấn đấu trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Cách đây ít lâu lại nhận được ảnh cô ả Mỹ nọ chụp ở lâu đài mới của ả tại Florida. Thế là Elloska cũng phải kiếm cho ra đồ gỗ mới. Chị ta mua được ở phòng bán đấu giá hai chiếc ghế mền (Món hàng quá hời! Không thể nào bỏ qua cho đành!). Elloska lấy ngay món tiền ăn để mua ghế, chẳng cần hỏi chồng. Từ giờ đến kỳ lương còn mười ngày nữa, mà chỉ có bốn rúp.
    Elloska mang ghế đi dọc phố Varsonofei để khoe. Chồng chị ta vắng nhà. Nhưng chỉ lát sau là anh ta về, lễ mễ xách theo một chiếc cặp tổ bố.
    - Ông chồng rầu rầu đã về - Elloska nói rõ từng tiếng. Mỗi tiếng lăn cồng cồng như củ đậu.
    - Chào Elloska, cái gì thế em? Ghế đâu ra thế này?
    - Khô - khô!
    - Không, hỏi thật đấy.
    - Đ - đẹ - ẹp!
    - Ừ. Khá đấy
    - Nổi quá!
    - Ai tặng chăng?
    - Ô hô!
    - Sao?! Lẽ nào em mua? Tiền đâu mà mua? Lấy tiền ăn ư? Anh đã bảo em hàng nghìn lần rằng...
    - Enstulia! Bậy!
    - Sao em có thể làm như vậy?! Nhà đào đâu ra tiền ăn bây giờ?
    - Nghĩ thế à!
    - Không xong đâu! Cô vung tay quá trán thế này...
    - Đùa!
    - Đúng, đúng, cô sống bất chấp...
    - Đừng dạy tôi cách sống!
    - Không, ta phải nói chuyện nghiêm chỉnh với nhau. Tôi lĩnh hai trăm rúp...
    - Tăm tối!
    - Tôi không nhận hối lộ, không ăn cắp và cũng không làm tiền giả...
    - Khiếp khủng!
    Sukin im lặng một lát, cuối cùng nói:
    - Không thể tiếp tục sống thế này được nữa.
    - Khô - khô! - Elloska đáp và ngồi xuống chiếc ghế mới mua.
    - Tôi với cô phải chia tay nhau.
    - Nghĩ thế à!
    - Vì không hợp tính nết. Tôi...
    - Nhóc con mập và đẹp.
    - Đã bao lần tôi xin cô đừng gọi tôi là nhóc con!
    - Đùa!
    - Mà cô lôi đâu ra những tiếng lóng ngu ngốc ấy thế!
    - Đừng dạy tôi cách sống!
    - Ô, quỷ quái! - viên kỹ sư thốt lên.
    - Bậy! Enstulia.
    - Ta hãy chia tay nhau một cách êm thắm.
    - Ô hô!
    - Cô chẳng chứng minh được điều gì với tôi. Cãi nhau thế này...
    - Tôi sẽ đánh anh như trẻ con.
    - Không, thế này thì hết chịu nổi. Lý do của cô không thể ngăn tôi thực hiện một biện pháp bất đắc dĩ. Tôi đi thuê xe ngựa ngay bây giờ đây.
    - Đùa!
    - Đồ đạc thì chia đôi.
    - Khiếp khủng!
    - Cô sẽ nhận một trăm rúp mỗi tháng. Thậm chí một trăm hai. Nhà này cũng dành cho cô. Cô muốn sống thế nào mặc cô, còn tôi không thể...
    - Nổi lắm - Elloska nói, vẻ khinh bỉ.
    - Tôi sẽ đến ở nhà Ivan Elekseevich.
    - Ô hô!
    - Anh ấy đi ra nghỉ ở ngoại ô và cho tôi mượn toàn bộ căn hộ đến suốt mùa hè. Tôi có sẵn chìa khóa đây rồi... Chỉ riêng bàn ghế là chưa có.
    - Đ - đẹ - ẹp!
    Năm phút sau Ernest Pavlovich quay lại với người lao công.
    - Tủ quần áo tôi để lại cho cô vì cô cần nó hơn, còn cái bàn viết này thì xin cô làm ơn... Này bác, bác mang giùm một chiếc ghế này nữa. Trong hai chiếc, tôi lấy một. Tôi thiết nghĩ tôi có quyền làm thế chứ?!
    Ernest Pavlovich gói ghém đồ dùng của mình vào một cái bọc lớn, dùng giấy báo bọc đôi ủng và quay ra cửa.
    - Anh trắng cả lưng - Elloska nói to.
    - Chào cô.
    Anh ta hy vọng rằng lần này, dù chỉ lần này thôi, cô vợ sẽ bỏ cái lệ chỉ dùng những từ ngữ khô như thói quen của cô ta. Elloska cũng cảm nhận được toàn bộ tầm quan trọng của giây phút này. Chị ta nhăn trán căng thẳng, thử tìm những từ thích hợp với sự chia ly. Và đã tìm thấy ngay:
    - Anh đi tắcxô? Đ - đẹ - ẹp!
    Viên kỹ sư lao như bay xuống cầu thang.
    Buổi tối hôm ấy, Elloska và Fima Sobak ngồi chơi với nhau. Họ thảo luận một sự kiện vô cùng quan trọng đang đe dọa phá vỡ nền kinh tế thế giới.
    - Hình như sắp tới người ta sẽ mặc quần ống loa - Fima nói và rụt cổ vào vai như gà mái.
    - Tăm tối.
    Và Elloska kính cẩn nhìn Fima Sobak. Mađờmoaden Fima nổi danh là một cô gái có văn hóa: vốn từ ngữ của cô ta lên đến gần một trăm tám chục từ. Đã thế cô ta lại biết một từ mà Elloska có nằm mơ cũng không nghĩ ra. Đó là thuật ngữ đầy hàm súc: tình dục đồng giới. Fima Sobak hiển nhiên là một văn hóa gia.
    Câu chuyện sôi nổi kéo dài quá nửa đêm.
    Mười giờ sáng hôm sau, vua mánh tới phố Varsonofiev. Cậu bé lang thang chiều qua chạy đằng trước để chỉ nhà.
    - Đúng nhà này chưa? Không xạo chứ?
    - Chú ơi, thật đó... Đây, cổng đây.
    Ostap cho cậu bé một rúp tiền công xứng đáng.
    - Chú phải cho thêm cháu mới phải - cậu bé nài thêm theo kiểu dân đánh xe ngựa.
    - Đến tết tao sẽ cho. Thôi chào cậu cả nhớ dai.
    Ostap gõ cửa mà vẫn hoàn toàn chưa biết mình sẽ bước vào nhà vì duyên cớ gì. Về khoản nói chuyện với chị em phụ nữ thì hắn chẳng lo.
    - Ô hô? - Có tiếng hỏi sau cửa.
    - Tôi đến có chút việc - Ostap đáp.
    Cửa mở ra. Ostap bước vào căn phòng mà sự bày biện của nó chỉ có thể là tác phẩm của một sinh vật tư duy như loài chim gõ kiến. Trên tường treo la liệt bưu ảnh, búp bê và thảm treo tường kiểu Tam-bốp. Trên cái phông sặc sỡ, hoa cả mắt ấy, thật khó nhìn rõ nữ chủ nhân bé nhỏ. Chị ta mặc chiếc áo choàng may lại từ cái áo của Ernest Pavlovich và một tấm lông.
    Ostap lập tức hiểu nên xử xự như thế nào trong xã hội thượng lưu. Hắn lim dim mắt và lùi lại một bước.
    - Lông đẹp quá chừng! - Hắn thốt lên.
    - Đùa! - Elloska dịu dàng nói. - Lông chuột Mêhicô đấy.
    - Không thể như vậy được. Họ đánh lừa cô đấy. Loại lông này tốt hơn nhiều. Đây là lông beo Thượng Hải. Lông beo đó! Tôi biết rõ mà. Cô thấy nó lấp lánh dưới ánh nắng chứ! Như ngọc bích vậy! Như ngọc bích vậy!
    Elloska đã tự tay nhuộm lông chuột Mêhicô bằng thuốc vẽ màu xanh, cho nên lời khen của vị khách khiến chị ta rất hài lòng.
    Không để chủ nhân kịp tỉnh trí, vua mánh tuôn ra tất cả những gì hắn biết về lông thú. Sau đó chủ, khách bàn về tơ lụa, và Ostap hứa sẽ tặng cho cô chủ diễm lệ mấy cái kén mà hắn bảo là của ông chủ tịch Ban chấp hành nước cộng hòa Udơbêkistăng tặng.
    - Anh bạn nhóc có cần thứ gì không? - Chủ nhân hỏi sau mấy phút làm quen.
    - Chắc là cô ngạc nhiên về việc một người đàn ông lạ đến thăm cô sớm thế này?
    - Khô - khô!
    - Nhưng vì tôi có một chút việc rất tế nhị.
    - Đùa!
    - Hôm qua cô có tới phòng bán đấu giá và đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt.
    - Bậy!
    - Xin cô hãy rộng lượng! Nói tầm bậy với một phụ nữ kiều diễm là vô nhân đạo.
    - Khiếp khủng!
    Câu chuyện tiếp diễn cứ theo hướng đó và đôi khi có thể đem lại kết quả tuyệt diệu. Nhưng những câu khách sáo của Ostap mỗi một lúc một ngắn hơn, lơ lửng hơn. Hắn nhận ra rằng trong phòng không có chiếc ghế thứ hai. Đành phải lần mò dấu vết. Bằng nhiều câu hỏi đan quyện với nhau bởi thứ dây song của phương đông, Ostap đã biết được những sự kiện vừa xảy ra chiều tối hôm qua trong cuộc đời của nữ chủ nhân.
    "Lại thêm một việc mới nữa, - Hắn nghĩ, - những cái ghế cứ bò đi lung tung như bầy gián."
    - Cô gái đáng yêu ơi! - Ostap bỗng nói. - Cô hãy bán cho tôi chiếc ghế này. Tôi rất ưa nó. Chỉ một phụ nữ tinh tế như cô mới có thể lựa được một vật dùng mỹ thuật như vậy. Cô hãy để lại cho tôi, tôi xin trả cô bảy rúp.
    - Bậy nào, nhóc con - Elloska ranh mãnh nháy mắt.
    - Khô - khô! - Ostap họa theo.
    "Với con mụ này, phải hành động theo kiểu khác, - hắn quyết định. - Phải dùng hình thức trao đổi."
    - Cô em biết không, hiện giờ ở châu Âu và các gia đình giàu có ở Philađenphia người ta đã khôi phục một cái mốt cổ xưa là rót trà qua cái lọc bã trà. Vừa ép-phê, vừa lịch lãm.
    Elloska dỏng tai nghe.
    - Một ông bạn tôi làm công tác ngoại giao ở Viên mới về có tặng tôi một món quà thú vị.
    - Chắc nổi lắm - Elloska nói.
    - Ô hô! Khô - khô! Ta hãy trao đổi với nhau. Cô đưa tôi chiếc ghế, tôi đưa cô cái lọc bã trà. Được chứ?
    Đoạn Ostap rút trong túi ra cái lọc bã trà mạ vàng.
    Mặt trời lung la lung linh trong cái dụng cụ ấy như một quả trứng. Những con thỏ bé xíu nhảy nhót trên trần nhà. Cái góc phòng tối mờ chợt sáng bừng lên. Đồ vật này gây cho Elloska một ấn tượng đặc sắc chẳng khác gì cái vỏ đồ hộp với bộ lạc ăn thịt người Mumbo-Humbo. Trong trường hợp đó, người của bộ lạc ấy sẽ gào lên ầm ĩ. Còn Elloska thì chỉ khẽ rên rỉ:
    - Khô - khô!
    Không để chị ta sực tỉnh, Ostap đặt cái lọc bã trà xuống bàn, vớ ngay lấy chiếc ghế và sau khi hỏi nữ chủ nhân kiều diễm để biết địa chỉ chồng chị ta, hắn lịch thiệp cúi chào tạm biệt.

  5. #24
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết



    CHƯƠNG 23: AVESSAL VLADIMIROVICH IZNURENKOV
    Một giai đoạn khẩn trương bắt đầu đối với hai nhân vật của chúng ta. Ostap khẳng định rằng phải tìm ngay những chiếc ghế khi dấu vết chúng còn nóng hổi. Ippolit Matveevich đã được vua mánh ân xá, tuy rằng thỉnh thoảng hắn vẫn bảo ông ta:
    - Chẳng hiểu sao tôi lại đi dính với ông? Tôi cần quái gì đến ông kia chứ? Ông nên cuốn gói đi về cái phòng đăng ký hộ tịch của ông đi còn hơn. Ở đấy bọn trẻ sơ sinh và những người chết đang đợi ông. Đừng để lũ trẻ sốt ruột đợi chờ! Ông hãy về với chúng đi!
    Nhưng trong thâm tâm vua mánh cảm thấy khá gắn bó với ngài đô thống ngớ ngẩn. "Không có lão ta thì cuộc sống cũng kém vui" ¬- Ostap nghĩ bụng. Và hắn vui vẻ nhìn Ippolit: trên đầu ông ta dạo này đã lún phún mọc dài một nhúm tóc bạc.
    Theo kế hoạch hành động, thì sáng kiến của Ippolit Matveevich được dành cho một vị trí tử tế. Anh chàng Ivanopulo vừa đi khỏi, Ostap đã nhồi vào sọ ông bạn đường những thủ pháp hữu hiệu nhất để tìm ra kho báu.
    - Hành động phải táo bạo. Đừng hỏi han bất cứ ai. Phải trơ tráo hơn nữa. Người ta thích như thế. Chớ hy vọng vào nhân vật thứ ba. Bây giờ không còn bọn ngu ngốc đâu. Chẳng ai dại gì móc túi kim cương của người khác đem về cho ông. Nhưng cũng chớ dính vào luật hình sự. Phải tôn trọng pháp luật chứ.
    Tuy thế việc tìm kiếm cũng không lấy gì làm sôi nổi cho lắm. Một trở ngại lớn là Bộ luật hình sự và vô số thành kiến tư sản còn rơi rớt trong đầu óc dân chúng thủ đô. Chẳng hạn, họ không thể chịu nổi những chuyến thăm viếng ban đêm theo kiểu chui qua cửa sổ thông gió. Đành phải hoạt động công khai vậy.
    Trong phòng của anh sinh viên Ivanopulo vào hôm Ostap tới thăm nàng Elloska Sukin, đã xuất hiện một thứ đồ gỗ. Đó là chiếc ghế được đổi bằng cái lọc bã trà - chiến lợi phẩm thứ ba tính từ khi bắt đầu cuộc thám hiểm. Đã qua lâu rồi cái thời mà sự săn tìm kim cương gây nên cảm xúc cao độ cho hai thành viên hợp đồng, khi họ xâu xé trong chớp mắt toàn bộ chiếc ghế tìm thấy.
    - Ngay cả khi trong ghế không có gì chăng nữa - Ostap lập luận - thì cũng nên coi rằng ta đã kiếm được ít nhất là mười ngàn rúp. Mỗi chiếc ghế được mở ra lại tăng thêm khả năng thành công của chúng ta. Nếu chiếc ghế của cô ả này không có kim cương thì sao? Thì ta không nên phá tung nó ra. Hãy để cho Ivanopulo có thêm một thứ đồ dùng. Mà tôi với ông cũng thoải mái hơn.
    Ngay hôm ấy hai thành viên hợp đồng từ ngôi nhà màu hồng tỏa đi hai phía khác nhau. Ippolit được giao nhiệm vụ tìm đến tay đàn ông ở phố Sađôvaia Spatskaia, được nhận hai mươi lăm rúp tiền chi dùng khi cần thiết, được lệnh không rẽ vào quán bia và cấm trở về tay không. Vua mánh lãnh trách nhiệm đến nhà anh chồng của Elloska.
    Ippolit Matveevich đi xuyên thành phố trên chuyến xe buýt No6. Trong khi nảy bần bật trên chiếc ghế da và có lúc bay lên sát trần xe, ông suy nghĩ cách làm thế nào biết được tên họ của đối tượng, lý do gì bước vào nhà ông ta, phải ăn nói ra sao để đi vào thực chất vấn đề.
    Xuống xe ở khu cổng Krassnưie, theo địa chỉ Ostap ghi trên giấy, Ippolit tìm được số nhà cần thiết và bắt đầu đi đi lại lại quanh quẩn phía trước. Ông chưa dám bước vào nhà. Đây là một khách sạn cũ, bẩn thỉu, đã biến thành nhà tập thể, mà cứ nhìn mặt trước nhem nhuốc của ngôi nhà cũng biết là ở đây toàn những hộ không chịu trả tiền thuê phòng.
    Ippolit đứng ngần ngừ rất lâu ở trước cổng, đọc thuộc lòng bản thông báo viết tay đe dọa những hộ ăn ở mất vệ sinh, rồi mặc dầu chưa nghĩ ra được điều gì, cũng cứ đi lên tầng hai. Từng căn phòng có cửa mở ra hành lang. Chậm chạp như một cậu học trò đi lên bảng chứng minh một định lý chưa thuộc, Ippolit tiến lại gần phòng No41. Một tấm các-vi-dít treo lộn ngược vào một cái nút chuông trên cánh cửa.
    Quên cả gõ cửa vì hoàn toàn lúng túng, Ippolit mở cửa ra, bước ba bước như người mộng du và thấy mình đã đứng ở giữa phòng.
    - Xin lỗi, tôi có thể gặp đồng chí Iznurenkov được chứ ạ? - Ippolit hỏi khe khẽ.
    Iznurenkov không trả lời, Ippolit bèn ngẩng mặt lên và lúc này mới thấy là trong phòng chẳng có ai.
    Nhìn nội thất thì rất khó đoán sở thích của chủ nhân căn phòng này. Chỉ biết rõ một điều là Iznurenkov sống độc thân và không có người giúp việc. Trên bậu cửa sổ là một tờ giầy nhàu đựng mấy mẩu xương cá. Chiếc giường kê cạnh tường ngổn ngang những báo là báo. Trên chiếc giá nhỏ có mấy quyển sách bụi bặm. Tường nhà dán la liệt ảnh màu của đủ loại mèo đực, mèo cái, mèo lớn, mèo con. Ở giữa phòng, bên cạnh đôi giày dính bùn vứt chỏng chơ, là chiếc ghế gỗ hồ đào. Trên mặt các thứ đồ gỗ, kể cả trên chiếc ghế của biệt thự Stargorot, lác đác có những cái dấu đóng xi màu hồng. Nhưng Ippolit chẳng để ý đến chúng. Ông quên biến Bộ luật hình sự, quên biến lời dạy của Ostap, nhảy ngay tới bên chiếc ghế.
    Đúng lúc ấy đống báo trên tường động đậy. Ippolit Matveevich giật mình. Mấy tờ báo trôi dần ra rồi tuột xuống đất. Một chú mèo nhỏ thản nhiên vươn vai, lãnh đạm nhìn Ippolit và bắt đầu rửa mặt bằng cách dùng một chân trước gãi gãi tai, xoa xoa má và bộ râu.
    - Hừm! - Ippolit Matveevich hừm một tiếng.
    Đoạn ông xách ghế đi ra cửa. Cánh cửa tự nó mở ra. Trên ngưỡng cửa xuất hiện chủ nhân căn phòng - chính là người đàn ông nhún nhẩy hôm qua. Ông ta mặc chiếc áo bành tô không cài khuy, để lộ chiếc quần đùi màu tím. Chiếc quần dài thì ông ta cầm trên tay.
    Về Avessalom Vlađimirovich Iznurenkov thì có thể nói rằng ở nước cộng hòa Xô viết không còn người nào thứ hai như ông ta nữa. Nước cộng hòa đánh giá cao công lao của ông, vì ông là một người rất hữu ích cho đất nước. Song ông vẫn không nổi tiếng mặc dù trong lĩnh vực nghệ thuật của mình, ông vào loại bậc thầy, hệt như Saliapin trong lĩnh vực thanh nhạc, Gorki trong văn học, Kapablanka trong môn cờ quốc tế, Melinkov trong môn trượt băng và chú bé người Assiri da đen, mũi to, ngồi ở vị trí tốt nhất chỗ ngã tư Tveskaia - Kamergerski trong môn đánh giày bằng xi màu vàng.
    Sapialin hát. Gorky viết tiểu thuyết. Kapablanka chuẩn bị đấu cờ với đại kiện tướng Alekhin. Melincov phá kỷ lục. Chú bé da đen làm cho những đôi giày của khách bóng đến mức có thể soi gương. Còn Iznurenkov thì pha trò hóm hỉnh.
    Không bao giờ ông ta pha trò mà không có chủ đích, pha trò chỉ để pha trò. Ông làm việc ấy theo đơn đặt hàng của các tạp chí trào phúng. Ông gánh trên vai những nhiệm vụ quan trọng nhất, ông cung cấp đề tài cho các tiểu phẩm và tranh châm biếm của phần lớn các tạp chí hài hước ở Mátxcơva.
    Những nhân vật vĩ đại chỉ pha trò hai lần trong đời. Câu pha trò hóm hỉnh của họ làm tăng vinh quang cho họ và đi vào sử sách. Còn Iznurenkov tung ra không dưới sáu mươi câu pha trò thượng hảo hạng trong một tháng. Chúng được tất cả mọi người truyền miệng nhau, vậy mà ông vẫn không hề nổi tiếng. Nếu câu pha trò của Iznurenkov được minh họa bằng hình vẽ thì vinh quang thuộc về họa sĩ. Tên họa sĩ được đề phía trên bức tranh. Không thấy tên Iznurenkov.
    - Không thể ký tên được! - Ông nói lớn - Gớm ghiếc lắm! Ký tên vào cái gì kia chứ? Có vài ba dòng mà cũng ký với chả kiếc!
    Và ông tiếp tục đấu tranh hăng hái với mọi kẻ thù của xã hội, với những xã viên tồi, những kẻ hoang phí của công, với Sămbéclanh, với bọn quan liêu. Những câu châm biếm của ông chĩa mũi nhọn vào bọn xu nịnh, các ban quản trị nhà ở, giới tư thương, các vị chủ nhiệm, bọn lưu manh, những công dân không chịu hạ giá hàng và những người làm kinh tế không chịu tuân theo chế độ tiết kiệm.
    Sau khi tạp chí ra mắt, những câu châm biếm của ông được nhắc lại trên sân khấu rạp xiếc, được các báo buổi chiều in lại không nói rõ xuất xứ và được những người giới thiệu tiết mục ca nhạc ở các tiệm ăn thường xuyên sử dụng.
    Iznurenkov biết cách pha trò trong những lĩnh vực tưởng chừng không thể nói một câu buồn cười. Từ cái hoang mạc khô cằn như chuyện tố gian giá thành sản phẩm, mà Iznurenkov cũng khôn khéo vắt ra được gần một trăm kiệt tác trào phúng. Haine hẳn sẽ bó tay đầu hàng, nếu người ta mời ông phát biểu một câu vừa buồn cười, vừa có lợi cho xã hội, về việc định giá cước của sự chuyên chở với tốc độ chậm như rùa, ngay Mác Tuen cũng phải xa lánh đề tài ấy. Riêng Iznurenkov vẫn vững vàng trên cương vị của mình.
    Ông chạy khắp các phòng của tòa soạn, chốc chốc lại vấp vào các chậu để ném mẩu thuốc, miệng cứ kêu be be như dê. Mươi phút sau đề tài đã được nghĩ xong, tranh minh họa cũng đã nằm trong dự kiến, đầu đề cũng đã hình thành.
    Nhìn thấy trong phòng mình có người bưng chiếc ghế ấn loát, Iznurenkov bèn vung cái quần vừa thuê là ở hiệu may, nhún nhẩy nói một tràng dài:
    - Anh điên rồi! Tôi phản đối! Anh không có quyền! Còn có pháp luật chứ! Dĩ nhiên! Tuy pháp luật không phát huy hiệu lực với những thằng ngốc, nhưng có lẽ anh cũng biết sơ sơ rằng tôi có thể sử dụng cái ghế này hai tuần nữa!... Tôi sẽ khiếu nại với ủy viên công tố!... Cuối cùng, tôi sẽ trả tiền thôi!
    Ippolit đứng nguyên tại chỗ, còn Iznurenkov cởi áo bành tô quẳng đi, vẫn không rời khung cửa, xỏ hai ống chân như chân Thichikov 1 vào chiếc quần dài. Iznurenkov người mập mạp, nhưng mặt rất gầy.
    Ippolit tin chắc rằng ông sắp bị người ta bắt và lôi cổ lên công an. Bởi vậy, ông hết sức ngạc nhiên khi thấy chủ nhân sau lúc mặc quần áo xong xuôi, lại đột ngột trở nên dịu dàng:
    - Anh thông cảm cho - Iznurenkov hạ giọng - tôi không thể nào tán thành việc đó.
    Ở địa vị chủ nhân, Ippolit, suy cho cùng, cũng không thể nào tán thành cái chuyện người ta ăn cắp ghế của mình giữa ban ngày ban mặt. Nhưng Ippolit chả biết ăn nói ra sao, đành cứ lặng thinh.
    - Lỗi không phải tại tôi. Tại đại diện Viện âm nhạc đấy. Vâng, tôi cũng xin nhận là tôi chưa trả tiền lấy chiếc pianô, nhưng tôi có đem bán nó đi đâu, mặc dù tôi hoàn toàn đủ khả năng làm việc ấy. Tôi xử xự chính trực, còn họ thì chẳng khác gì bọn bịp bợm. Họ đã chở cây đàn đi rồi, lại còn đệ đơn ra tòa đòi tịch thu cả đồ gỗ của tôi nữa. Không được tịch thu cái gì của tôi cả. Chiếc ghế này là công cụ sản xuất kia mà!
    Ippolit đã bắt đầu hiểu ra đôi chút.
    - Anh buông cái ghế ra đi! - Iznurenkov đột nhiên hét to - Nghe rõ chưa? Anh, anh là đồ quan liêu!
    Ippolit ngoan ngoãn đặt chiếc ghế xuống và lí nhí nói:
    - Xin lỗi! Tôi bị nhầm, công tác nó thế.
    Iznurenkov hớn hở hẳn lên. Ông ta chạy trong phòng và cất tiếng hát: "Sáng sáng nàng lại mỉm cười trước khung cửa sổ của mình. Á hà há, á hà ha!" Ông ta không biết làm gì với hai bàn tay của mình. Tay ông ta cứ vung vẩy loạn xạ. Ông ta bắt đầu thắt cà vát, rồi chưa thắt xong lại cởi ra. Đoạn ông chụp một tờ báo, chẳng đọc gì cả, lại ném xuống đất.
    - Vậy là anh chưa đem ghế đi hôm nay phải không?... Hay lắm! Chao! Chao!
    Lợi dụng tình thế thuận lới, Ippolit bước ra cửa.
    - Hượm đã! - Iznurenkov bỗng kêu to - Anh đã bao giờ thấy con mèo như thế này chưa? Này, có phải lông nó mượt quá phải không?
    Chú mèo con nằm trong hai bàn tay run run của Iznurenkov.
    - Nhất hạng!... - Chủ nhân lẩm bà lẩm bẩm vì không biết sử dụng khoản năng lượng thừa thãi của mình vào việc gì - Chao! Chao.
    Ông ta chạy bổ lại bên cửa sổ, vung tay và cúi đầu lia lịa chào hai cô gái ở cửa sổ ngôi nhà đối diện đang nhìn về phía ông ta. Miệng ông ta cứ không ngớt thốt lên mấy tiếng "chao", "chao".
    - Con gái vùng quê! Tốt giống phải biết! Nhất hạng. Chao!... "Sáng sáng nàng lại mỉm cười trước khung cửa sổ, Á hà há, á hà ha..."
    - Tôi đi, ông nhé - Ippolit ngớ ngẩn nói.
    - Hượm đã, hượm đã nào! - Chủ nhà bỗng luống cuống. Chờ chút xíu! Chao!... Thế còn chú mèo? Có đúng là lông nó mượt quá không? Hượm đã! Xong ngay đây thôi!...
    Ông ta vội vàng lục tung các túi quần túi áo, chạy ra cửa sổ nhìn sang bên kia rồi chạy quay trở lại.
    - Xin lỗi anh bạn thân mến nhé - ông ta bảo Ippolit, là người suốt trong thời gian chủ nhà bận túi bụi vẫn đứng nghiêm, hai tay đặt ở chỉ quần.
    Vừa nói câu ấy, chủ nhà vừa dúi vào tay Ippolit đồng 50 cô-pếch.
    - Chớ, chớ, xin anh chớ từ chối. Mọi thứ lao động đều phải được trả công.
    - Xin đa tạ ông - Ippolit đáp và ngạc nhiên về sự nhanh trí của mình.
    - Cảm ơn, cảm ơn anh bạn thân mến!...
    Trong lúc đi dọc hành lang, Ippolit còn nghe thấy từ phía sau lưng vọng lại những tiếng "chao", "chao", tiếng hát xen lẫn tiếng thốt say sưa.
    Ernest Pavlovich Sukin đi đi lại lại trong căn hộ mà ông bạn tốt bụng cho anh mượn cả mùa hè: anh đang suy tính xem bây giờ có nên tắm hay không tắm.
    Căn hộ ba phòng này nằm áp mái tòa nhà chín tầng. Ngoài chiếc bàn viết, chiếc ghế của Ippolit ra, chỉ còn mỗi chiếc tủ gương. Mặt trời rọi vào gương làm bật ra những tia sáng lóa mắt. Viên kỹ sư vừa ngồi ghé xuống chiếc bàn viết đã đứng bật dậy. Mọi thứ đều bị nung nóng.
    "Phải tắm cái đã", Sukin quyết định.
    Anh cởi quần áo, đứng lặng im soi gương rồi đi sang phòng tắm. Hơi mát phả vào người anh... Anh trèo vào bồn tắm, vặn nước từ chiếc vòi hoa sen mạ kền cho ướt người rồi xoa thật nhiều xà phòng. Cả thân hình anh xù lên đầy bọt xà phòng, trông anh giống như ông già tuyết.
    - Hay thật! - Ernest Pavlovich nhận xét.
    Quả là hay! Mát ơi là mát! Lại được tự do hoàn toàn, khỏi phải sống với vợ. Viên kỹ sư ngồi xuống, vặn vòi nước để trôi xà phòng. Cái vòi bị sặc nước và chậm rãi phát ra câu nói ậm ạch gì đó. Nước không chảy! Sukin đút ngón tay út trơn nhẫy vào miệng vòi rồi rút mạnh ra. Nước rỉ được vài giọt, rồi chẳng có gì nữa. Sukin nhăn mặt rồi bước ra khỏi bồn tắm, nhón chân tiến về cái vòi nước ở gian bếp. Nhưng cũng không vắt ra được giọt nào ở đây.
    Sukin mò vào phòng và đứng lại trước gương. Bọt xà phòng làm cho mắt cay cay, lưng ngưa ngứa, có túm bọt rơi xuống nền gỗ. Sau khi lắng nghe không có tiếng nước chảy trong buồng tắm, Sukin quyết định gọi người lao công.
    "Nhờ bác ta mang nước lên cho mình - Sukin chùi bọt trên mắt, nghĩ bụng - không thì bỏ mẹ!"
    Anh nhoài người ra cửa sổ. Trẻ con đang chơi đùa dưới sân.
    - Bác lao công ơi! - Sukin gọi to - Bác lao công!
    Không ai trả lời
    Lúc ấy Sukin chợt nhớ rằng bác lao công sống ở phòng xép dưới chân cầu thang. Anh bèn ra cửa, một tay vẫn nắm chốt khóa cửa, nhoài người xuống phía dưới tay vịn cầu thang. Ở bệ cầu thang chỉ có một căn hộ, nên Sukin chẳng sợ bị mọi người nhìn thấy anh ta mặc bộ quần áo kỳ lạ bằng bọt xà phòng này.
    - Bác lao công ơi! - Anh gọi to xuống bên dưới.
    Bốn tiếng ấy vang lên và lăn lông lốc xuống từng bậc thang.
    - Gu - gu! Cầu thang trả lời.
    - Lao công! Lao công!
    - Gum - gum! Gum - gum!
    Viên kỹ sư từ nãy toàn đứng nhón chân và nóng ruột nhoài người nên bị trượt chân. Để giữ thăng bằng, bàn tay nắm chốt khóa bèn buông ra. Cánh cửa được trang bị loại khóa đồng của Mỹ đóng sập và khóa tách một cái. Tường nhà rung rung. Chưa biết tình huống bế tắc vừa xảy ra, Sukin giơ tay vặn quả đấm, nhưng cửa không chịu mở.
    Viên kỹ sư sửng sốt đẩy đẩy, xoay xoay mấy lần nữa, và lắng nghe với tiếng tim đập thình thịch. Không gian im ắng như ở nhà thờ vào lúc hoàng hôn. Qua lớp kính nhiều màu ở cái cửa sổ phía trên cao chỉ có một ít ánh sáng hắt xuống.
    "Bỏ xừ" - Sukin nghĩ thầm.
    - Đồ khốn nạn! - Anh nói với cái cửa.
    Bên dưới, tiếng nhiều người lao xao như tiếng pháo tép. Sau đó một con chó ở phòng nào đấy sủa oang oang như loa phóng thanh.
    Người ta đang đẩy một chiếc xe nôi lên cầu thang.
    Sukin hoảng hốt đi tới đi lui trên bệ cầu thang.
    - Phát điên lên được!
    Anh cảm thấy câu chuyện xảy ra thật là kỳ quái, không thể hiểu nổi. Anh lại đến sát cửa và lắng nghe. Anh đã nghe thấy những âm thanh mới. Ban đầu hình như có ai đang đi trong phòng thì phải.
    "Có lẽ có ai lọt vào theo lối cửa sau chăng?" - Sukin nghĩ, mặc dù thừa biết rằng cửa sau bị khóa và chẳng ai lọt vào phòng được.
    Tiếng ồn vẫn tiếp tục. Viên kỹ sư nín thở. Bây giờ thì anh đã hiểu rằng đó chính là tiếng nước chảy ào ào. Có lẽ nước chảy từ tất cả mấy cái vòi trong nhà. Sukin suýt nữa rú lên.
    Tình thế thật khủng khiếp. Ngay giữa Mátxcơva, ở trung tâm thành phố, trên bệ cầu thang tầng thứ chín đang đứng tô hô một người lớn, có râu, có học vấn đại học, hoàn toàn trần truồng, chỉ phủ một lớp bọt xà phòng ngứa ngáy. Anh ta không thể đi đâu được. Anh ta sẵn sàng ngồi tù, còn hơn để người ta nhìn thấy mình như vậy. Chỉ còn mỗi một cách là chết, chết cho xong. Bọt xà phòng vẫn tan và đốt lưng. Ở tay và mặt, bây giờ nó đã se lại như vệt chốc đầu và làm da nhăn nheo như hòn đá mài.
    Tình cảnh ấy kéo dài đã gần nửa tiếng đồng hồ. Viên kỹ sư cào cấu bức tường quét vôi, rên rỉ và mấy lần cố tìm cách phá cửa nhưng vô hiệu. Anh trở nên lem luốc và đáng sợ.
    Sukin quyết định chạy xuống chỗ bác lao công, dẫu sự việc muốn diễn biến ra sao thì diễn biến.
    "Chẳng còn cách nào khác, ngoài việc trốn nhờ ở phòng bác lao công".
    Sau khi lấy tay che che, như những người đàn ông thường làm khi xuống sông tắm, Sukin vừa thở hổn hển vừa từ từ dò từng bước đi xuống, dọc tay vịn cầu thang. Anh đã ở bệ cầu thang giữa tầng tám và tầng chín.
    Thân hình anh được rọi sáng bởi các ô hình quả trám và hình vuông của cửa sổ. Trông anh giống hệt lúc Arlekin nghe trộm câu chuyện giữa Kolombina và Paiatse. Anh đã bước thêm mấy bậc nữa, bỗng ổ khóa căn hộ bên dưới kêu lạch cạch và từ trong nhà hiện ra một tiểu thư, tay xách chiếc va li nhỏ xíu. Tiểu thư nọ chưa kịp bước một bước, thì Sukin đã vọt lên đến cửa phòng mình. Anh hầu như điếc tai vì tiếng đập gớm ghiếc của quả tim.
    Phải nửa giờ sau viên kỹ sư mới hoàn hồn và có thể thực hiện cố gắng mới. Lần này anh quyết định cứ cắm đầu lao nhanh xuống dưới phòng bác lao công, chứ không thèm để ý bất cứ ai, hoặc bất cứ cái gì.
    Anh đã làm như vậy. Lặng lẽ nhảy bốn bậc một, vị ủy viên thường vụ Hội đồng kỹ sư và kỹ thuật viên bay xuống phía dưới. Đến bệ cầu thang tầng sáu, anh dừng lại. Cái đó đã hại anh. Có ai đấy đang từ dưới lên.
    - Con là thằng bé khó bảo! - Giọng phụ nữ được cái loa cầu thang phóng đại nhiều lần - Mẹ đã dặn con bao nhiêu lần rồi hả!
    Như con mèo bị đàn chó săn đuổi, Ernest Pavlovich Sukin, theo bản năng thì đúng hơn là theo lý trí, bay vọt lên tầng chín.
    - Cha mẹ ơi! - Viên kỹ sư rên rỉ - Trời ơi! Trời đất ơi!
    Không có sự sống nữa. Vậy mà anh vẫn nghe thấy rõ tiếng xe vận tải chạy qua ngoài phố. Nghĩa là ở đâu đây người ta vẫn sống.
    Sukin còn tự động viên mình chạy xuống dưới mấy lần nữa, nhưng không thể được vì thần kinh không chịu nổi sự căng thẳng. Anh đành ngồi bó gối.
    - Chúng nó bẩn như lợn! - Sukin nghe có tiếng bà già ở bệ cầu thang bên dưới.
    Viên kỹ sư quay mặt, áp sát người vào tường và bổ bổ đầu mấy cái vào tường. Khôn ngoan nhất dĩ nhiên là phải gọi to cho đến lúc có người nghe tiếng đi lên, rồi thì chịu để họ bắt làm tù binh. Nhưng Sukin đã hoàn toàn mụ mẫm, mất hết năng lực suy nghĩ: anh cứ vừa thở hồng hộc vừa xoay như chong chóng trên bệ cầu thang.
    Bế tắc hoàn toàn.
    Chú thích
    1.Nhân vật trung tâm, phản diện trong tác phẩm "Những linh hồn chết" của N.V. Gogol.

  6. #25
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHƯƠNG 24: CÂU LẠC BỘ NHỮNG TAY CHƠI ÔTÔ
    Ở tòa soạn tờ báo lớn hàng ngày mang tên "Máy cái" nằm ở tầng hai Nhà hữu nghị các dân tộc, người ta đang vội vã chuẩn bị tài liệu đưa in.
    Trong số tài liệu đã sắp chữ nhưng chưa in ở số báo trước (thuật ngữ chuyên môn gọi là "Bài để số sau", đã chọn ra mấy bài, đã tính số dòng của mấy bài ấy, và cuộc mặc cả diễn ra hàng ngày về chỗ đăng bài cũng bắt đầu.
    Tờ báo có cả thảy bốn trang, có thể đăng 4.400 dòng. Tất cả các mục đều nằm ở đó: nào các bức điện, các bài luận văn, thư thông tín viên công nhân, thông báo, các tiểu phẩm châm biếm, một bằng văn vần, hai bằng văn xuôi, tranh đả kích, ảnh, nào các chuyên mục sân khấu, thể dục thể thao, cờ quốc tế, xã luận chính, xã luận phụ, thông báo của các tổ chức Đảng, chính quyền và công đoàn, phần tiếp theo của cuốn tiểu thuyết đăng dở, các bài kỹ nghệ thuật về sinh hoạt thủ đô, mục rao vặt, các bài khoa học thường thức, chương trình phát thanh và các bài tình cờ khác nhau. Tổng cộng các chuyên đề đưa số bài chiếm chín mười ngàn dòng. Bởi vậy việc phân phối chỗ trên các trang, các cột thường kèm theo những cảnh đầy kịch tính.
    Người đầu tiên chạy đến gặp thư ký tòa soạn là đại kiện tướng cờ Suđeikin, người phụ trách chuyên mục cờ quốc tế. Ông nêu một câu hỏi lịch sự nhưng cay đắng:
    - Sao? Hôm nay sẽ không đưa in bài về cờ ư?
    - Hết chỗ rồi - Thư ký tòa soạn đáp - Bài cuối trang dài quá. Những ba trăm dòng.
    - Nhưng hôm nay là thứ bảy kia mà. Bạn đọc đang chờ số báo chủ nhật. Tôi phải giải đáp thế cờ lần trước. Tôi giới thiệu một thế cờ tuyệt hảo của Neunybako, cuối cùng tôi còn…
    - Thôi được. Anh muốn bao nhiêu dòng?
    - Ít ra là một trăm rưỡi.
    - Được rồi. Nếu cần giải thế cờ lần trước, thì tôi o anh sáu mươi dòng.
    Đại kiện tướng định cố nào thêm chừng ba chục dòng nữa, dù chỉ để giới thiệu thế cờ Neunybako (trích từ ván cờ tuyệt vời giữa Tartakover và Bogoliuđov mà ông đã chuẩn bị từ hơn một tháng nay), song ông bị gạt ra.
    Cây bút phóng sự Persitski bước vào.
    - Có cần nói về ấn tượng do hội nghị toàn thể gây ra không? - ông ta hỏi nhỏ.
    - Dĩ nhiên! - thư ký tòa soạn nói to - Đã bảo anh từ hôm kia cơ mà.
    - Hội nghị toàn thể có họp - Persitski hạ thấp giọng hơn nữa. - Tôi đã viết hai bài ghi nhanh, song người ta không giành chỗ cho tôi.
    - Sao lại không? Anh trao đổi với ai? Bọn họ điên hay sao?
    Thư ký tòa soạn chạy đi phê phán "bọn họ". Chạy theo sau là Persitski (vừa chạy vừa nháy mắt ranh mãnh), tiếp đến một cán bộ phụ trách chuyên mục thông báo.
    - Hãy đăng cho tôi thông báo về việc bán "chất cay" - anh này buồn bã nói.
    Đằng sau họ là tay trưởng phòng quản trị xách chiếc ghế mềm mua ở chỗ bán đấu giá về cho ban biên tập.
    - "Chất cay" để đến thứ ba. Hôm nay phải đăng bài khác đã.
    - Anh cứ đăng những thông báo chẳng được xu nào cả, trong khi đã nhận tiền đăng "chất cay" rồi.
    - Thôi được, để cuộc họp tối nay sẽ bàn. Cậy hãy giao bản thông báo ấy cho cô Pasa. Tối nay tới phiên trực ban biên tập của cô ấy đấy.
    Thư ký tòa soạn ngồi đọc bài xã luận. Lập tức ông bị người ta bứt khỏi công việc hấp dẫn đó. Một họa sĩ bước vào.
    - Này anh bạn - thư ký nói - hay lắm. Đã có đề tài vẽ tranh đả kích, liên quan đến mấy bức điện từ Đức mới gửi về.
    Họa sĩ nói:
    - Tôi nghĩ, mũ sắt và tình hình chung ở Đức...
    - Được. Cậu cứ phác thảo đi, rồi đưa mình xem qua.
    Họa sĩ quay về phòng mình. Anh lấy một tờ giấy vẽ và dùng bút chì phác họa một con chó còm. Anh đội lên đầu con chó một cái mũ sắt chóp nhọn kiểu Đức. Sau đó bắt đầu ghi tựa đề. Ngay lưng con chó anh viết chữ "Đức" bằng chữ in, ở cái đuôi cong mấy chữ "Hành lang Đansik", ở mõm chó bốn chữ "Mơ ước phục thù", ở vòng cổ ba chữ "Kế hoạch Đaues" và ở cái lưỡi con chó thè lè chữ "Strezeman". Phía trước con chó, họa sĩ vẽ Poankaret cầm một miếng thịt nhử nhử. Anh cố viết chữ gì đó trên cả miếng thịt, nhưng vì miếng thịt nhỏ nên không vừa. Người kém đầu óc tưởng tượng hơn họa sĩ châm biếm sẽ lúng túng, nhưng anh chả cần suy nghĩ lâu la, vẽ thêm ngay cho miếng thịt một thứ giống như mảnh giấy gắn ở cổ chai, và trên mảnh giấy ấy viết dòng chữ thật nhỏ: "Những đề nghị của Pháp về bảo đảm an ninh". Để người ta khỏi nhầm Poankaret với một nhà hoạt động nhà nước nào khác, họa sĩ viết trên bụng ông ta chữ "Poankaret". Phác họa đã xong.
    Trên các bàn giấy ở phòng trang trí nghệ thuật có các tạp chí nước ngoài, những chiếc kéo to, các hộp mực màu và sơn trắng để xóa. Trên nền nhà vứt ngổn ngang các mảnh ảnh, khi là cái vai, khi là cái chân của ai đó, khi là mấy mẩu tranh phong cảnh.
    Khoảng năm họa sĩ đang dùng dao cạo râu "jilett" cạo cạo các tấm ảnh, làm cho các bức ảnh chụp sắc nét hơn, tô điểm chúng bằng bột màu, ghi chú bằng chữ ở bên dưới và ghi rõ cả kích thước 3 3/4 hình vuông, hai cột v.v... tức là những chỉ dẫn cần thiết cho việc làm bản kẽm.
    Ở phòng thư ký tòa soạn đang tiếp một phái đoàn ngoại quốc. Anh phiên dịch của tòa soạn nhìn mặt các vị khách nước ngoài đang nói, rồi anh quay sang thư ký tòa soạn, nói:
    - Đồng chí Arno muốn biết...
    Họ đang nói về cơ cấu của một tờ báo Xô viết. Trong khi anh phiên dịch giải thích cho thư ký tòa soạn rõ đồng chí Arno muốn biết điều gì, thì đồng chí Arno (mặc loại quần nhung dày của vận động viên xe đạp) và mấy vị khách ngoại quốc còn lại tò mò nhìn cây bút màu đỏ đề số No86 dựng ở góc phòng. Ngòi bút gần như chạm trần nhà, còn thân bút ở chỗ to nhất thì tương đương với vóc dáng của một người tầm thước. Có thể dùng cây bút này để viết, vì cái ngòi của nó là ngòi thật, tuy nó lớn hơn cả một con cá măng, xét về kích thước.
    - Ô hô hô! - mấy vị khách ngoại quốc cười - Khổng lồ!
    Ngòi bút này là quà của đại hội thông tín viên công nhân gửi tặng tòa soạn.
    Thư ký tòa soạn ngồi trên chiếc ghế của Ippolit, mỉm cười và gật đầu rất nhanh khi thì về phía cây bút, khi thì về phía khách, vui vẻ giải thích.
    Tiếng ồn ào của tòa soạn vẫn tiếp diễn. Persitsky đem đến bài báo của Semashko, và thư ký tòa soạn vội xóa khỏi ma-két trang ba mục cờ quốc tế. Đại kiện tướng Suđeikin không đấu tranh cho thế cờ tuyệt hảo của Neunybako nữa, mà chỉ xin giữ lại phần giải đáp thế cờ kỳ trước. Sau cuộc đấu còn căng hơn cả ván cờ giữa ông ta với Lasker ở kỳ thi tại San-Sebactiên, đại kiện tướng cờ giành được một chỗ ở mục "Tòa án và sinh hoạt".
    Bài của Semashco đã được gửi đi in. Thư ký tòa soạn lại chúi đầu vào bài xã luận. Ông kiên quyết đọc xong bài đó bằng bất cứ giá nào, xuất phát từ hứng thú thuần túy thể thao.
    Khi ông đọc đến chỗ: "... Tuy nhiên, nội dung của văn kiện cuối cùng cho thấy rằng nếu Liên hiệp quốc chấp nhận nó, thì phải thú thật rằng...", thì một người rậm râu phụ trách mục "Tòa án và sinh hoạt" bước vào. Thư ký tòa soạn tiếp tục đọc, cố tình không để ý đến "Tòa án và sinh hoạt", vừa đọc vừa đánh những dấu không cần đánh bên lề bài xã luận.
    "Tòa án và sinh hoạt" bèn tiến đến bên bàn từ phía khác và nói, giọng tự ái:
    - Tôi không hiểu được.
    - Có chuyện gì vậy anh bạn? - Thư ký tòa soạn cố kéo dài thời gian.
    - Có chuyện thế này: thứ tư vừa rồi không có mục"Tòa án và sinh hoạt", thứ sáu vừa rồi cũng không có nốt, còn thứ năm chỉ đăng bài về vấn đề cấp dưỡng, số thứ bảy lại gạt bài nói về một quá trình mà tất cả các báo đã đề cập từ lâu, chỉ riêng báo ta...
    - Các báo nào? - Thư ký tòa soạn nói to - Tôi chả đọc thấy ở đâu cả.
    - Ngày mai họ sẽ đăng, và thế là ta lại chậm chân.
    - Thế hồi giao cho anh viết bài về vụ Trubarov, anh đã viết cái gì? Chẳng được lấy một dòng. Tôi biết quá mà. Anh đã đưa bài ấy đăng ở báo khác.
    - Sao đồng chí biết?
    - Có người kể với tôi.
    - Nếu vậy tôi cũng biết ai đã kể với đồng chí. Đó là Persitski, cái thằng cha trước mặt toàn thể nhân dân Mátxcơva đã sử dụng bộ máy tòa soạn để gửi bài đi Lêningrat.
    - Pasha! - thư ký gọi nhỏ - Cô mời ông Persitski tới đây.
    "Tòa án và sinh hoạt" dửng dưng ngồi trên bậu cửa sổ. Đằng sau anh ta là vườn cây, nơi chim chóc và trẻ con đang nô giỡn. Vụ tranh chấp được bàn cãi khá lâu. Thư ký tòa soạn kết thúc bằng một thủ pháp khéo léo: gạch bỏ bài ở mục cờ quốc tế và thay vào đó "Tòa án và sinh hoạt", Persitski bị cảnh cáo.
    Bắt đầu thời điểm nóng nhất ở tòa soạn - 5 giờ.
    Khói thuốc lá mù mịt bên cạnh những cái máy chữ đang nổ tanh tách dồn dập. Tiếng đọc bài vội vã nghe đến đáng ghét. Cô phụ trách tổ đánh máy khó chịu to tiếng với "những thằng cha khốn kiếp" cứ tìm cách luồn bài của mình vào tập tài liệu, chứ không chịu sắp hàng.
    Nhà thơ của tòa soạn đang đi đi lại lại ngoài hành lang. Anh ta đang tán tỉnh một cô nhân viên đánh máy mà cặp đùi thon thon của cô đã khiến cho tứ thơ của anh bay bổng. Anh kéo cô đến cuối hành lang, đứng bên cửa sổ và tỏ tình với cô, để trả lời cô chỉ nói:
    - Hôm nay tôi phải làm thêm ngoài giờ, cho nên đang bận túi bụi lên đây.
    Điều đó có nghĩa là cô đã yêu người khác.
    Nhà thơ cứ bám riết mọi người quen biết và với ai cũng chỉ nêu ra một đề nghị cực kỳ đơn điệu:
    - Cho mình mười cô-pếch đi tàu điện nào!
    Để có mười xu ấy, anh ghé vào ban thông tín viên công nhân. Ở đây kê san sát những chiếc bàn với từng chồng tài liệu tin tức và hàng chục cán bộ suốt ngày ngồi đọc thư độc giả. Trong lúc len lỏi giữa các bàn và sờ tay vào các chồng tài liệu, nhà thơ lặp lại những cố gắng của mình. Những người ngồi sau bàn là những người khó tính nhất trong tòa soạn (vì mỗi ngày họ phải đọc hàng trăm bức thư do những bàn tay quen cầm rìu, chổi quét sơn hoặc xô xách nước hơn là cầm bút, viết) không buồn trả lời nhà thơ.
    Sau khi đi thám hiểm các ban, cuối cùng nhà thơ rẽ vào văn phòng. Nhưng ở đây anh không những không xin được xu nào, mà còn bị tấn công từ phía đoàn viên thanh niên cộng sản Avđotiev: nhà thơ được mời tham gia câu lạc bộ những người chơi ô tô. Tâm hồn đang yêu của thi sĩ bị khói xăng bao phủ. Anh ta bèn bước sang bên hai bước, rồi gài số ba và phóng vụt đi.
    Avđotiev không chút lúng túng. Anh tin vào thắng lợi tất yếu của tư tưởng ô tô. Ở ban thư ký, anh ta hành động kín đáo hơn. Chính điều đó cản trở thư ký tòa soạn đọc xong bài xã luận.
    - Đồng chí Aleksanđr Iosifovich ơi, rồi hẵng đọc nào, có việc này quan trọng lắm - Avđotiev vừa ngồi ghé xuống bàn của Aleksanđr vừa nói - Chúng tôi đã thành lập một câu lạc bộ ô tô. Liệu ban biên tập có thể cho bọn tôi vay năm trăm rúp trong thời gian tám tháng được không?
    - Đừng trông chờ ở đó.
    - Sao? Đồng chí tưởng đó là việc vô ích ư?
    - Tôi không tưởng gì cả, mà là biết chắc như vậy. Thế câu lạc bộ của các cậy có bao nhiêu hội viên?
    - Đông lắm rồi.
    Số hội viên của câu lạc bộ mới chỉ bao gồm một mình người tổ chức ra nó, song Avđotiev không cho ai biết điều đó.
    - Với năm trăm rúp, chúng tôi sẽ mua một chiếc xe ở ngoài "nghĩa địa". Egorov đã nắm được một chiếc rồi. Cậu ấy bảo chi phí sửa chữa sẽ không quá năm trăm rúp. Tổng cộng là một ngàn. Tôi bèn tập hợp hai chục anh em, mỗi anh góp năm chục rúp thôi. Thế là có ô tô. Chúng tôi sẽ học lái. Egorov sẽ dạy. Chỉ ba tháng sau, đến tháng tám, là tất cả bọn tôi đều biết lái xe, bọn tôi sẽ lần lượt sử dụng xe đi chơi đâu tùy ý.
    - Thế năm trăm rúp để mua xe các cậu đào đâu ra?
    - Quỹ tương trợ sẽ cho vay lấy lãi. Rồi bọn tôi sẽ trả sau. Vậy tôi ghi tên đồng chí vào hội nhé?
    Nhưng thư ký tòa soạn đã hói đầu, đã làm việc nhiều năm, lại chịu sự chi phối của gia đình và nhà ở, thích ăn xong thì ngả lưng trên đi-văng và trước khi đi ngủ thì đọc báo "Sự thật". Ông suy nghĩ một lát rồi từ chối. Avđotiev nói:
    - Đồng chí già mất rồi!
    Avđotiev đến từng bàn và lặp lại bài diễn thuyết sôi nổi của mình. Đối với những ông già, anh ta coi tất cả những cán bộ hai mươi tuổi đời trở lên ở cơ quan là ông già, lời lẽ của anh ta chỉ gây được hiệu quả đáng ngờ. Họ nhăn nhó từ chối, viện cớ họ đã là bạn của trẻ con và mỗi năm đều đóng góp hai mươi cô-pếch cho việc giúp đỡ trẻ em con nhà nghèo. Thực tình họ cũng đồng ý gia nhập câu lạc bộ, nhưng...
    - "Nhưng" nhưng cái gì? - Avđotiev lớn tiếng - Giá như có ô tô ngay hôm nay phải không? Đúng thế không? Giá như người ta đặt ngay lên bàn ông chiếc xe "Pakkarđ" sáu xi-lanh màu xanh với khoản đóng góp mười lăm cô-pếch một năm còn xăng dầu thì do nhà nước đài thọ chứ gì?
    - Thôi, cậu đi đi! - các "ông già" nói - Bao nhiêu là tài liệu phải xử lý, cậu chỉ cản trở công việc của chúng tôi!
    Tư tưởng ô tô nguội lạnh dần. Cuối cùng lại tìm được một nhân vật tiên phong của chủ trương mới. Persitski đang nói điện thoại vứt ngay máy xuống, chạy lại nghe Avđotiev trình bày và nói:
    - Cậu chưa biết cách, đưa tờ giấy đây. Phải làm lại từ đầu.
    Và Persitski cùng Avđotiev tiến hành cuộc thăm hỏi mới. Persitski nói với một thanh niên:
    - Này cậu cả, thậm chí chả cần phải góp tiền nữa kia. Cậu có công trái năm hai mươi bảy chứ? Giá trị bao nhiêu? Năm chục rúp hả? Càng hay. Cậu hãy giao phiếu công trái ấy cho câu lạc bộ chúng ta. Các phiếu công trái sẽ gộp thành vốn. Đến tháng tám này ta có thể bán tất cả các phiếu ấy và mua ô tô.
    - Nếu phiếu của tôi trúng thưởng thì sao? - tay thanh niên tự vệ.
    - Thế cậu muốn trúng thưởng bao nhiêu?
    - Năm chục ngàn.
    - Năm chục ngàn tiền thưởng ấy sẽ đem mua nhiều ô tô. Nếu tớ trúng số hoặc Avđotiev cũng vậy. Tóm lại bất cứ phiếu của ai trúng thưởng, thì đều dùng tiền tậu ô tô cả. Bây giờ cậu hiểu rồi chứ? Cậu là thằng lập dị! Cậu sẽ được phóng xe riêng đi trên con đường Quân sự Gradia. Tha hồ ngắm cảnh núi non nhé! Đồ ngốc! Đằng sau cậu là một dãy xe nối đuôi nhau, nào của "Tòa án và sinh hoạt", nào của ban thời sự, nào của ban "Chuyện thường ngày", nào của cái cô ả gì ở ban "Điểm phim"... Sao? Sao? Cứ gọi là tha hồ cho cu cậu tán tỉnh!...
    Mỗi chủ nhân có phiếu công trái trong thâm tâm không tin vào khả năng trúng thưởng. Nhưng ai cũng tỏ thái độ ghen tị đối với phiếu công trái của những người láng giềng và quen biết của mình, chỉ sợ họ trúng thưởng, còn mình thì số phận hẩm hiu, chẳng bao giờ trúng đồng tiền thưởng nào cả. Bởi vậy, sự hy vọng vào khả năng trúng thưởng của bạn đồng nghiệp trong tòa soạn đã đẩy những vị có công trái vào bán kính tác động của câu lạc bộ mới. Chỉ lo không có phiếu nào trúng thưởng. Nhưng chẳng hiểu sao điều đó ít có khả năng xảy ra, hơn nữa câu lạc bộ ô tô cũng chẳng mất gì: với số vốn do các công trái góp vào cũng bảo đảm mua được một cái ô tô rồi.
    Chỉ sau năm phút đã kết nạp đủ hai chục người. Khi công việc đã xong xuôi đâu đấy, thư ký tòa soạn nghe phong phanh những triển vọng đầy sức hấp dẫn của câu lạc bộ ô tô mới mò đến.
    - Thế nào các cậu? Cho tớ ghi tên với chứ? - Ông hỏi.
    - Thì mời đồng chí cứ ghi tên - Avđotiev nói, có điều không phải là ghi tên vào câu lạc bộ chúng tôi, ông già ạ. Rất tiếc đã đủ người rồi, tạm thời việc kết nạp hội viên mới phải lui đến năm một ngàn chín trăm hai mươi chín kia. Đồng chí nên vào hội những người bạn của trẻ em thì hơn. Vừa rẻ, vừa nhàn. Có hai mươi xu một năm, lại chẳng phải đi đâu xa.
    Thư ký tòa soạn bối rối, chợt nhớ rằng quả thật mình đã hơi già. Ông thở dài quay về phòng đọc nốt bài xã luận đầy sức lôi cuốn.
    Ngoài hành lang, một thanh niên điển trai có nét mặt hao hao người Trerket, ngăn ông lại hỏi:
    - Đồng chí ơi, tòa soạn báo "Máy cái" ở chỗ nào vậy?
    Đó chính là ông vua mánh.

  7. #26
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHƯƠNG 25: NÓI CHUYỆN VỚI VIÊN KỸ SƯ Ở TRUỒNG
    Trước khi Ostap xuất hiện ở tòa soạn đã xảy ra hàng loạt sự kiện không kém phần quan trọng.
    Không gặp Ernest Pavlovich ban ngày (phòng bị khóa cửa, chắc chủ nhân đang ở cơ quan), vua mánh quyết định sẽ trở lại muộn hơn, còn tạm thời hãy đi dạo phố cái đã. Vốn khao khát hoạt động, hắn cứ đi từ hè phố bên này sang vỉa hè bên kia, đứng lại ở các quảng trường, nháy mắt với các chiến sĩ công an, giúp đỡ các chị các cô lên xe buýt, và nói chung hắn làm ra vẻ tựa hồ toàn bộ Mátxcơva với các đài kỷ niệm, các chuyến xe điện, các cơ quan, các nhà thờ, các nhà ga và bệ áp-phích của thủ đô đang sửa soạn tới dự buổi dạ tiệc ở chỗ hắn. Hắn đi giữa đám quan khách, thân ái trò chuyện với họ và với ai hắn cũng tìm được một lời ấm áp. Cuộc đón tiếp một khối lượng khách quá lớn khiến Ostap hơi mệt mỏi. Hơn nữa đã hơn năm giờ chiều, cần phải đến gặp kỹ sư Sukin.
    Nhưng số phận run rủi buộc hắn trước khi gặp viên kỹ sư, còn phải mất gần hai tiếng đồng hồ để ký vào một tờ biên bản nhỏ.
    Ở quảng trường sân khấu, Ostap bị tai nạn giao thông. Một con ngựa màu trắng bất ngờ bay qua chỗ ông vua mánh và chạm cái ức xương xẩu của nó vào hắn. Ostap ngã xuống và toát mồ hôi hột. Trời thì nóng như thiêu. Con ngựa trắng lớn tiếng xin lỗi. Ostap đứng bật ngay dậy. Cái thân hình chắc nịch của hắn không bị một vết thương nào. Tuy nhiên cái đó càng tạo thêm cớ và khả năng để gây chuyện ầm ĩ.
    Không thể nhận ra ông chủ mến khách và lịch thiệp của Mátxcơva nữa. Hắn loạng choạng tiến về phía lão già đánh xe ngựa và thụi mạnh một quả vào lưng lão già. Lão già kiên nhẫn chịu đựng hình phạt. Một chiến sĩ cảnh sát chạy lại.
    - Tôi yêu cầu lập biên bản! - Ostap hăng hái nói.
    Giọng hắn toát ra âm hưởng gay gắt của một người bị xúc phạm tới những tình cảm thiêng liêng nhất. Và đứng bên tường nhà hát Malưi, ở chính cái chỗ sau này dựng lên đài kỷ niệm kịch sĩ Nga vĩ đại Ostrovaki, ông vua mánh đã ký vào biên bản và trả lời vài câu phỏng vấn của nhà báo Persitski mới hộc tốc chạy đến. Persitski không coi thường công việc nặng nhọc. Ông ta nắn nót ghi rõ tên họ của nạn nhân vào sổ tay rồi tiếp tục lao đi đâu không rõ.
    Ostap hãnh diện bước tiếp. Vẫn còn xúc động về sự tấn công của con ngựa bạch vừa qua và cảm thấy tiêng tiếc rằng đã không đấm cho lão xà ích một quả đấm vào cổ. Ostap bước hai bậc một lên đến tầng thứ bảy của khu nhà tập thể có phòng ở của Sukin. Tại đây, một giọt nước to và nặng rơi xuống trúng đầu hắn. Hắn ngẩng nhìn lên. Thì một giòng thác nhỏ nước bẩn đang ào ạt chảy từ bệ cầu thang tầng trên đổ xuống.
    "Ăn ở thế này thì phải đấm vào mõm chúng nó!" - Ostap nghĩ bụng.
    Hắn chạy lên. Cạnh cửa phòng Sukin, hắn thấy có một người trần truồng, da phủ một lớp địa y màu trắng, đang ngồi quay lưng về phía hắn. Anh ta ngồi phịch xuống gạch men, hai tay ôm đầu. Người đung đa đung đưa.
    Nước từ khe cửa chảy ra, đọng thành vũng xung quanh anh ta.
    - Ôi-ôi-ôi, - con người trần truồng rên rỉ - Ôi-ôi-ôi!
    - Này, có phải ông là kẻ đổ nước lênh láng không đấy? - Ostap tức giận hỏi - đây là chỗ để ông tắm hả? Ông điên rồi chăng?
    Con người trần truồng nhìn Ostap và khóc nấc lên.
    - Này ông kia, thay vì khóc lóc, ông nên đi vào phòng tắm thì hơn. Ông thử nhìn xem ông giống cái thứ gì! Y như một picađor 1 ấy!
    - Chìa khóa! - Viên kỹ sư lý nhí đáp.
    - Chìa khóa gì? - Ostap hỏi.
    - Mở cửa pho-o-òng.
    - Nơi để tiền ư?
    Con người trần truồng nấc lên với nhịp độ nhanh lạ lùng. Không có gì có thể làm cho Ostap lúng túng. Hắn bắt đầu phán đoán. Và khi đoán ra nguyên do, hắn vịn tay vào cầu thang mà cười ngả cười ngốn vì không sao nhịn được.
    - Vậy là ông không vào được nhà à? Có quái gì đâu kia chứ.
    Ostap tiến lại bên cửa, cố không chạm vào người trần truồng để khỏi dây bẩn, hắn đút cái móng tay dài vàng khè của ngón cái vào khe hở của ổ khóa Mỹ và thận trọng xoay theo chiều từ phải sang trái, từ trên xuống dưới.
    Cửa mở ra nhẹ nhàng, và con người trần truồng reo lên vui sướng chạy nhào vào căn hộ ngập lụt.
    Mấy cái vòi nước chảy ùng ục hết công suất. Nước trong phòng ăn tạo thành một vũng xoáy. Trong phòng ngủ thì nó như một cái ao yên ả, trên mặt ao mấy chiếc dép đi trong nhà đang lặng lẽ trôi như đàn thiên nga. Vô số mẩu thuốc lá dồn vào một góc như đàn cá đang ngủ.
    Chiếc ghế của Ippolit Matveevich kê ở phòng ăn, nơi dòng nước chảy mạnh hơn cả. Những lớp sóng bạc đầu nho nhỏ xuất hiện ở cả bốn chân ghế. Chiếc ghế đung đa đung đưa và tựa hồ nó sắp trôi tuột đi để né tránh kẻ săn đuổi nó. Ostap ngồi xuống ghế và co chân lên. Viên kỹ sư đã tỉnh lại, miệng kêu "pác-đông, pác-đông", khóa các vòi nước lại, rửa ráy mình mẩy và xuất hiện trước mặt Ostap trong tư thế ở trần từ thắt lưng trở lên, với chiếc quần dài ướt xắn cao tới đầu gối.
    - Anh đã cứu sống tôi thật sự! - Sukin nói to - xin lỗi, tôi không thể bắt tay anh vì người ướt át thế này. Anh biết đó, tôi suýt phát điên lên.
    - Cũng gần như thế rồi!
    - Tôi lâm vào một tình thế đáng sợ.
    Đoạn Sukin kể lại cho vua mánh nghe chi tiết tai họa vừa xảy ra với anh ta bằng thái độ xúc động dở khóc dở cười:
    - Không có anh, chắc tôi chết mất - viên kỹ sư kết luận.
    - Tôi cũng từng lâm vào một trường hợp còn tệ hơn ông nữa kia - Ostap nói.
    Lúc này viên kỹ sư quan tâm đến hết thảy những gì tương tự sự việc vừa xảy ra tới mức anh ta quẳng cả chiếc xô định dùng để tát nước, và chăm chú lắng nghe Ostap kể.
    - Hệt như tình trạng của ông, có điều câu chuyện xảy ra vào mùa đông, và không phải ở Mátxcơva, mà ở Mirgorot, vào một trong những giai đoạn thú vị giữa Makhao và Tiutunik năm 1919. Tôi ở trọ một gia đình nọ. Toàn dân Khôkhol chính cống! Đầu óc tư hữu hạng nặng: một ngôi nhà nhỏ chứa trăm thứ bà rằn. Cần phải nói với ông rằng hệ thống cống rãnh và các thứ tiện nghi khác thì ở Mirgorot chỉ có các hố rác mà thôi. Một đêm nọ, tôi chỉ mặc mỗi quần áo lót chạy ra vườn. Tuyết rơi dày nhưng tôi không sợ cảm lạnh, vì giải quyết cái khoản ấy chỉ chốc lát là xong. Tôi chạy vội vã và đã đóng cửa lại như một cái máy. Trời lạnh chừng hai mươi độ âm. Mình gõ cửa, không ai ra mở. Đứng một chỗ không xong, vì sẽ chết cóng ngày! Tôi cứ vừa chạy tại chỗ, vừa gõ cửa. Hồi lâu họ vẫn không mở cửa. Và cái chính là trong nhà chẳng có ai ngủ, tất cả đều thức mới tức chứ. Tiếng súng văng vẳng. Chó sủa rộ từng hồi. Một đêm đáng sợ. Mà tôi thì mặc silíp và cứ chạy trên tuyết. Gõ cửa hàng giờ. Suýt chết. Ông có biết vì sao họ không mở cửa không? Vì họ giấu của cải trong nhà, giấu tiền Kêrenki dưới gối. Họ tưởng có đoàn khám xét đến. Sau đó suýt nữa thì tôi giết chết họ.
    Viên kỹ sư cảm thấy tình huống ấy rất gần gũi với mình. Ostap chuyển mạch:
    - Vậy ông là kỹ sư Sukin phải không?
    - Vâng. Có điều xin anh đừng kể với bất cứ ai chuyện này. Bất tiện lắm.
    - Ồ, dĩ nhiên! Ăng-tơ-rơ-nu, tết-a-tết! Chỉ hai ta biết thôi. Nhưng đồng chí Sukin này, tôi đến gặp ông có việc cần đấy.
    - Tôi sẽ rất sung sướng được hầu hạ anh.
    - Gờ-răng méc-xi. Việc nhỏ thôi. Bà vợ ông nhờ tôi đến lấy lại chiếc ghế này ở nhà ông. Bà ấy bảo bà cần lấy nó cho đủ đôi. Và bà đang định gởi chiếc ghế bành sang cho ông.
    - Vâng, xin mời! - Sukin đáp - Tôi rất sung sướng. Nhưng anh khó nhọc mang ghế làm gì? Tôi có thể tự mang đi. Ngay hôm nay cũng được.
    - Không sao! Đối với tôi chuyện này có sá gì. Tôi ở gần nhà vợ ông ấy mà. Chẳng tốn công chút nào.
    Viên kỹ sư lúng túng, tất bật đưa tiễn vua mánh ra tận cửa (anh ta không dám bước ra vì vẫn còn sợ, mặc dù đã cẩn thận đút chìa khóa vào túi cái quần ướt sũng).
    Anh cựu sinh viên Ivanopulo lại được tặng thêm một chiếc ghế nữa. Tuy lớp vải bọc có hư hỏng đôi chút, nhưng dẫu sao vẫn là một chiếc ghế tuyệt diệu và giống cái thứ nhất như đúc.
    Cái ghế rỗng thứ tư này không làm cho Ostap băn khoăn lắm. Hắn đã trải qua nhiều sự trớ trêu của số phận.
    Trong hệ thống cân đối những kết luận của hắn, chỉ có cái đáng lo nhất là chiếc ghế trôi vào sân chất hàng của nhà ga Oktiabrơ. Mỗi lần nghĩ đến cái ghế ấy, hắn lại thấy không vui và nghi ngại.
    Vua mánh ở trong tâm trạng của một con bạc đặt cọc toàn bộ số tiền của mình và muốn thắng ngay một cú gấp ba mươi sáu lần số tiền cọc. Tình trạng có khi còn tồi tệ hơn. Ở đây xác xuất thắng cuộc rất thấp, chỉ là một trên mười hai. Mà chính con số mười hai lại tuột mất khỏi tầm mắt, có quỷ mới biết nó đang ở đâu, trong khi rất có khả năng nó là số trúng độc đắc.
    Chuỗi suy tưởng buồn bã đó bị cắt đứt bởi sự trở về của vị chủ nhiệm hợp đồng chuyển nhượng. Riêng vẻ mặt của ông ta đã khiến Ostap thất vọng.
    - Ô hô! - Vị chỉ đạo kỹ thuật thốt lên - Tôi thấy ông đã thành công. Chỉ xin đừng đùa dai với tôi. Ông để chiếc ghế ở ngoài cửa làm gì vậy? Để trêu tức tôi chăng?
    - Đồng chí Ostap Benđer… - ngài đô thống ấp úng.
    - Ôi, sao ông cứ chơi đòn cân não với tôi thế? Đem chiếc ghế vào nhà đi, mau lên! Ông thấy đấy, cái ghế mới mà tôi đang ngồi đã làm tăng giá trị cái ghế ông mang về lên gấp nhiều lần.
    Ostap ngoẹo đầu sang một bên và nheo nheo mắt.
    - Đừng hành hạ lớp trẻ nữa, - cuối cùng hắn nói - ghế đâu? Sao ông không mang nó về?
    Bản báo cáo ấp úng của Ippolit Matveevich bị ngắt quãng bởi những tiếng huýt sáo, những tiếng vỗ tay châm biếm và những câu hỏi hắc búa của cử tọa. Ippolit kết thúc bản báo cáo của mình trong tiếng cười đồng loạt của công chúng.
    - Thế còn những chỉ dẫn của tôi? - Ostap hỏi - Tôi đã dặn ông bao nhiêu lần rằng ăn cắp là tội lỗi! Ngay từ hồi ông định ăn cắp của vợ tôi, mađam Gritsasueva, tôi đã biết ngay ông là hạng ăn cắp vặt. Tội của ông nhiều lắm cũng chỉ đáng ngồi tù sáu tháng là cùng. Đối với một nhà tư tưởng khổng lồ, người cha của nền dân chủ Nga, việc tôi giao cho ông đâu phải vào loại tầm cỡ. Thế mà cũng xôi hỏng bỏng không. Cái ghế đã nằm trong tay ông lại tuột mất. Hơn thế nữa, ông còn làm hỏng cả chỗ làm ăn dễ dãi ấy! Ông thử lại đấy một lần nữa xem nào. Thằng cha Iznurenkov nó sẽ chặt đầu ông. Một sự may rủi đã cứu sống ông đó, nếu không ông đã ngồi tù và mỏi mắt chờ tôi tiếp tế rồi. Tôi sẽ không thăm nuôi ông đâu, xin ông nhớ kỹ điều đó. Ông là cái quái gì với tôi? Rốt cuộc ông chẳng phải là mẹ, là chị hay là nhân tình của tôi.
    Ippolit Matveevich nhận rõ giá trị không đáng một đồng xu của mình, cứ đứng cúi đầu ủ rũ.
    - Thế này ông bạn thân mến ạ, tôi thấy hợp tác với ông chẳng tích sự gì. Hoặc ít ra thì tôi thấy phải chia bốn mươi phần trăm doanh thu cho một bạn hàng ngu ngốc như ông là cực kỳ vô lý. Vô-lăng-nơ-vô-lăng, nhưng tôi phải đặt lại điều kiện thôi.
    Ippolit bắt đầu thở. Từ nãy đến giờ ông cố nín thở.
    - Đúng, ông bạn Ippolit ạ, ông mắc cái bệnh bất lực về tổ chức và phi năng lực. Do đó phần ông được hưởng sẽ phải giảm đi. Thú thật, ông chỉ đáng hưởng hai chục phần trăm thôi.
    Ippolit Matveevich cương quyết lắc đầu.
    - Không muốn thế hả? Ít chăng?
    - I-ít!
    - Ngần ấy đã là ba chục ngàn rúp rồi đấy! Vậy ông đòi bao nhiêu?
    - Tôi xin bốn mươi phần trăm.
    - Ăn cướp giữa ban ngày ban mặt! - Ostap nhái giọng nói của vị đô thống trong cuộc mặc cả lịch sử ở nhà hầm của lão quét sân dạo nọ - Ba chục ngàn đối với ông còn ít ư? Ông còn muốn lấy cả cái chìa khóa căn phòng để tiền chăng?
    - Anh cần chìa khóa căn phòng để tiền thì có. - Ippolit lắp bắp.
    - Ông hãy nhận hai chục phần trăm khi chưa muộn, kẻo tôi thay đổi ý kiến không biết chừng. Hãy lợi dụng tâm trạng lúc tôi còn đang vui.
    Ippolit Matveevich từ lâu đã mất cái vẻ tự mãn mà ông đã từng có hồi bắt đầu cuộc tìm kiếm kim cương.
    Cái lớp băng đã bắt đầu chuyển mình hồi ở căn hầm của lão quét sân, cái lớp băng nứt vỡ ầm ầm, trôi đi và va đập vào lớp đá hoa cương ven phố bờ sông, đã vụn nát và tan thành nước từ lâu. Băng không còn nữa. Chỉ còn dòng nước lớn đang chở trên mình nó Ippolit Matveevich, quăng vật ông ta lúc sang phải khi sang trái, làm cho ông ta khi thì va vào cây gỗ, lúc chạm phải những chiếc ghế của ông ta, lúc lại xa cách chúng. Ippolit cảm thấy một nỗi sợ hãi khó tả. Tất cả mọi thứ đều đe dọa ông ta. Cùng trôi trên dòng nước là rác rưởi, cặn dầu, chuồng gà hỏng, cá chết, một cái mũ gớm ghiếc của ai đó. Có thể đấy là cái mũ của cha Fêđor, cái mũ mỏ vịt bị gió bứt khỏi đầu cha ở Rostov chăng? Có ai biết đâu! Cái đích cuối cùng nào thấy rõ. Bơi vào bờ không xong, mà bơi ngược dòng thì ngài cựu đô thống quý tộc chẳng đủ sức, vả cũng không muốn thế.
    Ông ta bị trôi ra biển rộng phiêu lưu.

  8. #27
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHƯƠNG 26: HAI CUỘC VIẾNG THĂM
    Hệt như đứa hài nhi cứ liên tục nắm vào mở ra hai bàn tay nhỏ xíu trong như sáp, giẫy đạp lung tung hai cẳng chân bé tí tẹo, ngọ nguậy cái đầu nhỏ như quả táo Antonov, mình quấn tã, miệng phun bọt phì phì, nhà văn châm biếm Avessal Iznurenkov ở trong trạng thái bất an vĩnh cửu. Ông vận hành hai cẳng chân mập mạp, ngọ nguậy cái cằm cạo râu nhẵn nhụi, luôn miệng thốt ra hai tiếng "chao", "chao" và hai cánh tay lông lá liên tục làm những điệu bộ tựa hồ đang tập bài thể dục bằng dụng cụ có lò xo.
    Iznurenkov sống hối hả, tất bật, có mặt khắp mọi nơi và nêu ra một kiến nghị gì đấy, cứ chạy ngoài đường như một con gà mái hốt hoảng, nói thì lớn tiếng, tựa hồ đang tính tiền bảo hiểm một công trình tường đá, mái tôn. Bản chất cuộc sống và hoạt động của ông là ở chỗ ông không tài nào tập trung tư tưởng để làm một việc gì đó, nghiên cứu một đối tượng nào đó quá một phút.
    Nếu tiểu phẩm châm biếm không được người ta thích và không gây cười trong khoảnh khắc, thì Iznurenkov chẳng như người khác, phải cố thuyết phục cán bộ biên tập rằng tiểu phẩm ấy rất đạt, yêu cầu xem xét đánh giá lại cho đầy đủ, mà ông đưa ra ngay lập tức một tiểu phẩm mới. Ông nói:
    - Đã nói không đạt là không đạt, bỏ nó đi.
    Tại các cửa hàng Avessal Iznurenkov luôn gây ra cảnh lộn xộn, ông xuất hiện và biến đi rất nhanh trước con mắt sửng sốt của các nhân viên bán hàng. Ông hỏi mua một số lượng sôcôla nhiều đến nỗi người bán chờ ông trả ít ra cũng ba bốn chục rúp. Nhưng Iznurenkov vừa múa bên quầy vừa túm lấy cà vạt như thể đang bị người ta thít cổ, chỉ quẳng lên quầy một tờ ba rúp nhàu nát, rồi vừa cám ơn vừa chạy biến.
    Ví thử con người ấy ngồi im một chỗ dù chỉ hai tiếng đồng hồ, hẳn là sẽ xảy ra những sự kiện hết sức bất ngờ.
    Có lẽ Iznurenkov nên ngồi xuống bàn viết một thiên truyện tuyệt tác, hoặc làm đơn gửi đến quỹ tương trợ xin vay một khoản tiền không hoàn lại, hoặc một điều mới bổ sung cho đạo luật sử dụng nhà ở, hoặc cuốn sách "Cách ăn mặc đẹp và ứng xử trong xã hội".
    Nhưng ông cũng không thể làm như vậy. Hai cái chân giậm giật cứ đưa ông đi, chiếc bút chì như một mũi tên cứ văng ra khỏi bàn tay vung vẩy của ông, và những ý nghĩ cứ liên tục nhảy nhót.
    Iznurenkov chạy nháo lên trong phòng, khiến các tờ báo ở trên giường chao động như đôi vòng tay của cô gái digan đang múa. Cô gái quê buồn cười đang ngồi trên ghế.
    - Chao, chao - Avessal Iznurenkov thốt lên - Thiên thần! Thiên thần! "Giọng nói và khóe mắt của hoàng hậu làm sinh động cả thế gian". Chao, chao! Hết sảy!... Cô là hoàng hậu Margo.
    Hoàng hậu từ vùng quê ra chả hiểu gì hết, chỉ kính cẩn mỉm cười.
    - Kìa, mời cô ăn sôcôla đi, mời cô! Chao, chao! Tuyệt trần!
    Chốc chốc ông lại hôn tay hoàng hậu, thán phục cách ăn mặc giản dị của nàng, giúi con mèo vào lòng nàng và xun xoe hỏi:
    - Có đúng là nó giống con vẹt không cô? Sư tử đấy! Sư tử chính cống! Có đúng là lông nó quá mượt phải không?... Còn cái đuôi. Đuôi ra đuôi! Có đúng là đuôi to không cô? Chao!
    Sau đó con mèo bay vào góc phòng, còn Iznurenkov áp hai tay vào bộ ngực lông lá, rạp mình chào ai đó qua cửa sổ. Bỗng một cái van nào đó trong đầu óc mê muội của ông bỗng đánh "tách" và ông bắt đầu phóng ra một tiểu phẩm về các phẩm chất thể xác và tâm hồn của cô khách quý:
    - Cái ghim cài áo ấy có đúng là bằng thủy tinh hay không? Chao, chao! Lóng la lóng lánh!... Cô em làm cho tôi hoa mắt, thật đấy! À này, có đúng Pari là một thành phố lớn phải không? Có đúng ở đấy có tháp Ep-phen chứ?... Chao! Chao! Bàn tay mới đẹp làm sao! Cái mũi mới xinh làm sao! Chao!
    Ông không ôm cô gái. Được nói những lời khách sáo cho cô nghe, thế là đủ. Và ông cứ nói huyên thuyên. Dòng văn của ông bị ngắt bởi sự xuất hiện đột ngột của Ostap.
    Vua mánh xoay xoay một mẩu giấy trong tay và nghiêm khắc lục vấn:
    - Iznurenkov sống ở đây chứ? Ông chính là Iznurenkov à?
    Iznurenkov lo lắng nhìn vẻ mặt lạnh như tiền của vị khách. Qua cặp mắt của hắn, ông ta cố đọc xem hắn ta muốn đòi hỏi những gì ở ông: liệu họ bắt ông nộp phạt vì làm vỡ cửa kính trên toa xe điện trong lúc nói chuyện, hay là giấy gọi lên tòa án nhân dân về việc ông trả tiền nhà, hay là họ mời ông đặt mua tạp chí dành cho người mù.
    Ostap nghiêm nghị nói:
    - Này đồng chí, biển thủ của công không phải chuyện thường đâu nhé.
    - Của công nào kia? - Iznurenkov hoảng hốt.
    - Tự ông biết của công nào. Bây giờ tôi sẽ mang đồ gỗ đi. Xin lỗi cô, yêu cầu cô giải phóng chiếc ghế cho - Ostap lạnh lùng nói.
    Cô gái mà chủ nhân vừa đọc cho nghe vần thơ của các thi sĩ trữ tình nhất, đứng dậy.
    - Không, cô cứ ngồi đi! - Iznurenkov lấy thân mình che chiếc ghế, hét lên - Họ không có quyền.
    - Về quyền hạn thì đồng chí im đi thì hơn. Phải tự giác chứ. Bỏ chiếc ghế ra đây! Phải biết tôn trọng pháp luật!
    Vừa nói, Ostap vừa giằng lấy chiếc ghế và huơ huơ trong không khí.
    - Tôi mang đi đây! - Ostap kiên quyết tuyên bố.
    - Không, anh không mang đi được!
    - Sao lại không được nhỉ - Ostap xách chiếc ghế ra hành lang, cười khẩy - khi mà tay tôi đang cầm cái ghế.
    Iznurenkov hôn tay hoàng hậu, cúi chào rồi chạy theo vị quan tòa nghiêm khắc. Ostap đã xuống cầu thang.
    - Tôi đã bảo rằng anh không có quyền. Theo luật, tôi có thể dùng nó trong hai tuần, đằng này nó mới ở nhà tôi cả thảy ba ngày! Hay là để tôi trả tiền vậy!
    Iznurenkov quay xung quanh Ostap như một con ong. Cứ thế cả hai ra ngoài đường. Iznurenkov chạy theo cái ghế đến tận góc phố. Tới đây, ông nhìn thấy một bầy chim sẻ đang nhảy nhót xung quanh một bãi phân ngựa. Ông nhìn chúng bằng cặp mắt trong sáng, miệng mấp ma mấp máy, tay vung cao, ông cười ha hả, nói:
    - Hết sảy! Chao! Chao! Chuyển đề tài thế mới tuyệt chứ!
    Say sưa xử lý đề tài, Iznurenkov vui vẻ quay người, nhảy chân sáo chạy về nhà. Ông chỉ nhớ đến chiếc ghế khi đã về đến nhà và thấy cô gái miền quê đang đứng giữa phòng.
    Ostap thuê xe ngựa chở ghế đi. Hắn lên lớp cho Ippolit:
    - Học đi, tôi đã tay không lấy được cái ghế. Không mất gì hết. Ông hiểu chứ?
    Sau khi lột lớp vải bọc ghế ra, Ippolit buồn hẳn đi.
    - Khả năng thành công càng lớn hơn - Ostap nói - mà tiền thì chẳng thấy một xu. Này ông, bà nhạc của ông có thích đùa không đấy?
    - Thì sao?
    - Hay là chẳng hề có viên kim cương quái nào cả?
    Ippolit Matveevich xua tay loạn cả lên.
    - Nếu vậy thì tuyệt. Chúng ta hy vọng rằng tài sản của Ivanopulo sẽ tăng thêm được một cái ghế nữa.
    - Đồng chí Ostap Benđer ơi, hôm nay trên báo có viết về đồng chí đấy - Ippolit nịnh.
    Ostap cau mày.
    Hắn không thích cái chuyện báo chí làm ồn ào xung quanh tên tuổi của hắn.
    - Ông nói vớ vẩn gì vậy? Báo nào?
    Ippolit đắc thắng trải tờ "Máy cái" ra.
    - Đây, ở mục "Mỗi ngày một chuyện".
    Ostap hơi yên tâm, vì hắn chỉ sợ các bài ở hai mục "Mũi tên nhọn" và "Đưa bọn lợi dụng ra tòa".
    Quả là ở mục "Mỗi ngày một chuyện", in bằng chữ nhỏ mấy dòng sau đây:
    BỊ NGỰA ĐỤNG
    Hôm qua ở quảng trường Sverlov
    công dân O. Bender đã đụng phải
    ngựa của chiếc xe ngựa No8974.
    Nạn nhân bị một mẻ sợ.
    - Kẻ bị một mẻ sợ là thằng cha đánh xe, chứ không phải tôi - Ostap làu bàu - Một lũ ngu ngốc! Viết bài này bài nọ song chính kẻ viết chẳng hiểu mình viết cái khỉ gì. A! Báo "Máy cái" à. Hay, hay lắm. Này ông Ippolit, kẻ viết bài này có thể đang ngồi trên cái ghế của ông chăng? Chuyện tức cười chưa?
    Vua mánh đăm chiêu suy tính.
    Hắn đã tìm ra lý do để đến thăm tòa soạn.
    Sau khi hỏi thư ký tòa soạn, biết rằng tất cả các phòng ở hai bên dãy hành lang dài đều là của tòa soạn, Ostap tạo vẻ mặt ngây ngô và chuẩn bị đảo qua tất cả mọi nơi để xác định xem chiếc ghế để ở phòng nào.
    Hắn mò vào phòng công đoàn, nơi mới diễn ra cuộc họp của những hội viên trẻ tuổi của câu lạc bộ ô tô, và vì thấy ngay rằng cái ghế không có ở đây, hắn nhót ngay sang phòng bên. Ở phòng quản trị, hắn sắm vai một người đang chờ giấy quyết định nào đó, ở phòng thông tín viên công nhân, hắn được biết qua mấy chữ thông báo trên bảng, là ở đây có bán giấy lộn, ở ban thư ký hắn hỏi thăm điều kiện đặt mua báo, còn ở phòng tiểu phẩm châm biếm, hắn hỏi nơi nhận đăng thông báo mất căn cước.
    Bằng cách đó hắn lần đến phòng chủ bút. Ông này đang ngồi trên cái ghế của Ippolit nói oang oang vào ống nghe.
    Ostap cần có thời gian để nghiên cứu kỹ địa hình.
    - Thưa đồng chí chủ bút, báo có đăng bài vu khống chính thức đối với tôi - Ostap nói.
    - Vu khống cái gì vậy? - Chủ bút hỏi.
    Ostap dề dà mở số báo "Máy cái" ra. Liếc về phía cửa, hắn nhận ra kiểu khóa ở đó là khóa Mỹ. Nếu cắt một mảnh kính nhỏ ở cửa, thì có thể dễ dàng thò tay vào mở khóa từ bên trong.
    Chủ bút đọc xong bài viết mà Ostap vừa chỉ.
    - Vậy đồng chí thấy vu khống ở điểm nào?
    - Ô hay! Thế câu này thì sao: Nạn nhân bị một mẻ sợ.
    - Tôi chưa hiểu.
    Ostap âu yếm nhìn chủ bút và cái ghế.
    - Hóa ta là tôi đi sợ mấy cái xe ngựa nào đấy ư! Họ đã bôi nhọ tôi trước toàn thế giới. Cần phải bác bỏ tin đó.
    - Thế này anh bạn nhé - chủ bút nói - không ai bôi nhọ anh cả, và về những chuyện vặt vãnh kiểu này, báo chúng tôi không đăng cải chính đâu.
    - Dầu sao tôi cũng sẽ không để yên chuyện này đâu ông ạ - Ostap nói và bước ra.
    Hắn đã nhìn kỹ tất cả những gì cần thiết.

  9. #28
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết



    CHƯƠNG 27: CÁI LẴNG TUYỆT DIỆU CỦA NGƯỜI TÙ
    Chi nhánh Stargorot của cái liên minh ảo "Lưỡi kiếm và lưỡi cày" cùng với đám thanh niên xốc vác của tổ hợp "Đóng gói nhanh" đứng xếp hàng thành một dãy dài ở cửa hàng bột "Sản phẩm lúa mì".
    Những người qua đường dừng lại, hỏi:
    - Xếp hàng làm gì thế?
    Ở chỗ xếp hàng dài cạnh cửa hàng bao giờ cũng có một người mà sự bẻm mép của anh ta càng ở xa chỗ bán bao nhiêu càng ghê gớm bấy nhiêu. Mà người xa nhất là Polesov. Vị đội trưởng cứu hỏa nói:
    - Sống được đến thời buổi này đã khó, sắp tới rồi tất cả đến phải ăn khô dầu mất thôi. Cái năm mười chín xem chừng còn khá hơn bây giờ. Thành phố còn có bột dự trữ cho bốn ngày.
    Nhiều người động đậy cặp ria nghi ngờ, lên tiếng tranh luận với Polesov và viện vào tờ "Sự thật Stargorot".
    Sau khi chứng minh với Polesov rằng hai lần hai là bốn, rằng thành phố thừa thãi bột mì, chẳng nên nói lung tung gây hoang mang, các vị khách qua đường chạy vội về nhà, nhét vào túi tất cả số tiền mặt hiện có và tới xếp hàng ở phía sau.
    Tốp thanh niên xốc vác của tổ hợp "Đóng gói nhanh" sau khi mua hết bột ở cửa hàng bột mì, liền kéo tới hiệu thực phẩm phụ để xếp hàng mua đường.
    Suốt ba ngày Stargorot lâm vào tình trạng khủng hoảng lương thực và hàng hóa. Đại diện của hợp tác xã và tổ chức thương nghiệp quốc doanh tính toán thời gian lương thực thực phẩm đang trên đường vận chuyển chưa về đến nơi, đã quyết định chỉ bán cho mỗi người mua một funt 1 đường và năm funt bột.
    Ngày hôm sau thuốc giải độc đã được sáng chế.
    Người đứng xếp hàng đầu tiên mua đường là Alkhen. Tiếp sau y là vợ - Sashken, rồi Pasha Emilevich, bốn gã Iakovlevich và tất cả mười lăm bà già mặc bộ đồ tualđenor bị động viên. Sau khi vét được ở cửa hàng Stagiko gần nửa pút đường, Alkhen dẫn đoàn tùy tùng của y sang cửa hàng hợp tác xã tiêu thụ khác, dọc đường luôn mồm chửi bới Pasha là kẻ đã kịp ăn vụng hết cả phần đường mà mỗi người được mua. Hắn dốc gói đường vào lòng bàn tay và táp vào cái mồm to tướng của mình. Alkhen tất bật cả ngày. Để tránh hao hụt và rơi vãi, y loại Pasha Emilevich ra khỏi hàng và dùng hắn vào việc chở số đường đã mua ra chợ đen. Tại đó Alkhen e lệ bán lại số đường, bột, trà và vải đã mua cho các quầy tư nhân.
    Polesov đứng xếp hàng chủ yếu là vì nguyên tắc mà thôi. Ông ta không có tiền, nên dù muốn cũng chẳng mua được cái gì. Ông ta cứ đứng xếp hàng ở chỗ này chỗ nọ, dỏng tai nghe lời bàn tán, đưa ra những lời nhận xét phê phán gay gắt và cau mày tiên tri. Hậu quả của những lời nói lấp lửng của ông ta là trong thành phố đầy những tin đồn, rằng có một tổ chức bí mật nào đó từ vùng Kiếm Cày mới chuyển về đây hoạt động.
    Ngài tỉnh trưởng Diađev kiếm lời mười ngàn đồng trong một ngày. Còn ngài giám đốc sở lao động Kisliarski kiếm được bao nhiêu, thì ngay đến vợ ngài cũng không biết.
    Cái ý nghĩ rằng mình là thành viên của một hội kín không để cho Kisliarski yên tâm. Cuối cùng những tin đồn lan truyền trong thành phố khiến ngài hoảng sợ. Sau một đêm trằn trọc mất ngủ, ngài giám đốc sở lao động quyết định rằng chỉ còn cách đi tự thú mới có thể giảm bớt thời hạn ngồi tù cho ông ta. Ông ta dặn vợ:
    - Henrietta mình ơi, đã đến lúc giao cái xưởng của ta cho thằng em của mình rồi đấy.
    - Sao, chẳng lẽ họ cấm mình à? - Bà Henrietta hỏi.
    - Có thể lắm. Một khi trong nước không có tự do buôn bán, thì thế nào họ cũng bỏ tù tôi thôi.
    - Nghĩa là phải chuẩn bị lương khô rồi ư? Khổ cái thân tôi chưa! Suốt đời thăm nuôi chồng. Mà tại sao anh không đi làm công chức xô viết nhỉ? Thì cậu em tôi đáy, nó là đoàn viên công đoàn, nên có việc gì đâu! Phải trở thành thương gia đỏ mới được ông ạ!
    Henrietta chưa biết rằng số phận đã đưa chồng bà lên chức giám đốc sở lao động. Cho nên bà rất yên lòng.
    - Tối nay có thể anh không được về ngủ ở nhà. Nếu vậy, sáng mai mình tiếp tế cho tôi nhé. Có điều là đừng mang bánh vareniki 2. Ăn món bánh vareniki nguội chán mớ đời!
    - Hay là ông mang cái bếp dầu hỏa đi?
    - Ai cho bà mang bếp dầu vào xà lin! Đưa cái lẵng cho tôi nào!
    Kisliarski đã chuẩn bị sẵn một cái lẵng phòng khi ngồi tù. Nó được làm theo kiểu đặc biệt, có tính chất phổ dụng. Nếu mở hết cỡ, nó trở thành cái giường, mở một nửa thì ngày cái bàn nhỏ. Ngoài ra nó thay thế cái tủ: trong lẵng có nhiều giá, ngăn và móc. Bà vợ đặt vào lẵng bữa ăn tối và bộ đồ lót sạch bong.
    - Mình khỏi tiễn tôi - Ông chồng già dặn kinh nghiệm dặn vợ - Nếu Rubenx có đến lấy tiền, mình bảo không có tiền nhé. Rubenx có thể đợi ít lâu.
    Đoạn Kisliarski đủng đỉnh xách lẵng bước ra phố.
    - Đi đâu thế, ông Kisliarski? - Polesov gọi to.
    Polesov đứng bên cột điện thoại, luôn miệng động viên anh thợ đường dây đang bám móc sắt vào cột leo lên chỗ mấy miếng sứ cách điện.
    - Đi tự thú đây - Kisliarski đáp.
    - Tự thú việc gì?
    - Tự thú về liên minh "Lưỡi kiếm và lưỡi cày".
    Polesov như bị cấm khẩu. Kisliarski ưỡn cái bụng hình quả trứng ra phía trước (cái bụng được thắt một chiếc dây lưng to bản, có gài một cái túi nhỏ đựng đồng hồ) và thong thả đi về phía viện công tố tỉnh.
    Polesov vỗ cánh bay đến nhà Điađev.
    - Kisliarski là tên phá hoại! - Viên đội trưởng cứu hỏa nói to - Hắn vừa đi khai báo xong. Có lẽ hắn chưa đến nơi đâu.
    - Sao, lão có xách lẵng theo không? - Ngài tỉnh trưởng Stargorot hốt hoảng.
    - Có.
    Điađev vội hôn vợ, dặn rằng nếu Rubenx đến thì đừng đưa tiền cho hắn rồi vắt chân lên cổ chạy bổ ra đường. Polesov loay hoay rên rỉ như con gà sắp đẻ một lát, rồi chạy đến chỗ Vlađei và Nikesha.
    Trong khi đó công dân Kisliarski tiến dần đến viện công tố tỉnh. Trên đường ông ta gặp Rubenx và nói chuyện hồi lâu với anh ta.
    - Thế còn tiền thì sao? - Rubenx hỏi.
    - Về chuyện tiền, anh hãy đến gặp vợ tôi.
    - Tại sao lại xách lẵng làm gì? - Rubenx nghi ngờ.
    - Tôi đi nhà tắm hơi.
    - Ồ, vậy thì xin chúc ông thanh thoát.
    Sau đó, Kisliarski ghé vào hiệu bánh kẹo thuộc công ty tiêu dùng Stargorot, trước là hiệu "Bonbon de Varsovi", uống một ly cà phê và ăn hết một cái bánh nướng. Đã tới lúc đi tự thú. Vị giám đốc sở lao động bước vào phòng tiếp khách của viện công tố. Trong phòng không có ai, Kisliarski bèn tới bên cạnh cửa có đề chữ "Chưởng lý" và lịch sự gõ ba tiếng.
    - Mời vào! - Giọng nói quen thuộc đối với Kisliarski vang lên.
    Kisliarski bước vào và sờ sững cả người. Cái bụng hình quả trứng của ông ta lập tức trễ xuống nhăn lại như quả chà là. Điều ông ta nhìn thấy thật hết sức bất ngờ đối với ông ta.
    Ông chưởng lý ngồi bên bàn viết. Các hội viên của liên minh hùng mạnh "Lưỡi kiếm và lưỡi cày" vây kín chung quanh. Căn cứ vào cử chỉ và giọng nói như khóc của họ, có thể đoán là họ đã thú nhận tất cả mọi chuyện.
    - Đây - Điađev thốt lên - chính ông đội viên tháng Mười đây.
    Kisliarski đặt cái lẵng xuống nền nhà, bước lại bên bàn, nói:
    - Thứ nhất, tôi không phải là đội viên tháng Mười. Thứ hai, bao giờ tôi cũng có cảm tình với chính quyền xô viết. Và thứ ba, nhân vật đầu sỏ không phải là tôi, mà là đồng chí Charushnikôp, ở địa chỉ...
    - Phố Krasnormeiskaia! - Điađev nói to.
    - Nhà số 3! - Vlađei và Nikesha đồng thanh.
    - Vào sân, rẽ trái - Polesov bổ sung - tôi có thể chỉ chỗ hắn.
    Hai mươi phút sau, Charushnikôp được chở tới. Ông ta trước hết tuyên bố rằng tất cả những người có mặt trong phòng này ông ta chưa từng gặp bao giờ trong đời. Liền sau câu nói ấy, ông ta khai luôn ra bà Êlêna Bour.
    Chỉ khi đã vào xà lim, thay quần áo và nằm duỗi người trên cái lẵng, vị giám đốc sở lao động mới cảm thấy yên tâm và thanh thoát.
    Mađam Gritsasueva - Benđer trong mấy ngày khủng hoảng đã kịp tích trữ thực phẩm và hàng hóa cho cửa hàng của mình đủ bán ít nhất trong bốn tháng. Lo xong việc ấy rồi, chị ta lại bắt đầu thương nhớ anh chồng trẻ đang bận bịu vất vả với kỳ họp của Bộ Tiểu dân ủy. Cuộc đến thăm bà thầy bói Êlêna Bour chẳng khiến chị ta yên tâm.
    Bà Êlêna Bour lo canh cánh về việc tốp chiến hữu của bà ở Stargorot đột nhiên biến mất tăm, bà đang ngồi trộn bài lung tung để bói. Quẻ thì nói đến ngày tận thế, quẻ thì bảo Gritsasueva được hưởng trợ cấp, quẻ thứ ba lại đoán chị ta sẽ gặp chồng khi có mặt kẻ ác là ông vua pích.
    Cả buổi bói bài kết thúc rất lạ: Các nhân viên cảnh sát - các ông vua pích - đã tới điệu bà thầy bói tới cơ quan nhà nước gặp ông chưởng lý.
    Còn lại một mình với con vẹt, Gritsasueva bối rối, đang định ra về, thì đột nhiên con vẹt gõ gõ mỏ vào thành lồng và lần đầu tiên trong đời nó cất lên tiếng nói của con người.
    - Tệ ơi là tệ! - Con vẹt giễu cợt nói, rồi chúi đầu vào cánh và rút ra một cái lông.
    Mađam Gritsasueva - Benđer sợ hãi lao ra cửa.
    Đuổi theo chị ta là một chuỗi lời nói vội vã, lắp bắp. Con chim cổ xưa sửng sốt về cuộc viếng thăm của mấy anh công an và việc bà chủ bị điệu đi đến nỗi nó bắt đầu bật ra tất cả những câu mà nó quen nghe. Trong số đó câu nói cửa miệng của Vichtor Polesov chiếm vị trí số một.
    - Với sự hiện diện của sự vắng mặt... - Con chim lắp bắp nói.
    Rồi nó lộn cổ xuống dưới, nháy mắt với người đàn bà góa chồng đang đứng sững ở cửa, như muốn nói: "Chị đã thích chưa, chị góa?"
    - Cha mẹ ơi - Gritsasueva rú lên.
    - Ông ở trung đoàn nào? - Con vẹt hỏi bằng giọng của Ostap Benđer - Ke-e-ẹc! Châu Âu sẽ viện trợ cho ta.
    Sau khi chị góa đã chạy đi, con vẹt sửa lại lông ngực và nói hai tiếng mà suốt ba chục năm qua người ta cố dạy nó nói không xong:
    - Đồ ngốc!
    Gritsasueva vừa chạy ngoài phố vừa khóc sụt sùi. Trong khi đó một ông già gầy gò đang chờ chị ta ở nhà.
    Đấy là Varfolomei Korobeinikop
    - Thưa tiểu thư, tôi đã đọc tin rao vặt trên báo và chờ chị hai giờ rồi đấy.
    Linh tính như giáng một đòn vào tim chị gái góa.
    - Ôi - Gritsasueva kêu lên. - Khổ thân tôi!
    - Hình như ông Benđer bỏ nhà ra đi phải không? Có phải chị đăng báo hay không?
    Chị góa ngã ngay xuống chỗ để bao bột.
    - Đàn bà con gái yếu đuối quá - Varfolomei nhẹ nhàng nói - Trước hết tôi muốn biết khoản hậu tạ là bao nhiêu đã...
    - Ôi!... Bác cứ lấy tất đi! Bây giờ tôi chả thiết gì nữa! - Chị gái góa đa cảm nói.
    - Vậy thì thế này. Tôi biết chỗ con trai chị là O. Benđer. Chị sẽ thưởng cho tôi bao nhiêu?
    - Cứ lấy hết đi! - Gritsasueva nhắc lại.
    - Hai chục rúp - Varfolomei lạnh lùng nói.
    Chị gái góa đứng dậy khỏi chỗ bao bột. Bột dính trắng cả người. Hai con mắt chớp liên tục.
    - Bao nhiêu? - Gritsasueva hỏi lại.
    - Mười lăm rúp - Varfolomei hạ giá.
    Lão đánh hơi thấy đến ba rúp cũng khó mà moi được ở người phụ nữ bất hạnh này.
    Chị góa giậm đôi bàn chân thô kệch bành bạch, gọi đến cả thần thánh ra làm chứng cho sự nghèo túng của chị và nhờ đó đã đạt được một cái giá khá hời.
    - Thôi thì đã có chúa phán xét chị. Năm rúp cũng được. Có điều là chị hãy đưa tiền ra trước đã. Tôi có cái lệ như vậy.
    Varfolomei lấy từ trong cuốn sổ tay ra hai mẩu báo cắt và cầm đọc:
    - Đây, ta hãy xem lần lượt, nghĩa là chị đăng tin: "Đồng chí Benđer bỏ nhà ra đi... mặc quần xanh lá cây, giầy vàng, áo ghilê màu xanh da trời... ai biết, xin..." Đúng chưa nào? Đấy là tờ "Sự thật Stargorot". Còn đây, chị xem các báo thủ đô viết những gì về cậu con trai của chị nào. Này nhé... "đụng phải ngựa..." Hợm đừng lo, tiểu thư ơi, hãy nghe tiếp đã "Bị đụng phải ngựa!" Phải, sống, sống! Tôi bảo là vẫn sống mà! Nó chết thì tôi lấy tiền của chị làm gì. Này nhé: "Bị đụng phải ngựa. Hôm qua ở công trường Sverlov, công dân O. Benđer đã đụng phải chiếc xe ngựa No8947. Nạn nhân bị một mẻ sợ..." Vậy là tôi xin trao hai tài liệu này cho chị, còn chị thì đưa tiền cho tôi. Đưa tiền trước rồi tôi trao. Cái lệ của tôi nó thế.
    Chị gái góa vừa khóc vừa đưa tiền. Anh chồng, anh chồng yêu quý của chị đi giày vàng chắc đang nằm trên mảnh đất Mátxcơva xa xôi, và cái vó của con ngựa gớm ghiếc xéo cả lên bộ ngực vạm vỡ của chàng.
    Tấm lòng nhạy cảm của Varfolomei đã được mãn nguyện về món tiền thưởng hậu hĩ. Lão rút lui sau khi giảng giải cho chị gái góa rằng dấu vết bổ sung của chồng chị ta tất nhiên sẽ tìm ra được ở tòa soạn báo "Máy cái", là nơi người ta biết hết thảy mọi sự trên đời, hẳn thế.
    THƯ CỦA CHA FÊDOR
    VIẾT TẠI ROSTOV
    GỬI CHO VỢ Ở THỊ TRẤN N
    Katêrina yêu quý! Anh gặp một chuyện đáng buồn mới, nhưng thôi, để nói sau. Anh đã nhận được tiền rất kịp thời, rất cảm ơn em. Đến Rostov một cái là anh chạy ngay đến địa chỉ "Công ty xi măng Nôvôrôsi" là một cơ quan lớn, nên ở đây chả ai biết đồng chí Bruns cả. Anh thất vọng quá rồi, thì may sao họ mách anh đến phòng tổ chức mà hỏi. Anh đến liền. "Đúng - họ bảo anh - có một kỹ sư như thế đã làm việc ở chỗ chúng tôi, đã hoàn thành một công tác quan trọng. Nhưng, họ bảo anh, năm ngoài đồng chí ấy đã chuyển đi nơi khác. Người ta rủ anh ấy đến Bacu, làm ở Tổng công ty dầu khí châu Á, phụ trách công tác an toàn lao động.
    Con bồ câu của anh ơi, chuyến đi của anh thế là không mau chóng như chúng ta nghĩ. Em viết rằng tiền đã cạn rồi. Biết làm thế nào hả em? Phải chờ không lâu nữa đâu. Em hãy kiên nhẫn, cầu chúa hàng ngày. Em hãy bán cái áo vải chéo của anh mặc từ hồi còn là sinh viên đi nhé. Sẽ không phải tiêu những khoản như thế nữa đâu em ạ. Em hãy chuẩn bị sẵn sàng chờ đón nhiều chuyện diệu kỳ.
    Cảnh vật giá đắt đỏ ở Rostov thật đáng sợ. Anh đã phải trả tiền thuê phòng ở khách sạn hết 2 rúp 25 kôpếch. Còn đủ tiền đến Bacu. Ở đó nếu gặp may, anh sẽ điện ngay cho em.
    Thời tiết ở đây nóng lắm. Áo bành tô phải vắt tay. Anh không dám để ở khách sạn vì sợ mất cắp. Dân ở đây tệ lắm.
    Anh không thích thành phố Rostov. Về dân số và vị trí địa lý, nó thua xa Khác-cốp. Nhưng chẳng sao em ạ. Thượng đế sẽ phù hộ, và chúng ta sẽ cùng đi Mátxcơva chơi. Bấy giờ em sẽ thấy một thành phố Âu Tây hoàn toàn. Rồi mình sẽ về sống ở Samara, bên cạnh nhà máy nến của mình.
    Ippolit Matveevich hắn có về chưa? Bây giờ hắn ở đâu không biết? Evstigneev còn ăn trưa ở nhà ta không? Cái áo thụng của anh sau khi giặt thế nào? Em hãy làm cho mọi người quen tin rằng anh đang ở thăm bà cô bệnh tình trầm trọng. Có viết thư cho Gulenca em cũng nói thế nhé.
    À! Anh quên kể em nghe một trường hợp đáng sợ vừa xảy ra với anh hôm nay.
    Trong lúc ngắm sông Đông êm đềm, anh đứng trên cầu và thả hồn bay đến ngày mai giàu có của vợ chồng ta. Ai ngờ gió nổi lên, làm rớt chiếc mũ của cậu em em (làm chủ hiệu bánh mì) xuống sông. Đành phải chi một khoản mới: mua chiếc kêpi Ăng-lê 2 rúp 50 côpếch. Đừng kể gì cho cậu em biết chuyện ấy nhé. Bảo cậu ấy rằng anh đang ở Vôrônezh.
    Khoản quần áo để thay cũng chẳng ra sao. Buổi tối anh giặt để sáng hôm sau có cái mặc cho sạch. Mà thường phải mặc quần áo ướt vì đã khô làm sao được. May ở đây nóng nên mặc ướt cũng thấy mát là đằng khác.
    Ôm hôn em.
    Chồng mãi mãi của em.
    FÊDOR
    Chú thích
    1.funt của Nga bằng 409,5g.
    2.Một loại bánh bao, nhân phó mát tươi hoặc quả trứng.

  10. #29
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    CHƯƠNG 28: Ả GÀ MÁI VÀ CHÚ GÀ TRỐNG THÁI BÌNH DƯƠNG
    Phóng viên Persitski hăng hái chuẩn bị kỷ niệm hai trăm năm nhà toán học vĩ đại Isaak Niutơn.
    Giữa lúc công việc đang dồn dập, thì Stêpa phụ trách mục "Khoa học và đời sống" dẫn một phụ nữ béo núc ních bước vào.
    - Đồng chí Persitski - Stêpa nói - chị này muốn gặp anh có chuyện gì đấy. Nào mời chị, đồng chí này sẽ giải thích rõ cho chị biết.
    Nói xong, Stêpa cười chạy đi.
    - Sao? - Persitski hỏi - chị cần gì?
    Mađam Gritsasueva (người phụ nữ chính là chị ta) đưa cặp mắt mệt mỏi nhìn nhà báo và lặng lẽ chìa mẩu giấy báo cho ông.
    - Bị ngựa đụng... Bị một mẻ sợ... Chuyện gì vậy? - Persitski hỏi.
    - Địa chỉ - chị gái góa van vỉ - anh cho tôi biết địa chỉ với.
    - Địa chỉ của ai?
    - O. Benđer.
    - Làm sao tôi biết được kia chứ?
    - Cái nhà anh lúc nãy bảo anh biết mà.
    - Tôi không biết đâu. Chị hãy ra phòng địa chỉ của mà hỏi.
    - Có lẽ đồng chí cố nhớ hộ chăng? Đi giày màu vàng này...
    - Chính tôi cũng đi giày màu vàng đây. Ở Mátxcơva còn hai trăm ngàn người nữa đi giày màu vàng kia. Chị muốn biết địa chỉ của tất cả họ chăng? Nếu vậy thì được thôi. Tôi sẽ bỏ hết mọi việc để giúp chị. Nữa năm nữa chị sẽ biết tất. Tôi đang bận lắm chị ạ.
    Nhưng chị gái góa cảm thấy rất kính trọng Persitski, cứ lẽo đẽo đi theo ông dọc hành lang, cái váy mới hồ bột cứ kêu sột soạt. Chị ta nhắc đi nhắc lại đề nghị của mình.
    "Thằng Stêpa đểu thật - Persitski nghĩ - Được rồi, mình sẽ tung tin đồn là hắn sáng chế ra động cơ vĩnh cửu, tha hồ cho hắn múa may".
    - Tôi biết làm thế nào bây giờ? - Persitski dừng lại trước chị gái góa và bực bội hỏi. - Tôi đào đâu ra địa chỉ của công dân O. Benđer kia chứ? Tôi là con ngựa húc phải anh ta chắc? Hay tôi là lão đánh xe ngựa, kẻ đã bị Benđer thụi vào lưng ngay trước mắt tôi?...
    Chị gái góa lúng túng nói gì đó, chỉ nghe thấy mấy tiếng "đồng chí" và "rất mong".
    Công việc ở Nhà hữu nghị các dân tộc đã chấm dứt. Các văn phòng và hành lang chả còn ai. Chỉ có tiếng máy chữ cô độc gõ tành tạch ở đâu đó.
    - Pác-đông, mađam, chị thấy là tôi đang bận đấy!
    Vừa nói, Persitski vừa lẩn ngay vào nhà xí. Loanh quanh trong ấy chừng mươi phút, ông ta vui vẻ bước ra. Gritsasueva kiên nhẫn đứng chờ ở góc hành lang. Khi Persitski tiến lại, chị ta lại cầu khẩn.
    Nhà báo nổi đóa lên.
    - Thế này bà nhé - ông nói. - Tôi sẽ chỉ cho bà biết O. Benđer của bà ở đâu. Bà cứ đi thẳng hành lang này, rồi rẽ tay phải và đi thẳng, sẽ đến một cái cửa. Bà hỏi ông Cherepennikov. Ông ấy biết đấy.
    Hài lòng về sự nhanh trí của mình, Persitski chuồn đi nhanh đến nỗi chị gái góa không kịp hỏi thêm điều gì nữa.
    Mađam Gritsasueva sửa lại nếp váy và đi theo hướng nhà báo vừa chỉ.
    Các hành lang của nhà hữu nghị các dân tộc dài và hẹp đến nỗi những ai đi dọc hành lang đều bất giác rảo bước nhìn người đi, có thể biết anh ta đã đi nhiều hay ít. Nếu bước hơi nhanh, tức là anh ta chỉ vừa mới bắt đầu hành trình của mình. Nếu đã vượt qua hai, ba hành lang, thì anh ta sẽ phóng nước kiệu. Đôi khi có thể thấy người phi nước đại, ấy là người đã vượt hành lang thứ năm. Còn ai đã đi qua tám hành lang, thì có thể dễ dàng thi độ nhanh với chim, ngựa đua hoặc vô địch thế giới về môn chạy là vận động viên Nurmi.
    Sau khi rẽ phải, mađam Gritsasueva bắt đầu chạy. Ván sàn kêu ken két.
    Đi ngược lại phía chị ta là một thanh niên tóc đen, mặc áo gi lê màu xanh da trời và đi giày màu đỏ. Nhìn vẻ mặt Ostap, có thể thấy rõ ràng việc đến thăm Nhà hữu nghị vào giờ giấc muộn màng thế này hẳn là vì công việc đặc biệt hệ trọng đòi hỏi phải như vậy. Hiển nhiên việc gặp người yêu không nằm trong kế hoạch của vị giám đốc kỹ thuật.
    Trông thấy Gritsasueva, Ostap liền quay ngoắt người đi ngược trở lại phía sau.
    - Đồng chí Benđer ơi - chị gái góa sung sướng gọi to - đồng chí đi đâu thế?
    Vua mánh rảo bước. Chị gái góa chẳng chịu thua.
    - Chờ em với, em bảo cái này này - chị ta nài nỉ.
    Nhưng lời chị ta không bay tới tai Ostap. Hắn chỉ còn nghe thấy tiếng gió rít ù ù. Hắn vọt qua hành lang thứ tư, lao vùn vụt xuống cầu thang. Người yêu của hắn chỉ còn nghe thấy tiếng vọng của bước chân hắn hình hịch ở cầu thang.
    - Cảm ơn, thế là thoát - Ostap nói khi ngồi ở tầng năm - cô ả tìm đúng lúc thuận lợi để răng đê vu. Ai phái cô ả đến đây thế nhỉ? Đã đến lúc chấm dứt vụ làm ăn ở Mátxcơva, kẻo lại gặp thêm thằng cha thợ nguội Polesov nữa thì khốn.
    Lúc ấy mađam Gritsasueva bị ngăn cách với Ostap bởi ba tầng gác, hàng ngàn cánh cửa và một tá hàng lang, lấy vạt váy lau mồ hôi trên khuôn mặt nóng bừng bừng và bắt đầu cuộc tìm kiếm. Thoạt tiên, chị ta muốn mau chóng tìm thấy anh chồng để thổ lộ tình yêu. Những cái bóng đèn mờ mờ ở hành lang đã bật sáng. Tất cả các bóng đèn, tất cả các hành lang và các cánh cửa đều giống nhau. Chị gái góa bỗng phát hoảng, chỉ muốn thoát ra ngoài cho nhanh.
    Theo đường tiến của hành lang, chị ta chạy mỗi lúc một nhanh. Nửa tiếng sau thì đã không thể dừng lại được nữa. Cửa các đoàn chủ tịch, các ban thư ký, các ban chấp hành công đoàn, các phòng tổ chức và các tòa soạn cứ ào ào lướt qua hai bên thân hình kềnh càng của chị ta. Dọc đường chạy, cái váy cứng của chị ta lật nhào những cái chậu đựng mẩu thuốc lá. Những cái chậu ấy cứ lăn cồng cộc theo gót chị ta. Ở những góc hành lang cắt nhau, tạo thành những đợt gió lốc và nước xoáy. Những cánh cửa thông gió đập rầm rầm. Những tờ giấy dán trên tường nửa bong nửa dính cứ đập soàn soạt vào người chị gái góa đáng thương.
    Cuối cùng Gritsasueva lọt vào bệ cầu thang bên trong. Ở đây tối om, nhưng chị gái góa nén nỗi sợ hãi, chạy xuống dưới và xoay cánh cửa kính. Cửa bị khóa. Chị ta chạy bổ ngược trở lại. Nhưng cánh cửa mà chị ta vừa chạy qua vào đây cũng đã bị bàn tay chu đáo của ai đó khóa lại mất rồi.
    Ở Mátxcơva người ta thích khóa các cửa.
    Hàng ngàn cửa chính của các tòa nhà bị chặn bằng gỗ ván ở bên trong, và hàng trăm ngàn người phải chui đằng cửa hậu để vào phòng của mình. Năm mười tám đã trôi qua từ lâu, cái khái niệm lờ mờ "cướp đột nhập vào nhà" thời ấy cũng đã bị quên lãng, các tổ bảo vệ do từng gia đình cử ra để chống bọn cướp đã ngừng hoạt động từ lâu, vấn đề giao thông đường phố đã được giải quyết, những nhà máy điện lớn được xây dựng, những phát minh khoa học vĩ đại ra đời, nhưng vẫn không một ai cống hiến cuộc đời mình cho việc giải quyết vấn đề cánh cửa bị đóng im ỉm.
    Ai sẽ giải quyết nổi câu đố của các rạp chiếu bóng, nhà hát, rạp xiếc?
    Ba ngàn con người phải vào hết rạp xiếc trong vòng mười phút, qua một cái cửa độc nhất chỉ mở có một cánh. Mười cái cửa còn lại được làm riêng để những khối lớn khán giả ra vào, thì bị đóng chặt. Ai biết được tại sao chúng bị đóng chặt? Có lẽ cách đây 20 năm rạp xiếc bị mất cắp một con lừa thông thái, cho nên từ ngày ấy đến nay ban giám đốc rạp xiếc phải chặn hết các cửa ra vào thuận lợi để đề phòng chăng? Mà cũng có thể một ông vua không khí nổi danh bị trúng gió lùa hồi nào đó nên nay phải đóng cửa lại cho an toàn.
    Ở các rạp hát và rạp chiếu bóng, người ta chỉ cho khán giả vào từng tốp nhỏ như để khỏi tắc nghẽn. Muốn khỏi tắc nghẽn thật quá dễ dàng, chỉ việc mở toang các cửa là xong. Thay vì làm việc ấy, ban giám đốc lại sử dụng sức mạnh. Các nhân viên của rạp ngoặc tay vào nhau tạo thành một hàng rào sống và bằng cách nào đó làm cho đám đông bị tắc nghẽn ít ra là phải nửa giờ đồng hồ. Thế nhưng những cái cửa, những cái cửa thiêng liêng, bị đóng thời Pie đệ nhất, đến nay vẫn cứ bị đóng chặt.
    Mười lăm ngàn người mê bóng đá, bị kích thích bởi lối chơi cừ khôi của đội tuyển Mátxcơva, buộc phải chen vai thích cánh nhau leo lên tàu điện qua một cái khe, một cái khe hẹp đến nỗi chỉ cần một quân nhân có vũ trang sơ sài cũng đủ sức kìm chân ở đó bốn mươi ngàn tên giặc hung hăng.
    Sân vận động không có mái, nhưng có vài cái cổng lớn. Chỉ mở một cái nhỏ xíu. Chỉ ra được bằng cách đun đẩy nhau tới lúc bật tung mấy cái cánh cửa ra. Sau mỗi trận đấu lớn, các cánh cửa đều bị bật tung. Nhưng để bảo vệ truyền thống thiêng liêng nào đó, sau mỗi lần người ta lại sửa lại cẩn thận và đóng thật chặt.
    Nếu không có cách nào bố trí cửa (mà người ta thường làm cửa khi chẳng cần cửa làm quái gì cả) thì họ đưa ra đủ kiểu thay cửa như:
    1 - Chướng ngại vật.
    2 - Barie.
    3 - Những cái ghế dài lộn ngược.
    4 - Các tấm biển ngăn cách.
    5 - Các dây thừng.
    Ở các lối đi lớn trong các cơ quan đều thấy đặt các chướng ngại vật. Để ngăn cách khách tới gặp người cán bộ cần gặp ở cơ quan. Khách đến liên hệ cứ như con cọp đi dọc vật chướng ngại, cố gắng làm hiệu cho người ta chú ý đến mình. Không phải bao giờ việc ấy cũng đem lại kết quả. Biết đâu khách mang theo một sáng chế hữu ích! Mà cũng có thể là khác chỉ đến trả tiền thuế thu nhập thôi! Nhưng vật chướng ngại đã cản trở họ - thế là sáng chế nằm trong bóng tối, và khoản thu thuế không được nộp.
    Các barie được đặt ngoài đường phố.
    Người ta dựng barie vào mùa xuân, trên trục đường huyết mạch, dường như để ngăn đoạn vỉa hè đang cần sửa chữa. Thế là con đường lớn nhộn nhịp trong khoảnh khắc trở nên vắng tanh vắng ngắt. Khách bộ hành phải lần mò tới nơi cần thiết theo những con đường khác. Hàng ngày họ phải đi xa thêm hàng kilômét, song họ vẫn hy vọng mỏng manh rằng người ta sắp sửa xong vỉa hè và dỡ bỏ barie. Mùa hè đi qua. Rồi đến mùa lá rụng. Barie vẫn còn đó. Vỉa hè không sửa. Đường phố vẫn vắng tanh.
    Những chiếc ghế lộn ngược chắn ngang lối vào các công viên của Mátxcơva, những công viên mà tốp thợ xây dựng đã quên không xây những cái cổng kiên cố (thật là một sự khinh suất!).
    Về các tấm biển ngăn cách, có thể viết kín cả một quyển sách, nhưng việc này nằm ngoài kế hoạch của hai tác giả chúng tôi.
    Các tấm biển này có hai loại: trực tiếp và gián tiếp.
    Thuộc loại trực tiếp, có:
    CẤM VÀO
    NGƯỜI LẠ CẤM VÀO
    KHÔNG ĐƯỢC ĐI QUA
    Những tấm biển này thường được treo trước cửa các cơ quan có đông khách đến liên hệ.
    Những tấm biển gián tiếp mới thật tệ hại. Chúng không ngăn cấm sự đi lại, nhưng hiếm ai dám liều lĩnh sử dụng quyền của mình. Đây, những dòng chữ nhơ nhuốc:
    KHÔNG CÓ BÁO CÁO CHỚ VÀO
    KHÔNG TIẾP KHÁCH
    AI TỚI ĐÂY SẼ QUẤY RẦY NGƯỜI BẬN CÔNG TÁC
    Ở nơi nào không thể dựng chướng ngại vật, barie, ghế dài lộn ngược hoặc không thể treo biển ngăn cách, thì ở đấy người ta buộc dây thừng. Dây thừng được chăng tùy hứng, tại những vị trí bất ngờ nhất. Nếu chúng chăng ở độ cao ngang ngực người, thì chỉ khiến người ta hơi hoảng hoặc cười khẩy vài tiếng. Còn nếu chúng chăng ngang mắt cá chân, thì cái dây thừng có thể làm cho người trở thành tàn tật.
    Hãy mở rộng những cánh cửa đóng chặt! Hãy giải tỏa cảnh xếp hàng chen chúc khi đi vào rạp hát! Hãy cho phép chúng tôi bước vào không cần có báo cáo! Xin hãy dọn ngay chướng ngại vật mà ban quản trị nhà ở đã tùy hứng bố trí trên các lối đi! Hãy khiêng dọn những cái ghế dài lộn ngược, đem chúng vào kê trong công viên làm chỗ ngồi chơi buổi tối! Ngồi chơi trong công viên buổi tối mới thích làm sao! Không khí trong lành, và những ý nghĩ sáng suốt này sinh trong đầu!
    Mađam Gritsasueva ngồi ở cầu thang cạnh cửa kính bị khóa kín, ngay giữa Nhà hữu nghị các dân tộc, suy nghĩ về số phận gái góa của mình, chốc chốc lại ngáp dài chờ trời sáng.
    Ánh sáng vàng vọt từ phía hành lang hắt qua cửa kính rọi đến chỗ chị ta. Buổi sáng màu tro lọt qua các ô cửa cầu thang, cũng chiếu vào.
    Giờ này rất yên tĩnh, vì bình minh còn non trẻ và trong lành. Đúng lúc ấy Gritsasueva nghe thấy tiếng bước chân trong hành lang. Chị ta liền đứng dậy, áp mặt vào cửa kính. Cuối hành lang chợt ánh lên màu áo gi lê xanh da trời. Đôi giày màu đỏ dính các vệt vôi quét tường. Cậu con trai của vị công dân quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ vừa đi vừa phủi bụi dính vào áo vét tông, tiến gần đến chỗ cửa kính.
    - Suslie ơi! - chị gái góa gọi - Su-u-uslie!
    Chị ta thở vào kính với sự âu yếm tột bực. Kính mờ ngay đi, nổi lên những vết cầu vồng. Trong sương mù và cầu vồng thấp thoáng các bóng ma xanh.
    Ostap không nghe thấy tiếng cúc-cu của chị gái góa. Hắn xoa lưng và lắc lắc đầu. Chỉ một giây nữa hắn sẽ khuất vào chỗ rẽ.
    Người vợ đáng thương vừa rên rỉ "Đồng chí Benđer ơi!" vừa gõ gõ ngón tay vào cửa kính. Vua mánh ngoảnh lại.
    - A - hắn kêu lên khi biết mình được ngăn cách với ả gái góa bởi cánh cửa đóng chặt - nàng cũng ở đây ư?
    - Em ở đây, em ở đây - chị ta mừng rỡ nhắc đi nhắc lại.
    - Nàng hãy ôm ta đi, con chim câu bé nhỏ của ta, bao lâu nay chúng mình chẳng gặp nhau - giám đốc kỹ thuật chào mời.
    Gritsasueva cuống lên. Chị ta cứ nhảy nhót bên kia cánh cửa như con chim chích trong lồng. Cái váy im lặng suốt đêm bây giờ lại sột sà sột soạt. Ostap dang tay như để ôm người yêu.
    - Sao nàng không lại đây với ta, con gà mái ghẹ? Chú gà trống Thái Bình Dương của nàng đã quá mệt mỏi vì phải dự kỳ họp Hội đồng Tiểu dân ủy.
    Chị gái góa mụ người đi.
    - Suslie chàng ơi! - chị ta nài nỉ đến lần thứ năm - Mở cửa cho em với, đồng chí Benđer.
    - Khẽ chứ, cô em! Cái đẹp của người phụ nữ là ở lời ăn tiếng nói nhỏ nhẹ. Sao cô em cứ nhảy như con choi choi ấy thế?
    Gritsasueva nhăn nhăn nhó nhó.
    - Sao cô khổ sở vậy? - Ostap hỏi - Kẻ nào làm tình làm tội cô thế?
    - Anh bỏ em anh đi, bây giờ còn hỏi!
    Và chị ta khóc hu hu.
    - Lau nước mắt đi cô nàng. Mỗi giọt nước mắt của nàng là một phân tử trong vũ trụ.
    - Em đợi chàng mòn con mắt, phải nghỉ bán hàng đi tìm chàng đây, đồng chí Benđer ơi!
    - Thế bây giờ cô em sống ở cầu thang này thoải mái chứ? Có lạnh không?
    Gritsasueva từ từ sôi dần như cái ấm samova của tu viện.
    - Đồ phản bội! - chị ta rùng mình, hét to.
    Ostap còn vài phút rảnh rỗi. Hắn bật ngón tay tanh tách, đung đưa người theo nhịp, khe khẽ hát:
    Tình ta ôi ngang trái
    Quỷ trỗi dậy trong lòng
    Vòng tay ôm của gái
    Thiêu đốt ngực đàn ông...
    - Chó mày chết cháy đi. - Chị gái góa chúc hắn khi kết thúc điệu nhảy - Ăn cắp cả quà cưới của chồng người ta. Mày còn lấy cắp cái ghế đi nữa mà không biết nhục.
    - Hình như cô em đổi cách xưng hô thì phải? - Ostap lạnh lùng nhận xét.
    - Quân ăn cắp! Quân ăn cắp! - Gritsasueva quát lớn.
    - Này cô gái hãy nhớ cho kỹ nhé: Ostap Benđer không bao giờ thèm ăn cắp.
    - Thế đứa nào lấy cái lọc bã trà?
    - Chà, cái lọc bã trà! Trong đám đồ đạc vô dụng của cô ấy ư? Cái ấy mà cô gọi là ăn cắp ư? Nếu vậy thì nhân sinh quan của chúng ta hoàn toàn trái ngược nhau.
    - Thì gọi là thó vậy - Gritsasueva nói.
    - Nghĩa là, nếu một thanh niên trẻ khỏe cầm nhầm của một mụ già ở tỉnh lẻ một đồ dùng mà mụ ta không cần đến nữa vì đã già yếu, thì gọi là ăn cắp phải không? Cô cho phép tôi hiểu như thế hả?
    - Quân ăn cắp! Quân ăn cắp!
    - Nếu vậy chúng ta phải chia tay thôi. Tôi đồng ý ly hôn.
    Chị gái góa lao về phía cửa. Kính rung bần bật.
    Ostap hiểu rằng đã đến lúc đi khỏi đây.
    - Chả còn lúc nào để ôm hôn nữa - hắn nói - Vĩnh biệt em yêu! Chúng mình mỗi đứa một ngả, như hai con tàu trên biển.
    - Cứu tôi với! Bắt lấy nó! - chị gái góa gào to.
    Nhưng Ostap đã ra tới cuối hành lang. Hắn trèo lên bệ cửa sổ, nhảy ịch xuống mặt đất ẩm ướt vì trận mưa đêm qua và lẩn vào bãi tập luyện thể dục thể thao.
    Nghe tiếng hét của Gritsasueva, người gác cổng tỉnh dậy. Anh ta thả nữ tù nhân ra sau khi dọa phạt tiền nếu còn tái phạm

  11. #30
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết



    CHƯƠNG 29: TÁC GIẢ KHỔ THƠ BẤT HỦ
    Khi mađam Gritsasueva từ giã được Nhà hữu nghị các dân tộc chẳng mến khách tí nào ấy, thì nhân viên các cấp khiêm tốn nhất đã bắt đầu đổ về đây: những anh chàng chạy công văn giấy tờ, những cô tiểu thư chuyên đi ra đi vào, các nữ nhân viên điện báo, các kế toán viên tập sự v.v...
    Trong số họ có Nikifor Liapis, một người rất trẻ, đầu tóc bù xù và con mắt lấc láo.
    Những tay ngu ngốc, bướng bỉnh và những vị khách đầu tiên bước vào Nhà hữu nghị các dân tộc theo cổng chính. Nikifor Liapis qua lối bệnh xá. Ở Nhà hữu nghị, anh ta là "người đằng mình" và biết rõ những con đường đi tắt tới những ốc đảo, nơi phun ra các dòng suối nhuận bút mát rượi dưới sự bảo trợ của các tạp chí chuyên ngành.
    Trước hết Nikifor Liapis đến căng tin. Hòm vé chơi một điệu nhạc chào và đùn ra ba cái vé. Nikifor uống cốc sữa chua, ăn một cây kem bọc giấy, vừa ăn vừa uống trà. Sau đó anh ta thong thả tới thăm các cơ sở của mình.
    Đầu tiên Nikifor rẽ vào tòa soạn tạp chí "Gherasin và Mumu" là nguyệt san dành cho những người đi săn. Đồng chí Napernikov chưa tới cơ quan, cho nên Nikifor đi sang ban biên tập tuần san "Tin tức y học" là phương tiện thông tin mà cán bộ ngành được dùng để tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
    - Chào thủ trưởng - Nikifor nói - Tôi mới viết xong một bài thơ tuyệt diệu.
    - Về đề tài gì? - Tố trưởng phụ trách trang văn nghệ hỏi - Anh biết rồi đấy, tạp chí của chúng ta chuyên về...
    Để định nghĩa chính xác hơn bản chất của "Tin tức y học", vị tổ trưởng động đậy các ngón tay.
    Nikifor nhìn chiếc quần vải gai màu trắng của mình, ngả người về phía sau và nói như hát:
    - "Bài ca hoại thư".
    - Hay đấy, lẽ ra đã phải tuyên truyền tư tưởng phòng bệnh dưới dạng khoa học phổ thông từ lâu.
    Nikifor lập tức ngâm:
    Gavrila mắc bệnh hoại thư
    Hoại thư khiến Gravrila ốm nặng...
    Khổ thơ bất hủ tiếp theo về anh chàng Gravrila vì ngu dốt đã không đến hiệu thuốc kịp thời và đã chết vì không bôi i ốt lên vết thương.
    - Khá đấy, Nikifor ạ - vị tổ trưởng khích lệ - nhưng giá bài thơ dài hơn thì tốt... Anh hiểu chứ.
    Đoạn cầm lấy bài thơ đáng sợ và hứa đến thứ ba sẽ trả nhuận bút.
    Ở tạp chí "Chuyện thường ngày của nhân viên moóc-xơ", Nikifor được đón tiếp niềm nở.
    - Liapis, rất may là anh tới. Bọn này vừa vặn đang cần thơ. Có điều phải nói về sinh hoạt, chỉ chuyện sinh hoạt thôi. Không trữ tình trữ tung gì cả. Anh hiểu chứ? Một cảnh nào đấy trong sinh hoạt của người đưa thư chẳng hạn, anh hiểu chứ?
    - Thì hôm qua tôi đã nghĩ rất lâu về sinh hoạt của các nhân viên bưu điện. Thế là viết được cả một trường ca, nhan đề "Lá thư cuối cùng". Đây:
    Gavrila làm nghề đưa thư
    Thư là do Gavrila phân phát...
    Chuyện Gavrila gói gọn trong bảy mươi hai dòng. Đến cuối bản trường ca, nhân viên đưa thư Gavrila tuy trúng đạn của một tên phát xít bắn, vẫn đem bức thư đến trao đúng địa chỉ.
    - Chuyện xảy ra ở đâu vậy? - Mọi người hỏi Nikifor.
    Hỏi thế là phải. Ở Liên Xô không có bọn phát xít, ở nước ngoài làm gì có người mang tên Gavrila và các thành viên của công đoàn bưu điện.
    - Xảy ra ở đâu chả được? - Nikifor đáp - Dĩ nhiên xảy ra ở nước ta, có điều là tên phát xít mặc giả bộ quần áo khác thôi.
    - Tốt hơn cả là anh hãy viết cho bọn tôi một bài về đài phát thanh, Liapis ạ.
    - Tại sao các đồng chí lại không muốn nói về người đưa thư?
    - Thì cứ để bài ấy đó. Coi như bọn tôi vẫn nhận.
    Nikifor buồn rầu lại quay về tòa soạn "Gherasin và Mumu". Napernikov đã ngồi bên bàn. Trên tường treo bức chân dung nhà văn Turgenev được phóng to: nhà văn đeo kính kẹp mũi, đi ủng lội nước và khoác cây súng hai nòng trước ngực. Đứng cạnh Napernikov là một thi sĩ vùng ngoại ô - đối thủ cạnh tranh của Nikifor Liapis.
    Lại bắt đầu bài ca cũ về Gavrila, nhưng lần này nghiêng sang đề tài săn bắn. Thi phẩm nhan đề: "Lời cầu nguyện của tay săn trộm".
    Gavrila phục kích chú thỏ,
    Chú thỏ bị Gavrila bắn trúng...
    - Hay lắm! - Napernikov tốt bụng nói - Liapis, với bài thơ này anh đã vượt cả thi hào Entikh. Có điều phải sửa đôi chỗ. Thứ nhất, anh hãy bỏ ba chữ "Lời cầu nguyện" đi.
    - Cả hai chữ "chú thỏ" nữa - nhà thơ cạnh tranh nói.
    - Tại sao lại bỏ "chú thỏ"? - Napernikov ngạc nhiên.
    - Bởi vì bây giờ không phải mùa săn thỏ.
    - Anh Liapis nghe rõ chứ, anh hãy thay hai chữ ấy đi.
    Sau khi sửa chữa, bài trường ca mang tên "Bài học với tay săn trộm", còn chú thỏ được thay bằng chim dẽ. Sau mới vỡ lẽ rằng chim dẽ cũng không bị săn vào mùa hè. Cuối cùng bài thư có dạng như sau:
    Gavrila phục kích con chim
    Con chim bị Gavrila bắn trúng
    Vân vân
    Sau khi ăn bữa sáng ở nhà ăn tập thể, Nikifor Liapis lại bắt tay vào việc. Cái quần trắng thấp thoáng trong bóng tối của các hành lang. Anh ta đến các tòa soạn rao bán nhân vật Gavrila đa diện của mình.
    Ở "Tiếng sáo hợp tác xã", bài thơ nhan đề "Sáo của Eolov"
    Gavrila đứng bên quầy hàng,
    Quầy của Gavrila bán sáo...
    Các cán bộ biên tập của tạp chí "Rừng ơi" thì mua của Nikifor Liapis một bài trường ca ngắn nhan đề "Ở cửa rừng". Bài thơ mở đầu như sau:
    Gavrila đi xuyên qua rừng,
    Gavrila chặt tre, đẵn gỗ...
    Tay Gavrila cuối cùng trong ngày hôm nay làm nghề nướng bánh, và nhờ vậy đã tìm được chỗ đứng ở tòa soạn tạp chí "Thợ nướng bánh". Bài trường ca mang cái tên khá dài và buồn: "Về cái bánh mì, chất lượng sản phẩm và về em yêu". Trường ca để tặng một nàng Hina Chlek bí ẩn. Câu thơ đầu vẫn mang tính chất sử thi cao cả như những trường ca trước:
    Gavrila làm thợ nướng bánh,
    Bánh là do Gavrila nướng...
    Lời đề tặng bị gạch đi sau một cuộc tranh cãi tế nhị.
    Đau khổ nhất là chả tòa soạn nào trả tiền ngay cho Nikifor Liapis. Nơi thì hứa trả vào thứ ba, nơi bảo thứ năm hoặc thứ sáu - của hai tuần sau nữa. Đành phải đi kiếm tiền ở trận địa của kẻ thù, nghĩa là ở những tòa soạn chưa bao giờ chịu đăng bài của Liapis.
    Từ tầng năm, Liapis đi xuống tầng hai và bước vào phòng ban thư ký báo "Máy cái". Tai họa thay, anh ta chạm trán ngay với nhà báo năng nổ Persitski.
    - A! - Persitski thốt lên - Liapis!
    Nikifor Liapis thấp giọng nói:
    - Này, anh cho tôi vay ba rúp đi. Tạp chí "Gherasin và Mumu" đang nợ tôi một món tiền lớn.
    - Tớ cho cậu vay nửa rúp thôi. Hượm đã. Cậu chờ chút xíu tớ quay lại ngay đây.
    Và Persitski quay lại ngay thật: ông ta dẫn theo khoảng một chục cán bộ tòa báo "Máy cái".
    Câu chuyện trở nên râm ran.
    - Sao, cậu đem bài gì đến nào? - Persitski hỏi.
    - Một bài thơ tuyệt diệu.
    - Về Gavrila chứ gì? Đề tài nông dân phải không? Chắc là "Gavrila đi cày từ sớm, Gavrila yêu thích cái cày" phải không?
    - Gavrila là cái quái gì! Hắn là đồ mất dạy! - Liapis tự vệ - Tôi viết về xứ Kápka kia.
    - Thế cậu đã đến Kápka chưa?
    - Hai tuần nữa tôi sẽ đến đó.
    - Cậu không sợ à, Liapis! Ở đấy nhiều sakal 1 lắm đấy!
    - Sợ gì sakal! Ở xứ Kápka chúng có độc đâu mà lo!
    Sau câu trả lời ấy, ai nấy đều cảnh giác.
    - Liapis này, thế cậu bảo sakal là cái con gì? - Persitski hỏi.
    - Tôi biết thừa đi rồi, anh hãy để tôi yên!
    - Thì cậu hãy nói xem, nếu cậu biết thật!
    - Ờ... Đại loại nó giống con rắn.
    - Đúng mà, bao giờ cậu cũng đúng. Theo ý cậu thì người ta bưng cái yên của con dê rừng ra bàn ăn cùng với bộ bàn đạp để tiếp khách.
    - Chả bao giờ tôi nói như thế cả! - Liapis cao giọng.
    - Cậu không nói nhưng cậu viết như thế. Napernikov bảo tớ rằng cậu cố giúi bài thơ ngớ ngẩn nào đó về sinh hoạt thợ săn, đòi đăng ở "Gherasin và Mumu". Nói thật đi, Liapis, tại sao cậu viết về những cái mà trong đời cậu chưa hề thấy bao giờ hoặc cậu không biết một tý gì cả? Tại sao trong bài thơ "Quảng châu" của cậu, cái silip của phụ nữ lại là chiếc áo dài vũ hội! Tại sao?
    - Anh là kẻ chấp nê nhỏ mọn - Liapis vênh mặt.
    - Tại sao trong bài thơ "Đua ngựa giật giải Buđionyi, cậu lại để cho kỵ sĩ ngồi trên mình ngựa giật cương, rồi mới nhảy lên yên? Cậu đã bao giờ thấy cái dây cương chưa?
    - Rồi.
    - Vậy nó như thế nào?
    - Hãy để tôi yên. Anh thật là chúa gây sự!
    - Cậu đã thấy cái yên chưa? Đã xem đua ngựa bao giờ chưa?
    - Không nhất thiết phải đến tất cả mọi nơi! - Liapis lớn tiếng - Puskin đã sáng tác các bài thơ về Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù chưa bao giờ ở Thổ Nhĩ Kỳ cả.
    - Đúng rồi, chả là xứ Erzerum nằm ở tỉnh Tula mà lỵ 2.
    Liapis không hiểu lời châm biếm. Anh ta hăng hái nói tiếp:
    - Puskin đã viết căn cứ vào các tài liệu. Nhà thơ đã đọc lịch sử cuộc khởi nghĩa Pugasôp, rồi viết. Còn tôi làm thơ về cuộc đua ngựa qua lời kể của Entikh.
    Sau lời bào chữa hùng hồn ấy, Liapis bị Persitski lôi sang phòng bên cạnh. Khán giả kéo theo sau. Trên tường phòng này treo một mảnh giấy báo to bị viền băng tang.
    - Cậu viết bài ký này cho báo "Cầu thuyền trưởng" phải không?
    - Tôi đấy.
    - Hình như đây là thí nghiệm đầu tiên của cậu trong văn xuôi phải không? Xin chúc mừng cậu! "Những đợt sóng trào qua đê chắn biển và rơi xuống phía dưới nhanh như kích 3..." Cậu đã cho "Cầu thuyền trưởng" một vố nhớ đời! Từ nay tòa soạn ấy sẽ khó mà quên được cậu, Liapis ạ!
    - Viết thế thì sao?
    - Thì... thì... Cậu có biết kích là cái gì không?
    - Dĩ nhiên là biết, anh hãy để tôi yên...
    - Cậu hình dung thế nào là cái kích? Hãy miêu tả bằng lời xem sao.
    - Nó... nó... tóm lại là nó rơi, nó ngã.
    - Cái kích ngã. Cái kích ngã nhanh! Nhanh như kích! Được rồi, cậu chờ tớ đem nửa rúp đến cho cậu nhé. Các bạn đừng thả hắn ra vội.
    Nhưng lần này nửa rúp cũng không có. Persitski sang phòng tra cứu mượn về tập thứ hai mươi mốt trong bộ từ điển của Brogauz, từ chữ Đomitsii đến chữ Evreinov. Ở giữa mấy chữ Đomitsii (tên một pháo đài của vương quốc Meklenburg - Shverin) và Đommel (tên một dòng sông ở Bỉ và Niđerlan, tức là Hàlan), họ đã tìm thấy chữ đomkrat (tức là cái kích).
    - Nghe đây! "Đomkrat (tiếng Đức - Daumraft) là một thiết bị dùng để nâng vật nặng. Một cái kích thông thường dùng để nâng xe lên, bao gồm một thanh sắt di động hình răng cưa, khớp với môt pi-nhông được xoay bằng cán..." vân vân. Còn nữa "Giôn Điskon năm 1879 đã dựng cột kỷ niệm nổi tiếng mang tên "Cái kim của Cleopatra" bằng bốn người thợ sử dụng bốn cái kích thủy lực". Vậy là theo cậu thì cái thiết bị ấy có tính chất rơi nhanh hả? Nghĩa là Brogauz và Efron đã lừa dối nhân loại suốt năm chục năm nay? Tại sao cậu viết nhăng viết cuội trong khi lẽ ra phải học hành cho tử tế? Trả lời xem đi nào?
    - Tôi cần tiền.
    - Làm sao cậu có tiền được kia chứ! Suốt đời lúc nào cũng xin nửa rúp.
    - Tôi mua đồ gỗ nên bị lạm chi.
    - Cậu mua nhiều đồ gỗ lắm à? Những bài viết nhăng viết cuội của cậu chi đáng được trả một xu thôi.
    - Một xu thì đủ làm sao được! Tôi mua một cái ghế ở chỗ bán đấu giá đã...
    - Ghế hình con rắn phải không?
    - Không. Ghế lâu đài hẳn hoi. Nhưng tôi gặp chuyện rủi ro. Đêm qua, khi tôi về đến nhà...
    - Từ chỗ Hina Chlek về chứ gì?... - Tất cả những người có mặt đồng thanh hỏi.
    - Hina cái gì!... Tôi với Hina đã chia tay nhau từ lâu rồi. Tôi đi dự cuộc tranh cãi về Maiakôpxki mà. Tới nhà, thấy cửa sổ để ngỏ, tôi cảm thấy ngay là có chuyện chẳng lành.
    - Ái - Ái - Ái! - Persitski lấy hai tay che mặt, nói - Thưa các bạn, tôi cảm thấy Liapis bị đánh cắp mất kiệt tác số một của cậu ta "Gavrila đi làm lao công, Gavrila ra sân quét rác".
    - Anh hãy để tôi nói nốt đã. Một trò lưu manh kỳ quặc! Một bọn mất dạy nào đấy đã lọt vào phòng tôi và rạch tung lớp vải bọc chiếc ghế ra. Có ai cho tôi vay năm rúp để chữa cái ghế không?
    - Cậu hãy sáng tác một Gavrila mới để lấy tiền mà chữa ghế. Thậm chí tớ có thể mách cho cậu câu mở đầu. Hượm đã, hượm đã nào... Xong ngay đây... Nào, viết đi: "Gavrila mua ghế ngoài chợ. Gavrila mua phải ghế tồi". Có thể đem bán bài này cho tờ "Tiếng nói của tủ commôt"... Ôi, Liapis, Liapis!... Mà Liapis này, tại sao cậu lại lấy bút danh Trubetskoi? Sao cậu không tìm cái bút danh nào hợp hơn? Đolgorukii chẳng hạn. Nikifor Đolgorukii! Hoặc Nikifor Valua! Hoặc nổi hơn nữa thì gọi là công dân Nikifor Sumarokôp-Elston. Nếu cậu nổi hứng viết liền ba bài cho tờ "Germumu", thì cậu sẽ tìm ra một lối thoát tuyệt diệu. Một bài ký tên Sumarokôp, bài thứ hai là một thứ "đỉ bo" (bỏ đi) thì ký tên Elston, còn bài thứ ba lấy bút danh Iusupôp... Hừ, cậu đúng là thứ nhà thơ Bút Tre!...
    Chú thích
    1.Một loại chó rừng.
    2.Puskin có viết một bài thơ nhan đề "Đến Erzerum du ngoạn".
    3.Tiếng Nga là Đomkrat (Một thuật ngữ vay mượn từ tiếng Đức) (Người dịch chú giải để bạn đọc hiểu đoạn dưới).

Trang 3 / 5 ĐầuĐầu 12345 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 03-26-2020, 04:29 PM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-06-2019, 12:53 PM
  3. Những chiếc ghế độc đáo có “1-0-2″
    By sophienguyen in forum WallPapers
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-27-2016, 11:53 PM
  4. Chiếc ghế bành màu da người
    By duyanh in forum Truyện Ngắn
    Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 04-26-2014, 09:25 PM
  5. 10 chiếc ghế tuyệt vời và độc đáo nhất
    By giavui in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-20-2014, 04:30 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •