Xóm Cụt


Tác giả : Đỗ Thành



Phần 1 :

Nhìn từ phía ngoài, mấy căn nhà lèo tèo như bị bóp miệng nhét vào một cái phễu bít đáy. Chính vì nỗi tức tưởi nghẹn ngào này mà được mọi người ví von gọi là xóm cụt. Nhà gồm 4 căn, chia đều hai bên miệng phễu, chủ nhân là 4 gia đình, số người chênh lệch nhau. Thành phần gồm nhiều giai tầng xã hội cách biệt, chẳng ai muốn động đến ai, hoặc vì thời thế, hoặc vì hoàn cảnh, hoặc vì nghề nghiệp, hoặc vì xuất xứ.

Bên phía trái, cũng nhìn từ ngoài vào, lần lượt là căn hộ của một cặp vợ chồng thương binh về hưu của chế độ, rồi đến nhà của một anh chàng sửa xe đạp độc thân. Bên phía phải là căn của một gia đình buôn máy ở chợ, kế đến là chỗ ở của vợ chồng tôi.

Mỗi sáng, loáng thoáng có khi chợt gặp nhau, chưa kịp ngỏ lời chào hỏi thì mạnh ai nấy đi lo cuộc sống. Người vui bảo là thời buổi khó khăn nên ai cũng kiệm lời. Người tiếu lâm thì bảo người ta không muốn nói năng với nhau để tránh phiền hà, hệ lụy.

Xem ra gia đình tôi là lép vế nhất trong xóm. Điều này đúng thôi vì tất cả có còn gì đâu mà gọi là ngẩng lên nhìn mọi người. Trước kia, chúng tôi ở một nơi khác, song nhà cửa bị trưng dụng, người ta giúi chúng tôi đến ở nơi này, vừa chật hẹp, vừa tù túng, nhưng nhất nhất vẫn phải cắn răng chịu.

Tôi được nhà nước ưu ái cho đi tù lao động để trở thành người dân vinh quang nên về thì ví như cái mền rách mướp, nghĩ giá có cơn gió lớn cũng đổ ụp xuống không ngóc đầu lên nổi. Vợ tôi cám cảnh nuôi thúc mới đỡ đỡ, nhưng cái gốc sốt rét, nhiễm từ những ngày khổ sai vác cây, vác gỗ, uống bậy nước suối, nước khe, nên không sao lấy lại được số hồng cầu mất đi ngày trước.

Nhiều khi thấy tôi nhăn nhó như khỉ cắn phải ớt hiểm, vợ tôi phải nhỏ to dặn dò : đừng ngúng nguẩy vạ vào thân. Đêm đến, cả nhà nằm xếp lớp như cá hộp, ngửi mùi mồ hôi nhau cũng đủ chuếnh choáng, nên vợ tôi cố làm vui an ủi : ăn thì nhiều chứ ở có bao nhiêu. Tôi hục hặc cự : ăn cũng chẳng đủ nữa thì ở như chuột cũng phải. Vợ phải bưng ngay miệng, ghé vào tai thủ thỉ : tai vách mạch rừng, bộ ông muốn vào lại trại tù sao. Tôi nghe mà bắt ớn.

Về nhà, mang tiếng bị vợ nuôi, tôi đã ức. Ngày xưa, một mình lương tôi nuôi cả nhà, bây giờ phải tùng quyền vợ, còn bị mang danh bị đặt dưới sự giáo dục của vợ con, tôi thấy nhục. Nhiều khi muốn chết phứt cho xong, nhưng vợ lại níu tay níu chân khuyên : cố bịt miệng lội qua sông mà sống. Lâu dần tôi như con sâu bị đạp hoài đâm mềm nhũn còn hơn chết.

Ngày lăng xăng nhìn người qua kẻ lại còn đỡ đỡ. Ban đêm về nghe thông thống bóng tối mới tủi hổ làm sao. Nghĩ lại những ngày cơm tù việc tội, bỗng nhớ bạn bè nằm xuống vì lao lực, thiếu ăn, lắm khi không khóc mà nước mắt trào dâng, mang sắc đỏ. Nằm lao xao nghe tiếng lá cựa mình, đêm âm u giữa nỗi trằn trọc của vợ, của mình, ôi sao duềnh lên nỗi sầu thẳm miên man không dứt.

Khi no chẳng thấy gì vật vã mình, bây giờ phần lớn thiếu ăn mới thấy mình bệ rạc. Vừa cầm góc củ khoai định cắn, thấy thằng cu, con nhóc lom lom nhìn, miệng cứng lại, tay đờ ra, và vội bẻ hai, giúi cho con giục : ăn đi mà hoa cả mắt. Còn nói chi kéo ghế uống tách cà phê hay nhâm nhi viên xíu mại, tất cả trở thành như một xa xỉ không bao giờ vói tới được nữa.

Ngoái trông hàng xóm xung quanh những ngầm phát thèm. Vợ chồng anh bán máy lúc nào cũng hí ha hí hửng. Đi thì quần lụa áo là, tóc tai chải uốn, về thì gói nọ gói kia, giục các con dọn mâm tíu ta tíu tít. Không thiết nghe cũng bắt phải nghe, không tò mò cũng biết rõ ngọn ngành vì chưng ở sát vách nhau, niềm vui nào chẳng lọt qua khe cửa mà lung lạc cảnh mình.

Hôm nào hai ông bà trúng mánh, mặt tươi roi rói, khoe um lên bán được món hời, vậy là kêu réo con ăn nhanh còn đưa nhau đi chỗ này chỗ nọ. Bọn nhóc nhà tôi chộn rộn hẳn lên, tôi cáu tiết nạt đến nơi đến chốn : tao nghèo chỉ có vậy, đứa nào muốn ăn ngon thì sang mà sống với người ta. Vợ tôi lại nhanh nhảu lưu ý tôi : anh nói chi đụng chạm, người ta nghe được lại rầy rà.

Tôi thấm ý, thấy mình điên vô lý. Tự ái làm cha không cho tôi xin lỗi các con, nhưng lừa lúc chúng ngủ say, tôi bò vào hôn nhẹ chúng cầu xin tha tội. Tôi rấm rứt nói : bố có lỗi và nhục với các con, sinh ra mà không tròn trách nhiệm. Chợt nghe tiếng sụt sịt, quay lại thì nhận ra vợ tôi đang đeo cứng một bên, nước mắt cũng đầm đìa.

Thằng lớn có lần nói : bố à, hay là nhà ta mua cái ba gác, hai cha con mình cùng nhau đi chở, bố đạp, con lôi xe ở phía trước. Phần lấy đâu ra tiền mua sắm xe, phần nghe con nói mà ruột đau hơn cắt, vợ tôi phải xen vào can gián đôi đàng. Bà ấy hứa hẹn mà biết không bao giờ thực hiện nổi : để thư thư mẹ dành dụm sắm xe.

Càng ngày áo xống vợ càng rách mướp. Phá hết cái này vá cho lũ con, ở nhà trông bà lôi thôi lếch thếch, người ngợm quắt queo, ngực lườn hằn xương, tôi đau đớn vô vàn. Lắm khi vợ chồng nằm gần nhau mà không còn sinh lực, chỉ tìm nắm tay nhau bóp chặt, lắng ghim nỗi chin rục tâm tư.

Vợ tôi quần quật suốt ngày, khi nấu ăn, giặt giũ, lúc chạy sang hàng xóm làm giúp công việc, kiếm chút tiền. Hôm thì bà xách về mớ rau, vài củ, nói là bên nhà bà cán bộ trả công. Hôm nao được trả bằng tiền thì về lo mua cút rượu mời tôi nhấm nháp. Tôi còn bụng dạ nào mà uống, nên gạt đi bắt trả lại, bà vợ khóc sướt mướt mà thương.

Tôi tỏ vẻ không khứng với gia đình ông cán bộ cạnh nhà. Không phải vì dị ứng mà vì chánh kiến không cùng nên không muốn lại qua để gây đụng chạm. Vợ tôi nói một câu làm tôi câm tịt : anh nghĩ nếu không làm cho gia đình ấy thì còn ai chịu mướn mình. Ta làm ta ăn, chứ có xin xỏ ai đâu mà nhục. Vả chăng giúp người ta cũng là rửa cái chuồng, phụ cắt rau bó lại, chứ có ngồi lê đàn đúm đâu mà anh không cho. Tôi hết ý kiến.

Đi ra đi vào mãi cũng quẩn, buồn buồn ra ngồi nhìn hun hút vào con ngõ cho khuây, lại thấy càng trải dài đau khổ. Đã bao lần mon men lên phường xin việc làm, họ hẹn lần hẹn lữa, chỉ nhờ vả dọn trường, dọn lớp, kéo xe, làm vệ sinh khu phố, làm xong thì về, coi như gạo sông công chợ và trả nợ máu thế thôi.

Người hiền thì hé lộ cho biết hạng như tôi chẳng mong được bố trí công việc, còn kẻ ác thì xăm xoi hỏi móc : chừng nào gia đình anh tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới. Thậm chí, dăm đàn em ngày trước giờ cũng lên mặt dạy đời : ông một lòng ở lại là đúng, đất nước ta độc lập rồi còn vọng tưởng đi đâu. Tôi nín thinh như con ốc, vì có nói ra cũng chẳng gỡ gạc được gì.

Thét rồi, tôi như cây lau cây sậy vô hồn, hoặc như mớ tầm gửi khô cằn sống nhờ một bụi cây chờ giờ chết. Buồn mênh mang và đau thấu tim gan. Buổi chiều có lao xao vì mọi gia đình lần lượt tựu về, tôi vẫn thấy lẻ loi như chồi cây rữa mục. Nghe hàng xóm kể chuyện râm ram, hát vọng cổ hay lích kích tiếng khua bát đũa, thấy ngày dài thật là dài.

Vợ tôi cảm thông nên tỏ vẻ thương yêu, nhưng bọn nhóc vô tư nhiều khi làm tôi hơi bất mãn. Cái thằng lớn vốn đã từng sống qua những ngày thong dong hồi trước, giờ thấy tôi ủ rũ bi thương, nó thường chọc : trông bố như cái xe bị lột dên, như cái xát xi bị rã gọng hay như bình nước bị bể ra.

Có khi nó lại ôm lấy tôi quay vòng vòng rồi hạ xuống và phê chua chát : bố nhẹ quá. Tôi định nói gay gắt với nó : chưa chết là may, còn nặng được nỗi gì. Nhưng lại sợ cả cha lẫn con nhuốm buồn hay bỗng dưng làm gia đình choáng váng nên tôi bặm môi, cắn răng, nuốt nghẹn lời trong lòng.

Hai nhóc vẫn đi học, ì à ì ạch, bữa đực bữa cái. Lắm hôm chúng quên quách việc nhà, đi làm kế hoạch nhỏ cho trường, về phờ phạc, mồ hôi mồ kê ướt đẫm. Cuối tuần lại còn theo trường đi tăng gia ở mãi đâu đâu, về khoe là đi trồng khoai, trồng sắn, khi nào thu hoạch được chia phần đem về nhà, nhưng nào có thấy. Hỏi han ra thì vì nhà trường ở xa, nên dân địa phương đào trộm hết trơn.

Đủ thứ đóng góp, hôm nay tu bổ lớp, ngày mai sửa lại trường, ngoài việc trực tiếp góp công lao động, tự túc bữa ăn, còn phải góp bằng hiện vật nữa. Thấy quá nhiêu khê, nhiều khi tôi bàn cho bọn chúng nghỉ quách, nhưng vợ tôi la tóa hỏa : chèn ơi, anh mà để chúng ở nhà còn bị bắt xâu đi làm nghĩa vụ lao động khủng khiếp hơn nữa. Nếu không muốn đi, liệu anh có tiền đóng thay chân cho chúng được chăng ? Tôi ù cả tai, hoa cả mắt, miệng đớ ra mà ngước nhìn trời.