Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ *Khó mà thương yêu được một lần thứ hai người mà mình đã hết thương yêu.
La Rocheffoucauld
Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123
Results 21 to 22 of 22

Chủ Đề: Xóm cụt

  1. #20
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 27





    Đến khi cầm mớ hộ chiếu cấp cho cả nhà trong tay, vợ chồng tôi mới thấy mình đã sơ sót một việc quá lớn. Lẽ ra chúng tôi phải thưa trước ý định ra đi với cả hai bên nội, ngoại, rồi mới tiến hành lập thủ tục giấy tờ, đằng này chúng tôi đã làm ngược lại. Lý do nào khiến chúng tôi im ỉm thực hành như thế ? Phải chăng vì sợ các cụ ngăn cản ? Phải chăng vì muốn dấu hành động của mình ?


    Chiến tranh ở đất nước này hơn 20 năm đã đặt ra cho từng gia đình những vấn đề nhiêu khê tương tự. Người ta hết còn dự đoán được phản ứng của nhau vì cơ hồ ít nhiều từng hộ đều có mắc mứu, liên hệ đến thời thế trên một phương diện nào đó. Người ta hết dám đặt hoàn toàn lòng tin ở nhau, nhất là dưới những mái nhà có người cùng tham gia làm việc ở cả hai đầu chiến tuyến.


    Chả cần cứ phải lãnh nhiệm vụ cao hoặc cáng đáng một chức vụ lớn, chỉ nguyên sự cư trú của nhóm người này hay nhóm người kia thuộc vào một lãnh địa khác nhau cũng đã thành vấn đề. Lối sống, quan niệm rành rành có sự khác biệt nhau, cho dù cùng chung một huyết thống, một tổ tiên đi nữa.


    Vả chăng, nào có gì gọi là chắc chắn đâu mà thưa với trình. Mọi quyết định đều nằm ngoài tầm tay mình, cho dẫu các thủ tục đã nắm trong tay, nhưng nếu giờ phút cuối người ta không khứng cho đi thì cũng thành công cốc. Kiện ai nếu không là kiện củ khoai. Cho nên xã hội đã khiến mọi người đều phải dấu nhẹm kín bưng ý định của mình, may ra chỉ còn vợ chồng với nhau mới dám tỏ lộ.


    Bàn đi bàn lại, chúng tôi không thể nào ra đi nếu chẳng hỏi han, thưa chuyện với các cụ ít là một lần. Có thể các cụ sẽ giận, sẽ trách, sẽ mắng mỏ, sẽ hoạnh họe đủ điều, song làm sao hơn được vì chính các cụ còn chưa tự bảo vệ được cho các cụ, huống chi là để mắt đến lo toan cho con cháu.


    Hai chục năm qua, đã bao lần nội ngoại chỉ biết “ động viên “ chúng tôi chấp nhận, chứ nào có chỉ vẽ được điều hay lẽ tốt nào. Các con tôi không thể được đi học bình thường, các cụ chỉ biết khuyên nước nhà còn “ khó khăn “ và hết. Hồ sơ các con bị từ khước thẳng rẳng dự thi ngành đại học (hoặc nếu có cho thi thì cũng chẳng được chấm đỗ), các cụ cũng đến thở dài thông cảm là xong.


    Có lần, tôi đã định hỏi thưa : nghe “ bác “ nói “ thắng giặc Mỹ ta xây dựng hơn mười ngày nay “ mà sao hai mươi năm rồi vẫn chưa thấy nhúc nhích gì cả, rồi lại nhận thấy câu hỏi quá mắc mỏ đành ngậm miệng.


    Cuối cùng thì hai tôi cũng phải dứt khoát cho trót. Chúng tôi đưa cả gia đình đến thăm từng cụ, kể lể khúc nhôi, các cụ ngồi im nghe và không nói năng gì cả. Thời khắc như dừng lại, đến tiếng vo ve của con diễn bay qua cũng nghe rõ, rồi sau rốt thì cụ nói : mấy chục năm qua tôi chẳng gần cận để tham gia ý kiến gì với anh chị thì nay việc anh chị quyết định đi hay ở cũng là tùy thuộc sự chọn lựa của anh chị thôi.


    Chúng tôi mừng, nhưng lại như thường lệ các cụ vẫn chêm vào : mà anh chị đi làm gì, đến đâu chẳng phải lo làm lo ăn mà sống. Anh chị có ở lại chẳng ai bắt nê bắt nết gì anh chị hết, miễn là anh chị cứ nín nhịn cho qua.


    Nhà tôi còn có chút chùng chình vì bổn phận làm con với cụ chưa một ngày báo đền đến nơi đến chốn, còn tôi thì đã quyết nên chẳng cảm thấy lung lay. Tôi đem lý lẽ ấy nhỏ to với vợ mấy lần mới tạo được cảnh “ thuận vợ, thuận chồng, tát bể đông cũng cạn “.


    Vậy mà chúng tôi cũng phải chờ đợi thêm gần cả năm trời mới thấy hồ sơ có chuyển biến. Ngày nhận giấy gọi gặp phái đoàn phỏng vấn, lòng chúng tôi hồi hộp biết bao. Kinh nghiệm những người đi trước bày vẽ trăm chuyện, hư thực đều đoán mò, thậm chí đến cái “ ra đi ô ca ti na “ ở bên hông Sở Ngoại Vụ Saigon cũng loan ra những tin rối mù, loạn xạ.


    Tôi chẳng đặt lòng tin vào bất cứ ai, tự lo sắp đặt giấy tờ, tài liệu, hình ảnh gia đình còn giữ được, trình bày theo một thứ tự rõ rang, cốt sao để nhân viên phỏng vấn nhìn vào thấy ngay sự chân thật của gia đình tôi. Thế nên, thời gian gặp phái đoàn của bọn tôi rất chóng vánh, kể từ khi vào phòng cách ly đến khi trở ra không đầy hai mươi phút.


    Nhiều gia đình đồng cảnh nhao nhao hỏi “ rớt hả, rớt hả “ khi thấy chúng tôi rời phòng phỏng vấn quá nhanh. Nỗi vui quá lớn khiến chúng tôi khựng không biết ăn nói ra sao, song chẳng lẽ nín thinh, chỉ riêng tôi kịp đáp “ phái đoàn nói chờ đi tiêm ngừa “. Câu này gián tiếp cho biết cả nhà tôi đã qua được sự chấp thuận cho nhập vào quốc gia sắp đến mà không phải bổ túc thêm giấy tờ nào khác.


    Có qua thời kỳ dự phỏng vấn mới thấy nhiều trường hợp dị kỳ. Nói rằng họ gian dối cũng không đúng mà nói họ thành thật cũng không hẳn vì mỗi nhà đều có những trường hợp éo le rất khác nhau. Một ông đi tù, bà vợ ở nhà vốn không chịu được cảnh thiếu thốn, vất vả, tễnh đi sống với một anh cán đang nhốt chính chồng mình. Họ nghĩ đâu còn cơ hội nào để người chồng của mình ngóc đầu lên được nữa.


    Đùng cái chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho những tù chính trị ra đi, chị vợ bật ngửa, còn kịp đâu mà ghép vào danh sách của chồng. Cho nên mới xảy cảnh người lấy nhau rất lâu bị rớt lại, trong khi cái bà đến sau vì tội nghiệp cảnh sống bờ sống bụi của anh lính ngày xưa thì bỗng dưng lại đình huỳnh được đi theo đến nơi ở mới.


    Các bà hớp tớp hồi nao đành muối mặt đến năn nỉ ỷ ôi người chồng cũ xin gửi gắm mấy đứa con chung ngày xưa để cũng được ra đi. Đời gieo nhân gặt quả, có làm có chịu, chẳng trách được ai. Hồi nao chị đã dứt giạt bỏ đi, đem theo con cái, nên cái gọi là “ hộ khẩu “ còn đâu có tên những đứa bé trong căn nhà của người thất trận. Cho dù giờ bố lũ nhỏ có động lòng muốn cưu mang con cái mình thì thời gian bặt tăm của chúng không gần bên bố khiến phái đoàn phải hiểu là chúng không cần đến bố chúng.


    Đừng tưởng rằng thiên nhiên không có qui luật của nó. Người lơ đãng không chăm lo đến cuộc sống thích hợp đã bị vật vẹo ngay, huống gì lại gieo điều xấu, khổ cho người khác. Thời gian sống với/cùng cảnh đời khác đã có bao nhiêu điều tưởng là đương nhiên mà thật ra là vẫn chịu theo một qui luật thiện/ác rõ rệt.


    Bao nhiêu sự kiện dồn dập xảy ra, bao nhiêu cảnh đời chứa đầy chộn rộn. Cho dẫu thời cuộc bày ra “ sông kia rày đã nên đồng, chỗ thì nhà cửa chỗ trồng ngô khoai “ thì trong tự sự, nó vẫn có một trật tự tối thiểu nào đó. Ai đem trút oán than cho người mà lại được hưởng sự an vui đâu. Chớ nghĩ cạn mà có khi không hối kịp.

    Phần 28




    Túc tắc lại chờ, lại đợi, nỗi chờ đợi đến dài cả cổ, vẹo cả đầu. Thời gian sao lê thê trôi chậm thậm thượt, lòng nôn như lúc nào cũng có lửa đốt. Hơn hai mươi năm sống với quê nhà, ai cũng chỉ mong việc gì đang lo toan đều mau xong nhanh chóng, bởi vì nỗi bấp bênh khiến ai cũng hoảng sợ. Có khi tốn tiền tốn bạc, chạy ngược chạy xuôi, nhưng bỗng chốc người ta xóa bài làm lại thì mọi chuyện trở nên công cốc. Chẳng những công việc đã bất thành mà khoản tiền bỏ ra chạy vạy cũng chẳng mong hỏi ai mà đòi lại được. Thầy đổ bóng, bóng đổ thầy, đùn đẩy nhau trớt quớt, đành hẩm hiu đón nhận cái cảnh “ cứt trâu để lâu hóa bùn “, chứ còn thở than vào đâu cho được.


    Trong lòng tôi bồn chồn như lửa đốt mà ngoài mặt vẫn phải tỉnh bơ. Tôi vẫn cố làm ra vẻ bình thường, ngày ngày vẫn đưa mặt ra giữa trời làm cái chân bơm bánh xe, thu lượm từng đồng hào. Anh bạn sửa xe lúc rảnh rang thường than thầm vụng trộm với tôi : như vậy là ông thầy sắp được ra đi, cực nhọc gì cũng còn hơn bó chân ở lại mảnh đất này. Còn tôi biết chừng nào được cơ may như thế.


    Tôi nghe mà sầu não, tại sao ta đang ở trên mảnh đất quê nhà mà ai cũng mong ngóng có dịp để ra đi. Có thời buổi nào tệ hại đến thế không ? Hai mươi năm chiến tranh, không ngày nào không có quan tài về thành phố, không ngày nào không có tiếng đạn bom rơi, không ngày nào không có cảnh mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con khóc cha mà sao chẳng ai nghĩ tới việc từ bỏ đất nước. Bây giờ hòa bình rồi ai lại cũng ngong ngóng muốn đi.


    Tôi đem tâm sự kể cùng ân nhân của tôi. Tôi đề cập đến cảnh “ trâu chậm uống nước đục “ và những nhiêu khê đang chờ đón gia đình, thực tâm tôi cũng ngán ngại khi tuổi đời ngày càng lớn, sức lực ngày càng mòn, liệu sang đến xứ người còn làm nên được sự gì để sống sót chăng ? Anh thợ sửa xe trái lại không cho đó là trở ngại, anh còn lạc quan nói cho tôi yên lòng : ông thầy nghĩ coi, xứ người nào phải là đồng bào mà sao họ còn thương yêu đùm bọc mình như thế. Đành rằng ông thầy sang sẽ có cảnh phải uống “ nước đục “, nhưng ít là còn có nước mà uống, chứ ở đây là quê hương, ở đây là đồng chủng mà ông thầy đã uống được ngụm nước nào dù là đục có chưa ?


    Tôi nghe mà chua xót lẫn bàng hoàng. Hồi nao tôi hiểu đơn giản là người ta làm cuộc cách mạng để xóa diệt đi biên giới ngăn cách giữa nhau, chẳng những là hầm hào giữa những người bản xứ mà họ còn mong xóa tan ranh giới quốc gia để xây một thế giới đại đồng. Vậy mà chiếm được đất đai rồi thì khoảng cách càng rộng thêm ra nữa. Ngay đến cùng một gia đình cũng e dè nhau, vợ chồng cũng xa nhau, còn nói chi xã hội.


    Bây giờ ở chốn địa phương dầu dãi này, những con người như chúng tôi hoàn toàn bị lạc lõng. Thậm chí nhiều người không có được một giấy chứng minh nhân dân để hộ thân bởi vì họ chưa thoát ra khỏi thời gian bị quản chế. Không có tấm giấy đó là coi như không gốc rễ, chẳng ai nghĩ họ sẽ sống bằng gì, hoàn toàn bị thả nổi, lêu vêu, với trăm ngàn mè nheo, ràng buộc.


    Mỗi tuần họ phải lên trình diện khóm phường, mang theo sổ ghi chép sinh hoạt từng ngày để được kiểm, duyệt. Họ sẽ gặp những bộ mặt lãnh đạm, họ sẽ bị cật vấn bởi những câu hỏi đâu đâu : có ai đến thăm, nói gì, bàn gì. Đau đớn nhất, họ bị đặt dưới sự giáo dục của chính vợ và con họ, làm như một đứa trẻ phải được sự theo dõi của người lớn cạnh mình.


    Có thưở đời nào phong tục, tập quán bị xới tung lên hết như vậy chăng ? Có người vợ nào, đứa con nào dám trịch thượng đi dạy chồng hoặc bố mình kỳ dị như vậy, song đó là một sự thật mà ai còn kẹt lại quê nhà, chẳng may lại dính dáng vào một cuộc cờ đã tan vỡ, thì đều bị hành xử tàn nhẫn như thế.


    Lắm lúc, nỗi chờ đợi như chực rơi vào quên lãng, đến nỗi tôi đã nghĩ hay là số phận chưa chịu nở nụ cười méo xệch với mình. Tôi hầu như chán nản lòng không còn hi vọng gì nữa thì lại nghe nhúc nhích. Khi thì giấy gọi đi tiêm ngừa đợt 1, khi thì giấy dặn dò làm thêm thủ tục nọ kia.


    Tính ra mỗi người ra đi đều phải qua một vài lần tiêm ngừa, tổng cộng chừng bảy mũi, nói tóm người ta có thể gộp chung làm ngắn gọn một lần, song chả hiểu sao họ lại phân ra thành đến 3 kỳ. Chính vì sự phân chia này càng gây hoang mang thêm cho người sắp ra đi. Phải chăng chính cơ quan cứu xét cũng chưa chắc là hộ người ra đi có được chấp thuận hay sao nhỉ.


    Tôi và gia đình vào Saigon, chờ hết nước hết cái ở phòng tiêm dịch trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Người đông như kiến, lềnh khênh ngồi dựa dật nơi các ghế băng, lan tỏa ra khắp hành lang và cả ngoài cửa. Có khi phải chờ gần hết ngày mới được gọi vào, giúi giụi chừng 3 mũi là xong. Sau đó lại hen về chờ gọi đi tiêm đợt kế.


    Người ở tại Saigon đã gặp nhiêu khê, khốn đốn, huống chi là người ở các tỉnh về. Ăn đâu, ở đâu, vệ sinh ở đâu, tắm rửa nơi đâu, tiền xe, tiền tiêu, ôi thôi nếu không có một sự yểm trợ từ thân nhân bên ngoài thì khó có ai dám mộng mơ chuyện ra đi. Ấy là chưa nói cảnh bị hoạnh họe bởi những nhân viên phòng tiêm ngừa. Họ làm việc được ăn lương của cơ quan Hoa Kỳ trả, nghĩa là chẳng có mảy may quyền hành gì về chuyện ấn định ai được ở, ai được đi, vậy mà họ vẫn làm ra vẻ cha thiên hạ. Họ xem như chính họ có quyền ban ân huệ cho đám người chờ lên đường nên họ hành sao cũng được.


    Tại nơi tiêm chích, chẳng thấy ghi thông báo một tin tức gì nên bát nháo đều là tin đồn đoán với nhau. Người nào cũng nhắc lại là “ nghe nói “ chứ chẳng ai biết đích xác chuyện gì ra chuyện gì sất. Bởi thế, lập lờ mới có những đám “ cò “ len vào bày vẽ đường đi nước bước loạn xạ. Tội nghiệp những người khấp khởi chờ ra đi đều mong chóng vánh cho xong nên lắm khi bị sa vào trận địa mất nhiều món tiền khá oan uổng. Chỗ nào họ cũng câu kết nhau moi móc bằng được những người nhẹ dạ. Họ đồn công khai nếu chịu chi chừng này chừng nọ thì việc ra đi sẽ nhanh hơn. Làm như họ là thần thánh có thể chuyển đổi được thứ tự hồ sơ, vậy mà có nhiều người vẫn tin mới lạ.

  2. #21
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,679
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 29





    Đã qua tiêm ngừa đợt 1 thì hẳn phải tới kỳ 2 nên gia đình tôi lại chờ. Thế nhưng tin đến nhà lại không phải gọi đi tiêm ngừa mà là đi chụp phổi. Lóc cóc vợ chồng con cái lại kéo nhau vào Saigon, đến bệnh viện của ngành Công An trên đường Hùng Vương để chụp quang tuyến X.


    Bọn nhóc chỉ qua một lần chụp là xong, còn vợ tôi và tôi phải chụp thêm lần nữa. Nguyên do vì ảnh không rõ, có những vết mờ sao đó nên họ phải thử cho chắc. Vợ tôi dẫu có tì vết nơi phổi thì cũng không ngạc nhiên vì trải qua 20 năm làm “ thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo (nuôi) chồng tiếng khóc nỉ non “ thì đến phổi có được tạo bằng I nốc cũng bị nám là cái chắc.


    Huống chi còn phải vêu mặt ra chạy chợ, thức khuya dậy sớm, quần quật nuôi heo, sang làm cho nhà cán bộ, đúc đổ bánh bò, lội ao dơ bẩn, da chân không rã như giấy bổi mới là lạ. Phần tôi chẳng nói làm gì, những năm săn sóc mẹ bị lao, rồi chính mình cũng bị lây nhiễm, ngày xưa đã phải bơm phổi hàng năm dài, bây giờ mỗi lần chụp phổi đều thấy có những chỗ vôi đóng cứng nên tôi biết rõ bệnh sử của tôi mà chẳng nói năng chi.


    Vào đến đâu cũng thấy cảnh vòi ăn hoặc “ cò kiếc “ diễn ra coi thần sầu phải biết. Chính tôi đã được ai đó rỉ tai nếu chụp có bị nám, muốn được ra đi nhanh thì cứ đến phòng khám riêng của ông này, ông nọ là xong tất. Khỏi lo phải uống thuốc từ 3 đến 6 tháng, khỏi lo phải băn khoăn thuê nhà ngay tại Saigon (vì người ta không chấp thuận cho bệnh nhân đem thuốc về tự uống, sợ quẳng đi phí uổng).


    Cẩn thận hơn người ta còn dấm dúi chỉ cho tôi vị bác sĩ ấy, bác sĩ nọ đang thẩm xét kết quả chụp phổi kia kìa để tôi tin chắc là người có thẩm quyền trong việc quyết cho ai ra đi. Tội nghiệp thế mà cũng lắm người bặp vào, người lâm râm đã chi 2 chỉ vàng, người than còn đang bị mè nheo đòi thêm nữa.


    Tôi vốn dửng dưng với những lời mời mọc này, không phải vì tôi muốn thí mạng cùi với thiên hạ mà vì tôi tin rằng chẳng có việc sai mờ nào giữ mãi được sự kín bưng của nó. Vả lại sống giữa một xã hội hơi chút phải chi tiền, nhiều khi chính vì sợ bóng sợ gió mà lắm tay phải trút hầu bao một cách oan uổng.


    Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ai dám chắc rằng việc của mình lo sẽ được hanh thông. Hai mươi năm trời bị bầm dập với hết tội này, tật nọ ai cũng ngao ngán, chỉ muốn thoát đi hoặc chết quách cho xong. Trừ những ai không còn cựa quậy vào đâu được, đành buông trôi thả nổi cuộc đời, muối mặt gằm đầu chịu số phận xúi hẻo.


    Còn trăm người có điều kiện hoặc được sự trợ giúp của thân nhân thì ai cũng nôn nao tìm lách cho mau ra khỏi nước. Tôi qua lần chụp lại, còn bắt phải thử đàm. Một sáng tinh sương, những người cùng trường hợp như tôi đều tập trung nơi sân sau của bênh viện. Mỗi người được phát một cái chai đựng penicillin đã dùng hết để nghe theo sự điều khiển, hướng dẫn của một cô y tá : hít sâu vào, nín thở, bật ho mạnh và nhổ toẹt vào miệng chai lấy mẫu.


    Có người chỉ một lần là lấy được, có người mấy lượt vẫn trơ ra, có thể những thời gian sống với cảnh “ đổi đời “, thậm chí đến chất cặn bã trong phổi cũng khô cạn ráo. Phần khác vì có ăn được món nào dinh dưỡng đâu mà sản sinh ra chất nhầy, một phần có khi “ rét “ vì thứ gì cũng bị chi nên cơn sợ làm cho thân xác cũng quắt khô đi.


    Thế rồi cũng xong, hoặc không muốn xong phải cố mà xong. Sau này vợ tôi và tôi đều được cấp kè kè mẫu phim chụp phổi đựng trong cái túi xách có ghi chữ IOM để sẽ trình với địa phương nào mình tới định cư. Vậy là tôi biết chuyện ra đi càng lúc càng gần kề.


    Sau đó, tôi được Sở Ngoại Vụ gọi gặp lần nữa để căn dặn những thủ tục phải làm trước khi lên đường. Nào là liên lạc sở thuế để chứng nhận không nợ nần nhà nước, liên lạc ngân hàng để chứng minh không bị ai kiện thưa vì quịt nợ, chạy làng. Lại còn phải đến Sở Xây Dựng để thanh lý nhà cửa, rồi lên phường để xin ký lý lịch ghép hồ sơ.


    Bên cạnh những giấy tờ linh tinh, gia đình tôi còn phải làm tờ cam kết không được tham gia hoạt động chính trị hay nói xấu chế độ khi ra sống nước ngoài. Do đó, việc lên xuống phường và công an hầu như cơm bữa và tất nhiên không khỏi lọt đến tai ông cán bộ về hưu bên hàng xóm.


    Có một lần ông ta cười lỏn lẻn nói với tôi : các ông thật có phúc nhé, thua trận mà còn được người ta đưa đi an toàn. Tôi lửng lơ thưa nào đã có gì chắc chắn đâu mà mừng vui. Ông cho tôi biết thêm phường nói việc tôi làm giấy là làm vậy thôi, chứ khó có thể ra đi. Tôi lại vin vào cớ đó để mạnh miệng nói cho ông theo quan điểm tương tự.


    Tôi chẳng cần đôi co hay giải thích làm gì, bởi vì dù họ nằm trong hệ thống chính quyền song họ đâu có nắm hết mọi khía cạnh của sự việc ra đi. Thế lại hay để khỏi bị quấy nhiễu vì ba chuyện lăng nhăng không đáng. Tôi chỉ muốn thời gian này đầu óc được rảnh rang để tính việc sống ra sao khi sang đến đất người. Trăm nghìn thứ đăng đăng đê đê đang đợi chờ gia đình tôi ở nơi xa.


    Tự dưng tôi thấy lòng nhuốm buồn. Mấy năm trời dựa vào lòng tốt của anh bạn hàng xóm sửa xe mà tôi đỡ nhàm chám vì cuộc đời rỗi rảnh. Bây giờ sắp chia tay nhau, ai chẳng thấy mềm người. Phương chi tôi vẫn hằng nghe anh bạn thở than mà chẳng biết giúp được gì cho anh ấy.


    Tôi nhớ mãi câu nói của anh : chúng ta từng đứng chung một chiến tuyến, vậy mà giờ mỗi người nhận một hoàn cảnh khác nhau. Ông thầy được ra đi, rũ hết những tháng ngày vất vả và những cảnh ngang trái trên đời. Nhưng còn những gia đình tử sĩ, thương binh, những người cũng đã từng một thời xẻ chia trách nhiệm dưới chung một bóng cờ, biết bao giờ họ cũng được hưởng công bằng như ông thầy đây.


    Tôi nghe như anh trách móc chính tôi, như lời thở than chí tình và một đòi hỏi chính đáng. Nhưng tôi có là cái thá gì để gỡ được cái nút thắt nơi tâm tư anh, nên chỉ biết lấy bàn tay lần tìm bàn tay anh bóp chặt với tiếng thở dài trầm thống. Tôi cúi đầu nhận chịu sự lên án của anh như đã nhận trách nhiệm trong ngày 30 tháng 4 năm nào.


    Có lẽ thấy tôi nặng trĩu ưu tư, nên anh bạn sửa xe vội chuyển sang hướng khác : em xin lỗi ông thầy vì bức xúc đã làm ông thầy phải đau khổ. Rồi anh mau mồm mau miệng dặn tôi : ông thầy ngồi đây để em chạy mua mấy ly cà phê về uống mừng. Anh bỏ chạy đi như để trốn cái rạo rực trong tâm đang ngùn ngụt bốc cháy.


    Tôi bỗng thấy đuôi mắt cộm có hạt bụi độn lên. Tôi lấy mu bàn tay quệt, nhưng hạt bụi vẫn nằm sâu trong mắt, rồi nước mắt đổ ra mà hạt bụi lì lợm vẫn chẳng chịu ứa ra. Khi anh thợ sửa xe đưa ly cà phê về, tôi giật lấy uống vội, như người đã bị khát từ lâu lắm. Và tôi nhận ra ly cà phê hôm nay sao đắng hơn mọi hôm. Tôi thật thà hỏi anh phải chăng anh quên bỏ thêm cho tôi một muỗng đường như thường lệ thì thấy anh mỉm cười nói đùa : nhiều khi cũng cần một chút đắng cay để thấy cuộc đời thêm đẹp, ông thầy ạ.


    hết
    Last edited by JennyVuong; 09-03-2011 at 03:45 AM.

Trang 3 / 3 ĐầuĐầu 123

Chủ Đề Tương Tự

  1. Nữ Chúa Cụt Đầu Trên Sàn Rạp Hát Hòa Khánh
    By giavui in forum Audio Ma Kinh Dị
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 09-15-2016, 06:53 PM
  2. Những tác dụng tuyệt vời của măng cụt.
    By sophienguyen in forum Món Ăn Sưu Tầm
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-30-2012, 03:40 AM
  3. Cụt hết chân tay sau khi... độn mông
    By giavui in forum Chuyện Lạ Đó Đây
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-15-2012, 11:52 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •