Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Cái lạc thú của những tình yêu âm thầm là vừa có những nỗi chua xót, vừa có những hạnh phúc êm đềm thắm thiết.
X.
Results 1 to 1 of 1

Chủ Đề: Mình yêu nhau....rồi mình chia tay anh nhé

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,672
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Phần 29





    Đã qua tiêm ngừa đợt 1 thì hẳn phải tới kỳ 2 nên gia đình tôi lại chờ. Thế nhưng tin đến nhà lại không phải gọi đi tiêm ngừa mà là đi chụp phổi. Lóc cóc vợ chồng con cái lại kéo nhau vào Saigon, đến bệnh viện của ngành Công An trên đường Hùng Vương để chụp quang tuyến X.


    Bọn nhóc chỉ qua một lần chụp là xong, còn vợ tôi và tôi phải chụp thêm lần nữa. Nguyên do vì ảnh không rõ, có những vết mờ sao đó nên họ phải thử cho chắc. Vợ tôi dẫu có tì vết nơi phổi thì cũng không ngạc nhiên vì trải qua 20 năm làm “ thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo (nuôi) chồng tiếng khóc nỉ non “ thì đến phổi có được tạo bằng I nốc cũng bị nám là cái chắc.


    Huống chi còn phải vêu mặt ra chạy chợ, thức khuya dậy sớm, quần quật nuôi heo, sang làm cho nhà cán bộ, đúc đổ bánh bò, lội ao dơ bẩn, da chân không rã như giấy bổi mới là lạ. Phần tôi chẳng nói làm gì, những năm săn sóc mẹ bị lao, rồi chính mình cũng bị lây nhiễm, ngày xưa đã phải bơm phổi hàng năm dài, bây giờ mỗi lần chụp phổi đều thấy có những chỗ vôi đóng cứng nên tôi biết rõ bệnh sử của tôi mà chẳng nói năng chi.


    Vào đến đâu cũng thấy cảnh vòi ăn hoặc “ cò kiếc “ diễn ra coi thần sầu phải biết. Chính tôi đã được ai đó rỉ tai nếu chụp có bị nám, muốn được ra đi nhanh thì cứ đến phòng khám riêng của ông này, ông nọ là xong tất. Khỏi lo phải uống thuốc từ 3 đến 6 tháng, khỏi lo phải băn khoăn thuê nhà ngay tại Saigon (vì người ta không chấp thuận cho bệnh nhân đem thuốc về tự uống, sợ quẳng đi phí uổng).


    Cẩn thận hơn người ta còn dấm dúi chỉ cho tôi vị bác sĩ ấy, bác sĩ nọ đang thẩm xét kết quả chụp phổi kia kìa để tôi tin chắc là người có thẩm quyền trong việc quyết cho ai ra đi. Tội nghiệp thế mà cũng lắm người bặp vào, người lâm râm đã chi 2 chỉ vàng, người than còn đang bị mè nheo đòi thêm nữa.


    Tôi vốn dửng dưng với những lời mời mọc này, không phải vì tôi muốn thí mạng cùi với thiên hạ mà vì tôi tin rằng chẳng có việc sai mờ nào giữ mãi được sự kín bưng của nó. Vả lại sống giữa một xã hội hơi chút phải chi tiền, nhiều khi chính vì sợ bóng sợ gió mà lắm tay phải trút hầu bao một cách oan uổng.


    Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ai dám chắc rằng việc của mình lo sẽ được hanh thông. Hai mươi năm trời bị bầm dập với hết tội này, tật nọ ai cũng ngao ngán, chỉ muốn thoát đi hoặc chết quách cho xong. Trừ những ai không còn cựa quậy vào đâu được, đành buông trôi thả nổi cuộc đời, muối mặt gằm đầu chịu số phận xúi hẻo.


    Còn trăm người có điều kiện hoặc được sự trợ giúp của thân nhân thì ai cũng nôn nao tìm lách cho mau ra khỏi nước. Tôi qua lần chụp lại, còn bắt phải thử đàm. Một sáng tinh sương, những người cùng trường hợp như tôi đều tập trung nơi sân sau của bênh viện. Mỗi người được phát một cái chai đựng penicillin đã dùng hết để nghe theo sự điều khiển, hướng dẫn của một cô y tá : hít sâu vào, nín thở, bật ho mạnh và nhổ toẹt vào miệng chai lấy mẫu.


    Có người chỉ một lần là lấy được, có người mấy lượt vẫn trơ ra, có thể những thời gian sống với cảnh “ đổi đời “, thậm chí đến chất cặn bã trong phổi cũng khô cạn ráo. Phần khác vì có ăn được món nào dinh dưỡng đâu mà sản sinh ra chất nhầy, một phần có khi “ rét “ vì thứ gì cũng bị chi nên cơn sợ làm cho thân xác cũng quắt khô đi.


    Thế rồi cũng xong, hoặc không muốn xong phải cố mà xong. Sau này vợ tôi và tôi đều được cấp kè kè mẫu phim chụp phổi đựng trong cái túi xách có ghi chữ IOM để sẽ trình với địa phương nào mình tới định cư. Vậy là tôi biết chuyện ra đi càng lúc càng gần kề.


    Sau đó, tôi được Sở Ngoại Vụ gọi gặp lần nữa để căn dặn những thủ tục phải làm trước khi lên đường. Nào là liên lạc sở thuế để chứng nhận không nợ nần nhà nước, liên lạc ngân hàng để chứng minh không bị ai kiện thưa vì quịt nợ, chạy làng. Lại còn phải đến Sở Xây Dựng để thanh lý nhà cửa, rồi lên phường để xin ký lý lịch ghép hồ sơ.


    Bên cạnh những giấy tờ linh tinh, gia đình tôi còn phải làm tờ cam kết không được tham gia hoạt động chính trị hay nói xấu chế độ khi ra sống nước ngoài. Do đó, việc lên xuống phường và công an hầu như cơm bữa và tất nhiên không khỏi lọt đến tai ông cán bộ về hưu bên hàng xóm.


    Có một lần ông ta cười lỏn lẻn nói với tôi : các ông thật có phúc nhé, thua trận mà còn được người ta đưa đi an toàn. Tôi lửng lơ thưa nào đã có gì chắc chắn đâu mà mừng vui. Ông cho tôi biết thêm phường nói việc tôi làm giấy là làm vậy thôi, chứ khó có thể ra đi. Tôi lại vin vào cớ đó để mạnh miệng nói cho ông theo quan điểm tương tự.


    Tôi chẳng cần đôi co hay giải thích làm gì, bởi vì dù họ nằm trong hệ thống chính quyền song họ đâu có nắm hết mọi khía cạnh của sự việc ra đi. Thế lại hay để khỏi bị quấy nhiễu vì ba chuyện lăng nhăng không đáng. Tôi chỉ muốn thời gian này đầu óc được rảnh rang để tính việc sống ra sao khi sang đến đất người. Trăm nghìn thứ đăng đăng đê đê đang đợi chờ gia đình tôi ở nơi xa.


    Tự dưng tôi thấy lòng nhuốm buồn. Mấy năm trời dựa vào lòng tốt của anh bạn hàng xóm sửa xe mà tôi đỡ nhàm chám vì cuộc đời rỗi rảnh. Bây giờ sắp chia tay nhau, ai chẳng thấy mềm người. Phương chi tôi vẫn hằng nghe anh bạn thở than mà chẳng biết giúp được gì cho anh ấy.


    Tôi nhớ mãi câu nói của anh : chúng ta từng đứng chung một chiến tuyến, vậy mà giờ mỗi người nhận một hoàn cảnh khác nhau. Ông thầy được ra đi, rũ hết những tháng ngày vất vả và những cảnh ngang trái trên đời. Nhưng còn những gia đình tử sĩ, thương binh, những người cũng đã từng một thời xẻ chia trách nhiệm dưới chung một bóng cờ, biết bao giờ họ cũng được hưởng công bằng như ông thầy đây.


    Tôi nghe như anh trách móc chính tôi, như lời thở than chí tình và một đòi hỏi chính đáng. Nhưng tôi có là cái thá gì để gỡ được cái nút thắt nơi tâm tư anh, nên chỉ biết lấy bàn tay lần tìm bàn tay anh bóp chặt với tiếng thở dài trầm thống. Tôi cúi đầu nhận chịu sự lên án của anh như đã nhận trách nhiệm trong ngày 30 tháng 4 năm nào.


    Có lẽ thấy tôi nặng trĩu ưu tư, nên anh bạn sửa xe vội chuyển sang hướng khác : em xin lỗi ông thầy vì bức xúc đã làm ông thầy phải đau khổ. Rồi anh mau mồm mau miệng dặn tôi : ông thầy ngồi đây để em chạy mua mấy ly cà phê về uống mừng. Anh bỏ chạy đi như để trốn cái rạo rực trong tâm đang ngùn ngụt bốc cháy.


    Tôi bỗng thấy đuôi mắt cộm có hạt bụi độn lên. Tôi lấy mu bàn tay quệt, nhưng hạt bụi vẫn nằm sâu trong mắt, rồi nước mắt đổ ra mà hạt bụi lì lợm vẫn chẳng chịu ứa ra. Khi anh thợ sửa xe đưa ly cà phê về, tôi giật lấy uống vội, như người đã bị khát từ lâu lắm. Và tôi nhận ra ly cà phê hôm nay sao đắng hơn mọi hôm. Tôi thật thà hỏi anh phải chăng anh quên bỏ thêm cho tôi một muỗng đường như thường lệ thì thấy anh mỉm cười nói đùa : nhiều khi cũng cần một chút đắng cay để thấy cuộc đời thêm đẹp, ông thầy ạ.


    hết
    Last edited by JennyVuong; 09-03-2011 at 03:45 AM.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •