Khổ chồng thêm khổ: Hàng chục tấn cá do dân nuôi chết vì thủy điện Hòa Bình xả lũ



Sau khi thủy điện Hòa Bình xả lũ từ ngày 30 Tháng Chín đến nay, số lượng cá nuôi lồng bị chết trên sông Đà ở huyện Thanh Thủy đã tăng lên khoảng 40 tấn, khiến nhiều người nuôi trắng tay.

Xác nhận với báo Tuổi Trẻ, chiều 7 Tháng Mười, ông Dương Quốc Lâm, chủ tịch huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, cho biết thủy điện Hòa Bình xả lũ hơn tuần qua đã làm mực nước sông Đà dâng cao, chảy xiết, nước đục, khiến hàng chục lồng cá nuôi của người dân bị chết.



Khoảng 40 tấn cá nuôi lồng chết đều bị trầy, loét da. (Hình: Ngọc Thành/VNExpress)

“Đến nay, theo thống kê đã có 62 lồng cá (cá lăng, cá ngạnh, cá rô phi, cá trắm…) của 19 gia đình bị thiệt hại 100%, còn 51 lồng bị thiệt hại khoảng 70%. Tổng sản lượng thiệt hại đã tăng lên 40 tấn cá, trị giá khoảng 3.1 tỷ đồng,” ông Lâm cho biết.

Ông Lâm cho biết thêm trước khi có thông báo xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình, huyện Thanh Thủy đã chỉ đạo Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện cùng các đơn vị liên quan, giao cho Hợp Tác Xã Cá Lồng hướng dẫn các gia đình có nuôi cá lồng các biện pháp “bảo đảm an toàn, bảo vệ tài sản” khi hồ Hòa Bình xả lũ để giảm thiểu thiệt hại.

Tuy nhiên khi thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ, các gia đình nuôi cá bè ở dọc bờ sông Đà, đoạn qua huyện Thanh Thủy, chỉ nhận được thông báo trước nửa ngày nên họ không thể di dời đàn cá sang khu vực khác.


Nói với báo VNExpress, anh Mạc Kế Điệp (27 tuổi), chủ bè cá ở xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, cho hay: “Mấy ngày nước chảy xiết, chuyển màu đục, tôi đã kéo bè vào sát bờ nhưng vẫn không tránh được. Nếu vớt cá chuyển về ao cũng sẽ chết hết.”

Chị Hà Thị Loan (38 tuổi, ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy) cho biết gia đình đã vớt nhiều lượt cá chết song vẫn chưa hết. Thường ngày, chị Loan bán cá lăng với giá 130,000-150,000 đồng/kg. Nay cá chết hàng loạt, chị nhờ họ hàng, dân làng mua lại giá 50,000 đồng/kg. Trong một ngày, bè nhà chị chết hơn một tấn cá, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng.

Theo công ty thủy điện Hòa Bình, từ 12 giờ trưa 7 Tháng Mười, hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng một cửa xả lũ. Hiện toàn bộ các cửa xả đáy đã đóng, chỉ có nước xả qua tổ máy phát điện với tổng lưu lượng nước xả khoảng 2,150 khối/giây.



Chị Hà Thị Loan xót xa nhìn cá lăng sắp thu hoạch bị thủy điện Hòa Bình xả lũ làm chết. (Hình: A.Hùng/Tuổi Trẻ)

Trước đó ngày 4 Tháng Mười, nhiều tờ báo cho hay sau khi hồ thủy điện Hòa Bình xả đáy cửa thứ hai để xả lũ, nhiều lồng cá trên sông Đà thuộc hai xã Thạch Đồng và Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, đã xuất hiện hiện tượng cá chết, với số lượng khoảng 10 tấn. Và hiện tượng cá lồng chết xảy ra từ đó đến nay vẫn tiếp tục.

Đây là lần thứ ba trong vòng bốn năm qua, người dân nuôi cá lồng ở huyện Thanh Thủy lao đao vì cá chết do thủy điện Hòa Bình xả lũ.
Người dân tại Việt Nam nuôi cá bè trên nhiều con sông từ Bắc chí Nam. Tình trạng cá chết vì môi trường sống của chúng đột ngột thay đổi từ việc thủy điện xả lũ, đến các nhà máy hai bên sông xả chất thải độc hại đã từng xảy ra rất nhiều lần tại khắp các tỉnh, thành.
Nhà cầm quyền CSVN có các quy định về xả chất thải từ các nhà máy ra sông rạch phải qua các hệ thống lọc, nhưng vẫn thấy có những vụ xả trộm không lọc làm chết cá. Quy định các nhà máy thủy điện khi xả lũ phải thông báo sớm cho cư dân hạ nguồn kịp chuẩn bị “chạy lũ,” song không mấy khi được áp dụng đúng đắn.

Tin Tổng Hợp