Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Tuổi trẻ là tuổi không ngại ngùng gì cả và không ghi ngờ gì cả.
Susanna March
Trang 1 / 3 123 Cuối Cuối
Results 1 to 10 of 24

Chủ Đề: Nỗi Lòng

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Nỗi Lòng

    Nỗi Lòng


    Tác giả :Nguyễn Khắc Mẫn





    Giải thưởng Tự Lực Văn Ðoàn, 1938


    Chương 1

    - Các ông có bằng Thành Chung mà đi làm nghề này, thật đáng tiếc. Như chúng tôi không thể xoay nghề gì khác được, phải chịu vậy đã đành...

    Thúy nói câu ấy thong thả, hơi nhỏ, ông cúi mặt xuống bàn, hai mắt đăm đăm nhìn chén nước chè liên tâm gần cạn, khiến Thọ ngồi trước mặt ông, nghe chuyện ông, hiểu thấu rằng lời ông nói là lời chân thành của kẻ đã trải nhiều nỗi chua chát trong nghề mình làm.

    Thọ mới ở trường Nam Sư phạm ra, được bổ giáo học hạng tám dạy lớp nhất trường con giai tỉnh Vĩnh Yên. Thọ vào làng "Gõ đầu trẻ" vừa đúng một tuần lễ. Hôm nay chủ nhật, chàng đến chơi nhà ông giáo Thúy, dạy lớp năm.

    Đáp lại lời nói của Thúy, Thọ chỉ mỉm cười, vì chàng cũng chẳng biết nói sao. Ra đời không phải như lúc còn ngồi ở ghế nhà trường. Những câu bàn suông đều vô ích. Duy sự từng trải mới đáng kể. Thúy đã dạy học ngoài mười hai năm, chắc đã nghe thấy nhiều. Biết đâu lời Thúy không căn cứ ở những sự tai đã nghe, mắt đã thấy.

    Thực ra, Thọ cũng hơi thấy chán nản. Hôm mới đến Vĩnh Yên, đi thăm các bạn, chàng đã nghe ông giáo Lại, dạy lớp tư, nói với chàng một câu đồng nghĩa với câu của Thúy nói bây giờ. Cũng như Thúy, Lại đã dạy học hơn mười hai năm, tất đã từng trải. Mà câu của Lại cũng chưa phải là câu thứ nhất đã làm cho Thọ phải nghĩ rằng nghề dạy học vị tất đã đem lại cho chàng những thứ chàng thường ước mong trong khi chàng còn đi học. Sự liên tưởng nhắc chàng nhớ tới buổi đến thăm thầy giáo cũ ở phố Hàng Cót, Hà Nội.

    Dạo ấy, Thọ còn đang học ở năm thứ ba trường Sư phạm. Một buổi sáng chủ nhật, Thọ đi chơi phố, tình cờ gặp thầy giáo cũ dạy mình ở lớp nhất trường tỉnh Bắc Ninh. Thọ vào nhà thầy giáo chơi. Sau mấy câu hỏi thăm về sự học của Thọ, thầy giáo Thọ nói:

    - Nghề này buồn lắm! Tôi đã trải nhiều tôi biết. Không phải tôi nói thế để làm cho người đang tập nghề phải nản chí đâu; nhưng sự thực là thế.

    Nhưng lúc ấy, Thọ cũng không cần biết lời nói của thầy có đúng hay không. Chàng đang ham học, muốn biết. Lòng ham muốn ấy đã giúp chàng thắng nổi mọi sự khó khăn.

    Ngày nay Thọ đã qua cái thời kỳ tập nghề, đã bắt tay vào việc, lại nghe hai người bạn quen nghề nói đến những sự chán nản, tài nào chàng không nhớ đến lời thầy giáo cũ. Có lẽ chàng đã chọn lầm nghề chăng? Lời nói của ba người hẳn là lời nói không xa sự thực. Nhưng mỗi người có một ý muốn riêng. Biết đâu nghề dạy học đối với ba người ấy không phải là nghề bất đắc dĩ. Còn gì khó chịu bằng phải ép mình làm một việc mà mình không thích! Còn Thọ, chàng vốn ưa nghề chàng đã chọn; biết đâu nghề ấy lại không thể làm cho chàng được vui lòng. Với ý nghĩ ấy, Thọ lại thấy sự chán nản thoảng qua.

    Thấy Thọ ngồi im, ngẫm nghĩ, Thúy nói tiếp:

    - Nghề mình thật là năm cha ba mẹ. Nào ông Chánh đốc, ông Chánh hanh tra, nào ông Thanh tra, ông Kiểm học. Nếu ở nhà quê lại thêm ông Giáo, ông Huấn. Mỗi người mỗi ý, mình phải chiều cho đủ. Công việc làm vất vả, mà nào quan trên có thương, dân sự có trọng, học trò có mến. Nói về lương, thì lên được một trật, thật là khó nhọc.

    Thọ bật cười:

    - Nếu ông nghĩ như thế thì chán là phải. Nhưng tôi tưởng: nếu mình làm hết bổn phận, dẫu đối với ai, mình cũng không ngại. Trông thấy học trò tấn tới chăm chỉ là mình mừng. Còn sự ăn lên, mỗi lần phỏng là bao! Mong làm gì?

    Thúy nhìn Thọ thong thả nói:

    - Ấ́y! Lúc mới ra làm, tôi cũng nghĩ như ông bây giờ đấy!

    - Nhà giáo!

    Hùng vừa nói vừa đứng dậy mời Thọ vào chơi. Thọ cũng cười đáp lại:

    - Nhà phán!

    Hùng tiếp:

    - Nhà phán, nhà ký, nhà "tặc tặc", nhà tất cả! Nhưng chỉ nhà giáo là sướng thôi! Mỗi tuần lễ ăn không hai ngày.

    - Sướng lắm chứ!

    Tuy nói chuyện, nhưng Thọ vẫn không ưng hai tiếng "nhà giáo". Hai tiếng ấy Thọ cũng thường nghe thấy luôn, nhưng không hiểu vì lẽ gì, bây giờ chàng thấy có ý nghĩa riễu cợt, mỉa mai, khinh bỉ.

    Từ khi về Vĩnh Yên, Thọ nhận thấy rõ rệt sự lãnh đạm nó chia rẽ các ông giáo với các ông phán tòa sứ. Thọ nhất định đánh tan sự lãnh đạm ấy, nên những khi nhàn rỗi thường đến chơi nhà các người làm việc ở các công sở, để gây tình liên lạc. Mỗi khi thấy sự gì có thể ngăn đôi hai phái "chính, giáo", chàng hết sức công kích, hoặc bằng lời xác đáng, hoặc bằng câu bông đùa có ý nhị.

    Nhưng có một điều Thọ không thể ngăn ngừa được, là dân sự trọng ông phán hơn ông giáo, tuy rằng cứ lấy tài đức ra mà so sánh, thì ông giáo còn biết giữ gìn trong cử chỉ của mình hơn ông phán nhiều. Là vì ở phố nào chẳng có học trò; mà học trò họ khéo tò mò lắm; họ rình thầy giáo họ như nhà trinh thám rình kẻ bị tình nghi. Một tý gì họ cũng biết. Bởi thế nên các ông giáo thường phải thận trọng trong lời nói, trong cách đi đứng. Bởi thế nên nhiều người thường dùng hai tiếng "mô phạm" để riễu cợt sự đứng đắn mà họ cho là giả dối đó. Ừ̀ thì giả dối. Nhưng nếu ai cũng biết dè dặt đôi chút như thế thì còn đâu những sự lố lăng chướng mắt.

    Đã nhiều lần Thọ thấy mỗi khi một người đội xếp nào trong phố gặp một ông phán, là họ giơ tay chào theo kiểu nhà binh, miệng nói: "Lạy quan!..." - Còn gặp một ông giáo, họ thường làm ngơ. Dù có chào chăng nữa, họ cũng nhìn đi nơi khác, miệng lẩm bẩm: "Chào thầy giáo!..." Có lẽ sự phân biệt ấy đã làm cho nhiều ông giáo chán nghề mình chăng?

    Vẫn biết rằng phẩm giá của ta cốt ở đức tính của ta, ở sự hết lòng làm việc, để giúp ích cho mình và cho kẻ khác, nhưng tính tự tôn vẫn là tâm lý chung của loài người. Nếu ta chưa có được tấm linh hồn thanh cao, biết đặt mình lên trên những sự tầm thường, nếu ta chưa có một học thức chắc chắn, một chí hướng nhất định, một mục đích rõ rệt ta tự vạch ra và cả quyết cho đến cùng thì ta còn phải để ý đến những cái tầm thường ấy, có khi phải khổ sở cũng không biết chừng.

    Hùng mỉm cười nhìn Thọ bằng con mắt tinh ranh, rồi nói:

    - Tôi thèm cái nghề của ông giáo quá...

    - Thì xoay nghề.

    - Nhưng làm học trò ông có lẽ thú hơn!

    - Thì xin vào học.

    - Có được ngồi ở bàn nhất không?

    Thọ cười vì, chàng nghĩ rằng có lẽ Hùng ước ao như thế thật. Thực ra, không riêng gì Hùng, mà hầu khắp các người trai trẻ làm việc ở tỉnh Vĩnh cũng ước ao như thế, hoặc ngấm ngầm, hoặc nói ra. Là vì ở lớp Thọ có mười cô học trò, tuy ít tuổi hơn Thọ, nhưng có cô nhớn bằng có cô cao hơn. Các cô ngồi dẫy bàn nhất. Cô Nhung là người đẹp nhất bọn, đẹp nhất tỉnh và học giỏi nhất lớp. Vì Nhung nên mới có những sự mong ước nói trên.

    Thọ lại cho có mấy cô học trò kia, nhất là cô Nhung, là sự khó chịu. Khi còn học ở trường, chàng thường nói đùa với các bạn:

    - Ước gì sau này được ra dạy lớp nhất có học trò con gái thì hay nhỉ...

    Nay sự ước mong ấy của Thọ đã thành sự thực, chàng viết thư cho các bạn, các bạn đều mừng chàng.

    Nhưng ngay buổi đầu, Thọ đã nhận rõ cái địa vị của mình. Thọ đã bắt đầu vào một cuộc đời mới; chàng không thể bông đùa như khi còn đi học được. Nghề của Thọ bắt Thọ phải đứng đắn giữ gìn. Khi thoạt bước chân vào lớp lần thứ nhất, thấy học trò con gái đứng lên chào, Thọ hơi nóng mặt. Lúc đến giờ học trò con giai vào lớp, Thọ thấy nhiều đứa chăm chú nhìn mình rồi lại nhìn trộm Nhung. Có đứa thì thầm với nhau Thọ thoáng nghe họ nói: "xứng đôi đấy..." Chàng phải nghiêm sắc mặt, trong lớp mới im lặng.

    Suốt một tháng đầu, Thọ phải để ý từng ly từng tí. Chàng không dám nhìn thẳng mặt Nhung bao giờ, ít khi gọi nàng đọc bài và ít khi chấm bài của nàng. Sau Thọ nghĩ thầm: "Làm sao phải cẩn thận đến thế! Hay là ta yêu...? " Rồi dần dần Thọ hiểu rõ sự vô lý của cách cử chỉ của mình. Muốn được tự nhiên, Thọ không còn ngượng nghịu chút nào nữa. Nhung đối với Thọ cũng chỉ là một người học trò thường, không hơn không kém.

    Còn Nhung, nàng rất chăm chỉ. Thọ dậy điều gì, nàng nhớ được ngay. Một đôi khi, Thọ bắt gặp nàng nhìn trộm mình, nhưng chỉ trong giây lát.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 2
    Ba tháng qua, Thọ làm việc rất vui vẻ, dễ chịu. Chàng không hiểu tại sao Thúy, Lại và thầy giáo cũ chàng lại cho nghề dạy học là chán nản. Chàng thấy học trò chăm học, hiểu lời chàng dạy, chàng rất vui lòng. Một đôi khi cũng gặp vài sự trái ý, như học trò vô phép hoặc lười biếng, nhưng chàng cũng quên ngay được. Chàng thường nghĩ: "Lúc mình đi học, có lẽ còn tệ hơn họ..." Rồi chàng lại nhớ đến hồi còn ở trường, ông Đốc trường Sư phạm ba lần chúc chàng một câu mà bây giờ chàng mới hiểu hết cái nghĩa thâm thúy của nó.

    Lần thứ nhất, đang giờ tập thể thao, ông đội Tây dạy võ đối với một người bạn của Thọ không được ngọt ngào lắm. Thọ phải phân trần về thái độ ấy. Lẽ tất nhiên là ông Đội nói với ông Đốc, ông Đốc gọi Thọ. Sau một hồi giảng cho Thọ hiểu rằng: thầy giáo uốn nắn cho học trò không phải là bạc đãi họ, ông Đốc kết luận: "Tôi mong rằng sau này học trò anh nó sẽ đối với anh như anh đã đối với ông Đội".

    Lần thứ hai, một ngày chủ nhật giời mưa, Thọ phải ở lại trong trường. Thọ đương giảng bài cho một người bạn, bỗng một ông giám thị bảo Thọ nói chuyện, biên phạt. Thọ cãi lẽ. Ông giám thị thưa với ông Đốc là Thọ bướng. Ông Đốc lại chúc Thọ: "Tôi chỉ sợ về sau học trò anh nó sẽ xử với anh cũng như anh đã xử với ông giám thị".

    Lần thứ ba, câu chuyện dài hơn và đáng nhớ hơn. Thọ phải ra trường Thực hành dạy thay một ông giáo nghỉ phép một tuần lễ. Đối với một "thầy giáo tạm thời", học trò thường không được lễ phép như đối với thầy giáo họ: họ thường nói chuyện và làm rầm trong lớp. Bất đắc dĩ, Thọ phải bắt ba đứa ra quỳ ngoài cửa lớp, vì chàng đã dùng hết cách: khuyên, mắng, phạt đứng, phạt viết.

    Ông giáo dạy lớp bên chạy sang, dõng dạc đuổi ba đứa học trò ấy về chỗ. Cho là có tổn hại đến thể diện của mình, Thọ lại bắt ba đứa ra quỳ và xin ông giáo kia đừng can thiệp đến một cách kẻ cả như thế; việc Thọ làm, Thọ chịu trách nhiệm.

    Lần này, đang giờ học, ông Đốc gọi Thọ hỏi đầu đuôi câu chuyện. Thọ nói rành mạch:

    "Thưa ông tôi phải cử ra dạy thay một ông giáo nghỉ phép ở trường Hàng Than. Chẳng nói ông cũng thừa rõ: học trò nó không nể tôi cho lắm, chỉ vì một lẽ rất giản dị là tôi không phải thầy giáo chính thức của họ. Bởi vậy chúng nó thường nói chuyện rầm lên, rất trở ngại cho sự giảng dạy. Hết lời khuyên răn không ăn thua tôi phải bắt ba đứa ra quỳ ngoài cửa lớp. Nếu ông giáo ở bên cạnh là người lịch thiệp, ông gọi tôi ra cửa nói nhỏ cho tôi như thế là trái phép, khuyên tôi nên cho chúng nó về chỗ, tôi sẽ cảm phục ông ấy, coi ông ấy như người anh cả, và tha ngay ba đứa học trò. Nhưng tiếc thay ông ấy lại không lịch thiệp. Ông ấy ở trong lớp chạy ra hầm hầm quát: "Cho ba đứa kia về chỗ". Thưa ông như thế phỏng đối với học trò, tôi còn ra thế nào? Liệu trong lớp có thể im được không hay lại rầm hơn trước? Vậy tôi phải giữ thể diện của tôi trước mặt học trò...."

    Ông Đốc mỉm cười: "Anh nghĩ đến thể diện của anh, nhưng anh quên rằng anh chỉ cần đến thể diện ấy trong một tuần lễ, nghĩa là trong khi anh ra dạy thay ở trường Hàng Than thôi, còn ông giáo bên cạnh, ông ấy còn dạy ở đấy lâu, có lẽ đến lúc về hưu, sao anh không nghĩ đến thể diện của ông ta?..."

    Rồi ông lại kết luận: "Tôi ước ao rằng: sau này học trò anh nó sẽ coi anh như anh đã coi ông giáo ấy".

    Giờ Thọ mới rõ rằng ông Đốc trường Sư phạm là người thạo đời. Còn gì có thể làm cho một ông giáo phải bực mình hơn là thấy học trò mình vô lễ với mình. Nhưng mỗi khi có ai làm điều gì nhầm lỗi, Thọ nén được lòng ngay. Chàng mừng rằng nghề dạy học đã luyện cho chàng thành một người ôn hòa, biết suy nghĩ, có đủ nghị lực nén nổi các cuồng vọng của mình. Cái tính nóng nẩy sôi nổi của Thọ xưa kia bớt dần, rồi mất hẳn.

    Nhưng Thọ sẵn lòng dung thứ các điều nhầm lỗi của học trò, không phải là chàng để mặc họ muốn làm gì thì làm đâu. Không, chàng hiểu rõ chức của chàng lắm. Không những chàng phải mở mang trí tuệ cho học trò, chàng còn phải dạy cho họ, trở nên người có đức hạnh, hiểu biết điều hay. Nếu đức dục không tiến thì trí dục vị tất đã có lợi.

    Thọ khéo tùy cơ hội, khéo theo tính từng người mà khuyên, răn, phạt, khéo dùng lời nói ngọt ngào mà dắt học trò vào con đường chính. Chàng nhận thấy sự ngọt ngào có công hiệu hơn sự trừng phạt.

    Trong một lớp học, ta thấy đủ nết hay tật xấu của các hạng người. Học trò, có cậu ưa nịnh, có cậu thích lời nói thẳng, có cậu cả thẹn, có cậu mặt trơ. Ton hót, giảo quyệt, gian trá tinh quái thực thà, cẩn thận, ngu đần, dễ tin, còn thiếu nết gì học trò không có nữa. Ta phải hiểu rõ tâm tính từng người để lựa lời dạy bảo. Đối với một học trò cả thẹn và một cậu mặt trơ, ta không thể dùng cùng lời nói, cũng như ta không thể dùng cùng lời nói với người ưa nịnh và người thẳng tính được. Ấ́y cả khoa tâm lý ở đấy, và cả khoa sư phạm cũng ở đấy. Biết lựa tính học trò, họ sẽ vui lòng học tập, mà ông thầy mới mến nghề mình.

    Một ông giáo không những phải khéo, lại còn phải giỏi đủ các khoa, từ pháp văn, quốc văn, luân lý, sử ký... vân vân, cho đến bài tập viết, tập vẽ.

    Thọ nhận thấy điều ấy một hôm tình cờ giở đến một quyển vở cũ để trong tủ sách. Trên một trang giấy có dòng chữ mực đỏ của ông giáo đề: "Anh phải viết cho cẩn thận..." mà chữ của ông giáo ấy lại nguệch ngoạc hết chỗ nói. Đối với học trò, không thể thực hành câu: "Tôi bảo sao làm vậy, chớ bắt chước những việc tôi làm" được.



    Giờ ra chơi, Thọ đang ngồi chấm bài trong lớp, bỗng nghe tiếng Nhung phì cười. Chàng ngẩng mặt lên, thấy bọn học trò con gái đang chăm chú nhìn ra sân. Chàng cũng trông theo: ngay chỗ hàng rào, cạnh cổng trường, một cậu bé đứng thu tay vào bọc, miệng nhai, mắt nhìn ra đường. Một phút sau, cậu nhìn lại thật nhanh vội vàng đưa tay lên miệng, hấp tấp cắn một miếng, rồi lại đứng nhai như trước. Một cậu bé khác giơ tay làm hiệu cho chúng bạn im, dón dén lại gần cậu kia, đợi khi cậu kia rút tay ra định đưa lên miệng, cậu nắm lấy, nhìn kỹ rồi reo lên: "A! Bánh rán, anh em ạ!" Một tiếng cười vang làm cho học trò quay nhìn cả về một phía.

    Trong giờ chơi, Thọ rất thích xem học trò nô đùa, vì không lúc nào ta có thể xem xét tính nết từng người dễ hơn lúc ấy. Nhưng Thọ không cho chúng biết là chàng để ý đến họ, vì họ sẽ giữ gìn, mất vẻ tự nhiên ngay.

    Đầu trường, gần cửa lớp nhất, một cậu học trò nhớn kể chuyện cho chúng bạn nghe. Dáng điệu của cậu tỏ ra cậu là người rất tự đắc. Các chúng bạn ngây người đứng nghe, phục cậu lắm. Đằng kia, một cậu thấp lùn kiễng chân lên, cố sức xem trộm thơ của bạn. Giữa sân, một cậu bé đang đứng nhẩm bài, bỗng bị cậu khác chạy đến vừa đấm vào khưu chân vừa nói: "Tôi xin nắm cơm nguội!..." Gần đấy một cậu bé tí hon lò dò đến buộc túm vạt áo đằng sau của bạn lại, rồi cười híp mắt, giơ tay ra: "Cho tôi mua một xu mắm tôm!"

    Những trò tinh nghịch ấy, Thọ thường được xem khi chàng còn ở trường sơ học, nên chàng cũng không lấy làm lạ. Phải, tuổi trẻ bao giờ cũng là tuổi tinh nghịch. Nhưng có một sự làm cho Thọ phải chú ý đến là An đang đứng xem đá cầu, bỗng bị một quả đấm vào lưng rất đau. An quay lại, thấy Chất đang cắm đầu chạy. Biết là Chất mới đấm mình, nhưng vì thấy hắn bé hơn nên An không đuổi, chỉ đứng nhìn. An mới độ mười một hay mười hai tuổi. Trong khi vội vàng, Chất chạm phải Vinh, một người học trò nhớn tới gấp ba Chất. Vinh đẩy Chất ngã, lại đá thêm một cái, lông mày cau lại, miệng làu nhàu: "Đồ mù!...". Chất khóc. Vinh cúi xuống còn toan đánh nữa, nhưng An đã sấn lại rồi, dùng hết sức đẩy mạnh Vinh ra và nâng Chất dậy. An vừa phủi áo cho Chất vừa bảo Vinh: "Anh đừng cậy nhớn. Anh chưa học luân lý à? " Vinh đương lúc cáu giơ tay định tát An, thì một bàn tay nắm lấy tay Vinh, Vinh giật ra không nổi, quay lại, tái mặt, vì người cầm tay Vinh chính là ông giáo Thọ.

    Thọ nghiêm trang vẫy các học trò đến, rồi trước mặt mọi người, chàng nói: "Các anh coi anh Chất bé như thế này, mà anh Vinh nhớn như thế này. Chất đang vội chạy vô ý va phải Vinh, Vinh là người lớn, học lớp trên, đáng lẽ phải đỡ Chất cho khỏi ngã. Nhưng không, Vinh đẩy Chất, đá Chất, rồi lại toan đánh Chất. Vinh là đứa hèn nhát, vì đã bắt nạt kẻ yếu hơn mình. Các anh nên khinh bỉ Vinh. Còn anh An tuy bé nhỏ, nhưng rất đại lượng và can đảm. Chất tự nhiên đấm An rồi chạy. Thấy Chất bé hơn mình An không chấp. Khi thấy Chất bị Vinh đánh, An xông vào binh vực, dù biết rằng Vinh khỏe hơn mình nhiều. An đã làm được một việc rất vẻ vang. An là cái gương tốt cho các anh. Các anh nên bắt chước và quý trọng An. Mỗi khi gặp một việc xẩy ra như thế, các anh phải hết sức giúp kẻ yếu để chống lại với kẻ mạnh hiếp người. Các anh đừng lo: lòng can đảm của các anh không để cho các anh bao giờ phải thua kém".

    Trong khi ấy, Vinh cúi gầm mặt xuống, không dám nhìn thẳng mặt chúng bạn nữa. Chất đã thôi khóc đang cầm mùi xoa của An đưa cho lau nước mắt.

    Giờ ra chơi chiều hôm ấy, các học trò xúm quanh cây bàng ở giữa sân, trên có treo cái bảng gỗ dán yết thị. Họ chen nhau ồn ào, cố len vào xem cho được. Một người đứng trong: "Im! Để tôi đọc cho các anh nghe!" Rồi cậu đọc to: "Biết nhường nhịn người kém mình, biết bênh vực người yếu bị kẻ mạnh hà hiếp, đó là hai đức tính của một người bạn tốt và một người dân tốt. Sáng hôm nay anh An đã tỏ cho mọi người biết là anh có đủ hai đức tính ấy. Anh An rất đáng khen, các anh học trò khác nên lấy đó làm gương".

    Mấy cậu học trò bé khoác tay nhau thì thầm: "An sướng nhỉ? - Đáng lắm!"

    Nhưng một sự không ai ngờ đến, là cũng trong lúc ấy, An, Chất và Vinh đang đá cầu với nhau rất vui vẻ, ở một góc trường.

    Buổi sáng hôm ấy, Vinh hổ thẹn quá, không dám ngẩng mặt lên, tưởng chừng như mọi người chăm chú nhìn mình, nhạo báng. Nhất là trong khi đọc bài luân lý về sự can đảm. Nhung đã khéo lấy chuyện mới xẩy ra làm câu thí dụ và khen An. Khen An tức là chê Vinh. Vinh cho không gì nhục bằng bị một cô con gái đẹp khinh mình ra mặt. Rồi Vinh hối hận. Trưa hôm ấy Vinh đến nhà An và Chất xin lỗi. Muốn tỏ cho ai nấy đều biết mình đã sửa lỗi, Vinh làm thân với An và Chất.

    Được dịp tốt khuyến khích học trò, Thọ không chịu bỏ qua. Ngày hôm sau, giờ luận quốc văn, Thọ ra đầu bài cho học trò: "Giờ ra chơi, một cậu bé ngã ở sân, cậu khác đến nâng. Anh hãy tả cảnh ấy. Ý́ anh nghĩ thế nào?"

    Khi chấm đến bài của Vinh, Thọ cảm động. Vinh tả rất tường tận việc mình đã làm, đến tên người cũng không đổi. Đoạn kết Vinh viết: "An là một cậu bé hiếm có. Biết cư xử như thế, dẫu người nhớn cũng ít ai sánh kịp. Còn Vinh, nay hắn đã biết lỗi và đã sửa mình. Việc xảy ra đó đã làm cho hắn hiểu rõ bổn phận phải làm. Cũng là một cái may cho hắn. Nếu việc ấy không xảy ra, hắn không được nghe lời chỉ dẫn của thầy giáo, chứng nào vẫn giữ tật ấy, chắc về sau ra đời hắn sẽ làm nhiều sự tai hại hơn nữa..."

    Ta nên thương hại Vinh hơn là khinh bỉ Vinh. Thọ mỉm cười. Chàng sung sướng vì đã dạy được một người học trò biết yêu lẽ phải.

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 3
    Thọ ăn cơm xong. Thúy và Lại đến chơi. Lại nói:

    - Đi nghe hát một lúc đi, ông giáo. Hôm nay mới có cô đầu về qua.

    Thọ ngần ngại mỉm cười nhìn Lại. Thúy nài:

    - Ông đi một lúc cho vui, ở đây ít khi có.

    - Ừ̀ thì đi!

    Thọ đứng dậy mặc áo. Ba người đi khỏi phố Vĩnh Thành, đến giữa phố Vĩnh Thịnh, rẽ về bên trái. Đường vào làng tối om, gồ ghề. Lại bật đèn điện, đi một quãng ngắn thì đến nơi. Cửa đóng, Thúy gọi: "Anh Hòa". Trong nhà có người cầm ngọn đèn cây ra mở cửa. Kẹt một tiếng cánh cửa đan bằng tre mở ra.

    - Lạy các quan ạ.

    - Có ai không?

    - Bẩm có chị Thuật và chị Hoạt mới ở Hà Nội về trưa hôm nay. Rước các quan vào chơi.

    Lại mời Thọ và Thúy vào. Qua một cái sân đất giồng cây, Hòa - người cầm đèn - mời ba người vào trong nhà. Hai cô gái tân thời chạy ra đon đả chào:

    - Chào các quan. Kìa ông Thúy, ông Lại, đã lâu nay chúng em mới lại gặp mặt.

    Thúy nói:

    - Gớm chị Thuật, chị Hoạt, dạo này mới mặt nhỉ?

    Hoạt:

    - Bẩm quan, bao giờ chúng em cũng vẫn thế.

    - Quan với quách gì! Ông, anh hay cậu càng hay.

    - Ông Thúy đáo để lắm! Chúng em đâu dám thế.

    Thằng nhỏ đã bưng siêu nước sôi lên. Thuật lấy chè và ấm chén để trên bàn thờ ông vải xuống, rồi pha nước.

    Lại chỉ Thọ nói với Thuật:

    - Đây là ông giáo dạy lớp nhất. Các chị phải chiều cho thật khéo. Giai tân đấy.

    Thuật mỉm cười, bưng nước đến mời Thọ:

    - Mời quan xơi nước ạ!

    Thúy bẻ:

    - Lại quan rồi! Chị trông xem ông ấy có uống không. Phải mời là anh hay là cậu.

    Lại:

    - Cậu thì đúng hơn.

    Thuật liếc Thọ, nói nhỏ:

    - Biết rằng chúng em có được hân hạnh ấy không mà gọi thế.

    Lần này Thọ mới bước chân vào nhà cô đầu là lần thứ nhất. Thấy họ trêu mình, Thọ bẽn lẽn, có ý ngượng. Ngượng nhất là khi Thọ cầm cái dùi trống lên xem để giữ lấy vẻ tự nhiên. Lại nói, nửa bông đùa, nửa mỉa mai:

    - Dùi trống ở đây hai đầu như nhau không có đầu to đầu nhỏ đâu.

    Chỉ một lời nói ấy đủ làm cho Thọ hiểu rõ cái chân tướng của Lại. Lại mời Thọ đi chơi, rồi thừa cơ châm chích Thọ, nói tức Thọ. Nếu Thọ bực mình, thích ganh đua là phải miệt mài với họ luôn, cố cho được thạo như họ, sành sõi bằng họ. Thế là Lại mãn nguyện. Ở̉ đời ta thường gặp nhiều chúng bạn như thế. Không bao giờ họ đem các điều hay lẽ phải ra để khuyên mình đâu. Họ có tật xấu gì họ cũng muốn cho mình có tật xấu ấy. Họ là người lười công việc ư? Họ sẽ tìm cách chế mình nếu mình là người chăm chỉ. Họ ham mê cờ bạc giai gái ư? Họ cố rủ cho bằng được mình chơi với họ. Họ sẽ dùng câu nói khích, dùng lời nói mát, tìm cách dèm pha nếu mình không đồng ý với họ. Tâm lý của họ là thế này: cùng xấu cả, cùng chơi cả, thì còn ai biết mình là xấu, là chơi. Mà họ được mãn nguyện luôn, vì phái họ bao giờ cũng là phái mạnh. Cái dở vẫn dễ theo và mê hoặc người hơn cái hay. Nếu ta không chịu xét đoán, không có kiên tâm, là ta bị vào tròng ngay.

    Bởi thế nên ta thường thấy nhiều người đổi hẳn tâm tính một khi đã rời khỏi trường học. Có người khi ở trường ăn mặc rất giản dị, chỉ trích hết sức những bạn làm dáng, mà khi ra đời lại rất mực xa hoa. Có người ở trường thì chăm chỉ đứng đắn, khi ra làm việc lại lười biếng chơi bời. Ta nghiệm ra rằng những người đổi dở ra hay rất hiếm, còn người đương hay hóa dở lại là phần đông.

    Thọ hiểu rõ như thế. Nhưng hiểu được nguồn gốc một cái hại, không phải là đã tránh nổi cái hại ấy đâu. Muốn thế còn cần phải để ý đề phòng, cần phải có đủ nghị lực.

    Lại đã đánh năm tiếng trống ròn rã, ba tiếng trước thong thả, hai tiếng sau hơi mau hơn. Hòa lên dây đàn, dạo mấy tiếng. Thuật bắt đầu gõ phách, rồi cất giọng hát. Thuật khéo lựa những bài hát tình tứ, tả cảnh gặp gỡ của đôi giai gái hợp ý nhau, luyến nhau, mê nhau, vừa hát Thuật vừa đưa mắt nhìn Thọ để chàng hiểu rằng những lời âu yếm ấy cốt để tặng ai. Thọ hiểu lắm, mà ai cũng đều hiểu như thế. Thúy nói:

    - Hai anh chị đã cảm nhau rồi. Chỉ còn già chúng mình là suông thôi.

    Thuật nhìn Thúy, trách móc.

    Tiếng trống dắn dỏi ăn dịp với tiếng phách mạnh mẽ. Tiếng đàn thánh thót, trầm bổng, nhặt khoan, hòa với giọng hát êm ái khi cao thấp, khi ngân nga. Tâm hồn Thọ như bị tiếng đàn, giọng hát lúc dìu dặt đưa lên, lúc nhẹ nhàng dìm xuống. Chàng ngồi tựa lưng vào vách, hút thuốc lá, mơ màng nhìn làn khói xanh, xám từ từ trong miệng mình đưa ra, lan rộng, mờ dần rồi biến hẳn trong ánh sáng đỏ của ngọn đèn ba dây. Thọ thấy một thứ cảm giác lạ, nó không đầm ấm như lúc gia đình xum họp buổi tối, nhưng nó dịu dàng, man mác bâng khuâng, thứ cảm giác ta thường thấy khi ta đứng trước một cảnh vật bao la dưới bóng trăng thanh, hoặc khi ta mơ màng đến những nước non xa lạ.

    Hoạt sẽ đặt chén nước chè mới pha trước mặt Thọ:

    - Mời quan xơi nước ạ.

    Thấy Thọ vẫn ngồi im, Hoạt mời lại một lần nữa, to hơn:

    - Mời quan xơi nước ạ.

    Thọ gạt tàn thuốc lá, mỉm cười:

    - Vâng.

    Lại đặt dùi trống xuống chiếu. Thuật cũng đặt phách xuống, nói:

    - Trống ông Lại xinh quá.

    Lại cười, vui sướng.

    Anh Hòa vặn trục đàn, thử lại dây, rồi dựa đàn vào chiếc án gian bằng gỗ mít để mộc.

    Lại nói:

    - Anh Hòa cho đi mua năm hào thuốc. Chị Hoạt đâu? Đem bàn đèn lại đây.

    Hoạt đem chiếc bàn đèn đặt giữa giường. Trên một chiếc khay nhỏ bằng gỗ hình chữ nhật, trước hết mắt Thọ nhìn ngay thấy một cái chụp đèn bằng thủy tinh có hai miếng giấy hẹp và dài dán đè lên hai vết dạn bằng một thứ hồ lờ lờ đỏ. Cái đèn thì cáu bẩn. Cái dọc tẩu ngắn độ hai gang, dài quá cái khay. Thọ tò mò nhìn từ cái kéo, cái móc, cái tiêm để bên cái chén con nhỏ tí, đen sịt, sứt mẻ, đến cái giẻ lau để ở góc khay. Thọ nghĩ: "Mới trông đã thấy tởm...! Thế mà họ sắp sửa hút!".

    Họ hút thật. Anh Hòa đã đem thuốc vào. Thuốc đựng trong một chiếc chén con, được trên lưng chén. Lại cầm lấy chén thuốc, miệng kêu:

    - Sao lỏng thế này?

    Anh Hòa đáp:

    - Bẩm quan, thế là tốt đấy ạ.

    Thuật đã lấy mỡ cho vào phao dầu bật diêm thắp đèn, rồi cầm kéo sửa lại bấc cho tròn ngọn lửa.

    Lại hỏi:

    - Không có dầu à, mà dùng mỡ?

    Thúy nói:

    - Mỡ càng tốt.

    Thuật đã cầm tiêm, chấm vào chén thuốc, rồi hơ lên trên ngọn đèn. Gặp nóng, thuốc phiện nở ra, phồng lên. Thuật ấn vào diện tẩu cho thuốc bẹp xuống, rồi lại tẩm vào chén thuốc, lại hơ lên đèn. Mỗi lần hơ, thuốc lại nở thêm một tí. Mùi thuốc thơm phức. Khi điếu thuốc đã khá to. Thuật vê cho dài ra, rồi tiêm thuốc vào diện, rút tiêm ra, lấy ngón tay cái ấn một cái, lại lấy tiêm thông:

    - Mời các quan xơi thuốc ạ.

    - Ông Thọ, mời ông xơi trước.

    Thấy Thọ lắc đầu, không nói gì, Lại tiếp:

    - Anh tưởng nghiện ngay đấy. Còn tốn chán công phu.

    Thúy chêm:

    - Nghiện thế nào được. Chúng tôi hút luôn còn chẳng sao nữa là...

    - Anh còn làm nũng chị chứ gì? Chị Thuật mời anh ấy đi. Mời cho khéo.

    Nhưng Thọ vội nói ngay:

    - Không. Tôi không tài nào dùng được. Xin các ông cứ việc và cho tùy thích.

    Nghe giọng cả quyết của Thọ, Lại biết là không ép nổi, bèn quay lại mời Thúy. Hai người nhường nhau mãi rồi Lại hút trước. Hai người thay đổi nhau.

    Thọ ngồi lặng ngắm Thúy và Lại chúm miệng hóp má kéo sè sè, vì cái dọc tẩu không được thông. Thấy Lại nằm gối đầu vào đùi Thuật ra vẻ khoái hoạt lắm, Thọ tự nhiên nghĩ đến những người nghiện thuốc phiện. Một bức tranh hiện ra trong trí tưởng tượng của chàng: bức tranh một người gầy gò, xanh xao, bẩn thỉu, đang ngồi nạo sái trong một gian buồng nhỏ hẹp, tối tăm âm thầm dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn dầu lạc gần cạn. Nghĩ đến những cảnh tiều tụy mà sự chơi bời có thể đưa người ta đến được, Thọ rùng mình ghê tởm.

    - Anh Thọ, kéo thử một điếu xem sao.

    Đáp lại lời mời của Lại, Thọ chỉ lắc đầu. Chàng nghiệm ra rằng trong những cuộc chơi bời, người ta dễ thân nhau và dễ suồng sã với nhau nhất. Từ ngày đến Vĩnh Yên, hôm nay Thọ mới thấy Lại gọi mình bằng anh! Tuy đối với bè bạn, tiếng "anh" vẫn thân mật và hợp lẽ hơn tiếng "ông", nhưng đó cũng là một sự thay đổi, và sự thay đổi ấy có thể không có được nếu Thọ không đi nghe hát tối nay. Phải trong những đám bạc và các nhà hát, người ta dễ trở nên thân mà cũng dễ coi thường nhau lắm, trong một tỉnh các người làm việc thường chia ra từng bọn. Người cùng một bọn rất thân với nhau, đi đâu thường có nhau và trước mặt nói năng cử chỉ tự nhiên và dễ dàng, chứ không phải để ý như khi giao thiệp với những người khác bọn. Trong bọn toàn những người chung một ý thích: ham cờ bạc hay mê gái. Không thuộc vào bọn nào là những người ngoài công việc làm ở sở chỉ thích xem sách, đi chơi mát hoặc vui cảnh gia đình. Những người này rất ít không được ai nhận là bạn thân, và phải liệt vào hạng "đứng đắn", "mô phạm". Đối với bọn ăn chơi, những chữ ấy chỉ ngụ một ý nghĩa chê bai, riễu cợt.

    Chén thuốc phiện để ở khay vơi dần.

    Thuật ngâm mấy câu bồng mạc và sa mạc, rồi kể chuyện. Lúc ấy đã mười hai giờ đêm. Lại nằm vắt tay lên trán lắng tai nghe. Thúy ngồi to nhỏ với Hoạt, Anh Hòa ngồi ngáp vặt, thỉnh thoảng đứng lên cho đỡ buồn ngủ rồi lại ngồi xuống.

    Đêm khuya, giọng hát hay của Thuật như lưu luyến người, cám dỗ người, mê hoặc người. Lúc về Thọ còn thấy tiếng hát trong trẻo văng vẳng bên tai.

    Sáng hôm sau ra trường dạy học, Thọ thấy học trò nhìn mình bằng đôi mắt tò mò. Họ thì thầm bàn tán với nhau, Thọ thoáng nghe thấy một đứa nói nhỏ vào tai bạn:

    - Đêm qua thầy giáo đi hát cô đầu.

    Thọ nghĩ thầm: "Quái! Những đứa này tài thật!" Rồi chàng điềm nhiên vào lớp.

    Nhưng Thọ nhận thấy rất rõ rệt cái trách nhiệm nặng nề của một ông giáo. Từ trong lớp học, ngoài đường, cho đến ở nhà lúc nào ông giáo cũng phải giữ gìn cẩn thận. Ông giáo là "người mẫu" của học trò. Không một lời nói nào, một cử chỉ nào của ông giáo là qua được mắt họ. Ông giáo đứng đắn ư? Làm được điều hay ư? Họ sẽ ca tụng, kính trọng, tin yêu; họ sẽ chăm chỉ, làm việc chóng tấn tới. Ông giáo ăn nói lố lăng? Làm điều bậy? Họ sẽ bàn tán, chỉ trích coi thường. Đừng có hòng họ chăm chỉ và lễ độ nữa. Học trò có yêu thầy mới chịu khó làm việc. Trí dục dễ, nhưng đức dục rất khó. Một ông giáo giỏi về các khoa để mở mang trí tuệ học trò cũng chưa đủ, còn phải có nhiều đức tính để học trò bắt chước, có đủ nghị lực tự kiềm chế lấy mình để khỏi giảm quyền giáo hóa của mình đối với học trò.

    Thấy trong lớp không được im lặng như mọi ngày, Thọ rất nghiêm nghị. Chàng giảng bài thật kỹ, chấm bài thật cẩn thận. Thấy học trò lắng tai nghe lời mình dạy, Thọ vui sướng.

    Một điều làm cho Thọ phải chú ý, là Nhung kém vẻ vui tươi hơn mọi ngày. Nàng ít nhìn Thọ, và mỗi khi nhìn, đôi mắt trong đen như lộ vẻ oán trách, van lơn.

    Giờ ra chơi. Một người cu ly xe vào lớp nói với Thọ:

    - Bẩm ông, có người hỏi ông ở ngoài cửa trường.

    Thọ ra cửa, ngạc nhiên, vì thấy Thuật đứng lấp ở đằng sau xe. Thuật mỉm cười:

    - Bây giờ em phải đi Hà Nội ngay, vậy đến để chào ông.

    - Đi ngay ư? Tôi cám ơn nhé.

    Hai người đứng nhìn nhau độ một phút. Thọ nói:

    - Thôi ra ga đi, kẻo nhỡ tầu.

    - Còn sớm.

    - Không sớm đâu!

    Rồi Thọ chào Thuật, quay trở vào. Thọ miễn cưỡng nói mấy câu ấy để đẹp lòng Thuật trước mặt người cu ly đứng liền ngay đấy. Thọ không muốn làm bẽ mặt một người đàn bà, dù đối với hạng người không cần phải giữ lễ độ.

    Trong sân trường, một bọn học trò xúm lại bên hàng rào nhìn Thuật. Khi thấy Thọ vào, họ tản ra, mỗi người đi một ngả. Thọ biết rằng họ chăm chú nhìn mình, nhưng chàng vẫn giữ vẻ mặt tự nhiên, qua lại trong sân, rồi đứng xem bốn cậu học trò nhỏ đá cầu truyền.

    Quả cầu làm bằng dăm cái lông gà cắm chặt vào mấy miếng da mỏng cắt tròn bằng đồng bạc. Có thầy giáo đứng xem, bốn cậu ganh nhau chơi hay. Một cậu đá kém phải cúi xuống nhặt cầu để giao cho người bạn bên phải luôn, hổ thẹn, mặt đỏ gay. Các cậu học trò bé thường có tính cả thẹn. Chơi một mình với nhau, các cậu rất dửng dưng được thua không cần. Nhưng khi có thầy giáo đứng xem, các cậu thấy ngượng, cố sức, được thì hớn hở, thua thì bẽn lẽn. Là vì các cậu cho thầy đứng đấy là để chấm tài cao thấp của mình, các cậu tin tưởng rằng chơi giỏi hay không cũng có ảnh hưởng đến tình yêu của thầy đối với các cậu. Các cậu học trò bé chỉ muốn được thầy yêu. Khi thầy sai một việc, các cậu hết sức và vui lòng làm. Có cậu cho đó là một sự vinh hạnh. Cái tính ấy giảm dần mỗi khi các cậu lên một lớp trên. Đến lớp nhất các cậu sẽ cho sự thầy sai là khó chịu, bó buộc phải làm. Ở̉ lớp ấy, có cậu thấy thầy yêu lại thẹn với chúng bạn.

    Ba tiếng trống làm cho sân trường đang ồn ào bỗng trở nên yên lặng. Học trò lớp nào chạy vội đến cửa lớp ấy xếp hàng đôi, bé đứng trên, nhớn đứng dưới. Thầy giáo ra hiệu: học trò thong thả lặng lẽ vào lớp.

    Qua giờ luân lý đến giờ viết tập. Khi chấm đến sách Nhung, Thọ thấy trên tờ giấy thấm của nàng có chữ "Thuật" viết bằng bút chì, tuy bị nhiều nét ngang dọc xoá đi, nhưng vẫn còn rõ. Thọ nhận đích là chữ Nhung viết. Chàng ngẩng lên nhìn Nhung, thấy Nhung cúi nhìn chỗ khác, mặt có vẻ buồn.

    Thọ thấy trong lòng rạo rực.

  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 4
    Buổi chiều hôm ấy, đi dạy học, Thọ một mình đi bước một trên con đường Tam Đảo. Chàng cảm thấy mình buồn, cái buồn bâng khuâng, không căn cứ.

    Gió chiều hiu hắt thổi, lướt trên những ngọn cỏ hai bên đường. Á́nh nắng vàng úa nhạt dần. Mặt nước đầm Láp trong suốt, lặng yên. Đằng xa, một đám mây trắng nhẹ nhàng chởn vởn ngọn Tam Đảo.

    Thọ đứng tựa lưng vào một cột dây thép, trông xa về phía đường Hà Nội. Chàng nghĩ đến cử chỉ của Nhung buổi sáng hôm nay. Cớ sao Nhung buồn? Vì cớ gì Nhung lại viết chữ "Thuật" lên tờ giấy thấm và để cho Thọ trông thấy. Nhung yêu Thọ ư? Thọ vẫn nhận thấy tia sáng lạ lùng trong mắt Nhung mỗi khi Nhung nhìn mình. Mỗi khi ra về, Nhung thường chạm vào chiếc áo thâm của Thọ treo ở mắc, gần chỗ nàng ngồi. Cái cử chỉ ấy, bây giờ Thọ cho là cố ý. Một đôi khi Thọ lại bắt gặp Nhung ngồi ngây người ra rồi đôi gò má bỗng ửng đỏ.

    Nhưng... Thọ thở dài... Chàng nghĩ: Nếu quả như thế, thật đáng thương hại cho Nhung. Dù ta có yêu Nhung mười mươi chăng nữa, vì bổn phận, vì danh dự, ta phải hết sức nén tấm lòng yêu ấy và chỉ coi nàng như những học trò khác. Còn Nhung nàng là một người con gái yếu ớt, chắc sẽ phải đau khổ ngấm ngầm...

    Có tiếng người nói chuyện ở đằng sau, Thọ quay lại, thấy chị em Nhung bước tới.

    Chị em Nhung cúi đầu chào Thọ. Thấy Nhung vui tươi với chị, Thọ mừng. Chàng bỗng phì cười một mình với ý nghĩ: "Ta rõ khéo lẩn thẩn cái gì cũng chỉ vơ lấy phần mình. Biết đâu Nhung buồn không vì một lẽ khác. Biết đâu không vì sự tinh ranh Nhung đã viết chữ Thuật lên tờ giấy thấm rồi lại xóa đi. Nhung vốn là cô gái vui vẻ tự nhiên kia mà..."

    Rồi Thọ lại đi bước một giở về. Giữa đường Thọ gặp Hùng đi xe đạp tới. Hùng mỉm cười nhìn Thọ rồi đạp thẳng. Lên khỏi dốc Định Trung, Hùng nhìn xa về phía trước mặt, nhưng không thấy hai chị em Nhung đâu cả. Hùng quay lại, xuống xe, lên đồi Văn Miếu. Chàng vào chơi nhà cụ kép dạy ở trường Định Trung, nhưng lại ra ngay. Chàng rẽ sang bên phải Văn Miếu, thấy trên bãi cỏ, dưới một gốc cây. Nhung nằm ngả vào lòng chị, tay mên mê quả tim vàng đeo ở ngực. Chàng sẽ lùi lại, đứng khuất vào sau bức tường.

    - Nhung này, ông giáo Thọ hay nhỉ! Một mình ra đứng tựa cột đèn. Chắc lại tơ tưởng gì hẳn.

    - Thầy ấy thế mà đáo để lắm, chị ạ. Sáng hôm nay ra đứng nói chuyên với con Thuật ở cửa trường đấy.

    - Con Thuật cô đầu ở nhà Hòa trong làng ấy à?

    - Chứ còn ai...

    Hùng ở sau bức tường bước ra, tự nhiên như người đi chơi mát vô tình. Phượng - chị Nhung - trông thấy trước, sẽ bấm Nhung ra hiệu. Nhung quay lại thấy Hùng, nàng lại điềm nhiên nằm nguyên như cũ. Nàng cầm tay chị sẽ nói:

    - Buồn cười nhỉ? Chị.

    Hai chị em khúc khích cười.

    Hùng bẽn lẽn lại gần hỏi:

    - Hai cô có gặp ông giáo Thọ lên đây không ạ?

    - Không.

    Thấy Phượng trả lời vắn tắt có một tiếng, Hùng chán nản xuống đồi. Chị em Nhung nhìn theo, khinh bỉ.

    Hai nàng vốn ghét Hùng là tay ăn chơi phóng lãng, nên không cần giữ lễ phép. Hùng sở dĩ không dám buông lời lả lơi như đối với các cô gái khác, vì còn e nể thân phụ hai nàng là một cụ tuần về hưu trí, rất có thế lực ở tỉnh Vĩnh Yên.

    Chiều tối dần, Phượng và Nhung đứng dậy dắt tay nhau về.

    Một buổi sáng mùa đông. Thọ đến trường đã thấy Nhung đang ngồi trong lớp đan chiếc áo len trắng. Trên bàn, trước mặt Nhung, có cái khăn san mầu phấn hồng. Thấy Thọ vào, Nhung vừa đứng dậy vừa thu chiếc khăn san cất vào ngăn bàn. Rồi nàng đem lên đưa cho Thọ một mảnh giấy gấp tư và nói:

    - Thưa thầy, khi con đến lớp, đã thấy mảnh giấy này để ở ngăn bàn, ngay chỗ con ngồi. Vậy con đem lên trình thầy.

    Thọ mở ra xem:

    "Thưa quý nương,

    Nếu không có tấm lòng sắt đá, chắc quý nương cũng hiểu tình yêu là gì, và cũng thấu rõ tấm lòng đau khổ của kẻ si tình. Tôi đã nghĩ kỹ lắm mới dám viết bức thư này, vì nếu không làm thế, thật không còn cách nào có thể làm cho quý nương đoái thương đến tôi được. Tôi là người hàng ngày được giáp mặt quý nương mà chưa được cái diễm phúc quý nương để ý tới.

    Xem xong thư, nếu quý nương không nỡ chau mày xé bỏ, chiều hôm nay xin mời quý nương rời gót ngọc lên đồi Định Trung, sau Văn Miếu. Tôi sẽ chờ quý nương tại đó và cảm tạ quý nương vô cùng."

    Xem xong, Thọ hỏi Nhung:

    - Chị xem thư này chưa?

    - Thưa thầy đã.

    - Vậy chị nghĩ thế nào?

    - Con định chiều hôm nay, con và chị con lên đồi Định Trung xem sao. Nếu gặp người ấy chúng con sẽ có cách.

    - Để tôi hỏi xem đã.

    Rồi Thọ gọi loong-toong nhà trường lên hỏi:

    - Sáng hôm nay anh mở cửa lớp lúc nào?

    - Bẩm ông, lúc bẩy rưỡi.

    - Ai vào lớp trước nhất?

    - Bẩm ông, cậu Thăng vào trước, nói là để tìm quyển sách bỏ quên hôm qua. Cậu Thăng ra khỏi một lúc thì cô Nhung đến.

    Thọ gọi Thăng đến hỏi. Trước Thăng còn chối, sau vì sợ phạt, phải thú thật:

    - Thưa thầy, hôm qua ông phán Hùng cho con hai hào, rồi bảo con, để bức thư ấy vào chỗ chị Nhung, không cho ai biết.

    Thăng và người loong-toong ra khỏi lớp, Nhung nói:

    - Thưa thầy, trước con cũng hơi đoán ra, nhưng không rõ mặt chữ nên không dám chắc, vì con vẫn biết ông Hùng là người không đứng đắn. Nhiều khi chị em con đi chơi, ông ấy thường theo sau, rồi vượt đi lên, có lúc làm như vô tình đi lại chỗ chúng con đang ngồi chơi mát. Vậy bây giờ thầy bảo con nên làm cách nào?

    - Những người như thế chẳng cần để ý tới. Nếu mình đứng đắn, không bao giờ họ dám làm điều gì phạm đến phẩm giá mình được.

    Nhung nũng nịu:

    - Nhưng con tức lắm kia.

    Thọ mỉm cười:

    - Rồi tôi sẽ tìm cách làm cho ông phán ấy tỉnh ngộ lại.

  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 5
    Thọ đi dạy học về, thấy ở trên bàn có ba bức ảnh của một người con gái: một bức chụp ngồi, một bức đi che ô và một bức đứng. Cả ba đều khổ rộng 18x24. Thọ lấy làm lạ, gọi thằng nhỏ lên hỏi:

    - Những ảnh của ai đây?

    - Thưa ông, ảnh của cô Bình đấy ạ.

    - Cô Bình nào?

    - Cô Bình con ông phán làm ở sở lục lộ, nhà ở trên nhà ta một ít.

    - Nhưng sao cô ấy lại để ảnh ở đây?

    - Cô ấy vào sai con đi mua hộ ba xu ô mai. Rồi cô ấy gửi ảnh ở đây, nói chốc nữa sẽ lại lấy.

    Thọ cho là một cử chỉ rất lố lăng của một người con gái quá lãng mạn. Chàng chắc thế nào Bình cũng sẽ lại. Chàng định sẽ giảng cho cô một bài học hay về tư cách của người con gái. Nhưng sau chàng lại cho làm thế là không tiện. Để Bình vào nhà có lẽ gây cho người cùng phố một mối dư luận. Vả lại Bình là con gái một người bạn của Thọ - dù chỉ là người bạn làm việc một tỉnh, không thân mật gì, chàng cũng phải xử sự cho hợp lẽ.

    Thằng nhỏ vẫn đứng đấy, nói một mình:

    - Cô ấy béo thế mà chụp ảnh trông xinh quá.

    Thọ cười bảo nó:

    - Mày đem giả cô ấy những ảnh này. Từ rầy tao đi vắng, không được bỏ nhà cho người khác mà đi, biết chưa?

    Thằng nhỏ vâng, rồi cầm tập ảnh chạy ra ngoài cửa.

    Một ông già chừng ngoài bảy mươi tuổi, râu tóc trắng nuột, bước vào nhà, chào Thọ:

    - Bẩm cụ.

    - Cháu không dám, mời cụ ngồi chơi.

    Thọ rất ngượng về lối xưng hô của ông cụ. Với tuổi hai mươi, Thọ chỉ đáng vào bực cháu ông cụ, thế mà ông cụ lại gọi chàng bằng "cụ". Vậy Thọ gọi lại thế nào cho phải? Đối với một người làm việc nhà nước trẻ tuổi như Thọ, người ta đã dùng nhiều lối xưng hô, tùy theo từng hạng người. Người thiệp đời thì gọi Thọ bằng "ông", người quê mùa chất phác gọi chàng bằng "cụ", người không quen biết bao giờ gọi chàng bằng "cậu", người hay nịnh hót tôn chàng lên chức "quan lớn". Còn gọi chàng bằng "thầy", ngoài học trò ra không kể, có hai hạng người nữa: hạng cha mẹ học trò gọi thay con vì cái lễ tôn thầy và hạng coi thường Thọ. Người làm việc bề trên thường có lối gọi người dưới quyền mình bằng "thầy" của hạng "kẻ cả", và sợ nhất tiếng "quan lớn" của bọn quá tâng bốc chàng. Đối với những người này đã nhiều lần Thọ phải bực mình và nói rõ cho họ biết: "Xin ông đừng gọi tôi là "quan lớn" thẹn cho tôi lắm, vì tôi có làm quan đâu".

    Cụ già chắp tay nói:

    - Bẩm cụ, tôi có thằng cháu muốn xin cho nó vào học cửa cụ.

    - Cháu năm nay lên mấy, thưa cụ?

    - Bẩm cháu tuổi Tuất.

    - Cháu đã biết đọc quốc ngữ chưa?

    - Bẩm cháu mới học hết quyển Tam tự kinh, chưa biết quốc ngữ.

    - Cháu có đi với cụ không?

    - Bẩm có.

    Rồi ông cụ vừa chạy ra cửa vừa gọi to:

    - Tuất ơi! Vào đây cháu.

    Thằng Tuất ở ngoài bước vào, rụt rè đứng ở cửa. Nó độ tám, chín tuổi, hơi gầy, đầu mới cạo trọc, mặt dài, cằm nhọn. Nó mặc chiếc áo vải thâm tây còn bóng vì chưa giặt lần nào, và chiếc quần chúc bâu còn cồm cộp những hồ. Tay phải nó cầm một quyển vở bìa đỏ, lọ mực buộc ở đầu dây treo lủng lẳng vào một ngón tay. Còn bút và thước, nó cuộn tròn vào một tờ giấy, cầm ở tay trái.

    - Kìa, cháu chào cụ đi.

    Tuất cúi hẳn đầu xuống, hai tay chụm lại chào Thọ:

    - Lạy cụ ạ.

    Thọ phải cắn lấy môi dưới để nhịn cười:

    - Chiều cụ cho cháu đến học và cho tôi xin bản khai sinh của cháu.

    - Bẩm vâng.

    Rồi ông cụ từ từ đứng dậy, móc ở túi ra tờ giấy bạc một đồng, gấp làm tám. Cụ để chén nước ở trước mặt ra bàn, mở rộng tờ giấy bạc ra, để lên trên chiếc đĩa tách, rồi chắp hai tay lại sẽ nói:

    - Bẩm cụ, cháu được vào cửa cụ, gọi tấm lòng thành, xin cụ nhận cho.

    - Ấ́y chết, sao cụ lại thế. Không bao giờ chúng cháu nhận như thế đâu. Cụ cứ việc cho cháu đến học.

    - Có thế, cháu nó học mới chóng tấn tới.

    Thọ cười:

    - Cụ cầm về để mua sách cho cháu. Cần nhất là nó phải chăm học.

    Ông cụ còn nài hai ba lần nữa, mới gấp tờ giấy bạc lại, cẩn thận bỏ vào túi, chào Thọ rồi lùi ra cửa. Thằng Tuất theo sau.

    Thọ chép miệng: "Ông cụ ngồi tí nữa thì mình đói lả mất".

    Thằng nhỏ bưng cơm lên. Trong khi Thọ ăn cơm, nhỏ thỉnh thoảng lại cười một mình. Thọ hỏi:

    - Mày cười gì thế?

    - Con buồn cười cô Bình quá.

    - Sao?

    - Con đem giả ảnh. Cô ấy hỏi: "Có ai xem ảnh không". Cô ấy thích chí, nói với con: "Tôi cám ơn cậu nhé!"

    Nghĩ một tí, thằng nhỏ nói tiếp:

    - Ông cứ viết thư cho con đem đi, chắc thế nào cô ấy cũng bằng lòng.

    - Mày đừng nói láo.

    Nhưng thấy thằng nhỏ láu, Thọ không nhịn được cười.

    Một ngày chủ nhật. Thọ sắp sửa đi chơi thì Thúy, Lại, Hùng, và Tăng dến. Tăng là ông giáo dạy lớp nhì, năm thứ hai, Lại mời Thọ đánh tổ tôm. Vì có ba người kia nói thêm vào, Thọ phải nhận lời. Thọ nói:

    - Chơi nhỏ thôi cho vui.

    Tăng:

    - Phải đấy. Góp hội một đồng.

    Lại:

    - Góp hội một đồng thì buồn chết. Í́t nhất cũng phải ba đồng.

    Thúy và Lại là hai tay có tiếng ở đất Vĩnh. Thọ mới tập đánh. Trong khi chơi Thọ thấy Lại bắt bẻ từng ly, từng tý, xét bài của người ù rất cẩn thận. Nhiều khi bắt bẻ người ta xong, Lại mỉm cười, rồi nói: "Rõ khỉ! Mình hay nhanh mồm miệng. Thôi tùy làng đấy!" Nhưng còn ai lạ gì làng tổ tôm nữa. Người nào đánh tổ tôm mà biết bênh vực cho người ù nếu người này chơi còn kém, thật là người can đảm và ít có. Vì nếu để một người ù có lỗi được lấy tiền, tức là cả làng, nghĩa là bốn người kia, đều thiệt. Bởi thế trong làng tổ tôm thường có hai hạng người: hạng hay sói mói và hạng nhìn người ta sói mói.

    Nhiều người cho chơi tổ tôm là thanh nhã, cao thượng. Hãy mời các ông ấy chui xuống một hội, không góp tiền, xem sao. Các ông ấy sẽ không thể chơi nổi đến ván thứ năm: các ông ấy sẽ hiểu rằng có tiền mới vui và càng nhiều tiền càng vui. Đánh bạc mà cho là thanh nhã, thật là làm sai lạc cả nghĩa chữ. Trong đám bạc, giữ đủ phép lịch sự với nhau đã là khó lắm.

    Một lần, Thọ đánh một quân bài ra, Tăng ù bạch định. Lại đòi xem bài Thọ. Thọ nghĩ: "Đối với hạng người không lịch sự mà mình giữ phép lịch sự thì thật là ngốc..." Rồi chàng vứt bài xuống chiếu, cười mát hỏi Lại:

    - Định xem bài để bắt đền kia à?

    Lại hơi đỏ mặt, gượng nói:

    - Nếu đánh hớ thì bảo thêm cho một nước cao, chứ ai bắt đền.

    Hùng lên bài thấy xấu quá, gập lại, không đánh ván ấy. Chàng ra bàn giấy của Thọ, thấy có một tờ giấy, liền giở ra xem. Nét mặt Hùng hơi đổi. Thọ vội nói:

    - Xem giấy ấy làm quái gì?

    Hùng:

    - Giấy ai viết mà hay thế này.

    - Giấy đứa nào nó viết cho con Nhung ở lớp tôi. Nó nhờ tôi tra xem chữ ai để về nói với thầy nó.

    - Thế đã tra ra chưa?

    - Tra làm gì, vì thư không đề cho ai và cũng không có tên người gửi.

    Hùng chịu luôn ván nữa. Chàng nghĩ: "Thảo nào... Hôm ấy mình lên đồi mất công; mình cứ tưởng thằng Thăng xé thư đi và nói dối là để rồi. Của này khó lòng lắm... Hay là...." Rồi trong trí tưởng tượng của Hùng hiện ra hai người: một cậu con giai lanh lợi thông minh bên cạnh một cô thiếu nữ xinh tươi. Hùng nghĩ đến Thọ và Nhung. "Phải. Hai anh chị ngày nào cũng trông thấy nhau, biết đâu họ không yêu nhau... Lời Bình nói với ta có lẽ đúng chăng". Rồi chán nản, Hùng bỏ dở cuộc tổ tôm.

  6. #6
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 6
    Từ khi Bình để ảnh ở nhà Thọ, hôm nào đi dạy học hoặc ở trường về, Thọ cũng gặp Bình. Có lần Bình đi sau, lại lên tiếng để Thọ quay lại.

    Một buổi tối sáng trăng, Thọ đi xem hát qua nhà Bình, thấy Bình đứng ở cửa nói:

    - Nhận được cái giây thép đề là: Tante Malade, chẳng biết tante là mợ, là dì, hay là cô nữa.

    Nhưng thấy Thọ vẫn giữ vẻ mặt tự nhiên, không để ý gì đến mình, Bình chán, rồi ghen, rồi tức. Nàng nói chuyện với Hùng: "Nhung và Thọ yêu nhau lắm".

    Làm người con giai, ai chẳng yêu gái. Nếu Thọ không yêu mình, tức là đã yêu người khác; mà người ấy, ngoài Nhung ra thì còn ai nữa. Bình thường nghĩ như thế.

    Bình muốn tìm cách dèm pha Nhung và Thọ để cho hai người ghét nhau, nhưng lại không dám. Vả lại Bình cũng chưa chắc hai người có yêu nhau thật không. Nàng thường hỏi dò các học trò ở lớp nhất mà nàng quen biết. Nhưng ai cũng khen Nhung học giỏi, nhu mì, và Thọ rất chịu khó, đứng đắn. Trong lớp không ai nhận được điều gì có thể nghi cho hai người có tình riêng với nhau được. Hoặc có kẻ nói: Nhung thường đứng dậy hỏi Thọ về các nghĩa sách luôn và Thọ giảng cho nàng rất rành mạch kỹ lưỡng. Còn Thọ thì hay gọi Nhung đọc bài, hỏi Nhung và khen Nhung. Nhưng cái đó là sự thường: Nhung chỉ là học trò ham học, ham biết; mà Thọ yêu Nhung, săn sóc đến Nhung cũng như yêu và săn sóc đến các học trò chăm và ngoan khác trong lớp.

    Có một điều mà ngoài Thọ ra không ai biết được, vì Nhung ngồi đầu bàn nhất, là mỗi khi Nhung nhìn Thọ, Thọ thấy đôi mắt nàng có vẻ âu yếm, nồng nàn, đắm đuối lạ thường. Nếu đôi mắt thực là cái gương phản chiếu tâm hồn người ta, thì những khi Nhung nhìn Thọ như thế, chắc trong lòng không thể không rạo rực được. Thọ không dám nhìn thẳng vào đôi mắt Nhung lâu bao giờ. Chàng chỉ sợ đôi mắt lưu luyến ấy có thể làm cho chàng không giữ nổi thái độ đứng đắn của một ông giáo trước mặt học trò. Làm người ai không đủ thất tình. Hơn nhau chỉ ở chỗ có thể nén được ý muốn của mình.

    Hùng và Bình ngồi sánh vai nhau trên đồi Định Trung, ngay chỗ chị em Nhung ngồi hôm trước. Tuy ngồi với Bình, nhưng Hùng cố tưởng tượng như người bên cạnh mình là Nhung, rồi chàng dịch sát vào Bình mơ mộng.

    Ngọn gió heo may vi vút từ ngàn Tam Đảo kéo đến. Hùng ôm chặt lấy Bình, âu yếm hỏi:

    - Em Nhung anh có rét không?

    Bình nhìn thẳng vào mặt Hùng hỏi, giọng hơi gắt:

    - Em Nhung nào, Nhung con cụ tuần ấy à? Người ta yêu thầy giáo người ta chứ ai người ta yêu mình mà mơ màng.

    - Anh có nói Nhung đâu, anh hỏi em Bình yêu quý của anh kia mà.

    Nhưng Bình chẳng lộ vẻ vui mừng chút nào. Nàng chẳng lạ gì bụng Hùng nữa.

    Thực ra, Bình và Hùng thường đi đôi với nhau, to nhỏ với nhau, nhưng chẳng ai yêu ai. Hai người sở dĩ trở nên đôi "tình nhân bất đắc dĩ" ấy, vì cùng chung một cảnh ngộ. Bình yêu Thọ nhưng không được Thọ yêu. Hùng yêu Nhung nhưng không được Nhung để ý tới. Trong cảnh đau lòng, người ta cần phải có bạn để rãi bày tâm sự. Bởi thế nên Bình, Hùng trở nên đôi bạn. Nhưng đôi bạn này thường ngỏ tâm sự với nhau một cách rất kín đáo. Trong câu chuyện Bình và Hùng thường nhắc đến Nhung và Thọ, kể xấu hai người ấy, ghét cay ghét đắng hai người ấy. Nói là ghét thôi, chứ thực ra, Hùng muốn nói đến Nhung và Bình muốn nói đến Thọ vì tiếng "Nhung" đối với tai Hùng vẫn êm ái như tiếng "Thọ" đối với tai Bình. Lòng người thật lắm cái éo le. Những lúc Bình và Hùng lặng yên, mỗi người nhìn một ngả, là lúc hai người cùng quên nhau và cùng sống trong mộng tưởng êm dịu: Hùng tưởng tượng như mình ngồi với Nhung, và Bình mơ màng như Thọ ở bên mình. Nhưng cái tình yêu của cô con gái nó âm thầm kín đáo, chứ không bồng bột sôi nổi như tình yêu của cậu con giai. Vì vậy nên trước mặt Bình, Hùng thường mơ màng, nói ra lời, những khi quá tưởng nhớ đến Nhung.

    Hùng đang ngồi với Bình, bỗng đứng dậy đi ra chỗ đầu dốc, trông ra phía tỉnh một lúc. Chàng cúi xuống, nhặt một mảnh ngói vạch vội lên ngói mấy chữ, rồi lại rủ Bình xuống đồi, đi về phía chùa Hà.

    Từ phía tỉnh đi lại, Nhung khoan thai nhẹ bước, yểu điệu, thướt tha với chiếc quần cẩm châu trắng, chiếc áo nhung boóc đô. Hai đầu khăn san phấn hồng phất phới theo chiều gió bay lướt về một bên. Đôi giày cao gót làm cho người Nhung thêm uyển chuyển mỗi khi nàng đặt bước. Nhung đẹp thật, dù nhà thi sĩ có tài đến đâu và giàu tình cảm đến bực nào cũng không thể tả nổi cái sắc đẹp của Nhung và làm cho ta cảm động bằng khi ta nhìn Nhung lúc ấy. Đứng trước cái công trình tuyệt xảo của hóa công ấy, nhà họa sĩ có tài cũng đành khoanh tay, biết ngòi bút của mình không thể vẽ nổi hết cái tinh thần trong vẻ đẹp mặn mà kín đáo ấy.

    Theo thói quen, Nhung rẽ lên đồi Định Trung. Nàng thích ngồi trên bãi cỏ, lặng ngắm dãy núi Tam Đảo mờ tỏ trong mây. Một con trâu thung dung đi trong ruộng, làn khói chiều tỏa rộng trên mái nhà tranh, như ngập ngừng chưa muốn lẩn vào sắc trời mây xám nhạt, tiếng chim tíu tít dìu dặt trên cành, ngọn cỏ mềm mại, nép mình dưới làn gió nhẹ, đều có thể làm cho lòng Nhung phơi phới. Có lúc nàng ngồi đến hàng giờ nhìn áng mây chiều biến hình đổi sắc, tâm hồn man mác.

    Khi lên gần hết dốc, Nhung bỗng dừng chân, chăm chú nhìn xuống đất. Nàng nhận thấy hai chữ "Nhung Thọ" viết bằng gạch non, sát lại với nhau. Nhung hơi chau mày, rồi lại mỉm cười ngay. Nàng toan lấy chân xóa đi, song lại không nỡ đặt giầy lên trên hai chữ ấy. Nàng ngồi xuống định lấy giấy để xóa, nhưng trong túi nàng, ngoài chiếc mùi xoa lụa mỏng, chẳng còn thứ gì. Nàng liền cầm lấy mảnh ngói gần đấy, viết chi chít hai chữ "Nhung, Thọ" lấp lên hai chữ kia. Khi biết người ta không thể nhận ra chữ gì được nữa, nàng mỉm cười đứng dậy. Nàng cũng không hiểu tại sao nàng thấy sung sướng.

    Nhung khoan thai lên đồi. Khi vòng ra phía sau Văn Miếu, nàng bỗng gật đầu để chứng thực cho ý nghĩ của mình, vì nàng nhìn thấy Bình và Hùng đang đi ở dưới chân đồi, về phía chùa Hòa. "Phải chẳng Hùng thì còn ai viết mấy chữ kia nữa. Khi ta đi ở dưới đường, thấy trên dốc đồi có người đứng, ta vô tình không biết là hắn. Nhưng hắn viết thế để làm gì? Có lẽ chắc thế nào ta cũng lên đây hắn viết thế để trêu tức ta, cho ta với thầy giáo có tư tình với nhau chăng?" Nghĩ thế rồi Nhung nói nhỏ một mình: "Hừ! Tư tình!... Hắn tưởng ai cũng như hắn đấy..."

  7. #7
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 7
    Từ khi Thọ đến Vĩnh Yên, Nhung học tấn tới lắm. Nàng làm việc rất chăm chỉ. Lắm lúc thấy mình có cái cảm tưởng ngộ nghĩnh là làm việc cốt để cho Thọ được vui lòng, chứ không phải cốt ích lợi cho mình, nàng phì cười.

    Nhưng tối hôm nay, Nhung thấy tâm hồn chán nản. Nàng tuy ngồi cúi mặt xuống quyển sách để trên bàn, nhưng chẳng học được một chữ gì. Nàng vơ vẩn nghĩ mãi đến phong thư Thọ nhận được buổi chiều. Thư ấy quyết không phải của một người bạn giai. Cái phong bì kiểu nhỏ, mầu tím nhạt, tờ giấy viết thư cùng màu, chung quanh có kẻ vạch tím thẫm, mùi nước hoa thơm mát thoang thoảng trong thư đưa ra, chứng rõ rằng thư ấy là của một bạn gái đa tình. Nhung thở dài, gập quyển sách lại, chép miệng nói một mình:

    - Học làm gì nữa...!

    Uể oải, Nhung cởi chiếc áo ngoài vắt lên thành ghế, rồi lên giường nằm.

    Bên ngoài gió thổi mạnh, vù vù qua khe cửa chớp, kéo dài ra như tiếng rên rỉ của một con vật kỳ quái.

    Nhung tuy không phải trải cái lạnh của đêm đông nó buốt thấu đến tận xương, nó làm cho ta phải run lên bần bật, vì phòng ngủ của nàng vừa nhỏ vừa kín, nàng lại nằm trong chiếc giường gọng đồng êm ấm, trên đắp chiếc chăn bông dầy mền gấm, nhưng nàng cảm thấy đời nàng lạnh lẽo cô đơn. Nàng không bao giờ ngờ vực tấm lòng âu yếm của cha mẹ và chị nàng đối với nàng; nàng không quên nàng sống trong cảnh phú quý; nàng cũng tự biết là nàng đẹp lắm. Nhưng nàng thấy đời nàng còn thiếu một thứ gì quý hơn cảnh giầu sang, đầm ấm hơn tình yêu thương của cha mẹ và chị, nó làm cho sắc đẹp của nàng thêm vẻ tôn quý. Nàng chỉ cảm thấy thế thôi, chứ cũng không nhận rõ cái nàng thiếu ấy là cái gì.

    Bỗng Nhung thở dài: "Lạ! Đêm nay ta làm sao thế này. Thầy giáo ta nhận được bức thư kia phỏng có can thiệp gì đến ta mà ta phải nghĩ đến mãi, dù thư ấy là của một cô gái đẹp, tình tứ! Thầy giáo ta dậy ta học; ta học là lợi cho thân ta, cớ sao ta lại dỗi với thầy mà không học bài. Vả lại thầy có làm mếch lòng ta điều gì đâu mà ta dỗi. Thầy chỉ nhận được có một bức thư của ai gửi đến".

    Rồi như chợt nhớ ra điều gì, nàng mỉm cười nói nhỏ một mình: "Ừ. Thư ấy có lẽ không phải của gái, vì lúc giờ ra chơi, thầy ta mở ra đọc, không những không lộ vẻ vui mừng, nét mặt lại hơi cau có khó chịu. Vậy thư ấy của ai? Sao lại có mùi nước hoa".

    Ý́ nghĩ của Nhung cứ quanh quẩn mãi bên bức thư của Thọ. Nàng biết thế là vô lý mà vẫn không quên được. Nàng tự trách nàng là hay nghĩ vơ vẩn, mà nàng cứ nghĩ vơ vẩn hoài, như bức thư đó có quan hệ mật thiết đến sự yên vui của đời nàng.

    Sợ ngày mai Thọ gọi đọc bài, không thuộc sẽ thẹn với chúng bạn. Nhung mấy lần toan bỏ chăn ngồi dậy học, nhưng lại thôi. Nàng tự nhủ:

    - Nói dối rức đầu không thể học được, thế là êm chuyện.

    Nhung cố nhắm nghiền mắt lại, nhưng vẫn không ngủ được. Nàng nghĩ mãi đến hai điều mà nàng cho là trái ngược nhau: Một là trong thư có mùi nước hoa, vậy là thư của gái. Hai là đã là thư của gái, của người yêu, sao lúc đó, Thọ lại có vẻ bực tức.

    Nào Nhung có biết đâu rằng thư ấy là của Thuật; nàng biết đâu rằng đối với Thuật, một cô gái bất cứ ai cũng có thể gần được, miễn là có tiền, Thọ chẳng có một chút cảm tình.

    Đêm hôm Thọ đi nghe hát với Thúy và Lại, mới gặp nhau buổi đầu, Thuật đã quyến luyến với Thọ, yêu Thọ, mê Thọ. Bởi thế, nên trước khi về Hà Nội, Thuật dám đến tận cửa trường chào Thọ; rồi khi về đến Hà Nội, nhớ Thọ quá, lại viết thư cho chàng. Một người con gái bất cứ thuộc về hạng nào, viết thư trước cho giai là một sự ít thấy. Có người bảo thế là dại, vì nếu ở đời cái gì có khó mới quý, thì đối với người mình gửi thư cho phẩm giá của cô gái kia cũng chẳng đáng là bao.

    Vả lại, Thọ không như nhiều người con giai khác, hễ thấy gái là thích. Thọ chỉ ước ao gặp một người bạn gái có sắc đẹp dịu dàng, thùy mị, có học, và cùng tư tưởng với chàng. Nếu không đủ các tính cách ấy, thì đối với Thọ, một người con gái cũng chẳng khác gì một người con giai, nghĩa là không thể làm cho chàng cảm động được, sự cảm động của đôi trai gái yêu dấu đứng trước mặt nhau.

    Bởi thế nên Thọ rẻ Thuật, và lúc xem thư của Thuật, chàng bực mình vì những lời nũng nịu âu yếm mà chàng cho là giả dối, vô nghĩa lý. Muốn êm chuyện, Thọ không trả lời Thuật.

    Sáng hôm sau, Nhung đến lớp sớm. Lúc ấy học trò chưa một ai đến. Trên bàn giấy của Thọ, Nhung còn thấy phong thư hôm qua để trên một quyển sách. Có lẽ lúc về, vì vô ý hay vội vàng, Thọ đã bỏ quên ở đấy. Nhung nghĩ ngợi suy xét, đo đắn, ngần ngại, rồi, như bị một sức mạnh sai khiến, nàng đứng ngay dậy, lên bàn cầm lấy phong thư. Thoạt nhìn, nàng đã buông một tiếng: "À!..." Vì ở trên đầu phong bì, góc bên trái, nàng thấy đề: "Của Thuật ở Vạn Thái".

    Nhung vội vàng lấy thư ra xem:

    "Vạn Thái ngày...

    Anh Thọ,

    Mới cùng nhau một đêm gặp gỡ, mà khiến em đã ngẩn ngơ lòng. Vậy ba sinh chắc hẳn duyên giời chi đây!

    Anh ơi! Xin anh đừng coi em là hạng cô đầu mà nghĩ đến câu: "Cuốn chiếu hết nhân tình" thì đau lòng em lắm. Thật quả em quý anh, trọng anh, kính anh, yêu anh. Cái tình cảm em đối với anh chẳng có chút gì giả dối.

    Anh ơi! Anh có biết rằng đêm hôm ấy anh ra về, em trằn trọc cho đến sáng không? Nông nỗi ấy vì ai, nếu không phải vì anh?...

    Anh ơi!... "

    Nhung chau mày lẩm bẩm:

    - Đồ khốn nạn! thư với từ.

    Rồi nàng không đọc nốt nữa, lạnh lùng gấp lá thư lại, bỏ vào phong bì, để lên bàn như trước.

    Nhưng nghĩ đến việc mới làm, Nhung thấy mình tầm thường, nhỏ nhen, đáng bỉ. Nàng hối hận, tự trách sao lại có cái cử chỉ xấu xa ấy. Đi xem thơ trộm há phải là tư cách của một người có học, hơn nữa của một cô con gái có giáo dục.

    Thọ ở ngoài sân bước vào, Nhung lấy chiếc áo len đang làm dở ra đan, để che sự xấu hổ. Nàng tưởng tượng như Thọ biết nàng xem trộm thư, khinh nàng. Nàng cắm cúi đan, không dám nhìn Thọ.

    Nhưng tiếng xé giấy làm cho Nhung ngẩng mặt lên nhìn. Thấy Thọ xé nhỏ phong thư của Thuật rồi vứt vào bồ giấy vụn, nàng mỉm cười sung sướng, âu yếm nhìn chàng.

  8. #8
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 8
    Giờ tập vẽ. Trước mặt mỗi người học trò có một quả chuối để làm mẫu. Học trò vừa ngắm mẫu, vừa chăm chỉ vẽ vào vở. Thọ đi đằng sau các cậu, chỉ bảo các chỗ vẽ sai, uốn lại cách ngồi dạy cách ngắm mẫu, cách cầm bút chì, cách gọt bút chì. Các cậu chú ý nghe lời thầy khuyên, hết sức làm đúng lời thầy dạy. Thầy trò vui vẻ làm việc.

    Khi gần hết giờ, học trò vẽ đã xong, Thọ đến chỗ từng người để chấm. Chấm đến bài của ai người ấy đứng dậy nhường chỗ cho Thầy.

    Khi đang chấm bài của Quảng, Thọ nghe tiếng học trò sẽ khúc khích cười; chàng ngẩng lên, thấy mấy người nhìn lên đầu mình. Chàng sờ lên đầu, thấy có một sợi vỏ chuối nhỏ tí. Một cậu bé ngồi bàn dưới đứng dậy, khoanh tay nói:

    - Thưa thầy, anh Quảng nghịch đấy ạ.

    Mặt Quảng đỏ bừng, rồi tái đi. Nó vừa run vừa nói:

    - Thưa thầy con chót dại, xin thầy tha cho con.

    Thọ nghiêm nghị nói:

    - Tôi chấm bài cho anh mà anh hỗn với tôi thế nghĩa là anh không cần tôi. Anh không cần tôi thì mời anh về.

    Nghe giọng Thọ nói quả quyết, Quảng không dám nài thêm, vừa khóc vừa xếp sách vở, rồi chào Thọ ra khỏi cửa lớp.

    Trưa hôm ấy, anh thằng Quảng, thầy nó, u nó, lần lượt đến nhà Thọ xin lỗi cho nó. Với ai, Thọ cũng nói:

    - Tôi rất thương nó. Nhưng nếu tôi để nó học thì ở trong lớp, tôi không thể bảo được các trẻ khác. Tôi không đuổi nó đâu, vì nếu tôi đuổi, tất phải tư giấy lên ông thanh tra, nó sẽ không được vào học một trường công nào nữa. Tôi cho phép nó làm giấy xin thôi, trong sổ tôi sẽ biên tốt cho nó, như thế nó có thể xin vào học trường khác được. Một việc này có thể làm cho nó từ nay dở đi trở nên người rất có lễ phép.

    Mấy người nằn nì nói mãi với Thọ, nhưng Thọ chỉ có bấy nhiêu lời đáp lại. Về sau, thấy Quảng lại đến nói:

    - Thưa ông, con có người bà con thân ở Việt Trì, vậy ông làm phúc xin cho cháu hộ con lên học ở trường trên ấy.

    - Nếu thế thì hay lắm. Tôi sẽ viết giấy lên cho ông Đốc ở trường trên ấy. Thế nào nó cũng được vào học.

    Thế là đối với học trò, Quảng vì nó vô lễ đã phải đuổi. Mọi người ai cũng chăm chỉ và kính trọng thầy. Thực ra, Quảng đã được vào học lớp nhất trường Việt Trì, lấy cớ rằng có người nhà lên buôn bán ở trên ấy. Ở̉ trường Việt Trì, nó là cậu học trò chịu khó và ngoan, đúng như Thọ đã biên trong sổ học của nó.

    Chiều hôm ấy, Nhung kể chuyện Thọ đuổi Quảng cho chị nghe. Phượng nói:

    - Ông ấy thế mà ác nhỉ?

    - Sao lại ác? Đối với học trò, nhất là học trò nhớn ở các lớp trên, không nghiêm không được. Đối với các ông giáo khác, họ nhờn lắm.

    - Mới nói thế mà đã phải bênh ngay. Ai chẳng biết thầy giáo cô...

    Lời nói vô tình của Phượng đã làm cho Nhung nóng bừng cả hai tai.

    Một buổi tối mùa đông. Giời rét buốt. Bên ngoài, gió thổi vù vù. Cách dăm phút lại có luồng gió mạnh lùa qua khe cửa chớp, kéo dài ra, nhỏ dần, rồi lặng hẳn trong sự tịch mịch của đêm đông. Tuy mới tám giờ mà ngoài phố đã ít người qua lại. Qua một lần mây u ám, ánh giăng lờ mờ chiếu xuống, vừa đủ sức sáng cho ta nhìn thấy lối đi và hai dẫy nhà hai bên đường.

    Trước lò sưởi, trên một chiếc ghế thấp, Thọ đang ngồi xem chuyện "Đoạn Tuyệt". Khi xem đến chỗ Loan vô ý giết chồng, chàng thở dài, đặt sách lên đùi, cằm tì vào hai bàn tay ấp lấy má, mắt đăm đăm nhìn những ngọn lửa nhấp nhô, lém dần những thanh củi khô màu trắng hay vàng nhạt. Lửa lém đến đâu, củi đen đến đấy, cháy dần, rồi những mảnh than hồng từ từ lở ra rơi xuống.

    Thọ nghĩ: "Nhất Linh khéo lôi thôi lắm. Cái tài của ông chỉ làm cho ta thêm buồn. Sự thực ở đời đã làm cho ta phải ngang tai chướng mắt, uất ức khó chịu. Nay xem truyện ông, tưởng để mua vui trong chốc lát, ai ngờ lại thấy vẽ ra trước mắt những cảnh ta muốn quên đi. Loan phải lấy Thân, ta đã ức thay. Loan bị mẹ chồng đay nghiến, chị em chồng diếc móc. Ôi! Mỉa mai! Những cảnh ấy ta đã thấy diễn ra nhiều lần trước mắt ta. Thế còn chưa đủ khổ ư? Còn phải ôn lại trong truyện nữa ư? Rồi... vì Loan sơ ý mà chồng Loan chết... Chồng Loan chết! Loan mang tiếng giết chồng! Thân Loan rồi sẽ ra sao? Cuộc đời đầy giẫy những sự xấu xa. Ta chán nản. Ta muốn gặp trong truyện những cảnh êm đềm hơn, những tình cao thượng hơn, để quên trong chốc lát những cái thấp kém của cuộc đời thật... Nhưng nào có được! Các ông viết tiểu thuyết lại cứ muốn chụp lấy những cái thấp kém ấy...".

    Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Thằng nhỏ mở ra. Một luồng gió thổi mạnh vào, khiến Thọ rùng mình ngoảnh ra. Chàng ngạc nhiên nhìn hai thiếu nữ vừa tiến đến vừa lấy tay che mắt vì chói đèn. Hai thiếu nữ mặc quần cẩm nhung trắng, áo nhung đen. Thọ nhận ngay ra là hai chị em Nhung. Chàng bảo thằng nhỏ để hai cái ghế sát vào lò sưởi, mời hai nàng ngồi vào cho ấm, rồi hỏi:

    - Giời rét thế này mà hai cô cũng chịu khó đi chơi.

    Phượng nói:

    - Thưa ông, vì việc cần nên chúng tôi phải đi.

    - Việc gì mà cần thế ạ?

    - Thưa ông, chúng tôi mới nhận được giây thép ở Hà Nội gửi lên, nói bác chúng tôi yếu nặng. Tôi đến xin phép ông cho em Nhung nghỉ mấy ngày, vì mai chúng tôi phải về Hà Nội sớm.

    - Vâng.

    Thọ bảo pha cà phê và với hộp thuốc lá trên bàn mời chị em Nhung. Trong khi ấy, Nhung ngẩng nhìn bức tranh than vẽ chân dung một thiếu nữ treo trên lò sưởi. Thọ nhìn Nhung và nói:

    - Em gái tôi đấy, hiện đang học năm thứ hai trường nữ sư phạm.

    - Vâng. Con trông giống thầy lắm.

    Phượng cũng ngẩng lên nhìn rồi nói:

    - Cô ấy tươi nhỉ! Chắc là vui tính lắm?

    - Cũng vui tính như cô.

    Phượng cười, rồi cúi xuống cho thêm củi vào lò sưởi. Củi nỏ, bén lửa ngay, nổ lách tách, những mảnh than hồng nhỏ tí bay lên.

    Thằng nhỏ bưng cà phê đến. Thọ mời Phượng và Nhung. Phượng cầm quyển Đoạn Tuyệt, dở xem mấy trang, rồi hỏi Thọ:

    - Ông xem xong chưa, cho tôi mượn ít lâu.

    - Vâng. Cô cứ lấy.

    - Tôi đã đọc trong Phong Hóa rồi, bây giờ muốn xem lại.

    Phượng im lặng một lúc, rồi nói, có vẻ bùi ngùi:

    - Cái hạnh phúc của người con gái, thật ở cả tay người chồng.

    - Chính thế. Bây giờ chắc cô kén chọn kỹ lắm.

    Phượng im lặng, nhìn ngọn lửa rỡn nhau trong lò sưởi, và tưởng đến một cuộc đời êm ấm.

    Chuông đồng hồ thong thả buông chín tiếng. Phượng và Nhung đứng dậy xin về. Thọ sai thằng nhỏ cầm đèn đưa hai nàng. Phượng nói:

    - Cám ơn ông. Chúng tôi đi xe đến.

    Cửa vừa mở, đèn xe cũng bật lên, máy xe chạy sình sịch. Chị em Nhung chào Thọ lên xe.

  9. #9
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 9
    >Một tuần lễ sau, cũng vào khoảng tám giờ tối, Thọ đang ngồi chấm bài thì Quảng đến. Thọ hỏi:

    - Hôm nay thứ hai, sao anh lại ở đây? Anh nghỉ học ư?

    - Thưa thầy, con xin phép nghỉ một ngày, vì con có một việc phải trình thầy.

    Thọ chỉ vào một chiếc ghế, bảo Quảng:

    - Anh ngồi chơi. Có việc gì thế?

    Quảng thong thả lấy ở túi ra một phong thư, đặt lên bàn, trước mặt Thọ:

    - Thầy xem thư này thì rõ đầu đuôi câu chuyện.

    Thọ lấy thư ra xem:

    "Anh Quảng,

    Tôi thấy anh phải đuổi, tôi rất thương. Tôi cũng toan xin cho anh, nhưng vì ông giáo Thọ không phải là người tốt, nên tôi lại thôi. Ông ấy dạo này rất ê chệ: ai lại thầy giáo đi chim học trò bao giờ.

    Tối hôm nọ, hai chị em con Nhung đến chơi nhà ông ấy lâu lắm. Chúng nó hư cả nút.

    Tôi muốn báo thù hộ anh. Vậy khi anh còn học ở Vĩnh Yên, anh thấy Thọ và Nhung đối với nhau thế nào, anh kể rõ cho tôi biết. Khi đã có chứng từ trong tay, tôi sẽ viết bài đăng báo, thế nào "anh" cũng phải đổi đi nơi khác, mà "chị" cũng xấu hổ.

    Nếu việc thành, tôi sẽ thưởng tiền cho anh sau. Anh viết thư về cho tôi thì đề:

    Monsieur Nguyễn Đức Hùng

    Secréiaire des Résidences

    Vĩnh Yên"

    Xem xong thư, Thọ sẽ thở dài. Chàng không ngờ lại có chuyện ấy, nhất là thấy Hùng đối với mình vẫn vui vẻ hòa nhã như thường. Lạ! Nào Thọ có làm gì mất lòng Hùng đâu? Chắc hẳn chỉ vì ghen. Thấy Nhung không yêu mình, cho là Nhung yêu Thọ, nên Hùng muốn bêu xấu hai người cho bõ ghét.

    Thọ hỏi Quảng:

    - Thế anh đã giả nhời ông Hùng chưa?

    - Thưa thầy, đã. Hôm qua con nhận được thư thì con giả nhời ngay. Con nói vắn tắt: chị Nhung là người học trò chăm chỉ đứng đắn, thầy là một ông giáo đáng được mọi người kính trọng, ông phán Hùng ở ngoài không biết, không được nghi ngờ. Sau con lại sợ ông ấy tìm cách khác, nên con phải xin phép về báo thầy biết trước để thầy đề phòng.

    - Anh tốt lắm. Tôi đuổi anh, mà anh vẫn nghĩ đến tôi, tấm lòng anh rất đáng quý. Tôi cảm ơn anh. Nhưng anh cứ yên tâm. Họ không làm gì nổi tôi đâu, vì sự thực bao giờ cũng vẫn thắng.

    Quảng vui vẻ chào Thọ lui ra.

    Thọ cất phong thư của Quảng mới đưa cho vào ngăn kéo, rồi lấy thuốc lá hút. Chàng buồn cười về cái cử chỉ của Hùng. Nhưng chàng sẽ không lấy làm lạ, nếu chàng được rõ câu chuyện của Hùng và Bình nói với nhau trên đường Tam Đảo, ngay buổi chiều hôm sau khi Nhung đến nhà chàng.

    Buổi chiều hôm ấy, sau khi ở tòa ra, Hùng rảo bước trên con đường Tam Đảo, Bình đã đứng đợi ở dốc Định Trung. Hai người sánh vai nhau đi, nhưng không ai nói gì. Đằng xa dãy núi Tam Đảo bị mây phủ kín: hai bên cánh đồng trơ trụi gốc rạ lởm chởm; ngang trời, vài con chim bay uể oải đến một nơi xa. Buổi chiều đông gợi trong tâm hồn ta một nỗi buồn khó tả.

    Bình và Hùng rẽ vào một con đường nhỏ bên phải, khuất khúc trong những bụi cây con cằn cỗi. Đến cửa chùa Hà Tiên, hai người ngồi nghỉ trên bờ giếng. Nước giếng chùa Hà có tiếng là trong và ngọt. Ở vùng đấy đã có câu ví: "Trong như nước giếng chùa Hà". Tuy giếng ấy cách tỉnh lỵ những ba cây số, mà các nhà phong lưu và cầu kỳ cũng cho người lấy nước về để pha chè, vì họ cho rằng: pha chè bằng nước ấy thì hương chè tăng lên bội phần.

    Bình và Hùng cùng nhìn xuống giếng. Trên mặt nước im lặng và trong vắt, bóng hai người lồ lộ. Hùng mơ màng tưởng tượng như đứng bên cạnh Nhung, Bình ước ao bóng Hùng hóa ra bóng Thọ. Nàng sẽ thở dài, rồi mỉm cười chua chát, hỏi Hùng:

    - Tối hôm qua anh có biết chuyện gì không?

    - Không. Chuyện gì thế em?

    - Buồn cười lắm. Tối hôm qua, chị em con Nhung đi ô tô đến nhà Thọ.

    - Nhung con cụ Tuần ấy à?

    - Phải. Nhung con cụ Tuần, đến nhà ông giáo Thọ, lúc ấy đã khuya.

    Hùng lộ vẻ bực tức.

    Chàng lẩm bẩm một mình:

    - Hừ! Thế thì lạ thực!

    Bình chăm chú nhìn Hùng:

    - Người ta yêu nhau mặc người ta, việc gì đến mình mà phải hậm hực.

    - Vẫn là mặc người ta. Nhưng ai lại nhố nhăng như thế. Một cô con gái cụ Tuần.

    - Và một ông giáo...!

    Hai người lặng im một lúc, mỗi người nhìn về một ngả. Lúc ấy giời đã gần tối. Cảnh chiều rất tịch mịch. Bỗng trong chùa Hà Tiên, tiếng chuông vang động, thong thả, ngân nga, dứt tiếng nọ đến tiếng kia, rồi dần dần liên tiếp nhau đổ hồi. Bình hỏi:

    - Anh định làm thế nào? Ai lại để họ tự do quá như thế được.

    - Làm thế nào? Chỉ có một cách là đăng báo để bêu xấu họ... Nhưng...

    - Nhưng làm sao?

    - Nhưng nếu cụ Tuần biết thì khốn!

    - Biết thế nào được. Ai dại gì mà đăng báo nói xấu người ta lại ký tên thật.

    Rồi như chợt nghĩ ra một ý kiến gì hay, Bình vui vẻ nói tiếp:

    - Phải rồi. Thằng Quảng mới bị Thọ đuổi, bây giờ học ở Việt Trì. Anh viết thư lên hỏi nó về cách cử chỉ của Thọ và Nhung ở trong lớp. Nó ghét Thọ, chắc có gì nó chẳng nói ra cho hết. Dù không có gì, nó cũng sẽ bịa đặt ra. Anh hứa sẽ cho nó tiền và bảo nó viết thư giả lời anh. Chứng cớ đã nắm chắc trong tay, dù cụ Tuần có biết cũng chẳng làm gì nổi...

    Hùng gật đầu khen phải. Hai người dắt tay nhau về. Giờ́i đã tối. Những làng xóm, cây cối, và những dẫy núi đằng xa còn lờ mờ in bóng lên nền trời trắng xám.

    Trước khi chia tay, Bình còn dặn Hùng:

    - Anh viết thư ngay đi nhé.

    Buổi tối hôm ấy, cơm xong. Hùng viết ngay thư cho Quảng. Chàng vui vẻ gập thư lại, bỏ vào phong bì. Chàng yên trí rằng thế nào chàng cũng đạt được mục đích: bức thư trả lời của Quảng sẽ kể rõ cho chàng biết bao cái xấu xa của Nhung và Thọ.

    Hùng nghĩ: Thọ phải đổi, cô ả tuyệt vọng, biết đâu không phải là một dịp tốt cho mình. Thọ đi, Nhung sẽ buồn tẻ, chán nản. Biết đâu nàng sẽ không bị lời đường mật của ta cám dỗ, và âu yếm ta như khi nàng âu yếm Thọ. Phải! trong lúc chán nản, người ta dễ siêu lòng lắm. Biết đâu rồi bao cái "biết đâu" ấy đưa lại trong trí tưởng tượng của Hùng những hình ảnh êm dịu: nào khi cùng Nhung sánh vai trên đồi Định Trung, mơ màng nhìn những áng mây chờn vờn trên đỉnh núi, mà lặng lẽ yên hưởng những phút đầm ấm man mác của tình yêu; nào khi cùng ai ngồi trên bờ giếng chùa Hà, soi gương mặt nước, rồi âu yếm đặt môi lên trên má phơn phớt hồng của người mình hằng mơ tưởng...

    Hùng lại nghĩ đến món tiền hồi môn của Nhung, món tiền có thể lên tới hàng vạn được. Chàng sung sướng với những ý nghĩ của mình.

    Nhưng Hùng sẽ thấy những sự mơ tưởng chỉ là những sự mơ tưởng, nghĩa là không bao giờ thành sự thực được, khi chàng đã nhận được thư giả lời của Quảng. Chàng sẽ thất vọng, sẽ thấy mình khổ sở đau đớn trong cảnh vui của người khác.

    Cũng đêm ấy, Bình thấy băn khoăn. Bao ý nghĩ vẩn vơ bận tâm hồn nàng. Sau khi Hùng đã đăng báo, có lẽ Thọ phải đổi thực. Lúc ấy nàng sẽ vì nhớ Thọ mà đau khổ hơn bây giờ. Thà rằng Thọ không yêu nhưng ngày nào nàng cũng được trông thấy mặt, thấy dáng điệu của người mình mơ tưởng. Rồi nàng lại lẩm bẩm một mình: "Thôi, đi cho khuất mắt..."

  10. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 10
    Trong lớp Thọ có một người học trò tên là Thanh, mặt mũi sáng sủa nhanh nhẹn. Thanh ít khi thuộc bài. Nhưng Thọ biết Thanh không phải là người kém trí khôn, vì mỗi khi Thọ bắt Thanh đứng học bài trong lớp, thì chỉ một lúc là Thanh thuộc ngay. Thọ thường mắng nhiếc Thanh là người lười biếng; Thanh chỉ đứng cúi mặt rơm rớm nước mắt. Mà Thanh lại hay nghỉ và lần nào nghỉ cũng không xin phép.

    Một hôm Thanh nghỉ học, Thọ hỏi thăm học trò trong lớp xem có ai biết rõ nhà Thanh không. Một người đứng lên nói:

    - Thưa thầy, nhà anh Thanh nghèo lắm. Anh ấy chỉ còn có mẹ đã ngoài sáu mươi tuổi. Mẹ anh ấy bán bún. Đêm nào anh ấy cũng phải xay bún đến tận 12 giờ khuya. Sáng ngày anh lại phải dậy sớm để giúp mẹ. Bởi thế nên không mấy khi anh thuộc bài vì không có thì giờ học. Những khi anh nghỉ học là nhà anh có phường buôn đến trọ, anh phải ở nhà bận việc.

    Thọ thấy Nhung nhìn mình, sẽ thở dài, có lẽ Nhung ái ngại cho tình cảnh của Thanh.

    Hai ngày hôm sau, lúc cụ Thanh đang lúi húi thổi cơm trong bếp, một người đàn ông vào khoảng ba mươi tuổi, mặc quần áo nâu, vào chào cụ. Cụ Thanh quay ra:

    - Tôi không dám. Bác hỏi gì thế?

    - Thưa cụ, con là Ba, con đến xin ở giúp việc cụ.

    - Nhà tôi có việc gì đâu, mà làm gì có tiền để giả công bác.

    - Thưa cụ, con không dám lấy tiền công. Con chỉ đến giúp việc cụ để cậu Thanh có thì giờ học tập. Những lúc nhàn rỗi, con sẽ vào rừng kiếm củi về bán, để thêm tiền giúp cụ làm hàng.

    Cụ Thanh rất lấy làm lạ, không hiểu sao lại có người rỗi công việc đến thế. Lúc Thanh ở trường về, thấy mẹ nói chuyện, cũng ngạc nhiên Thanh suy nghĩ một lúc rồi hỏi anh Ba:

    - Chắc có ai thuê tiền anh để đến ở nhà tôi.

    Ba cười:

    - Cậu nói dở. Tôi thấy cậu bận học, không có ai giúp, chứ ai lại thừa tiền thuê người đến làm công cho người khác bao giờ.

    Thanh lặng im, nghi ngờ.

    Thực ra Ba đã nói dối Thanh và đã giữ trọn lời hứa với Thọ vì trước khi cho Ba đến ở với cụ Thanh, Thọ đã dặn hắn không được nói rõ cho ai biết là chàng thuê hắn. Mỗi tháng Thọ...

    Từ ngày có Ba, Thanh không phải làm việc nhà nữa, học hành chăm chỉ, nên tấn tới trông thấy. Thấy Thanh như thế, Thọ rất vui lòng.

    Một buổi sáng, học trò vào lớp, vừa ngồi yên chỗ, bỗng Thanh đứng dậy, mang một chồng sách lên bàn giấy Thọ, khoanh tay nói:

    - Thưa thầy con không biết sách của ai để ở chỗ con. Vậy con đem lên để trình thầy.

    Thọ dở ra xem, thấy toàn sách của học trò lớp nhất dùng, và mới mua cả. Thọ hỏi xem những sách ấy của ai, nhưng không ai nhận. Chàng nhìn một lượt học trò trong lớp, thấy mặt Nhung hơi ửng đỏ. Thọ bảo Thanh:

    - Sách này không ai nhận vậy anh có quyền giữ lấy để dùng.

    Thanh đem chồng sách về chỗ. Chàng chắc có người thấy chàng không có sách dùng, nên mua cho chàng. Người ấy và người cho Ba đến ở nhà chàng có lẽ là một. Mà người ấy chỉ là người trong lớp học của chàng: thầy giáo chàng hay một người trong bạn học. Thanh vừa cảm động, vừa thẹn, thẹn vì cũng một kiếp người mà mình phải để cho người khác phải thương hại và giúp đỡ. Cái nghèo là cái khổ. Các bạn Thanh cũng chỉ là người như Thanh, hơn Thanh chỉ ở chỗ sinh trưởng vào nơi phú quý. Ấ́y thế mà có nhiều kẻ khinh Thanh, nhìn Thanh bằng đôi con mắt kiêu ngạo. Thanh thấy nhiều con nhà giầu lười biếng chơi bời, thì chàng tiếc thay đời họ và thương hại họ không biết hưởng sự may mắn của mình. Nếu ở vào địa vị họ có lẽ Thanh đã học ở một trường khá cao.

    Rồi Thanh lại nghĩ đến người đã kín đáo giúp mình. Người làm ơn không cần kể ơn, nhưng kẻ chịu ơn không thể quên được.

    Thanh muốn biết ân nhân của mình là ai để tìm cách báo đền. Nhưng chàng lại nghĩ: người giúp ta đã không muốn cho ta biết mặt, thì ta dò biết để làm gì. Người ấy cho ta sách, cho ta thì giờ học tập, tức là muốn ta trở nên người khá. Vậy muốn tỏ lòng biết ơn ân nhân của ta, ta phải hết sức làm việc. Về sau ta khá, ta sẽ tùy tài tùy sức giúp đỡ mọi người.

    Thanh còn nghĩ lan man nữa, nếu Thọ không gọi chàng lên bảng đọc bài.

    Thanh đã có sách in, không phải chép bài nữa nên càng có nhiều thì giờ để học. Trong vòng nửa tháng giời, Thanh đã bước được một bước khá dài trong sự học. Bị liệt vào hạng kém nhất lớp từ trước đến giờ, Thanh lần lượt vượt hết các bạn một cách nhanh chóng không ai ngờ. Chàng chỉ còn kém có Nhung.

    Nhung cũng gắng sức hơn trước, vì sợ Thanh vượt mình. Những khi đọc bài và những kỳ thi viết trong lớp. Nhung bao giờ cũng được nhiều điểm hơn Thanh, vì ngoài bài Thọ cho, Nhung còn học thêm ở các sách khác.

    Nhung không lấy thế làm thích, vì nàng biết mình hơn Thanh chỉ tại có nhiều sách hơn; nàng cho thế là không công bằng: "Những sách ta cho Thanh trước chỉ đủ dùng để chàng vượt chúng bạn, nhưng chưa đủ để chàng ganh sức với ta. Vậy ta lại phải mua cho chàng những sách mà ta đã có".

    Quả nhiên một hôm, đang ngồi trong lớp, Thanh nhận được giấy báo ra nhà giây thép lĩnh hàng. Thanh ngạc nhiên khi mở gói ra thấy có mấy quyển sách chàng thường ước ao. Thanh hỏi ông ký sở giây thép:

    - Thưa ông, dạo này có nhiều người gửi mua sách ở Hà Nội không ạ?

    - Không. Hôm nọ cô Nhung gửi thư đảm bảo về nhà in Viễn Đông, nhưng chưa thấy gửi gì lên cả.

    Thanh hơi đỏ mặt. Chàng không ngờ người chàng chịu ơn lại là Nhung. Thành ra bao vẻ đẹp nết hay, Nhung đều có cả.

Trang 1 / 3 123 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-20-2017, 12:30 AM
  2. Khi phiền lòng hãy đọc bài này, những câu nói cảm động lòng người!
    By sophienguyen in forum Danh Ngôn - Lời Hay Ý Đẹp
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 04-26-2017, 12:01 AM
  3. Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 09-27-2016, 07:52 PM
  4. Phá lấu lòng heo, lòng bò
    By sophienguyen in forum Món Chính Chọn Lọc
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-06-2015, 02:17 AM
  5. Tấm lòng của chàng trai nghèo vật chất, giàu lòng nhân ái
    By sophienguyen in forum Sự Kiện Đời Sống
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-28-2014, 02:24 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •