Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ *Khó mà thương yêu được một lần thứ hai người mà mình đã hết thương yêu.
La Rocheffoucauld
Trang 2 / 3 ĐầuĐầu 123 Cuối Cuối
Results 11 to 20 of 24

Chủ Đề: Nỗi Lòng

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Nỗi Lòng

    Nỗi Lòng


    Tác giả :Nguyễn Khắc Mẫn





    Giải thưởng Tự Lực Văn Ðoàn, 1938


    Chương 1

    - Các ông có bằng Thành Chung mà đi làm nghề này, thật đáng tiếc. Như chúng tôi không thể xoay nghề gì khác được, phải chịu vậy đã đành...

    Thúy nói câu ấy thong thả, hơi nhỏ, ông cúi mặt xuống bàn, hai mắt đăm đăm nhìn chén nước chè liên tâm gần cạn, khiến Thọ ngồi trước mặt ông, nghe chuyện ông, hiểu thấu rằng lời ông nói là lời chân thành của kẻ đã trải nhiều nỗi chua chát trong nghề mình làm.

    Thọ mới ở trường Nam Sư phạm ra, được bổ giáo học hạng tám dạy lớp nhất trường con giai tỉnh Vĩnh Yên. Thọ vào làng "Gõ đầu trẻ" vừa đúng một tuần lễ. Hôm nay chủ nhật, chàng đến chơi nhà ông giáo Thúy, dạy lớp năm.

    Đáp lại lời nói của Thúy, Thọ chỉ mỉm cười, vì chàng cũng chẳng biết nói sao. Ra đời không phải như lúc còn ngồi ở ghế nhà trường. Những câu bàn suông đều vô ích. Duy sự từng trải mới đáng kể. Thúy đã dạy học ngoài mười hai năm, chắc đã nghe thấy nhiều. Biết đâu lời Thúy không căn cứ ở những sự tai đã nghe, mắt đã thấy.

    Thực ra, Thọ cũng hơi thấy chán nản. Hôm mới đến Vĩnh Yên, đi thăm các bạn, chàng đã nghe ông giáo Lại, dạy lớp tư, nói với chàng một câu đồng nghĩa với câu của Thúy nói bây giờ. Cũng như Thúy, Lại đã dạy học hơn mười hai năm, tất đã từng trải. Mà câu của Lại cũng chưa phải là câu thứ nhất đã làm cho Thọ phải nghĩ rằng nghề dạy học vị tất đã đem lại cho chàng những thứ chàng thường ước mong trong khi chàng còn đi học. Sự liên tưởng nhắc chàng nhớ tới buổi đến thăm thầy giáo cũ ở phố Hàng Cót, Hà Nội.

    Dạo ấy, Thọ còn đang học ở năm thứ ba trường Sư phạm. Một buổi sáng chủ nhật, Thọ đi chơi phố, tình cờ gặp thầy giáo cũ dạy mình ở lớp nhất trường tỉnh Bắc Ninh. Thọ vào nhà thầy giáo chơi. Sau mấy câu hỏi thăm về sự học của Thọ, thầy giáo Thọ nói:

    - Nghề này buồn lắm! Tôi đã trải nhiều tôi biết. Không phải tôi nói thế để làm cho người đang tập nghề phải nản chí đâu; nhưng sự thực là thế.

    Nhưng lúc ấy, Thọ cũng không cần biết lời nói của thầy có đúng hay không. Chàng đang ham học, muốn biết. Lòng ham muốn ấy đã giúp chàng thắng nổi mọi sự khó khăn.

    Ngày nay Thọ đã qua cái thời kỳ tập nghề, đã bắt tay vào việc, lại nghe hai người bạn quen nghề nói đến những sự chán nản, tài nào chàng không nhớ đến lời thầy giáo cũ. Có lẽ chàng đã chọn lầm nghề chăng? Lời nói của ba người hẳn là lời nói không xa sự thực. Nhưng mỗi người có một ý muốn riêng. Biết đâu nghề dạy học đối với ba người ấy không phải là nghề bất đắc dĩ. Còn gì khó chịu bằng phải ép mình làm một việc mà mình không thích! Còn Thọ, chàng vốn ưa nghề chàng đã chọn; biết đâu nghề ấy lại không thể làm cho chàng được vui lòng. Với ý nghĩ ấy, Thọ lại thấy sự chán nản thoảng qua.

    Thấy Thọ ngồi im, ngẫm nghĩ, Thúy nói tiếp:

    - Nghề mình thật là năm cha ba mẹ. Nào ông Chánh đốc, ông Chánh hanh tra, nào ông Thanh tra, ông Kiểm học. Nếu ở nhà quê lại thêm ông Giáo, ông Huấn. Mỗi người mỗi ý, mình phải chiều cho đủ. Công việc làm vất vả, mà nào quan trên có thương, dân sự có trọng, học trò có mến. Nói về lương, thì lên được một trật, thật là khó nhọc.

    Thọ bật cười:

    - Nếu ông nghĩ như thế thì chán là phải. Nhưng tôi tưởng: nếu mình làm hết bổn phận, dẫu đối với ai, mình cũng không ngại. Trông thấy học trò tấn tới chăm chỉ là mình mừng. Còn sự ăn lên, mỗi lần phỏng là bao! Mong làm gì?

    Thúy nhìn Thọ thong thả nói:

    - Ấ́y! Lúc mới ra làm, tôi cũng nghĩ như ông bây giờ đấy!

    - Nhà giáo!

    Hùng vừa nói vừa đứng dậy mời Thọ vào chơi. Thọ cũng cười đáp lại:

    - Nhà phán!

    Hùng tiếp:

    - Nhà phán, nhà ký, nhà "tặc tặc", nhà tất cả! Nhưng chỉ nhà giáo là sướng thôi! Mỗi tuần lễ ăn không hai ngày.

    - Sướng lắm chứ!

    Tuy nói chuyện, nhưng Thọ vẫn không ưng hai tiếng "nhà giáo". Hai tiếng ấy Thọ cũng thường nghe thấy luôn, nhưng không hiểu vì lẽ gì, bây giờ chàng thấy có ý nghĩa riễu cợt, mỉa mai, khinh bỉ.

    Từ khi về Vĩnh Yên, Thọ nhận thấy rõ rệt sự lãnh đạm nó chia rẽ các ông giáo với các ông phán tòa sứ. Thọ nhất định đánh tan sự lãnh đạm ấy, nên những khi nhàn rỗi thường đến chơi nhà các người làm việc ở các công sở, để gây tình liên lạc. Mỗi khi thấy sự gì có thể ngăn đôi hai phái "chính, giáo", chàng hết sức công kích, hoặc bằng lời xác đáng, hoặc bằng câu bông đùa có ý nhị.

    Nhưng có một điều Thọ không thể ngăn ngừa được, là dân sự trọng ông phán hơn ông giáo, tuy rằng cứ lấy tài đức ra mà so sánh, thì ông giáo còn biết giữ gìn trong cử chỉ của mình hơn ông phán nhiều. Là vì ở phố nào chẳng có học trò; mà học trò họ khéo tò mò lắm; họ rình thầy giáo họ như nhà trinh thám rình kẻ bị tình nghi. Một tý gì họ cũng biết. Bởi thế nên các ông giáo thường phải thận trọng trong lời nói, trong cách đi đứng. Bởi thế nên nhiều người thường dùng hai tiếng "mô phạm" để riễu cợt sự đứng đắn mà họ cho là giả dối đó. Ừ̀ thì giả dối. Nhưng nếu ai cũng biết dè dặt đôi chút như thế thì còn đâu những sự lố lăng chướng mắt.

    Đã nhiều lần Thọ thấy mỗi khi một người đội xếp nào trong phố gặp một ông phán, là họ giơ tay chào theo kiểu nhà binh, miệng nói: "Lạy quan!..." - Còn gặp một ông giáo, họ thường làm ngơ. Dù có chào chăng nữa, họ cũng nhìn đi nơi khác, miệng lẩm bẩm: "Chào thầy giáo!..." Có lẽ sự phân biệt ấy đã làm cho nhiều ông giáo chán nghề mình chăng?

    Vẫn biết rằng phẩm giá của ta cốt ở đức tính của ta, ở sự hết lòng làm việc, để giúp ích cho mình và cho kẻ khác, nhưng tính tự tôn vẫn là tâm lý chung của loài người. Nếu ta chưa có được tấm linh hồn thanh cao, biết đặt mình lên trên những sự tầm thường, nếu ta chưa có một học thức chắc chắn, một chí hướng nhất định, một mục đích rõ rệt ta tự vạch ra và cả quyết cho đến cùng thì ta còn phải để ý đến những cái tầm thường ấy, có khi phải khổ sở cũng không biết chừng.

    Hùng mỉm cười nhìn Thọ bằng con mắt tinh ranh, rồi nói:

    - Tôi thèm cái nghề của ông giáo quá...

    - Thì xoay nghề.

    - Nhưng làm học trò ông có lẽ thú hơn!

    - Thì xin vào học.

    - Có được ngồi ở bàn nhất không?

    Thọ cười vì, chàng nghĩ rằng có lẽ Hùng ước ao như thế thật. Thực ra, không riêng gì Hùng, mà hầu khắp các người trai trẻ làm việc ở tỉnh Vĩnh cũng ước ao như thế, hoặc ngấm ngầm, hoặc nói ra. Là vì ở lớp Thọ có mười cô học trò, tuy ít tuổi hơn Thọ, nhưng có cô nhớn bằng có cô cao hơn. Các cô ngồi dẫy bàn nhất. Cô Nhung là người đẹp nhất bọn, đẹp nhất tỉnh và học giỏi nhất lớp. Vì Nhung nên mới có những sự mong ước nói trên.

    Thọ lại cho có mấy cô học trò kia, nhất là cô Nhung, là sự khó chịu. Khi còn học ở trường, chàng thường nói đùa với các bạn:

    - Ước gì sau này được ra dạy lớp nhất có học trò con gái thì hay nhỉ...

    Nay sự ước mong ấy của Thọ đã thành sự thực, chàng viết thư cho các bạn, các bạn đều mừng chàng.

    Nhưng ngay buổi đầu, Thọ đã nhận rõ cái địa vị của mình. Thọ đã bắt đầu vào một cuộc đời mới; chàng không thể bông đùa như khi còn đi học được. Nghề của Thọ bắt Thọ phải đứng đắn giữ gìn. Khi thoạt bước chân vào lớp lần thứ nhất, thấy học trò con gái đứng lên chào, Thọ hơi nóng mặt. Lúc đến giờ học trò con giai vào lớp, Thọ thấy nhiều đứa chăm chú nhìn mình rồi lại nhìn trộm Nhung. Có đứa thì thầm với nhau Thọ thoáng nghe họ nói: "xứng đôi đấy..." Chàng phải nghiêm sắc mặt, trong lớp mới im lặng.

    Suốt một tháng đầu, Thọ phải để ý từng ly từng tí. Chàng không dám nhìn thẳng mặt Nhung bao giờ, ít khi gọi nàng đọc bài và ít khi chấm bài của nàng. Sau Thọ nghĩ thầm: "Làm sao phải cẩn thận đến thế! Hay là ta yêu...? " Rồi dần dần Thọ hiểu rõ sự vô lý của cách cử chỉ của mình. Muốn được tự nhiên, Thọ không còn ngượng nghịu chút nào nữa. Nhung đối với Thọ cũng chỉ là một người học trò thường, không hơn không kém.

    Còn Nhung, nàng rất chăm chỉ. Thọ dậy điều gì, nàng nhớ được ngay. Một đôi khi, Thọ bắt gặp nàng nhìn trộm mình, nhưng chỉ trong giây lát.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 11
    Hai mươi sáu tháng chạp. Những nụ đào đỏ thắm, những lộc non mơn mởn trên cành, và những hoa mận trắng toát báo cho ta biết sắp đến ngày xuân đầm ấm, sáng sủa, vui tươi. Lúc này là lúc học trò nghĩ đến cách tỏ tình lưu luyến thầy và biết ơn thầy bằng những cân mứt ngũ vị, những bao chè tầu, con gà sống thiến, vài chục quả cam, mươi gói thuốc lá hoặc sang hơn nữa, một chai rượu mùi hay một hộp thuốc lá thơm.

    Lúc này cũng là một dịp cho nhiều cậu học trò xoay tiền của nhà để tiêu vặt. Phải. Về xin cha mẹ một đồng nói là để góp tiền lễ tết thầy giáo, thực ra mươi cậu góp nhau mỗi cậu năm hào, mua vài chục cam và mấy bao chè đến tết thầy cho đủ lệ vì các cậu cho đó là một cái lệ, còn năm hào bỏ túi để ăn quà dần. Làm thế rất như vậy là dối thầy, dối cha mẹ.

    Buổi tối hôm ấy, Thọ còn đang ăn cơm, đã thấy một cậu học trò vào, hai tay bưng cái khay trên có hai bao chè. Cậu đặt khay chè trên bàn khoanh tay nói:

    - Thưa thầy ngày tết sắp đến, gọi là một chút lòng thành kính biếu thầy, xin thầy nhận cho.

    Thọ nhìn dáng điệu khúm núm kính cẩn của cậu bé, bật cười:

    - Anh có lòng tốt, tôi cám ơn anh, nhà nước giả tiền công tôi, chứ tôi có dạy giúp anh đâu, mà tết với nhất.

    - Thưa thầy con lòng thành...

    - Tôi vẫn biết anh lòng thành, nhưng tôi cũng lấy sự thực đối với anh. Anh đem về. Anh đến chơi với tôi như thế là đủ lắm rồi.

    Cậu bé không biết nói thế nào đành lặng lẽ bưng khay chè ra. Cửa chưa kịp khép, một cậu khác đã bước vào. Thọ hỏi:

    - Gì thế? Anh Thăng?

    Thăng đặt một chai rượu mùi lên bàn:

    - Thưa thầy nhân ngày Tết Nguyên Đán, thầy con sai con đem biếu thầy chai rượu.

    Thọ lại từ chối, không lấy. Thăng cau có nói:

    - Thưa thầy, thầy con sai con mang biếu thầy. Con không dám đem về.

    - Nhưng tôi sai anh đem về. Anh không vâng lời tôi sao?

    Thăng dơm dớm nước mắt, rồi không hiểu nghĩ thế nào, cậu chạy vội về, để mặc chai rượu với thầy giáo, và khi vội vàng, quên cả chào thầy.

    Thăng ra; mười cậu khác vào, cậu bé nhất bưng một quả sơn đỏ để lên bàn. Cậu nhớn nhất mở nắp quả ra. Thọ trông thấy đầy một quả cam. Cậu học trò đặt thêm vào đấy một chiếc phong bì đỏ, rồi chắp tay nói:

    - Thưa thầy, nhân ngày Tết Nguyên Đán, chúng con gọi có lễ mọn đến biếu thầy cho phải phép...

    Thọ cầm chiếc phong bì đỏ mở ra, thấy trong có tám đồng bạc và một tờ giấy biên tên rành mạch mười cậu học trò:

    Trần Đình Anh
    Nguyễn Quốc Khuê
    Phạm Văn Chất
    Cát Văn Hùng
    Nguyễn Văn Lân
    Trần Quốc Thanh
    Nguyễn Văn Vinh
    Trần Văn Hanh
    Đào Duy Ngữ
    Nguyễn Khắc Hiếu

    Thọ mỉm cười, trông bọn học trò cúi gầm mặt xuống. Thỉnh thoảng lại nhìn trộm thầy. Thọ nói:

    - Tôi cám ơn các anh.

    Rồi chàng gọi bếp xếp cam ra, và đưa cho mỗi người một điếu thuốc lá. Các cậu học trò hí hởn chào thầy đi ra. Thọ sai bếp đóng cửa lại, và ai gọi cũng không được mở.

    Ngày hôm sau là ngày 27 tháng chạp. Còn một hôm nay nữa là học trò được nghỉ tết. Sau khi đã cho học trò ngồi xuống, Thọ nghiêm nghị nói:

    - Tôi quên chưa dặn các anh là tôi không muốn ai đến lễ tết tôi cả. Các anh có lòng trọng tôi, quý tôi thì nên chịu khó làm việc. Thấy các anh chăm chỉ tấn tới là tôi được vui lòng.

    Các học trò lấm lét nhìn nhau. Chỉ mười cậu biếu cam thầy hôm qua là vui sướng vì đã riêng được cái hân hạnh thầy nhận lễ.

    Hết buổi sáng đến buổi chiều, học trò vẫn học tập như thường. Giờ ra chơi vào, còn một bài đọc thuộc lòng nữa là hết ngày. Một cậu học trò cầm giấy đứng lên, mặt gay đỏ, đến gần thầy giáo, sẽ nói, giọng hơi run:

    - Thưa thầy, nhân dịp hết năm, thầy cho phép chúng con đọc mấy lời chúc thầy.

    - Anh đưa giấy cho tôi xem.

    Rồi Thọ cầm lấy tờ giấy của người học trò đưa cho, để lên bàn, nói:

    - Thế này cũng là đủ. Thôi anh về chỗ.

    Các cậu học trò nhìn nhau, thất vọng. Thọ gọi mấy người đọc bài, không ai thuộc cả. Nhưng Thọ không phạt ai. Chàng cho phép ai có chuyện gì hay thì kể cho anh em bạn nghe.

    Hồi trống tan học vừa dứt thì thằng bếp nhà Thọ bưng vào lớp một thúng cam. Thọ vừa chia cho mỗi người một quả, rồi cầm một quả vừa bóc vừa nói:

    - Còn dăm phút nữa thì thầy trò ta sẽ tạm từ biệt nhau trong mười ngày. Vậy các anh cùng ăn cam với tôi cho vui.

    Thầy trò cùng nhau vui vẻ ăn cam nói chuyện. Ai nấy đều cảm thấy tình lưu luyến dằng buộc mọi người. Rồi Thọ mừng tuổi Anh, Khuê, Chất, Hùng, Lân, Thanh, Vinh, Hanh, Ngữ, Hiếu mỗi người một đồng bạc để tiêu tết. Không ai dám nhận nhưng Thọ ép phải cầm.

    Buổi tối hôm ấy, Nhung và các chị em bạn gái đến nhà Thọ.

    Nhung nói:

    - Thưa thầy ngày mai thầy đã về ăn tết. Chúng con ở xa, mồng một tết không thể đến chúc mừng thầy được, vậy bây giờ chúng con xin đến chào thầy.

    - Tôi cám ơn các chị. Các chị đến chơi thế này tôi cảm động lắm. Các chị ngồi chơi.

    Rồi Thọ gọi bếp rót nước. Nhung nói:

    - Thưa thầy, thầy về ăn tết ở đâu, cho chúng con biết để chúng con gửi giấy về chúc mừng thầy cho phải đạo.

    Thọ lấy ở ngăn kéo ra một tờ danh thiếp đưa cho Nhung. Nhung hai tay đỡ lấy, nhìn mấy chữ:

    Nguyễn Văn Thọ

    175, Route Mandarine

    HaNoi

    Rồi bỏ vào túi. Thọ cười nói:

    - Nhà tôi không có đàn bà, thành ra không có giầu mời các chị.

    Nhung cũng cười:

    - Chúng con không ai biết ăn giầu ạ...

    Một cô sẽ nói:

    - Chị ấy răng trắng...

    Ngồi chơi một lúc, các cô học trò chào thầy ra về.

    Ba mươi tháng chạp. Thọ đang đứng ngắm mấy dò hoa thủy tiên sắp nở thì Bích, em gái chàng tay cầm một mảnh giấy, vừa ở ngoài cửa bước vào, vừa nói:

    - Anh giáo! Anh có giấy gọi ra giây thép lĩnh hàng đây này.

    - Ở đâu gửi về thế?

    - Ở Vĩnh Yên.

    Thọ cầm lấy giấy Bích đưa cho, nói nhỏ một mình: "Cái gì của ai gửi cho thế này..." Chàng đứng suy nghĩ một lúc, rồi hỏi em:

    - Mấy giờ rồi, cô Bích?

    - Gần mười một giờ, anh có thể lĩnh ngay được đấy.

    Thọ lấy mũ đội, soi gương, nắn lại cái ca vát, rồi lên xe đến nhà giây thép. Trong khi ấy Bích đứng vuốt những bông hoa cúc vàng và trắng giồng trong chậu, để lại cành đào cắm trong bình cho ngay, rồi nàng lấy rổ quất ra, chọn những quả đẹp để điểm thêm vào hai cây quất giồng trong thống. Đứng trước một cây quất. Bích nghiêng đầu về bên trái, sang bên phải, ngắm nghía xem chỗ nào nên thêm quả vào, chỗ nào nên tỉa bớt đi. Nghĩ đến lúc anh về, sẽ khen mình khéo, Bích mỉm cười, khoan khoái.

    Thọ về. Bích chạy ra cửa đỡ lấy cái gói bọc giấy nâu ở tay anh:

    - Em cởi ra, anh nhé?

    Rồi nàng lấy kéo cắt đứt các sợi giây gai đỏ chằng ngang dọc, mở gói ra. Hết lượt giấy nâu, đến một lần giấy màu hồng, rồi đến lần giấy bóng. Bích reo lên:

    - Ô này! Anh giáo! Đẹp không?

    Rồi nàng giơ lên một cái áo len trắng, một tập mùi xoa lụa, và một phong thư. Bích đưa thư cho Thọ. Thọ mở ra xem:

    "Thưa thầy,

    Nhân dịp tết Nguyên Đán, con gửi về kính biếu thầy chiếc áo len và ít khăn mùi xoa, tự tay con làm, gọi tỏ lòng biết ơn thầy. Xin thầy vui lòng nhận, con được đội ơn.

    Năm mới sắp đến, con kính chúc hai cụ trường thọ, thầy vinh an, bảo quyến mọi sự hay.

    Nay kính

    Trần Tuyết Nhung"

    Trong khi Thọ xem thư, Bích dở áo ra ngắm. áo đan rất đẹp, và rất công phu, bằng thứ len tốt nhỏ sợi. Nàng lại đếm tất cả được sáu cái mùi xoa, giở từng cái một ra xem. Ở một góc, cái nào cũng có ba chữ N.V.T thêu bằng chỉ màu lam, quấn lấy nhau rất đẹp. Bích nghĩ: "N.V.T là Nguyễn Văn Thọ hay là gì đây không biết...?" Rồi nàng dằng lấy cái thư Thọ đang cầm ở tay:

    - Cho em xem mấy...

    Xem xong thư, Bích nói:

    - À ra của học trò anh, em lại cứ tưởng của cô nhân tình nào của anh ở Vĩnh Yên. Chữ đẹp thế này, đan khéo thêu giỏi, mà lại tên là Nhung, chắc hẳn người đẹp lắm, phải không anh?

    - Đẹp cũng như Bích.

    Thấy anh nói đến sắc đẹp của mình, Bích hơi đỏ mặt.

    - Thế bao nhiêu tuổi?

    - Đẻ trước Bích một năm.

    - Nghĩa là mười bẩy tuổi và đẻ sau anh ba năm. Nhưng con ai, anh có biết không?

    - Cô hỏi làm gì mà kỹ thế. Con một cụ Tuần về hưu trí.

    - Khá nhỉ...

    Bích láu lỉnh nhìn anh:

    - Anh cho em xin mấy chiếc mùi xoa nhé?

    - Đấy cô muốn lấy mấy cái thì lấy.

    - Đùa đấy. Trong mùi xoa có thêu tên, em lấy làm gì. Anh mặc thử áo em xem có vừa không.

    Không hiểu muốn chiều ý em, hay vì một ý nghĩ gì khác, Thọ từ từ cởi áo ngoài, áo ghi lê, và mặc chiếc áo len của Nhung gửi cho. Bích ngắm đằng trước, trông đằng sau, rồi tươi cười nói:

    - Vừa lắm anh ạ. Đo người trước hay sao mà đẹp thế.

    - Cô chỉ nói lém...

    Rồi tự nhiên, mặt Thọ nóng bừng.

    Bích nhìn anh mỉm cười...

  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 12
    Thọ đang thiu thiu ngủ, bỗng tiếng pháo làm chàng giật mình tỉnh dậy. Tiếng pháo nổ ran khắp mọi nơi, trước còn thưa, rồi mau dần, rồi liên tiếp nhau không dứt.

    Bích vén màn lên, gọi Thọ:

    - Anh giáo, dậy mà xem, lễ giao thừa, nụ thủy tiên vừa bắt đầu chúm chím.

    - Sang năm mới cô nói văn vẻ quá.

    Bích cười. Thọ ngồi dậy. Trên bàn thờ, dưới ánh sáng rực rỡ của đèn nến, những đồ thờ bằng đồng lấp lánh. Miệng con sấu trên nắp đỉnh lặng lẽ tuôn khói. Làn khói xanh phơn phớt trắng bốc lên, tỏa ra, thơm ngát.

    Bích nhẹ nhàng đặt hai cốc thủy tiên lên bàn thờ, rồi thắp thêm hương xạ.

    Trên chiếc sập gụ giải chiếc chiếu hoa cạp điều, kê trước bàn thờ, cụ giáo lễ rất thong thả; rồi quỳ giữa sập, cụ kính cẩn khấn. Khấn xong cụ lại lễ. Tiếng pháo nổ vang lên, mùi pháo khét xông vào tận trong nhà. Pháo tuy khét, nhưng đem lại cho ta cái hương vị ngày tết.

    Xong việc ở nhà, cụ giáo ra đình làm lễ giao thừa, vì cụ thuộc về làng Quang Hoa. Cụ bà thì xuất hành.

    Thọ và Bích lại đi ngủ.

    Bốn bề im lặng.

    Trên bàn thờ đèn nến vẫn sáng, khói trầm vẫn tuôn lên, lan rộng ra, tan dần, biến mất.

    Giời chưa sáng, đã lại một tràng pháo nổ vang; tràng khác tiếp theo, rồi tứ phía tiếng pháo gọi nhau, chào nhau, ganh nhau.

    Tiếng pháo thưa dần; trời sáng rõ.

    Bích dậy sớm để trang điểm. Bộ áo kiểu mới làm tăng vẻ đẹp của nàng, vẻ đẹp lộng lẫy và ngây thơ. Nàng hớn hở mừng tuổi cha mẹ, rồi đến đánh thức Thọ:

    - Năm mới, anh ngủ trưa không sợ giông cả năm ư?

    Thọ mở mắt, thấy Bích đứng trước màn, vẻ mặt vui tươi, chàng mỉm miệng nói:

    - Cô Bích thêm lên một tuổi trông đẹp quá. Năm mới tôi chúc cô có nhiều người đến hỏi. Cô tha hồ mà chọn.

    Bích nũng nịu:

    - Anh chỉ thế...

    Rồi trông thấy cái áo len trắng Thọ mặc - áo của Nhung gửi cho hôm qua - Bích vội nói:

    - À̀ quên, năm mới em chúc anh sẽ gặp một bạn gái óng ả, đan giỏi, thêu khéo, chữ tốt, có cái tên đẹp và...

    - Và là con một cụ Tuần hưu trí. Hết nói chứ?

    Bích cười ròn:

    - Phải lắm...

    Thọ dậy. Ngoài phòng tiếp khách. Bích đã bầy sẵn đĩa hạt dưa, các thứ mứt, các thứ rượu mùi và hộp thuốc lá. Giữa bàn, trong một chiếc bình pha lê trong vắt, hoa hải đường đỏ thắm và hoa hồng bạch trắng toát xen nhau, khoe sắc đẹp.

    - Hoa mua bao giờ mà đẹp thế?

    - Đêm qua me xuất hành, xin lộc ở chùa Nam Đồng về đấy, anh ạ.

    Ngày mồng một tết sáng sủa, đầm ấm, vui tươi với những bông đào mong manh tươi thắm, những hoa thủy tiên trắng toát điểm nhị vàng, những hoa cúc vàng trắng, mềm mại sặc, sỡ, những cây quất xanh rờn điểm nhiều quả xanh, vàng, đỏ.

    Thọ cảm thấy tâm hồn phơi phới; nhưng đối với chàng, ngày tết bây giờ không giống ngày tết mươi năm về trước. Phải, mươi năm về trước. Thọ thấy ngày tết đầy những vẻ thiêng liêng huyền bí; cha mẹ chàng nghiêm trang kính cẩn, dè dặt lời nói, chàng phải giữ gìn ý tứ, sợ một cử chỉ, một việc làm có thể có ảnh hưởng trong suốt một năm; chàng phải khăn áo chỉnh tề, chúc mừng cha mẹ, phải đứng đắn như người lớn. Ngày nay thì khác hẳn. Ngày tết chỉ là một ngày xuân đầm ấm hơn cả các ngày xuân, một ngày nhộn nhịp tưng bừng, một ngày phiền phức bởi những sự thù tiếp, một ngày khó chịu inh tai bởi những câu chúc mừng vô vị và bỗng không, một ngày dạ dầy phải nôn nao bởi những rượu mùi, mứt, thuốc lá.

    Nhưng dẫu sao, mỗi lần xuân đến, cảnh vật tốt tươi vẫn đem lại cho ta những cảm tình êm đẹp.

  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 13
    Mồng bảy tháng giêng. Những cánh hoa đào đã bắt đầu nhẹ nhàng rơi trên mặt tủ, hay là là bay xuống dưới đất. Cảnh Tết chỉ còn lại ở những bông hoa dần kém sắc tươi. Thọ sắp sửa cho Bích vào trường, rồi năm giờ chiều hôm ấy, chàng đi chuyến xe hỏa cuối cùng lên Vĩnh Yên. Đến nơi Thọ đã thấy Đình và Tân đứng đón mình ở sân ga. Đình và Tân là hai ông giáo dạy lớp nhì. Trước khi về nghỉ Tết, Tân và Đình đã nói với Thọ là sang năm mới, cùng đến ở chung với chàng, Đình hóa vợ; Tân có vợ, nhưng vợ bận việc ở nhà quê, không thể đi theo được. Trước kia, cũng như Thọ, hai người lập hai gia đình không đàn bà, chỉ một thầy một tớ. Những gia đình như thế, ai có qua mới trải được những cái vui và những cái buồn của nó. Vui là vui ở chỗ được tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, muốn thức đến bao giờ thì thức, không có người can ngăn bó buộc, không phải bận bịu, đến vợ con, không phải lo phiền đến những khi con sài vợ yếu. Nhưng tâm hồn ai không có những lúc rạo rực.

    Ai không một đôi khi cảm thấy lời mình trơ trọi, trống trải cô đơn? Những lúc đó, ta mới biết đến sự cần phải có một người bạn chí thiết, một người yêu, một tấm linh hồn êm dịu có thể làm cho đời ta được êm dịu.

    Thế là từ tối hôm ấy, nhà Thọ thêm Tân và Đình. Ba người hợp ý nhau lắm. Họ lập lệ: Thọ anh cả, nhiều công việc ngoài trường, được miễn việc ở nhà; Đình, em thứ hai, thạo về khoa ăn uống trông nom sai bảo thằng bếp; Tân em út, giữ sổ chi thu và làm thủ quỹ. Mỗi khi ai muốn ngỏ ý gì thì nói ra. Nếu bằng lòng theo ý bạn thì Thọ phải nói: "Một", Đình nói: "Hai", Tân: nói "Ba". Ai không bằng lòng thì im. Nếu một người không bằng lòng, hai người kia phải chịu theo.

    Rồi Tân thu luôn tiền, gọi thằng bếp giao tiền chợ ngày mai; Đình dặn nó các thức phải mua.

    Đồng hồ vừa điểm mười hai tiếng.

    Thọ gọi thằng bếp lên hỏi:

    - Còn gà không?

    - Bẩm còn.

    - Mua hành chưa?

    - Đã ạ.

    - Hạt tiêu?

    - Bẩm có.

    Rồi Thọ mỉm cười nói:

    - Cháo gà...

    Đình gật đầu!

    - Hai.

    Tân ngẫm nghĩ một lúc:

    - Ừ thì: ba.

    Ý muốn của Thọ đã được hai bạn theo, thằng bếp xuống nhà dưới bắt gà. Thọ, Đình và Tân chấm bài và soạn bài để mai đi dạy học.

    Sang năm mới, học trò phần nhiều mặc quần áo đẹp và sạch hơn năm ngoái; ai cũng vui tươi hớn hở, kể chuyện cho chúng bạn nghe những thú vui trong mấy ngày Tết vừa qua.

    Nhung đẹp lộng lẫy trong bộ quần áo mới. Nàng sung sướng khi nhận thấy Thọ mặc chiếc áo len của nàng gửi biếu. Cả chiếc khăn thêu, Thọ cài ở túi áo ngực cũng là chiếc khăn tự tay nàng làm ra.

    Lớp học hơi có vẻ lạnh lẽo. Chiếc bảng đen, những bàn ghế trơ trụi, những bản đồ, tranh, ảnh thuộc về cách tri và sử ký, những lọ mực đen sì không thể gợi trong tâm hồn ta những cảm tình đầm ấm dịu dàng, và nhắc ta nhớ tới những chai rượu mùi, những đĩa kẹo mứt, những bông cúc vàng khoe thắm, những nụ đào chúm chím ganh tươi và bao cảnh sán lạn khác tô điểm cho ngày xuân thêm đẹp.

    Nhưng lúc này không phải là lúc nhàn rỗi, ngồi mơ màng nhìn khói thuốc lá thơm tỏa lên trần nhà. Lúc này là lúc phải ganh đua, phải lắng tai, phải chú ý, phải suy xét nghĩ ngợi.

    Bởi thế nên sau mấy ngày nghỉ tết, một ít học trò trở nên vơ vẩn và chán nản vì nghĩ tới những lời trách mắng nghiêm nghị của thầy, những cái thước kẻ vào đầu, những bài chép phạt và nhất là những giờ tan học, phải ở lại, trong khi các bạn học đã được vui vẻ dong chơi.

    Nhưng sau mấy ngày nghỉ ngơi, tâm trí được thư thái, phần nhiều học trò trở lại trường, nhanh nhẹn và hăng hái. Các cậu lại được nghe câu khen ngợi, những lời khuyến khích, mỗi khi làm được một bài hay, học được một bài thuộc; và những khi ấy, các cậu lại được hưởng cái vui man mác, vô hạn của kẻ làm trọn bổn phận.

    Đến ngày đi học, Nhung là người vui sướng nhất. Nàng thấy tết dằng dặc buồn tẻ, nàng chỉ mong cho chóng hết. Đến trường gặp Thọ, nàng hớn hở.

    Đương giảng bài, Thọ thấy Nhung lấy mùi xoa ra lau mũi, cái mùi xoa giống hệt như những cái nàng gửi cho Thọ. Thọ nhìn; Nhung hơi đỏ mặt. Nếu để ý, Thọ sẽ thấy Nhung mặc cái áo len cùng màu, và cùng kiểu đan với cái chàng đang mặc.

  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 14
    Một buổi tối thứ bẩy. Thọ nằm trên đi văng hút thuốc lá. Tân đang chấm bài luận cho học trò. Đối mặt Tân, Đình ngồi tựa lưng vào ghế, hai tay khoanh trước ngực, mơ màng nhìn lên trần nhà. Bỗng Đình nói vơ vẩn một mình:

    - Không biết "vợ tôi" bây giờ làm gì nhỉ? Có lẽ đang chấm bài, soạn bài, hay ngồi nghĩ đến tôi cũng chưa biết chừng...

    Thọ và Tân phì cười - Đình cũng cười theo - Những lúc ấy, Đình nghĩ đến cô giáo An dạy trường con gái trên Việt Trì. Hai người đã đính ước với nhau, chỉ còn đợi hết tang là làm lễ cưới: An để tang cha, Đình để tang vợ. Đã một đôi khi An về Vĩnh Yên thăm Đình. Hai người cùng chung một cảnh: cha mẹ đều mất cả. An có cho Đình mượn một quyển tự vị, đêm nào Đình cũng dùng để gối đầu.

    Đình bỗng rầu nét mặt, nói nhỏ:

    - Chưa chắc tôi với nàng đã lấy được nhau... Trong đời tôi, nhiều sự xảy ra một cách bất ngờ quá, khiến tôi bây giờ không thể tin cái gì là vững được. Hai anh thử nghĩ xem, trong hai năm giời, mẹ chết, anh chết, cha chết, vợ chết, cả gia đình đương sum họp vui vẻ, bỗng tự nhiên tan nát. Bao người thân yêu của tôi chỉ còn lại một đứa em giai đang ho nặng, không biết còn sống nổi được bao nhiêu ngày. Bao sự đau khổ nhất trên đời, tôi đã nếm cả, có lẽ bây giờ không còn sự gì có thể làm cho tôi khóc được nữa.

    Rồi Đình lại kể đến những sự vất vả của mình trong khi đi dạy học. Ra làm việc mới được gần bẩy năm đã phải đi những mười hai trường, vì trong hai năm ở nha học chính, chàng phải đi dạy thay các người được phép nghỉ, nơi nửa năm, chỗ một vài tháng. Nào khi ở vùng Nam, bị tổng lý trong làng gây chuyện; nào khi ở Yên Bái, đi chấm thi ở Sơ học Yếu Lược, bị mưa và tối trên đỉnh đèo, đường trơn, đuốc tắt, gió to, mưa nặng hạt, chỉ đợi có chớp sáng mới nhận thấy đường và đi được mấy bước. Cảnh ấy, Đình phải trải, chỉ vì người đưa đường ham chóng đến và tính sai giờ.

    Muốn Đình không nhớ tới những sự buồn đã qua, Thọ nói:

    - Còn anh Tân, bao giờ thì cho chị ấy đi theo?

    Tân hơi chau mày:

    - Thôi không nói chuyện ấy...

    Đình cười:

    - Anh này lạ! Hễ hỏi đến vợ, là đánh trống lảng.

    Tân gọi:

    - Bếp!

    Thằng bếp ở dưới nhà dưới chạy lên. Thấy nó mặc chiếc áo cánh lụa mới, Thọ hỏi:

    - Bếp mới may áo đấy à?

    - Thưa ông vâng.

    - Bao nhiêu tiền?

    - Hơn hai đồng ạ.

    Thọ nhìn Đình và Tân:

    - Đấy là lương của nó có ba đồng một tháng.

    Đình nói:

    - Anh không biết, chứ trong hòm nó bao giờ cũng có thuốc lá và nước hoa.

    Tân bảo bếp tính tiền chợ rồi dặn các thứ phải mua ngày hôm sau.

    Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Bếp chạy ra mở, Thọ ngồi dậy, reo lên:

    - Á! Ông Mỹ!

    Mỹ vừa bước vào vừa nói:

    - Bây giờ ba ông ở với nhau vui nhỉ. Tối thứ bẩy mà không đi chơi à?

    - Cũng sắp sửa đi, ông ngồi chơi đã.

    Trong sáu ông giáo ở Vĩnh Yên, Mỹ là người có tính lạ hơn hết. Ông chỉ biết có ông, biết đi dạy học, không để ý đến sự người khác hơn kém mình về tài trí, thần thế hoặc tiền của. Ông chỉ làm theo ý muốn và không thèm nghĩ đến dư luận. Bởi thế nên người ta đã tặng ông tiếng: Mỹ Bát Sách.

    Mỹ cũng biết thế nên thường nói:

    - Nhiều người bảo tôi gàn, tôi cũng biết. Họ bổng lộc nhiều, ăn tiêu rộng, tôi theo kịp họ thế nào được. Họ chẳng là gì mà ép mình dưới ý muốn của kẻ khác. Nhưng chưa biết tôi gàn hay họ bát sách.

    Rồi Mỹ cười, đắc ý. Mọi người cười.

    Thằng Bếp bưng nước lên. Mỹ nói:

    - Gớm! Các anh này sang nhỉ! Cà phê cẩn thận.

    Thọ hỏi Mỹ:

    - Tôi thấy người ta nói ông đánh trống cô đầu giỏi lắm, phải không?

    Mỹ cười:

    - Anh lại hỏi kháy tôi rồi. Tôi có biết gì đâu. Hồi tôi còn ở Yên Lạc, một lần đi dự tiệc ở nhà một ông nghị, có đông đủ người tai mặt trong huyện. Họ mời tôi đánh trống: tôi từ chối. Họ ép tôi: tôi đánh liều, cứ tom rồi lại chát. Họ khúc khích cười. Tôi tức quá, quẳng roi chầu xuống nói; các anh cười à! cho ngón chầu các anh có hay mười mươi, nhưng nếu túi các anh rỗng, vị tất cô đầu đã yêu các anh bằng tôi.

    Mỹ uống nốt tách cà phê, nói tiếp:

    - Đối với họ, không thế, không được. Họ hay khinh người lắm. Các anh nghĩ thế nào?

    - Phải lắm!

    Tân vừa nói vừa mỉm cười nhìn Đình và Thọ.

    Mỹ nói:

    - Thằng Hùng với con Bình dạo này láo quá. Chúng nó dắt nhau đi đủ mọi nơi, ai cũng biết. Nếu phải trong bọn nhà giáo chúng mình, họ đã đồn rầm lên, bịa đặt thêm vào, rồi chỉ trích, rồi đăng báo cũng chưa biết chừng...

    Tân nói:

    - Có thế chúng mình mới phải giữ gìn và mới xứng cái chức "Quốc dân giáo dục".

    Đình cười:

    - To tát thế? Gọi là chức "Gõ đầu trẻ" có đúng không?

    Thọ pha trò:

    - Đối với ông Thúy, dạy lớp năm, thì gọi là "Gõ đầu trẻ" hay "vú em đực" cũng chẳng sai.

    Mỹ cười, rồi rủ Thọ, Đình và Tân đi đánh thăng quan.

    Thọ nhìn hai bạn nói:

    - Một!

    Đình:

    - Hai!

    Tân:

    - Ba!

    Mỹ ngạc nhiên hỏi:

    - Cái gì vậy?

    - Khẩu hiệu riêng của chúng tôi.

    Ngoài đường giời tối, gió thổi rì rào trên ngọn cây. Bốn người khoác vai nhau đi, thỉnh thoảng lại bật đèn "bin" lên soi đường.

    Hai giờ sau, lúc Thọ, Đình, và Tân trở về thấy trước cửa nhà lập loè lửa thuốc lá. Thọ nói:

    - Ai lại đứng đợi chúng mình ở cửa rồi...

    Lúc đến nơi, thì ra thằng bếp, đầu chải mượt bôi nước hoa, tay cầm điếu thuốc đang hút dở.

  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 15
    Tám giờ sáng. Mặt trời xuân dịu dàng tỏa ánh sáng trên những cánh lá xanh tươi. Trên một con đường đất gồ ghề thuộc phủ Vĩnh Tường, hai bên đồng ruộng trơ trụi Thọ, Đình, và Tân vừa đi xe đạp thong thả vừa nói chuyện. Được độ nửa tiếng đồng hồ, ba người đến nhà ông Hàn Thịnh, một người vào hạng giầu có ở tỉnh Vĩnh Yên, ông Hàn có con giai học ở lớp Tân, nên mỗi khi ra tỉnh có việc, ông lại vào nhà Thọ chơi và mời ba người hôm nào thong thả về quê mình, nhân tiện đi bắn chim, vì nhà ông có hai khẩu súng.

    Được tin bọn Thọ đến, ông Hàn vui mừng ra đón. Nhà ông Hàn làm theo kiểu mới, hai từng, có riêng phòng tiếp khách, phòng ăn, phòng ngủ. Bà Hàn, con giai, và con rể ông Hàn cũng ra tiếp chuyện, ai nấy đều hớn hở như gặp được người thân đi xa mới về. Bà Hàn lại ân cần hỏi thăm đến quê quán, cha mẹ và anh em chị em Thọ. Bà tươi cười nhất là khi được biết Thọ chưa có vợ.

    Uống nước xong, ông Hàn đưa bọn Thọ đi xem mọi nơi trong nhà ông: nào chỗ chứa thóc, nơi xay lúa giã gạo, nào chỗ nuôi súc vật, sân phơi thóc, nào vườn cảnh, vườn giồng cây có quả, ao thả cá. Đến đâu ông Hàn cũng nói rõ ràng về mọi thứ ông cho xem, như một ông giáo giảng minh bạch về khoa canh nông cho học trò trường Sư phạm nghe, khi đi thăm một đồn điền nào.

    Sau cùng, ông Hàn đưa bọn Thọ vào một gian buồng nhỏ, trong có kê một cái giường; trên giường có khay đèn thuốc phiện. Ông Hàn mỉm cười nói: nơi hút thuốc của con rể của tôi đấy; đối với các con, tôi cho họ được tự do, để họ khỏi phải thèm muốn ao ước.

    Rồi ông Hàn bảo con rể và con giai lấy súng đưa bọn Thọ đi bắn. Thọ rất thích đi trên những con đường nhỏ, bên cạnh những lũy tre xanh, những bụi rậm, chân bước nhẹ nhàng, tai lắng nghe, mắt chăm chú nhìn. Một tiếng súng nổ gần đấy, tiếng chim vỗ cánh bay. Thọ ngoảnh nhìn, thấy Tân hớn hở, vừa cười vừa cầm con chim gáy dơ lên. Thọ khen:

    - Khá đấy!

    Ông Hàn cho người ra mời bọn Thọ về ăn cơm. Khi gần về đến nơi, Tân sẽ đưa mắt nhìn Thọ: một thiếu nữ tha thướt từ nhà ông Hàn đi ra.

    Bỗng Thọ nghe thấy trong nhà có tiếng gọi:

    - Chị ơi! Về mẹ bảo đã.

    Thiếu nữ lại vội vàng quay vào.

    Trong khi ăn cơm, thấy ông Hàn bà Hàn săn sóc đến mình quá, Thọ ngượng, rồi bực mình. Chàng nghĩ: "Họ làm như mình còn trẻ con ấy!.."

    Trong làng có một người vào chơi nhà ông Hàn. Người ấy chào mọi người rồi nói:

    - Chúng tôi được tin các ông giáo về chơi, nên đến để hầu các ngài.

    Thọ nói:

    - Chúng tôi không dám. Mời ông ngồi xơi nước. Chắc ông có cháu học ở trường tỉnh.

    - Bẩm vâng. Cháu học ở lớp nhì. Bẩm các ngài, cháu học có khá không ạ?

    Tân hỏi:

    - Tên cháu là gì?

    - Tên cháu là Cát Văn Long.

    Tân nhìn Thọ rồi lại hỏi:

    - Ông cho cháu trọ ở tỉnh?

    - Bẩm vâng.

    - Thế đã lâu cháu chưa về nhà?

    - Bẩm cháu mới về hôm thứ năm vừa rồi, nó được thầy giáo yêu lắm, xin tôi tiền để mua sách, rồi lại đi ngay.

    Thọ thở dài, thương hại thay cho người nhà quê đã bị đứa con hư lừa dối, vì Long, lười biếng và vô phép với thầy giáo, đã bị đuổi được nửa tháng rồi. Nhưng bởi không muốn cho người kia phải đau khổ vì cái tin đột ngột ấy, nên Thọ không nói cho biết ngay lúc bấy giờ. Chàng phải tìm cách để những việc như thế sẽ không thể xẩy ra được nữa.

    Buổi chiều hôm ấy, khi ở nhà ông Hàn Thịnh về. Thọ, Đình, và Tân cùng nhau đi chơi trên đường Tam Đảo. Khỏi đầm Láp, đến dốc Định Trung, ba người rẽ sang đường Hà Nội. Bên trái là làng Định Trung với lũy tre xanh rì rào theo gió, bên phải là nghĩa địa, một thiếu phụ bận tang phục đứng sụt sùi bên cạnh một ngôi mộ mới.

    Một chiếc ô tô từ phía Hà Nội đi lại, bọn Thọ đứng tránh sang bên đường, rồi ngả mũ chào, vì người ngồi trong xe là ông thanh tra ở Phúc Yên lên.

    Tân nói:

    - Ông thanh tra có lẽ cũng phục bọn nhà giáo chúng mình thanh nhã, những khi nhàn rỗi, chỉ đi ngắm cảnh giời đất, chứ không chúi mũi vào quân bài, xô xát nhau trong cuộc đen đỏ.

    - Cũng có lẽ, nhưng Lại và Thúy thì sao?

    Đình vừa nói vừa nhìn hai cậu học trò ở dưới ruộng đi lên. Hai cậu vào khoảng mười lăm, mười sáu tuổi, khi qua mặt bọn Thọ, nhìn đi nơi khác, không ngả mũ và cũng không chào hỏi.

    Tân hỏi Đình:

    - Anh có nhớ ai đấy không?

    - Thằng Tài và thằng Ninh học tôi năm ngoái đấy, anh cũng nhớ à?

    - Sao năm nay chúng nó không đi học?

    - Không biết. Đầu năm không thấy chúng nó đến. Đấy anh coi, suốt một năm giời mình rát cổ bỏng họng với chúng nó... Không trách họ bảo nghề dạy học là nghề bạc có khác!

    Tân nói:

    - Họ không chào còn khá đấy. Có người kể chuyện một ông giáo ngồi trên xe hỏa, đang nói chuyện với một người bạn, một ông bận âu phục sang trọng đến vỗ vai nói: "Hình như trước moa có học toa ở Đáp Cầu thì phải". Ông giáo ấy mỉm cười, lễ phép nói: "Thưa ông, hình như thế!..."

    Thọ nói:

    - Câu chuyện ấy chưa chắc đã có nhưng phần nhiều học trò bây giờ đối với thầy không được lễ phép như xưa. Bởi thế nên làm nghề dạy học phải kiên tâm, và nhẫn nại. Một ông giáo có thể ví với một người giồng cây bên vệ đường không hòng ăn quả và hưởng cái bóng mát của cây ấy cũng không tưởng đến những người ngồi dưới bóng mát hay ăn quả của cây mình giồng có nghĩ đến mình không, nhưng cũng cứ giồng. Một ông giáo cũng vậy. Dạy học trò ông giáo không hề nghĩ đến sau này họ xử với mình ra sao, nhưng vẫn chăm chỉ dạy. Nhưng ông giáo còn hơn người giồng cây ở chỗ biết vui sướng mỗi khi nghĩ đến những trẻ mình rèn luyện bây giờ, sau này có thể trở nên có ích cho xã hội được, tiếng tăm lừng lẫy cũng chưa biết chừng. Những khi gặp sự gì trái ý trong công việc, tôi thường mượn hai câu thơ của Trần Khánh Dư ngày xưa, đổi đi mấy chữ, để tự an ủi:

    Toan từ giáo học thay nghề khác,

    Lại sợ trời kia lắm kẻ đần...

    Nói chuyện nên vui chân, ba người đã đi được một quãng xa, đến một con đường đất sỏi, chạy dài về bên trái. Ba người rẽ vào con đường ấy. Đường hẹp dần, cỏ xanh phủ kín, chỉ chừa một lối đi nhỏ, thẳng băng và nhẵn thín. Đồng ruộng cũng ít dần, chung quanh đồi núi liên tiếp nhau, cỏ mọc rậm, cây cối lưa thưa.

    Thọ rủ hai bạn bỏ con đường chính, theo lối vết chân lượn bên sườn đồi, ngòng ngoèo theo những bụi cây rậm nhiều gai. Gần đấy, trong khoảng rừng thưa, vẳng ra những tiếng búa của người đẵn củi. Vài con trâu bò, không có ai coi, vừa đi vừa gặm cỏ dưới chân đồi. Qua một dãy ruộng, đến một khoảng đồng nhỏ hẹp, những thửa ruộng thoai thoải chạy dài từng bậc từ chân đồi xuống. Rồi lại đồi nọ tiếp đồi kia... Có chỗ cỏ mọc lấp hẳn vết chân người, như không ai đi tới đó.

    Trên một ngọn đồi thấp, giữa những cây cao, cành lá um tùm. Thọ thấy một ngôi chùa nhỏ. Chàng rủ hai bạn lên đấy xem. Đường lên không có bậc, cỏ non đã mọc phủ gần kín. Trên những cành cây, không một tiếng chim. Bốn bề im lặng. Thỉnh thoảng, một vài nhát búa đẵn cây từ đằng xa vẳng đến, càng làm tăng vẻ tịch mịch của buổi chiều xuân trong quãng vắng.

    Chùa nhỏ, ba gian. Tường gạch và mái ngói chỗ mốc xám đen lại, chỗ rêu phủ xanh tươi; nhiều nơi vôi cát đã lở. Một cảnh chùa không người trông nom sang sửa. Sân chùa nhỏ, bề ngang độ dăm bước, bề dài suốt dọc chùa, cỏ cây mọc chi chít. Cả mặt trước chùa là cửa gỗ đóng kín, riêng một cánh về đầu bên kia hơi hé mở. Thọ ngắm kỹ chung quanh, tưởng tượng như lạc vào một nơi nguy hiểm, chàng thường thấy tả trong nhiều tiểu thuyết Tàu, nhất là trong truyện Thủy Hử.

    Tân sẽ nói:

    - Các anh ạ! Tôi thấy rợn tóc gáy...

    Đình giơ tay ra hiệu bảo im. Mọi người lắng tai nghe. Này lạ! Trong chùa có người rên, tiếng rên khi to khi nhỏ, có lúc ngừng hẳn lại. Thọ bảo Đình và Tân cùng xuống chân núi rồi nói:

    - Chắc trong ấy có sự gì lạ. Chúng ta đi lấy mỗi người hai nắm cát, rồi thử vào xem. Nhỡ gặp quân gian, ta ném cát vào mặt, nó cũng chẳng làm gì nổi.

    Đình và Tân khen phải. Nhưng vì đấy không có cát, mỗi người lấy hai nắm sỏi vụn, rồi lên đồi, cả quyết vào chùa. Trong chùa tối om, phải một lúc mới nhìn được hơi rõ. Trước bệ thờ ở gian giữa, trên một chỗ lát gạch rộng bằng chiếc chiếu, một người nằm co quắp, ôm lấy bụng, miệng rên rỉ. Bọn Thọ lại gần. Đình hỏi to:

    - Ai đấy? Làm sao mà rên lên thế?

    Người kia ngẩng mặt lên. Thọ kinh ngạc nói:

    - Ồ! Anh Ba! Anh làm sao thế? Sao lại đến đây mà nằm rên?

    - Kìa ông giáo! Con đang đẵn củi ở đằng kia bỗng đau bụng quá, con không chịu nổi, phải vào đây nằm.

    Bọn Thọ nhìn nhau mỉm cười, bỏ sỏi rơi xuống đất rồi cùng xoa tay cho sạch. Lúc ấy, Thọ mới nhận thấy con dao đẵn củi của Ba, ở ngay chỗ mình đứng.

    Tân hỏi Thọ:

    - Ba nào đấy?

    Thọ kể cho bạn nghe câu chuyện mượn Ba đến ở nhà Thanh để Thanh có thì giờ học tập. Chàng rất vui lòng vì thấy Thanh học tấn tới, trong lớp chỉ còn kém có Nhung, mà cũng chẳng kém bao nhiêu nữa.

    Đình nắn túi áo nói:

    - Mình có lọ dầu Đại Quang mà khuấy quên đi mất.

    Rồi chàng lấy lọ dầu đưa cho Ba:

    - Anh nhấm một tí nuốt đi, và xoa vào bụng thì bớt đau ngay.

    Ba đỡ lấy lọ dầu, làm theo lời Đình. Trong khi ấy Thọ và Tân đứng nhìn khắp mọi nơi. Trong chùa lạnh lẽo, âm thầm bẩn thỉu, tối tăm, chỉ có mấy pho tượng ngồi trơ trên ba bệ gạch, đằng trước là ba bát sành sứt mẻ, thưa thớt mấy cái chân hương cắm xiêu vẹo.

    Thọ hỏi Ba:

    - Thế nào, anh đã đỡ chưa? Có thể cùng về với chúng tôi được không?

    - Con thấy hơi dễ chịu chắc sắp khỏi. Mời ba ông về trước. Con còn phải gánh củi về để tối nay cụ Thanh dùng đến.

    Thọ, Tân, và Đình lại men theo mấy cái đồi, qua một khoảng rừng thưa, đến một cánh đồng rộng. Ba người đi tắt bờ ruộng, thẳng đến chùa Hà, rồi về đường Tam Đảo. Tân pha trò:

    - Quả đất tròn có khác! Đi một đường lại về một đường.

  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 16
    Chủ nhật sau, Thọ, Đình, và Tân đến chơi nhà Lại. Lại nhìn Thọ, tinh ranh, sói mói:

    - Hôm nọ các anh đến chơi nhà Hàn Thịnh phải không?

    - Phải.

    - Thảo nào!...

    - Thảo nào làm sao?

    - Còn vờ mãi! Anh đến xem mặt con Chi chứ gì?

    Thọ phì cười:

    - À̀ ra thế! Nhưng Chi nào? Có khá không?

    - Khá lắm! Tân thời đặc!

    Tân nói:

    - Cái cô chúng mình trông thấy ở cửa nhà Hàn Thịnh ấy mà. Con gái hắn đấy.

    Thọ sẽ đưa mắt nhìn Tân, rồi hỏi Lại:

    - Ai nói chuyện với ông mà ông biết?

    - Hôm qua, bà cụ Kép đến đây chơi, có nói với nhà tôi là Hàn Thịnh nhờ đánh tiếng hộ, vì tự nhiên anh đến chơi nhà hắn, chắc là có ý gì khác...

    - Không. Ông ấy mấy lần mời chúng tôi về chơi thì chúng tôi về chơi, chứ ai biết ông ấy có con gái.

    Đình vừa gật đầu vừa nói, ra vẻ một người hiểu đời:

    - Có lẽ lắm! Một anh chưa vợ, tự nhiên đến chơi nhà một người có con gái đến tuổi lấy chồng thì dù vô tình cũng ra hữu ý.

    Bà Lại nói:

    - Nhưng nào ai biết ông giáo vô tình hay hữu ý.

    Thọ cười:

    - Thế thì khó giả lời thật.

    Thọ càng ngạc nhiên khi ở nhà Lại ra, đến chơi với Thúy và Mỹ, hai người đều nói với chàng về việc ấy, bà cụ Kép đến chơi, nhờ nói với Thọ là Hàn Thịnh ngỏ ý bằng lòng gả Chi cho chàng.

    Thọ không còn ngờ ở sự bông đùa nữa. Chàng hiểu là chuyện có thật, một chuyện đứng đắn, một chuyện có thể làm cho chàng phải bực mình được. Mà ngay bây giờ chàng cũng đã thấy bực mình. Chàng không muốn người ta hỏi chàng một cách soi mói, nói đến chuyện vợ con của mình. Biết đâu không từ miệng nọ sang miệng kia, câu chuyện thêm vào, lan rộng ra, mọi người đều biết. Rồi Thọ nghĩ ngay đến Nhung. Nhưng chàng không dám nhận rõ rằng chính vì nghĩ đến Nhung mà câu chuyện không đâu kia, trở nên khó chịu cho mình.

    Tuy vậy, Thọ vẫn thấy bứt rứt băn khoăn với ý nghĩ: "Thế nào chẳng đến tai Nhung..." Chàng nói chuyện, pha trò, cố quên đi, nhưng đó chỉ tỏ ra rằng chàng vẫn nghĩ đến.

    Rồi Thọ và hai bạn lên ngay nhà cụ Kép, ở sau Văn Miếu, trên đồi Định Trung. Giữa đường Tân hỏi Thọ:

    - Anh bận lòng về việc ấy à? Có lẽ anh sợ họ bắt cóc chắc.

    - Không. Việc gì mà phải bận lòng...

    Tân nhìn nét mặt Thọ, nghi ngờ. Mà nghi ngờ là phải. Thấy tâm hồn mình không được bình tĩnh, Thọ biết rằng bạn đã rõ ý mình.

    Bọn Thọ đến nơi, thấy cụ Kép đương ngồi xem sách thuốc. Cụ ngẩng lên, vội vàng đứng dậy, cung kính chào ba người rồi mời ngồi. Cụ bà ở đâu về; trông thấy Thọ, cụ hớn hở.

    Trong khi cụ Kép gọi cháu lấy ấm đun nước và cầm bình tích ra sân tháo bã chè, Đình và Tân đứng nhẩm đọc ba đạo sắc hàn lâm lồng kính trong ba cái khung gỗ sơn son treo ở ba gian nhà giữa. Trên tường, có treo hai bức địa đồ xứ Bắc Kỳ. Đình hỏi:

    - Sao bản đồ của trường cụ lại đem về treo ở nhà?

    Cụ Kép vừa mở nút lọ lấy chè cho vào tích, vừa nói:

    - Bẩm các quan, ngày nghỉ phải đem về treo ở nhà, giờ học mới lại đem ra trường.

    Cụ bà đã lại gần Thọ, nói nhỏ, có vẻ kín đáo lắm:

    - Có người hỏi thăm đến ông giáo đấy...

    - Thưa cụ, ai kia ạ?

    - Cô Chi ấy mà. Cô Chi con ông Hàn Thịnh ấy.

    - Tôi không để ý đến.

    - Ông không để ý đến, nhưng người ta mong ông lắm. Cô ấy ngoan đáo để; người tươi như cái hoa; riêng về phần cô ấy cũng có đến dăm nghìn bạc vốn; cô ấy lại mới may trăm bạc quần áo, sắm bao nhiêu là đồ vàng.

    - Sao cụ biết rõ thế?

    - Vì cô ấy vẫn đến lấy thuốc của ông cháu.

    - Còn tính nết cô ấy thì ra làm sao?

    - Cô ấy thạo nữ công lắm, lại đứng đắn, lễ phép...

    Cụ Kép không để vợ nói nốt, xen vào:

    - Ông bà ấy nhờ chúng tôi nói giúp, thì chúng tôi chỉ biết nói giúp. Còn tính hạnh người ta chúng tôi có ở chung đâu mà biết được, nên không dám cam đoan với ngài; nhỡ sau này xẩy ra điều gì, ai chịu trách nhiệm.

    Cụ bà lườm chồng một cái, rồi nói:

    - Được cái ông bà ấy bằng lòng, cô ấy bằng lòng, cả nhà bằng lòng; chỉ còn đợi ông ừ một tiếng là xong việc. Ông bà ấy không lấy một tí gì đâu...

    Tân cười:

    - Còn đợi gì mà không ừ đi. Phải tôi, tôi ký cả hai tay.

    Thọ nói:

    - Tôi cũng muốn lắm, nhưng ở nhà các cụ tôi đã định có nơi rồi. Vậy phiền cụ làm ơn giả lời người ta hộ.

    Tân nói:

    - Hoài của... Bỏ phí mất một con cóc vàng.

    Cụ Kép bà lặng thinh, chán ngắt.

    Thọ đến lớp, thấy Loan đương ngồi gục đầu xuống bàn, nức nở khóc. Bên cạnh nàng, Nhung ngồi tỳ tay vào má, ái ngại cho bạn. Nhung đã tìm lời khuyên giải Loan, an ủi Loan, nhưng không ăn thua. Không những Loan không nín nàng càng thổn thức, hình như lời Nhung chỉ gợi thêm nỗi đau lòng của nàng. Nhung đành chịu, lặng ngồi nhìn bạn. Rồi lẩn thẩn Nhung nghĩ đến Thọ, nghĩ đến thân mình sau này, chắc đâu đã tránh khỏi cái cảnh mà Loan đang gặp, cái cảnh bị bố mẹ gả ép cho một người mình không biết hoặc không thể yêu được.

    Thọ đến giữa lúc Nhung đang nghĩ lan man như thế; tự nhiên nàng đỏ mặt, cúi đầu, e lệ.

    Nhung đứng lên chào Thọ, rồi nói sẽ với Loan:

    - Thầy giáo đã đến đấy.

    Loan lau nước mắt, đứng dậy, lên bàn giấy, nói với Thọ:

    - Con đến xin thầy thôi học.

    - Tại sao đang học tấn tới, chị lại xin thôi?

    Loan muốn nói, nhưng không nói được, nước mắt tự dưng chẩy ra, nàng cúi đầu sụt sùi khóc. Thọ nhìn Nhung; Nhung nói:

    - Thưa thầy, thầy mẹ chị ấy bắt chị ấy phải lấy chồng, chị ấy không bằng lòng.

    - Lấy ai?

    - Thưa thầy, lấy một người ở tỉnh Phúc Yên, hiện bây giờ đang học tư ở Hà Nội.

    Loan đã đỡ thổn thức, lau ráo nước mắt, rồi nói với Thọ:

    - Thưa thầy, chiều hôm nay mời thầy đến chơi nhà con, tìm lời can ngăn thầy mẹ con. Nếu thầy mẹ con nghe theo, thì thật may cho con lắm. Con còn đang tuổi đi học, thầy mẹ con chẳng thương con...

    - Sao chị lại nói thế. Cha mẹ chẳng thương con thì thương ai. Để chiều tôi thử đến nhà chị xem.

    Loan chào Thọ đi ra, dưới mấy chục con mắt sói mói của bọn học trò con giai đứng ở trước cửa lớp.

    Tan buổi học chiều hôm ấy, ở trường ra, Thọ đến nhà Loan ngay. Cha mẹ Loan có vẻ lo nghĩ và buồn rầu. Thọ chắc là vì Loan. Thọ nói:

    - Tôi trông nét mặt hai cụ dạo này kém vui vẻ?

    Mẹ Loan nói:

    - Ấ́y cũng chỉ bởi con Loan đấy thôi. Con gái đã lớn, bảo gả chồng cho nó, nó cứ nhất định không bằng lòng...

    - Thưa hai cụ, tôi thiết tưởng cháu đã lấy gì làm nhớn. Các cụ nên để cháu học thêm ít nữa, ép uổng làm gì. Những cặp vợ chồng bị cha mẹ gả ép, các cụ có mấy khi ăn ở với nhau được vui vẻ đâu...

    Cha Loan nói:

    - Ông dạy cháu cũng như đẻ ra cháu, chúng tôi chẳng dám dấu điều gì. Gả chồng cho cháu cũng là một sự bất đắc dĩ của chúng tôi, vì chúng tôi cũng còn muốn cho cháu đi học. Nhưng bởi tôi có một món nợ to ở Phúc Yên, không thể giả được. Người ta có ngỏ lời xin cháu Loan cho con giai cả người ta, và hứa sẽ không nói đến món nợ kia nữa. Nếu chúng tôi không bằng lòng, tất người ta đòi nợ; nợ không giả được chúng tôi sẽ bị kiện và rồi khổ sở cả nhà. Vả lại người ta giầu, con giai người ta đã đỗ bằng sơ học Pháp-Việt, hiện đang học tư ở Hà Nội. Tôi chắc cháu Loan về nhà người ta sẽ được sung sướng.

    Lúc ấy Thọ mới hiểu. Chàng ái ngại cho cảnh ngộ của nhà Loan. Không kể gì cha mẹ Loan bị bó buộc, phần nhiều các người khác, nhất là ở chốn thôn quê, hay có tính gả bán con như vậy. Gả con gái được nhiều tiền, là cái vinh dự cho họ, vì có thế, con gái họ mới quý giá. Không những thế, họ còn nghĩ đến công lao họ phải nuôi nấng dạy dỗ con gái từ bé đến nhớn, họ không muốn người khác được tự nhiên hưởng cái công lao ấy. Có nhiều người lúc hỏi vợ hoặc gả chồng cho con, chỉ chú ý đến một vấn đề: Tiền!

    Thấy Loan đứng gần đấy, Thọ bảo nàng:

    - Chị đã nghe lời thầy chị nói, vậy chị nên vâng theo thì hơn. Chị nên nghĩ cho kỹ: nếu chị không ưng, nhỡ bên kia người ta kiện, thì gia tài nhà chị phải khánh kiệt, cha mẹ chịu khổ; không nói đến thương cha mẹ vội, ngay thân chị, liệu có được an nhàn không? Nếu chị thuận, thì cha mẹ chị được vui sướng, và vị tất chị đã phải khổ. Dù chị có gặp phải những lúc đau khổ chăng nữa, những lúc ấy chị nên nghĩ rằng: "Ta có khổ thế này, cảnh gia đình ta mới được êm đẹp..." thì nỗi khổ cũng giảm đi, chị sẽ thấy chị cao thượng, phấn khởi, và hăng hái, can đảm nhận lấy cái khổ; chị sẽ được hưởng cái thú vui độc nhất của những bậc biết hy sinh hạnh phúc của mình cho hạnh phúc của người. Đấy là tôi nói xa ra đó thôi, chứ người ta đã cầu chị, đã đánh đổi một món tiền to lấy chị, chắc người ta sẽ quý chị và chiều chị.

    Loan lặng yên nghe Thọ nói rồi thưa:

    - Thầy đã dạy, con xin vui lòng vâng theo.

    Cha mẹ nàng nghe nàng nói, mừng rỡ khôn xiết, tưởng như được người cho vàng. Thực ra, không được vàng, nhưng cha mẹ nàng cũng lợi được một số tiền lớn.

    Riêng Thọ thấy mình băn khoăn, ngậm ngùi thương Loan. Một cảnh tượng vẽ ra trước mặt chàng, cảnh tượng một người đàn bà gặp mẹ chồng cay nghiệt, chồng chơi bời, phải nhẫn nại, chịu âm thầm đau khổ, nhịn nhục, trong khi cha mẹ anh em mình đang vui cảnh đoàn viên.

    Nhân chuyện Loan, Thọ khuyên học trò:

    - Ta có hai tục rất hại, cưới sớm và ép duyên. Hai tục ấy đã gây nên bao nhiêu gia đình nếu không tan nát, vợ lìa chồng, thì cũng khổ sở điêu đứng, vợ chồng cùng coi nhau như đanh trước mắt; các anh nên để tâm trừ bỏ cái tệ ấy. Nói thế không phải là tôi xui các anh cưỡng lời cha mẹ và theo ý riêng của mình trong sự kén chọn người bạn trăm năm của các anh sau này đâu. Không. Cha mẹ các anh bao giờ cũng từng trải việc đời, hơn các anh, cũng cẩn thận hơn các anh, và bao giờ cũng muốn cho các anh được sung sướng. Còn các anh thì nông nổi, chỉ ham sắc đẹp và vâng theo cái dục vọng một thời; vậy các anh dễ lầm lỡ. Nhưng cha mẹ các anh lại phải cái tính hay ham của, có khi vì đồng tiền mà quên hết mọi sự, sẵn lòng quên đến cả nết hư tật xấu của người con gái mà mình định hỏi cho con giai mình. Bởi thế nên trong việc ấy, các anh cần phải nhờ đến sự từng trải và tính cẩn thận của các cụ để bù vào tính nông nổi của các anh. Nhưng không bao giờ nên lấy tiền làm mục đích. Nhỡ phải khi các cụ nhầm lẫn, các anh phải nói rõ mọi lẽ hầu các cụ. Các cụ nghe ra là các anh có phận nhờ. Nhưng không phải trong bọn các anh đây, ai cũng được cái may mắn là cha mẹ nhận thấy lẽ phải của mình đâu. Có nhiều cụ hay cố chấp theo thói cổ, bắt các anh phải vâng theo lời các cụ, nếu không, các cụ sẽ coi các anh là con bất hiếu và sẽ phải đau khổ vì các anh. Lúc ấy chính là lúc cho anh nào chẳng may gặp cảnh khó ấy tỏ lòng biết ơn cha mẹ và tỏ chí hơn người. Các anh sẽ phải hy sinh, cả hạnh phúc, cả ái tính, để cho các cụ được vui lòng. Hạnh phúc anh sẽ có nếu anh biết gây nên. Nhất là khi các anh biết tìm thú vui trong hạnh phúc của kẻ khác, các anh sẽ hớn hở, nếu cha mẹ các anh sung sướng. Dẫu sao, các anh cũng có thể tự hào được rằng: Các anh đã làm trọn bổn phận đối với cha mẹ. Còn nếu các anh không vâng lời các cụ, các cụ sẽ phải đau khổ; sự đau khổ ấy không bao giờ giảm, nhưng chỉ tăng lên mỗi khi các cụ trông thấy các anh, nghĩ đến các anh mà các cụ cho là không dạy nổi. Nhưng đến lượt các anh có con, các anh không còn ngần ngại gì mà không bỏ cái hủ tục ép duyên đi. Các anh chỉ nên dùng sự từng trải, óc lịch duyệt, trí hiểu biết của mình để giúp các con trong sự kén chọn bạn mà thôi chứ không nên ép uổng. Các anh sống, ở giữa hai chế độ cũ và mới. Các anh phải can đảm nhận lấy những cái dở của chế độ cũ mà cha mẹ các anh bắt các anh phải theo và hăng hái thực hành cái hay của chế độ mới, đối với hết thảy mọi người dưới quyền các anh.

    Nghe Thọ nói, Nhung tưởng tượng như nhiều đoạn Thọ chủ ý khuyên riêng nàng, bảo nàng nên thực hành cái thuyết: "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy".

    Nàng nghĩ: nếu thầy me ép mình lấy người khác, thì mình đến phát ốm rồi chết, chứ không thể nghe lời thầy giáo khuyên được... ép mình lấy người khác!... Rõ mình khéo lẩn thẩn!... Nào mình đã để ý đến ai đâu...

    Nhung thấy buồn, một nỗi buồn phảng phất, vô cớ, nó thường ám ảnh những người hay nghĩ vẩn vơ.

  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 17
    Ðã mấy hôm nay trong lớp, Thọ bắt gặp nhiều lần Nhung chăm chú nhìn mình, tha thiết. Một lần đương giờ ra chơi, chàng thấy mấy người học trò lớn bàn chuyện với nhau có vẻ bí mật. Chàng sẽ đứng lại gần nghe:

    - Sao anh biết?

    - Chính là Hàn Thịnh nói với đẻ tôi hôm nọ: "Con Chi nhà tôi lấy ông giáo nhất ở đây". Vậy chẳng phải thầy giáo mình còn là ai nữa.

    - Thế mà ông ấy gan nhỉ. Sắp lấy vợ mà nét mặt vẫn thản nhiên như thường. Không hề lộ vẻ vui mừng.

    - Lấy con Chi làm quái gì...

    Một người trong bọn trông thấy Thọ, ra hiệu bảo chúng bạn đừng nói chuyện nữa, rồi mỗi người lảng đi một nơi.

    Lại ở trong lớp đi ra, đến gần Thọ nói nhỏ:

    - Bà Hàn Thịnh đã nói cho mọi người biết là anh sắp lấy con gái bà ấy. Tôi đi đâu người ta cũng hỏi thăm xem tin ấy có thực hay không.

    - Lạ nhỉ! Tôi đã bảo cụ Kép trả lời bà ta là tôi không bằng lòng kia mà.

    - Lạ thực. Phao lên như thế, chẳng biết rồi sau bà ta đối với mọi người ra sao?

    Nhung buồn. Nàng đăm đăm nghĩ ngợi, mất hẳn vẻ vui tươi ngày thường. Rồi, một buổi sáng, Phượng đến xin phép cho nàng nghỉ học, vì nàng yếu.

    Nhung yếu. Thọ thương nàng. Vắng Nhung, Thọ thấy lớp học buồn tẻ, lạnh lùng, giờ dạy học dài dằng dặc. Chàng vẫn biết là chàng yêu Nhung, nhưng chỉ là cái tình yêu thoang thoảng như khi ta yêu bông hoa đẹp: vắng Nhung, cái tình yêu ấy càng rõ rệt, thấm thía.

    Nhưng Thọ không ngờ rằng Nhung cũng yêu chàng, yêu một cách thiết tha đắm đuối, đến nỗi mới nghe tin Thọ sắp lấy người khác nàng đã buồn tê tái, rồi ốm.

    Nhung đã viện hết lẽ, tìm hết cớ để quên Thọ, coi Thọ chỉ là ông thầy học của mình, và cố sức làm việc để không có thì giờ nghĩ vẩn vơ, để khuây cái buồn vô ích, nhưng không tài nào quên được, khuây được. Trong trí tưởng tượng của nàng, hiện ra bao cảnh rực rỡ, êm đềm, đầm ấm, mà trong đó bao giờ cũng có hình ảnh của Thọ và Chi. Nàng thấy lòng nàng tê tái. Nàng trách Thọ vô tìn, giận Chi cướp mất người yêu của nàng, tức cha mẹ sao không nhờ người đánh tiếng gả nàng cho Thọ như bà Hàn Thịnh đã nhờ người làm mối hộ Chi. Rồi nàng ăn yếu, ngủ kém, cho đến lúc mắt hoa đầu rức, không thể học được.

    Thọ, Đình, Tân, và Hùng rủ nhau vào một hiệu tạp hóa to ở phố chợ. Thọ vào trước, chủ hàng chào:

    - Bẩm thầy vào mua hàng.

    Khi trông thấy Hùng, chủ hàng vội vàng đứng dậy, chạy ra, đon đả mời:

    - Lạy quan ạ! Rước quan ngồi chơi.

    Đình và Tân vào sau, chủ hàng nói một cách nhạt nhẽo:

    - Hai thầy vào chơi...

    Rồi nhà hàng săn sóc đến Hùng:

    - Bẩm quan cần dùng thức gì ạ? Rước quan sơi nước...

    Mãi đến lúc Hùng cầm lấy một chén nước, mời bọn Thọ: "Mời ba ông giáo sơi nước!" chủ hàng mới nhớ ra rằng không phải chỉ một mình Hùng vào trong hiệu mình, ngoài Hùng ra còn có Thọ, Đình, và Tân, mà Tân lại là thầy học của con giai mình. Lúc ấy hắn mới nói:

    - Mời ba thầy sơi nước.

    Cái cách phân biệt trong sự xưng hô, gọi ông giáo bằng "thầy", gọi ông phán bằng "quan" ấy cái cách kính trọng "quan phán", coi thường "thầy giáo" ấy chẳng riêng gì một chủ hàng này mới có, mà hầu hết các chủ hàng khác, các tổng lý, các dân quê, đều như thế cả. Họ không biết rằng Tân, Đình, và Thọ đã rèn luyện nghề mình trong bốn năm ở trường Sư phạm, đã có được một trình độ học thức khá cao, đã phải giữ gìn cẩn thận trong cách ăn ở hàng ngày để làm gương sáng cho học trò, đã phải vì lương tâm nhà nghề ép mình chịu nhịn nhiều thú vui ngông cuồng của tuổi trẻ. Không. Họ không biết hay không để ý đến những cái ấy. Họ chỉ biết ông phán là người làm ở dinh quan Sứ, có quyền thế, có thể giúp việc được họ, còn ông giáo thì chỉ ngày hai buổi ra trường gào thét, gõ đầu trẻ. Họ cho rằng ông giáo ăn lương nhà nước thì bổn phận ông là dạy con họ cho giỏi, rèn luyện con họ cho nên người có tài có đức, hiểu biết lẽ phải, còn ông phán tuy cũng ăn lương nhà nước, nhưng mỗi khi họ có việc phải đến tòa, ông phán làm cho họ, là giúp họ, làm ơn cho họ. Thấy Hùng chơi bời phóng túng, họ nói với nhau:

    - Ông ấy thế mà liều...! Ông ấy chơi ngông!....

    Nếu phải ông giáo chơi như Hùng, họ đã mỉa mai:

    - Đi dạy học mà bậy như thế!...

    Họ biết bình phẩm như vậy mà họ không hiểu nghề dạy học là một nghề khó và những người theo nghề ấy là những người đáng trọng. Không những bây giờ họ coi thường nghề dạy học, cả trước kia cũng vậy. Chẳng thế lại có câu: "Giáo thụ hà thời thăng lại mục".

    Ở hiệu tạp hóa ra. Thọ, Tân, Đình, và Hùng đang đi trên đường cái, Phúc, một ông phán, đứng trong nhà gọi Hùng:

    - Hùng! Có đi một thể không?

    - Đi đâu?

    - Vào trong cụ bố. Không đi à?

    - Chết chửa! Cụ Bố mời vào ăn cơm mà quên mất.

    Hùng chào bọn Thọ vào nhà Phúc, Đình nói:

    - Các anh xem, năm ngoái cụ Bố có con học ở trường, nên có mời bọn chúng mình ăn cơm, năm nay cụ cho con về Hà Nội học, nên lờ hẳn bọn nhà giáo. Người trí thức còn khinh bọn "khai trí cho quốc dân" như thế, nói chi đến những người ít học hoặc vô học như ông chủ tạp hóa lúc nẫy. Tuy mình cho sự đi ăn cơm khách là phiền phức, tuy mình rất sợ và rất ghét tiếng "quan" nhưng mình không thể không lưu ý đến cách họ phân biệt hai phái "chính, giáo" bên trọng bên khinh được.

    - Phải. Những cái phân biệt ấy chỉ tỏ ra rằng nghề mình là một nghề bị bạc đãi và làm cho nhiều người phải chán nản vì nghề.

    Thọ nói:

    - Bởi thế nên ta có thể nói rằng nghề dạy học chỉ dành riêng cho hai hạng người: hạng người thực bụng yêu nghề yêu trẻ, nghĩ đến sự tiến hóa của dân nước, biết đặt mình lên trên những sự bất công của xã hội, và hạng người bất đắc dĩ vì không thể làm nghề gì khác được.

    Tân cười:

    - Thế chúng mình thuộc vào hạng trên hay hạng dưới?

    - Tùy ý anh.

    Về đến nhà, thấy trên bàn có bánh dầy, bánh chưng buộc lạt đỏ và mấy cái hộp vuông làm bằng giấy bìa màu hồng, Thọ hỏi:

    - Của ai thế kia?

    Bếp trả lời:

    - Thưa ông, của ông phán làm ở sở Lục Lộ biếu, nói là cô Bình lấy ông phán Hùng.

    Tân nói:

    - Họ đùa thế mà hóa thực nhỉ?

    Rồi chàng đứng mân mê mấy cái hộp giấy xinh xắn, bốn góc có bốn con bướm nhỏ cắt rất khéo, tìm cách mở từng hộp một:

    - Mứt này... Chè này... Mứt thơm lắm... hạt sen trần cẩn thận... Ngon ghê...

    Thọ và Đình phì cười. Tân trút mứt ra một chiếc đĩa tách, ngồi loay hoay theo nếp cũ gập lại cái hộp rồi nói:

    - Mình phải giữ cái mẫu này để dạy học trò làm thủ công mới được.

  9. #18
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 18
    Nhung nghỉ học đã được hơn một tuần lễ. Các học trò con gái nói cho Thọ biết là nàng yếu nặng. Thọ sốt ruột. Rồi một buổi tối chàng đến thăm Nhung.

    Nhà cụ Tuần vừa ăn cơm xong. Hai cụ đang ngồi uống nước trên sập gụ ở nhà ngoài. Nét mặt hai cụ có vẻ buồn, chắc là vì Nhung yếu. Cụ bà nói với Thọ:

    - Cháu nó yếu quá, ông giáo ạ. Bệnh cháu rất lạ, lúc thăng, lúc giảm, nhiều khi cháu lịm đi rồi nói sảng. Thầy thuốc xem mạch, bảo cháu mắc tâm bệnh. Chắc là cháu học nhiều và lo nghĩ quá độ.

    Thọ ngỏ ý muốn vào thăm Nhung, xem bệnh tình nàng ra sao. Cụ bà đứng dậy đưa Thọ vào. Trong phòng, ngọn đèn manchon tỏa ánh sáng mát êm dịu qua một lần bóng mờ. Trên chiếc giường gọng đồng, sáng loáng. Nhung nằm thiêm thiếp ngủ, chiếc chăn gấm phủ kín đến cổ. Hơi nàng thở đều, se sẽ, nhịp nhàng. Phượng ngồi bên cạnh giường, yên lặng nhìn em.

    Thấy mẹ và Thọ vào. Phượng vội vàng đứng dậy, lấy ghế mời hai người ngồi. Thọ sẽ đặt tay lên trán Nhung, rồi nói, giọng nói hơi run vì cảm động:

    - Trán còn nóng lắm...

    Nhung từ từ mở mắt ra, nhìn Thọ, nàng sẽ thở dài. Cụ Tuần nói:

    - Nhung đã dậy đấy ư con? Ông giáo đến hỏi thăm con đấy...

    Thọ hỏi:

    - Bây giờ trong người chị ra làm sao?

    - Không...

    Nhung chỉ nói được thế, rồi nghẹn lời, hai giọt nước mắt ngập ngừng, rồi từ từ chảy xuống gối. Nàng kéo chăn trùm kín mặt.

    Trong phòng yên lặng. Muốn làm tan cái bầu không khí lạnh lẽo bởi sự yên lặng ấy, cụ Tuần hỏi Thọ:

    - Bao giờ thì ông giáo có việc vui mừng?

    - Bẩm cụ, vui mừng gì kia ạ?

    - Hôm nọ bà Hàn Thịnh vào chơi đây, nói ông sắp lấy con gái út bà ta là cô Chi mà.

    - Bẩm cụ không ạ. Vì ông Hàn có con học, mời nhiều lần, nên nhân một ngày nghỉ chúng cháu về chơi. Ông bà ấy ngờ là cháu đến xem mặt cô Chi nên nhờ bà cụ Kép làm mối. Cháu đã nói với cụ Kép giả lời bà ta hộ là cháu chẳng có ý gì hết, vì thầy mẹ cháu đã nhận lời ở nơi khác rồi. Cháu không hiểu sao bà Hàn lại đi phao ngôn lên như thế.

    - Thế thì bà Hàn ấy buồn cười nhỉ! Nhưng hai cụ đã định cho ông ở đâu rồi?

    - Cháu nói dối thế để bà Hàn khỏi lôi thôi, chứ thực ra cháu cũng chưa định đâu cả, vì cháu còn trẻ, chưa muốn lập gia đình vội.

    - Tôi hỏi lẩn thẩn, năm nay ông bao nhiêu tuổi?

    - Bẩm cụ cháu hai mươi mốt.

    Nhung thở dài, sẽ lật chăn, rồi từ từ ngồi dậy.

    Thọ nói:

    - Chị nên nằm nghỉ, đừng gượng ngồi vội.

    - Thưa thầy, con đã hơi đỡ, ngồi cho tỉnh.

    Người nhà bưng thuốc vào nói:

    - Bẩm cụ lớn, thuốc của cô con được rồi ạ.

    Thọ cầm lấy bát thuốc, nhìn kỹ xem có cặn không, rồi đưa cho Nhung:

    - Chị uống thuốc đi, cố cho chóng khỏi để các cụ được vui lòng.

    Nhung đón lấy bát thuốc uống một hơi hết, rồi đưa bát cho Phượng. Cụ Tuần nói:

    - Con xin phép ông giáo nằm nghỉ một lúc.

    - Thưa me con ngồi cũng được.

    Thọ nói:

    - Chị nên nghe lời cụ nằm xuống cho dẫn thuốc thì hơn.

    Ngoan ngoãn. Nhung nằm xuống, kéo chăn kín lên đến ngực.

    Đồng hồ đeo trên tường thong thả buông chín tiếng, lanh lảnh, ngân nga. Thọ đứng dạy bảo Nhung:

    - Tôi về đây, chị chịu khó uống thuốc và ăn cơm cho chóng mạnh để đi học, vì kỳ thi cũng sắp sửa đến rồi.

    Nhung ngồi dậy, toan đứng lên tiễn Thọ ra khỏi phòng.

    Cụ Tuần âu yếm bảo:

    - Thôi con cứ nằm nghỉ, để mẹ đưa ông giáo ra cũng đủ. Chị Phượng ở lại với em nhé.

    Tám giờ một buổi tối mùa xuân. Giời mưa phùn và hơi rét. Gió thổi từng cơn thỉnh thoảng vù vù qua khe cửa.

    Trong nhà Thọ, bầu không khí ấm áp sực nức mùi thuốc lá; tiếng cười nói ồn ào vui vẻ, nhiều lúc xen lẫn cả tiếng vỗ tay.

    Ta nhận thấy đủ mặt nhà giáo và năm sáu ông phán làm các sở, ngồi quây chung quanh cái bàn tròn ở giữa nhà, hay nằm dài trên đi van hoặc ngồi tựa lưng vào tường, hai chân duỗi thẳng. Họ thi nhau nói đùa Hùng về đám cưới sắp tới của chàng. Mỗi khi ai nói được câu gì lý thú, cả bọn vỗ tay cười.

    Hùng ngồi mân mê cái lọ hoa để giữa bàn đáp lại các câu bông đùa của chúng bạn bằng những nụ cười nhạt nhẽo, hoặc kín đáo, ý vị.

    Thằng bếp luôn luôn pha nước.

    Những buổi hội họp như thế, ta thường thấy ở nhà Thọ luôn. Là vì ở đấy họ được tự nhiên, tha hồ bông đùa, tha hồ cợt nhả, tự do ngỏ ý mình, kể lại những chuyện riêng lý thú của mình chứ không phải giữ gìn, e lệ, rụt dè, kín đáo, như ở những nhà có đàn bà trẻ con, nhất là có các cụ già. Những lúc ấy họ hiểu rõ cái hứng thú của tuổi trẻ, cái tuổi cường tráng, hăng hái, vui vẻ, hoạt động. Có lúc hết chuyện, một người đếm: một, hai, ba, rồi cả bọn cùng cười vang như vỡ chợ.

    Bên ngoài có tiếng gõ cửa. Thằng bếp ra mở. Một người âu phục, đội mũ dạ, mặc áo đi mưa, cầm đèn bấm, bước vào, hơi cúi đầu xuống để khỏi chói mắt vì đèn sáng quá. Ai nấy lặng im nhìn. Người ấy ngả mũ chào rồi nói với Thọ:

    - Thưa ông, tôi là con rể ông Hàn Thịnh...

    - Vâng. Tôi nhận ra ông rồi. Mời ông cởi áo ngoài rồi ngồi chơi.

    - Tôi muốn nói với ông câu chuyện riêng, nhưng vì nhà đông người quá không tiện.

    - Nếu có thể được xin ông cứ cho biết.

    - Một người nhờ tôi đến nói với ông một việc có mật thiết đến danh dự của ông. Vậy xin ông đến nhà đằng kia với tôi. Ở đấy vắng vẻ, ta nói chuyện dễ hơn.

    Thọ hơi chau mày nghĩ ngợi một phút rồi cả quyết lấy mũ, khoác áo tơi, cầm đèn bấm ra đi với người kia.

    Giời tối đen. Mưa bay theo gió lướt vào tận mặt. Hai người phải kéo thêm vành mũ xuống. Trong luồng ánh sáng của hai chiếc đèn bấm, những hạt mưa phùn trắng toát, phơi phới, mặt đường dải dựa bóng loáng, và những thân cây hai bên đường lộ ra.

    Ở phố Vĩnh Thịnh đi ngược lên một quãng, rẽ vào con đường nhỏ, về bên phải độ vài chục thước, rồi hai người dừng lại, trước cửa một cái nhà gianh.

    Người kia đẩy hai cánh cửa vẫn khép, rồi mời Thọ vào. Nhà ấy ba gian, ngoảnh mặt ra đường, đằng sau có lẽ là sân hay còn nhà trong nữa. Hai gian bên có hai chiếc giường ngủ, dát tre, không có chiếu. Ở gian giữa kê một chiếc bàn với bốn cái ghế gỗ. Trên bàn một ngọn đèn lù mù lung lay vì gió thổi từ ngoài lọt đến. Một cái nhà không người ở lạnh lẽo. Thọ lấy làm lạ, không hiểu nhà này là nhà nào mà ngày thường chàng không để ý đến.

    Hai người ngồi hai chiếc ghế đối diện nhau. Người kia nói:

    - Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện được, vì không có ai ở đây cả.

    - Vâng.

    - Một người nhờ tôi đến nói chuyện với ông. Người ấy hiện bây giờ đang rên rỉ trên giường bệnh, có lẽ khó lòng sống được, nếu ông không thương hắn.

    - Sao vậy?

    - Hắn tuy là học trò của ông đốc trước, nhưng cũng chẳng khác gì học trò của ông, ông nên trông lại cho hắn nhờ...

    - Ông cứ nói.

    - Hắn lấy cô Chi, con gái út ông Hàn Thịnh, từ lúc còn nhỏ. Khi nhớn lên, cô Chi theo đòi chúng bạn, chơi bời lãng mạn, rồi chê hắn, khinh hắn, bỏ hắn. Hắn căm giận vô cùng, nhưng vì trước kia không vào sổ giá thú, nên hắn không làm gì nổi...

    - Sao nữa?... Ông nói ngay đến cốt chuyện cho.

    - Nay hắn nghe tin ông sắp sửa lấy cô Chi, hắn khó chịu, tức bực, uất lên rồi phát ốm.

    - Nhưng nếu tin đồn ấy không đúng sự thực?

    - Còn sai sao được. Cụ Kép đã đến nói với bà Hàn là nay mai cụ nhà ta đem giầu cau đến hỏi.

    Thọ ngạc nhiên.

    - Nếu thế thì lạ thực. Tôi đã bảo cụ Kép giả lời bà Hàn hộ, tôi không để ý gì đến cô Chi kia mà...

    Người kia không đổi sắc mặt, vẫn điềm nhiên nói:

    - Thế thì lạ thực! Nhưng càng hay. Như ông vừa trẻ tuổi vừa có địa vị trong xã hội, lấy đâu mà không được vợ vừa ý. Tôi đã đi Vân Nam, đi Hồng Kông, nên biết rộng. Thấy ông là người học thức, đứng đắn, tôi không nỡ để người ta lừa ông. Cô Chi không phải là người như ông tưởng tượng đâu. Tôi ở đây tôi biết, cô ấy không được đứng đắn, chơi bời phóng túng...

    - Vâng. Tôi hiểu rồi... Tôi đã bảo không là không. Vậy ông đã hài lòng và hết chuyện chứ?

    - Xin cám ơn ông. Kính ông về trước. Tôi ra sau.

    Thọ ở trong nhà ấy ra một mình. Mới đi được mươi bước, chàng thấy từ đằng sau thân một cây to, hai bóng người nhẩy vọt ra. Thọ giật mình, chiếu đèn lên mặt hai người ấy, thì ra Tân và Đình đang đứng nhe bộ răng trắng ra cười và nhắm mắt lại, vì đèn chói qua. Thọ hỏi:

    - Các anh đi đâu thế?

    - Chúng tôi sợ có điều gì chẳng may xảy ra chăng, nên đến để phòng bị. Chúng tôi đã cho thằng bếp đến đứng nghe ở cửa nhà ấy, nếu thấy gì khác ý thì gọi ngay chúng tôi. Nó đang đi đằng sau anh kia kìa.

    Thọ ngoảnh lại, quả nhiên thấy thằng bếp đang đi đằng sau mình thật; vì nó đi đất, mà Thọ thì nện mạnh gót giầy lên mặt đường, nên không biết.

    Tân và Đình cùng hỏi:

    - Chuyện gì mà bí mật thế?

    - Về nhà sẽ hay. Còn bọn kia đâu?

    - Họ đang ngồi đợi anh ở nhà đấy.

    Bọn Thọ vừa vào đến nhà, mọi người đã nhao nhao lên hỏi:

    - Chuyện gì thế?

    - Có gì lạ không?

    - Nó lại tán tỉnh để anh lấy em vợ nó chứ gì?

    Thọ vừa cười vừa nói:

    - Đố ai đoán trúng.

    Mọi người lặng im. Thọ nói:

    - Chính tôi cũng không ngờ. Hắn tưởng tôi định hỏi Chi thật, đến nói xấu Chi và bảo tôi không nên lấy.

    - Lạ thật!

    Hai ba người cùng nói lên một lúc như thế, Đình lên mặt thạo đời, dõng dạc nói:

    - Chẳng lạ gì cả. Hắn lại muốn "Hoa thơm vơ cả cụm" đây, nên đến phá đám, để hắn ở giữa được hưởng lợi. Rồi các anh xem.

    Quả nhiên cách đấy mấy hôm, khắp tỉnh Vĩnh Yên, người ta đồn: Con gái út ông Hàn Thịnh trốn nhà đi với anh rể.

    Một buổi chiều cụ Kép gặp Thọ đi ở trường về, kín đáo nói:

    - Bọn ấy đưa nhau đi rồi, ông ạ.

    - Bọn nào kia "thưa cụ".

    - Cô Chi con ông Hàn Thịnh ấy mà. Họ giắt nhau đi trốn đã được hơn tuần lễ rồi. Thế là em tranh chồng chị đấy.

    Thọ mỉm cười:

    - Sao trước cụ khoe với tôi là cô ấy ngoan lắm kia mà.

    Bà cụ cười, không nói gì, chào Thọ rồi đi thẳng.

  10. #19
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 19
    Ba tháng xuân qua. Trên những cành đào đầy lá xanh tươi, quả non chi chít, mơn mởn như tuyết nhung. Hết hẳn những ngày mưa phùn u ám, thường kéo dài từ đông sang xuân. Trên bầu trời cao, xanh ngắt, không gợn chút mây, mặt trời đã bắt đầu tỏa ánh sáng chói lọi. Với cảnh trời quang, với ánh sáng rực rỡ, với tiếng chim ríu rít gọi nhau trên những cành cây tươi thắm với mọi cảnh sán lạn của buổi đầu hè, ta thấy thân thể khoan khoái, tâm hồn thảnh thơi. Ta vui vẻ bỏ những áo dầy nặng của mùa rét, hí hởn mặc những áo mỏng nhẹ nhàng.

    Thực vậy, ở Vĩnh Yên, mùa xuân không mấy ngày được đầm ấm thanh quang; bầu trời thường u ám vẩn mây, mưa phùn thường nhắc ta nhớ lại những ngày đông buồn bã, cảnh vật bị bao phủ mịt mùng, nên gặp những ngày tạnh...

    Nhung đã khỏi bệnh. Nàng lại đi học như thường. Với mầu da hơi xanh vì nàng cũng chưa khỏe hẳn, với bộ quần áo lụa mềm mại, nàng có vẻ đẹp thùy mị, kín đáo, thanh cao.

    Buổi đầu thấy Nhung lại đi học, Thọ thấy tâm hồn rạo rực. Rồi nhớ lại buổi đến thăm nàng, tự nhiên mặt Thọ nóng bừng. Chàng thương Nhung vì Nhung còn hơi yếu, nước da hơi xanh, người hơi gầy. Thọ cố nén những cảm giác chàng cho là mới lạ ấy. Dần dần chàng lại giữ được vẻ tự nhiên và làm việc như thường. Nhung đem lại lớp học bao vẻ đầm ấm, êm đềm, bù vào cái lạnh lẽo buồn tẻ mà Thọ đã cảm thấy trong khi nàng vắng mặt.

    Những cây xoan tây giồng hai bên đường đã lác đác điểm hoa đỏ chói lọi. Những bông hoa tươi thắm ấy nhắc cho các học trò lớp nhất biết rằng kỳ thi sắp tới. Những người lười biếng không chút hy vọng ở sự thi đỗ, thì vẫn thản nhiên như không. Còn những người chăm chỉ, người học khá, đã thấy băn khoăn lo nghĩ. Còn hai tháng nữa họ sẽ thấy cái kết quả rực rỡ của suốt một năm cặm cụi, chịu khó, hay phải chịu thiệt thòi về sự chẳng may. Họ đã nghĩ đến những sự vui vẻ trong gia đình khi được tin họ đỗ. Trong trí tưởng tượng, họ đã nhìn thấy họ vênh vang đi ngoài đường, dưới những con mắt khen ngợi hay cảm phục của mọi người hai bên hàng phố. Nhưng biết đâu! "Học tài thi phận"! Biết đâu mình sẽ không gặp một ông tây đọc ám tả khó nghe! Biết đâu mình sẽ không viết nhầm vài chữ bởi sự vô ý! Biết đâu bài luận của mình sẽ không gặp phải người chấm nghiệt! Những cái "biết đâu" ấy và bao cái "biết đâu' khác thường bận trí họ, làm giảm hẳn những giấc mộng êm đềm kể trên.

    Gần đến kỳ thi, thầy giáo và học trò đều gắng sức làm việc. Chiều nào Thọ cũng ở lại nửa giờ để dạy học trò thêm về các khoa cần thiết như ám tả, tính đố, luận pháp văn, luận quốc văn. Càng thấy học trò chịu khó, chăm chỉ, chú ý nghe lời mình giảng, Thọ càng ra công dạy.

    Vì nể lời cụ Tuần, mỗi buổi tối, Thọ đến dạy thêm Nhung trong hai tiếng đồng hồ. Cũng một công dạy, Thọ xin phép cụ Tuần cho Thanh đến học một thể. Cụ Tuần bằng lòng ngay.

    Có Thanh, Thọ không sợ người ngoài dị nghị, và Nhung cũng gắng sức hơn, vì nàng không muốn ai vượt nổi mình, để Thọ phải khen ngợi và được vui lòng.

    Hai bên đường, hoa xoan tây đỏ ối xen lẫn vào những tầu lá xanh rờn. Những cánh hoa rụng rải rác trên mặt đất. ánh nắng gay gắt của buổi đầu hè đã làm cho mọi người uể oải, khó chịu.

    Ở các lớp dưới, nhất là ở lớp ba mới thi Sơ học Yếu Lược xong, học trò làm việc chán nản, chỉ mong cho chóng đến hè. Chán nản là phải! Giời đã nóng bức, các bài lại phải ôn lại từ đầu năm. Bao nhiêu thì giờ thầy giáo dùng để giảng bài mới khi trước, nay dùng để học trò đọc bài cả. Đối với những học trò lười, những phút dùng để học bài ấy sao mà dài thế! Chỉ chậm lại một phút cũng đủ đến lượt các cậu, các cậu sẽ phải quở mắng, chép bài, ở lại. Vụ nghỉ hè càng gần, bầu không khí trong lớp càng thấy buồn tẻ, chán ngắt.

    Nhưng ở lớp nhất thì trái hẳn, ở đây, càng về cuối năm, học trò càng gắng sức. Đối với họ, thì giờ qua vùn vụt. Họ ước ao ngày tháng giật lùi trở lại để kỳ thi còn xa. Những sự ước ao hão huyền ấy, họ nhắc tới mỗi khi họ nhận thấy sức học của mình còn kém, bài học ôn còn nhiều.

    Nhưng ngày qua, lại ngày qua; thời giờ cứ tiến một cách êm đềm bình tĩnh. Tháng năm tây hết. Còn mười hôm nữa, các cậu học trò lớp nhất sẽ biết cái kết quả tốt đẹp hay chẳng may của mình.

    Muốn hiểu trình độ của học trò một cách chắc chắn, và phỏng đoán cái kết quả của kỳ thi sắp tới, Thọ soạn bài cho họ thi thử. Chàng cố ý chọn các đầu bài hơi khó.

    Khi đã chấm xong các bài, cộng các điểm số của từng người một để đặt thứ tự trên dưới. Thọ xoa tay, mỉm cười sung sướng, vì thấy công khó nhọc của mình không phải là công uổng. Trừ Nhung và Thanh ra là hai tay xuất sắc nhất, không kể các người khác phần nhiều cũng khá cả. Cứ lấy sức học mà xét, không kể đến sự may rủi, Thọ chắc số học trò trong lớp có thể đỗ được quá nửa.

    Thấy tên mình đứng đầu bảng, trên cả các bạn giai, trên cả Thanh là người đã được nàng giúp sức, đã được Thọ săn sóc đến, đã được cha mẹ nàng rộng phép cho đến học thêm buổi tối, Nhung mỉm một nụ cười tự đắc, sung sướng nhìn Thọ.

  11. #20
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Chương 20
    Mười hai tháng sáu tây! Cái ngày làm cho học trò lớp nhất các trường trong toàn hạt Bắc Kỳ năm ấy phải hồi hộp, vui tươi hớn hở, hay lo sợ phân vân. Ngày ấy sẽ làm cho bao người được thỏa lòng mong ước, và cũng sẽ làm cho bao người khác phải chán nản, đau đớn, ê chề, tủi phận.

    Mười hai tháng sáu tây năm ấy là ngày thi Sơ học tốt nghiệp.

    Chưa bẩy giờ sáng hôm ấy, cùng với các thí sinh khác, học trò lớp nhất trường Vĩnh Yên đã tề tựu tại trước cửa trường Bảo Hộ Hà Nội. Cậu nào cũng cầm một cuộn giấy trắng, trong có kèm miếng giấy thấm, thước, bút chì, bút viết và mực. Các cậu đi đi, lại lại, hoặc họp từng bọn nói chuyện. Mỗi cậu có một vẻ mặt riêng: có cậu thản nhiên như không, có cậu làm ra vẻ vui tươi, có cậu lo lắng, có cậu trầm ngâm suy nghĩ. Ai đã đi thi qua, cũng hiểu được tâm lý của các cậu lúc ấy, một thứ tâm lý phức tạp đầy sự mong ước, nửa mừng nửa lo.

    Thỉnh thoảng các thí sinh lại dãn ra hai bên, nhường chỗ cho chiếc ô tô của ông chính chủ khảo từ từ đi vào trong sân trường hay chiếc xe tay của các ông giám khảo đỗ ngay trước cửa.

    Không ai bảo ai, bỗng một phần đông thí sinh nhìn cả về một phía, đằng đầu trường, chỗ bọn học trò con gái đứng. Trên một chiếc xe tay nhà sơn vàng bóng lộn, một thiếu nữ xinh tươi ung dung bước xuống, nhẹ nhàng uyển chuyển trong bộ quần áo tân thời nhã nhặn.

    Họ thì thầm bảo nhau:

    - Nhung đã đến. Oai không.

    - Thí sinh đấy!

    Ba hồi trống trong trường vang lên. Các học trò kéo nhau vào trong sân, đến cửa các buồng thi, trông lên những tờ giấy vuông dán ở cánh cửa, xem mình sẽ vào buồng nào, rồi đứng đợi hay đi lại lảng vảng gần đấy.

    Bẩy giờ rưỡi.

    Trước cửa các buồng thi, người ta bắt đầu gọi học trò vào lớp. Sân trường vắng dần, rồi không còn một ai. Ngoài cửa trường, mấy ông cụ già phe phẩy chiếc quạt, đứng nói chuyện với anh bán bánh tây, chị hàng nước, dưới bóng mát của mấy cây bàng.

    Trong lớp, các thí sinh im lặng, cắm cúi làm bài. Cứ xong mỗi bài, số học trò vui vẻ, vững dạ lại giảm đi, và số học trò lo ngại chán nản tăng lên.

    Rồi hết buổi sáng đến buổi chiều, ta thấy nhiều cậu hớn hở khoe bài mình với bạn, nhiều cậu phân vân hỏi nhau về những điều mình ngờ vực, nhiều cậu đi riêng ra một mình buồn tẻ.

    Buổi chiều xong. Suốt ngày hôm sau là ngày các cậu mong đợi, nghe ngóng, băn khoăn, hỏi han, bàn tán cho đến lúc các cậu chen nhau vào xem mấy tờ giấy đánh máy dán ở cửa trường. Lúc này là lúc ta nhận rõ hạng người đỗ vui tươi với hạng người hỏng bơ phờ rầu rĩ.

    Cái cảnh học trò vào thi vấn đáp thật là một cảnh vui mắt. Mỗi cậu cầm một quyển sổ học khóa, và một tờ căn cước, đi từ lớp nọ sang lớp kia, ở đâu cũng dừng lại dăm phút, lắng tai nghe người đang giả lời giám khảo, rồi sẽ gật đầu khen ngợi hay mỉm cười chế riễu. Những cậu học khá chắc ở sức học của mình, thì vào buồng nào cũng đến cho giám khảo hỏi ngay cho chóng xong, để có thì giờ đi kèm các bạn, tìm cách giúp nhau. Còn những cậu, sức học vừa phải, bài học chỗ thuộc chỗ không, thì phải nghe ngóng, suy tính, nghĩ ngợi, so sánh, xem lúc nào nên vào thi, mà vào buồng nào trước.

    Nhung đi đâu cũng có một bọn theo sau, vào lớp nào cũng thấy họ xúm quanh mình, vừa để ý nghe, vừa chăm chú nhìn mình nói. Nhiều cậu giả vờ như vô tình đi đến; có cậu không đủ can đảm theo nàng, chỉ đứng ngẩn ngơ trông.

    Ngoài sân, tiếng cười nói xôn xao. Họ chê nhau nói sai; họ khen nhau giả lời đúng; họ mời nhau uống nước chanh, rượu bia, hút thuốc lá. Có mấy cậu đứng bình phẩm nhỏ với nhau về quần áo và dáng điệu của những người qua trước mặt, và mỗi khi thoáng thấy Nhung đâu, thì trố mắt nhìn cho đến khi không thấy bóng nàng nữa.

    Lúc yết bảng là lúc vui chung của mọi người được vào kỳ vấn đáp, vì không một ai hỏng. Nhìn lớp sóng người từ trong sân trường kéo ra, ta nhận rõ sự lanh lợi hoạt bát của tuổi trẻ đầy hy vọng.

    Thọ đang soạn lại sổ sách trong lớp thì nhận được giây thép gửi về:

    "Hai mươi tám người đỗ

    Tuyết Nhung."

    Chàng mỉm cười nói một mình:

    - Thế là được hơn một nửa.

    Các trường nghỉ hè. Thầy giáo và học trò tạm biệt nhau trong hai tháng rưỡi. Cửa trường đóng kín mít. Ngoài sân trường vắng tanh, cỏ bắt đầu mọc cao dần.

    Một năm học qua, Thọ thấy rất chóng. Ngẫm lại công việc mình làm trong chín thắng rưỡi, chàng không thấy có một sự gì đáng ghi nhớ. Một vài sự bực mình vì học trò lười hay vô lễ, một vài thú vui trong khi chấm một bài hay hoặc nghe đọc một bài rành mạch. ấy chỉ có thế. Nhưng Thọ thấy khoan khoái nhẹ nhàng, tâm hồn bình tĩnh. Chàng đã làm trọn bổn phận; chàng đã thành thực yêu nghề, đã săn sóc đến lũ trẻ thông minh, lanh lợi, nhanh nhảu một cách chu đáo. Đối với các học trò lười biếng, chàng không ghét mà chỉ thương hại.

    Rồi bao việc xẩy ra từ khi Thọ mới bước chân đến đất Vĩnh Yên, lần lượt hiện ra trong trí nhớ của chàng, khiến chàng có lúc mỉm cười sung sướng, có lúc chau mày nghĩ ngợi.

    Nhớ đến Loan, chàng không khỏi ngậm ngùi. Không biết đời nàng bây giờ ra sao? Sướng hay khổ? Nghĩ đến cảnh đau khổ của một nàng dâu bị mẹ chồng cay nghiệt, của một người vợ sống gượng với chồng không chút tình yêu, mà Loan có thể gặp được, Thọ băn khoăn hối hận.

    Rồi Quảng đến chào Thọ và báo tin cho chàng biết là hắn đã thi đỗ ở Việt Trì. Thọ cảm động.

    Những ngày hè nắng bức liên tiếp nhau. Suốt từ sáng đến chiều, mặt giời chói lọi gay gắt, tỏa ánh sáng. Trên cành cây, tiếng ve kêu ran. Khi mặt trời đã lặn, chỉ trên đường Tam Đảo mới có gió mát. Còn ở trong phố khuất gió, hơi nóng ở đường nhựa bốc lên, ở tường gạch và mái ngói xông ra, khiến ta có cái cảm giác như bị đè nén khó thở. Nét mặt người nào cũng có vẻ mệt nhọc, uể oải. ở xứ ta, mùa hè là mùa khó chịu nhất trong một năm. Người mệt nhọc dễ sinh ra lười biếng, hay cau có, hay gắt gỏng.

    Mỗi khi gặp trận mưa rào, thì người vật hớn hở, cây cối xanh tươi, đường phố sạch lầu, không khí mát mẻ; nhưng cái mát mẻ ấy mất dần khi mặt trời vén mây giọi ánh sáng.

    Thọ về thăm nhà nửa tháng, rồi giữ lời hứa với cụ Tuần, lên nghỉ mát với cụ trên Tam Đảo, nhân tiện dạy thêm Nhung để hết hè thi vào trường Nữ Sư Phạm. Bích cùng đi với Thọ. Mới gặp nhau Nhung và Bích thân yêu nhau ngay. Nhung hỏi Bích về sự thi vào Nữ Sư Phạm, về cách ăn ở của học trò trong trường. Bích kể lại tường tận và khéo thêm bớt đến nỗi Nhung mơ mộng, ước ao, chỉ mong cho chóng hết hè, để được hưởng cái đời lý thú, vui vẻ, hoạt động, nhí nhảnh của cô nữ học sinh mà Bích đã tả; nghĩa là Nhung thèm muốn cái đời của Bích; nhưng mỗi khi nhìn Thọ, nàng lại sẽ thở dài; về Hà Nội học, nàng sẽ phải xa Thọ, mà xa Thọ thì nàng vui tươi sao được.

    Chiều nào cũng vậy, Thọ, Nhung, và Bích dạo chơi trên những con đường sỏi nhỏ, vòng theo sườn núi, giữa hai giặng cây xanh um tùm. Hễ gặp con bướm nào bay là là mặt đất hoặc nhởn nhơ rời cành này sang cành khác, Nhung và Bích thi nhau đuổi bắt, rồi khi thấy bướm bay đã quá tầm, hai nàng nhìn theo khúc khích cười.

    Có khi ba người rủ nhau lên tận đỉnh đèo Thái Nguyên, đứng nhìn con đường dốc chạy vòng sang bên kia sườn núi, hay trèo lên nhà lục lăng ở đỉnh ngọn, ngồi nhìn những ngọn cây mọc thoai thoải xuống chung quanh, mà tưởng tượng như cùng nhau lạc vào một thế giới khác.

    Có khi cùng nhau đứng tựa bên cầu, lặng ngắm làn nước từ từ chẩy trên những tảng đá nhẵn thín, những viên sỏi sạch lầu, và nghe tiếng nước reo ào ào từ đằng xa đưa lại, không bao giờ dứt.

    Có lúc cùng nhau ngồi hàng giờ trên những phiến đá to dưới chân thác Bạc say sưa trông ngọn nước trắng xóa, từ trên cao reo xuống, ào ào cuồn cuộn, như muốn dội lên đầu mình; những tia nước mát lạnh bắn ra như mưa bụi.

    Trong những đêm giăng tỏ cảnh rừng núi bao la, mịt mùng, biến ảo, tiếng thác chẩy rì rào, như đứt, như nối, như gần như xa, đã gợi trong tâm hồn ba người bao cảm giác mới lạ, êm đềm, phảng phất, mơ màng.

    Ngày vui chóng qua. Thấm thoát đã gần hết hai tháng, từ ngày Thọ và Bích lên Tam Đảo. Chỉ còn một tuần lễ nữa, các trường tiểu học sẽ bắt đầu khai giảng, Thọ và Bích phải về Hà Nội để sắp sửa đến kỳ vào học. Cảnh Tam Đảo đối với Nhung hết thi vị, nàng chỉ còn đợi đến ngày khai trường là nói với cha mẹ dọn nhà về Vĩnh Yên.

    Những ngày vui đã qua chỉ để lại trong trí ta những nỗi nhớ nhung mến tiếc, và làm tăng sự buồn tẻ của cuộc đời hiện tại.

    Vắng Thọ và Bích, Nhung kém hẳn vẻ tươi. Nàng không hay ra khỏi nhà. Những buổi chiều tà, ngồi tựa khung cửa sổ, nàng mơ màng nhìn tận cõi xa xăm trước mắt, và tưởng lại những phút êm đềm bên cạnh người yêu. Tiếng suối reo, làn nước chẩy, cảnh rừng núi thâm u, ngọn gió chiều nhẹ nhàng lướt trên những bông hoa tươi thắm, phe phẩy những cành lá rung rinh, bao cảnh dịu dàng ấy chỉ gợi cho nàng những nỗi nhớ mong.

Trang 2 / 3 ĐầuĐầu 123 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-20-2017, 12:30 AM
  2. Khi phiền lòng hãy đọc bài này, những câu nói cảm động lòng người!
    By sophienguyen in forum Danh Ngôn - Lời Hay Ý Đẹp
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 04-26-2017, 12:01 AM
  3. Trả Lời: 1
    Bài Viết Cuối: 09-27-2016, 07:52 PM
  4. Phá lấu lòng heo, lòng bò
    By sophienguyen in forum Món Chính Chọn Lọc
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-06-2015, 02:17 AM
  5. Tấm lòng của chàng trai nghèo vật chất, giàu lòng nhân ái
    By sophienguyen in forum Sự Kiện Đời Sống
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 08-28-2014, 02:24 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •