Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc chỉ dành riêng cho những kẻ nào làm cho nhiều người được sung sướng.
Abbé Delille
Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12
Results 11 to 17 of 17

Chủ Đề: Sầu Mây

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Sầu Mây

    Sầu Mây


    Tác giả :Doãn Quốc Sỹ




    Trời mưa bụi thì phải. Huy đi trong một vùng hơi nước bao phủ mờ mờ. Quyền, người bạn đồng niên của chàng, tay dắt đứa con nhỏ đã đứng chờ chàng ở góc đường kia. Quyền nói ngay khi Huy vừa tới: "Để tôi đưa cháu về rồi chúng ta tới một tiệm nào vừa nhậu nhẹt vừa tán chuyện gẫu cho đỡ buồn!" Huy bèn nói: "Vậy để tôi lái xe lại đây đưa anh và cháu về rồi chúng ta cùng đi sau." Đoạn Huy đi ngay về chỗ để xe, đi quanh quẩn sang một đường hẻm lầy lội khác, mưa bụi nhường như mau hạt hơn. Một cô gái nhỏ khuôn mặt trắng muốt, cô mặc áo màu xanh dài lướt thướt, đi vội qua đường, ngoái cổ lại cười trong mưa bụi. Đó là điểm tươi sáng duy nhất của khung cảnh mưa bay buồn thảm hoang vắng lúc đó. Sau lùm cây kia hẳn là bờ sông hoang dã, cỏ dại và cát trắng. Người con gái đã mất dạng sau lùm cây xác xơ, không nói một tiếng: Huy khao khát được nghe tiếng nàng, chàng đoán thầm nếu nàng cất tiếng, lời nàng sẽ biến thành dòng nước tinh khiết mát rợi chảy qua người chàng. Huy thèm một cái gì bình dị như nụ cười hồn nhiên của bất cứ một ai. Nụ cười có thể thâm thúy, có thể hời hợt, chính sự bất thường đó làm cuộc đời phong phú như con thuyền nhỏ chìm nổi theo sóng gió đại dương. Huy thấy mình đã đi vào căn nhà mái cao, bốn bề không có tường, tựa như đây là khu chợ nhưng không có kẻ mua người bán tấp nập mà chỉ có một người đương làm thịt mèo. Những con mèo đã cạo sạch lông treo thành một dãy trắng hếu, mấy con còn lại nhốt trong chiếc lồng tre. Một ông già khuôn mặt bình tĩnh đứng gần đấy, tay ôm một con khác, đợi trao con vật khốn nạn đó cho "người đồ tể mèo" đương cạo lông một con ở gần thùng nước sôi. Người ta làm thịt mèo để chuẩn bị tiệc cưới cho cô gái áo xanh, ôi, tội nghiệp cho những con mèo."

    Huy giật mình thức giấc. Chiếc xe buýt đã tới một trạm nghỉ của một đô thị khá lớn nào đó trên con đường từ Nashville (Tennessee) tới Chicago, một đô thị Mỹ lớn chỉ kém có New York, Huy đã vừa chợp ngủ để đi vào một giấc mơ sầu thảm của mưa bụi, của đường hẻm lầy và của bữa tiệc cưới sửa soạn bằng thịt mèo. Người bạn tên Quyền chàng gặp trong giấc mơ chắc chắn là vẫn tiếp tục vừa dạy học vừa thầu rau tươi cho quân đội Mỹ ở Sài Gòn, hai công việc nghe như trái ngược một cách tức cười. Chẳng hiểu vì một liên tưởng gì mà Huy lại bắt Quyền trong giấc mơ dắt đứa con nhỏ. Thực ra Quyền đã có vợ con gì đâu.

    Hành khách trên xe buýt đã lục tục xuống để giải lao. Huy vươn vai để xua đuổi cho sạch giấc mộng sầu vừa qua, rồi cũng khom người đứng lên, đi xuống. Chàng đi vào ánh đèn chói chang của căn phòng khá rộng, một góc rộn ràng tiếng sạch sạch của mây người chờ xe đương giết thì giờ bằng trò chơi bóng bàn, một góc là cafeteria ngào ngạt mùi thơm của đồ ăn thức uống cùng với tiếng lách cách khá vui tai của muỗng nĩa chạm nhau. Đồng hồ chỉ bốn giờ sáng. Bản nhạc Exodus nổi lên vừa đủ nghe. Khúc nhạc vốn mênh mông hùng tráng là vậy nay trở thành dí dỏm, bông lơn, chỉ vì được chơi theo nhịp bolero, phần trầm giữ nhịp như tâm trạng tự tiềm thức đổ bóng nhuộm màu lên ngoại cảnh. Đi vào phòng vệ sinh, Huy dừng lại một giây trước khoảng hẹp có kê hai chiếc ghế bành cao và hai người da đen đương ngồi buồn thiu đợi khách đánh giầy. Ý nghĩ của Huy chợt ôn lại về Quyền.

    Quyền với Huy cùng ở ngành giáo dục. Ba năm trước đây, ngày Quyền du học ở Mỹ về đúng lúc khởi xướng phong trào kỳ thị Bắc Nam. Thực ra phong trào này - nếu có thể gọi là phong trào - chỉ xẩy ra ở cấp "trí thức" lãnh đạo, tranh nhau quyền lợi, ngôi thứ. Nhìn sâu hơn thì đó còn là cuộc đấu tranh mâu thuẫn giữa "trí thức thân Mỹ" với "trí thức thân Pháp" mà một tờ báo trào phúng Saigon đã nặng lời nói đùa là giữa cớm văn hóa đế quốc và cớm văn hóa thực dân. Quyền không được dùng vào đúng sở học, người ta thẩy chàng về trường sở cũ phụ trách môn Anh-văn. Quyền bèn giúp thêm mẹ thầu rau tươi Đà Lạt cho quân đội Mỹ. Người quân nhân Mỹ thoạt giao thiệp chỉ thấy mình gặp một người Việt nói tiếng

    Anh thạo, lịch thiệp, cách giao hàng đứng đắn, sau hỏi ra mới vỡ lẽ Quyền đã theo học đến hết cử nhân rồi bị động viên. Thế là đôi bên coi nhau như tình đồng môn.

    Anh bạn quân nhân Mỹ hỏi:

    - Sao văn bằng anh cao thế mà không được dùng vào đúng ngành chuyên môn về giao dục của anh?

    Quyền đáp nửa nạc nửa mỡ:

    - Ở nước anh thì văn bằng chuyên môn cao cấp là quý vì nước anh chỉ mới có ba, bốn trăm năm văn hiến, nước tôi tuổi tác văn hiến già gấp mười, văn bằng đó chỉ đủ giúp cho tôi sáng suốt hơn trong nghề... lái rau.

    Cả đôi bên cùng cười vui.

    Tiếng nói phát từ máy phát thanh mời mọi người đi Chicago lên xe buýt. Chặng này thay tài xế. Người tài xế mới trẻ hơn người cũ rất nhiều, nhưng điệu cần cù, thận trọng với trách nhiệm thì cũng như người tài xế già cũ.

    Hồi còn ở nước nhà Huy đã suy nghĩ nhiều về thái độ sáng suốt và bao dung của Quyền khi đối phó với mọi hoàn cảnh. Huy được may mắn hơn Quyền, chàng dạy ở một trường mà ban giám đốc phần lớn là những người bạn trẻ cũ còn giữ nguyên tinh thần phóng khoáng. Họ tìm ra những học bổng và đề cử người đi để kiện toàn ngành giáo dục mà họ phụ trách. Nhưng đó chỉ là một điểm sáng nhỏ bên vài điểm sáng hiu hắt khác giữa đêm địa ngục của đất nước.

    Huy lại thiếp đi lúc nào không biết.

    Chàng mơ thấy mình đương dắt tay người yêu đi vào những hẻm ngoắt ngoéo cố ý tìm một nơi thật tĩnh để thủ thỉ chuyện trò. Tới khoảng tĩnh nhất chàng cùng người yêu dừng lại thì cũng vừa nhận thấy bóng một chiếc vồ cán dài đổ xuống. Chàng biết ngay có người rình trên sàn và nếu chàng và người yêu không lanh chân có thể bị chiếc vồ từ cao đập xuống. Chàng ôm người yêu chạy ngược trở lại những đường hẻm đã đi, ra tới đường cái lớn. Đường cái lớn dù đông người nhưng cũng còn chỗ vắng, người yêu như mềm nhũn và nồng nàn trong tay chàng, chờ đợi... Chàng vừa dừng lại ở một góc khuất chưa kịp vuốt ve người yêu thì một bóng đen đổ xuống, một ông già hình dung cổ quái tay vác vồ đã đứng sừng sững trước mặt. Huy tập trung hết căm phẫn vào nắm thay, thoi mạnh vào giữa mặt lão. Huy cố ý đánh lão cho ngất đi càng lâu càng hay để chàng được yên thân với người yêu.

    Và chàng bừng tỉnh dậy, không ngạc nhiên. Đã từ lâu những ác mộng lớn nhỏ tương tự vẫn len ùa vào giấc ngủ của chàng như vậy (thực ra chẳng riêng gì của chàng mà của rất nhiều... rất nhiều người.) Huy cho đó là những biến thái của niềm tủi nhục đất nước.

    Tiếng máy vẫn nổ đều đều, con đường thiên lý hun hút dưới ánh sáng tinh khiết ban mai. Xe buýt bỗng từ từ dừng lại ở một trạm nhỏ. Gần đó một gia đình Mỹ gồm hai vợ chồng và hai đứa con gái choai choai đương khuân các thức ra chiếc xe nhà bỏ mui hiệu Chevrolet. Chắc là họ đương chuẩn bị đi picnic, sáng thứ bảy mà.

    Xe tiếp tục chạy vòng vèo theo đường cánh cung ngược lên đường trên, bắt đầu đi vào vùng phụ cận của Chicago. Huy tưởng như đã nghe thấy hơi thở vọng lại của thành phố vĩ đại này mặc dầu quanh chàng vẫn chỉ thấy cánh đồng mênh mông tràn ngập ánh nắng vàng lộng ban mai. Nhưng chẳng bao lâu hai bên đường đã lác đác có những khu đông dân cư, rồi xe buýt lên một con đường cao, rộng, đi vào một cây cầu cao, rộng hơn nữa; ngang với tầm mắt Huy, mãi tít phía xa, là những cột ống khói khổng lồ. Đó là những nhà máy ở ngay ngoại vi châu thành Chicago.

    Huy mỉm cười nghĩ đến Hương mà chàng sắp được gặp. Hương là bạn đồng học với cô em gái chàng từ những năm trung học và nàng trở thành bạn thân của cả gia đình chàng từ thuở đó. Huy coi Hương như chính em gái mình. Huy vẫn có ý muốn đứng làm trung gian để Quyền và Hương gặp nhau rồi do đó xe mối cho đôi bên, nhưng ngày sắp thực hiện chương trình ngầm đó thì Hương đi Mỹ lần thứ nhất. Khi Hương về, Quyền cũng vừa lên đường đi Mỹ. Quyền ở Mỹ về, thì tuần trước tuần sau Hương đã lại lên đường đi Mỹ lần thứ hai, rồi đến lượt chính Huy cũng đi Mỹ và nhân dịp nghỉ vào cuối khóa hạ này Huy thu xếp thì giờ đến thăm Hương đương theo học nốt cấp bằng tiến sĩ Luật ở Đại học đường Chicago.

    Quyền và Hương không gặp được nhau là phải - Huy tự nhủ thầm như vậy khi xe buýt đã thực thụ vào địa giới Chicago với hai, ba tầng giao thông đan lát, giao nhau theo những hình vòng cung lớn cùng đủ loại xe cộ vun vút, ồn ào. Quyền và Hương đều là những tâm hồn đặc biệt, ngộ nghĩnh, rất đáng yêu. Ôi, những tâm hồn ấy mà được êm ả gặp nhau, êm ả kết đôi với nhau thì hỏi còn là đời sao được, nhất đây lại là đời sống Việt Nam, nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Không hiểu Huy đã chấp nhận thứ lý luận bi đát đó tự bao giờ, chính chàng cũng không rõ, chỉ biết thái độ chàng đặc biệt chắt chiu quý mến những tâm hồn ngộ nghĩnh, đáng yêu như Quyền, Hương chính là một phản ứng tự nhiên của con người đi giữa sa mạc luôn luôn tìm về những bóng cây.

  2. #11
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    11
    Đó là lần ân ái cuối cùng của họ - chắc thế - khoảng ba giờ sáng. Bây giờ thì họ khề khà trong yêu đương như hai tửu đồ khề khà bên mâm rượu và họ làm chủ được... thời gian.

    Trong vòng tay khăng khít, tiếng họ bên tai nhau nhẹ như tiếng vẳng của đại dương theo gió vang sâu vào đất liền:

    - Năm ngày thần tiên của em. Em tiếc không thể ở lại cùng anh hơn được nữa.

    - Không sao, khóa Hè chóng qua, dịp nghỉ cuối khóa, anh sẽ lên Detroit gặp em ngay.

    - Ở Detroit em có căn phòng riêng như thế này, có lẽ còn riêng hơn thế này. Ngày anh lên, căn phòng đó là thế giới thần tiên của hai ta.

    - Chúng ta sẽ đi nghe tiếng rồng gầm.

    - Đúng.

    - Nhưng hồ Erie nhỏ quá làm sao có rồng gầm?

    - Chúng ta sẽ lên hồ Huron!

    - Không, chỉ hồ Michigan mới có rồng!

    Tiếng Crys cười khẽ, âu yếm nàng ngoàm lên vành tai Huy:

    - Em sẽ đưa anh về Lansing giới thiệu với ba má em, rồi đi hồ Michigan!

    - Như vậy thì được!

    Im lặng giây lâu. Họ hôn nhau nhấm nháp. Crys nói:

    - Cảnh sóng biển - hồ rồn rập ùa vào bờ một ngày gió lớn thật đúng là hình ảnh sầu dài dằng dặc trong tình ca Việt Nam.

    Một bàn tay mềm của Crys vuốt ve trên lưng Huy như một thái độ cố tình phản ứng lại với những làn sóng hung bạo nàng vừa hình dung, rồi tiếp:

    - Anh có thấy không, sóng dập vùi tất cả những gì nó gặp trên đường nó đi, ngay cả những tảng đá lớn cũng cảm thấy bị dập vùi mòn mỏi vì sóng.

    - Nhưng cũng có những đợt sóng bị đá vây hãm phải chạy quẩn chạy quanh mãi mới tìm thấy lối ra.

    - Vẫn tìm thấy lối ra! Và chính những tảng đá đó càng bị soi mòn chóng, anh yêu quý. Bóng tối chìm xuống cũng không ngăn chặn được sóng tiếp tục hoành hành.

    Huy lùa một bàn tay vào mớ tóc mềm của Crys:

    - Bóng đêm chính là bạn thân nhất của sóng đấy em ạ. Vì cùng với bóng đêm gió tới tiếp sức cho sóng.

    Crys trườn người lên trong bóng đêm như gió vừa tới tiếp sức cho sóng, và những mỏm đá, những đợt sóng bạc đầu, những lồng lộn ngầu bọt tả tơi bỗng mất hết biên giới để hòa lại thành hình ảnh của bão tố ái ân tuy đã cũ tự muôn... muôn đời mà vẫn mới tinh khôi như đồng xu vừa ở lò ra, tinh khôi như ngôi sao hôm mới mọc lóng lánh màu ngọc bích.

    Rồi cả hai cùng thiêm thiếp nguôi ngoai đi. Khi Huy sực tỉnh, trời đã mà sáng, ánh trăng tròn ghé nhìn qua kẽ hở tấm màn cửa tò mò, thô lỗ. Huy cúi nhìn khuôn mặt Crys, đôi mắt nàng khép nhẹ như đôi môi mím lại, thành thử giấc ngủ ái ân của nàng cũng vẫn phảng phất vẻ cô đơn chịu đựng. Nàng mở mắt mỉm cười, ôm lấy Huy, hơi ghì chàng lại: "Em không muốn về hôm nay chút nào."

    Huy lặng lẽ cúi xuống hôn nhẹ lên vừng trán Crys, vừa vuốt nhẹ lên tóc, lên má, rồi dọc theo cơ thể nàng, vừa miên man ôn lại cảnh hai người cùng đi dự buổi hòa nhạc hai hôm trước đây ngay tại thính đường trong campus. Một cái đèn chụp ở chính giữa, bốn giá đàn châu đầu vào nhau, trên trần có những bóng đèn mắc lẩn, gián tiếp hắt ánh sáng dịu xuống; trong góc phòng một đèn có chụp khác, gần đó là chiếc dương cầm không dùng đến; tấm thảm trải giữa sân khấu màu đen, đỏ và vàng rất cổ kính. Không khí vẫn trịnh trọng mà vẫn thân mật, ấm cúng, đúng là không khí của nhạc thính phòng. Ban nhạc bốn đàn dây của nhà trường tối hôm đó trình diễn hai quartet cùng của Beethoven cả, một in C major và một in G major. Anh chàng chơi cello là Paul, chưa có bồ, và là chỗ quen biết khá thân với Huy. Đôi mắt Crys sáng lên thích thú khi nghe cello thoạt vào pizzigato như cầm trịch cho hai vĩ cầm. Tới quãng Menuetto Grazioso, Crys ghé sát bên tai Huy nói khẽ: "Anh nghe cello nỉ non như một Serenade!" Huy thoáng có ý định giới thiệu Crys với Paul. Sang Quartet in G major, đoạn cello đi bè chính trong Adagio Cantabile, Paul nhắm mắt tự theo dòi tiếng đàn. Bàn tay Paul cùng run rẩy theo nhịp vibrato, khuôn mặt Paul xương xương, tóc hung, giày đen bóng kiểu đóng thật lịch sự. Vì khuôn mặt xương xương, nên khi Paul nhắm mắt theo dõi tiếng đàn của chính mình, khuôn mặt anh có cái đẹp khắc khổ thật đáng yêu. Huy ghé tai

    Crys nói thầm nhận xét đó. Crys gật đầu đồng ý. Bản nhạc dứt, tiếng vỗ tay vang dậy tô đậm cho cái cao quý của nghệ thuật và của những người phụng sự nghệ thuật đã rót đầy ý nghĩa cho cuộc đời phù du, ars longa vita brevis. Huy nắm ngay lấy cơ hội Paul đi qua, giữ chàng lại, giới thiệu với Crys. Nghĩ rằng đó là hai tâm hồn cùng lớn lên trong âm nhạc phải dễ thành hai tâm hồn đồng điệu, nhưng không, Crys nói chuyện với Paul vừa đủ nghi thức xã giao, còn về tình cảm thì vẫn rõ ràng cách biệt như hai chất lỏng tỉ trọng khác nhau bị đổ chung vào một bình trong suốt.

    Huy ghì chặt Crys hơn nữa, cúi xuống âu yếm hôn lên trán Crys một lần nữa, cùng với ý nghĩ trong đầu: "Định mệnh con người do chính con người thiết lập và chuẩn nhận lấy. Thực mỉa mai, còn nhà tù nào thảnh thơi và kiên cố hơn!"

    Khi môi chàng lướt đến vành tai Crys, chàng nói khẽ:

    - Chúng ta phải dậy tắm rửa đi thôi. Rồi anh làm thức ăn sáng... rồi chúng ta cùng ra phi trường!

    °

    Và phi cơ chở Crys về miền Bắc cất cánh hồi 10g35, để lại sau nàng năm ngày hạnh phúc (hay là nàng mang theo lên miền Bắc năm ngày hạnh phúc!) Ngay đêm đó nàng gọi điện thoại đến Huy:

    - Em đã không cám ơn anh trước khi lên phi cơ.

    - Em không phải làm thế. Anh rất sung sướng là em đã không làm thế!

    - Em thấy có dư sinh lực để tiếp tục chiến đấu với đời.

    - Tốt lắm!

    - Mốt em dọn lên Detroit, nơi sẽ đón anh cuối khóa hè tới.

    - Tốt lắm!

    - Em cảm thấy tràn đầy sinh lực, khóa hè cuối cùng cho văn bằng Cao học này. Em sẽ đoạt toàn A cho mà xem.

    - Tốt lắm!

    - Khi em tới sống ở Detroit rồi, ít nhất một tuần một lần chúng ta phải gọi dây nói cho nhau.

    - Đồng ý.

    - Em cần nghe tiếng anh nói, anh hiểu vì sao chứ?

    - Cám ơn, cám ơn em!

    Huy đã theo lời Crys treo ống nói lên trước, sau khi cả hai đã cùng trao đổi lời chào cuối cùng bằng câu mà chỉ ở hoàn cảnh họ mới thấy là vẫn cần thiết, vẫn sinh động vô cùng: "Yêu anh! Yêu em!"

    Huy còn ngồi trong phòng điện thoại, bấy giờ trí nhớ của chàng cũng tưng bừng nhựa sống, cùng một lúc chàng như thấy được mấy cảnh trí khác nhau: nào cảnh con đường thiên lý phẳng lì màu xám như đá mài băng qua Tallabassee, thủ phủ tiểu bang Florida chói chang ánh nắng, hai bên đường lác đác những motel có piscine mà nước là cả một khối cẩm thạch vì đáy lát gạch màu cẩm thạch, với những thiếu nữ xuân tình tràn căng ở hai bắp vế, ở hai bầu ngực ẩn sau bikini, đương nằm úp tắm nắng, hay ngồi chân co chân duỗi ngay trên bờ piscine; nào cảnh những bãi golf xanh mưỡi, các nàng bận short đỏ, áo trắng vằn xanh, vằn vàng, kẻ quỳ người đứng theo dõi cuộc chơi...

    Thốt nhiên Huy nhấc ống nói và quay số...

    - Hello Crys!

    - Trời, Huy! Có việc gì gấp không anh?

    - Không, chẳng có việc gì gấp cả (Huy cười) chỉ muốn quấy không cho em ngủ vội, mặc dầu anh biết hiện em còn mệt vì chuyến bay về.

    - Không đâu, anh Huy! Ba má em ngủ rồi, em có thể nằm khểnh ngay trên divan phòng khách đây, tiếp chuyện anh suốt đêm nếu anh dám nói chuyện suốt đêm. Chắc anh có chuyện gì muốn nói chứ?

    - Quả thật chẳng có chuyện gì quan trọng cả, nhưng không hiểu sao tự nhiên anh nhớ màu cỏ xanh bên Kentucky. Mùa hè năm ngoái, vào một dịp cuối tuần, bà giáo dạy môn Triết lý Giáo dục đưa anh về nhà nghỉ mát của bà bên Kentucky, sát với công viên Pennyrile Forest. Những khu rừng xanh thẫm ngút ngàn bao bọc lấy gương hồ lười lĩnh và những bãi cát trắng phau...

    - Ủa còn âm nhạc nữa chứ, anh tả cảnh như vậy mà quên âm nhạc sao?

    - Ờ mà phải, âm nhạc tự những radio transitor, loại nhạc nhẹ như những bản Love Is Worth Living, I'm So Happy Now, A Girl Like You... Bãi cát trắng phau thoai thoải, những cặp giò lông lá của ông chồng bên những cặp giò thon thon của bà vợ...

    Tiếng Crys cười bên kia đầu dây:

    - Trời, thế thì phải là những bản nhạc Skinny Legs and All; Do Right Woman - Do Right Man phụ họa mới đúng! Huy cũng cười theo:

    - Crys, em có thể hạ ống nói xuống được rồi, chúc em ngủ ngon!

    Và hai tháng khóa hè qua mau. Lời nói của Crys bên kia đầu dây cũng như lời thư của nàng cùng với thời gian càng thêm phần hối hả vào những ngày cuối khóa.

    Detroit ngày... Anh yêu,

    Em vừa tham dự buổi hòa nhạc cuối cùng của khóa học về đây. Un concert de musique française! Nhạc của Darius Milhaud, Gabriel Fauré và mấy bản Chansons Madécasses của Maurice Ravel.

    Những lời thơ xuôi của Chansons Madécasses, anh bạn đồng học của em phải đọc bằng Pháp ngữ, nguyên bản có in trên tờ chương trình song song với Anh ngữ. Dân Pháp đa tình ca ngợi tình yêu xác thịt với cô gái bản xứ thuộc đảo Madagascar như một nghi lễ thiêng liêng. Sao không? Họ có lý anh nhỉ! Cô gái bản xứ có cái tên hay hay: Nahandove. Chàng đợi nàng tại một ven rừng dưới ánh trăng khuya, dùng cỏ, hoa và lá làm nệm. Chàng nghiêng tai lắng nghe bước chân nàng y hẹn. Nàng tới ngồi trên đầu gối chàng, thở hổn hển, sương đêm làm ướt tóc nàng. Anh đã quen với tiếng Pháp anh nên đọc đoạn văn ái ân đó ở nguyên bản Pháp văn.

    "... que le mouvement de ton sein est vif et délicieux sous la main qui le press! Tu souris, Nahandove, ô belle Nahandove! Tes baisers pénètrent jusqu'à l'âme; tes caresses brulent tous mes sens: arrête, ou je vais mourir. Meurt-on de volupté Nahandove, ô belle Nahandove?

    Le plaisir passe comme un éclair; ta douce haleine s'affaiblit; tes yeux humides se referment, ta tête se penche mollement, et tes transports s'éteignent dans la langueur. Jamais tu ne fus si belle, Nahandove, ô belle Nahandove..."

    Gió luôn luôn từ chỗ cao nhào xuống chỗ thấp, vì tạo hóa sợ khoảng trống - la nature a horreur du vide - em viết tiếng Pháp có đúng không anh? Em chính là khoảng trống đó, anh! Gió Nam hãy thổi anh lên miền Bắc ngay sau khi mãn khóa hè. Miền Bắc chớm thu sớm, quanh em giờ đây đã thấp thoáng màu và màu đỏ, đặc biệt là màu đỏ.

    Yêu anh, Crys.

    Vậy là mùa thu đã đốt lửa trong lòng em, và cả trong lòng anh nữa. Crys! - Huy nghĩ thầm vậy và không nhớ là mình đã gấp lại thư của Crys chưa.


  3. #12
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    12
    Huy đã gọi điện thoại cho hãng xe buýt Greyhound hỏi về chuyến tốc hành đi Detroit, hãng đáp nếu Huy rời Nashville chuyến mười giờ sáng thì hai giờ tới nơi. Huy không hỏi lại vì đinh ninh hai giờ là hai giờ chiều ngày hôm sau. Và chàng điện tín cho Crys hẹn giờ đó nàng ra ga xe buýt đón. Không ngờ xe buýt đến Detroi t vào hai giờ đêm. Số điện thoại của Crys thì ghi ở một quyển sổ để ở nhà, mà Huy vốn có tật ghét nhớ những con số. Huy chậc lưỡi nghĩ thầm âu cũng là cách dành cho Crys một ngạc nhiên. Nhớ lời ông bạn Mỹ ngồi cùng hàng ghế căn dặn tới Detroit vào lúc khuya khoắt như thế này, tối kỵ là đi lang thang vào những phố vắng.

    Quả thực tiết thu đã đến sớm tại miền Bắc này, hơi thu giá lạnh trong đêm khuya, ánh đèn của đường phố mênh mông kéo dài nhường như cũng đã bắt đầu co ro trầm lặng đợi mùa tuyết phủ. Huy lên taxi đến thẳng đường Frontier Land Đông, tới trước tòa building mười tầng nơi Crys ở đã ba giờ sáng rồi. Huy chỉ mới vào lọt có lần cửa tiền để tránh hơi thu đẫm sương lạnh bên ngoài, còn cánh cửa mở để lên thang lầu thì khóa kín. Huy ghé nhìn bên trong, không có người gác cổng! Chàng thoạt hơi bâng khuâng thất vọng, chỉ còn biết đặt chiếc va li nhỏ của mình xuống mặt thảm và nhìn quanh: bên tả là một khung bảng lớn ghi từng số phòng và tên người ở, bên hữu là những hộp thư nhỏ của riêng từng phòng. Trực giác như báo ngầm cho Huy hay đây chỉ là một trục trặc nhỏ trong cuộc hành trình đã quá êm đẹp đến với người yêu. Chẳng lẽ lại không gặp một trục trặc nào - Huy mỉm cười nghĩ thầm vậy - và chẳng lẽ mình phải đứng thế này cho đến sáng! Quả nhiên chừng năm phút qua Huy lắng nghe có tiếng chân tự trên lầu một vang vọng xuống, tiếng chân xuống bực thang, một chàng trai Mỹ cỡ trên dưới hai mươi lăm tuổi xuất hiện. Huy gật đầu cười tươi "Hello" thân mật như thể hai người vẫn gặp nhau. Thế là Huy vào lọt, vội vàng theo bực lên lầu bốn không muốn mất thì giờ tìm nơi có thang máy.

    Tới phòng 410, chàng hồi hộp khẽ gõ cửa. Tiếng Crys, đúng là tiếng Crys, vọng từ trong ra: "Ai đó?" - "Huy đây!" Lời đáp vừa buột khỏi môi, tiếng Crys đã vẳng ra thảng thốt mơ hồ như tiếng vang bốc lên tự một ánh lân tinh trên mặt hồ đêm: "Trời ơi, Huy!" Rồi cửa phòng mở tung như cửa lòng chàng, và chàng bước vội vào căn phòng là hiện thân của ấm cúng, của thiên đường, của hạnh phúc đó. Chàng ôm lấy

    Crys, ghì lấy Crys trong vòng tay, hai bàn tay xiết chặt lấy khoảng cánh tay trần của nàng, bộ đồ ngủ bằng lụa rộng thùng thình còn gợi cảm gấp ngàn vạn lần hơn là nàng khỏa thân. "Sao anh đánh điện cho em bảo là sẽ đến vào hai giờ chiều?" Huy xiết chặt Crys hơn nữa tưởng có thể làm cho nàng nghẹt thở, nhưng không, cả hai vì thế mà càng đứng ở thế vững chãi, thật vững chãi. "Anh lầm - Huy đáp - mãi khi xe tới Cincinnati nhân hỏi ông bạn ngồi cạnh mới hay là hai giờ khuya chứ không phải hai giờ chiều." Cả hai cùng cười. Không hiểu sao Crys cười được, có lẽ Huy đã nới vòng tay ra chút ít chăng. "Anh làm sao vào được cửa?" - "Anh đợi chừng năm phút thì gặp người ra." - "Em quên không viết thư dặn là anh có thể nhấn chuông đúng vào số buồng em, trên này em chỉ bấm nút điện ngay tầm tay với trên đầu giường là cửa dưới đó tự động mở." - "Nhưng đến bất ngờ với chút ít trắc trở như thế này mới thật lý thú, em có thấy không?"

    Huy đã nới vòng tay rồi buông hẳn Crys ra, cúi xuống xách chiếc va li nhỏ đặt lên bàn trang điểm của Crys gần đấy. "Anh vào lối này, buồng tắm rửa!" Crys chỉ cho Huy thấy một lối sát bên đầu giường. Khi Huy đương đánh răng, chàng nghe có tiếng nhạc dịu từ phòng ngoài vọng vào: Crys cho chạy chiếc tape- recorder đặt ngay bên đầu giường. Chàng ra, hơi ngạc nhiên thấy Crys đã kéo chiếc di-văng ra thành chiếc giường nhỏ và đương thoăn thoắt trải nệm giường, lồng áo gối và tung chăn. Chàng tủm tỉm cười giễu thầm cho cái bản năng tự vệ cố hữu của đàn bà không phân biệt Đông, Tây. Người đàn bà - Huy nghĩ - luôn luôn thức tỉnh trong việc xây thành tự vệ, họ cặm cụi xây thành y như người nghiện thuốc tự động bật que diêm, châm điếu thuốc mới, thế thôi, bức thành nhiều khi trông đồ sộ đáo để tuy là bức thành thừa, hơn nữa bức thành bằng... giấy.

    Thực ra việc Crys cắm cúi làm giường coi Huy như người khách mới chẳng phải là một hành vi của bản năng tự vệ. Crys làm vậy chỉ vì nàng thấy cần phải làm một cử động gì. Từ lúc nhận được điện tín của Huy, Crys vẫn rờn rợn cảm thấy Huy khó lòng tới đúng hẹn, nàng vẫn chuẩn bị tinh thần nhận bức điện thứ hai, đại khái Huy xin lỗi vì bất thần bị cảm nên phải hoãn cuộc đi tới ngày... Huy không những đã tới, Huy còn tới trước hẹ, lại tới vào đúng giờ khuya khoắt bất ngờ thế này. Crys thấy lòng dạ bồn chồn khi nghe tiếng nước chảy trong phòng tắm có Huy trong đó. Crys thấy cần phải làm một việc gì, cần phải làm một việc gì! Nàng đã kéo chiếc đi văng lớn cho thành chiếc giường cá nhân, và nàng thoăn thoắt phủ nệm, lồng áo gối, tung chăn, lòng không ngớt bồn chồn, mỗi phút qua đi nặng nề, nghẹn ngào, khó thở...

    Cho tới lúc Huy đến bên âu yếm ôm lấy ngang eo nàng... Phải đó là giây phút nàng chờ đợi. Huy xiết mạnh vòng tay y như lúc chàng mới tự ngoài bước vào... Phải, đó là điều nàng mong đợi...

    Trong căn phòng riêng này của Crys - Huy nghĩ khi xiết chặt vòng tay - hai người được hưởng tự do tuyệt đối, chao ôi thụ hưởng ái tình trong tự do tuyệt đối như con đại bàng thần thoại mặc sức tung mây lướt gió coi khinh núi, rừng, sông, biển bên dưới, thì quả đó là đạt tới tuyệt đỉnh của hạnh phúc.

    Chàng đã dìu nàng nằm xuống chiếc giường lớn, hai chân nàng còn thõng xuống đất. Chàng hôn nàng, đúng hơn, cả hai hôn nhau trong cái hôn dài như bất tận. Đây là lúc tinh thần đi trước làm đồ khai vị, đúng với thủ tục muôn đời của thế gian, họ rót hồn sang nhau bằng cái hôn dập vùi ý niệm thời gian đó...

    "Anh thấy không - giọng Crys bên tai Huy - hạnh phúc có khắp nơi miễn là mình tìm kiếm nó, nhưng không có người yêu thì kiếm hạnh phúc với ai, và kiếm để làm gì?"

    Ồ nhỉ tiếng nhạc vẫn vang nhẹ ngay bên đầu giường, bài nọ tiếp bài kia. Huy nhớ những dòng thư Crys viết: I rush in you, my love! La nature a horreur du vide! Tiếng harpe thoạt như cánh hạc trắng toát phấp phới bay về vô tận dưới vòm trời xanh bao la: bản Chanson du printemps của Menndelsohn rập rình như sóng rợn, tiếng harpe bỗng rấm rứt thành những dằn vặt, tiếng trompette ùa vào như mạ vàng âm thanh, mở rộng cánh cửa giác quan, đi vào thiên đường lồng lộng của xúc giác. Debussy - La Jeune Fille aux Cheveux de Lin: tiếng ca hun hút trong rừng sâu, như thấy tóc nàng tung theo gió. Huy bắt được làn tóc đẹp đó trong tầm tay, vuốt ve chúng, cho chúng chảy trong kẽ tay: dưới ánh đèn đêm khuôn mặt Crys nổi bật trên nền gối, đôi mắt nhìn mà không nhìn, đôi môi hé mà ngưng thở, nàng tan ra thành hương yêu... hòa vào với tình yêu.

    Mãi tới mười hai giờ trưa họ mới sực dậy trong mệt mỏi lười lĩnh thần tiên, cử động vuốt ve bình tĩnh và lơ đãng. Họ thủ thỉ bàn chuyện sẽ châm bếp làm thức ăn sáng những gì. Khoảng bếp gọn nhưng đầy đủ tiện nghi cách giường nằm có một tay với. Thời gian cũng lười lĩnh uể oải trôi một lúc lâu nữa cả hai mới quyết định vùng dậy... Crys làm giường lại, gọn ghẽ, ngay ngắn, rồi nâng lên ẩn sát vào tường gỗ. Phòng khách có thêm một khoảng rộng. Tường gỗ khoảng này đồng thời là cánh cửa xoay để dấu hẳn chiếc giường vào phía trong, ngăn của buồng tắm rửa. Chiếc giường xinh cũng đã được gấp trả lại hình đi-văng cũ, vị trí y nguyên như vậy cho tới ngày Huy dời Detroit. Những ngày tại Detroit, những ngày của tình yêu được vùng vẫy trong tự do tuyệt đối.

    - À con Kitty của em đâu, Huy hỏi.

    - Em đã đem về Lansing gửi má em khi hay tin anh sẽ tới đây. Nó quấy lắm, quẩn chân em suốt ngày!

    Lửa bếp sáng ấm cùng mùi trứng sunny side up ngầy ngậy, mùi cà phê tỉnh táo quyến rũ, ly nước cam màu vàng óng ánh, uống vào ngọt đậm và chua gắt như dòng sông ngầm chảy gấp để chu lưu khắp cơ thể đương là đất mầu khát nước...

    Chiều nào Crys cũng phải vắng nhà từ ba đến sáu giờ, nàng làm tạm ở thư viện đại học để có tiền chi tiêu vặt. Từ đầu khóa Thu tới nàng sẽ dạy nhạc ngay tại trường trung học kiểu mẫu của đại học. Nàng dự định làm việc như vậy trong bốn năm thì số tiền để dành có thể cho phép nàng học thêm hai năm nữa lấy tiến sĩ.

    Khoảng Crys vắng mặt ba giờ để đến thư viện, Huy nằm lười lĩnh trên chiếc đi-văng nghe hồn mình trôi nổi (cũng lười lĩnh) trong hạnh phúc, hay nghe hạnh phúc bình bồng trong hồn mình cũng vậy. Huy thấy cần được sống như thế để quên biết bao sượng sùng tủi nhục hàng ngày chàng phải cố xua đuổi sau mỗi lần độ báo hay xem TV về tình hình đất nước. Có thể đó là một thái độ tinh thần trốn tránh ươn hèn, ích kỷ, nhưng cũng có thể đó là thái độ của người biết mình khi trở lại đất nước sẽ phải đương đầu với nhiều cam go, nên giờ đây cố tình di dưỡng tinh thần bằng cách mặc sức tắm gội trong thứ hạnh phúc của tình yêu tuyệt đối trong tự do.

    Cả hai cùng muốn tận hưởng trong khoảng thời gian bảy ngày gần gũi, chỉ đôi ba lần họ đi supermarket buổi sáng để mua thức ăn về tiếp tế cho tủ lạnh, và một lần Crys lái xe theo xa lộ 94 lên một làng gần Port Huron thăm ông nội. Gọi là một làng cho gần với ý niệm Việt Nam. Đầu làng là một căn nhà cổ tường xây bằng đá, ngay sát căn nhà là chiếc lô cốt cổ cũng xây bằng đá có bốn từng. Nói là có bốn từng vì Huy lần lượt thấy có bốn cửa sổ, không, bốn lỗ châu mai thì đúng hơn, dựng đứng hình chữ I đậm nét. Gần đó là một khu rừng trắc bá đổ bóng xuống một sườn đồi thoai thoải còn màu cỏ xanh.

    Crys lái xe thẳng vào khu rừng trắc bá một quãng thì đến nhà ông nội, căn nhà dựng gần bờ con sông nhỏ. Thấy cháu gái bất ngờ đến thăm, cụ vui mà không vồn vã. Crys giới thiệu Huy, cụ gật đầu niềm nở hơn và bắt tay khá mạnh. Cụ khoảng trên bảy mươi tuổi, râu tóc bạc phơ nhưng vóc người còn vạm vỡ; giọng cụ nói khó nghe, vì vậy đượm vẻ chân thật đặc biệt của người miền quê. Cụ dẫn hai người ra ngồi trên chiếc ghế xi măng trông xuống dòng con sông nhỏ, gần đó một cây trắc bá vừa bị hạ, cưa sát gốc, mùi mạt cưa hồn hậu như phủ tỏa cả một vùng rộng lớn, một phần ngọn cây trắc bá bị ngả nhô ra mặt sông, sát đó là chiếc xuồng nhỏ lật úp theo khoảng triền thoai thoải, hoàn toàn trên mực nước.

    Huy tủm tỉm cười khi nghe cụ căn dặn là đến đây chơi, nhưng đừng quyến rũ con gái ở đây. Ý cụ muốn giữ cá tính cho vùng. Crys, cô cháu gái cụ, từng đi Chicago học, là kẻ đã thoát ly, không còn mang nặng cá tính vùng, nên sự ở lại hay ra đi với ai cụ không quan tâm. Cụ chỉ căn nhà gỗ - gặp đâu cụ nói đấy - kể lại với Huy là cụ bà mất đã hai năm rồi, nay cụ ở một mình tại căn nhà kỷ niệm đó.

    Khi ngừng chuyện cụ đăm chiêu theo dõi mấy con chim nhỏ tự đâu bay tới mổ kê đựng trong chiếc đĩa gỗ sâu lòng do chính cụ treo lửng lơ trên một cành bạch dương thấp ở giữa vườn. Một lần đoán chừng kê đã gần hết, cụ vào nhà lấy ra hộp kê mới tiếp tế thêm vào lòng đĩa.

    Có tiếng hạc trên trời cao. Huy ngửng nhìn, một đàn hạc chừng chín, mười con đương di chuyển theo hình chữ V trắng phau trên nền trời xanh lợt, những đôi cánh nhịp nhàng như những mái chèo tập thể đương bơi về một vừng mây tím xa xa.

    Cụ nói vào mùa này hạc đã bắt đầu rời Gia Nã Đại, trốn tuyết về Nam. Cụ bỗng hích khuỷu tay sang Huy, khuôn mặt cụ rạng rỡ một niềm vui ấu thơ. Huy nhìn theo tay cụ, hai chú thỏ cùng màu vàng đốm trắng không biết tự hang hốc nào gần đấy tới nhặt nhạnh những hạt kê bị chim mổ bắn tung tóe từ trên cao xuống. Crys đề nghị: "Ông ơi, thỏ ấy mà làm món ra-gu thì tuyệt!" Cụ trừng mắt một cách hiền lạnh trong khi Crys cười xòa. Ý cụ cho rằng dù nói đùa như vậy cũng là xúc phạm đến thiên nhiên!

    Một cặp vợ chồng trẻ đương tiến tới dưới hàng trắc bá, đây đó lẫn đôi ba cây bạch dương lá đương chuyển sang màu vàng, và đôi ba cây maple lá bắt đầu chuyển sang màu đỏ rực. Họ đã tới gần, người chồng cao và gầy, người vợ thấp hơn chồng một chút nhưng đẫy đà vạm vỡ, hai tay nàng âu yếm bám vào cánh tay chồng, đầu hơi ngả lên vai chồng, khuôn mặt tròn và trắng, trên gò má có mấy đốt tàn nhang màu hồng phớt, đôi mắt màu nâu mở lớn và nồng nàn, nụ cười phảng phất thường xuyên trên môi. Nàng đeo một chiếc tạp dề kẻ ô vuông màu gạch, khoảng bụng dưới tạp dề hơi vồng lên xinh xinh: nàng có mang khoảng ba bốn tháng. Hai vợ chồng chào ông cụ trước, chào mọi người sau, rồi tiếp tục đi theo ngả cây trắc bá bị đốn. Tiếng sỏi xào xạc mạnh hơn dưới đôi bàn chân vạm vỡ mang dép thấp gót của nàng. Cứ theo cách nhìn ưu ái của cụ, Huy không hỏi cũng đây là cặp vợ chồng địa phương, giữ được nguyên vẹn... cá tính cho vùng! Người vợ vẫn vừa đi vừa ôm giữ lấy cánh tay chồng phần vì trìu mến, phần vì mang ơn. Đôi mắt Huy dừng lại ở chiếc xuồng lật úp, chiếc xuồng mắc cạn như đương muốn chuồi xuống sông để kể cho nước, cho cá, cho cỏ loi thoi hai bên mép bờ nghe những nỗi niềm tâm sự ủ ấp.

    Lại có tiếng hạc ngân nga trên từng không. Chưa bao giờ Huy thấy màu trắng thiên nhiên của cánh hạc ngời sáng trong hồn mình như vậy.

    Tuy mới mười giờ rưỡi mà cụ đã bảo vào ăn cơm trưa, sớm hơn thường lệ nửa giờ, vì cụ cho rằng lái xe từ Detroit lên tới đây phải đói sớm. Cụ bày bắp luộc lên trên một chiếc đĩa bự men trắng ngà đã cũ có vài chỗ nứt nẻ. Ba ông cháu phết bơ lên bắp rồi cùng gặm ngồm ngoàm, vừa ăn vừa tiếp tục gặp đâu nói đó. Nhiều khi giọng cụ khó nghe. Huy không hiểu cụ đương phát biểu dư luận về chuyện gì. Chàng vẫn gật gù ra chiều đồng ý, và cũng y như các cụ già Việt Nam, cụ già Mỹ này thấy giới trẻ đồng ý với mình vô điều kiện thì hỉ hả lắm.

    Ăn xong bắp cụ cho ăn món thứ hai: mỗi người một chiếc bánh bao nhân táo. Nhà hàng xóm vun lá khô đốt thì phải, Huy vừa ăn bánh bao nhân táo vừa nhìn qua cửa sổ có đóng rèm mắt cáo, khói xanh thoạt bốc lên, một làn gió mạnh thổi tới, làn khói xanh um bối rối dạt theo chiều gió, loãng dần thành trắng mong manh, vươn lên ngang hàng với những ngọn trắc bá xanh. Huy có cảm tưởng như đương ăn trưa trên đỉnh núi cao một ngày có nhiều mây khói tơi tả quấn quýt đùa nhau trên những ngọn cây rừng. Đôi khi thiếu gió, chúng dừng lại ngưng đọng thành làn sương núi tinh khiết.

    Món thứ ba cụ cho ăn là món bột khoai nghiền nấu với nước thịt cho đường, thành thử ăn không ra món mặn mà cũng không ra món ngọt tráng miệng. Sau cùng uống cà phê. Thấy Huy uống cà phê với đường cụ bằng lòng lắm, vì cụ cũng uống cà phê với đường. Theo ý cụ tất cả những người Mỹ quanh vùng - kể cả Crys - chỉ phải một điểm ngu đần không tha thứ được là uống cà phê không đường.

    Crys cười, nói: "Ông ơi, cháu uống cà phê không đường, nhưng Huy vẫn yêu cháu và sắp cưới cháu làm vợ không chừng."

    Huy đứng dậy tỏ lòng sung sướng được tới thăm cụ, cám ơn cụ đã cho ăn trưa, giờ này hai người phải xin phép cụ về Detroit, vì Crys còn phải đi làm tự ba giờ đến sáu giờ.

    Cụ tiễn hai người ra tận xe, khi cả hai đã yên vị, Crys đã cho mở máy rồi, cụ còn ghé xuống dặn riêng Huy: "Nếu anh có cưới nó, anh nên khuyên nó uống cà phê với đường, không nên ngu đần mãi như thế khi đã biết rõ đâu là phải, đâu là trái."

    Trên đường về, cả Huy và Crys cùng bồn chồn. Từ lúc dời căn phòng hạnh phúc tại Detroit, khoảng ba giờ trôi qua rồi! Hình như cứ ra khỏi căn phòng thiên đường của tình yêu đó là họ bị vong thân. Rõ ràng ngồi sát bên nhau như kia mà họ vẫn không chịu nổi xa cách. Thấy Crys dận ga cho xe phăng phăng nuốt đường thiên lý lỏm lẻm bảy chục dặm một giờ, Huy bảo nàng hãy tốp bớt đi. Chàng chỉ vừa dứt tiếng "Slow down, Crys!" thì cùng với tiếng động cơ của một phi cơ nhỏ xẹt xuống phía trước theo một độ dốc bất ngờ, toàn thân Crys có một phản ứng truyền điện, mớ tóc reddish brown của nàng tung lên cùng nếp váy bên dưới, để lộ gần trọn vẹn cặp chân ngà thon dài song song, trong nháy mắt nàng đổi chân đạp gaz thành chân dận thắng, đồng thời xe rung lên bốn bề, người và các vật dụng bên trong như bị sóc gạo: Crys đã lái xe vào khoảng thảm cỏ xanh ngăn giữa hai chiều đi về của xa lộ, thảm cỏ nhìn lướt thì xanh mướt phẳng lì, kỳ thực bên dưới lổn nhổn cuội lớn, cuội nhỏ. Xe dừng lại hẳn.

    Tiếng Crys vừa hậm hực vừa đượm vẻ khoái trá của kẻ làm chủ được một trò chơi nguy hiểm bên cạnh người yêu:

    - Thằng cha lái phi cơ chết tiệt, chắc thuộc hạng mới học lái!

    Thì ra gần đó là phi trường của một hội thể thao tư nhân về môn lái phi cơ cánh quạt loại nhỏ. Vẫn tiếng Crys lẫn trong tiếng xe vùn vụt liên tiếp, giao thoa giữa hai chiều xa lộ:

    - Thoáng thấy xe trước nhả gaz bớt tốc độ, lập tức em lái vào hẳn thảm cỏ xanh này để tránh tai nạn có thể cả chục chiếc đâm rụi vào nhau!

    Crys cất tiếng cười khanh khách, men răng trắng lấp lánh, vành môi trên hơi cong lên ngạo đời một cách đáng yêu (có lẽ vì nét mũi dọc dừa đẹp và hiền của nàng), ngực nàng vừa đủ cao, ôi, không hiểu sao Huy liên tưởng đến một miền núi nào có vùng thung lũng hẹp, màn sương nhẹ phủ tháng năm, nhưng dòng sông vẫn lấp lánh quanh co triền miên trôi chảy và không ngớt niềm nở tiếp đón nhưng dòng suối nhỏ tự hai triền lau lách đổ ra. Crys đã cho xe vào xa lộ và không chịu hạ tốc độ, chiếc kim vẫn đong đưa liếm tới con số bảy mươi dặm một giờ.

    Rồi họ cũng về tới căn-phòng-thiên-đường-tình-yêu của họ.

    "Bốn tiếng đồng hồ phí phạm ngu xuẩn," Crys đóng cửa lại và nói ngay, "anh có thấy không? Còn có ba ngày nữa anh đã trở về miền Nam rồi!" Thoắt thôi Crys đã buông thả hết kể cả đôi tất ny-lông. "Hãy yêu em anh, hãy yêu em! Chúng ta không có quyền ngu xuẩn như vậy một lần thứ hai!"

    Rồi vẫn tiếng nàng chập chờn đứt quãng giữa những quấn quýt: "Chỉ còn ba ngày sống với nhau, em đã nhớ anh rồi!"

    Crys vẫn kịp đi làm vào lúc ba giờ. Khi nàng về, Huy đang ngồi trên đi văng đọc cuốn sách Thiền chàng tặng Crys ngày nào ở Chicago. Ngồi sát, một tay quàng lấy vai chàng, còn tay kia Crys lật liền mấy trang sách, chỉ vào đoạn văn Thiền:

    "... Cả ý thức lẫn vô thức hòa làm một, cả bọt biển với ánh trăng hòa làm một. Đừng phân biệt nữa, hỡi thế nhân, đừng đặt câu hỏi nữa, hỡi thế nhân, là bọt biển trắng lấp lánh vì ánh trăng, hay ánh trăng lấp lánh trắng vì bọt biển!"

    Cắn khẽ vào vành tai Huy, Crys thì thầm:

    "Cho mãi tới khi đọc đoạn văn này em mới khám phá ra rằng trước đây em yêu Thumrong, chính là yêu anh!"

    Vẫn quàng vai Huy, Crys hơi trườn người về phía trước vặn TV. Xướng ngôn viên báo tin Viện Nghệ Thuật Boston vừa mua được một bức tranh của Cézanne kể cả sở phí giá cả, chuyên chở, bảo đảm tổng cộng tới ngót một triệu đô-la.

    Huy lắc đầu, nói với Crys:

    "Một bức tranh mà phải mua tới vạn hay triệu đô-la để mang về treo tại bảo tàng viện tức là đã làm mất tính cách Thiền của bức tranh rồi. Trạng thái Thiền, trạng thái Niết Bàn của thưởng ngoại phải vừa vô giá vừa đơn giản, không cần mua mà vẫn có!"

    Huy cảm thấy cơ thể Crys đè nặng trên vai và tiếng Crys (vẫn thì thầm):

    "Đồng ý, nhưng này anh, yêu em nữa chứ?"

    Huy phì cười, xoa đầu Crys:

    "Đến giờ làm bếp rồi, em thấy không? Hôm nay phiên anh, anh sẽ làm món đùi gà rán ướp tỏi, chịu không?"


  4. #13
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết



    13
    Những tiếng nói đầu trao đổi giữa hai đầu dây, những bức thư đầu giao thoa trên con đường Nam Bắc luôn luôn là những lời tiếng nuối sau những ngày thần tiên. Sau đó những buổi hòa nhạc được tường thuật, những con rồng trong hồ Michigan tái xuất hiện, những bông crocuses cũng bắt đầu mọc lên trong thư cùng với tuyết rơi đầu mùa, ca dao Việt Nam tiếp tục sứ mạng tình cảm... Huy ôn lại những ngày hai đứa bên nhau, những nhạc, những rồng, những crocuses, những ca dao... chẳng hề được nhắc tới mảy may; ngay cả hộp đàn vĩ cầm của Crys cũng chẳng hề một lần được mở ra. Còn cần gì những thứ phù phiếm đó khi họ đã ở bên nhau?!

    "Em nói đúng, Crys, tình yêu chính là sự cứu rỗi! Bản năng tình ái mạnh thật và mọi sự việc đều bắt nguồn tự em, người phụ nữ."

    °

    "Anh biết không, tuần vừa rồi em có phần trình diễn độc tấu trên sân khấu. Thưởng thức nghệ thuật là vươn lên với Thượng Đế, sáng tác nghệ thuật là đồng hóa với Thượng Đế! Lời anh nói đó, anh còn nhớ không? Buổi trình diễn đó em mặc áo dạ hội màu xanh da trời. Khi từ sân khấu xuống, một anh bạn đồng khóa khen là nhìn nghiêng em giống như một pho tượng Hy Lạp. Rõ hoài, không có anh hiện diện ở hàng ghế thính giả."

    °

    "Crys ơi, thứ ba nào anh cũng có hai giờ học tối từ bảy rưỡi đến chín rưỡi. Tuần này lạnh dữ, ra khỏi lớp anh thường phải chạy như chạy việt dã với đủ các thứ áo đơn, áo kép trên người mà vẫn lạnh, nghiêng mắt nhìn một vài hồ nước đều đã đóng băng cả. Căn nhà anh ở mới thêm một roomate Mỹ, anh chàng tế nhị hoàn toàn kiểu Á Đông, sống với nhau dễ chịu lắm. Nhưng giá mỗi lần chạy về như vậy: có em ở nhà! Quẳng sách lên bàn mà vòng tay chống chếnh, em không tưởng tượng được những lúc đó anh thiếu em biết chừng!"

    °

    "Anh Huy, tại sao trong mối tình này em cứ phải phòng ngừa để không có con? Giá như em được phép có một đứa con, nó sẽ như sao hôm, sao mai. Nó đúng là sao hôm, sao mai, tuy sớm chiều khác nhau (cũng như Đông Tây khác nhau) mà là một!"

    °

    Đã tới thềm năm mới âm lịch. Đài phát thanh Mỹ loan tin ông Hồ ngoài Bắc đọc thông điệp chúc mừng năm mới gởi quốc dân. Sau cùng ông ngâm thơ, "thơ chiến thắng". Hình như ông đã bắt chước Nguyễn Huệ xưa cho quân và dân ăn tết trước một ngày.

    Tất cả các anh chị em sinh viên Việt Nam tại Nashville cùng tụ tập tại nhà Huy. Họ tổ chức một party thân mật mời các bạn ngoại quốc tới mừng năm mới, năm con khỉ.

    Tám giờ sáng hôm sau, Huy còn nằm trên giường, uể oải với tay lên chiếc bàn đêm vặn nút radio. Chàng giật mình nghe báo tin Sài Gòn bị tấn công bất ngờ, băng nhựa của phóng viên ghi rõ cả tiếng đại liên địch xung phong vào Tòa Đại Sứ Mỹ ở đại lộ Thống Nhất. Ngày mùng một Tết trên đất Mỹ nhưng là ngày mùng hai tại Sài Gòn! Rồi hình ảnh Mậu Thân xuất hiện sốt dẻo trên TV Mỹ. Hình ảnh người cha quân nhân về ôm xác một trong những đứa con nhỏ chết trên tay, quanh ông là xác vợ và những đứa con khác đã bị địch tới lia không còn sót một mống. Hình ảnh em bé nhà nào đứng ở ngã ba khóc gào cha mẹ, sau lưng em là bối cảnh khói lửa đô thành...

    Các anh chị em Việt kiều (chẳng cứ gì ở Mỹ, mà ở khắp hải ngoại, Huy chắc thế) viết thư hỏi tin tức nhau, đồng thời họ nhận được thư của các bè bạn thân tình ở ngoại quốc hỏi thăm họ, hoặc an ủi họ, nhưng cả hai trường hợp cùng khiến họ thêm bẽ bàng, sượng sần, tủi nhục. Về phía những người Cộng Sản, sự phản bội tâm tính truyền thống đất nước của họ đến như vậy là vô tiền tuyệt hậu rồi, mà về bên quốc gia thì... Nửa tháng sau biến cố, Huy nhận được thư của một người bạn quân nhân thân báo tin cả hai gia đình cùng được bình yên, lá thư có cái nhìn chính trị ( người bạn chàng vốn có khuynh hướng chánh trị):

    "... Cho nên biến cố này tuy là một vố nặng cho Mỹ, nhưng cũng đồng thời mở mắt cho Mỹ thấy Cộng Sản huênh hoang cũng chẳng hơn gì Mỹ, cũng chẳng cầm nắm cóc khô nổi ai. Biến cố này cũng làm mở mắt một số lớn những kẻ bỏ mồ mả ông cha, nhà cửa để vào Nam mà còn ham làm sang làm giàu, nhưng tiếc thay, chúng cũng chỉ mới hé mắt thôi, chứ thật cảnh tỉnh họa chăng được một số ít đếm trên đầu ngón tay.

    Nước đời nào mà lại thấy chúng sa hoa đến cực độ trong khi dân chúng và quân nhân (những người làm lính và đánh nhau thực) thăm mặt trận mới thấy thương người quân nhân, kính phục họ thực sự. Anh có biết không, trong dịp Noёl vừa qua, hàng đoàn vũ nữ ngoại quốc đã được rước về đây để họ du hí, tốn cả hàng triệu, thật là buồn nôn, không sao nói được thành lời nữa. Nếu anh có ở nhà năm nay, anh tất phải sốt ruột về tiếng pháo nổ đêm ba mươi tết, đến nỗi là quân nhân như tôi mà cũng cảm thấy lạnh như thể mưa rơi thật to hột trong mấy tiếng đồng hồ.

    Cả hai bên cùng bẩn quá mất rồi, anh ơi! Người dân mắc kẹt ở giữa ráng mà chết. Sống cũng cô đơn, mà chết cũng cô đơn, thảm cảnh của người dân Việt mình ở vùng gọi là quốc gia như thế đấy..."

    °

    Thư Crys gởi tới vào dịp này, Huy nhật thấy có dòng chữ lớn phía sau phong bì: Peace on Earth!

    Và kể từ đấy (cho đến khi Huy đã trở về nước) lá thư nào của Crys hầu như cũng có ghi lời cầu nguyện đó phía sau hoặc phía trước phong bì: Peace on Earth!

    Huy viết thư cám ơn Crys và các bạn ngoại quốc khác. Ngày hòa bình đến với trái đất còn xa (mà biết rằng có ngày đó hay không), nhưng bình an đã đến với gia đình chàng trong cơn sóng gió vừa qua.

    Khóa mùa thu đã bế mạc, Huy lên miền Bắc với Crys. Một lần cuối cùng - Huy chắc thế!



  5. #14
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    14
    Phải, đây là lần thứ hai Huy đi Detroit, nhưng lần này chàng chọn chuyến buýt để tới Detroit vào 2 giờ 30 chiều.

    Chàng đưa mắt nhìn người tài xế xe buýt, có thể vẫn là người tài xế chuyến trước. Vô cớ chàng mỉm cười. Hành khách ai nấy đã an vị từ lâu, người tài xế đã ký xong giấy tờ ghi nhận lặt vặt trong khi người công nhân khác vừa rửa xong chiếc kính chắn gió rộng mênh mông ở phía trước. Người tài xế nghểnh nhìn đếm số hành khách một lần cuối rồi đèn trên trần buýt tắt, xe bắt đầu chuyển bánh đúng lúc 20 giờ 35 y như muôn ngàn lần trước, đúng tác phong Mỹ.

    Huy rùng mình thật thoải mái, sự rùng mình của một người đã nằm yên trong chăn ấm mà có cố tưởng tượng cảnh rét mướt bão tuyết bên ngoài. Xe qua cầu sông Cumberland, ra ngoài thành phố, tuy nhiên hai dãy đèn đường còn sáng rực như một thái độ tiễn đưa, hay đúng hơn một thái độ muốn chứng tỏ uy quyền một cách dai dẳng của thành phố đối với vùng ngoại ô phụ cận.

    Huy đã cho ghế ngả về phía sau, đôi mắt nhắm như ngủ, kỳ thực chàng ôn thầm một cách sáng suốt từng chặng đường sẽ vượt: chỉ hai giờ nữa xe buýt đã bắt đầu vào địa phận tiểu bang Kentucky, tiểu bang có cỏ xanh sông mát nổi tiếng về chăn nuôi ngựa, xe sẽ tới Louisville, thành phố lớn cuối cùng của Kentucky, để rồi lướt qua địa phận của tiểu bang Indiana mà tới thành phố lớn đầu tiên của Ohio là Cincinnati. Xe buýt cứ thế mà nuốt đường thiên lý... nuốt đường thiên lý cho tới khi nào người tài xế báo trong máy phóng thanh "Toledo" thì có thể chỉ còn trong gang tấc nữa chàng đã được gặp Crys.

    Từ Toledo sang địa phận Michigan chỉ phải qua cầu con sông nhỏ Maumee và một thành phố nhỏ, Monroe! Lần này chắc Huy sẽ gặp Crys ở ngay nhà ga xe buýt khoảng 14g30.

    Quả thực khi vừa xuống buýt Huy đã thấy Crys đứng ngay khoảng cửa ra vào. Nàng tiến nhanh lại, khuôn mặt rạng rỡ, nàng khoe ngay:

    - Anh Huy này, em có một người bạn mới.

    - Ai vậy?

    - Một cô gái Việt Nam.

    - Cô ta mới tới Detroit?

    - Phải, đây là tam cá nguyệt đầu tiên của cô. Cô mới chuyển trường từ Columbia tới. Cô dạy em học tiếng Việt. Em có khoe anh với cô ta. Em sẽ tổ chức một cuộc họp bạn vui chiều nay tại phòng em. Trâm cũng sẽ đến, tên cô ta là Trâm, cô sẽ đến với anh bạn trai Mỹ ở cùng building. Trâm đẹp lắm, anh Huy.

    °

    Huy có ý đợi Trâm. Quả nhiên đúng giờ Trâm tới với người bạn trai Mỹ của nàng, chàng Joe. Hai người tới trước tiên! Trâm reo vui vì gặp người đồng hương, như thể Huy là người tân trong gia đình, nàng bỏ Joe tới ngồi ngay bên Huy. Thái độ vồn vã đó Trâm biểu lộ rồn rập quá khiến Huy thoạt quên quan sát nhan sắc nàng. Sau khi Crys đã giới thiệu Huy với Joe, câu đầu tiên Trâm kể chuyện với Huy cũng lạ. Nàng nói:

    - Anh có nhớ ngọn núi nhỏ phía bên kia hồ thuộc địa phận Gia Nã Đại? Em vẫn gọi hòn núi đó là núi Ngự. Vừa rồi lúc trời vừa tối chẳng hiểu tuyết, băng, nước hồ và ánh đèn Detroit hòa hợp với nhau thế nào mà khi chiếu hắt lên, hòn núi bỗng sáng lộng như động kim cương, trời thì đen kịt, lạ quá.

    Huy hoàn toàn bị hấp dẫn bởi giọng nói say mê của nàng, và tuy chàng chẳng hiểu nàng định nói hòn núi nào chàng cũng đáp:

    - Vậy à? Thế thì lạ thật đấy. Tuyết bên ngoài phủ dày lắm phải không... Trâm. (Huy gọi Trâm thân mật ngay như vậy và thấy đó là lẽ dĩ nhiên.)

    - Vâng, dầy lắm thưa anh. Lúc Joe đến đón em ở nhà, tuyết phủ đã dầy tới mức tiếng động nào cũng chỉ vang lên một chút thì bị chìm ngay. Những ngày như vậy em thường đóng kín phòng lại và vẽ tranh sơn suốt ngày, đợi lúc trời tối hẳn mặc áo ấm đi dạo một vòng quanh nhà.

    - Vậy hôm nay Trâm đã đi dạo một vòng nào chưa?

    - Tới đây thế này há chẳng là đi dạo sao?

    Lúc đó Huy mới có thì giờ ngắm kỹ Trâm. Khuôn mặt nàng trái soan, nước da bánh mật khỏe. Nàng tô một quầng thâm quanh mi khiến cái nhìn trở thành thăm thẳm. Nụ cười của nàng thật hiền, hai răng cửa phẳng. Giọng nàng nói trong, rất trong phảng phất một cái gì nửa ray rứt nửa thiết tha. Nhìn vào đôi mắt nàng, ngắm nụ cười nàng, rồi nghe giọng nàng nói, khoảnh khắc đó bỗng nửa như trống vắng nửa như khắc khoải trong một nỗi niềm bịn rịn, nuối tiếc kỳ lạ.

    - Lâu lắm mới được gặp người đồng hương, vui quá anh ơi!

    Câu nói như vậy lẽ ra phải vui lắm mà sao đượm nhiều ngậm ngùi. Huy hiểu lắm, chàng hiểu tâm hồn người con gái sinh ra và lớn lên trong một nước loạn ly ngót một phần tư thế kỷ như nước Việt nhà thì nhất định phải xúc cảm như vậy.

    Sau khi nói về thứ ánh sáng giao thoa kỳ dị biến hòn núi thành động kim cương, Trâm chuyển sang chuyện quê hương khói lửa:

    - Quê em cách thị xã Bến Tre chỉ chừng ba cây số, nhưng đường xấu kinh khủng! Xấu vì Việt Cộng thường tới đào đường ban đêm, hôm sau ty công chánh lấp lại sơ sài, xe tiếp vận của quân đội quốc gia đi lại khá nhiều để tiếp tế cho mấy đồn lân cận...

    - Trâm có thường về thăm quê?

    - Suốt thời gian theo trung học em ở ngay trong quê nhà. Đi học bằng xe đạp.

    - Mỗi lần có đụng độ lớn giữa hai bên, những người quê hẳn phải tản cư?

    - Đúng vậy anh.

    Trâm bỗng cất tiếng cười khanh khách rồi tiếp:

    - Em có ông bác khoảng sáu mươi tuổi để râu dài và búi tóc. Mỗi lần có cuộc đụng độ nặng giữa hai bên khiến người phải tản cư lên thị xã, thế nào người cũng cho khiêng theo chiếc sập gụ khảm sà cừ. Chiếc sập nặng bao nhiêu ký, chỉ biết bốn người khiêng mà lặc lè. Rồi mỗi lần ngừng lại ở đâu mà có người xúm quanh quan sát, thế nào bác em cũng khoe là lần nào tản cư người cũng khiêng được sập đó đi theo, có khi người nói rõ thành tích lần đó là lần thứ mấy.

    Trâm và Huy nhìn nhau, lần này Trâm cười không thành tiếng, tiếng nàng trầm xuống nữa, lạc giọng, tưởng như vì tuyết phủ dầy bên ngoài mà tiếng nói của nàng bên trong cũng bị mất âm vang. Đôi mắt Huy phải vịn sâu vào đôi mắt nàng mà theo dõi lời nàng nói:

    - Sâu vào chút nữa, quê ngoại em chỉ cách làng em chừng bốn cây số, cảnh quê và người quê mới thật tiêu điều. Nơi có cây cối thì bom đạn cầy nát, nơi trước đây là đồng ruộng thì lau lách mọc thành rừng. Chính quyền quốc gia cũng có đặt hội đồng xã, cộng sản cũng có đặt hội đồng tự quản, nhưng thật ra những người còn quắc thước hay còn thông minh thì hoặc vào hẳn vùng Quốc Gia, hoặc sang hẳn vùng Cộng Sản, chỉ còn những người đui, què, mẻ, sứt, đôi mắt cập kèm, đôi tai nghễnh ngãng chẳng còn cái gì để bảo vệ, thì họ ở lại để thành hội đồng xã, hay hội đồng tự quản...

    Hình như Trâm ngừng lại giây lâu, cúi nhìn xuống chân, rồi lại ngẩng lên tiếp, giọng khẽ hơn và, thật kỳ lạ, rõ hơn bao giờ hết:

    - Đánh nhau mãi thế này chết hết người anh ơi.

    Hiện tượng âm thanh của lời nàng vừa thốt ra làm Huy thấy ớn lạnh xương sống. Chàng cúi xuống nhìn chân mình như cử chỉ của Trâm vừa qua và bỗng cảm thấy hết nông nỗi cơ cầu của cuộc chiến tranh quê hương đè nặng trên đôi vai thon nhỏ của Trâm và của biết bao nhiêu cô gái Việt khác. Từ trước đến nay Huy vẫn chạy trốn những ký ức về kiếp sống nghịch lý của quê hương, nhưng giờ đây đối diện với Trâm, nghe tiếng nói trong và tiếng cười đượm ngậm ngùi của nàng, Huy không còn muốn chạy trốn những hình ảnh đó nữa, trái lại chàng mặc cho chúng ùa tới,để được ê chề ngụp lặn giữa chúng, chàng tin rằng như vậy càng giúp chàng có cái nhìn thích nghi hơn về nhan sắc với tiếng nói giọng cười của Trâm. Câu chuyện về quê hương giữa Huy và Trâm tự đó trở thành thủ thỉ như chuyện tâm tình. Cry tiếp chuyện Joe. Các bạn Crys đã lần hồi tới đủ, Huy và cả Trâm nữa đứng dậy mỉm cười và cúi chào như máy mỗi khi Crys đem bạn tới giới thiệu, sau đó hai người lại ngồi xuống ngay tiếp tục câu chuyện. Mọi người đã bắt đầu ăn bánh mặn, bánh ngọt và uống Coca-cola. Vẫn Crys mang những thứ đó cho Huy và Trâm. Hơn một giờ qua... tiếng ồn ào nói chuyện trong phòng bỗng im bặt vì có tiếng vỗ tay làm hiệu, rồi tiếng Crys:

    - Này anh Huy!

    Huy hơi bàng hoàng ngẩng đầu âu yếm cười với Crys và ngưng nói chuyện bằng tiếng Việt với Trâm:

    - Crys bảo gì kia?

    - Anh có thể làm ơn cho em một điều?

    - Điều gì nào Crys?

    - Anh hát cho tất cả các bạn đây nghe một bản dân ca của nước Việt, rồi anh ngâm thơ Việt Nam nữa.

    Không để Crys nài thêm lần thứ hai, Huy chỉ thong thả cúi đầu đằng hắng để mọi người biết là chàng đương sửa soạn. Chàng đã dọn giọng khá kỹ càng và khi ngửng lên chàng hát cho mọi người nghe bài hát quen thuộc nhiều với Crys, bài "Qua cầu gió bay" Khuôn mặt Crys rạng rỡ hẳn, mặc dầu miệng nàng chỉ hơi cười mỉm. Mọi người vỗ tay thỏa thuê khi giọng ca của Huy vừa dứt, và ai nấy cùng cười ồ khi Crys dịch lại lời ca. Giọng Crys nồng nhiệt hơn:

    - Anh ngâm thơ Việt Nam đi.

    Lần này chính Huy phiên dịch trước một đoạn "Chinh Phụ Ngâm" rồi mới ngâm cho mọi người nghe:

    Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy, Thấy xanh xanh cách mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

    Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai..."

    Một người bạn Mỹ hỏi Huy:

    - Giọng ngâm thơ Việt Nam bao giờ cũng buồn buồn vậy sao anh?

    Trâm đã trả lời thay chàng như một phản ứng tức khắc:

    - Các anh tính lịch sử nước chúng tôi cứ bị chiến tranh hoài hủy như vậy, giọng ngâm thơ của chúng tôi vui sao được cơ chứ! Vui sao được cơ chứ!

    Lúc đó Huy mới sực chú ý đến Joe. Khuôn mặt Joe thật trẻ, càng trẻ vì lúc ấy Joe vẫn bỏ áo ngoài, chỉ mặc chiếc áo chẽn cụt tay màu đỏ tươi. Mái tóc Joe vàng óng, hai bên tóc mai để dài xuống quá thái dương rất nhiều. Joe đã thấu hiểu tâm trạng của cô gái Việt ấy. Từ lúc mới vào, Trâm hốt hả chào Huy rồi ngồi xuống bên Huy, Joe hoàn toàn tự xóa nhòa, tựa như nhiệm vụ của chàng chỉ đưa Trâm tới đây để gặp

    Huy. Hình như Trâm cố tình vội vã, nàng cám ơn Crys bằng mấy lời khách sáo, quay sang khẽ cúi chào Huy rồi lật đật ra cửa trước cả Joe. Huy thân mật theo chân Trâm ra khỏi cửa để tiễn nàng, trong khi Joe vừa mặc xong áo ngoài còn dừng lại trao đổi với Crys đôi lời từ biệt xã giao thường lệ Trâm cố vớt vát câu chuyện về quê hương với Huy:

    - Hôm nay em vừa đọc xong một đoạn sử nước Anh thời ba mươi năm nội chiến thế kỷ thứ XV, vẫn thường được mệnh danh là cuộc Chiến Tranh Hoa Hồng. Dân chúng thì cũng đã từ lâu nhận thấy hoa hồng trắng cũng chẳng thơm hơn gì hoa hồng đỏ, chỉ mong có hòa bình để chăn tầm dệt vải, nuôi cừu dệt len; nhưng các hoàng đế, hoàng tử, nam tước thì cương quyết sát phạt lẫn nhau cho đến khi cả hai dòng họ tham tàn đó chết gần trọn ổ; dòng Tudor còn sót lại chú Henri Trudor; chú này giết nốt Richard tên vua què dòng York rồi lên ngôi, lập Elizabeht làm hoàng hậu, cô này là người duy nhất còn sống sót của dòng York!

    Trâm dõi tia nhìn theo dãy hành lang thăm thẳm phủ thảm đỏ, thốt tiếng cười nửa sảng khoái, nửa đượm vẻ mỉa mai vô cùng và tiếp:

    - Anh có biết không, em vẫn ước mong được sống trở lại thời cổ sơ đó. Lũ quý phái nắm quyền hành, chúng tham tàn, chúng tranh giành nhau danh vọng và quyền lợi, nhưng dầu sao chúng cũng có được sự thẳng thắn và can đảm là trực tiếp giao đấu với nhau, trực tiếp đem tính mạng mình đặt lên chiếu bạc. Chứ như bây giờ, thời buổi của kỹ thuật mới, những tên đầu xỏ chiến tranh chúng được bảo vệ an toàn quá đi...

    Trâm chợt đổi sang tiếng Anh:

    - Kìa Joe anh ra tự bao giờ thế?

    Huy cũng vừa nhận thấy Joe đã ra đứng sau hai người tự lúc nào. Chàng cười từ biệt Joe và nói:

    - Xin lỗi anh Joe nhé, hai người Việt Nam mà gặp nhau trên đất lạ thì không sao cản được họ nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Chúng tôi nói chuyện về quê hương chúng tôi.

    Joe cười rất lịch sự và hiền, lời đáp thành thực của anh còn lịch sự hơn:

    - Không sao đâu anh, tôi ưa nghe tiếng Việt Nam lắm, một ngôn ngữ thật giàu nhạc tính.

    Ba người cúi chào nhau lần nữa, và Huy còn đứng nguyên đó nhìn theo cho tới khi Trâm và Joe vào khuất trong thang máy.

    Đến lượt các bạn khác của Crys tuần tự cáo từ. Người bạn cuối cùng vừa ra khỏi, Crys chạy lại ôm chầm lấy Huy:

    - Nhìn anh nói chuyện với Trâm em thật muốn ghen! Em không muốn lần này cũng như lần trước anh chỉ ở đây với em có một tuần.

    Crys gục vào vai Huy muốn khóc, lời nàng nghẹn ngào:

    - Lần này là lần cuối cùng ta sống với nhau, đúng thế không anh? Hết khóa Xuân tới anh đã về Việt

    Nam rồi.

    - Trước khi về Việt Nam anh sẽ lên đây thăm em lần nữa, lần đó mới là lần cuối. Nhưng sao lại là lần cuối! Em có thể gia nhập đoàn Thanh Niên Thiện Chí và tới phục vụ tại Việt Nam. Chúng ta sẽ gặp nhau và anh sẽ giới thiệu em với tiểu gia đình anh.

    Crys khóc thật sự trên vai Huy. Nàng lắc lắc đầu mà không nói. Huy vỗ vỗ lên vai nàng và nói câu chàng vẫn thường nói vào những trường hợp tương tự.

    - Crys này, em phải "Thiền" chứ?

    Crys cũng đã hiểu mỗi khi Huy nói vậy là muốn khuyến khích nàng hãy giữ một thái độ bình tĩnh chấp nhận, vượt lên mọi triền phọc của hoàn cảnh.

    Crys nói:

    - Thôi để em vào pha nước tắm nhé. Huy hôn lên môi nàng rồi mới đáp:

    - Em vào đi.

    Tiếng nước chảy đều bên trong. Huy kéo chiếc giường từ áp tường xuống. Hình hai chiếc gối nổi hằn lên tự bên dưới chiếc khăn phủ giường mới tinh thơm phức, và Huy cảm thấy tâm hồn như mặt trời sung mãn một niềm vui kỳ diệu. Chẳng phải vì giây phút này là giây phút của xác thịt bắt đầu lên ngôi bá quyền mà chính vì kể từ giây phút đó mối tình Crys - Huy mới được toàn vẹn vì có sự hòa hợp của xác thịt. Một mối tình vừa buông thả vừa thiết tha say đắm như vậy thật hiếm có trên thế gian này. Cùng hiểu như vậy nên cả Huy lẫn Crys luôn luôn tỏ thái độ mang ơn lẫn nhau rất chân thành.

    Tiếng Crys gọi bên trong:

    - Xong rồi, vào tắm anh Huy!

    Trong bồn tắm Huy âu yếm vuốt tóc Crys trong khi nàng hơi cúi xuống rửa phần trang điểm quanh mi mắt nàng, hai dòng nước xanh rỏ giọt xuống khoảng bọt xà phòng trắng xóa phủ kín bồn nước ấm. Khi công việc đó xong, Crys chớp mắt nhìn Huy nói giọng thật ngậm ngùi:

    - Rồi những ngày thần tiên này qua đi... Rồi trong tương lai mỗi khi chúng ta hồi tưởng, chúng ta sẽ nhớ chúng như nhớ một giấc mơ đẹp!

    Huy vuốt má nàng mà chẳng nói thêm được gì.

    Khi hai người đã bước ra khỏi bồn tắm và lau khô người, Huy chợt đề nghị:

    - Crys ạ, chúng ta hãy mặc quần áo ấm, ra đợi xe buýt xuống down town.

    Crys trợn mắt ngạc nhiên:

    - Anh điên sao, bây giờ muốn ra tới đầu phố đón xe buýt thì phải lội tuyết ngập nửa ủng.

    - Đúng vậy, nhưng này nhé, chúng ta tắm rửa sạch sẽ rồi, bây giờ mặc quần áo ấm đi trong mưa tuyết một giờ nữa, khi trở về mới chui vào trong đám chăn nệm êm ấm này mà ôm nhau há chẳng càng tăng thêm phần vui thú sao? Đồng ý chứ Crys?

    - Đồng ý!

    Bên ngoài gió đã nhẹ, những bông tuyết rơi thanh thản hơn nhiều. Huy và Crys khoác tay nhau lội theo đường tuyết ra chỗ đợi xe Huy dự định lên xe buýt rồi khi tới đầu đường Wood, Huy sẽ kéo Crys xuống. Từ đó chỉ lội tuyết một quãng ngắn nữa, là tới con đường lớn viền quanh bờ hồ Erie. Huy ôn thầm lời nói của Trâm khi nãy trong trí: "... Tuyết đã phủ dày lắm đến nỗi tiếng động nào cũng chỉ vang lên một chút thì bị chìm đi ngay... Tuyết băng, nước hồ và ánh đèn Detroit hòa hợp với nhau thế nào mà khi chiếu hắt lên thì hòn núi bỗng sáng lên như kim cương... lạ quá...

    Ôm Crys dưới mưa tuyết mà ngắm động kim cương ấy, rồi trở về ôm Crys khỏa thân dưới làn chăn nệm, có vậy ta mới thực sự đạt tới tuyệt đỉnh hạnh phúc! - Huy tự nhủ như vậy khi chàng và Crys cùng ghì sát nhau hơn và dõi nhìn về phía xe buýt đương lại.


  6. #15
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    15
    Về tới Nashvile bắt đầu học nốt khóa hè ngắn gọn cuối cùng, có hai tháng, Huy nhận được lá thư dài, rất dài, của Quyền. Quyền rất ít viết thư, bức thư đó có lẽ là bức thứ hai hay thứ ba chi đó là cùng. Bức thư khá dí dỏm, vui một cách... buồn thổi lại áng mây sầu đầu tiên vào vòm trời yên ổn của đời sống sinh viên, giữa một đất nước thanh bình, thịnh vượng.

    Đà Lạt ngày... Huy,

    Thầy tôi mới mất. Trước khi nhắm mắt, người nói với tôi: "Thôi đường trần con chịu khó đi nốt, thầy về!"

    Thầy tôi mất, tôi suy nghĩ mãi về lời nói bình thản đó. Tôi nghĩ thực ra trong khoảng sáu bảy mươi năm tuổi thọ mình chứng kiến đời thế là quá đủ. Ghép tim, ghép thận, tiếp hạch kéo dài đời sống mà làm gì? Trò đời tuy biến đổi, nhưng vui buồn vẫn vậy, hưởng mãi hay chịu đựng mãi đều nhàm chán như nhau. Chết chính giải thoát một vai kịch, phải thấy vui nhẹ, chứ sao lại sợ mà trốn tránh?

    Nhớ lại khoảng mười lăm năm trước đây, hồi đó tôi còn ở Hải Phòng, một lần chứng kiến cuộc đối thoại giữa người lính Mỹ và lính Pháp. Lính Mỹ chuyển lên bến Hải Phòng giao cho quân đội Pháp một số xe tăng cỡ lớn, trước đây dùng ở chiến trường Đại Hàn. Giữa hai chuyến chờ đợi, một người lính Mỹ bảo một người lính Pháp:

    - Các anh phải trao trả quyền hành cho người Việt Nam thì cuộc chiến này mới hữu lý, và mới có cơ thành công. Người lính Pháp cười khẩy:

    - Trao quyền cho ai? Nếu trao quyền thì trao cho bên kia, không phải cho bên này. Suốt tám mươi năm qua bên này chỉ được chúng tôi huấn luyện cho họ thành những kẻ thừa hành mà thôi.

    Lời nói đó ngày nay càng nghĩ càng thấm thía. Quả thực cho đến giờ, kẻ chiến thắng trên lưng dân tộc mình vẫn còn là thực dân Pháp. Mới đầu vì chúng mà đẻ ra cộng sản, kế tiếp thực dân và cộng sản quần nhau trên lưng dân tộc mình, cùng lấy xương máu dân tộc mình làm khí giới. Cuộc chiến tàn, thực dân, cộng sản chia đôi đất nước. Thực dân ra đi, nhưng nọc độc thực dân còn làm chủ trong huyết mạch, khiến mình thành một thứ thiên tiên bất túc, và cộng sản tiếp tục cùng thực dân liên minh tàn phá tiềm lực dân tộc.

    Cậu qua Mỹ gần hai năm, sắp thành tài về rồi, có còn nhớ lịch sử hiện đại nước nhà không? Nhớ lại xem!

    Giá như Hồ Chí Minh với uy tín của mình phát huy được tinh thần xã hội Việt Nam vẫn có trong đời sống tập thể, trong nếp sống công điền, công thổ nơi thôn ổ từ xưa...

    Nếu như những cố vấn của họ Ngô trước đây biết nắm lấy cơ hội ngàn năm một thuở dân trao cho niềm tin, mà thực hiện được một Renaissance de Christ trên mảnh đất thụ nạn cho nhân loại này - nation redemptrice - thì thật là một nét vàng cho lịch sử Kytô giáo. Tiếc thay, chúng đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng đó...

    Nếu như sau Diệm, những kẻ có cơ hội ở vị trí lèo lái con thuyền quốc gia, dùng ngay thế lực Green power của Mỹ (màu dollar xanh) vào thế tương liên tương lập, đặt lấy những nền móng kỹ nghệ, khoa học cho xứ sở này, mà phát huy và cập nhật hóa tinh thần xã hội Việt Nam đã có từ ngàn xưa...

    Nhưng không, tất cả những mẫu người trên đều cam tâm làm con cờ nhỏ mọn cho những thế lực điển hình quốc tế đương băng hoại ngay trong chính bản thân chúng. Không kẻ nào mong làm kiếp cây thả sâu rễ mà bám lấy mảnh đất linh thiên này; chúng ưng làm kiếp bèo... Thấy mình được nằm trên bối cảnh mênh mông của sóng nước, chúng không biết sóng nước mênh mông nhưng phản bội, chỉ rình làm chìm đắm thế nhân; chúng quên rằng thân bèo với rễ nổi bềnh bồng, thì một bàn tay dù quẻ quặt, dù yếu đuối vẫn có thể vớt chúng lên khỏi mặt nước. Chúng chẳng khác mấy con người nộm đắp bằng tuyết, đặt trên những tảng băng sơn cùng trôi xuống miền Nam nước ấm. Hình nộm tan rã trên băng sơn, và băng sơn, tan rã với nước biển ấm.

    Điều khôi hài là trong thời gian tan rã đó, chúng đều ca những bài ca dân tộc rất... thuộc lòng.

    Đến nhìn ra quốc tế, nghe mấy nhà văn thi sĩ, tư tưởng gia, khoa học gia cỡ danh vọng Nobel quốc tế tuyên bố về Việt Nam, chao ôi, họ ấu trĩ đền tội nghiệp ngoài lĩnh vực chuyên môn hay hoàn cảnh sinh sống của họ.

    Trong khi ngồi trong lò hỏa ngục đợi ngày thăng hoa tư tưởng, cậu có biết thái độ tiêu khiển của dân Việt mình bây ra sao không? Vui lắm! Họ đổ xô vào xem báo tiếu lâm, kể chuyện tiếu lâm cho nhau nghe, và xem tử vi những con bài quốc thế. "Cha này Tử vi ngộ Triệt thế này, còn bị bộ hạ chúng nó phá; cha này Sát, Phá, Liêm ngộ Kình, Đà tránh sao khỏi bất đắc kỳ tử, chú mày ơi!" Ấy vậy đó, bảo là họ không có chính quyền, họ phải vui một niềm vui ước mong tiêu cực? Không đâu, họ chính là chính quyền, họ chính là hiện thân của đáng Hoàng thiên, của luật Hoàng thiên. Khi họ khinh miệt ai, sức mạnh ý chí họ dựng ngay đoạn đầu đài để xử tử những kẻ phản bội họ, phản bội đất nước linh thiêng này. Và những tên đó quả đã chết cụt đầu, chết nát thây trong tâm tưởng họ, trước khi thân bại danh liệt thật. Và cái chết đó mới là chết thật, và chết... toàn diện.

    Cậu phải về đây quan sát và nghiền ngẫm với tớ mới thấy dân tộc mình là một dân tộc linh thiêng, đất nước mình là một đất nước hiển linh. Mà không linh thiêng, không hiển linh sao được khi tất cả những lực lượng băng hoại quốc tế chụm mồm lại thổi lò hỏa ngục ở đây.

    Về đây cậu, chúng ta cùng thắp đuốc chuẩn bị góp ánh sáng cho hội long hoa của đất nước. Càng những vùng lau lách đọa đầy càng lốm đốm nhiều ánh đuốc.

    Đợi cậu, Quyền.

    Huy còn nhớ ngày đó đọc xong bức thư của Quyền, hình ảnh Crys bỗng xa vời hẳn, y như Huy đã thực sự trở về và sống giữa lòng định mệnh của đất nước rồi.

    Hai, ba ngày sau, khi ý nghĩ trở lại quân bình rồi, Huy nghĩ đến Hương.

    Ừ mà phải, nếu quả nhân loại vào cuối thế kỷ này đương nhiên đi nốt chặng đường từ độc lập đến thăng hoa, thì ngay từ giờ, Quyền và Hương phải gặp nhau thành đôi để chứng nghiệm và chào mừng sự thăng hoa đó chứ. Tình yêu bao giờ cũng là một cứu rỗi - Huy nghĩ thầm vậy, đanh thép vô cùng!

    Bức thư của Quyền tuy không khuấy động nữa, nhưng còn ám ảnh trong tiềm thức Huy.


  7. #16
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    16
    Thụ tốt nghiệp xong cử nhân sử học cũng về Washington cùng với Huy. Chiếc xe Mustang, phương tiện giao thông chung. Huy và Thụ chuyển cho các anh chị em còn ở lại, hai chàng trở về Washington bằng phi cơ, sẽ ở lại đấy chừng một tuần chuẩn bị giấy tờ. Theo như chương trình đã hoạch định, sau khi có đủ giấy tờ Huy sẽ bay về San Francisco đợi phi cơ về nước, Thụ còn lên đường đi Milwaukee (Wisconsin) dự một cuộc hội thảo về nghệ thuật giao tế và cảm thông, một tuần sau mới lên đường về nước.

    Nhưng mới chân ướt chân ráo đến Washington hôm trước, hôm sau Thụ nhận được điện của Rosalee báo nàng đã thu xếp xong công việc ở Nashville để đi buýt tới Washington sống cùng Thụ bốn ngày tiễn biệt. Rosalee vẫn níu lấy hy vọng Thụ sẽ trở lại Mỹ, mà Thụ thì không nỡ để nàng tuyệt vọng. Tay cầm bức điện tín Thụ nói với Huy:

    Nếu em đã thu xếp đến đây tiễn tôi ba ngày, tất nhiên tôi không thể ở boarding house này với anh được nữa mà phải thuê hotel.

    Huy nhìn Thụ hài lòng như người anh cả nhìn đứa em hạnh phúc:

    - Nàng tiên tóc vàng đã tới, the dearest dum dum hãy chung hưởng với nàng những giây phút hạnh phúc cuối cùng trước khi dứt tình trở về hòa mình với định mệnh đất nước.

    Nụ cười của Thụ nửa vui nửa buồn:

    - Chắc hotel tại Hoa phủ này không có gián như apartment của tôi ở Nashville.

    (Khóa học sau cùng, Thụ đã dời ký túc xá đại học, ra ngoài thuê apartment riêng để tiện gần gũi Rosalee.)

    Huy hỏi:

    - Nàng tiên tóc vàng sợ gián?

    - Em sợ gián kinh khủng! Em nói sâu em không sợ, rắn em không sợ. Em tả khi để rắn trườn trên lòng bàn tay tất có cảm giác thu thú, nhưng em lại sợ gián, thật là kỳ! Đêm nào em ở lại apartment với tôi thì mỗi lần vào buồng ăn là y nhưng nghiêng tai lắng nghe rồi nói bằng một giọng hốt hoảng; "See, it moves!" Thế là tôi phải vào buồng ăn bật đèn trước, gặp con gián nào thì hoặc giết hoặc đuổi đi.

    - Rồi đây về nước, gián thiếu gì, nhưng ai kêu cậu đuổi đây! Thôi, đi gọi điện thoại giữ phòng trước tại khách sạn nào đó đi.

    Thụ đi được mấy bước, Huy gọi giật lại:

    - Này Thụ, cậu hãy thuê hotel nào gần đây nhất để thỉnh thoảng còn gặp nhau cho vui.

    Thụ đi rồi. Huy nằm ngả trên giường nhắm mắt ôn lại khoảng thời gian ngày nào chàng còn ở Detroit. Những cái hôn thật dài Crys đánh thức chàng dậy hồi chín, mười giờ sáng: Huy còn là một đam mê trọn vẹn của nàng sau một giất ngủ qua đêm tàn. Huy ôn lại thói quen của Crys giống chàng ở chỗ thích đọc sách nằm.

    "Khi đọc sách, em phải nằm đọc mới vào." Nàng tuyên bố vậy và chàng phụ họa: "Đồng ý, đó là tinh lý

    Thiền đấy em ạ, cốt sao hưởng được sự thoải mái là được."

    Loa ngoài hành lang gọi Huy tới phòng điện thoại. Huy tới: phòng học bổng đường Pennsylvania gọi chàng tới nhận một bức thư bạn. Đó là bức thư của Khê.

    Từ buổi cùng Hương, Thiện, Khê thảo luận về tình hình đất nước ở cafeteria Đại Học Đường Chicago, thỉnh thoảng Thiện và Khê vẫn liên lạc bằng thư với Huy như những người cùng chí hướng tự ý tin cẩn kết nạp nhau trong tâm tưởng. Thiện còn học tiếp. Khê đã xong M.A. ngành tổ chức y tế nông thôn, đã đi bốn tháng vòng quanh nước Mỹ để quan sát. Kê hẹn sẽ cùng một người bạn thân, cũng đương học ngành Thuốc tại Đại Học Đường Berkeley, tới đón Huy tại phi cảng San Francisco. Cuộc đón rước này rất tiện lợi vì anh bạn có xe riêng, và không chừng Khê sẽ về nước cùng chuyến phi cơ với Huy. Bức thư không chỉ đơn giản có thế, còn chuyện thực tế đất nước với nét sầu sừng sững. Quả thật những ngày yên ổtn sinh viên đã bế mạc:

    "... Anh Huy có thấy không, vụ Mậu Thân thoạt là đại bất hạnh cho mình mà rồi thành ra đại bất hạnh cho chính cộng sản. Phải chăng đó là cái l'impondérable de l'histoire - điều mà anh viết cho tôi trong bức thư trước. Những giáo điều nhai nhải của chúng thật hết sinh khi rồi. Lũ lãnh đạo ngoài đó hoàn toàn đã là lũ ký sinh trùng, cố bảo vệ lấy đặc quyền giai cấp mới của chúng, chẳng hơn mẹ gì những tên tối nát bên mình. Cũng nên nói thêm từ sau Mậu Thân, bên mình trên bề mặt đã thấy có những tiến bộ nho nhỏ, đành rằng nhiều kẻ ngồi trên còn bẩn thỉu lắm. Điều đáng buồn là kể cả những người giàu thiện chí nhất bên mình cũng không thấy vị nào có được một sách lược nhịp nhàng, thuần chỉ là giai đoạn, và giai đoạn cho hôm nay thì mai đã hóa thành trơ trẽn bẽ bàng vì bị đặt sau lưng tình thế.

    ......

    "Tất cả những điều làm cho dân chúng cơ cực, cho tình trạng bế tắc như ngày nay đều có liên hệ xác xuất với nhau - statistically proportioned. Phải có sự nghiên cứu tường tận và toàn diện để có được sự liên hợp của nhiều chương trình; mọi cố gắng riêng rẽ dù hoàn hảo đến mấy cũng bị chới với chết đuối trong bất lực anh ạ.

    "Anh Huy ơi, về nước chuyến này làm sao chúng ta tập hợp được một nhóm người có thiện chí vừa thực tế, vừa ngay thẳng, để biết đặt mình vào đúng cương vị của một chương trình có kế hoạch khúc chiết..."

    Liền hôm sau Huy nhận được thư của Hương, Hương còn phải ở Mỹ ít nhất một năm nữa để thực tập mới thật xong Ph.D. Không hẹn mà nên kỳ này bên cạnh những nét thiên nhiên, Hương cũng đề cập đến hoàn cảnh đất nước, đến vụ Mậu Thân:

    New York ngày... Anh Huy thân,

    Buổi chiều thứ sáu cuối tuần, sách mở trước mắt nhưng em lại nhìn qua khung cửa sổ studio: mưa bụi mờ xám cả bầu trời New York, các ngả đường loang loáng nước mưa và hun hút trong bóng mù, những hàng cây trụi lá đen gầy vẻ an phận tang thương, cái tang thương người dân đen xứ sở mình.

    Buổi chiều thành phố chưa lên đèn, những cửa kính building lầm lũi không ánh sáng, chỉ thấy những dãy xe không đèn bò lê theo khuôn thước thấp thoáng trong sương mù, thấp thoáng qua những cành cây đen gầy. Tâm trạng của em chiều nay y hệt tâm trạng vụ Mậu Thân vừa qua, ngày mùng một nghe tin Việt cộng đột nhập Sài Gòn và nhiều tỉnh miền Nam; mùng hai, mùng ba Tết dán mũi vào TV xem quê hương tan nát, cái tâm trạng của một thân gái biết mình chẳng là bao nhưng vẫn xót xa khi nghe Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố là Hoa Kỳ không thể làm gì hơn cho Việt Nam. Nếu người Việt Nam không biết tự đoàn kết để tìm lấy một chủ nghĩa quốc gia và lòng tha thiết muốn tự tồn...

    Trước weekend tuần qua em nhận được thiếp mời tới dự một buổi "họp mặt quê hương" bên Queen County của một cụ già Việt nhập quốc tịch Mỹ từ thuở cụ còn trẻ, nhưng lòng cụ lúc nào cũng hướng về quê hương. Em quí cụ vô cùng mà phải tránh, không tới dự party đó, chỉ vì em đã tới dự một lần. Chủ nhân hướng về quê hương, nên bất kỳ một hình ảnh nhỏ của quê hương cũng đủ làm cho cụ thỏa niềm ước. Em là người của quê hương sang đây du học phải chạm trán với những bà, những cô chỉ Việt Nam có cái hình thức áo dài tha thướt, còn nếp sống, nếp cảm nghĩ lại còn "mẽo" "hơn cả mẽo" chính cống, em làm sao chịu nổi. May mà ở đây em mới gặp được một tâm hồn tri kỷ, em chưa khoe với anh em đã gặp nữ họa sĩ Trâm. Trâm nói có gặp anh một lần ở Detroit vào một tuần họp mặt tại nhà Crys. Một lần nữa Trâm đã xin đổi trường để về học năm cuối M.A. tại Đại Học New York này với em. Trâm không sợ cái lạnh của Detroit nhưng Trâm ghét không khí miền biên giới. Trâm bảo nó cũng phẳng lặng buồn nản như mặt hồ Erie. Trâm về với đám đông New York, thuê một studio tại đường West End, nhìn xa, mặt sông Hudson River luôn luôn gợn sóng đổ ra vịnh New York, Đại Tây Dương. Bên kia bờ, hình ảnh New Jersey heo hút. Buổi đầu gặp Trâm, hai đứa chúng em đứng dưới một gốc lilas. Lilas đã kết hoa từ ngày sang hè, nhưng Trâm nói: "Mình thích hoa lilas thơm như dạ hương!" Giọng Trâm ngậm ngùi nghe như hoa dạ hương có gợi một kỷ niệm gì. Trâm lại kéo em rời gốc lilas sang gốc lệ liễu gần đấy. Dưới gốc lệ liễu Trâm chỉ ngước nhìn mà không nói gì. Rồi chúng em đi thăm viện bảo tàng Petropolitan Museum of Art, Trâm chỉ và giảng cho em hay tranh Quattrocento Ý dịu mát như ngà cổ; tranh Rembrand chỗ nhằn nhụi chỗ sần sùi; tranh Van Gogh thì mặt sơn gồ ghề, lởm chởm như luống đất mới cày. Trâm có cử chỉ ngộ nghĩnh, khoái bức tranh nào mà thấy người gác không đứng gần ngay đấy là đưa tay vuốt mặt tranh một cái, ánh mắt rạng rỡ. Con người như vậy, anh bảo làm sao mà em không mến? Rời Metropolitan Museum of Art em theo Trâm về studio cùng làm cơm ăn. Em thấy trên tường treo một tác phẩm sơn dầu của Trâm mới vẽ mà lại đóng khung kính tranh sơn dầu. Trâm nhìn em đại lượng, rồi giọng Trâm thao thao, đại ý:

    "Chị có thấy bức tranh đập vỡ lệ luật thông thường? Phần trên là bầu trời tím hồng, mịn màng, man mác, đó là tiếng hát, là tình thương, là an ủi, là vỗ về. Phần dưới là đổ vỡ, là uất ức, quằn quại, xót xa, tàn bạo, tiếng sắt tiếng chì. Nếu cắt ngang bức tranh làm hai bức thì mỗi phần sẽ là một bức tranh hoàn hảo hơn theo đúng luật thẩm mỹ thường lệ; nhưng tôi đã quẹt ngang khoảng giữa một đường chân trời sáng ửng như một bình minh trí huệ, như một giây phút trăng thần thoại sắp lên. Sở dĩ tôi đóng khung hình bức tranh là để tạo nên một vũ trụ xa vời, chưa nắm lấy được, chưa đi vào được. Quê hương còn khói lửa, tan tóc thế kia! Chị để ý mà xem, bức tranh không có kính che đậy, tuy đứng xa mà nhìn, ta vẫn có cảm tưởng ta ở trong tranh, vì thế mà tranh Tàu xưa không bao giờ có kính. Con người nhìn tranh, biến mất vào tranh, chìm vào thế giới đó, như một viên ngọc quí chìm xuống đại dương. Đặt một mặt kính lên tranh, tranh sẽ xa ta hơn, nhưng cũng vì đó mà thế giới ấy lại gần ta hơn. Chị có biết không, nếu như ngày mai đây chúng ta được tin hòa bình đã trở lại với quê hương, tôi sẽ mời chị lại đây cùng uống với tôi một chén trà giúp tôi một tay gỡ kính ra, đập cho vỡ vụn và nhìn nhau cả cười..."

    Trâm đấy, tư tưởng kiêu kỳ mà dễ thương làm sao!

    Anh sắp về nước rồi, anh liệu có thu xếp thì giờ tới thăm New York một lần cuối được chăng? Có thế nào viết thư cho em biết nhé.

    Thân, Hương.

    Đặt bức thư Hương lên bàn, Huy cố ôn lại ngày gặp Trâm trong căn phòng nhỏ của Crys tại Detroit và cùng nàng thủ thỉ nói chuyện quê hương. Trí tưởng tượng của Trâm làm Huy liên tưởng đến câu thơ Kiều "Cánh hồng bay bổng tuyệt vời!" Đồng thời Huy cũng nghĩ đến một lời của Goethe: "I love men who aspire to the impossible." Trâm, Hương, Thụ, Khê, Thiện và Huy há chẳng là những kẻ đồng hội đồng thuyền đương ngưỡng vọng về cái bất khả?

    Có tiếng gõ cửa. Rosalee và Thụ từ khách sạn gần đấy tới rủ Huy cùng đi down town. Huy nói đùa "Tình yêu hai đủ ba thừa" và khuyên cặp uyên ương nên đi down town không chàng. Tuy nhiên Huy cũng giữ họ lại cùng uống cà phê đã. Huy mỉm cười hài lòng nhìn Thụ diện bộ đồ màu beige xẫm, cravate trắng hoa bạc, ngoài khoác chiếc áo mưa hàng Anh màu trắng ngà rất hợp với bầu trời lộng gió và đôi lúc lất phất mưa bay như hôm nay. Trông Thụ hào hoa phong nhã như con dân một nước thái bình thịnh trị giàu mạnh gấp bội... nước Mỹ. Rosalee mặc áo trong màu len trắng, cả bộ ngoài màu xanh xốp; bộ ngực nổi, làn môi đỏ, mái tóc vàng, đôi mắt vừa nũng nịu vừa đa tình, chuỗi hạt trai nàng đeo phần giữa nằm trên màu len trắng trước ngực, phần trên nằm trên màu xanh sốp, cả chuỗi hạt trai mang vẻ đẹp tuyệt mỹ của con sông với mấy khúc quành trên những vùng thiên nhiên đổi màu.

    Khi cặp uyên ương đi rồi hình ảnh con sông tuyệt mỹ còn ám ảnh Huy.

    Thực ra Crys cũng như một dòng sông biết cảm nghĩ, khao khát yêu đương, trườn mình đi tìm yếu tố yêu đương hòa hợp và luôn luôn tưới thấm vào lòng đất hai bên bờ những dòng mạch nước dạt dào. Sau khi ngọn nguồn chảy qua mảnh đất của Thumrong, dòng sông đi vào mảnh đất của Huy. Với sự đam mê kỳ lạ và ngay thẳng của hai người Huy cả quyết nghĩ rằng quãng sông đẹp nhất của đời Crys chính là quãng sông gặp gỡ mảnh đất tâm hồn của chàng. Sự gặp gỡ đồng điệu của hai hồn làm cho dòng sông chảy tuy mải miết mà vẫn ra chiều hiền hòa.

    Huy ôn thầm trong trí mấy thói quen của Crys: Khoảng từ mười đến mười một giờ khuya Crys hay gọi điện thoại tới nói chuyện với các bạn gái thân tình. Tiếng nàng cười nhiều khi lấp lánh như những mảnh vỡ của sóng sông dưới ánh trăng. Khoảng mười một giờ rưỡi nàng vào phòng trong sửa soạn buồng tắm. Sự tắm rửa của hai người vào lúc nửa đêm như vậy phảng phất một thứ nghi lễ tẩy sạch những nhơ bẩn trên thân thể để chuẩn bị sự tinh khiết đi vào một nghi lễ mới của ân ái thiêng liêng.

    Ý nghĩ chợt bị đứt quạng. Huy vừa nhìn qua cửa sổ bắt gặp chiếc xe buýt G2 từ ngả bùng binh Dupont Circle chạy qua. Huy nhớ lại hai năm trước đây, lần đầu tiên tự Sài Gòn tới Washington, chàng cũng ngụ ở boarding house này suốt ba tháng và sáng sáng cũng đợi những chuyến buýt G2 này để đi Georgetown University theo một lớp Anh văn với các sinh viên ngoại quốc khác.

    Ý nghĩ của Huy chợt bông lông như vậy rồi lại chợt trở lại Crys. Kỳ gặp mặt cuối khóa thu lần trước quả là lần cuối, đúng như Crys tiên đoán, do linh cảm của nàng chăng? Nhưng điều đó Crys không hề nhắc lại vào mấy ngày cuối, kể cả khi tiễn Huy gần tới ga hãng xe buýt Greyhound. Hôm đó nàng mặc quần thâm, áo màu Việt Nam, bộ đồ nàng đã may xong từ năm trước dự định mặc vào ngày sinh nhật Hương, mà Hương thì lại theo truyền thống đất nước không hề nghĩ đến chuyện mừng lễ sinh nhật. Khi chỉ còn phải qua đường là tới cửa lớn ga xe buýt, Huy dừng lại nhìn vẻ mặt Crys tần ngần và kịp thời nói:

    - Nhà cô bạn Nhật của em cũng gần đây, em nên đến thăm cô đó, tiễn anh đến đây là đủ!

    Crys nghe lời chàng đi ngay, cả hai cùng làm vẻ vội vã đi theo hai ngả quay lưng về nhau, Huy không hề ngoái cổ lại mà chàng chắc Crys cũng vậy. Không thể có cuộc biệt ly nào lặng lẽ hơn.

    Qua cửa lớn ga xe buýt, tới ghi-xê trình vé, Huy vừa đi vừa ôn lại hai hôm trước chàng dự buổi hòa nhạc Crys biểu diễn vĩ cầm bản Berceuse và chung khúc Finale trích trong The Firebird của Igor Stravinsky. Huy đã ngậm ngùi ngay từ buổi ấy, nghĩ rằng đây là buổi hòa nhạc cuối cùng của Crys mà chàng dự, vì vậy tuy vẫn hoàn toàn theo dõi tiếng của Crys mà đôi mắt Huy vẫn không dám nhìn nàng, chàng nhìn chệch sang người thiếu phụ đương chơi harpe nhạc đệm, cố gây ảo tưởng đôi bàn tay của bà hóa thành hai con chim hạc vẫy cánh bay về phương Nam.

    Khi đã lên ngồi trên buýt rồi, vào lúc xe bắt đầu chuyển bánh, Huy sửa cho lưng ghế ngả về phía sau và chàng nằm theo thế thật thoải mái để ôn lại một cách sáng suốt từng chi tiết nhỏ căn phòng của hai người hiện còn khóa kín bỏ lại. Dưới sàn, ngang với đầu giường, chiếc vali màu đỏ mở ngỏ bên trong có bộ đồ sấy tóc xách tay màu trắng. Vương quanh vali ngổn ngang bộ đồ tắm của nàng (một lần chàng và nàng đi hồ bơi), quần tắm và áo tắm nịt ngực cùng màu xanh nhạt. Đôi giày tennis dưới sàn hai mũi quay về hai ngả khác nhau. Hộp phấn Baby Magic, hộp phấn này chàng có thấy để vạ vật bất cứ đâu, chữ màu xanh ngọc thạch, hộp bằng chất plastic màu hồng, mỗi lần tắm xong, nàng đưa hộp phấn đó cho chàng chà xát lên khắp người. Dưới chân giường, chiếc chăn xanh đắp ngang người của nàng, nửa trên giường, nửa lê thê rủ chấm xuống sàn. Vắt trên thành giường là chiếc khăn tắm màu xanh đỏ sặc sỡ, hai bên là những sọc thẳng, chính giữa là hình những bông hoa cánh xếp thứ tự trông tựa như hoa hướng dương. Mắc kẹt vào một nếp gấp của chiếc khăn trải giường màu hồng là cuốn sách xinh xinh mới mua ở tiệm sách trong campus và cũng chỉ mới đọc lướt qua, cuốn Spring of Oriental Wisdom gồm những danh ngôn của Phật, Khổng, Lão và bách gia chư tử. Lọ thuốc ho Vick Formula 44 nàng mua mà không dùng, lọ thuốc an thần Tylenol nàng đã dùng vài viên trong những ngày cuối cùng. Trên bàn làm việc của nàng chật ních những gương lược, cặp tóc, dao sửa móng tay, nước hoa phun tóc Hair Set Mist, thuốc giữ tóc hiệu Breck Set, hộp đựng máy hình bỏ ngỏ, phim và flash ngổn ngang trên máy hình, bút tô lông mày màu đen, bút tô mi mắt màu xanh lợt, cây son màu beige (với màu tóc reddish brown, nàng chỉ có thể tô môi màu beige, một lần nàng nói với chàng như vậy.) Trên mặt tủ luôn luôn là hộp đồ nữ trang của nàng, những đôi hoa tai nhiều kiểu, những sợi dây chuyền nhiều kiểu, hạt trai, mặt ngọc; một chai nước hoa nhãn hiệu không rõ của Pháp hay của Ý: Capricco.

    Tiếng máy nổ êm ả đều đều và chiếc buýt tiếp tục nuốt đường thiên lý. Lần đó trên đường về Huy chọn hành trình qua thị trấn Cairo. Tới đây buýt nghỉ lại chừng một giờ. Thị trấn nhỏ này đặc biệt là nơi gặp gỡ của hai con sông lớn Ohio và Mississipi. Mọi gặp gỡ đều mang trong bản thân tính cách vui vui, trừ sự gặp gỡ của những dòng sông, dù là những dòng sông của xứ Hoa Kỳ đã kỹ nghệ hóa toàn diện. Khu vực giao lưu mênh mông buồn buồn, dù có chiếc tầu lớn đương ngược dòng, dù có chiếc cầu sắt bề thế bắc ngang sang bên kia tiểu bang Kentucky. Dọc theo bờ sông ven thị trấn là chiếc kè đá xây cao mang hình ảnh một bức thành cổ Đông phương. Cairo là một thắng tích riêng với Huy chính là ở điểm ấy, đặc biệt với tâm trạng chàng lúc ấy. Và cũng chính vì vậy mà chàng mua đường, chọn hành trình qua đó.

    Rồi qua một đêm ngủ chập chờn - Huy còn nhớ lắm - sớm hôm sau khi xe buýt vào địa phận Nashville, trời vừa rạng đông. Mặt trời đỏ như chu sa thấp thoáng ẩn hiện trong màn sương mù dày đặc. Xe theo đường lên đồi xuống dốc chập chùng, thì mặt trời nơi xa cũng như biến thành chiếc bong bóng đỏ bị gió thổi vật vờ và cũng chập chờn nhô lên nhà xuống theo những nét đồi cong. Mây khói giăng mắc ngang trời với những đường nét bối rối, thoang thoảng, mơ hồ, buồn thật buồn.


  8. #17
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    ĐOẠN KẾT
    Từ đấy Crys lẳng lặng viết thư đều cho Huy. Khi khóa học cuối cùng bế giảng thì thư Crys theo dõi đúng hành trình hồi hương như Huy đã báo cho nàng hay. Huy dời Nashville đến Washington, chỉ mấy ngày sau thư Crys đã đến tay chàng. Chàng dời Washington vừa tới phi cảng San Francisco thì Khê cùng An tới đón, tay Khê cầm lá thư Crys vừa tới ban sáng, trao cho Huy. Bì thư luôn luôn có dòng chữ do chính Crys viết bên dưới khoảng ghi tên và địa chỉ người gởi: Peace on Earth, kể cả những bức thư kế tiếp khi Huy đã về tới nước nhà và Crys cùng một toán sinh viên qua Âu châu vào dịp hè. Thư Crys đã như đôi mắt Thiền trầm tĩnh theo dõi bước đi của người tri âm, tri kỷ. Lời thư thường rất đơn giản nói về nắng mưa, gió, tuyết, nhưng rõ ràng vẫn nghẹn ngào hàm xúc một cái gì không nguôi ở bên kia lời nói. Duy có bức thư Crys gửi cho Huy tới San Francisco, bức thư cuối cùng của nàng trên đất Mỹ, nàng viết:

    "Giờ đây trái tim em vẫn còn làm chủ trí óc, nhưng rồi đây khi tới Việt Nam, nếu có ngày đó, chắc chắn em sẽ là người bạn trong sạch của gia đình anh."

    Trong cõi đời hỏa ngục - Huy trường tự nhủ thầm - đặc biệt với những kẻ sinh trưởng ở đất nước hỏa ngục..., tình yêu (có thể nghĩ rộng tình thương yêu), là một nhu cầu, một phản ứng (hay một phản kháng?) tất nhiên.

    Trở lại chuyện Huy, khi phi cơ vừa hạ cánh xuống phi cảng San Francisco, Khê cùng An, người bạn mới học Thuốc tại Đại học đường Berkeley, tới đón Huy đúng giờ bằng chiếc Volk Wagen của An. Họ qua cầu Oakland sang khu đại học nơi An ở, qua Telegraph Avenue, đại bản doanh của Hippies, An lái xe dọc theo đại lộ này rồi dừng lại tại một ngã tư gần đại học đường, thả bộ một lúc. Khói thuốc marijuara chỗ thì thoang thoảng, chỗ thì ngạt ngào. Hai "đấng" hippies ôm nhau giữa vỉa hè đang hôn nhau tha thiết, cùng để tóc dài, cùng bận đồ dị kỳ, và tầm vóc cũng ngang nhau nên Huy không thể nào phân biệt trong hai kẻ ai là nam, ai là nữ.

    An nói khẽ:

    - Ở đây vào mùa hè họ nằm ngả ngớn trên các bồn cỏ xanh, có thể... làm tình luôn.

    Huy cho rằng nếu đây là một phản kháng đời sống máy móc, ước lệ của Mỹ thì sự phản kháng này thực pittoresque và thực cũng đáng yêu như khẩu hiệu "Tình yêu và Hòa bình" của họ, nhưng khi Huy bước vào một gian trưng bày, thấy họ thành kính trưng bày ảnh một số phù thủy của tình yêu, đồ tể của hòa bình như Mao Trạch Đông, Staline, Hồ Chí Minh, thì tự nhiên dưới mắt chàng phong trào bỗng thành tàn phế và ngớ ngẩn một cách vừa đáng thương vừa khôi hài.

    Huy ở lại San Francisco một tuần. Đất nước còn ở bên kia bờ đại dương, nhưng suốt mấy ngày đầu nói chuyện với Khê, với An, Huy thấy như mình đã thực sự bơi giữa dòng nước mắt mặn của đất nước với đầy đủ chi tiết về chiến tranh, về cuộc hòa đàm Ba Lê, về những đống rác - cả nghĩa đen và nghĩa bóng - tại Sài Gòn. Nhưng cũng bên kia bờ đại dương, những người thân đang dang tay chờ đón chàng về.

    Lời thư dí dỏm của thằng chú em Huy nhận được cách đây không lâu:

    "Anh ơi, có một bảng yết thật lịch sự tại một khách sạn nọ: "Nếu quý khách có ý muốn lấy muỗng, nĩa bạc rất quý của bản hiệu làm kỷ niệm, xin lấy một cách kín đáo, vì bản hiệu luôn luôn chủ trương bảo vệ danh dự của quý khách." Chị lịch sự cũng không kém. Chị nói anh có ăn vụng thì trước khi về liệu mà khéo lau mép, đừng để dấu vết lộ liễu quá không tiện với... nhĩ mục quan chiêm!"

    Gia đình Huy vẫn có thói quen vui nhộn như vậy, kể cả trong những hoàn cảnh bi đát nhất mọi người vẫn tìm được ra khía cạnh trào lộng để khôi hài.

    Lời thư của vợ chàng - người đàn bà Á đông như Crys vẫn thường gọi - thì chỉ nói:

    "Gớm, thằng cu Hoành sao càng ngày giống ba nó từ dáng đi đến bàn chân, ngón tay. Thỉnh thoảng nhìn nó nằm ngủ, em nắn bàn chân, bàn tay của nó, y hệt như bàn chân bàn tay của anh."

    Huy còn giữ bức thư cuối cùng của cu Hoành, trưởng nam: "Thưa ba,

    Con vừa đến nhà thương nhi đồng thăm thằng Khôi, bạn cùng lớp với con. Nó bị đau ruột. Con vào một phòng lớn có nhiều ngăn, mỗi ngăn có một giường, có nhiều đứa bị pháo kích mặt nám đen. Con đứng ngay bên giường một đứa bị pháo kích, mặt cũng nám đen, hai tay cụt, một mắt bị mù, hai chân cùng băng bó. Con sợ quá, thăm bạn xong về ngay.

    Chú mới mua cho con chiếc đồng hồ Thụy Sĩ có con chim cứ mười lăm phút lại ra cửa chuồng cúc cu. Ba giờ thì nó cúc cu ba lần, bốn giờ thì nó cúc cu bốn lần. Em Khương thích lắm, em nói với con là con chim cúc cu xong vào ngủ liền, nó ngủ goài goài."

    Tất cả những người đó đang dang tay đợi đón chàng bên kia bờ đại dương. Họ là những bông crocuses, không, họ là những bông sen hồng, vì nở được trong hỏa ngục thì phải là sen hồng!

    °

    Vào ngày cuối cùng Khê và An đưa Huy đi thăm nốt thắng tích cuối cùng của San Francisco: cầu Golden

    Gate. Chiếc xe Volk Wagen chạy vun vút trên một xa lộ trườn mình về phía ngoại ô San Francisco. HUY: Chúng ta tới đầu cầu Golden Gate phải không các anh?

    AN: Nó đây.

    KHÊ: Cậu hãy lái vào công viên Golden Gate để anh bạn chúng ta có cái nhìn tổng quát về chiếc cầu nổi tiến của thế giới này.

    Chiếc xe lái vào công viên, kiếm chỗ đậu. Máy ngừng nổ. Ba người bạn cùng ra. Gió biển thổi lộng.

    HUY: Kể ra cầu Golden Gate cũng chẳng dài cho lắm, nổi tiếng về cái gì?

    AN: Cầu không dài, nhưng đây là một nhịp cầu treo dài nhất có thể thực hiện được trong lịch sử xây cầu trên thế giới.

    KHÊ: Nhìn Golden Gate anh nghĩ đến gì?

    HUY: Tôi nghĩ đến những nhịp cầu giao cảm.

    AN: (cười lớn cùng Khê): Anh lại đi vào thế giới tượng trưng của anh rồi.

    HUY: Xin lỗi các anh, nhưng thật tình đó là điều tôi bị ám ảnh đã từ lâu. Nào chúng mình lên xe để qua cầu chứ các anh.

    Ba người lên xe. Máu nổ. Xe ra khỏi công viên lên cầu vun vút.

    HUY: Giờ thì tôi thấy chiếc cầu như một chiếc thụ cầm vĩ đại. Chúng ta đang đi giữa hai hàng giây của nó.

    AN: Tôi mừng thấy anh đã ra khỏi thế giới tượng trưng của anh. Tôi thích hình ảnh chiếc thụ cầm anh vừa khám phá ra. Con người văn nghệ có khác.

    HUY (với nụ cười buồn thoáng hiện trên môi): Con người văn nghệ thì khác khỉ gì!... Tối hôm qua lên phòng thí nghiệm của anh, nhìn cách anh cho con chuột vào lồng kính, nhìn cách anh làm hô hấp nhân tạo con chuột bị xỉu vì ether, nhìn cách anh tiêm chất thuốc thí nghiệm vào mạch máu ở đuôi chuột, nghĩ đến cách anh sẽ tính số lượng chất phóng xạ qua bộ phận hô hấp của con chuột... tôi còn phục con người khoa học của anh gấp bội lần anh phục con người văn nghệ ở tôi.

    KHÊ: Thế thì bắc cầu giao cảm đi, cả con người khoa học và con người văn nghệ đều cần thiết cho xây dựng cuộc đời.

    HUY: Nếu cuộc đời là nhân loại nói chung thì xin nhường công ấy cho con người khoa học. Văn nghệ chỉ là cái phản quang của đời sống cục bộ. Mình là người Việt, văn nghệ của mình phản ảnh nỗi đau khổ của cuộc chiến tranh tàn phá quê hương, tất nhiên là vậy dầu muốn dầu không, dù là những dòng đó ghi ở San Francisco đây.

    AN: Cám ơn anh rộng lượng quá khen, nhưng tôi không tin rằng văn nghệ chỉ đơn thuần là cái phản quang của đời sống cục bộ. Tôi không biết diễn đạt ra sao, tôi cầu cứu anh, nhà văn nghệ, anh có thông cảm ý tôi không? Tôi nhất định tin rằng văn nghệ không chỉ đơn thuần là cái phản quang của một đời sống cục bộ.

    HUY (mỉm cười trước vẻ hối hả của An): Tôi hiểu ý anh, vì ý anh cũng là ý tôi. Lẽ ra tôi phải nói văn nghệ thoạt phản ảnh đời sống cục bộ như dòng sông phản ảnh đôi bờ, và dòng sông luân lưu, và đôi bờ luân lưu cảnh trí và dòng sông chợt thấy gieo mình vào lòng biển cả.

    AN (đập mạnh bàn tay phải lên vô lăng): Anh nói đúng ý tôi!

    KHÊ: Thôi van ông, ông ơi, lái xe trên xa lộ Mỹ mà ông hào hứng bất tử như vậy toi mạng sớm ạ.

    AN (cười huề): Yên chí lớn mà, đi vào câu chuyện văn nghệ thì còn làm gì có ranh giới giữa sống với chết nữa, (với Huy) phải không đại huynh?

    HUY: Chính vì bọn chúng tôi có khuynh hướng nhìn văn nghệ thoạt hãy là phản quang thực tại đã, mà luôn luôn bọn tôi nghĩ dân tộc mình trong cuộc chiến tranh oan trái này, chúng ta phải là bậc thầy của nhân loại đau khổ! Kể từ ngày đất nước chia đôi và những người di cư vào Nam, "Mười lăm năm ấy bây giờ là bao", cụ Nguyễn Du nhà thơ muôn đời của dân tộc và của nhân loại đau khổ tựa như với một linh cảm thần sầu đã đau khổ trước cái đau khổ của chúng ta hiện giờ!

    Chiếc xe vun vút đi vào một thị trấn xinh xinh với những hàng nhà kiến trúc nửa cổ kính tân kỳ cheo leo trên sườn núi. Còn dọc theo phố chính thì những biển hàng phần nhiều mang tên Pháp hay Ý.

    KHÊ: Đây là thị trấn Sausalito, nơi có những tiệm ăn Pháp trứ danh của Mỹ.

    Xe đã lại dời khỏi thị trấn Sausalito, từ từ quành vào một xa lộ khác sát sườn núi để trở về cầu Golden Gate. Gió chiều thổi lộng hơn và lạnh hơn, nhưng An còn cho dừng xe vào một khoảng sườn núi khá cheo leo nhìn xuống chiếc vịnh nhỏ San Francisco, giữa vịnh cả kiến trúc ngục thất Alcatraz xây trên hòn đảo nhỏ trông chỉ bé gọn như một kiến trúc mẫu đặt trên sa bàn, nhưng khi có mây khói xà xuống thì lại đượm màu huyền ảo của một hải đảo thần tiên.

    AN: Vượt ngục Alcatraz thì cái anh bơi mèng nhất cũng thừa sức tới hòn đảo nhân tạo kia, ở sát chân cầu Golden Gate, vậy mà lịch sử Alcatraz chưa có một vụ vượt ngục nào, không hiểu có phải kỹ thuật canh phòng Mỹ tuyệt hảo?

    KHÊ: Có lẽ tại tù nhân Mỹ mèng. Dưới thời Pháp thuộc xưa các cụ nhà ta bí mật đóng bè vượt ngục Côn Đảo lênh đênh hàng tuần trên biển, nếu không bị bắt, không chết đói chết khát mà cập đất liên thì có khi đó đã là bờ biển Quy Nhơn hay Quảng Ngãi rồi.

    Xe vào cầu Golden Gate trở về San Francisco. Níu vội lấy tia nắng vàng cuối cùng còn thoi thóp, Huy chụp được cái gì.

    HUY: Ô mới ngày nào mùa xuân với "cỏ non xanh rợn chân trời" (Huy nhớ lại bức thư của Hương tả mùa xuân ở Virginia) mà nay màu thu vàng đã ngờm ngợp con mắt rồi (Huy cũng nhớ lại bức thư của Hương tả màu thu rực rỡ nhìn tự đỉnh cao Skyline Drive cũng ở Virginia.) ô kìa miền Nam, California, cũng có cây maple này!

    AN: Có chứ, sao không.

    HUY: Nhưng thu nơi đây lá maple vàng, trên miền Bắc sương thu lạnh hơn, là maple màu đỏ tươi góp phần rực rỡ với nhiều màu đỏ khác của nhiều loại khác. Ô kia, lại còn những cây oak nữa. KHÊ: Thì ở dưới miền Nam này cũng có cây sồi chứ sao.

    HUY (cười nụ cười thơ dại cùng với tia nắng cuối cùng vừa tắt): Loại cây maple cực kỳ ẻo lả, chỉ mới chớm thu lá đã heo héo, ua úa để chuyển sang màu vàng và rụng lã chã dần. Những năm còn ở trên miền Bắc, mỗi lần thu về tôi cứ gọi đùa maple là nàng "yểu điệu thục nữ" và mỗi lần maple đứng bên anh chàng oak trông thật tốt đôi. Oak cũng nòi đa cảm, nghĩa là lá cũng sớm chớm vàng với thu tiết nhưng

    oak cao, thiệt cao, nên khi chàng đứng bên nàng maple thì ra cái điều nắng mưa che chở với tinh thần đạo đức của thơ "Quan Thư":

    "Quan quan thư cưu

    Tại hà chi châu Yểu điệu thục nữ Quân tử hảo cầu."

    Cả ba người cười ồ. Xe đã dời khỏi cầu Golden Gate. Gió vịnh ùa theo lồng lộng và âm u. Biển đèn mênh

    mông của San Francisco cũng gờn gợn vẻ thu lạnh.

    HUY: Còn một loại nữa tôi cũng thú lắm các anh ơi, đó là cây bạch dương. Cây cao và thon, cành mềm như liễu mà lại vút gọn, vào thu lá vàng ươm, màu vàng càng rỡ ràng, lồng lộng quý giá với tiết thu muộn. Nhìn bạch dương vàng ươm rùng mình lươn lướt trong gió lạnh như hệt hình ảnh những nàng cung phi tuy tuổi đã về thu nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp trang trọng, cao quý, não nùng và đức hạnh.

    AN: Nếu anh có vẻ thích thu đến như vậy, tôi xin đưa anh vào một cảnh thu đặc biệt nữa.

    HUY: Ngay nơi đây?

    AN: Ngay nơi đây! Nghĩa là con đường lên phòng thí nghiệm của tôi.

    HUY: Tôi đã cùng anh lên đó mấy ngày trước đây. AN: Nhưng đó là ban ngày.

    Xe đã vào Skyway, khu nhà chọc trời của San Francisco ngang với tầm nhìn của ba người, rồi xe lên cầu Oakland để sang bên Berkeley. Ánh đèn vàng lộng được dùng soi sáng hai bên thành cầu để vẫn soi tỏ đường đi trong sương mù mà không làm lóa mắt.

    KHÊ (gật đầu nói với An): Cậu có lý, đưa anh bạn của chúng ta lên đồi sương mù nhìn cảnh thu sớm, tuyệt!

    Xe đã ra khỏi cầu hướng về chiếc tháp cao của trường Đại học Berkeley. Xe lượn vòng một khu nhà hình tròn.

    AN: Đây là khu thí nghiệm nguyên tử xây cất đầu tiên của thế giới.

    Xe tiếp tục ngược dốc.

    HUY: Còn khu thí nghiệm nguyên tử của anh trên đồi là khu mới xây cất? KHÊ (đỡ lời): Và cũng là khu thí nghiệm nguyên tử lớn nhất thế giới hiện nay.

    Càng lên cao xe càng đi vào vùng sương mù mông lung. An vừa lái vừa xuống kính xe.

    AN: Tôi phải xuống kính xe một chút để các anh cảm thấy hơi thu lạnh từ ngoài ùa vào.

    Nhưng vừa dứt lời, An vội hãm xe lại. Dưới tia đèn pha chiếu chách một chú nai tơ đủng đỉnh qua đường, đến một hốc đá nép vào đấy và quay lại nhìn đèn pha, mắt như hai viên ngọc quý lấp lánh.

    HUY: Trời ơi, nét thu trên núi đẹp hoàn mỹ đến như kia là cùng! Cám ơn anh nhé. Tôi hiểu, quả là một cảnh thu đặc biệt.

    Xe lại vút lên. An hãm thắng một lần nữa, chiếu thẳng hướng đèn pha vào một chú nai tơi khác vẻ ngơ ngác hơn nhưng vẫn điềm tĩnh nép vào một gốc cây, vừa lúc mấy chiếc lá vàng rụng xuống chao chát và thấp thoáng trong sương mù.

    Khê thốt nhiên hát lớn giọng trầm buồn mấy lời ca thu thật hợp tình, hợp cảnh:

    "Dừng nơi đây, dừng nơi đây

    Đường dài chí lớn ta dừng nơi đây.

    Trông mây bay, trông mây bay về nơi quê nhà

    Ta buồn chỉ có mình ta."

    HUY: Nai người ta thả tự do vào công viên này sao, anh?

    AN: Đây đâu phải khu công viên. Đây là núi, đồi và rừng thiên nhiên thật sự vào lúc chớm thu đó thôi.

    KHÊ: Sở dĩ nai dạn người như vậy vì khu này người ta cấm săn bắn đó anh!

    An lái xe vào một khu được phép đậu.

    AN: Mời các anh ra ngắm cảnh thu!

    Ba người lần lượt cùng ra khỏi xe, đi vào màn sương trắng. Huy nhìn xuống dưới, một mâm ngọc mênh mông nhiều màu trải rộng dưới chân Huy. An và Khê lần lượt chỉ cho Huy đâu là khu Oakland, đâu là khu Berkeley, đâu là tháp trường Đại học Berkeley và đại lộ University Avenue rực sáng thành một đường kẻ thẳng trực chỉ về phía cầu. An và Khê nói nhiều và đủ các thứ chuyện. Huy cũng biết tùy cơ phản ứng góp chuyện, nhưng nội dung ra sao Huy thực cũng không nặng lòng chú ý, vì tâm trí Huy còn mải suy nghĩ nhiều về bài học mùa thu. Bài học mùa thu đầu tiên Huy học được ở Hoa phủ năm nào khi lần đầu tiên đặt chân tới đất nước này. Huy không bao giờ tưởng tượng nổi mùa thu nơi này lại huy hoàng đến thế, đúng như lời Hương đã tả trong thư. Màu lá vàng ươm, vàng lộng giao hòa với màu đỏ rực. Một anh bạn trẻ ở tòa đại sứ đã chỉ cho Huy biết màu đỏ tươi thắm nhất, duyên dáng nhất của lá maple vào dịp này. Người ta nói "mùa thu là mùa xuân thứ hai ở đó mỗi chiếc lá là một bông hoa." Thảo nào mùa thu rực rỡ như vậy. Càng rực rỡ đẹp vì tất cả đều sắp héo rụng. Chúng làm dáng một lần cuối cùng, trang điểm một lần cuối cùng cho tạo vật trước mùa tuyết phủ mênh mông. Bài học mùa thu thứ hai có lẽ phải kể đến những bức thư của Crys. Chính nhờ Crys, mà Huy biết cụ thể hóa niềm tin đã trở thành bất biến của chàng vào cảnh bốn mùa luân lưu. Quả thực thu qua thì đông tới, và Huy nhìn thấy trước mùa xuân nẩy mầm đúng như Crys vẫn tiên đoán, khởi sự từ những bông crocuses bé bỏng lẩn nép dưới khoảng tuyết; chúng nhô lên vừa đủ để đón nhận ánh sáng mặt trời và hé nụ cười kín đáo. Phải, Huy yêu mùa thu chính vì vậy, vạn vật luân lưu như một dòng sông, dòng sông mênh mông mà có bờ lũy, dòng sông xuôi ra bể mà vẫn trở về nguồn như câu thơ bất hủ của Tản Đà "nước đi ra bể lại mưa về nguồn!"

    Đã lâu lắm kể từ ngày dời miền Bắc sau hiệp định Genève, di cư vào miền Nam ấm áp mưa nắng hai mùa, Huy không được gặp tiết thu. Cho tới ngày đầu đặt chân tới Washington, Huy thấy hồn ngợp trong màu thu huy hoàng ngoài sức tưởng tượng như vậy. Và hôm nay trước khi dời tân lục địa này, Huy đã vô tình bắt gặp một chớm thu khác. California, miền Nam, mùa thu không rực rỡ bằng miền Bắc, những tình cảm tràn đầy về thu của Huy không vì thế mà vơi đi chút nào. Chàng thấy ghê ghê nơi hồn, thon thót nơi bụng, tình yêu của bất kỳ đôi trai gái nào nơi trần thế cũng là một cứu rỗi tuyệt vời và bất tuyệt trong lòng thu thê thiết. Huy nhắm mắt lại cho tình thu thêm ngờm ngợp, gió ùa tới... ùa tới... ghê ghê lạnh, từng đợt từng đợt, liên tiếp liên tiếp, đẩy hồn chàng vào vũ trụ với lời nhắn nhủ thiết tha và bất lực (càng bất lực nên càng thiết tha), nhắn nhủ chàng hãy níu lấy thời gian này, bám lấy không gian này, nơi trú ngụ hạnh phúc rực rỡ và mong manh; hãy níu bắt lấy hạnh phúc dù là bóng; hãy níu giữ lấy mong manh, dù tuyệt vọng. Sự níu giữ trong tuyệt vọng tự nó đã là cái đẹp rỡ ràng nổ tung vào vô tận để trở thành bất diệt rồi.

    °

    Phi cơ cất cánh hồi 10 giờ 30 tối. Huy nhìn lại tấm thảm ngọc lấp lánh mênh mông bên dưới là San Francisco, đẹp một vẻ đẹp thần thoại mà có cảm giác như đương dự một chuyến du hành liên hành tinh đi sâu vào vũ trụ, ngước nhìn sông Ngân Hà. Phi cơ đã tới cao độ khiến San Francisco bên dưới bỗng biến thành một cánh đồng bừng nở mơ hồ muôn vàn bông hoa crocuses, còn về tấm thảm tuyết thường lệ của mùa đông thì Huy nghĩ rằng nó đã bị nung chảy cho lẫn vào màu hư không thăm thẳm.

    Lên cao nữa phi cơ chui vào một vùng mây khói sầu giăng man mác, nhưng sao lòng Huy vẫn vời vợi chiến thắng? Có thể sầu mây lên cao thành niềm vui chiến thắng!

    Bao giờ chúng ta cũng là những kẻ chiến thắng - Huy tự nhủ thầm vậy - nếu chúng ta biết nhìn trước thấy dòng luân lưu của sự vật.


    Hết

Trang 2 / 2 ĐầuĐầu 12

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-16-2020, 11:10 PM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-23-2019, 11:47 AM
  3. Lào Cai: Lũ cuốn bay 1 cầu sắt, sập hàng chục ngôi nhà
    By duyanh in forum Văn Hóa-Xã Hội-Kinh Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-23-2018, 12:36 PM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-21-2018, 02:04 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-06-2017, 12:20 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •