Tự Do - Vui Vẻ - Tôn Trọng - Bình Đẳng

Upload Hình Ảnh Chữ Trang Trí My Album My Music Tạo Index


Tự Do Tôn Giáo
Thời Sự Chính Trị
Góc Bếp Ngũ Vị
Nhạc Việt Nam
Show Ca Nhạc - Hài

>>Suy Ngẫm: “ * Hạnh phúc nào cũng phải đánh đổi bằng ít nhiều đau khổ.
Margaret Oliphant
Trang 1 / 2 12 Cuối Cuối
Results 1 to 10 of 17

Chủ Đề: Sầu Mây

  1. #1
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    Sầu Mây

    Sầu Mây


    Tác giả :Doãn Quốc Sỹ




    Trời mưa bụi thì phải. Huy đi trong một vùng hơi nước bao phủ mờ mờ. Quyền, người bạn đồng niên của chàng, tay dắt đứa con nhỏ đã đứng chờ chàng ở góc đường kia. Quyền nói ngay khi Huy vừa tới: "Để tôi đưa cháu về rồi chúng ta tới một tiệm nào vừa nhậu nhẹt vừa tán chuyện gẫu cho đỡ buồn!" Huy bèn nói: "Vậy để tôi lái xe lại đây đưa anh và cháu về rồi chúng ta cùng đi sau." Đoạn Huy đi ngay về chỗ để xe, đi quanh quẩn sang một đường hẻm lầy lội khác, mưa bụi nhường như mau hạt hơn. Một cô gái nhỏ khuôn mặt trắng muốt, cô mặc áo màu xanh dài lướt thướt, đi vội qua đường, ngoái cổ lại cười trong mưa bụi. Đó là điểm tươi sáng duy nhất của khung cảnh mưa bay buồn thảm hoang vắng lúc đó. Sau lùm cây kia hẳn là bờ sông hoang dã, cỏ dại và cát trắng. Người con gái đã mất dạng sau lùm cây xác xơ, không nói một tiếng: Huy khao khát được nghe tiếng nàng, chàng đoán thầm nếu nàng cất tiếng, lời nàng sẽ biến thành dòng nước tinh khiết mát rợi chảy qua người chàng. Huy thèm một cái gì bình dị như nụ cười hồn nhiên của bất cứ một ai. Nụ cười có thể thâm thúy, có thể hời hợt, chính sự bất thường đó làm cuộc đời phong phú như con thuyền nhỏ chìm nổi theo sóng gió đại dương. Huy thấy mình đã đi vào căn nhà mái cao, bốn bề không có tường, tựa như đây là khu chợ nhưng không có kẻ mua người bán tấp nập mà chỉ có một người đương làm thịt mèo. Những con mèo đã cạo sạch lông treo thành một dãy trắng hếu, mấy con còn lại nhốt trong chiếc lồng tre. Một ông già khuôn mặt bình tĩnh đứng gần đấy, tay ôm một con khác, đợi trao con vật khốn nạn đó cho "người đồ tể mèo" đương cạo lông một con ở gần thùng nước sôi. Người ta làm thịt mèo để chuẩn bị tiệc cưới cho cô gái áo xanh, ôi, tội nghiệp cho những con mèo."

    Huy giật mình thức giấc. Chiếc xe buýt đã tới một trạm nghỉ của một đô thị khá lớn nào đó trên con đường từ Nashville (Tennessee) tới Chicago, một đô thị Mỹ lớn chỉ kém có New York, Huy đã vừa chợp ngủ để đi vào một giấc mơ sầu thảm của mưa bụi, của đường hẻm lầy và của bữa tiệc cưới sửa soạn bằng thịt mèo. Người bạn tên Quyền chàng gặp trong giấc mơ chắc chắn là vẫn tiếp tục vừa dạy học vừa thầu rau tươi cho quân đội Mỹ ở Sài Gòn, hai công việc nghe như trái ngược một cách tức cười. Chẳng hiểu vì một liên tưởng gì mà Huy lại bắt Quyền trong giấc mơ dắt đứa con nhỏ. Thực ra Quyền đã có vợ con gì đâu.

    Hành khách trên xe buýt đã lục tục xuống để giải lao. Huy vươn vai để xua đuổi cho sạch giấc mộng sầu vừa qua, rồi cũng khom người đứng lên, đi xuống. Chàng đi vào ánh đèn chói chang của căn phòng khá rộng, một góc rộn ràng tiếng sạch sạch của mây người chờ xe đương giết thì giờ bằng trò chơi bóng bàn, một góc là cafeteria ngào ngạt mùi thơm của đồ ăn thức uống cùng với tiếng lách cách khá vui tai của muỗng nĩa chạm nhau. Đồng hồ chỉ bốn giờ sáng. Bản nhạc Exodus nổi lên vừa đủ nghe. Khúc nhạc vốn mênh mông hùng tráng là vậy nay trở thành dí dỏm, bông lơn, chỉ vì được chơi theo nhịp bolero, phần trầm giữ nhịp như tâm trạng tự tiềm thức đổ bóng nhuộm màu lên ngoại cảnh. Đi vào phòng vệ sinh, Huy dừng lại một giây trước khoảng hẹp có kê hai chiếc ghế bành cao và hai người da đen đương ngồi buồn thiu đợi khách đánh giầy. Ý nghĩ của Huy chợt ôn lại về Quyền.

    Quyền với Huy cùng ở ngành giáo dục. Ba năm trước đây, ngày Quyền du học ở Mỹ về đúng lúc khởi xướng phong trào kỳ thị Bắc Nam. Thực ra phong trào này - nếu có thể gọi là phong trào - chỉ xẩy ra ở cấp "trí thức" lãnh đạo, tranh nhau quyền lợi, ngôi thứ. Nhìn sâu hơn thì đó còn là cuộc đấu tranh mâu thuẫn giữa "trí thức thân Mỹ" với "trí thức thân Pháp" mà một tờ báo trào phúng Saigon đã nặng lời nói đùa là giữa cớm văn hóa đế quốc và cớm văn hóa thực dân. Quyền không được dùng vào đúng sở học, người ta thẩy chàng về trường sở cũ phụ trách môn Anh-văn. Quyền bèn giúp thêm mẹ thầu rau tươi Đà Lạt cho quân đội Mỹ. Người quân nhân Mỹ thoạt giao thiệp chỉ thấy mình gặp một người Việt nói tiếng

    Anh thạo, lịch thiệp, cách giao hàng đứng đắn, sau hỏi ra mới vỡ lẽ Quyền đã theo học đến hết cử nhân rồi bị động viên. Thế là đôi bên coi nhau như tình đồng môn.

    Anh bạn quân nhân Mỹ hỏi:

    - Sao văn bằng anh cao thế mà không được dùng vào đúng ngành chuyên môn về giao dục của anh?

    Quyền đáp nửa nạc nửa mỡ:

    - Ở nước anh thì văn bằng chuyên môn cao cấp là quý vì nước anh chỉ mới có ba, bốn trăm năm văn hiến, nước tôi tuổi tác văn hiến già gấp mười, văn bằng đó chỉ đủ giúp cho tôi sáng suốt hơn trong nghề... lái rau.

    Cả đôi bên cùng cười vui.

    Tiếng nói phát từ máy phát thanh mời mọi người đi Chicago lên xe buýt. Chặng này thay tài xế. Người tài xế mới trẻ hơn người cũ rất nhiều, nhưng điệu cần cù, thận trọng với trách nhiệm thì cũng như người tài xế già cũ.

    Hồi còn ở nước nhà Huy đã suy nghĩ nhiều về thái độ sáng suốt và bao dung của Quyền khi đối phó với mọi hoàn cảnh. Huy được may mắn hơn Quyền, chàng dạy ở một trường mà ban giám đốc phần lớn là những người bạn trẻ cũ còn giữ nguyên tinh thần phóng khoáng. Họ tìm ra những học bổng và đề cử người đi để kiện toàn ngành giáo dục mà họ phụ trách. Nhưng đó chỉ là một điểm sáng nhỏ bên vài điểm sáng hiu hắt khác giữa đêm địa ngục của đất nước.

    Huy lại thiếp đi lúc nào không biết.

    Chàng mơ thấy mình đương dắt tay người yêu đi vào những hẻm ngoắt ngoéo cố ý tìm một nơi thật tĩnh để thủ thỉ chuyện trò. Tới khoảng tĩnh nhất chàng cùng người yêu dừng lại thì cũng vừa nhận thấy bóng một chiếc vồ cán dài đổ xuống. Chàng biết ngay có người rình trên sàn và nếu chàng và người yêu không lanh chân có thể bị chiếc vồ từ cao đập xuống. Chàng ôm người yêu chạy ngược trở lại những đường hẻm đã đi, ra tới đường cái lớn. Đường cái lớn dù đông người nhưng cũng còn chỗ vắng, người yêu như mềm nhũn và nồng nàn trong tay chàng, chờ đợi... Chàng vừa dừng lại ở một góc khuất chưa kịp vuốt ve người yêu thì một bóng đen đổ xuống, một ông già hình dung cổ quái tay vác vồ đã đứng sừng sững trước mặt. Huy tập trung hết căm phẫn vào nắm thay, thoi mạnh vào giữa mặt lão. Huy cố ý đánh lão cho ngất đi càng lâu càng hay để chàng được yên thân với người yêu.

    Và chàng bừng tỉnh dậy, không ngạc nhiên. Đã từ lâu những ác mộng lớn nhỏ tương tự vẫn len ùa vào giấc ngủ của chàng như vậy (thực ra chẳng riêng gì của chàng mà của rất nhiều... rất nhiều người.) Huy cho đó là những biến thái của niềm tủi nhục đất nước.

    Tiếng máy vẫn nổ đều đều, con đường thiên lý hun hút dưới ánh sáng tinh khiết ban mai. Xe buýt bỗng từ từ dừng lại ở một trạm nhỏ. Gần đó một gia đình Mỹ gồm hai vợ chồng và hai đứa con gái choai choai đương khuân các thức ra chiếc xe nhà bỏ mui hiệu Chevrolet. Chắc là họ đương chuẩn bị đi picnic, sáng thứ bảy mà.

    Xe tiếp tục chạy vòng vèo theo đường cánh cung ngược lên đường trên, bắt đầu đi vào vùng phụ cận của Chicago. Huy tưởng như đã nghe thấy hơi thở vọng lại của thành phố vĩ đại này mặc dầu quanh chàng vẫn chỉ thấy cánh đồng mênh mông tràn ngập ánh nắng vàng lộng ban mai. Nhưng chẳng bao lâu hai bên đường đã lác đác có những khu đông dân cư, rồi xe buýt lên một con đường cao, rộng, đi vào một cây cầu cao, rộng hơn nữa; ngang với tầm mắt Huy, mãi tít phía xa, là những cột ống khói khổng lồ. Đó là những nhà máy ở ngay ngoại vi châu thành Chicago.

    Huy mỉm cười nghĩ đến Hương mà chàng sắp được gặp. Hương là bạn đồng học với cô em gái chàng từ những năm trung học và nàng trở thành bạn thân của cả gia đình chàng từ thuở đó. Huy coi Hương như chính em gái mình. Huy vẫn có ý muốn đứng làm trung gian để Quyền và Hương gặp nhau rồi do đó xe mối cho đôi bên, nhưng ngày sắp thực hiện chương trình ngầm đó thì Hương đi Mỹ lần thứ nhất. Khi Hương về, Quyền cũng vừa lên đường đi Mỹ. Quyền ở Mỹ về, thì tuần trước tuần sau Hương đã lại lên đường đi Mỹ lần thứ hai, rồi đến lượt chính Huy cũng đi Mỹ và nhân dịp nghỉ vào cuối khóa hạ này Huy thu xếp thì giờ đến thăm Hương đương theo học nốt cấp bằng tiến sĩ Luật ở Đại học đường Chicago.

    Quyền và Hương không gặp được nhau là phải - Huy tự nhủ thầm như vậy khi xe buýt đã thực thụ vào địa giới Chicago với hai, ba tầng giao thông đan lát, giao nhau theo những hình vòng cung lớn cùng đủ loại xe cộ vun vút, ồn ào. Quyền và Hương đều là những tâm hồn đặc biệt, ngộ nghĩnh, rất đáng yêu. Ôi, những tâm hồn ấy mà được êm ả gặp nhau, êm ả kết đôi với nhau thì hỏi còn là đời sao được, nhất đây lại là đời sống Việt Nam, nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Không hiểu Huy đã chấp nhận thứ lý luận bi đát đó tự bao giờ, chính chàng cũng không rõ, chỉ biết thái độ chàng đặc biệt chắt chiu quý mến những tâm hồn ngộ nghĩnh, đáng yêu như Quyền, Hương chính là một phản ứng tự nhiên của con người đi giữa sa mạc luôn luôn tìm về những bóng cây.

  2. #2
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Hương đeo chiếc tạp-dề vào và bật lửa lò gaz, nàng nói:

    - Để em chuẩn bị làm món tạm gọi là chả nướng...

    Huy cười và tiếp lời:

    - Để sẽ ăn với món tạm gọi là bún.

    - Đúng đấy anh. Vị chi là hôm nay anh sẽ ăn món tạm gọi là bún chả. Được cái nước mắm là nước mắm thật chứ không phải tạm gọi là nước mắm, thế là xôm trò rồi đấy anh ạ.

    - Tôi biết, nước mắm thì ở phố Tàu Chicago này thiếu gì.

    Hương bỗng đổi hướng câu chuyện, tính Hương vẫn thế, Huy biết:

    - Tại sao em ưa danh từ Bách Việt lạ. Nhiều khi tự nhiên em thấy khoái, hãnh diện nữa, là mình thuộc dòng giống Bách Việt. Chẳng hiểu vì sao lại hãnh diện; chẳng lẽ hãnh diện vì bị nòi Hán xua ra khỏi lưu vực sông Dương Tử để rồi lang bạt kỳ hồ xuống khắp vùng Đông Nam Á?

    - Chứ sao, cô nói đúng đấy, có từng trải nhiều khổ đau thì mới kiêu hãnh được chứ.

    - Suốt thời gian còn học Luật ở đại học New York, em luôn luôn nuôi mộng thành lập liên bang Đông Nam Á lấy tên là liên bang Bách Việt. Có thế việc chặn sức bành trướng xuống miền Nam của người Trung Hoa mới hữu hiệu và nhất là đỡ gánh nặng cho bà con Việt Nam nhà mình.

    Huy gật gù tán thưởng ý kiến.

    - Ngày đó - Hương tiếp - vẫn cái hồi em còn ở đại học New York, có anh chàng Mỹ cùng học cứ lăm le xin hẹn họ cuối tuần với em, một lần em trả lời hắn trong điện thoại là: "Xin lỗi anh, tôi hiện không muốn dating với ai cả, vì tôi còn đương hoạch định một chương trình lớn." Giọng hắn ở bên kia đầu dây có vẻ hốt hoảng: "Chương trình của cô lớn đến thế sao?" Em nói: "Lớn lắm!

    Tôi dự định một chương trình đảo chính tại Việt Nam." Giọng hắn càng hốt hoảng: "Thật vậy sao?" Em bèn lấy giọng rất trang nghiêm giải thích: "Này nhé chỉ còn một semester nữa là tôi xong cái Master, tôi về nước lấy một anh tướng hay tá nào đó rồi xui hắn làm đảo chính."

    Tiếng Hương cười phá cùng với mùi thơm đầu tiên của thịt nướng tự trong lò tỏa ra.

    - Thế mà hắn tin đấy anh ạ. Câu chuyện lan ra các bạn trai và gái Mỹ khác cùng lớp, ai nấy đinh ninh chuyến đó về lấy chồng xong là em xui chồng làm đảo chính. Về nước, mấy năm qua, chính em cũng quên khuấy câu chuyện tếu đó, kịp năm nay trở lại Mỹ quốc gặp lại mấy cô cậu bạn cũ họ đều ân cần hỏi vì sao dự định đảo chánh của em không thực hiện được?

    Huy lắc đầu cười nhìn ánh mắt tinh quái của Hương:

    - Cô trả lời họ ra sao?

    - Em làm vẻ ngao ngán trả lời họ: "Mình về không may mấy thằng cha tướng tá chúng lấy vợ cả, thành phải bỏ mộng đảo chánh cứu nước Việt Nam ra khỏi vũng bùn thối nát, chán quá chẳng biết làm gì đành sang đây học nốt cái Ph.D."

    - Họ tin cô?

    - Dĩ nhiên, anh. Họ xuýt xoa hoài, bởi vì theo dõi báo chí bên này, họ cũng ngấy đến mang tai những tin tức tham nhũng của các ông lớn, ông nhỏ bên xứ Đại Cồ Việt nhà. Ở đây họ sống thanh bình, sống trong sung túc nên tha hồ cho mình đùa kiểu "cấu không cười" đó, họ tin ngay, lắm lúc nghĩ cũng thấy thèm.

    Lần này không thấy Hương cười điểm xuyết cho câu nói. Huy kín đáo nhận thấy khuôn mặt Hương thoáng một vẻ nghiêm buồn. Nhưng Huy biết tình trạng không thể kéo dài với người con gái thông minh và bướng bỉnh như Hương. Quả nhiên Hương đã thay hướng câu chuyện:

    - Tháng trước em thay mặt sinh viên Việt kiều ở đây tiếp đón và hướng dẫn một quý phu nhân cùng hai quý công tử của một quý ông tổng trưởng tại nước nhà... Mụ sang đây với tư cách tư nhân thôi. Nghĩ tình đồng bào ở nơi đất khác quê người chúng em tiếp đón nồng hậu thì hình như mụ lại muốn hiểu là chúng em tiếp đón mụ vì mụ là vợ tổng trưởng. Đến như hai thằng nhóc, một đứa cỡ mười hai tuổi, một đứa mười tuổi, trời ơi, nhưng nhưng nháo nháo, hư không thể tả được.

    - Cô chắc bực mình lắm!

    - Ở một khía cạnh nào em cũng hơi bực mình, nhưng ở một khía cạnh khác em lại ra chiều thưởng thức một cách thích thú.

    Huy tròn mắt nhìn Hương. Nàng tiếp:

    - Trước ngày em qua đây lần thứ hai để tiếp tục học, em chứng kiến cảnh một chiếc xe Jeep của một tên sĩ quan mật vụ hay phản gián nào đó quẹo trái, lao thẳng vào chiếc xe mobylette của một nữ sinh, cô này bị tử thương tức khắc, vậy mà thằng cha không tỏ một chút xúc động, tất cả thái độ nhưng nháo của nó khi nhảy xuống xe, khi nhìn xuống nạn nhân đều như muốn nói lớn một cách hợm hĩnh với những người xung quanh là việc này với nó chẳng có nghĩa lý gì hết, mạng sống người con gái vỡ óc nằm kia chẳng có nghĩa lý gì hết, nó có thừa uy quyền thu xếp việc này lẹ ơ. Cái thái độ coi thường mạng sống con người của nó làm em kinh tởm hết sức, nếu trên đời này phải khinh ai, phải giận ai thì em chỉ khinh, giận những hạng người bất nhân táng tận lương tâm như nó mà thôi. Còn cái hợm hĩnh của mụ tổng trưởng, cái hư hỗn của mấy thằng nhóc con mụ, em ngắm và thưởng thức một cách điềm tĩnh lắm và thích thú nữa. Có lẽ vì em biết những cái đó phù du và vô hại, bức tranh vân cẩu chính giới xứ mình vốn chỉ chớp mắt đã thành không rồi, mụ về nước nghe đâu chỉ tuần trước tuần sau chồng mụ đã bị huyền chức để nhường sân khấu cho một lớp lang khác. Nhưng cũng có lẽ vì em hay nhìn người như nhìn vào gương để thấy mình, và em thấy những thói hư tật xấu của người đều là những thói hư tật xấu em đã mắc hoặc có thể mắc được lắm, bởi vậy bảo là thương người sự thực em chỉ thương em. Duy có thái độ coi khinh mạng sống con người như thái độ tên sĩ quan mật vụ kia là không bao giờ em chịu nổi. Nói ra thì anh cho là khôi hài, thực ra đã nhiều đêm em ôn lại hình ảnh căng tràn hợm hĩnh và bất nhân của hắn để cố tìm một lời nguyền rủa thích đáng mà bất lực, bất lực thật đấy anh ạ...

    Và Hương cười ròn tan, rất thực tình... bảo là Hương kể lại câu chuyện trên thao thao, thật ra Huy như thấy còn rất ít so với những khúc mắc mà Hương muốn thổ lộ.

    Huy dễ quý và mến những người có nhiều căn bản thiện, nhưng Huy đã quý mến Hương với tình thân đặc biệt, y hệt quý mến người em gái thứ hai của mình. Lý do cũng dễ hiểu. Huy vốn ưa những gì ngộ nghĩnh, thì còn tính tình người con gái nào ngộ nghĩnh hơn Hương! Huy vốn thích những gì phóng khoáng, thì thái độ Hương luôn luôn phóng khoáng một cách rất nghệ thuật. Huy thích những mâu thuẫn hòa hợp, thì đấy Hương phóng khoáng như đàn ông, nhưng tâm hồn nàng phồn thịnh biết bao tình cảm tế nhị rất đàn bà; nàng đẹp như bất cứ người con gái đẹp nào, nhưng suy tư, giải quyết vấn đề luôn luôn theo thể thức rất đàn ông. Huy không bao giờ ngạc nhiên khi thấy Hương vừa biểu lộ bằng lời một cảm giác thật chua chát mà lại chấm dứt bằng tiếng cười trong như pha lê và giòn như... như gì nhỉ, như pháo cưới! Lời nàng thường xuyên đượm tinh thần hài hước mà tuyệt nhiên không gợn một chút khinh khi. Vui như chim khuyên, như nắng vàng, nhưng đó để phủ hoa cho những ưu tư vời vợi của kẻ vừa có hoài vọng lớn vừa tự biết mình phù du.

    Hương thoạt là bạn cùng lớp rất thân của em gái Huy, thuở mới di cư vào Nam cả hai đều còn là nữ sinh trung học, chẳng bao lâu vẻ duyên dáng, nét thông minh, trí ngay thẳng của Hương đã "quyến rũ" cả tiểu gia đình Huy, và Hương thành bạn thân của cả tiểu gia đình từ những người lớn đến mấy đứa trẻ nít. Lên tới đại học em gái Huy thi vào Đại Học Sư Phạm, Hương học Luật. Khi Thi - em gái Huy - nhận đồ ăn hỏi của nhà trai, Hương tới giúp bạn đi chia phần và may giúp bạn một lô quần áo cần thiết. Ngày làm lễ cưới, Hương là một trong bốn cô phù dâu của Thi. Ngày Thi thi ra trường và được bổ làm giáo sư tại một trường nữ trung học gần Sài Gòn, Hương cũng vừa đỗ xong cử nhân Luật. Thi đi vào đời công chức, Hương được cấp một học bổng sang Mỹ lần thứ nhất học lấy bằng cao học về một ngành Luật.

    Thi tiếp tục cuộc đời nhà giáo, rồi sinh con đầu lòng. Hương học xong M.A. về nước.

    Đứa con gái lớn tám tuổi của Huy nói với mẹ: "Mẹ ơi, cô Hương đẹp quá ha, bao giờ cô Hương lấy chồng giống cô Thi, hả mẹ?" Thật ra hai vợ chồng Huy và Thi đều đã dự tính sẽ xe kết Hương với Quyền, nhưng rồi kẻ đi thì người về, người về thì kẻ đi.

    Huy như đứng từ trên cao mà quan sát thấy rằng đôi bạn gái chí thân đó - Thi và Hương - thoạt như cùng là một dòng sông bịn rịn thoát ra cùng một nguồn, rồi con sông bỗng phân làm hai nhánh, một nhánh êm ả xuôi thẳng xuống đồng bằng đem dòng nước phù sa tưới bón cho những đồng quê xanh mởn, cho những vườn cải hoa vàng, còn nhánh kia bỗng quanh co lang thang hết miền đồi núi hiu quạnh này đến miền đồi núi hiu quạnh khác chưa biết bao giờ mới xuống tới đồng bằng mà ra gặp biển. Tựa như càng hiu quạnh tiếng sông càng âm vang sâu thẳm xuống lòng đất, càng bát ngát tỏa rộng phủ lên thiên nhiên hoang vắng hai bên bờ và càng vun vút lên cao ôm lấy trăng sao. Nhiều lần nói chuyện với Hương, đôi lần đọc thư Hương gửi từ Mỹ, Huy mang máng cảm thấy nỗi vò xé nào đó trong tâm hồn Hương. Hiu quạnh có cái quyến rũ của nó mà Hương say mê, nhưng bản chất con người vốn không ưa hiu quanh được tuyệt đối lên ngôi. Đã chót biết cái thanh cao của hiu quạnh, hiu quạnh càng cao - hay càng sâu - thì cái ồn ào (hơi ấm của thế nhân) muốn được chấp nhận cũng phải có chiều cao - hay chiều sâu - tương đương mới dung hòa nổi. Huy biết Hương hiện đương vun vút lên chiều cao của hiu quạnh như nàng tiên vỗ đôi cánh trắng bay vào vùng trăng sao tuyệt vời. Huy biết lắm, đôi khi đôi cánh trắng có ngừng đập để nàng tiên lắng nghe, những mong bắt gặp tiếng gọi đầm ấm nào từ phía dưới bốc lên. Tội nghiệp cho Hương - Huy vẫn thường nghĩ thầm như vậy - tiếng gọi vẳng lên cơ hồ quá nhiều vẩn đục và nàng tiên giận dữ vỗ cánh tiếp tục lên cao... lên cao nữa. Giữa vùng ánh sáng lồng lộng hiu quạnh... biêng biếc hiu quạnh... rộng thê thiết và chao ôi, cũng thê thiết!

    Hương đã mở lò gaz và reo:

    - Anh trông này, chả nướng của em tuyệt không, vàng ngậy! Huy hỏi:

    - Cô bạn Mỹ của cô liệu có biết ăn bún chả chấm nước mắm chanh tiêu?

    - Trời ơi, tới đây ăn cơm Việt Nam với em, con bé từng rưới nước mắm vào cơm rang, ăn ngon lành.

    - Cô hẹn mấy giờ cô bạn đó đến?

    - Bảy giờ anh ạ, nhưng rất có thể cô ấy tới sớm hơn.

    - Văn hóa Mỹ cái gì cũng phải đúng giờ giấc chứ.

    - Chính cô phản đối văn hóa Mỹ. Cô ấy nghiện em như nghiện thuốc phiện, ngày nào cũng phải tìm gặp em một lần, hoặc ở trước lớp học, hoặc ở cafeteria. Hình như các bạn thân của cô từ trước tới nay đều là người của phương Đông: một cô Pakistan, một cô Nhật, một cô Thái Lan và bây giờ là em.

    - Tên cô bạn Mỹ là...

    - Crystilla! Nhưng lát nữa gặp anh cứ gọi là Crys cho thân mật. Cô bé đến hay hỏi về Việt Nam, tại sao Việt Nam thế này, tại sao Việt Nam thế nọ. Một lần em sốt ruột bảo cô ta: "Nước Việt của tao đương chịu đựng nghịch cảnh thay cho cả thế giới, cho nên những thủ đoạn nghịch cảnh, những phương tiện nghịch cảnh đều nổi lên hết trên tầng mặt, mày không hiểu gì về Việt Nam nếu mày chỉ nhìn trên tầng mặt. Mà xem ra mày hiện giờ cũng không thể hiểu gì hơn, nhìn thấy gì hơn thì tốt hơn hết đừng hỏi tại sao, tại sao, tại sao... nữa.

    Tiếng Hương cười khanh khách làm Huy ngẩng đầu lên. Hương đương tẩm những miếng thịt nướng vào bát nước mắm chanh, tiêu và ớt, nàng nói:

    - Rõ ràng em thích sống như một tên hề trong bất cứ một câu chuyện ngớ ngẩn nào, nhưng không hiểu sao một lần em nghe chuyện nhà hàng xóm hắt hủi một con chó ghẻ mắc bệnh sán lải khiến con chó tủi cực bỏ nhà ra đi mất tích thực, em buồn mãi, em buồn mãi mãi, em buồn không nguôi.

    - Thì cô tính tâm trạng tên hề nào chẳng là một tâm trạng buồn!

    - Đằng này em lại buồn không nguôi mới tức chứ, buồn không nguôi và lồ lộ trên nét mặt thì làm hề sao được!

    Hương cười, Huy cười theo và nói:

    - Tôi nhắc lại ý kiến thiết tha của bà đầm tôi là cô nên chọn một tên nữa đi, đóng hề có đôi sẽ vui thực.

    - Cung Phu của em có Tuần hay Triệt gì đó, anh ơi!

    - Tôi biết, tại có Tuần hay Triệt ở cung Phu nên ma đưa lối quỷ dẫn đường cô cứ khăng khăng đi tìm thần tượng mà không biết rằng sang thời đại này thần tượng ở mọi lãnh vực đều sụp đổ hết rồi còn đâu. Làm sao mà thần tượng đứng vững được dưới con mắt soi mói của chúng ta, làm sao thần tượng đứng vững nổi khi tâm trạng mỗi người trong chúng ta phức tạp nhường kia, phồn thịnh nhường kia.

    Hương quay mặt đi, lời Huy nói đúng phần nào tâm trạng nàng. Nàng hỏi:

    - Một thế giới không còn thần tượng nữa, có buồn không anh?

    - Vui chứ, sao lại buồn? Thế giới phải san bằng mọi giả tạo thần tượng, bởi thần tượng nào cũng giả tạo hết, để ai nấy ở một khía cạnh nào đó đều là thần tượng của nhau và ở một khía cạnh nào đó lại được trở về sống thảnh thơi như những kiếp người bình thường khác. Hãy giả tỉ có một thần tượng chân chính thật đi, cả một đời dài dằng dặc, thần tượng cứ phải sống một cách... thần tượng, liệu cuộc sống đó y có chịu nổi không, và mình có kham nổi không? Ông Khổng Tử đã từng là thần tượng cho cả nước Tầu, riêng bà Khổng Tử chê, đó là khía cạnh đau khổ nhất của cụ Khổng mà hậu thế không biết, hoặc cứ giả vờ không biết.

    Hương thấy hết phải băn khoăn suy nghĩ. Ít ra là vào lúc đó, nàng tung tăng đi quanh bàn ăn nửa vòng, nhìn những thứ nàng đã bày trên đó và nói:

    - Phải đó anh ạ, bình thường hóa cuộc đời, bình thường hóa mọi thứ thần tượng giả tạo để cuộc sống được thảnh thơi khỏi bị giả tạo lây, để tất cả mọi người đều là thần tượng của nhau ở một khía cạnh nào, phải đó anh ạ, có thế mới thật dân chủ phải không anh. Này anh trông thịt cho vào lò gaz cũng thơm xuýt xoát bằng thịt cặp bằng que tre nướng trên than tầu, sapghetti nhỏ sợi này luộc lên trông cũng xuýt xoát như bún nhà mình đấy chứ, còn salade xanh nõn ở đây thì tuyệt...

    Huy vẫn nghe Hương nói đồng thời vẫn theo dòng suy tưởng của riêng mình. Câu chuyện hạ bệ thần tượng bỗng như một tia sáng rọi vào cõi vô thức giúp Huy hiểu tại sao một tuần trước đây khi xem TV thấy một lãnh tụ Nam Mỹ ngồi đu đưa trên chiếc ghế bành, khuôn mặt tràn căng tự mãn mà chàng cảm thấy lòng cũng tràn căng khinh miệt. Huy nhớ hôm đó chàng đã văng tục và chửi thầm trong trí: "Là một thứ lãnh tụ ăn cướp và ăn cắp như mày, lại tự đắc như thế kia tất nhiên sẽ có ngày chết không có mồ chôn con ạ!" Ngày đó Huy chỉ biết chàng có liên tưởng tới những thứ trí nhớ ngắn ngủi trong bức tranh vân cẩu chính giới nước nhà - nói theo danh từ của Hương - ngày nay thì chàng nhìn lãnh tụ Nam Mỹ đó dưới

    ánh sáng của câu chuyện bình thường hóa cuộc đời để giải độc cho những thần tượng muốn lên ngôi, hoặc muốn tự lên ngôi.

    Bỗng Hương trở về chuyện con chó nhà hàng xóm bị ruồng rẫy, giọng nàng buồn buồn hợp với tâm trạng

    Huy lúc đó:

    - Con chó có thể buồn tủi như người không anh? Chó có thể hiểu tiếng người và ra đi trong hờn tủi không anh?

    - Có thể lắm chứ! - Huy đáp.

    - Em còn nhớ ngay hôm nghe chuyện, tối đến em nằm mơ...

    Lại những giấc mơ - Huy nghĩ thầm - những biến thái của niềm tủi nhục đất nước. Và Huy hỏi vội:

    - Cô mơ thấy gì nào?

    - Em mơ thấy về thăm quê miền Bắc, em rẻo theo lũy tre bao quanh làng, em qua cửa đình vắng lặng, rồi em men theo một con đường đất nhỏ khác tới một cái chuôm giữa đồng. Ruộng xung quanh chuôm nẻ nứt vì hạn hán đã lâu ngày, quanh bờ chuôm có giồng mía, nhưng vì đất cằn nên mía mọc lên thấp le te, thân mía đốt nọ cách đốt kia có chút xíu. Em có bẻ một cây đưa lên miệng cắn, thấy nhạt thèo. Rồi em đứng trên bờ chuôm nhìn làn nước nông choèn bên dưới có bóng một con cá sộp đứng lặng không hề vẫy đuôi, không dám vẫy đuôi thì đúng hơn, vì nếu chỉ khẽ ve vẩy một chút xíu, là đuôi nó đã nhô khỏi mặt nước rồi. Chuôm nhỏ mà giữa chuôm đất lại đùn lên thành gò, thê thảm nhất là trên cái gò mối đùn đó còn một con cá sộp khác bị nắng làm cháy phỏng một nửa thân mình, nó đang cố trườn xuống nước mà nhường như kiệt lực mất rồi.

    Huy hé miệng nhìn Hương mà không nói thêm được một lời nào về giấc mơ buồn thảm của nàng. Vừa lúc đó có tiếng gõ cửa. Đôi mắt Hương sáng lên, tâm hồn nàng như con chim xổ lồng. Nàng hỏi bằng tiếng Anh, tiếng cũng trong vắt vẻo như tiếng con chim sơn ca xổ lồng, vừa bay vút lên cao, vừa ca hát mừng xuân:

    - Crys chăng?

    Một tiếng nói trong trẻo tương tự có đượm nhiều hớt hải vì vui mừng:

    - Ô đúng! Crys đây!

  3. #3
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Hình như Huy đợi một cô gái Mỹ khác, không phải như Crys hiện ở trước mắt chàng. Hình như Huy đợi một cô gái Mỹ như các cô bạn đồng học với chàng chẳng hạn, lanh lẹ, thẳng thắn, bặt thiệp, rất niềm nở, nhưng thường thì vẫn có cái gì máy móc, hời hợt. Hình như về cách phục sức Huy cũng đợi gặp một cô gái Mỹ khác, có thể là nàng mặc thứ váy hoa, váy màu chẳng hạn. Hình như thâm tâm Huy cũng chuẩn bị một bầu không khí gặp gỡ khác: sự chào hỏi niềm nở hồn nhiên của chính chàng, nhưng rồi câu chuyện dù vui đến mấy bất quá cũng như chiếc phao màu chỉ lấp lánh bập bềnh trên mặt sóng xanh. Nhưng không, mọi sự việc xảy ra khác hẳn. Cánh cửa mở, một khuôn mặt trắng hồng, đôi mắt xanh lơ như mở rộng vào một thế giới tâm linh vừa dung dị vừa phức tạp, vừa bình thản vừa đam mê.

    - Hương đã nói nhiều về anh - những lời đầu tiên Crys nói với Huy - Hương còn cho tôi xem mấy tập thơ mà anh là tác giả. Những trang thơ in chữ ngả đẹp lắm, nếu như tôi lại hiểu được nghĩa những trang thơ đó chắc chắn tôi có được thêm nhiều hạnh phúc nữa!

    Huy đương ngỡ ngàng tìm hiểu ý nghĩa câu nói nhường như ngô nghê "chắc chắn tôi có được thêm nhiều hạnh phúc nữa", thì Crys đã giơ cao trước Hương một trong hai cuốn sách xinh nhỏ nàng cầm ở tay:

    - To my friend Hương. My happiness finds you everywhere.

    Hương đỡ lấy sách:

    - Cám ơn, cám ơn Crys lắm! Có thật thế chăng, tình bạn của tôi góp phần hạnh phúc cho đời bạn?

    - Thật chứ! Ồ, thật lắm chứ!

    Crys đã chạy thẳng tới chỗ chiếc tape-recorder, ấn nút. Băng quay, điệu nhạc vừa đủ ấm tràn ngập căn phòng xinh. Khúc một Adagio, trong bản Sonata số hai này của Benedetto Marcello bỗng như viên ngọc bích óng ánh một màu sáng dịu trong bóng tối nhung tơ của khoảng tiền bán thế kỷ thứ XVIII, khoảng Marcello theo gót Dominico Gabrielli và Guiseppe Jacchini viết những tấu khúc riêng cho cello. Crys đứng thẳng người, nhìn nghiêng nét mũi dọc dừa của nàng thành một nét điêu khắc tuyệt vời, nét ngực nàng thành một đường vồng kiêu hãnh (hình như ngoài ý muốn của nàng). Chiếc blouse nàng mặc đồng màu với váy, một màu huyền ngợp như nhung. Crys đã tiến lại đúng bên Huy đúng như ý Huy ao ước, tựa như niềm ao ước chợt thiết tha của Huy đã hút ý nghĩ của Crys và chính Crys nữa lại gần.

    Crys nói khẽ với Huy, tiếng nàng lẫn vào tiếng trung hồ cầm réo rắt, hỏi han rồi ngân dài:

    - Tôi vẫn yêu tiếng cello, mặc dầu tôi học về vĩ cầm.

    Huy đáp:

    - Tôi cũng vậy, thoạt yêu vĩ cầm, nhưng rồi nhiều khi buồn nản về cõi thế, về tình hình đất nước, tôi nghiêng dần lòng thương mến về cello. Tiếng đàn trầm đó nhiều khi như thủ thỉ ngỏ lời tâm tình, nhiều khi như dìu tư tưởng của tôi đi vào chiều sâu của suy tư.

    Chờ cho khúc nhạc dứt, Hương nói:

    - Thôi chúng mình ăn đi thôi, rồi đi nghe nhạc là vừa. Huy ngạc nhiên:

    - Ủa, nghe nhạc ở đâu thế cô?

    - Đó là điều bất ngờ em dành cho anh, đến bây giờ có Crys mới nói. Ăn xong chúng ta đi nghe tiếng đàn của Crys.

    - Không phải là của riêng tôi đâu, Huy - Crys phủ chính - tối nay ban nhạc đại học tổ chức cuộc hòa tấu thường lệ gồm nhạc của Handel, Beethoven và nhạc mới, tôi có bổn phận tham dự với cây vĩ cầm, vì có tính điểm thực hành cho khóa trình của tôi.

    - Ăn xong chúng ta đi thẳng đến thính đường của nhà trường với Crys? - Huy hỏi Hương.

    - Vâng, trường chúng em ngay gần đây thôi, mười lăm phút lái xe.

    Crys đặt cuốn sách nhỏ nàng còn cầm trong tay lên bàn viết của Hương, đó là cuốn sách về Thiền, Huy nhận ra thế.

    - Liệu Crys có hiểu về Thiền không? Huy hỏi.

    - Tôi cố gắng đấy. Tôi biết, với Hương với Huy là những người Đông phương nên đọc về Thiền không hề bỡ ngỡ, nhưng với tôi thì... quả là tôi phải cố gắng nhiều. Được cái quyển sách tôi mới mua đây gồm toàn những giai thoại về Thiền rất ngộ nghĩnh, rất dễ hiểu. Anh Huy còn ở lại Chicago bao lâu?

    - Tôi chỉ ở lại đây có bốn ngày nghĩa là cho hết weekend này, rồi lại trở về Nashville cho kịp khóa học mùa thu.

    - Tốt lắm, có truyện nào tôi đọc không thấu ý nghĩa tôi sẽ hỏi anh. Anh sẵn lòng giúp tôi chứ, anh thi sĩ!

    Crys cười cùng với Hương, Huy cười theo.

    - Rất sẵn lòng!

    Mọi người đã ngồi vào bàn ăn. Huy hỏi Crys:

    - Crys có mang theo vĩ cầm?

    - Có, tôi để ngoài xe.

    Hương đứng dậy tới tape-recorder hạ thấp âm thanh thật dịu chỉ vừa đủ nghe. Nàng nói:

    - Chúng ta sẽ vừa ăn vừa nói chuyện trên nền âm thanh này. Cả cuộn tape thuần là những tấu khúc viết cho cello của các tác giả thế kỷ thứ XVIII.

    Rồi khi đã cùng ăn, vô tình câu chuyện chỉ xoay quanh về âm nhạc. Thoạt Hương hỏi Crys:

    - Chắc hôm nay ngoài phần âm nhạc cổ điển, trường nhà có trình bày thêm loại nhạc mới? Crys gật đầu:

    - Đó là chủ trương của ông khoa trưởng luôn luôn muốn thính giả ông cái cũ và làm quen với cái mới. Phần cổ điển thì ban nhạc chơi Firework's music của Handel, đệ tam đại hòa tấu khúc Eroica của Beethoven. Phần nhạc mới là một tấu khúc ngắn; ban nhạc sẽ chia làm bốn toán nhỏ, một toán ở trên sân khấu do nhạc trưởng chính điều khiển; một toán đối diện ở gần cửa ra vào, hai toán nữa ở hai bên tả, hữu trên gác, ba toán sau đều do các nhạc trưởng phụ điều khiển. Khi tất cả bốn toán cùng cử nhạc sẽ cho thính giả một cảm giác lạc lõng như âm thanh của cuộc đời không dính líu đến nhau nhưng vẫn vô tình phát ra cùng một lúc.

    Hương xin lỗi Crys để quay lại nói với Huy bằng tiếng Việt một phút:

    - Em không ưa những gì thuần trí thức tách rời khỏi thiên nhiên, anh nghĩ sao, nó dễ trở thành một trò ngụy trí thức, một trò làm dáng trí thức. Kẻ sáng tác thì gật gù tự đắc ra vẻ ta đây đạt đến tinh vi của nghệ thuật, kẻ thưởng thức cũng gật gù ra vẻ ta đây biết thưởng thức đến tinh vi của nghệ thuật. Tội nghiệp, em chỉ thấy họ đi vào chi ly để chết cứng trong đó, là em nói những kẻ sáng tác, và ngay cả khi biết mình sắp chết cứng, họ còn ra vẻ tự đắc trong cái ý thức là mình lên cây thánh giá cho nghệ thuật... thuần túy. Không hiểu sao cứ mỗi khi gặp một hình ảnh của thứ trí thức chết cứng đó em luôn luôn liên tưởng đến hình ảnh một quái thai óc đầy mà tim rỗng, hoặc hình ảnh thân xác thì khổng lồ, xương to ụ, mà nhịp tim đập thì ngớ ngẩn như tim đứa trẻ thiên tiên bất túc hấp hối trên nôi.

    Hương cười, quay sang Crys nói bằng tiếng Anh đại ý những điều nàng vừa nói với Huy. Crys gật đầu:

    - Tôi hiểu và đồng ý với Hương và chính vì vậy tôi mua tặng bạn quyển sách nhỏ kia Happiness Is Everywhere. Bạn luôn luôn có thể tìm thấy hạnh phúc thực ở những điều thật đơn giản: một tia nắng sớm lọt qua cửa sổ, một bất chợt thay đổi thời tiết, hay một niềm vui chia xẻ... và and when happiness seems to be nowhere around, remember... it's waiting just to be found

    - Đó là Thiền đấy Crys ạ - Huy nói ngay với Crys - Thiền chính là cách biết hòa mình thành một niềm vui thật thoải mái ở những cái thật đơn sơ. Tự một nguyên tử đơn sơ làm nổ bùng ra ánh hào quang bao la dịu mát của niềm vui niết bàn nội tâm, ấy là Thiền!

    Tự nhiên Crys có nụ cười lẳng lơ hỏi Huy:

    - Bài học đầu tiên về Thiền của anh đấy phải không, anh thi sĩ?

    Huy chưa kịp trả lời, Crys vội đứng dậy, tới tape-recorder sửa cho âm thanh một khúc Adagio khác lớn thêm một chút. Tiếng cello thật ngọt ngào. Crys còn dừng lại nơi đó giây lâu, những nếp váy của nàng rung rinh cùng với tiếng láy nức nở của cello. Khi Crys trở lại chỗ ngồi, tiếng harpsichord còn phổ thêm vài nét thô sơ, yếu ớt, nhũn nhặn. Cái nhìn của Crys đặt về phía Huy nửa như hỏi ý kiến, nửa như đợi một lời phê bình. Huy nói để trả lời cái nhìn đó:

    - Tiếng harpsichord không tròn trĩnh khỏe mạnh như tiếng dương cầm, nghe như tiếng người em gái non dại, lòng đầy thương mến quấn quít theo anh, theo chị, nhiều khi nhắc lại lời anh, lời chị thành một tiếng vang thơ ngây.

    Crys gật đầu tán thưởng, giọng chân thành:

    - Tôi vẫn nghĩ giá đọc và hiểu được nội dung những bài thơ của Huy, tôi sẽ có thêm hạnh phúc rất nhiều. Hương sẽ dịch cho mình nghe nhé, chịu không?

    - Dịch là phản, ai lại phản anh Huy! - Hương cười đáp.

    Crys quay sang nói với Huy:

    - Huy sẽ dịch cho tôi nghe một vài bài vậy.

    - Tôi sẽ dịch cho Crys nghe - Huy đáp - một bài ca dao Việt Nam, sẽ kể cho Crys nghe một truyện cổ tích Việt Nam, đó là những điều tôi vẫn hằng làm với những người bạn Mỹ của tôi và đó cũng là cách tập dượt cho luận đề cao học mà tôi sẽ chọn vào khóa sắp tới.

    - Có khó lắm không, dịch ca dao và dịch truyện cổ tích Việt Nam? - Crys hỏi. Huy lắc đầu:

    - Nội dung những thứ đó có thừa phong phú để dù Anh văn mình có tồi, dịch ra vẫn cứ hay, tôi dám quên nhũn nhặn và cam đoan như vậy đó. Câu chuyện, câu thơ, tự nó đem ánh sáng cho văn dịch. Có khi văn dịch càng thơ ngây càng hợp.

    Hương hơi rướn lông mày, tủm tỉm cười bảo Crys:

    - Việt Nam là quê hương của ca dao, của truyện cổ tích mà! Crys tròn mắt nhìn Hương thật thà đáp:

    - Ồ, tôi biết!

    Hương tiếp:

    - Rồi đây, khi có hòa bình, tôi đưa Crys về quê tôi, hưởng gió đồng, đi chân đất trên cỏ non và nói chuyện với những người Việt Nam thật! Chứ như tôi đây, anh Huy đây chẳng qua thuộc vào thành phần được ưu đãi hư thân mất nết đi nhiều rồi. Tôi nhớ mang máng một lời di chúc của Nehru, ông muốn sau khi thân xác ông đã được hỏa thiêu, xương cốt được tán nhỏ, ông xin những thứ đó được rắc lên đồng ruộng Ấn để ông được trở về với người dân quê Ấn đau khổ và trung thực muôn đời. Crys bây giờ đến Sài Gòn, nhìn vào một chiếc xe cực kỳ bóng loáng, bên ngoài cắm quốc kỳ Việt Nam, bên trong ngồi một ông có mặt mũi phì nộn hay gầy gò nhưng mười phần thỏa mãn. Tại ngân hàng Thụy Sĩ ông đã bí mật có một trương mục riêng, bảo ông ta là người Việt Nam thì tội nghiệp cho những người Việt Nam trung thực sống ở vùng quê kia biết mấy!

    Hình như Crys đã quen với câu chuyện của Hương lắm, đôi mắt nàng mở rộng nhìn Huy, im lặng, sự im lặng của cảm thông, của chia xẻ.

    °

    Huy đưa Crys xuống thang ra xe trước, trong khi Hương còn ở lại thu xếp nốt mấy thứ vặt rồi ra sau. Crys chỉ cho Huy chiếc xe màu xám:

    - Xe của tôi đó. Huy cười:

    - Thật lạ kỳ, Crys cũng dùng thứ nước hoa Outdoor man tôi thường dùng, bây giờ lại cũng đi thứ xe tôi thường đi, chiếc Ford Mustang.

    - Xe anh màu gì?

    - Màu trắng sữa. Nói là của tôi thì không đúng, của mấy anh em chúng tôi cùng học ở đó.

    - Huy muốn lái xe tôi?

    - Để tôi lái cho. Đường tới đại học phía nào?

    - Cứ đi thẳng mỗi khi nào ngoẹo, tôi báo trước.

    Hương đã ra tới nơi, cả ba cùng ngồi trên. Huy cho xe chạy và nói với Crys:

    - Dịp Giáng Sinh vừa qua tôi đi dự một seminar ở Boston nên có dịp được nghe Messias oratorio và Firework's music của Handel.

    - Do ban nhạc đại hòa tấu Boston chơi? - Crys hỏi.

    - Đúng với Firework's music còn The Messiah, tôi theo dõi trên TV ba giờ liền.

    - Anh có ý kiến gì về Eroica của Beethoven? Bài nộp kỳ tới tôi viết về khúc đại hòa tấu này.

    Huy giữ cho tốc độ xe chạy vừa phải dọc theo đại lộ Michigan, đôi môi chàng hơi mím lại suy nghĩ, chàng đáp:

    - Đây là ý kiến hoàn toàn của riêng tôi, một người Đông phương thưởng ngoạn, chắc chắn trùng hợp với bất kỳ một ý kiến nào trước đây. Tôi thấy mọi giai điệu trong Eroica, Beethoven chỉ cho mình nghe thòm thèm rồi lập tức để nó chạy trốn vào đám âm thanh tít mù. Đôi khi mình bắt gặp chúng thấp thoáng ẩn hiện ở một vài bè khác như một bóng ma đương tự dẫn lối mà đi để hoàn tất lấy giai điệu khao khát trong tâm tưởng. Nhưng thường thường người nghe vẫn chỉ thấy khao khát mà ít được hưởng trọn vẹn, thành thử đậm nét nhất vẫn chỉ là một cảm giác khát khao. Thực khác hẳn với Handel chẳng hạn, giai điệu tròn trĩnh như những luống cày có đầu có cuối vuông vắn, hay với Mozart giai điệu vừa tròn trĩnh lại vừa uyển chuyển như én liệng ngày xuân.

    - Cám ơn Huy, tôi sẽ suy nghĩ và đào sâu những ý kiến đó, chắc chắn chúng sẽ giúp tôi không ít trong bài nộp tới.

    Chẳng hiểu nghĩ sao Crys bỗng hơi cúi đầu tiếp:

    - So với Hương với Huy, tôi tự thấy kém cỏi bao nhiêu. Các bạn nói hai thứ tiếng dễ như bỡn, tôi chỉ nói được có thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Mọi vấn đề, các bạn đều có được cái nhìn sâu sắc của chính mình...

    Huy cười buồn rầu:

    - Crys đừng quên rằng nước tôi đương nội chiến. Giá như nước chúng tôi có được bậc lãnh đạo giỏi có thể sự hiểu biết nhỏ mọn của chúng tôi đóng góp được một cái gì, nhưng hiện giờ thì đó chỉ là những cái biết lỏi, những cái biết phù phiếm... Ủa chúng ta sang khu da đen rồi.

    Hương nói:

    - Không sao, ngã tư tới anh sẽ rẽ tay mặt cũng được.

    °

    Lần này ban nhạc hòa tấu tại thính đường lớn nhất của đại học. Crys là một trong sáu đệ nhất vĩ cầm ngồi ở ngay hàng đầu, bên tay trái. Trông xa màu huyền của bộ đồ nàng mặt càng ngợp mịn và càng làm tăng vẻ trắng ngà ngọc của cánh tay nàng, cánh tay tròn trĩnh, mũm mĩm. Mỗi lần nàng chợt tremolo, Huy có cảm tưởng như chính tiếng nhạc đó đang trau chuốt cho cánh tay ngà ngọc của Crys đẹp mãi với thời gian. Một lần nghe tiếng cello dẫn đầu ban nhạc, Huy bỗng liên tưởng đến một nét nhạc cho cello của Giovianni Battista Pergolesi, con người tài hoa chết vào năm hai mươi sáu tuổi. Và Huy chú ý đến mái tóc nâu hồng của Crys lúc đó hơi rung động ngay trên bờ vai nàng chút ít cùng với một cảm giác buồn rầu tự hỏi: "Biết đâu Crys cũng có thể chết vào năm hai mươi sáu tuổi như chàng nghệ sĩ tài hoa Pergolesi!" Huy hiểu ý nghĩ đó là do ảnh hưởng từ những giấc mộng sầu, biến thái của niềm tủi cực đất nước. Chàng chăm chú say mê hơn cánh tay trắng muốt như hoa ngọc lan của Crys. Cánh tay được nhạc trau chuốt sẽ đẹp mãi, sẽ ngà ngọc mãi mãi với thời gian; hay nên nói: không có thời gian trên cánh tay chơi nhạc đó, dù nhạc là một kiến trúc trên thời gian.

    °

    Cuộc hòa tấu bế mạc. Ra xe, vừa lúc Huy cho nổ máy thì có tiếng ai nói tiếng Việt:

    - Chán đời lắm cậu ơi, vận nước mình nó thế biết làm thế nào.

    Hương nói nhanh:

    - Hai anh bạn Việt này học cùng trường với em đấy, anh Huy. Anh thứ hai đáp lời bạn, giọng nửa cảm khái nửa khôi hài:

    - Sống ở nước mình bây giờ thì hoặc cả ngày chửi rủa phòi bọt mép, hoặc câm cha nó miệng lại, sống như khúc gỗ, chẳng cần biết đến ai và thây kệ ai muốn khinh khi mình ra sao cũng được, kể cả chó.

    Huy cười lớn ngoái cổ ra:

    - Nếu chó nó khinh mình thì chó nó xấu hổ, chứ mình việc gì mà xấu hổ!

    Rồi Huy cho phóng xe liền, tuy nhiên chàng còn kịp tiếp nhận tiếng cười đồng tình của hai chàng trai Việt, một trong hai chàng lớn tiếng:

    - Ê, anh bạn đồng hương nào đó? Hương nói với Crys:

    - Hai anh bạn đó cùng người Việt Nam đấy, Crys. Huy nói:

    - Bây giờ, nếu tôi không lầm, ta cứ đi thẳng đây cho tới khi gặp Michigan Avenue, sẽ tới Grant Park, dừng lại khoảng Buckingham Fountain để vừa ngắm cái lâu đài nước phun đó vừa nói chuyện, cho đến mười hai giờ khuya thì tôi về phòng trọ Y.M.C.A của tôi tại đường Wabash gần đấy!

    Tiếng Crys:

    - Anh mới tới Chicago hôm nay mà đã có vẻ thành thạo ghê.

    - Có gì đâu, đến Chicago hồi tám giờ sáng, thuê xong phòng ở Y.M.C.A gọi phone đến cho Hương không gặp, tôi bèn nhảy luôn lên xe của hãng du lịch Grey Line, du ngoạn Chicago tức khắc.

    - Sao anh không viết thư cho Hương báo trước?

    - Có đấy chứ, báo là sẽ tới vào dịp này.

    - Sao không báo đúng ngày giờ anh tới?

    - Nếp sống Đông phương ghét kiểu hẹn thành dead line! Crys gật đầu:

    - Tôi hiểu! Thế nhưng này anh Huy, đi cả ngày như vậy không mệt sao?

    - Sao chiếu mệnh của tôi như vậy, càng đi càng cảm thấy tinh thần sảng khoái, nhưng lát nữa về phòng trọ, nằm vật xuống là ngủ liền.

    Crys mỉm cười chăm chú quan sát ánh mắt Huy khi biểu lộ sự thực lý thú đó.

    °

    Tháp nước Buckingham Fountain từ sau mười giờ khuya đã cho phun tới tối cao độ với ánh đèn bảy màu cầu vồng thay đổi. Ngôi nhà chọc trời Prudentiel gần đó như bóng một anh không lồ mặc áo ánh sáng tì tay vào lan can dõi nhìn tháp nước trò trẻ. Vệt đèn pha tự đỉnh một ngôi nhà chọc trời khác chẳng khác đuôi một vì sao chổi luôn luôn quét tròn trên vòm trời Chicago như một thứ ánh sáng thần linh bảo vệ mọi bất trắc cho Chicago.

    Quả như lời, khi tạm biệt Hương và Crys trở lên phòng trọ, Huy chỉ kịp cởi bỏ bộ đồ ngoài còn mặc nguyên áo lót mình ngủ vùi.

    °

    Đã từ lâu Huy suy nghĩ nhiều về nước Đại Hàn, một nước có thể coi như đồng hội đồng thuyền với Việt Nam về nhiều phương diện: cũng bị nạn ngoại xâm, cũng qua cầu muôn vàn cay đắng của kinh nghiệm cộng sản, cũng bị chia phân, cũng một thời bị kẻ cầm đầu lạm dụng quyền hành như anh em tên Diệm tại xứ nhà, nhưng may thay cho Đại Hàn, tự đám người lãnh đạo xứ họ bỗng xuất hiện người có đủ uy quyền và sáng suốt để lái con thuyền quốc gia ra khỏi cơn giông tố mà cả hai ngọn sóng ụp tới đều nguy hiểm cả: ngọn sóng cộng sản vòi vọi tàn bạo, và ngọn sóng viện trợ đô-la luôn luôn muốn biến kẻ chìa tay nhận viện trợ thành gia nô. Dân Đại Hàn đáng lấy làm hãnh diện vì người lãnh đạo xứ họ quả đã trực tiết tâm hư, tự biến mình thành con thuyền nhẹ bỗng, lòng sạch không, sóng đỏ cuồng loạn mà chẳng đánh đắm được thuyền, sóng đô-la quấn quýt ve vuốt lấy thuyền thì được mà chẳng thể dìm thuyền xuống vũng lầy gia nô. Hình như thế là phải.

    Huy mơ thấy mình đương rảo bước trên con đường "rầy" xe hỏa của xứ Đại Hàn nhiều núi non. Đường "rầy" rộng của loại xe hỏa tối tân, không khí trên cao sạch và mát lạnh. Dưới chân Huy đôi lúc rung lên như động đất, chắc còn một đường hầm xe hỏa chạy ngầm bên dưới. Đi mãi tới một ga lớn, chàng mua vé để tới thăm Crys tại một trường nàng dạy. Nàng thuộc đám nam nữ thanh niên thiện chí phục vụ hòa bình. Rủi thay Huy tới nhầm ga, chàng phải đi ngược sườn núi để sang bên kia. Tuy đây là vùng sơn cước hẻo lánh mà hai bên đường nhà cửa đều khang trang, đầy đủ tiện nghi, điều làm Huy trạnh lòng nghĩ đến quê nhà, khắp nơi xém lửa chiến tranh.

    Đường núi quanh co. Huy lạc lối, chàng gặp một bác nông phu chít khăn đầu rìu đi tới và chàng hỏi đường, bác trả lời Huy bằng tiếng Việt Nam, bác chính là người Việt Nam sang lập nghiệp nơi đây từ lâu mà chưa quên tiếng mẹ đẻ. Bác đưa Huy tới một ga xép, nơi đây đường "rầy" xe lửa được đặt trên một chiếc cầu đá hẹp và dài hun hút. Huy leo lên cầu xem xét đường "rầy". Vẳng như có tiếng xe lửa sắp tới. Một người đàn bà Đại Hàn lên tiếng đâu đây: "Sao lại có người ngu xuẩn leo lên đường "rầy" khi xe lửa sắp băng qua." Huy vừa tuột xuống thì quả nhiên đoàn tàu tối tân vút qua nhanh như một vì sao băng. Huy lên chuyến tàu đó ở ga xép này. Đoàn tàu lại vút đi như sao băng đưa Huy đến nơi có trường Crys dạy. Crys đã mệnh yểu. Phải rồi tấu khúc cho cello đó là của một nhạc sĩ tài hoa chết năm hai mươi sáu tuổi. Huy nhớ là khi Crys đứng thẳng người bâng khuâng lắng nghe khúc nhạc đó, chiếc váy màu huyền của nàng rung rinh thành một nếp năn cùng với tiếng láy nức nở để chuyển sang nét nhạc mới. Crys cũng chết trẻ như chàng nhạc sĩ đó là phải. Huy trở về chỗ cũ đi lang thang, đi miết mải trên quãng đường sắt vắng lặng, dưới chân chàng mặt đất vẫn rung lên vì luôn luôn còn những đoàn tầu khác di chuyển ngầm bên dưới. Những đoàn tầu không nghỉ ngơi, chính Huy cũng không nghỉ ngơi, chàng vẫn miết mải đi trên đường sắt, nhưng chàng mừng rằng Crys đã được nghỉ ngơi rất thảnh thơi dưới lòng đất...

    Huy sực tỉnh nghe cõi lòng se sắt. Đó lại là giấc mộng sầu như trăm ngàn giấc mộng sầu. Lần này Huy nằm yên, để cho cảm giác bâng khuâng tê tái phủ lấy hồn chàng càng lâu chừng nào càng hay chừng ấy, chàng muốn chúng biến thành một thứ mây sầu đùn lên cao như thành thì được, nhưng biếng lười không thể đi xa vì không gặp gió. Chàng cũng chẳng muốn rọi lý trí vào để ôn lại tình tiết giấc mộng, bởi kinh nghiệm nhiều lúc cho hay những giấc mộng như vậy chỉ có thể nhắm mắt mà sống với, chứ không thể khách quan ôn lại như ôn lại một câu chuyện cổ tích. Khi có ánh sáng, không những bóng ma không còn, kể cả ký ức về bóng ma cũng trở thành ngớ ngẩn.


  4. #4
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    "Sống ở nước mình bây giờ thì hoặc cả ngày chửi rủa phòi bọt mép, hoặc câm cha nó miệng lại, sống như khúc gỗ, chẳng cần biết đến ai và thây kệ ai muốn khinh khi mình ra sao cũng được, kể cả chó."

    Chiều hôm đó trên con đường cùng Hương tới campus để thăm hai anh bạn Việt, Huy ôn lại trong trí mẩu đối thoại tối hôm trước lúc ba người - Huy, Hương và Crys - đã ngồi gọn trong xe khi vừa rời khỏi phòng hòa tấu. Huy hơi mỉm cười thì phải, nụ cười trầm buồn đã thành một thứ phản ứng cố hữu của chàng. Chẳng thể nói đích xác nếp phản ứng đó bắt đầu có tự bao giờ: với thời gian trôi đều, những nếp răn ở đuôi mắt, ở trán, ở mặt được gấp nếp tự cõi vô hình, rồi hiện lên mờ nhạt lúc nào, hiện lên thật rõ lúc nào, công việc vẫn liên tục đấy chứ.

    Hai anh bạn trẻ Khê và Thiện đã ra tận cổng trường để đón Huy và Hương. Khởi đầu gặp nhau vẫn là những tiếng cười, những tiếng cười ròn rã là đằng khác (làm sao mà những người ngoại quốc hiểu nổi những tâm trạng thực đằng sau những tiếng cười?) Rồi họ cùng tới khu bếp của trường đại học dành cho sinh viên để làm cơm Việt Nam. Khê và Thiện khoe có bánh phồng tôm nhà mới gởi sang cho, có nấm hương và bào ngư com-măng được từ New York tới. Dọc theo hành lang tới bếp Khê, Thiện gặp mấy người bạn Mỹ đồng học, họ đều nắm tay giơ cao lên và hô "Thức ăn Việt Nam muôn năm!" Nguyên do mấy anh bạn Mỹ này đã được Khê, Thiện cho thưởng thức tài nấu ăn của mình mấy lần rồi.

    Thiện nói:

    - Thật ra khi mới đặt chân đến Hoa Kỳ này tôi có biết nấu nướng mẹ gì đâu. Ở nhà toàn bà cụ nấu cho ăn, thế mà ngày đầu "xuất quân" làm món thịt bò xào theo ký ức cũng quyến rũ ngay được anh bạn Mỹ cùng buồng.

    Khê chép miệng giải thích:

    - Có gì đâu, thức ăn Mỹ, họ chỉ cần bổ mà cóc cần khẩu vị, mình bốn ngàn năm văn hiến nên cần khẩu vị trước tiên, bổ hay không, hạ hồi phân giải.

    Khê đi chậm lại để Hương đi xa một chút đồng thời hạ giọng nói đủ cho Huy nghe:

    - Cũng như bất kỳ cô gái Việt nào lần đầu tiên mặc jupe đều cảm thấy chống chếnh, thì thức ăn Mỹ cũng vậy, ăn vào bụng vẫn chống chếnh làm sao ấy. (Giọng Khê trở lại to như thường) Đã đành thức ăn như vậy dễ tiêu, ăn xong có thể tới thư viện ngay, nhưng ăn vào mà dạ dầy vẫn thấy chống chếnh làm sao ấy thì khoái ở chỗ khỉ nào.

    Thiện nghêu ngao hát bài nhạc của Trịnh Công Sơn:

    Người con gái Việt Nam da vàng,

    Yêu quê hương như yêu đồng lúa chín.

    Vừa lúc một nữ sinh viên Phi Luật Tân từ ngoài cửa chính vào. Cùng là chỗ quen biết cả, Khê bô bô và hơi nhớt nhả chào nàng:

    - Hello baby! (tương tự như: Chào cưng!)

    Cô gái có nước da bánh mật, khỏe mạnh mỉm cười rất có duyên, đáp gọn:

    - Hello!

    Biết là cô gái hơi ngượng, Khê dừng lại hỏi trêu thêm:

    - Cuối tuần vừa rồi có hẹn hò đấy chứ, cô em?

    Biết là còn tỏ vẻ ngượng, còn bi Khê trêu, cô gái nói mạnh:

    - Ồ có chứ, một hẹn hò lớn! (Oh yes, had a big date!)

    Khê cười lớn:

    - Nhưng nặng cỡ bao nhiêu cơ?

    (But how heavy?)

    Cô gái lườm Khê giơ tay dọa đấm, rồi bước một mạch lên thang lầu.

    Bước vào bếp, cả bọn còn thấy mấy người sinh viên Nam Mỹ da trắng. Họ đương bàn tán chuyện gì xôn xao lắm, thấy bọn Thiện vào thì tủm tỉm cười và chào, giọng hơi có vẻ hài hước:

    - Hello, Vietnam!

    Thiện cũng chào lại bằng giọng hài hước tương tự:

    - Hello, Nam Mỹ! Một sinh viên Nam Mỹ:

    - Bọn chúng tớ vừa xong, trả bếp các cậu.

    Thiện giải thích cho Huy hay là các sinh viên sử dụng bếp đã đồng ý phân giờ để khỏi bị trùng. Rồi vẫn bằng giọng hài hước thân mật Thiện hỏi bên Nam Mỹ:

    - Các cậu đương nói chuyện gì có vẻ hào hứng thế?

    - Chúng tớ đương nói chuyện Thượng Đế dùng đất sét nặn thành người. Thiện chậc lưỡi:

    - À chuyện đó tớ còn biết thêm một chi tiết nữa: Lần đầu tiên nặn người xong, Thượng Đế bỏ vào lò tinh thần hấp. Ông cụ đãng trí - Thượng Đế cũng đãng trí - nên lần đó để quên hơi lâu, lúc rút ra, da người bị cháy đen: đó ông thủy tổ người da đen; lần thứ hai ông cụ cẩn thận hơn nhưng lại rút ra hơi sớm, nước da còn trắng bệch: đó là thủy tổ người da trắng của các cậu; lần thứ ba ông cụ cực kỳ thận trọng nên không quá lửa mà cũng không non lửa: đó là thủy tổ các dân tộc da vàng chúng tớ!

    Tiếng cười vang căn phòng bếp, rồi những người sinh viên Nam Mỹ rút lui để bọn Thiện làm bếp. Câu chuyện tiếp tục bằng tiếng Việt. Thiện nói:

    - Tức ghê kia các anh chị! Lần đầu tiên tôi gặp tụi này ở đây, bọn chúng hỏi: "Anh tự đâu tới?" Nghe tôi trả lời "Tự Việt Nam tới", mắt chúng trợn tròn cùng thốt "Ồ Việt Nam!" Các anh chị bảo thế có tức không cơ chứ; cứ y như là cái tên quái vật ấy, họ nghe thấy từ lâu mà bây giờ không ngờ được gặp. Bởi vậy mỗi lần gặp họ, là bao giờ tôi cũng giở trò ăn tục nói phét như vậy.

    Hương vừa mở hộp bào ngư vừa nói bằng giọng làm như thản nhiên:

    - Người dân của cuộc nội chiến vĩ đại mà, những tàn sát vĩ đại bên kia, những thối nát vĩ đại bên này, đó là những điều họ thường đọc, thường nhìn thấy trên báo chí, trên TV xứ này. Họ sống ở một hoàn cảnh khác hẳn, làm sao mình đòi hỏi họ nhìn thấy hết những u uẩn của xứ mình.

    Huy đã có kinh nghiệm về trình tự những cuộc hội họp ăn uống như vậy của sinh viên Việt tại xứ người. Nếu ở nhà riêng, thoạt tiên là không khí vui vẻ tưng bừng của nấu nướng, của ăn uống, của đấu láo. (Nếu có các bạn sinh viên ngoại quốc cùng dự, chắc chắn những người này không thể hiểu đằng sau cái bề ngoài chuyện nở như ngô rang ấy chứa chất biết bao nhiêu ưu tư phiền não.) Khuya một chút nữa họ đồng ca những bài hát quê hương. Tự một, hai giờ sáng trở đi, khi họ đã giở lối ngồi bó gối và kêu thêm cà- phê, ấy là giờ phút của chính trị, của tình hình đất nước, của giả thiết cứu vãn tình hình hiện tại, của dự phóng xây dựng tương lai... Nhưng đây là ở trong campus, trình tự có khác. Huy nhận thấy từ lúc làm cơm đến lúc ăn cơm hễ cứ khi nào nói đến sự thối nát ở nước nhà là y như Thiện hô hào đại khái: "Chém! Là cứ phải chém! Cứ tàm tạm lấy đi khoảng hai trăm cái đầu là răm rắp đâu vào đấy ngay và mới đem lại niềm tin tưởng cho dân chúng. Chém! Là cứ phải chém!" Một lần Khê cúi xuống nói khẽ với Huy:

    "Thằng cha thận kém cứ phải vào rest room đi tiểu hoài, về sau giá hắn làm thủ tướng, thì nhà cầy nên xây cạnh bàn giấy của hắn, và khi nào hắn nổi cơn hiếu sát, thì anh em hô: Vào nhà cầu đi tiểu đi, thủ tướng! Đi tiểu xong may ra hắn nguôi ngoai hơn."

    Ăn xong cả bọn quyết định đưa nhau cùng xuống cafeteria ngồi uống cà-phê và nói chuyện cho đến giờ đóng cửa - mười hai giờ - thì giải tán. Tơi nơi họ ngồi riêng một bàn, chẳng cần để ý xem trong phòng có bạn đồng học ngoại quốc nào không. Nếu có, chắc chắn những người bạn ngoại quốc đó cũng cảm thấy rõ đây là những giây phút thiêng liêng của những người bạn Việt của họ mà lén bước đi qua.

    KHÊ (nói với Huy): Anh có thấy cái định mệnh bi thảm của đất nước mình, một cuộc chiến mà cả hai càng đánh càng thất bại chua cay?

    HUY: Có lẽ phải nói rõ thêm thế này anh ạ: đất nước hỏa ngục của chúng ta bị thiêu đốt bằng hai chất lửa phản bội khác nhau, ngọn-lửa-phản-bội sáng suốt với chính nó của người cộng sản, hòa quyện cùng ngọn- lửa-phản-bội ngu đần với chính mình của bên quốc gia...

    HƯƠNG: Và mọi danh từ đổ xuống đó cao quý hay nguyền rủa, đều rỗng nghĩa ngay tức khắc!

    HUY: Đúng, hôm qua tôi nghe một trong hai anh đây nói sống ở nước mình bây giờ hoặc cả ngày chửi rủa, hoặc câm miệng lại. Thực ra thì chúng ta làm cả hai, chúng ta không thể câm miệng chửi rủa vì đó là phản ứng tự nhiên, nhưng chúng ta cũng nhiều khi câm lặng vì tự cảm thấy lời nói bất lực. Lời nói thế nhân vốn vẫn bất lực trước những gì cự kỳ cao đẹp và những gì cực kỳ bẩn thỉu, thối tha.

    THIỆN: Cứ nói là cả hai bên đều nhân danh dân tộc để phản bội dân tộc đi, cả hai cùng cõng rắn cắn gà nhà!

    HUY: Kể ra mấy chữ "Cõng rắn cắn gà nhà", chúng ta cũng cần minh định lại. Tội nghiệp, phe quốc gia vẫn chưa một lần nào đứng ra tích cực chủ động tác chiến. Hồi 1954 thì dựa nấp vào Quốc Dân Đảng Tàu, nay thì dựa nấp vào Mỹ. Còn bên cộng sản họ đâu có cõng rắn cắn gà nhà, họ chính là rắn rồi mà, họ chính là hiện thân của rắn!

    HƯƠNG: Hiện tượng Việt Nam ngày nay quả thực là một hiện tượng nghịch lý độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại tự cổ chí kim.

    KHÊ: Không khí nhiễm độc, không khí phá hoại tự bốn bề khiến nhiều hoàn cảnh con người chỉ còn biết gập mình lại vui một niềm vui cô đơn với chính mình.

    HUY: Tôi thấy rằng nước mình ở một hoàn cảnh đứng làm cái đích duy nhất cho những đường gươm tự bốn ngả đâm về, và vị trí để tự mình cứu sống mình, lại chính là đứng vào đúng điểm gặp nhau của những mũi gươm. Bởi vậy đừng trách tại sao người dân mình tiêu cực thế, cựa quậy làm sao? Đưa thân mình vào làm đích chiến thắng cho một mũi gươm chăng? Sự chiến thắng của mình chính là ở điểm khước từ đó.

    Lịch sử vẫn tiến, sự khước từ của chúng ta tiến cùng với lịch sử.

    THIỆN: Chém! Cứ chém chừng hai trăm cái đầu là xong hết. Lịch sử sẽ vào một khúc quành mới. Những cái chết đó chẳng có gì ghê gớm đâu, họ chết chỉ là để bắt đầu một cuộc sống khác. Họ chết để nước Việt Nam khỏi bẩn, để những người Việt xa quê khỏi ngượng ngùng cúi mặt xuống khi người ngoại quốc hỏi về hiện tình đất nước mình; họ chết như cỏ dại được nhổ làm phóng quang đường đi; họ sống họ làm hư, làm bẩn cả vợ con, nhưng khi họ chết, chính sự đau khổ tác động lên vợ con họ sẽ giúp vợ con họ trở về kiếp sống có suy tư của con người xứng đáng với danh hiệu đó.

    HUY: Nhưng ai là người đứng ra tuyên án xử trảm? Phải có một bàn tay sạch, thật sạch, một tấm lòng trong suốt mới làm nổi việc đó. Những bàn tay bẩn không bao giờ dám chặt đâu ai, bởi bị cáo và bị can, bên nguyên và bên bị trong trường hợp này tuy hai mà một, lên án xử trảm người mà cũng là tự lên án xử trảm mình. Âu đó cũng là nhất điểm lương tâm còn xót lại của những người bẩn bên phe tự do mình.

    HƯƠNG: Chúng ta vẫn cứ nên tìm hiểu vấn đề đến nơi đến chốn xem sao, may ra biết bệnh là đã khỏi một nửa rồi chăng, anh Huy nghĩ sao?

    HUY (mỉm cười): Thế là trình tự cuộc họp mặt của chúng ta đã sớm bước sang mục xác định hiện tại, giả định tương lai rồi đó. Như vậy điều khẳng định đầu tiên chúng ta có thể nói là: không ai có thể bắt người Việt tiếp tục cuộc cố nhục tương tàn sỉ nhục này, kể cả Nga, Mỹ, Tàu chụm lại, nếu người cộng sản miền Bắc - mà "già Hồ" là đại diện - không muốn. Điều này những ai trong hay ngoài nước người Việt nhà hay ngoại nhân đứng về phe cộng sản, nên công bằng mà ghi nhận lấy. Các vị đó có thể tiếp tục nguyền rủa những thối nát quốc gia, đồng ý, và cần nữa là đằng khác, nhưng xin các vị nên giữ một thái độ công bằng tối thiểu mà ghi nhận hộ rằng: Giới lãnh đạo cộng sản miền Bắc - mà "già Hồ" là đại diện - là kẻ thủ xướng, là kẻ chủ mưu, là kẻ tiếp tục nắm quyền chủ động trong việc làm đổ máu đồng bào của cả hai miền. Dù việc phải rửa tay trước khi ăn cơm là một hành vi... phong kiến, một hành vi... tiểu tư sản đáng nên phê bình, thì ông Hồ đã từ lâu trước khi ăn cơm phải rửa tay kỹ, bởi đôi tay của ông đẫm máu đồng bào quá nhiều rồi. Lịch sử sẽ chính thức ghi nhận điều đó. Tất cả những bàn tay bộ hạ của ông đang xòe ra để che dấu sự thật, nhưng những bàn tay đó không có thời gian, mà lịch sử lại là Thời Gian. Nếu quả thật người cộng sản còn giữ được nhất điểm lương tâm, còn giữ được một chút lương năng chỉ nhỏ bằng lỗ chôn kim thôi, thì cuộc cốt nhục tương tàn sỉ nhục này cũng đã chấm dứt từ lâu rồi. Hãy nhìn vào cục chiến, lý luận của hai bên đặt ở hai căn bản hoàn toàn xa lạ nhau, đúng là hai bên nói hai thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác hẳn nhau, và làm sao người ta làm được những con tính cộng, trừ, nhân, chia với những đơn vị hoàn toàn khác nhau? Người Mỹ bên phe thế giới tự do nghĩ rằng ném bom miền Bắc thì cộng sản sẽ phải ngừng phá hoại miền Nam. Bởi vì - vẫn theo lý luận của người Mỹ - nhìn thấy sự tàn phá bên mình, cộng sản tất sinh lòng trắc ẩn mà nghĩ lại đến sự tàn phá mà họ đã chủ động thực hiện bên đối phương từ bao nhiêu năm trước đây, đồng thời ý thức được cái vô ích, cái ngu xuẩn của con đường phá hoại. Nhưng người Mỹ đã lầm, bởi cứu cánh - đường đi một chiều cương quyết của người cộng sản - chỉ đơn thuần gói ghém trong khẩu hiệu này "Phá hoại và gây căm thù triệt để, cho đến khi đặt được chính quyền cộng sản!" Ông Hồ đã được hài lòng, hài lòng lắm lắm về cách thực hiện tròn trịa của sự phá hoại đúng như ý ông ước muốn. Sự phá hoại của cả hai miền ngày nay đã thê thảm đến mức có thể dùng hai chữ băng hoại để thay thế. Nói đến băng hoại tất nhiên người ta nghĩ nhiều đến sự băng hoại về tinh thần, và điểm đó mới thật chua xót!

    (Huy im lặng có dễ đến hai, ba phút. Chỉ nghe thấy tiếng nâng ly cà-phê và tiếng đặt ly.)

    THIỆN: Trung tuần tháng mười năm ngoái tôi đến New York lần đầu tiên, và cũng lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh những cảnh binh đứng giữ trật cho một cuộc biểu tình của các bà mẹ phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Bà đi đầu tay ôm một đứa trẻ, rồi những hàng biểu ngữ và đoàn biểu tình phản chiến theo sau. Đáng lẽ chính những bà mẹ Việt Nam của cả hai miền Bắc và Nam đứng lên chống chiến tranh như vậy mới phải. Các bà mẹ của hai miền phải ngậm đắng nuốt cay nhìn lũ con của mình bị dụ vào thế phải chém giết nhau. Thật mỉa mai! Thật nghịch lý!

    HUY: Người Mỹ thích những con số cụ thể, và thống kê báo cáo rằng số bom dùng cho chiến cuộc Việt Nam đã từ lâu vượt tổng số bom sử dụng suốt kỳ đệ nhị thế chiến. Họ nghĩ rằng với số bom như vậy, nhìn máu chảy, người cộng sản phải chùn bước. Lầm biết mấy! "Nhìn máu chảy người cộng sản phải chùn bước" là vẫn suy tưởng theo giả định người cộng sản cùng một mẫu số chung là "tình người" với bên mình. Họ đâu còn là người, họ đã thành quỷ từ lâu rồi, một thứ quỷ mặt xanh nanh vàng; họ không có máu đỏ như người khác, nên họ không có thứ tình cảm của nhân loại là thấy máu chảy thì ruột mềm. Trái lại họ lập tức sử dụng máu đó làm chất liệu để gây căm hờn và để có thêm "chính nghĩa" mà giằng lấy những đứa con khỏi tay những bà mẹ, giằng lấy những chàng trai khỏi vòng tay của những người vợ, người tình. Hai bên nói hai thứ tiếng hoàn toàn khác nhau!

    HƯƠNG (vẻ lo lắng): Nhận định như vậy thì bên quốc gia mình đành khoanh tay chịu trận sao anh?

    HUY: Không đâu, trên đây là tôi hoàn toàn nói theo sự bốc đồng của tình cảm một chiều. Tôi còn nhớ kinh A Hàm có câu:

    Cái này có thì cái kia có,

    Cái này sinh thì cái kia sinh,

    Cái này không thì cái kia không, Cái này diệt thì cái kia diệt.

    Đó là một định luật hiển nhiên hơn bất kỳ một định luật khoa học nào. Tôi chưa thể trả lời câu hỏi của cô, khi mà chúng ta chưa dò hiểu vấn đề để nhìn thấy hết những ngọn nguồn lạch sông.

    HƯƠNG: Vậy những ngọn nguồn lạch sông ấy là...

    HUY: Nhiều lắm! Nhiều lắm! Đúng như chúng ta vẫn đồng ý với nhau là cuộc chiến ở đất nước hiện giờ là một nghịch lý đệ nhất vô nhị của lịch sử nhân loại tự cổ chí kim, một nghịch lý vô tiền tuyệt hậu! Bởi vậy chúng ta hãy kiên nhẫn bóc dần từng khía cạn...

    (Huy ngừng nói, ngẩng nhìn trần như để tìm xem nên khởi đầu bằng khía cạnh nào thì hợp lý hơn cả. Thiện vội vàng đứng dậy xin lỗi một phút. Khê dướn lông mày, mủm mỉm ghé tới bên tai Huy: "Vị thủ tướng tương lai của chúng ta thận vốn kém!" Huy phải cố nhịn cười để giữ cho được đúng vẻ đấy là câu chuyện không quan trọng giữa hai người đàn ông nói riêng với nhau.)

    KHÊ: Khi vừa tới đại học này cũng có một lần tôi cùng ngồi trong một căn phòng học với một số sinh viên nhiều quốc tịch khác nhau: Thái Lan, Nhật Bản, Hy Lạp, Ba Tây, Cao Ly. Anh sinh viên Ba Tây hỏi tôi: "Anh yêu người Mỹ hay anh ghét người Mỹ?" Câu hỏi thật nhàm chán, tôi đã nhiều lần giải thích những câu tương tự hồi còn ở Washington. Anh bạn sinh viên Hy Lạp với bộ râu mép đạo mạo nhanh nhẩu đáp lời: "Tất nhiên là anh ta thích người Mỹ!" Anh bạn Ba Tây mày râu nhẵn nhụi, tai nghe lời anh bạn Hy Lạp, mắt nhìn tôi, đầu khẽ lắc và nói bằng một giọng đắn đo: "Không, anh ta không ưa người Mỹ đâu, tôi biết." Đến lúc đó tôi mới bước ra khỏi trạng thái chán chường mà trả lời cả hai: "Tôi yêu nước Việt Nam!" Đã đành sống ở hoàn cảnh hoàn toàn khác biệt, họ không thể hiểu hết những u ẩn của đất nước mình, nhưng phải công nhận cuộc nội chiến của mình thật là ô nhục.

    Thiện đã trở lại ngồi chỗ cũ.

    HUY: Lắm lúc tôi cũng muốn gầm lên mà hỏi rằng: "Già Hồ, suốt một phần tư thế kỷ rồi, ông đày đọa cả một dân tộc hiền hòa này trong máu, lửa và nước mắt để làm gì? Để phục vụ cho lý tưởng quốc tế? Quốc tế nào? Quốc tế Nga chửi Tàu hay quốc tế Tàu chửi Nga? Ông chặt đầu dân tộc, cắm đầu quái thai vào, rồi ông dùng sức chịu đựng dẻo dai của dân tộc bắt phải hứng lấy trăm cay nghìn đắng mà lẽ ra chính cái quái thai ấy phải chịu, ông dùng dòng máu lành mạnh của dân tộc nuôi lớn khối óc quái đản của quái thai để phục vụ cho quốc tế nào? Quốc tế Tàu chửi Nga hay quốc tế Nga chửi Tàu? Nhưng mà họ chửi nhau thế, họ đâu còn là quốc tế nữa, họ thành quốc gia rồi ông ơi!

    Im lặng giây lâu.

    Một buổi tối tại ký túc xá tôi ở, một bạn sinh viên ngoại quốc mời tôi sang buồng anh xem TV phim thời sự về Sài Gòn. Thoạt anh chỉ muốn tôi được nhìn hình ảnh của quê hương, nhưng sau anh không ngờ... Cuốn phim thời sự cho tôi thấy hình ảnh những em bé nạn nhân của chiến cuộc: Có em bé khuôn mặt thật xinh, hai chân cụt còn băng bó; người ta hỏi em về tuổi, về lớp em học, về trường hợp em lâm nạn; có em băng bó ở khoảng cằm, hàm dưới bị đạn xuyên văng đi mất; có em băng bó quanh mặt, và môi em phải luôn luôn hón tròn hình chữ O, vì đau hay vì thương tích chạm phải một dây thần kinh nào đó. Bên cạnh hình ảnh xé lòng những trẻ thơ vô tội nạn nhân của chiến cuộc là hình ảnh thối nát của miền Nam, hình ảnh chợ đen, buôn lậu, hình ảnh đĩ điếm ở Sài Gòn và cuộc phỏng vấn một ông bố bày tỏ lòng lo lắng cho đứa con gái của ông, ông lo nếu không cẩn thận cô bé sẽ sa vào vòng đĩ điếm vì phong trào đĩ điếm đương quá phồn thịnh ở thủ đô Sài Gòn với dân số chen chúc lên tới ba triệu này... Tôi ngồi xem TV, mặt sượng như hủi, không muốn nhúc nhích. Anh bạn ngoại quốc cũng yên lặng không nói gì, anh hiểu. Tới một đoạn gặp hình ảnh các em nhỏ bận đồ voan trắng tập múa ballet, anh nói "Chỗ này được!" Và anh vội tắt TV ngay sau đó. Tôi trở về buồng, lên giường nằm thao thức không sao ngủ được. Tôi còn nhớ, mãi tới gần sáng mới chợp mắt được và mơ thấy mình trở về làng cũ tại miền Bắc dưới một bầu trời sẫm màu ảm đạm, và tay ôm đứa con gái út đi vào ngõ xóm cũ có căn nhà cha mẹ và tôi gặp những người bà con đương khiêng chiếc quan tài của mẹ tôi bằng chiếc đòn tre dài. Tôi khóc rống lên nói với đứa con gái nhỏ trên tay: "Bà nằm trong đó con ơi!" (Huy nhìn mọi người đôi mắt bỗng sực tỉnh, như một dòng sông chuyển dòng) Người Mỹ dùng vượt cả tổng số bom thời đệ nhị thế chiến... mặt trái của sự hùng hậu ấy là sự sa lầy; sự tàn bạo và xảo quyệt của người cộng sản tinh vi đến mức được nâng lên hàng nghệ thuật tuyệt luân, mặt trái của thứ "nghệ thuật tuyệt luân" đó cũng là thất bại va đầu vào thành đá. Bảo là thái độ khước từ của người dân mình như vậy tiêu cực quá? Chúng ta không có cách nào hơn. Gươm tự bốn ngả đâm lại, chúng ta phải đứng trên điểm những đường gươm giao nhau, đó là thương tích tối thiểu. Tiêu cực, vâng, nhưng là thứ tiêu cực sừng sững làm cho những dòng sông phải đổi dòng, và dòng lịch sử thì có bao giờ ngừng tiến, định luật của biến đổi mà. Chúng ta tương xứng với những nghịch lý mà chúng ta đương nai lưng gánh chịu (Huy cười lớn hầu như vô cớ) vì cớ này hay vì cớ khác, đồng ý, nhưng chúng ta thức tỉnh, có lúc nào chúng ta ngừng thức tỉnh đâu? Tôi lạc quan chính vì điểm ấy.

    Mọi người giữ im lặng giây lâu rồi kẻ nọ theo người kia nâng ly thanh toán nốt ngụm cà-phê cuối cùng. Thiện ngước nhìn lên chiếc đồng hồ hình mặt nguyệt lớn treo ở cuối phòng, nói:

    - Kinh khủng chưa, đã gần mười hai giờ rồi. Nhưng mà này anh Huy vì sao chúng ta đến nông nỗi bị bốn bề gươm xỉa lại?

    Huy cười:

    - Ấy ấy, đó lại là một đề tài khác. Có lẽ lại phải làm lại món gà nấu bào ngư và trở lại phòng này uống cà-phê một lần nữa.

    Mọi người cùng cười và cùng đứng dậy mang theo ly, muỗng tới đặt trên quầy tự động để những thứ đó được tự động đưa vào phía trong nhà bếp. Thiện và Khê đưa Huy và Hương ra tậng cổng campus, cho tới khi vẫy được chiếc taxi. Họ hẹn sẽ còn gặp nhau trước khi Huy trở về Nashville.

    Khi taxi đã chạy. Hương nói với Huy:

    - Lát nữa xuống taxi em sẽ phone cho Crys.

    - Cô có sợ giờ này Crys ngủ rồi?

    - Không đâu anh. Mà dù có ngủ rồi, nhưng nghe em phone bất ngờ như vậy Crys thích lắm.

    Agréable surpise! Chính em cũng thích nữa. Mỗi khi nghe chuyện buồn đất nước, em thường vẫn thích có những hành động lẩm cẩm tương tự.

    - Đồng ý. Có lẽ tôi cũng nói với Crys là tôi mới mua được một cuốn sách nhỏ khác về Thiền để tặng Crys.

    Xuống taxi, Huy và Hương tiến ngay tới nơi có chiếc phone công cộng. Qua cửa kính Huy cũng thấy lòng vui lây khi thấy vẻ nói chuyện tưng bừng của... hai người. Hương lúc đó chính là tấm gương phản chiếu Crys ở khoảng cách đâu đó.

    Hương đã ra và nói với Huy:

    - Crys muốn được tiếp nối câu chuyện với anh. Huy cầm lấy máy nói, cửa kính gấp vẫn bỏ ngỏ cho mát.

    Hello, Crys mạnh giỏi chứ?... À chúng tôi chả vừa hội họp với nhau ở đằng campus nói chuyện về tình hình đất nước chúng tôi mà... Ồ Thiền, thế quyển sách đó Crys đọc tới đâu rồi?... Tốt lắm, Thiền chính là một cách tập thể dục cho trí thức la-tập Tây phương đi vào nhất nguyên mà... Sáng nay tôi mới tìm mua được một cuốn nói về Thiền nữa... Vâng cũng loại nhỏ và mỏng như cuốn của Crys... Ồ, nhiều chuyện hay lắm, tôi có đọc lướt qua, mạn phép Crys đọc lướt qua... Sao lại mạn phép à, bởi cuốn sách đó là của

    Crys, tôi mua để dành ngày mai biếu Crys làm món quà Đông phương của một người bạn Đông phương của Crys... Có gì mà phải cám ơn trước, như vậy là không Thiền rồi... Chà, để tôi thử cố nhớ xem có thể kể được không, vâng, đây là chuyện một cậu nhỏ học Thiền. Một hôm sự phụ bảo cậu hãy cho nghe tiếng hai tay vỗ vào nhau. Cậu vỗ tay. Sư phụ lại bảo: "Giờ thì con hãy cho thầy nghe tiếng vỗ của một tay." Cậu bé hẫng người. Cậu xin phép thầy cho rút lui về để suy nghĩ. Hôm sau cậu tới đánh cồng bằng một lòng bàn tay. Thầy lắc đầu. Hôm sau nữa cậu tới dùng một tay bắt chước tiếng nước nhỏ giọt. Thầy lắc đầu. Hôm sau nữa cậu dùng một tay bắt chước tiến con dế gãi chân. Thầy vẫn lắc đầu. Rồi mười hôm liền cậu cố tìm ra mười cách khác nhau đều không đúng ý thầy. Cậu bèn ở lỳ trong phòng một năm trường suy nghĩ về mọi tiếng động và cũng lần lượt loại bỏ hết chúng. Sau cùng cậu chợt giác ngộ, cậu đến trình diện thầy. Trước đây mỗi lần đến trình diện như vậy, cậu phải kính cẩn báo hiệu bằng một tiếng cồng gõ nhỏ, lần này tuyệt đối yên lặng, cậu rón rén đến bên thầy trình rằng: "Thưa thầy con đã nghe được thứ tiếng, như ý, đó là thứ ba động vô thanh!"... Ồ Crys hiểu ngay như vậy được, là giỏi lắm rồi. Mai gặp lại sẽ biếu Crys cuống sách đó... Cám ơn chúc Crys ngủ ngon.

    Cả Hương và Huy cùng vui vẻ tỉnh táo hẳn trên quãng đường nhỏ đưa về nơi Hương trọ. Hương bỗng dừng lại nhìn dòng sông đào Chicago chảy lặng lờ vế phía hai tòa nhà chọc trời Twin Towers phía xa. Con sông đào nhân tạo này chỉ gợi lên trong trí Hương những con sông thiên nhiên Hương đã gặp. Nàng nói:

    - Anh biết đấy, Mỹ quốc có nhiều sông dài và đẹp, nhưng hầu hết chúng bị "nhiễm độc" bởi các thừa thãi tự các nhà máy tống ra.

    Huy nheo mắt ngắm dòng sông đào ở khoảng tương đối ít ánh sáng này và nói:

    - Quãng sông này gợi tôi nhớ đến con sông Tchépone bên Lào, nước cũng xanh đặc rêu, phẳng lặng như hồ, chỉ khác hai bên bờ con sông Tchépone cây cối um tùm, bóng tối thăm thẳm, nước sông chảy thật im lìm như dấu diếm con giao long nằm ngủ trong hang.

    Hương bỗng gật đầu và bắt đầu chuyển bước:

    - Em nhớ một lần lên thăm bạn tận miền Bắc Pennsylvania, ngắm con sông Delaware mới tự nguồn thoát ra nên tránh được số phận tủi nhục đó. Dòng sông vẫn trong sáng như nưới suối, mát lạnh và ngọt ngào.

    Hương bỗng cười lớn hơn:

    - Ở quãng sông đó phái nam nhi như các anh muốn giặt dải mũ cũng được, muốn rửa chân cũng được, nhưng nữ nhi như em, em chỉ thấy nhớ nhà, lần đó em nhớ nhà kinh khủng. Lòng quê rờn rợn vời con nước. Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà...

    Huy có cảm tưởng dư âm tiếng cười của Hương cùng dư âm lời thơ Huy Cận nàng vừa đọc chỉ nhòa đi khi nàng bước vào vùng bóng tối nhờ nhờ đổ xuống của chiếc building nàng trọ. Vào thang máy rồi, Hương còn phác qua với Huy đứng ngoài về chương trình gặp mặt bữa mai.

    Huy qua gót trở ra, ngược đại lộ Michigan để sẽ tới khúc quanh và đường Wabash, nơi khách sạn chàng trọ, Y.M.C.A.


  5. #5
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Trở về Nashville Huy viết thư ngay lên Chicago cám ơn Hương, Khê, Thiện và hỏi thăm Crys. Hồi ở Sài Gòn Huy vốn ghét những công việc làm ước lệ khuôn sáo như vậy, nhưng tới sống ở đây hơn một năm, nhập gia tùy tục rồi thành thói quen, hễ sau một cuộc vui được mời, trở về thế nào cũng có lá thư hay tấm các cám ơn.

    Bỏ thư xong, tiện đường Huy lái xe vào một siêu thị gần đấy mua một số nho, táo, cam. Còn hai hôm nữa mới tới ngày ghi tên nhập khóa mùa thu, tối nay chắc chắn mấy anh em Việt Nam cũng tới họp ở nhà chàng để tán gẫu. Có cà-phê để tỉnh ngủ, có nho, táo, cam để nhấm nháp, chuyện tha hồ nổ như pháo ran (đại loại đủ bi, hài, tếu, ưu tư như bất cứ nơi nào có từ hai người Việt Nam trở lên). Khi hết chuyện nói, hay để cho lời nói ngầm trong im lặng, thì đã có bối cảnh âm thanh của chiếc tape-recorder vẫn quay đều đấy, đủ các loại nhạc: nhạc cổ điển, nhạc nhẹ, nhạc Việt, nhạc jazz. Nếp sống đó thật bình thường với người Mỹ, nhưng cũng thật đế vương xo với nếp sống khắc khổ của người dân nước nhà dưới các vùng lửa đạn.

    - Hello Huy!

    - Oh, hello Ann!

    Vừa tới khúc quành của hai dãy hàng trong siêu thị, thì bất ngờ Ann và Huy gặp nhau. Ann đương học MA về hóa học hữu cơ, nàng chỉ là bạn cùng trường chứ không cùng lớp với Huy. Ann đã có chồng, có hai con rồi ly dị, hiện hai đứa nhỏ, đều là gái, ở cùng với Ann trong riêng một căn nhà thuộc khu ký túc của những nam nữ sinh viên từ cao học trở lên. Căn nhà Ann ở đối diện chênh chếch với căn nhà Huy. Nhiều khi hai người gặp nhau trên sân tennis gần đấy, đôi lần giao du thân mật - vì tiện dịp vắng vẻ - trong căn phòng Huy. Ann không đẹp lắm, khổ người hơi thô, nhưng câu chuyện nói thường rất có duyên và những câu hỏi thường rất thông minh.

    - Chuyến hè vừa rồi Ann đi đâu?

    - Tôi mang hai cháu về thăm má tôi tận Denver.

    - Tôi vẫn ao ước thăm miền núi nổi tiếng là đẹp đó. Ann cũng mới tới trường hôm nay?

    - Không, tôi tới tự hôm qua. Chắc anh tới đây mua các thứ về làm các món ăn Việt Nam?

    - Không, tôi chưa có ý định đó vì tôi cũng mới tự Chicago về đêm qua còn mệt lắm, ăn ở cafeteria cho tiện, đây chỉ mua ít hoa quả và cà-phê. Cà-phê Maxwell đấy, thơm tuyệt, chiều nay Ann sang bên tôi uống cà-phê đi.

    - Tôi không nghĩ rằng chiều nay có thể sang uống cà-phê với anh được. Anh biết đấy, tôi còn lãnh nhiệm vụ chủ tịch đoàn thể các anh chị em sinh viên quốc tế nốt khóa trình mùa thu này, chiều nay tôi phải đi họp để dự thảo chương trình ra mắt vào những ngày đầu khóa tới.

    - Không sao, cà-phê tôi mua nhiều mà, lần khác chờ Ann.

    - Đúng thế! À thế vào buổi ra mắt các anh chị em sinh viên quốc tế, anh là chủ tịch sinh viên Việt

    Nam ở đây, anh đóng góp giúp một cái gì nhé, cho buổi ra mắt được đặc sắc.

    - Được, để tôi sẽ họp bàn cùng các anh em Việt Nam ở đây xem sẽ đóng góp được gì.

    - Rồi đây khi học xong trở về nước tất nhiên anh sẽ về qua ngả Đại Hàn rồi!

    Cả hai đều bật cười lớn, Ann hơi ngật đầu về phía sau, mái tóc nâu hồng cắt ngắn của nàng được dịp xõa rộng để hở chiếc cổ trắng hồng khỏe, thật khỏe. Huy ghé tới gần nói vừa đủ cho Ann nghe:

    - Mọi thất bại, mọi buồn phiền của cuộc đời đều tìm thấy an ủi ở đó!

    - Cả cô đơn của cuộc đời nữa chứ Huy - giọng Ann thân mật có đượm chút khiêu-khích.

    Hai người đẩy xe tới quầy hàng, Huy xếp hàng để trả tiên, Ann xin lỗi, tiếp tục đẩy xe vào dãy gần đấy mua thêm vài thứ nữa.

    Bao giờ hai người gặp nhau, thế nào cũng đá gà câu chuyện có đôi chút tiếu lâm như vậy.

    Khi Huy tới trường này thì Ann đã tới trước và học được một khóa trình rồi. Dạo đó Ann đương bắt bồ với Bob, anh bạn Mỹ trọ cùng nhà với Huy. Bob kém Ann dễ thường đến ba hay bốn tuổi và học về ngành thể dục học đường. Bob thuộc hạng chàng trai vạm vỡ mà Ann thuộc loại phụ nữ khát tình. Bob tuy cao lớn nhưng giọng nói y như đứa trẻ mới lớn còn làm nũng mẹ, nhất là vào lúc anh cố tình hài hước. Ngay hôm đầu tiên tới trường được giới thiệu đến ở cùng nhà với Bob, thì khoảng năm giờ chiều hôm đó Bob vừa có cái hẹn đầu tiên với Ann. "Phục vụ" Ann về, Bob phải vào bếp làm ngay một miếng beefsteak bự ăn kèm với bánh mì phết mứt cam. Ăn xong rồi Bob mới tới than phiền với Huy: "Luật cấm cậu ạ, điều đó luật cấm." Huy còn bỡ ngỡ chưa rõ luật cấm cái gì thì, Bob đã nghiêng người giơ vai và lưng racho Huy thấy những vết cào cấu của bạo dâm. Huy vội lấy ra lọ dầu khuynh diệp mang theo từ Việt Nam bóp vào những vết tích cuồng loạn đó. Bob chịu thứ đầu của Việt Nam lắm.

    Cũng kể từ đó hai đứa con gái Ann (đứa lớn đã đi học mẫu giáo) hằng ngày thường sang nhà Huy và Bob chơi. Một lần vào khoảng sáu giờ chiều, trời còn sáng rõ, đứa gái lớn đã tới gọi Bob, giọng em trong suốt ngây thơ: "Bác Bob ơi, má bảo tới!" Tiếng Bob đáp "Ờ bê-by về đi, bác tới ngay."

    - Ê này Bob, chịu khó phục vụ nàng suốt đêm nhé.

    Bob lắc đầu:

    - Mai mình đã phải thi trắc nghiệm rồi. Xong là về ngay.

    Rồi Bob khoác vội chiếc áo lót mình, vẫn mặc quần soóc, chân thọc vào giày, không bít-tất, và đi sang bên kia đường.

    Quả nhiên khoảng bảy giờ Bob đã trở về cũng vào làm món beefsteak ăn với bánh mì phết mứt cho lại sức, và trước khi vào ngồi bàn học Bob cũng nhờ Huy lấy dầu Việt Nam - Bob gọi vậy - thoa bóp cho vài "thương tích" mới còn tím bầm trên lưng và bả vai. Để đáp lời đùa cợt của Huy, Bob chỉ biết lắc đầu nói đi nói lại mấy lần câu: "Nhiều ái tình quá, không tốt!" Và khi Huy đã thoa bóp cho xong, Bob đứng thẳng người dang hai tay, rồi với một giọng bi hài, phân trần bằng một câu tiếng Anh làm Huy cười bò: "She always wants a man into her!"

    Ann vẫn thường hay đến tán chuyện gẫu với Huy (trường hợp Bob có nhà, Bob chỉ thỉnh thoảng đá gà vài câu). Lúc nói chuyện, Ann ưa uống cà-phê đặc không đường như thói quen của nhiều người Mỹ, thuốc lá thì hết điếu nọ tiếp điếu kia. Có lẽ vì vậy câu chuyện luôn luôn nở như bắp rang, phần nhiều là chuyện tếu. Chuyện đầu tiên Huy nói với Ann chính là lời tuyên bố khi chàng hồi hương sẽ tạt qua Đại Hàn.

    - Tại sao anh có vẻ thiết tha tạt qua Đại Hàn thế? - Ann hỏi.

    - Tôi có anh bạn đồng hương theo lộ trình đó, thể theo lời mời của một bạn đồng học Đại Hàn. Tới phi trường Hán Thành trong số những bạn tới đón, còn một cô gái trẻ măng, cô là một thứ geisha Đại Hàn. Cô săn sóc anh bạn từ lúc đó. Rồi lên taxi. Rồi về lữ quán ăn cơm. Trong khi ăn, cô ngồi bên tiếp thức ăn. Tiệc tan, cuộc đàm đạo dứt, mọi người ra về, cô gái ở lại. Tới lúc đó anh bạn của tôi mới hay là theo mỹ tục hiếu khách của Đại Hàn, cô gái kia ở lại với anh suốt đêm cho anh bớt cô đơn. Anh có muốn trung thành với vợ mà từ chối cũng không được!

    Ann hút mạnh một hơi thuốc lá, chấm lửa đỏ bừng, rồi cười lớn phà khói trắng:

    - Thế thì rồi đây khi hồi hương, anh Huy thế nào cũng tạt qua Đại Hàn rồi!

    Xen vào những chuyện tếu tương tự đôi khi là chuyện thời sự, tuy nhiên đối thoại về thời sự với Ann không làm Huy buồn phiền chút nào, bởi thái độ của Ann rất bộc trực và phóng khoáng. Những nhận định thẳng thắn của nàng tung ra rồi bỏ đấy, không bao giờ nàng quan trọng hóa vấn đề.

    Lần đó Ann đến chơi, chỉ có Huy ở nhà. Huy nói với Ann:

    - Tôi vừa mua cà-phê Maxwell về, vào đây Ann, tôi biết Ann thích loại cà-phê này.

    Uống cà-phê và lần đầu tiên Ann phát biểu về lập trường nên hay không nên phản đối cuộc chiến tranh của người Mỹ ở Việt Nam: "Người Mỹ rất thực tế, nhất là về vấn đề tiền nong, thực tế đến chi ly là khác, vậy nếu không có lợi xa lợi gần, dễ gì chúng tôi đem tiền đổ sang cuộc chi chiến bên nước anh!"

    Huy lùa tay vào mái tóc Ann để tán thưởng câu nói sáng suốt, thành thực đó. Căn nhà vắng vẻ, chiều xuống bên ngoài, a tòng. Huy nhìn thẳng vào đôi mắt màu hạt dẻ của Ann và cúi xuống hôn. Môi Ann giữ rịt lấy môi chàng.

    - "Má!" Đứa con gái lớn của Ann chợt tới.

    - "Ồ con," đôi mắt Ann sáng lên khi nhận ra con. "Em đâu, con?"

    - Em đương chơi xích đu ở nhà.

    - Vậy con về nhà chơi xích đu với em đi. Rồi má về.

    Đứa bé vâng lời mẹ xuống bực về ngay, tuy nhiên cũng đủ thời gian để hai mẹ con đối thoại nhau bằng bài hát nhi đồng nhịp điệu nhí nhảnh. Lời hát đối đáp rất thuần thục rất ăn ý chứng tỏ hai mẹ con đã nhiều lần thực tập:

    Mẹ: What did you learn in school today dear little girl of mine?

    Con: I learned that Washington never told a lie

    I learned that soldiers seldom die. I learned that everybody's free That's what I learned in school.

    Mẹ: Good girl!

    - Hôm nay con gái mẹ học được gì ở trường nào?

    - Con học được rằng Washington không bao giờ nói dối; rằng những quân nhân, ấy vậy mà hiếm khi chết; rằng mọi người sinh ra đều tự do. Đó là những điều con học được ở nhà trường.

    - Tốt lắm con!

    Cả hai mẹ con cùng cười khanh khách để chấm hết cho bài hát. Tiếng cười của em bé vang lại từ xa, bên kia đường, Ann đóng cửa lại. Huy khoác vai nàng cùng đi vào phòng. Huy nói bên tai nàng:

    - Mọi thất bại, mọi bất như ý, kể cả cô đơn nữa đều thấy an ủi ở những phút như thế này. Ann cắn khẽ lên vành tai Huy:

    - Anh nói đúng!

    Tuy thái độ nồng nhiệt của Ann như một minh chứng rằng hạnh phúc luôn luôn là thứ ánh sáng tỏa ra tự những đam mê thành thật, nhưng tựa như Ann cứ phải thường xuyên tự nhủ rằng đây là nàng giao thiệp với người Đông phương, chỉ nên nồng nhiệt chứ chả nên cuồng nhiệt, không tiện. Vì vậy Ann vẫn chưa được sống hết mình mỗi khi gặp Huy, và Huy cũng thấy rằng mình chưa được gặp nàng Ann thật, mặc dầu mỗi lần Bob gặp Ann về, Huy vẫn phải lấy ra lọ dầu khuynh diệp...

    °

    Huy ngồi một mình trên thảm cỏ xanh mướt của campus đại học. Mấy con sóc tự những gốc mapple gần đấy nhảy lại gần, mắt chúng hấp háy như hỏi han một cách thầm lặng xem có gì - thường là đậu phọng - cho chúng ăn không. Huy vỗ vào túi và sực nhớ gói đậu phộng chàng vẫn mua phòng hờ đã phân phát cho chúng hết từ hôm qua rồi. Chàng bứt một bông hoa cỏ tung lên, một chú sóc nhỏ nhất lanh chao nhảy lại gần hơn. Nhưng rồi cánh mũi phập phồng, nó đánh hơi được, tự biết là lầm, nó nhìn Huy thêm một lần nữa, đôi mắt giữ nguyên vẻ thơ ngây và bình thản, rồi mới nhảy đi, kéo theo đồng bọn.

    Huy mến loài sóc chính vì chúng có cái nhìn như vậy, không bao giờ thoáng gợn lo sợ, hay thất vọng, hay khiêu khích, cái nhìn của một... con-thuyền-không-người mà vẫn biết xuôi theo dòng sông, biết tránh không va vào những con-thuyền-có-người hoặc những trở ngại thiên nhiên khác, cái nhìn thể hiện được sự hòa hợp kỳ diệu giữa trưởng thành và thơ ngây, giữa ý thức và vô thức, nếu Huy có thể nói được như vậy.

    Một lần Huy chứng kiến cảnh một chó Đan Mạch cao lớn, lông đốm như hươu sao, mặt dữ như sư tử hung hăng rượt đuổi con sóc. Rất lẹ, sóc leo lên ngang thân cây vừa đủ tầm cao an toàn khiến chó không thể chồm tới, đầu sóc ngoái xuống, đôi mắt vẫn đen láy, không lo âu chẳng khiêu khích, nhìn con chó đương ngước đầu lên sủa hằn học và rầm rộ. Cảnh tương phản đó cũng kỳ thú như cảnh bông hoa tím xinh nở trên khối đá xù xì không rêu. Con chó ngừng sủa, bỏ đi, nham hiểm. Sóc nhảy xuống thảm cỏ. Chợt chó quay ngoắt mình, chồm vút lại, những muốn xuất kỳ bất ý sẽ vồ được sóc. Còn lẹ hơn ánh lân tinh bị gió lùa, sóc đã nhảy lên một thân cây khác gần đấy. Cùng với cánh mũi phập phồng, chiếc đuôi xòe vẫy vẫy từng nhịp ngắn gọn, đôi mắt đen láy nhìn xuống kẻ thù vẫn luôn luôn bình thản một cách đáng yêu đáng quý.

    Những giây phút ngắm sóc, sống với sóc, nhìn cái nhìn của sóc như vậy, Huy thấy được trở về với thời thần tiên xa xưa, thời tâm hồn nhân loại còn thuần khiết như dòng suối ở ngay đầu ngọn nguồn.

    Nhiều khi đối chiếu với đời sống nội tâm đầy ưu tư dằn vặt của mình, Huy cứ phải tìm về hình ảnh con sóc để cố học lấy bài học hồn nhiên thanh thản trong lúc sử thế tiếp vật. Phải, con sóc đâu có để con chó nham hiểm vồ, mà đôi mắt trong suốt vô tư của nó có gợn một tia nhìn nghi kỵ, hằn học nào đâu.

    Nếu con sóc là hình ảnh trong suốt của suối nguồn, thì cây dâu da ở quê nhà - một hình ảnh khác mà Huy trìu mến - đã gợi chàng hình ảnh một tâm hồn bao la, chỉ biết cho mà không bao giờ biết đòi. Từng chùm dâu da tua tủa đâm ra tự vỏ cây xù xì, hậu hĩ che phủ từ gốc lên đến ngọn và khắp các cành lớn, cành nhỏ đâm ngang. Như hệt hình ảnh bà mẹ hiền Việt Nam thể hiện và ban phát tình thương cho các con.

    - Huy nghĩ gì mà thần người ra thế? Huy giựt mình quay lại reo:

    - Ann!

    Tay Ann cầm tờ Newsweek mới, nàng ngồi xuống thảm cỏ bên Huy và chỉ một bài đương đọc, hỏi Huy:

    - Anh đọc bài này chưa?

    Huy gật đầu:

    - Đọc rồi!

    Huy biết đó là bài điểm sách của tờ Newsweek nói về cuốn "Tiểu sử chính trị của Hồ Chí Minh", tác giả

    Jean Lacouture. Tác giả Pháp này công nhận họ Hồ đã lầm lạc và thất bại trong vụ cải cách điền địa đẫm máu, nhưng cũng công nhận họ Hồ trước hết là người ái quốc, họ Hồ chẳng thân Nga mà cũng chẳng thân

    Tàu, họ Hồ há chẳng đã nói: "Thà chúng tôi ngửi phân người Pháp ít lâu còn hơn ăn phân Tàu suốt đời." Ann hỏi:

    - Anh nghĩ sao, Lacouture bảo ông Hồ tuy là cộng sản nhưng trước hết ông ta là người yêu nước?

    Huy nhìn Ann cười bình thản, nhưng hình ảnh con sóc thì đã biến khỏi tâm tư. Chàng biết Ann thẳng thắn, không thành kiến, nhưng nếu với đôi lời vắn tắt, chàng giúp cho Ann hiểu người cộng sản nào cũng chỉ yêu có mục tiêu duy nhất của họ là làm sao đạt được chính quyền; lời họ nói chỉ quyến rũ như khúc hát nhân ngư, tay họ chìa ra chỉ êm như nhung khi họ chưa cướp được chính quyền, thì Huy cũng chỉ mới giúp Ann hiểu được nửa sự thực của cuộc đời, cuộc đời đầy uẩn khúc của những nạn nhân cộng sản mà Việt Nam là một điển hình thê thảm nhất.

    - Anh nghĩ sao? - Ann nhắc lại câu hỏi.

    - Ann có ghét gian dối không? - Huy hỏi lại.

    - Ghê tởm! - Ann đáp ngay do một phản ứng thành thực.

    - Thế là được rồi! Nhưng cái cao quý của lòng ghét gian dối chỉ nổi bật khi có gian dối ở trên cõi đời này. Bỏ cái xấu đi thì cái tốt cũng không còn. Hay ngược lại, nếu muốn nói cho gay gắt thêm thì: mình chẳng thể biết yêu nếu không biết ghét!

    Ann học về khoa học. Ann muốn một câu trả lời minh bạch hơn. Biết vậy, Huy nói tiếp cho ấm bầu không khí, như một vở kịch nhỏ:

    Xưa có một ngự lâm quân tới tìm gặp một thiền sư hỏi:

    - Thưa tiên sinh, có thật là có thiên đường và địa ngục chăng?

    Vị thiền sư hỏi:

    - Ông là ai?

    - Thưa tôi là ngự lâm quân của Đại Hoàng Đế.

    - Vô lý! Đại Hoàng Đế nào mà tuyển dụng thứ ông làm ngự lâm quân. Trông ông như một thằng ăn mày!

    Người lính ngự lâm quân vỗ gươm lách cách bên mình, giận dữ. Thiền sư cất tiếng cười hô hố:

    - Thì ra ông có đeo gương nữa kia đấy. Gươm nhụt như vậy cắt nổi cổ ai!

    Người lính không thể tự kìm giữ được nữa, rút phắt thanh gươm sáng loáng ra khỏi vỏ. Thiền sư gật gù nói:

    - Bây giờ thì ông đã biết được nửa câu trả lời rồi đó: ông đương mở cửa địa ngục!

    Người lính vội dịu lại, tra gươm vào vỏ và cúi dầu. Thiền sư tiếp tục với nụ cười hiền:

    - Bây giờ thì ông biết nốt phân nửa kia: ông đã mở cửa thiên đường!

    Thiên đường và địa ngục là vậy đó, Ann! - Huy kết thúc câu chuyện - Yêu và ghét đời này cũng vậy thôi!

    Rồi vô tình Huy vung tay cất tiếng hát. Chàng hát điệu Nói Lệch Cấm Giá, lời Thị Mầu trong vở chèo cổ

    "Quan Âm Thị Kính". Ann tròn mắt:

    - Tuyệt! Có phải bài anh sẽ trình bày trong buổi ra mắt với các anh chị em sinh viên quốc tế tối mai chăng?

    - Thật ra tôi chưa có ý định đó, nhưng nếu Ann thích thì tôi sẽ hát bài đó tối mai. Khóa mùa thu này chúng tôi có thêm một chị nữ sinh viên mới từ Sài Gòn tới, chị mang theo chiếc đàn mười sáu dây, chị cũng sẽ trình diễn vào tối mai.

    - Như vậy tôi tin là Việt Nam sẽ độc đáo. Bài anh vừa hát là một bài dân ca? - Ann nói, giọng tràn bờ niềm vui thưởng ngoạn.

    - Đó là một điệu cổ nhạc miền Bắc, lời ca của một cô gái lẳng lơ đến chùa từ ngày mười ba âm lịch thay vì ngày rằm để quyến rũ một nhà sư trẻ.

    Huy kể cho Ann nghe qua tích chèo Quan Âm Thị Kính và chàng kết luận với Ann:

    - Vở chèo này diễn ra, các cô gái đứng đắn nào cũng khoái vai Thị Mầu, bởi thực ra người con gái nào cũng chất Thị Mầu trong mình, và càng những cô đứng đắn càng cần thưởng thức vai Thị Mầu trên sân khấu để giải tỏa ẩn ức.

    Ann vùng đứng dậy cười lớn và vỗ mạnh lên vai Huy:

    - Đúng! Anh nói đúng.

    Và họ chào chia tay.

    Đi được một quãng, Ann còn quay lại:

    - Anh Huy nhớ mai trình diễn bài cổ nhạc đó nhé.

    °

    Nhưng rồi buổi tối hôm sau Huy đã không hát bài đó, chàng hát điệu Đào Liễu và điệu Đường Trường êm và buồn do Duyên, cô bạn sinh viên mới, đề nghị, hát theo tiếng đàn tranh của nàng. Duyên đã theo học tại Âm Nhạc Viện quốc gia nên nàng đàn vững lắm.

    Tiếng đàn khi thì thánh thót, khi thì như nước dội, nhịp cho điệu hát buồn thuần túy của đất nước giữa đám sinh viên quốc tế đủ màu da, đám sinh viên chắc chắn có thừa mứa thành kiến về chiến cuộc Việt Nam. Tiếng đàn và điệu hát như muốn biến thành dòng suối trong rửa sạch những sầu hạn lắng kết đã nhiều trong tâm tư anh chị em sinh viên Việt Nam có mặt.

    Bài hát dứt. Ann tiến lên nói với Huy và Duyên, giữa tiếng vỗ tay của mọi người:

    - Cám ơn Duyên và Huy, các bạn đã giúp cho mọi người hiểu rằng Việt Nam còn là cái gì khác ngoài chiến tranh.

    Vào lúc buổi gặp mặt gần tan, Ann nói với Huy:

    - Anh nghĩ sao, lát nữa tạt vào tôi uống một ly cà-phê?

    - Cà-phê Maxwell?

    - Cà-phê Maxwell!

    - Được lắm!

    Cả hai cùng bật cười vô cớ. Cà-phê Maxwell bỗng nhiên thành một ký hiệu.

    Khi Huy theo Ann vào nhà, đứa con gái lớn đã ngủ, duy còn đứa nhỏ. Bỗng Ann ngồi xuống bên con, khuôn mặt thoáng buồn. Biết đâu Ann chẳng ôn lại giấc mộng nào tuổi trẻ, nghĩ lại mối tình dang dở với người cha hai đứa nhỏ, và chắc chắn Ann còn nhớ điệu hát Việt Nam êm buồn cùng tiếng đàn tranh vừa qua. Ann vừa vỗ vỗ lưng con nhỏ, vừa hát một bài hát ru, êm thật êm, đến có thể phảng phất lẫn với nỗi buồn Đông phương. Huy nhận ra ngay bài Hush-A-Bye bất hủ mà bộ ba du ca Peter, Paul và Mary đã từng trình diễn trước công chúng ngoài trời tại hầu hết các thành phố lớn Mỹ quốc: New York, Washington DC, Chicago, St Louis... Bài hát đã được thu vào băng nhựa cho hầu hết các đài phát thanh từ miền Đông đến miền Tây. Bộ ba hai ông một bà này chuyên hát những bài cuồng loạn, nhưng khi họ hát đến Hush-A-Bye, họ như hóa sinh ngược trở lại một kiếp khác xa xưa nào. Giọng họ mơn man êm nhẹ thành gió thoảng, thứ gió thoảng thuở hồng hoang mới có cặp trai gái đầu tiên, sinh hạ ra đứa con bụ bẫm đầu tiên cho nhân loại.

    Giọng Ann ru con hôm nay cũng êm như vậy. Người đàn bà khát tình đó lúc này cũng thoát xác trở lại thuở con gái ngày nào, thuở "Đông đào Tây liễu" của ca dao Việt Nam, vừa mơ ước người mình yêu, vừa hát ru đứa con mình mơ ước có với người mình yêu. Ru đứa con mơ ước mà cũng là ru chính mình. Ru con hãy ngủ cho ngoan, khi trở dậy thì đã có đủ loại ngựa hồng, ngựa tía... cho con chơi. Tội chưa, bé khóc đòi mẹ giữa cỏ hoa đồng nội, chim bướm bay quanh:

    Hush-a-bye Don't you cry Go to sleepy Little baby When you wake

    You shall have all the pretty little horses. Dapples and grays

    Pintos and bays

    All the pretty little horses.

    Way down yonder is the meadow Poor little baby crying momma Birds and butterflies

    Flutter around his eyes

    Poor little baby cryin momma.

    Đứa nhỏ hình như ngủ ngay khi Ann vửa cất tiếng. Huy bỗng thấy cuộc sống phì nhiêu phồn thịnh lạ. Khóe mắt Ann bỗng thành lưu vực đẹp một con sông, niềm vui sống dâng lên tràn bờ. Huy ôm ghì lấy Ann từ phía sau, hai bàn tay bắt chéo đầy ắp ngực nàng. Hai người hôn nhau qua tiếng thở thảng thốt của chính nàng. Khúc hát ru không phải chỉ phủ hờ để ngụy trang cho cuồng nhiệt, khúc hát ru chính đã kích thích và phá vỡ lớp vỏ ngoài cho cuồng nhiệt nổ tung. Như bóng đêm vẫn làm. Trong bóng đêm Huy ôm Ann như ôm thiên nhiên vào lòng, chàng vẫn nghĩ con người phải gắn liền với thiên nhiên. Mất thiên nhiên con người sẽ vong thân như cá chợt hẫng mất nước. Khúc ca Hush-A-Bye êm ả đã tháo tung những xiềng xích Ann vẫn tự mang theo mỗi khi gặp Huy - thứ xiềng xích vô hình mà có thật - để nàng được sống thực với nàng. Huy ghì chặt và ngự trị một thiên nhiên vẫy vùng giông bão, và thật là kỳ lạ, tình yêu thống nhất với hận thù trong giải thoát. Huy cảm thấy nước ái tình chảy giàn giụa lên những khuôn mặt lãnh tụ của cả hai miền đã đẩy đất nước chàng vào tủi nhục nhường kia.


  6. #6
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    Đó cũng là lần cuối cùng Huy và Ann "sống" với nhau. Hôm sau Huy gặp Ann trên sân tennis. Giữa bầu không khí thể thao, giày trắng, quần áo trắng, người đẫm mồ hôi, xa kỷ niệm điệu cổ nhạc Bắc Việt và tiếng đàn tranh khi thánh thót, khi như nước dội, xa kỷ niệm khúc Hush-A-Bye huyền hoặc êm ru, Huy và Ann lại tỉnh táo trao đổi đôi lời tếu quen thuộc. Rồi tiếng banh qua lại khi mơn man nhẹ, khi quyết liệt mạnh lẫn với những tiếng banh tương tự vang lại tự những sân kế cận. Tiếng khen hay "Good shot" bao giờ cũng được đáp lại tức khắc bằng tiếng cám ơn "Thank you". Nếp giao tế đã thuần thục, máy mọc đến chẳng cần trí khôn can thiệp vào nữa. Vài ngày sau đứa con gái lớn tới nhà gặp Huy khoe má sắp lấy chồng "Mamma get married!" Chồng Ann lần này là một người đàn ông cao lớn, đã quá tuổi trung niên, mái tóc hoa râm quá nửa. Ann hình như bỏ tennis, mặc dầu căn nhà nàng ở nhìn ngay xuống dãy sân tennis một màu xinh ngọc thạch mịn màng. Một buổi chiều cuối tuần Huy mải mê quần thảo với bạn trên sân banh, thì Ann thấp thoáng mải mê mang lò nước thịt ra sân sửa soạn bữa ăn ngoài trời với món barbecue. Người chồng - vị hôn phu thì đúng hơn - đứng giữa khoảng sân nhỏ; thỉnh thoảng trong lúc ra ra vào vào như vậy, Ann dừng lại trước chồng, vòng hai tay ôm cổ chồng ngửa mặt đợi; người chồng vội ôm lấy ngang lưng nàng cúi xuống hôn khá lâu.

    Cuối tuần sau, rồi những cuối tuần kế tiếp, ít khi Ann ở lại campus; nàng lái xe đưa hai con về nông trại của người chồng mới khoảng giáp giới giữa hai tiểu bang Alabama và Tennessee.

    Thiên nhiên đã nhuốm sâu màu thu. Nhiều khi trên đường cắp sách tới lớp, Huy dừng lại trước cơn gió mạnh thổi ngược chiều và lá vàng đủ loại tới tấp rụng xuống như muốn đùa chặn lối đi.

    Vừa lúc đó Huy nhận được thư Hương cũng nhắc nét thu miền Bắc y như những điều Huy đã thấy trước đây:

    Anh Huy,

    Anh biết không, sáng nay week-end em dậy sớm, Crys tới lái xe đưa em ra khỏi Chicago, dọc theo một con sông. Bọn em dừng xe ngay sát bờ sông. Dòng sông đã cạn hẳn và trong veo. Khi trở về ngang qua campus, em thoạt giật mình tự nhủ: quái, đêm qua ai tinh nghịch lại đem sơn đỏ đổ đầy các bụi cây trước cổng trường thế kia. Nhìn kỹ em bỗng lạnh cả người, đó là những cây sumac đã đỏ rực nội trong một đêm, anh ơi. Thế là thu đã về, lạnh đã trở về, không chạy đi đâu được. Cho đến sáng hôm nay, chưa bao giờ em hiểu thấu hai câu Đường Thi một cách sâu xa như thế, hai câu nói về một lá ngô đồng rơi mà cả thiên hạ biết thu đã sang rồi đó:

    Ngô đồng nhất dịp lạc

    Thiên hạ cộng tri thu

    Em dang cả hai tay cho hồn mở rộng đón mùa thu miền Bắc của xứ Huê Kỳ này. Em mê màu lá đỏ rực của mùa thu, như một sương phụ vừa đam mê vừa nhẫn nhục tự đốt cháy hồn mình trước khi chết.

    Em nhớ ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ, tới Hoa Thịnh Đốn vào đúng mùa thu và được đưa đi du ngoạn Skyline Drive bên Virginia đúng ngày 15 tháng 10 là ngày màu thu rực rỡ nhất. Em nhớ mình đứng trên mỏm núi cao công viên Shenandoah nhìn cả một vùng rừng thu rực rỡ ngút ngàn trùng trùng điệp điệp bên dưới, mà vàng xe kẽ đây đó cũng chỉ có tác dụng làm cho màu đỏ càng thêm lộng lẫy rỡ ràng. Ấy là vào trung tuần tháng mười thì thế, nhưng nếu anh đến chậm chỉ chừng nửa tháng sau thôi mùa thu đã tiêu trầm đi nhiều, mười phần chưa dễ còn nổi ba.

    Chính cái cảm giác tự thiêu trong lộng lẫy để rồi tiêu trầm trong khoảnh khắc đó của mùa thu đã ám ảnh em hoài và mãnh liệt. Nghe như có tiếng kêu trầm thống siêu âm thoát ra tự khoảng màu sắc rỡ ràng

    mênh mông đó vang vào hồn em, lên men choáng váng thành một thứ đối-thoại-độc-thoại rờn rờn kỳ lạ. Cả danh từ Shenandoah của miền Virginia cũng gợi lên một âm hưởng hoang sơ trong lòng em: công viên Shenandoah, rặng núi Shenandoah, con sông Shenandoah, con sông Shenandoah mơ hồ nhũn nhặn đổ vào dòng Potomac... Và mới đây nữa em mua được một dĩa hát trong có bài ca ngợi dòng sông Shenandoah. Tiếng ca trầm buồn như dòng sông này lẩn theo tiếng đàn twangy quitar càng tô đậm thêm nỗi niềm cô đơn của dòng sông. Đôi lúc hợp ca chợt ùa tới nhẹ và thảng thốt như một bóng ma lẫn trong sương mù nương theo gió chợt đến chợt đi.

    Anh có biết vì sao thư này em viết tỉ mỉ về mùa thu đầu tiên của em ở Virginia năm nào không? Chỉ vì trong khi ngồi vào bàn viết hồn còn bồng bềnh trong kỷ niệm màu thu rực rỡ em vớ lấy cuốn Tự Điển Bách Khoa với ý định lật tìm chữ Virginia, thì lật ngay vào trang có chữ Việt Nam. Tim em tự nhiên nhói buốt. Lửa chiến tranh thiêu xém đất nước. Có còn gì nữa đâu?

    Thân

    Đọc thư Hương chẳng hiểu vì lẽ gì Huy nhớ đến Eroica của Beethoven, nhớ đến cánh tay trắng màu hoa ngọc lan của Crys khi Crys góp tiếng đàn vĩ cầm của nàng với ban đại hòa tấu của trường. Lá thư của Hương nhắc đến vẻ tiêu trầm hấp hối của vạn vật khi gặp thu về, nhưng trong cái tiêu trầm mênh mông của vạn vật Huy vẫn thấy có chút hạnh phúc gì biến thành nét vĩnh cửu, chẳng hạn giây phút ngắm cánh- tay-ngọc-lan của Crys rung trémolo cùng dàn nhạc, để thấy rằng nhạc đương chau chuốt cho cánh tay ngà đó vĩnh viễn đẹp với thời gian; chẳng hạn giây phút cuồng nhiệt với Ann do khúc hát ru Hush-A-Bye cởi xiềng... Nhưng rồi ngay buổi chiều hôm đó, xuống thư viện đọc tin tức chiến sự Việt Nam, thì tất cả - cả sự tiêu trầm của mùa thu với nét hạnh phúc vĩnh cửu - đều chìm vào trong một mớ cảm giác phức tạp của hận thù, tủi hổ và nhàm chán. Báo Mỹ vốn có tài khai thác mọi khía cạnh bi thảm của cuộc chiến này với một nghệ thuật cực kỳ vô trách nhiệm và bất nhân.

    Có ai tới vỗ vai Huy hỏi:

    - Anh nghĩ gì mà nét mặt đau khổ thế?

    Huy quay lại nhật ra vị giáo sư hướng dẫn của chàng. Chàng chào ông, chưa kịp trả lời, thì nhìn tờ nhật báo với hình ảnh chiến cuộc Việt Nam in trên trang nhất, ông hiểu. Ông nói ngay với Huy:

    - Nếu anh muốn yên tâm học, có hai cái anh cần dứt khoát tránh là báo chí và TV xứ tôi. Nghệ thuật của những chuyên viên trong hai lãnh vực đó là tước bỏ hết những gì hiền lành, chỉ tinh lọc lấy những gì đánh mạnh vào cân não người ta! Hoặc giả cần lắm, anh chỉ đọc một tờ tuần báo hoặc Times hoặc Newsweek, thế là đủ.

    Ở thư viện về nửa đường Huy gặp Thụ và cả hai cùng đồng ý về nhà Huy uống cà-phê nói chuyện gẫu.

    Huy đương cần nói chuyện với bạn để khuây khỏa nỗi chán chường.

    - Nàng tiên tóc vàng của cậu ra sao? Cậu bị kèm riết hả? - Huy hỏi. Cứ week-end là mất mặt cậu!

    - Thì nàng mang xe lại bắt cóc đi, anh tính chạy đâu cho thoát! - Thụ cười đáp. Nàng tuyên bố tôi là một thứ vương quốc thuộc quyền sở hữu của hoàng hậu là nàng, và nàng cương quyết bảo vệ vương quốc chống mọi... xâm lăng.

    - Chiều qua tôi phone cậu hai lần cách nhau hai tiếng đồng hồ mà vẫn bị occupé!

    - Nói chuyện ba giờ liền như vậy là thường, anh ơi. Cũng may kỳ này lấy hai cua sở trường Sử và Tâm lý, chỉ cần liếc đọc một lần cũng đủ làm được bài. Chứ nếu Anh văn như kiểu ngày mới đến trường hai năm trước đây mà đa mang thế nầy thì nó cúp học bổng tống về nước sớm.

    Đã tới nhà, Huy mở khóa. Bếp điện bật, mùi cà phê phút chốc thơm lừng. Hôm nay chỉ có một mình Huy ở nhà. Đôi bạn mang cà-phê vào phòng, nằm ngả ngớn trên giường vừa nghe nhạc, vừa uống cà-phê vừa tiếp tục câu chuyện.

    Vì Thụ còn học chương trình undergraduate nên không được xếp nhà ở riêng, mà phải ở trong ký túc xá chung cư và thường thì cứ hai tuần lễ mới có một lần được phép tiếp đón bạn gái tới phòng (open house). Người bạn gái của Thụ có mái tóc vàng và đôi mắt xanh tuyệt đẹp, các anh em Việt Nam ở đây quen gọi là "nàng tiên tóc vàng", nàng có cái tên đọc lên âm hưởng cũng dịu như tính tình nàng: Rosalee!

    - Hình như week-end này cậu được open house? - Huy hỏi - Roméo sẽ gặp Juliette từ hai giờ đến bốn giờ?

    Thụ gật đầu:

    - Đúng. Nhưng chắc là em sẽ đến từ mười hai giờ trưa. Phòng của tôi ở ngay kế bên cửa hậu, nên lần open house nào em cũng đến sớm về muộn, em đến từ mười hai giờ trưa, ít ra là tám giờ tối mới chịu về.

    Huy cười:

    - Cậu tốt số đấy! Cậu có định tính chuyện trăm năm với nàng?

    - Tôi đã nói thật với nàng là cứ như tình hình nước Việt ngày nay, nếu lấy nàng thì tôi phải ở lại

    Mỹ là cái điều không thể được. Tôi còn ba con ở nhà.

    - Tất nhiên em nói với cậu là em sẽ theo về Việt Nam chứ gì?

    - Điều đó tôi cũng nói thẳng với em là còn khó hơn việc tôi ở lại Mỹ, vấn đề hai nền văn hóa khác biệt, vấn đề mức sống Việt Nam quá thấp chỉ là hai vấn đề nhỏ, nhưng chết cái hai vấn đề nhỏ đó nằm gọn trong một hoàn cảnh Việt Nam chinh chiến với sự thối nát ở khắp mặt. Điều này làm cho cuộc sống ở Việt Nam trở thành không sao chịu nổi với bất kỳ một người ngoại quốc Tây phương nào, và làm sượng mặt một cách oan ức bất kỳ người Việt Nam nào khi đối diện với họ.

    - Cậu đã nói thẳng với Rosalee hết?

    - Nói thẳng hết!

    - Thế em trả lời ra sao?

    - Em ôm lấy tôi, hôn thật dài rồi nói: "Anh là người thành thật hiếm có trên thế gian này. Em yêu anh đến cùng, tất cả những điều đó không cản trở được việc em trở thành vợ anh, nếu anh muốn!" Tôi cũng chỉ biết hôn lại em rồi cười xòa để câu chuyện bỏ lửng. Rồi ham hố làm tình với nhau để cả hai - mỗi người một cách - có được cảm tưởng là câu chuyện vẫn liên tục đấy chứ, đâu có bỏ lửng.

    Huy và Thụ cùng cười lớn.

    °

    Dưới con mắt các cô gái Mỹ, thì Thụ chỉ vào khoảng hai mươi hai tuổi. Thực ra Thụ đã ba mươi hai. Thụ phục vụ trong binh chủng quân vận, được giải ngũ rồi mới có được học bổng sang đây. Thụ đã có vợ và ba con, không may gặp người vợ lẳng lơ và tham lợi, bỏ chồng con đi lấy Mỹ. Thụ cắn răng chịu điều bất hạnh này, mang nội vụ đến nhờ vị luật sư nọ đem ra tòa xin ly dị, thì lại gặp tên luật sư lưu manh cố tình kéo dài nội vụ để làm tiền cả hai vợ chồng. Tới Mỹ, suốt năm đầu, Anh văn còn kém, Thụ miết mải học. Từ năm thứ hai, qua được cầu Anh văn, Thụ hẹn hò liên miên với các cô bạn Mỹ đồng học. Anh em ai cũng hiểu Thụ tìm quên lãng bằng sự học và tình yêu, và ai nấy cố tránh nhắc đến vết thương gia đình của

    Thụ. Hai tháng trước Thụ hẹn hò lần đầu với Rosalee. Kế đó Rosalee trong mộtt buổi học cưỡi ngựa (giờ thể thao tính điểm của nhà trường) bị ngã gẫy xương sườn. Thụ mua hoa hồng gửi đến nhà thương tặng nàng trước, rồi đợi tới giờ thăm mới vào.

    - Hôn em anh - Rosalee vừa khóc vừa nói với Thụ khiến giọng nàng càng thiết tha - cám ơn, cám ơn nhiều, nhiều lắm, những bông hồng của anh! Em sẽ ép vào sách và giữ những bông hồng đó mãi mãi.

    Rosalee lúc đó đương bị bó bột phần trên bụng, khoảng có chiếc xương sườn bị gẫy, trên toàn thân nàng chỉ có chiếc áo nhà thương rộng thùng thình.

    - Ôm em thật chặt, chặt nữa, anh yêu quý, em không thể nghển dậy được. Cánh cửa xịch mở, người nữ y tá bước vào, lộ vẻ bất mãn ra mặt.

    Hôm sau Rosalee thuật lại:

    "Anh có biết không, mụ ta kỳ kèo em hết sức sau khi anh ra về. Em bảo là anh có quyền vào đây. Mụ ta bảo là anh có quyền vào đây nhưng không có quyền leo lên giường bệnh. Anh lạ gì các cô gái già thường hay cau có như vậy!"

    Qua đi mười ngày Rosalee ra khỏi nhà thương, nàng tuyên bố Thụ là "lạnh thổ" thuộc quyền sở hữu của nàng, nàng quyết bảo vệ "lãnh thổ" đó chống mọi xâm lăng! Nàng luôn luôn nói với Thụ là nàng sẽ săn sóc ba đứa con riêng của Thụ và nếu Thụ cho ngần nhiêu là đủ, nàng sẽ không đẻ con nữa.

    Nếu anh em Việt Nam ở đây thường gọi Rosalee là "nàng tiên tóc vàng", thì lại hay mượn chính lời nàng mà gọi Thụ là tên "the dearest do do" hay "The dearest dum dum" (lời gọi yêu: anh chàng cà quỷnh, anh chàng quê-một-cục.)

    Thụ đã thủ thỉ kể hết câu chuyện tình của mình với Huy, người mà Thụ quý nhất. Ngược lại Huy cũng quý Thụ ở thái độ mặc dầu là nạn nhân của bao nhiêu bất mãn mà Thụ, tuy ngoài miệng vẫn chửi rủa, nhưng vẫn luôn luôn có thái độ hoạch định xây dựng. Có lẽ vì Thụ chuyên học về Sử, càng soi mói vào sâu dĩ vãng, càng không dứt khỏi khuynh hướng dự phóng tư tưởng về tương lai. Bị cay cú về tên luật sư lưu manh, Thụ xây dựng một định chế tương lai công chức hóa các luật gia. Trường Luật sản xuất thật nhiều cử nhân tân khoa, khiến mỗi quận, mỗi phường đều có cố vấn pháp luật. Luật pháp thông thường được giảng dạy ngay ở cấp trung học, như vây luật sư đoàn không còn lý do tồn tại nữa, hoặc nếu còn thì cũng không thể còn với tinh thần bảo vệ quyền lợi cho một thiểu số ích kỷ muốn được ưu đãi một cách phi lý. Ca cú vì lũ gian chính gian thương ở nước nhà, Thụ thích nói đến sử Mã Lai, nơi đó chính quyền trong tay người Mã gốc Ấn đủ trong sạch để thừa khôn ngoan cô lập được đám dân Tàu vô sản thân Trung Cộng; và sử Miến Điện, nơi đó chính quyền đương thực thi một chính sách xã hội làm lo ngại cả Mỹ lẫn Trung Cộng. Trong những dịp nói chuyện như vậy tuyệt đối người nói là Thụ, người nghe là anh em, không một ai nhắc nhở đến việc chiến cuộc vẫn đương tiếp diễn ác liệt tại nhà. Có thể tính tình mỗi người một khác, sự phản ứng mỗi người một khác, nhưng tất cả đều thấy nhàm chán đến thành vô vị khi nhắc đến những hoen ố lịch sử hiện tại của đất nước.

    Thấm thoắt đã tới ngày lễ Tạ Ơn - Thanksgiving - vào cuối tháng mười một.. Cây cối trụi hết lá từ lâu, tuy chưa có tuyết nhưng khí trời lạnh buốt, ngày âm u chóng tối, chỉ khoảng bốn giờ rưỡi chiều mặt trời đã hấp hối tàn lụi phía Tây rồi.

    Huy nhận được thư của Hương kể chuyện xin đổi trường.

    Anh Huy thân,

    Spring semester tới, em về trường cũ tại New York tiếp tục học cho đến khi trình xong luận án và lĩnh bằng. Sở dĩ em xin đổi trường vì hai semester sau này em học chuyên về Tài Chính vì vậy em phải thực tập ở ngay trung tâm Thị Trường Chứng Khoán đường Wall Street, New York. Dịp nghỉ bốn ngày Thanksgiving vừa qua em đã tới New York làm xong mọi giấy tờ cần thiết và đặc biệt thu xếp xong cả chỗ ở. Anh có biết không, em đã đặt tiền để sẽ ở ngay căn phòng cũ của em ngày trước. Có lẽ với những nhà "hộp diêm" chồng chất lên nhau kiểu ở New York thì ở đâu cũng gần như nhau, nhưng không hiểu sao em vẫn ưa chỗ cũ. Em còn nhớ bài đầu trong sách Cổ Học Tinh Hoa kể chuyện người đàn bà cắt cỏ thi, đánh mất cái trâm bằng cỏ thi mà ngồi tỉ tê khóc. Cụ Khổng lấy thế làm ngạc nhiên thì nàng đáp: "Tôi sở dĩ khóc vì thương tiếc một vật cũ dùng đã lâu mà ngày nay không sao thấy được nữa." Bên cạnh bài học luân lý không quên được cái cũ, em sở dĩ thích trở lại căn phòng cũ, còn vì một duyên cớ nữa: studio em ở đó trông sang sân sau một building cũ. Anh ơi, ai đến New York cũng ham xem, ham ngắm những cái huy hoàng vĩ đại của New York, nhưng em lại thích ngắm nhưng khu phố tồi tàn, những ngõ hẹp và những sân rác phía sau nhà của New York.

    Như vậy em có cảm tưởng cùng một lúc ngắm được cả mặt tiền, mặt hậu, mặt phải, mặt trái của thế nhân!

    Tất nhiên Sprint semester tới, em dời Chicago thì Crys buồn lắm lắm. Con người không có tình cảm thì kêu là không có tình cảm, mà càng nhiều tình cảm thì lại càng lắm hệ lụy! Cuộc đời rõ thất rắc rối và phiền phức anh nhỉ?

    Thân.

  7. #7
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    7
    Đài phát thanh Nashville báo đêm nay khoảng tám giờ chiều sẽ có tuyết đổ lần đầu tiên. Tuyết sẽ giúp hương vị Giáng Sinh nơi đây được thập phần hoàn hảo. Nơi nầy đã bắt đầu giới tuyến miền Nam nên tuyết đổ chậm, tuy nhiên cũng hiếm khi Noel vắng tuyết. Đúng hôm Huy có lớp tối từ bảy rưỡi đến chín rưỡi, lúc chàng ở lớp ra thì tuyết đã phủ một lớp mỏng lên cảnh vật quanh campus. Ánh đèn - và có thể cả

    ánh sao nữa - phản ánh lên vẻ gương tuyết trắng mênh mông của vạn vật thành một thứ ánh sáng lồng lộng nửa hư ảo nửa thần tiên. Miền Nam luôn luôn có thái độ chào mừng nồng hậu ngày tuyết đổ đầu tiên. Các bạn đồng trường của Huy hầu như đổ hết ra khắp các ngả để ngắm tuyết, đùa rỡn với tuyết. Huy dự định về phòng cất sách rồi đi kiếm các bạn Việt Nam để cùng gia nhập đám đông chào mừng tuyết đầu mùa. Chàng theo một triền dốc con đường nhựa từ cafeteria lên một ký túc xá nữ sinh viên. Một chiếc xe trượt tuyết có bốn bánh nhỏ bằng sắt đương từ đỉnh dốc lao xuống, nhưng khi xe tới gần Huy thì đã gần hết đà. Bên trên xe là đôi bạn bồ sinh viên một nam một nữ nằm xấp úp mình lên nhau "chàng nam" nằm dưới. Thốt nhiên lây niềm vui của họ, Huy cúi xuống ấn bàn tay lên khoảng giữa lưng cô gái, vừa cho hai người sát thêm nữa (sự thật nằm chồng lên như thế thì họ không thể nào sát nhau hơn được nữa) vừa giúp cho đà xe bon nhanh thêm một quãng ngắn. Cô gái ngoái cổ lại, nụ cười đẹp của nàng - nụ cười của hạnh phúc - mơ hồ trong ánh tuyết, hướng về Huy kèm theo tiếng "cám ơn" trong và ấm.

    Huy rảo bước lên ngược triền dốc, ngang qua ký túc xá nữ sinh viên, vào một bãi tập thể dục vắng. Đi lối tắt này Huy về tới nhà sớm hơn. Vừa từ ven bãi thể dục xuống con đường rải đá đơn sơ đưa thẳng về nhà, thì ánh đèn một chiếc xe nào từ xa tiến lại, tốc lực giảm trông thấy. Huy có cảm tưởng ánh đèn như áng mắt một con vật nuôi trong nhà nhận ra chủ, đương ve vẩy đuôi chạy lại. Quả nhiên xe dừng lại ngay bên và tiếng chào quen thuộc, Huy nhận ra tiếng Ann:

    - Ồ Huy này!

    - Trời, tưởng ai. Chào Ann!

    Tiếng động cơ tắt. Tiếng đồng ca một bài ca Christmas vang lên tự radio gắn trong xe. Ann nói:

    - Đấy, máy lại tự động tắt rồi. Huy nghe giúp tôi xem có gì trục trặc. Khi cho nổ máy tiếng máy kêu là lạ, khi dừng lại thì máy tắt ngay.

    Huy lên xe. Ann nhường chàng chỗ ngồi trước tay lái. Nghe Ann nói, Huy cũng đã phần nào đoán thấy "căn bệnh" của xe, tuy nhiên chàng cũng đề cho máy nổ lần nữa, nghiêng tai nghe rồi xuống xe, mở capot thử bu-gi, tìm ngay ra được một chiếc chết, thay vào chiếc mới... Máy xe lại chạy êm ru.

    Ann cám ơn "bác sĩ" Huy đã chữa xong bệnh cho chiếc xe. Huy cười đáp lại rằng bệnh đó chỉ là bệnh "cảm cúm" xoàng thôi chẳng có gì là khó chữa. Ann nay đã có chồng câu chuyện giữa hai người hoàn toàn thân mật hồn nhiên theo cương vị đôi bạn cùng trường. Ann rủ:

    - Huy lên đây, tôi lái xe đi một tua campus ngắm các bạn chúng mình nghịch tuyết.

    Huy ưng lên xe chẳng phải vì muốn đi một vòng campus ngắm các bạn nghịch tuyết, mà chỉ vì vừa lúc đó radio trong xe vang lên bài ca giáng sinh chàng vốn ưa thích vô cùng bài Silent Night của Franz Gruber. Bài hát lúc cao vút như sao biếc trên trời, lúc trầm xuống như cánh gió sà xuống một triền thung lũng sâu, nhưng cả lúc cao vút lẫn lúc trầm xuống, bản nhạc luôn luôn trong suốt, trầm tĩnh, dịu hiền. Bản nhạc quả thực đã vượt biên giới chật hẹp một bài ca tôn giáo; lời ca nói về Đức Mẹ Đồng Trinh, về Chúa Hài Đồng "... Round yon Virgin Mother and Child; Holy infant so tender and mild..." bỗng thành chiếc bình nhỏ không chứa nổi cả dòng suối mênh mang, hiền hòa, cao khiết hòa giải được khát vọng mênh mông với định mệnh khắc nghiệt của con người, rửa sạch những vết dơ, thoa dịu những sầu hận.

    Ann lái xe theo một đường quành để tiến sâu vào campus, cất tiếng hỏi:

    - Huy suy nghĩ gì?

    - Tôi đương nghe Silent Night. Định mệnh khắc nghiệt hình như mất hết hiệu lực khi va phải âm thanh đó.

    Ann cũng nghiêng tai lắng nghe. Tuyết đã phủ dầy cảnh vật, nam nữ sinh viên của cả campus đều đổ đầy ra các ngả đường để ngắm tuyết. Nơi thì họ la hét, vốc tuyết rượt đuổi, ném nhau; nơi thì họ xúm lại đắp thành người tuyết, một nữ sinh viên lấy ra mấy chiếc kẹo bọc giấy thiếc vàng để làm khuy áo cho người tuyết; một đám khác gần đấy đắp một pho tượng mỹ nhân kiểu Picasso, mặt mũi lệch lạc, vú bên to bên nhỏ, cái rốn sâu thật là sâu. Xe Ann lừ đừ tiến thêm một chút nữa thì cả Ann lẫn Huy chứng kiến cảnh một nam sinh viên ôm một nữ sinh viên đặt lên một bờ tường hơi cao phủ đầy tuyết, rồi anh chàng làm điệu khôi hài quỳ xuống hôn chân nàng, nàng cười ngặt nghẽo, nhảy xuống, chàng ôm lấy nàng hôn.

    Nàng thoạt khoát tay muốn kháng cự thì cả hai hoặc vô tình hoặc hữu ý cùng ngã xuống, chàng đè sấn lấy nàng hôn ngấu nghiến, nàng chịu, ý cho rằng đã có tuyết rơi làm màn che phủ cho hai người. Cả Ann cùng Huy cùng bật cười, và điều lạ là tình bạn giữa họ càng vằng vặc. Với Huy, Ann đã đóng trọn vẹn được hai vai trò khác biệt ở hai hoàn cảnh khác biệt: một người tình khát khao xác thịt và một người bạn tinh khiết.

  8. #8
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    8
    Sau mùa Giáng Sinh năm đó Bob, anh bạn roomate của Huy, tốt nghiệp B.S ra trường. Huy ở thênh thang một mình một nhà đợi roomate mới.

    Vừa lúc khóa Xuân sắp khai giảng, Huy nhận được bức thư dài của Crys. Bức thư tuy dài nhưng thực ra lại không có gì quan trọng và tuy chẳng có gì quan trọng mà Huy vẫn cảm thấy có cái gì ẩn dấu đương chờ phát lộ. Cuối thư Crys hỏi Huy có thể dịch cho nàng một bài thơ hay nhất của Huy. Huy trả lời Crys rằng một bài thơ khi làm xong cũng chỉ như một đồ chơi vừa được chạm khắc tung ra trưng bày; nó phải đợi thời gian để xem có được chấp nhận hay không. Sự chấp nhận của những người thưởng ngoạn khẳng định giá trị bài thơ, cũng như nhiều bàn tay nâng niu đồ chơi, chất ngà sẽ càng lên men, bóng, đẹp.

    Đã từ lâu Huy hiểu sự bất lực của lời nói, và bất cứ một khẳng định nào cũng là một ngu xuẩn, nhưng với Crys lần nầy thì khỏi lo vì chàng biết rằng mình viết để mà viết cũng như Crys đọc để mà đọc. Huy nhớ nhiều đến cánh tay ngà của Crys khi nàng rung trémolo.

    Huy nhận được ngay lá thư thứ hai của Crys, lá thư dài, lá thư kể lể, rồi những lá thư kế tiếp... có khi Huy vừa nhận được thư chưa kịp trả lời thì lá sau đã tới. Huy như tham dự hẳn vào đời sống tình cảm của

    Crys. Crys như đương sắp chết đuối ở phía đó, cố vùng vẫy hướng về chiếc bè cứu nàng là Huy ở phía này.

    Chicago ngày... Huy thân mến,

    Anh ở Nashville làm sao, ở Chicago đây lạnh kinh khủng. Hương đã đi New York. Tôi nhớ Hương vô cùng, chắc anh thừa thông cảm điều đó, cô gái Việt Nam thông minh đó là một nửa, nếu không là tất cả đời tôi, vì vậy mà cái lạnh của Chicago hiện thời quả là một cực hình Trung Cổ đối với tôi. Anh có cần một đề tại để làm thơ chăng? Thì đây, câu chuyện thật tầm thường, như trăm nghìn những chuyện tình khác thường đọc thấy trên sách, xem thấy trên màn ảnh, đến khi chuyện đó xẩy tới cho mình thì mình cảm thấy ngỡ ngàng hết sức, tưởng như khó lòng mà tin nổi. Tôi viết dở lắm, tôi biết, nhưng cũng rán kể lại đầu đuôi câu chuyện cho anh nghe.

    Có một cô bé lớn lên, ngỡ ngàng giữa đời sống. Chính cô cũng chẳng hiểu rằng mình đương ao ước gì. Cô thoạt gặp một chàng trai sĩ quan đương phục vụ trong quân lực Hoa Kỳ. Cô cảm thấy yêu chàng và gật đầu ưng thuận khi chàng ngỏ ý muốn hỏi cô làm vợ. Sau đó cô gặp những người tự Đông phương tới. Cô cảm thấy quý mến họ vô cùng gần như say mê đời sống nội tâm của họ mà cô biết chắc là phong phú lắm. Lúc đó cô mới nhận lời hứa hôn với chàng trai Mỹ kia chỉ là để có được một cảm giác an toàn. Giờ đây cô cần tự do trở lại để thể nghiệm cuộc sống có ý thức hơn. Cô đã từ hôn và được tự do theo sở nguyện. Cô tiếp tục hẹn hò với một số chàng trai Đông phương. Hương, bạn cô, nhiều lần khuyên cô "hãy từ từ", cô không chịu, cô đã tự do mà. Cô phải bay bổng chứ, và cô tiếp tục bay bổng khám phá những vòn trời Đông phương. Người bạn cô quý mến nhất đời, Hương, đi New York mất rồi. Chicago bắt đầu trở lạnh. Hồ Michigan bao giờ cũng làm Chicago lạnh sớm hơn mọi nơi. Xa Hương giữa một Chicago lạnh! May thay vừa lúc đó cô gặp Thumrong. Chàng là một sinh viên Thái Lan. Tới đây cô ngừng bay bổng. Cô yêu Thumrong, say đắm, cô tin vậy. Nếu Hương còn ở đây chắc chắn cô gái Đông phương khôn ngoan đó lại khuyên cô "hãy từ từ". Tình yêu thường mù quáng, ai cũng bảo vậy. Cô đã đi những nơi và làm những việc mà lẽ ra một người con gái khôn ngoan không bao giờ đi và không bao giờ làm. Bây giờ thì Thumrong đã về Thái Lan. Chàng đã học xong. Cuộc tình duyên sấm sét và tràn đầy hạnh phúc kéo dài đúng ba tháng. Đã có nhiều việc trọng đại xảy tới rồi. Dường như cô đã tìm được điều cô muốn, nhưng đồng thời cô cũng thấy rằng có lẽ khó lòng cô bắt được giấc mộng của cô. Cô muốn dời

    Mỹ đi về phương Đông, tới dạy Anh văn ở Việt Nam hay ở Thái Lan để gần Thumrong, và để đứa con của

    Thumrong sau này được sinh ra và trưởng thành giữa nền văn hóa Đông phương của cha nó. Anh Huy có biết không, cô khó có hy vọng lấy được Thumrong. Cha chàng đã kén một cô vợ Thái cho chàng. Tuy lá thư nhận được là một lần Thumrong khuyên cô hãy bình tĩnh đợi, may ra có sự đổi thay. Nhưng hy vọng gì có sự đổi thay?!

    Huy ơi, tôi muốn rời nước Mỹ và sống ở một nước Đông phương. Nhưng nếu giờ đây Thumrong không thể lấy tôi làm vợ thì còn người đàn ông Đông phương nào muốn lấy tôi làm vợ nữa?

    Câu chuyện thật cũ mèm như anh thấy đấy, cũ như vậy mà vẫn xảy tới mới khổ cho mình chứ. Tôi thấy cần phải thổ lộ tâm sự này với anh, với một người bạn, nếu quả là sau khi nghe tôi thuật hết câu chuyện mà anh không cảm thấy buồn nản và còn nhận là bạn tôi. Tôi không thể tìm thấy an ủi khi nói chuyện với ba, má tôi, tư tưởng các người quá hẹp hòi luôn luôn đặt câu hỏi tại sao tôi lại có thể sẵn sàng rời bỏ xứ Mỹ phồn thịnh giàu sang này để tới sống tại một "xứ kém mở mang". Ba, má tôi không hiểu sao được nếp sống luôn luôn biết kính trọng sự sáng tạo của những tâm hồn đa cảm Đông phương. Mỗi lần cầm đến đàn vô tình tôi chỉ đánh lên những khúc nhạc buồn, những khúc Adagio mờ hơi sương và quằn quại đau thương của Beethoven. Nhưng khổ cái tiếng đàn của tôi phải đặt vào giữa dàn nhạc mới thổ lộ được hết những nét đau thương mong ước. Thành thử hiện nay giữa một Chicago tê cóng tôi cô đơn với chính tiếng đàn của tôi. Hãy viết thư cho tôi, xin hãy viết thư cho tôi, Huy, nếu anh quả còn coi tôi là bạn anh!

    Mến, Crys.

    Trời ơi, Huy nghĩ thầm, chỉ mới mấy tháng qua mà đã có những biến cố tày trời như vậy xẩy đến với Crys ư? Crys có mang với Thumrong? Hẳn là Crys vừa nhận ra triệu chứng. Và Huy vội vàng phúc đáp thư Crys. Chắc chắn Crys còn hối hả hơn, vì chỉ bốn ngày sau Huy đã nhận được lá thư hồi âm.

    Chicago ngày... Huy thân mến,

    Cám ơn, rất cám ơn tình bạn quý của Huy. Bức thư của anh đã giúp tôi thừa sức chịu đựng được cái lạnh tê cóng của những cơn gió tự hồ Michigan thổi lùa vào Chicago. Hôm nay nhìn qua cửa sổ tôi thấy màu tuyết trắng sốp trước đây đã chuyển sang màu huyền của băng đá. Đường phố thì biến thành con sông màu nâu, bùn lầy nham nhở hai bên bờ. Lấy ống nhòm nhìn về một khu vườn xa tôi thấy có chỗ băng tan đi để hở từng khoang vàng nhạt màu cỏ úa. Chưa chớm một nụ hoa nào tại miền Bắc này, trừ những bông hoa tôi nhận được khi còn nằm trong nhà thương. (Crys phải đến nằm nhà thương để nhà bác sĩ thăm thai? - Huy tự hỏi vậy.) Nhưng tôi biết rằng chẳng còn bao lâu nữa mùa xuân sẽ tới. Rồi mặt đất sẽ hồi sinh, rồi cành cây sẽ nẩy lộc, rồi những bông hoa crocuses thật xinh không biết tự đâu sẽ nhô ra đua nở từng cụm điểm màu cho tuyết trắng. Mùa xuân tái sinh thật là đẹp. Nhất là tại miền Bắc. Giá như tôi làm được thơ như anh. Thật tiếc.

    Viết thư cho tôi ngay nhé, rất mong. Thân mến,

    Crys.

    T.B. - Huy thứ lỗi cho lá thư trước của tôi nhé. Lúc đó tôi đương phát điên vì buồn. Vấn đề riêng tư của tôi còn đấy, nhưng rồi mọi sự cũng sẽ đi tới chung cục. Anh là nhà thơ chắc anh cũng chẳng lạ gì khi nghe những câu chuyện tương tự như câu chuyện đã xẩy ra với tôi. Biết rằng rồi đây nữ nhân vật sẽ tiến đến một kết thúc nào? Đời thật là lạ lùng, có biết bao nhiêu chuyện tôi không sao hiểu nổi.

    Lần này Huy chưa kịp trả lời thì hôm sau đã nhận được lá thư khác.

    Lansing ngày... Huy mến,

    Hy vọng rằng Huy không bực mình khi nhận được thư tôi chứ? Tôi đã tạm dời Chicago về Lansing, Michigan với ba má tôi. Ở đây cũng chẳng hơn gì Chicago, bè bạn thì vẫn là không có, mà lạnh thì Lansing cái tỉnh gần như tại miền cực Bắc này, có phần còn lạnh hơn Chicago nữa. Từ dạo xa Hương tôi có cảm tưởng đời tôi không thể có một người bạn gái nào nữa. Lắm lúc cô đơn muốn làm thân đại với bất kỳ một cô bạn gái nào cùng lớp, cùng trường, cùng building ở; nhưng chỉ nói đến câu thứ hai là đã cảm thấy những ước lệ nhạt nhẽo đến không chịu nổi. Giá có Huy ở đây, trời ơi, giá như có Huy ở đây... Huy nghĩ sao về đứa con của tôi khi được sinh ra? Ba, má tôi thì muốn rằng tôi sẽ trao nó cho một gia đình khá giả hiếm hoi nào muốn có con nuôi. Tôi nhất quyết không, tôi sẽ giữ lấy đứa bé. Tôi cũng chẳng hiểu rồi sự thể sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn là dòng đời vẫn trôi chảy dù sự đời xảy đến có trầm trọng đến đâu đi nữa. (Huy bất giác mỉm cười khi đọc đến dòng chữ này.)

    Thôi có lẽ tốt hơn hết tôi ngưng ở đây. Đêm khuya rồi, tôi phải đi ngủ. Việc học của anh ra sao? Vẫn tiến hành đều, tôi chắc chắn thế. Mấy ngày nay ở đây tuyết xuống liên miên. Cả Lansing được bao phủ bởi một lớp tuyết dầy trắng sốp như mây sữa có phản chiếu chút ánh sáng mặt trời. Đẹp lắm, chứ không như tuyết thành phố tại Chicago, chỉ một sớm một chiều là đã biến thành bùn đen lầy lội. Tôi biết Hương ghét loại tuyết thành phố đó lắm.

    Mến,

    Crys.

    Huy ghếch chân lên bàn, ngửa cổ nhìn trần, dáng lười lĩnh, miệng lẩm bẩm câu thư của Crys như lẩm bẩm một câu cách ngôn. But life goes on no matter how grave things look. Chàng cầm lá thư phủi một chút bụi dính trên bàn, chợt nhận thấy trang sau còn mấy dòng chữ nữa. Đó là những dòng tái bút của Crys.

    T.B. - Huy hiện có bức ảnh nào của anh không? Nếu có, Huy có thể cho tôi một tấm chăng? Mong cho mùa xuân chóng tới. Bởi khi vạn vật xanh rờn màu xuân là ngày sinh nhật của tôi cũng sắp tới, ngày 16 tháng 6. Lần này tôi vừa 21 tuổi, tuổi thành niên.

    Huy bỗng bật cười tự nhủ thầm: "Cái cô bé này thật kỳ. Đi có mang với một người, rồi xin ảnh mình."

    Nhưng rồi Huy cũng ngồi lại ngay ngắn, mở ngăn kéo lấy giấy sửa soạn viết thư trả lời Crys.

    Crys mến,

    Nhận được lá thư trước, chưa kịp trả lời thì lá thư sau đã tới, tôi vội viết ngay kẻo Crys mong. Xin đừng bao giờ đặt vấn đề thư của Crys có phiền hà tôi chăng. Không bao giờ! Sự ngăn cách giữa người và thiên nhiên tôi còn xóa bỏ nữa là sự ngăn cách giữa người và người, nhất là vào lúc Crys đương gặp nhiều buồn phiền mà lại nghĩ tới tôi như một người bạn. Phải hiểu đó là một vinh hạnh chứ. Vậy thời bây giờ hãy nói đến ngày sinh nhật của Crys đã nhé. Nếu quả thự Crys sinh vào ngày 16 tháng 6 thì Crys đã sinh đúng vào một ngày lịch sử của Paganini, ngày vị đại danh cầm vô tiền tuyệt hậu đó, bằng cây vĩ cầm của mình, đàm thoại với một con chim họa mi trong rừng. Trong ánh hồng rực của buổi chiều tà nhuốm màu thần thoại cho cả một khu rừng núi lồng lộng hoang vu, Paganini khéo nương nhẹ tiếng đàn của mình để hòa với tiếng một con chim họa mi vừa cất lên đâu đó thoạt như ngập ngừng, ngỡ ngàng, dò hỏi, rồi quấn quýt dần, thiết tha dần trong một niềm cảm thông hồn nhiên nguyên thúy của tạo vật.

    Khi tôi viết những dòng này cho Crys thì bên ngoài ánh nắng chiều vừa bừng lên chắc là một lần cuối cùng.

    Đài phát thanh nơi đây đã báo trước sẽ có tuyết đổ đêm nay. Ánh nắng thoi thóp bên ngoài tự nhiên nhắc đến màu nắng phơi phới ngày trước Giáng Sinh năm ngoái ở Boston. Khi phi cơ dời Washington đi Boston tôi chuẩn bị tinh thần chịu đựng một Boston trắng xóa những tuyết và lạnh buốt căm căm. Nhưng không, khi phi cơ hạ cánh, phi trường Boston phơi phới trong nắng vàng. Thực không ngờ. Các bạn tôi ở

    Boston cho hay là đặc biệt năm đó không hiểu sao tuyết đổ muộn. Ấy tuy nắng vàng thế nhưng khí hậu vẫn lạnh buốt, nhất là vào lúc đi quành building về phía không có mặt trời, hai tai tôi tê cóng, giá buốt đổ xuống cùng bóng building y như mình vừa chuyển dịch qua hai nơi chênh nhau đến mấy vĩ tuyến. Qua đêm, sớm hôm sau khi thức giấc, nhìn qua khung cửa kính khách sạn tuyết đã đổ trắng xóa, Boston có

    một bộ mặt xa lạ hẳn. Tuyết đổ thì khí hậu ấm hơn, hôm đó tôi đi lang thang hàng giờ dưới phố Boston, thỉnh thoảng lại ngước nhìn tìm nhà chọc trời Prudentiel cao nhất như tìm bóng dáng một vì sao định hướng.

    Không hiểu sao kỳ này trả lời thư Crys tôi lại nhớ đến màu tuyết Boston ngày nào. Có lẽ vì liên tưởng đến cái rét và màu tuyết trắng của Lansing.

    Tôi ưa chơi dương cầm để giải buồn và đàn theo tình cảm của mình. Kỳ này, như đã hứa với Crys lần gặp ở Chicago, tôi gửi kèm đây bản dịch mấy bài ca dao Việt Nam; tôi dịch những bài tình ca này cũng như chơi dương cầm theo tình cảm của chính mình. Mong rằng Crys sẽ thích những bài đó.

    Thân mến, Huy

    Lansing ngày... Huy thân,

    Bức thư của anh chẳng khác những bông crocuses sớm nở chiếu sáng những ngày đông ảm đạm của tôi ở đây. Thật là một vinh hạnh lớn cho tôi ngày sinh nhật của mình trùng vào một ngày lịch sử kỳ diệu của tay vĩ cầm vô tiền tuyệt hậu Paganini, người và thiên nhiên cảm thông. Mà sao ngày đó của tôi, lại phải nhờ anh khám phá cho? Tôi tự thấy xấu hổ đấy. Nhưng những bông crocuses chiếu sáng và sưởi ấm cho tôi nhiều nhất chính là bản dịch ba bài tình ca Việt Nam của Huy. Sao những lời thơ đẹp thế, tôi rất tiếc không được thưởng thức tự ngay nguyên bản tiếng Việt Nam. Tôi biết ngoài tôi ra, những bài thơ đó từng đã làm cho tâm hồn bao người tràn ngập sung sướng khi ngâm nga chúng.

    Huy ơi, cả tin và thơ ngây như tôi có là một điều nhầm lẫn chăng? Trước đây hồi Hương còn ở đây đã nhiều lần Hương bảo tôi quá ngây thơ, quá tin người thì thiệt thòi, đôi khi tôi đã cố thử gắng khác mình để bớt tin người đi mà không được. Như vậy có phải lỗi tại tôi không? Tôi không hiểu.

    Huy đương theo học về ngành gì nhỉ. Sự học của anh ra sao. Bao giờ tốt nghiệp? Anh vẫn nhận được tin đều của gia đình chứ? Anh có dự định lên thăm miền Bắc này một lần nữa không? Tôi mong được gặp anh trước khi anh rời Hoa Kỳ trở về Việt Nam. Có lẽ một ngày nào đó tôi cũng sẽ tới Việt Nam. Anh có nghĩ rằng tôi có thể xin được một chân dạy Anh văn khi tới Việt Nam?

    Mai đây, thứ năm, tôi sẽ đi khám bác sĩ lần nữa để biết đích xác về tôi, và bao giờ đứa bé sẽ ra chào cõi đời "đầy hạnh phúc" này. Thôi tôi phải ngừng lại đây. Tôi cần đọc lại những bản tình ca Việt Nam, tôi cần thuộc lòng "những bông crocuses" biết chiếu sáng và biết sưởi ấm đó. Tôi luôn miệng đọc đi đọc lại câu cuối bài thứ nhất. Điều kỳ diệu là mối sầu của tôi vợi đi hẳn mỗi khi tôi đọc câu đó, như một câu thần chú vậy: Sadness seems like immensely moving waves. Tôi là nhạc sĩ vĩ cầm đã tham dự những buổi hòa tấu nên tôi hiểu: một tác phẩm văn nghệ khi đã kết tinh được những đau khổ của kiếp người sẽ biến thành nguồn an ủi bất tận cho thế nhân đau khổ.

    Mến, Crys

    "Ai làm cho bướm lìa hoa,

    Cho chim xanh nỡ bay xa vườn hồng.

    Ai đi muôn dặm non sông,

    Để ai chứa chất sầu đông vơi đầy."

    Huy ngâm khẽ bài ca dao đã dịch phóng ý, dịch theo tình cảm của chính mình và gửi tới Crys lần trước. Bên ngoài, quanh campus đã lên đèn sáng trưng. Lúc ăn chiều ở cafeteria ra, Huy dự định về sẽ học ôn ngay để chuẩn bị cho kỳ thi trắc nghiệm tuần tới, nhưng từ lúc nhận được thư Crys, đọc xong thư Crys, Huy bỗng cảm thấy lười lĩnh và nằm nguyên trên giường suy nghĩ. Huy nghĩ đến niềm ao ước thiết tha của Crys là lấy được người chồng Á Đông, Crys đã là mẹ, mà sự thơ ngây của tâm hồn còn y nguyên, và do đó Huy có cảm tưởng sự trinh trăng của cơ thể Crys cũng còn y nguyên. Thực là một trường hợp hi hữu, nhất là với một cô gái Tây phương. Phải, đây là trường hợp duy nhất của một cô gái Tây phương đã biện minh một cách hùng hồn cho cái vô ích của sự nệ vào trinh tiết cơ thể. Lấy một người chồng Á Đông! Hình như niềm khao khát đó bắt rễ trong tiềm thức Crys từ lâu, lâu lắm rồi. Bây giờ thì Huy hiểu rõ Crys thích gần gũi với bất kỳ một người Á Đông nào. Có thể nói rằng kiếp trước quê Crys ở Á Đông, và nàng có một bà mẹ hiền Á Đông đã xúc động sâu xa đến chủng thể tái sinh của nàng, vì vậy kiếp này sinh ra ở Tây phương Crys vẫn nhớ bà mẹ hiền Đông phương kiếp trước. Huy thiu thiu ngủ nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi dòng suy tư của mình. Chàng nghĩ chính vì sự chia xẻ cõi lòng làm hai ngả như vậy mà Crys giữ được một trạng thái tâm hồn thơ ngây kỳ lạ không giống Tây phương mà cũng chẳng giống Đông phương.

    Huy mơ thấy mình khi bước xuống xe buýt đã có Crys đón ở phòng hành khách rồi. Crys ôm chầm lấy Huy và khóc. Huy cũng ôm chặt lấy Crys mà cảm thấy cõi lòng man mác rờn rợn như ôm định mệnh trong vòng tay. Crys khóc hoài mặc Huy khuyên nhủ, đôi lúc Crys chỉ khẽ lắc đầu để phủ nhận lời Huy khuyên giải mặc dầu Huy cũng biết là Crys cũng chẳng chú ý nghe nào. Crys khóc, cánh tay ngà của nàng run run như lúc nàng rung trémolo...

    Tiếng gõ cửa đánh thức Huy ra khỏi giấc mơ an ủi êm đẹp. Huy vùng dậy mở cửa. Người bạn Mỹ ở căn nhà hàng xóm sát vách, đôi mắt sáng dưới cặp kính trắng, nụ cười tươi vui, rủ Huy ra khu West Hall chứng kiến cảnh Chàng bị trói gô vào một gốc thông để đợi Nàng tới giải cứu. Huy cất tiếng cười sảng khoái, vội khoác áo ấm và theo bạn đi ngay.

    Trường Huy học sỉ số chỉ chừng năm, sáu ngàn là cùng nhưng tập tục thật ngộ nghĩnh. Chẳng hạn chàng và nàng nào vì duyên số gặp gỡ ở đây, nàng đã nhận nhẫn hứa hôn của chàng rồi, thì nàng rất có hy vọng một buổi đêm khuya nào đó bị các chị em cùng trong ký túc xá xúm lại kéo đại vào phòng tắm, vặn cho nước cho ướt từ đầu đến chân như chuột lột; chàng rất hy vọng bị anh em đồng học bắt cóc mang tới trói gô vào một gố cây ngay dưới cửa sổ phòng nàng, và chỉ có nàng mới có quyền xuống cởi trói.

    Khi Huy cùng người bạn Mỹ tới West Hall - Huy cũng gọi đùa là Mái Tây - ký túc xá dành riêng cho nữ sinh viên, thì chàng đã bị trói gô vào một gốc thông già, các bạn chàng đứng vây quanh nhưng hơi xa, cùng nhau vỗ tay giữ nhịp cho một bài ca. Đây chính là một bài ca tôn giáo nhưng qua giọng và điệu khôi hài của họ, lời ca như muốn nói:

    Khi mà Do Thái còn ở Ai Cập.

    Hãy để dân tộc ta đi!

    Bị hà hiếp như vậy ai mà chịu nổi!

    Ới cụ Môi-se ơi, hãy xuống xứ Ai Cập này, Cứu chúng tôi khỏi các bạo vương Ai Cập!

    Cứ mỗi lần hát hứt điệp khúc họ lại hurrah rất nhộn.

    When Israel was in Egypt's land

    Let may people go;

    Oppressed so hard they could not stand, Let my people go.

    Cả bọn bỗng cùng hurrah vì Moses đã xuất hiện. Cụ Môi-se trong trường hợp này chẳng phải ai xa lạ, mà chính là nàng. Lúc đó đã quá mười một giờ khuya rồi, cửa ký túc xá bên nữ giới đã đóng, nội bất xuất ngoại bất nhập, nàng đã phải khoác vội áo ấm và đi tìm bà giữ chìa khóa, rồi mở vội cửa lật đật ra cởi trói cho chàng. Lời đồng ca càng hào hứng:

    Go down, Moses,

    Way down in Egypt's land, Tell ole Pharaoh,

    Let my people go.

    Một tiếng hurrah làm trấn động cả mấy chú sóc ngái ngủ trên rặng mapples gần đó. Chàng vừa được tự do hoàn toàn đã sử dụng ngay hai cánh tay lực lưỡng ôm ghì lấy nàng. Những vòng tay quanh lưng quanh cổ của hai người như đan lấy nhau. Họ biểu diễn một cái hôn... cật lực.

    Ới cụ Môi-se ơi, hãy xuống đây, xuống xứ Ai Cập này

    Cứu chúng tôi khỏi các bạo vương Ai Cập. Hurrah!

    Khi đã trở lại phòng riêng của mình rồi Huy còn cảm thấy lòng vui náo nức vì màn kịch nhộn vừa qua. Chàng ngồi vào bàn học và viết thư cho Crys. Thư đi, lập tức có thư lại hồi âm.

    °

    Lansing ngày... Huy mến,

    Lái xe từ Chicago về tới nhà đã hai giờ sáng. Trên bàn có thư Huy. Tuyệt quá! Sadness seems like immesely moving waves. Kể cả lúc sung sướng tôi cũng thích đọc câu thơ này, câu niệm chú của tôi đấy, Huy ạ. Bác sĩ cho tôi hay chừng một tuần nữa mới có kết quả chắc chắn. Tôi không sao ngủ được bèn dậy viết thư cho Huy. Bức thư này nghĩ đến đâu viết đến đấy, chắc chắn lộn xộn lắm... Lòng tôi giờ đây nặng trĩu sầu hận, tôi cần gục lên vai một người thân nào đó để khóc cho nhẹ nỗi lòng. Tôi cần vai anh, thật đó, anh há không là người bạn thân duy nhất còn lại và gần tôi nhất sao? Ước gì tôi được nói chuyện với

    Huy ngay bây giờ, những gì tôi viết không sao diễn tả hết những gì tôi nghĩ. Tôi thật là cô đơn ở đây. Tình cảm tôi quá bén nhạy với nếp sống cơ giới lạnh lùng và hối hả của xứ sở tôi. Anh Huy, trên đời này có hạnh phúc không? Đôi khi tôi có gặp hạnh phúc đấy, nhưng sao cứ luôn bế mạc rất mau chóng bằng đau khổ? Số điện thoại của tôi là... Anh gọi tới nói chuyện với tôi nhé. Sáng nay khi vừa đến Chicago tôi có mua ngay một bưu thiếp gửi cho anh. Tôi có tới thăm một người bạn họa sĩ cùng trường. Hiện nay vì việc riêng tôi phải tạm nghỉ học, anh biết đấy, mặc dầu tôi chỉ còn chừng năm tín chỉ nữa là xong cao học. Gặp người bạn họa sĩ tôi hỏi: "Chị hay vẽ gì?" Chị ta đáp "Đề tài tôi ưa thích là tình yêu và sầu hận." Tôi hỏi: "Chị diễn tả tình yêu và sầu hận bằng màu sắc gì?" Chị ta đáp: "Tôi ưa dùng những nét rất thanh, và những màu ấm như đỏ, vàng, cam, đôi khi thứ đỏ thẫm gần thiên sang màu tím" - "Trường hợp nào chị thích vẽ?" - "Trường hợp tôi yêu, hay cảm thấy mình được yêu, và cả trường hợp buồn nữa."

    Nếu tôi là họa sĩ chắc tôi cũng vẽ như chị bạn tôi Huy ạ. Giờ thì tôi thấy rằng Thumrong không yêu tôi bằng tôi yêu chàng. Tôi càng biết hơn nữa với đứa con tôi sinh ra tôi sẽ chẳng bao giờ hy vọng có được một người chồng Á Đông. Hạnh phúc chỉ đến với ta chừng phút giây rồi ra đi vĩnh viễn nhường chỗ cho sầu hận và cô đơn. Huy là người Á Đông, lại có vợ Á Đông, chắc chắn anh có hạnh phúc. Tôi muốn ghen với anh. Anh có nhìn thấy tương lai và hy vọng của tôi và của đứa con tôi sắp sinh ra không? Trùng với ngày sinh nhật của tôi xưa có tiếng chim họa mi vang lên trong hoàng hôn và tiếng vĩ cầm tuyệt vời của Paganini, sao đời tôi giờ đây như chỉ có tiếng chó sói tru dưới trăng tuyết lạnh? Viết thư cho tôi đi Huy. Cho tôi hay tôi có thể tới Việt Nam dạy Anh văn được chăng? Tôi muốn đứa con có nửa máu Đông phương của tôi lớn lên ở Việt Nam, quê hương của bản tình ca:

    Sadness seems like immesely moving waves.

    Mến, Crys.

    Việt Nam quả thực là quê hương lý tưởng cho những người sống nhiều về tình cảm như Crys, nhưng làm sao mình có thể khuyên Crys tới Việt Nam vào lúc chinh chiến càng lầm lì, càng khốc liệt này - Huy nghĩ thầm vậy trong khi đi tản bộ vỉa hè quanh campus. Đợt nắng tàn in khá rõ trên mảng tường xa của tòa thính đường âm-nhạc-viện, nhưng rất thảng thốt mơ hồ trên những lùm cây cao. Hồi còn ở Sài Gòn Huy đã nhiều lần chứng kiến cảnh người lính Mỹ trả tiền thuê chiếc xích lô rồi bảo chính người phu xích lô ngồi lên cho mình đạp. Sinh trưởng ở một nước kỹ nghệ cực kỳ tân tiến, người lính Mỹ đó thèm khát một nếp sống hồn nhiên và tìm cách thoát ly, dù chỉ trong giây lát, sự chế ngự quá khắc nghiệt của máy móc. Phi trường New York mới cách đây mấy ngày, đường bay bận rộn đến nỗi phi cơ phải bay vòng trên vòm trời nửa giờ, đợi đến phiên mình đáp xuống. Phi trường Chicago tính từng phút, một chiếc lên lại một chiếc xuống liên tiếp cứ y như dòng người nối đuôi nhau và tiến đến guichet mua vé tại đại hí viện Radio City, New York. Và tới Việt Nam, người lính Mỹ được thảnh thơi đùa với chiếc xích lô. Nhưng Crys biết đùa gì tại nước Việt Nam nạn nhân của một cuộc chiến tranh phá hoại. Đồng ruộng miền quê thì ngập bom, đạn, mình; chốn thành thị thì ngập rác rưởi, rác rưởi chính quyền và rác rưởi thật sự trên các hè phố. Huy biết nói thế nào đây về thiên đường tình cảm Việt Nam mà nay lại hóa ra vùng đất cấm cho những người khát khao tình cảm như Crys. Huy đã lựa lời can ngăn Crys trong bức thư sắp viết.

    Một nữ sinh viên trẻ đẹp tóc màu mun buông xõa đến ngang vai, vóc người nhỏ nhắn nhưng chắc lẳn, từ trong campus đi ra. Huy nhận ra cô bạn cùng lớp với mình, tên nàng là Robinia, nhưng Huy vẫn gọi đùa nàng là "Chim Mùa Xuân, Robin".

    - Chim-Mùa-Xuân bay đi đâu đó?

    - Chào Huy!

    - Nếu "Chim Mùa Xuân" không có chương trình gì thì chúng ta sang đường vào tiệm kem kia.

    - O.K.!

    Tiệm kem bên kia đường là một tiệm kem rất xinh, cách trang trí vừa giản dị vừ dí dỏm. Tất cả ghế ngồi đều sơn đỏ và khoảng dựa lưng là hình trái tim.

    Họ ngồi đối diện nhau, lưng dựa vào... trái tim, vừa thủng thỉnh ăn kem vừa nói chuyện vui tầm phào. Người con gái Mỹ được sống những giây phút thoải mái hiếm hoi khi nói chuyện với Huy vào trường hợp này; Huy trong lúc nói và nghe liên miên cũng tránh nghĩ sâu đến thực tại đất nước ở bên kia bờ đại dương. Hai người như hai con rắn trườn mình trên cỏ xanh, cả cơ thể và tâm trí ôm bám lấy hiện tại cụ thể.


  9. #9
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết

    9
    Chia tay cùng cô bạn đồng học "Chim Mùa Xuân" tại tiệm kem, trở về nhà cũng đã chín giờ tối rồi. Huy ngồi vào bàn cắm cúi đọc sách mê mải tới hơn mười hai giờ khuya chợt thấy thèm cà phê, chàng tới bật bếp gaz đặt bình cà phê bằng nhôm lên, tiện tay vặn nú ra-đi-ô băng tần FM, bản độc tấu vĩ cầm Concerto en Ré Majeur của Beethoven vừa tới chung khúc Rondo. Tiếng đàn nhún nhảy, lanh chao như Crys ngày nào lần đầu gặp mặt. Tâm hồn Crys giờ đây đâu còn trong sáng hồn nhiên như ngày đó. Thốt nhiên Huy ao ước có ngày cùng Crys hòa một khúc nhạc nào đó. Huy sẽ ngồi vào dương cầm đàn theo tình cảm của mình, Crys tất nhiên đàn trung thành theo những ký hiệu ghi trên bản đàn, đúng với tinh thần kỷ luật của một nhạc sĩ quen với nghệt thuật hợp tấu, nhưng chắc chắn sự gặp gỡ giữa hai tinh thần hầu như trái ngược đó sẽ đem lại cho bản nhạc một sắc thái mới đáng chiêm ngưỡng.

    Vô tình Huy mở ngăn kéo lấy ra lá thư của Crys, đọc lại.

    "Tôi thật là cô đơn ở đây." Lời viết trong thư của Crys như biến thành cơn gió thổi cô đơn vào chính tâm tư Huy ở đây. Thường thì tình cảm Huy vốn phúc tạp như tình hình quê hương mà Huy hằng xót xa, nhưng không hiểu sao lần này nỗi cô đơn thể hiện thành gió mưa thuở hồng hoang trái đất.

    Nhìn dòng ghi số điện thoại của Crys, rồi nhìn lên kim đồng hồ chỉ 12 giờ rưỡi. Giờ đó gọi long distance call cho bạn thật vừa rẻ vừa tiện. Huy tới ngồi xuống bàn điện thoại, ly cà phê bốc khói trên tay. Đặt ly cà phê lên bàn, Huy bắt đầu vừa ngó vào trang thư bỏ ngỏ vừa quay số, quay 12 lần. Tiếng chuông bên kia đầu dây reo vang từng đợt ngắn đều đặn. Có tiếng máy nhắc lên kế đến giọng hỏi: "A lô, ai đấy?" Giọng Crys! Huy nhận ra ngay!

    - A lô Crys, Huy đây, gọi từ Tennessee. Tiếng Crys reo vui cuống quýt bên kia đầu dây:

    - Trời ơi Huy, tuyệt đến thế là cùng. Tôi vừa viết thư cho Huy xong về con rồng.

    - Hả? Rồng? Con rồng nào?

    - Con rồng ở hồ Michigan. Nhưng thôi để nói chuyện khác. Rồi anh sẽ nhận được lá thư đó và biết về con rồng. Anh có thì giờ gọi điện thoại cho tôi kia à? Việc học của anh không bận lắm đấy chứ?

    - Không bận lắm.

    - Anh có nghĩ rằng mãn khóa mùa xuân anh lên miệt Bắc này gặp tôi được chăng?

    - Chưa quyết định được đâu, Crys ạ.

    - Sao không? Hay anh đi một mình ngại. Tôi sẽ xuống miền đó đón anh lên đây vậy, chịu không?

    - Cám ơn Crys. Chắc chắn rồi chúng mình sẽ gặp nhau, bằng cách này hay cách khác mà.

    - Đúng vậy. Có thế chứ.

    - Tôi vừa có ý tưởng khá ngộ nghĩnh.

    - Ý tưởng gì vậy? Anh định bay lên miền Bắc với tôi ngay vào dịp nghỉ cuối tuần tới chăng?

    - Không. Tôi có ý tưởng sẽ hòa nhạc với Crys.

    - Ồ như vậy thì còn gì bằng.

    - Tôi chơi dương cầm, còn Crys tất nhiên sử dụng vĩ cầm.

    - Ồ thật tuyệt!

    - Tôi sẽ chơi dương cầm theo tình cảm của tôi, như dịch ca dao Việt Nam cho Crys đọc ấy mà.

    - Trời ơi, tuyệt!

    - Còn Crys thì đàn theo đúng những ký hiệu tình cảm ghi trên bản nhạc.

    - Ý kiến được quá! Thôi cuối tuần này anh bay lên miền Bắc nhé.

    - Crys không muốn tôi trượt kỳ thi cuối khóa chứ?

    - Không, ồ không đời nào.

    - Vậy thì hãy đợi đã.

    - Đợi, được lắm. Anh vẫn nhận được thư của gia đình đều chứ?

    - Đều.

    - Vợ anh, người vợ Á Đông của anh, chị ấy vẫn mạnh khỏe chứ?

    - Vâng cám ơn Crys, vẫn mạnh khỏe.

    - Chắc chị ấy mong anh về lắm.

    - Vợ nào chẳng mong chồng về, nhưng thư nào vợ tôi cũng căn dặn là đừng nóng ruột, hãy cố học cho xong trong chuyến xa nhà này.

    - Tôi vẫn bảo anh là người có diễm phúc lớn. Tôi vẫn ghen với anh về điểm đó mà.

    Chợt cả hai cùng ngừng nói, chờ đợi. Sau cùng Huy tiếp:

    - Thôi nhé kỳ này nói chuyện thế là đủ. Chúc Crys ngủ ngon.

    - Cám ơn Huy đã điện thoại. Chúc anh ngủ ngon.

    Đợi có tiếng Crys đặt ống điện thoại xuống trước, Huy mới đặt xuống theo sau. Ly cà phê trên bàn còn ấm.


  10. #10
    Join Date
    Sep 2010
    Bài Viết
    51,725
    Thanks
    1
    Được Cám Ơn 26 Lần
    Trong 26 Bài Viết
    10
    Bức thơ nói về con rồng ở hồ Michigan của Crys chưa kịp tới, Huy đã nhận được một bức thư có nét chữ lạ cũng tự Lansing. Đó là bức thư của bà mẹ Crys.

    Lansing ngày... Kính gửi ông Huy,

    Thưa ông, tôi là mẹ của Crys. Nó có đọc cho tôi nghe những bài thơ ông dịch gửi cho nó. Tôi nghĩ tôi nên viết vài dòng để thưa chuyện cùng ông. Những bài thơ đó quả thực đã giúp rất nhiều cho tâm trí nó trở lại quân bình. Gia đình tôi thật mang ơn ông vô cùng. Crys có nói với tôi rằng nó đã thuật hết những gì xảy tới đời nó trong mấy tháng sóng gió vừa qua. Chẳng hay nó có thuật cả việc chúng tôi phải mang nó tới một bác sĩ chuyên về bệnh tâm lý khám nghiệm? Nó đã kể hết sự tình với ông, tôi mong thế, và đó là điều hay, bởi như vậy tôi sẽ khỏi phải quá dài dòng trong bức thư đầu tiên này gửi tới ông. Tôi cũng không muốn Crys biết việc tôi viết thư riêng cho ông, vậy xin ông giữ kín cho đừng để nó biết. Crys còn

    phải tiếp tục tới bác sĩ chuyên về bệnh tâm lý ít nhất là một thời gian vài tháng nữa. Nó không có thai như nó đã tưởng lầm, kết quả cuộc thí nghiệm thỏ vừa qua đã minh chứng điều đó. Trong mấy tháng qua những biến cố dồn dập xảy tới như vậy, mà nó thì còn trẻ quá làm sao chịu nổi. Giờ đây nó chỉ có một ước vọng là ra đi thật xa khỏi ngưỡng cửa gia đình, đặc biệt nó ao ước được tới viếng những nước Á

    Đông, như Việt Nam chẳng hạn, để vừa được sống giữa người Á Đông vừa dạy họ học Anh văn. Luật lệ ở xứ sở tôi thì khi con cái tới 21 tuổi là có quyền thoát ly gia đình. Bức thư vừa rồi ông viết có khuyên nó hãy tiếp tục việc học và hãy hoãn dự định viễn du chừng hai ba năm nữa, đợi cho Việt Nam có hòa bình đã (Thường thì bức thư nào của ông nó cũng khoe với tôi và cho tôi hay đại ý nội dung như vậy.) Tôi thành thật tri ân lời khuyên khôn ngoan sáng suốt đó. Mong rằng ông tiếp tục khuyên nó như vậy. Xem chừng giờ đây nó chỉ tin và nghe có ông. Bác sĩ cũng nói riêng với tôi là với hiện trạng bộ thần kinh của Crys, thì điều kiện tuyệt hảo là nó phải có một người tin yêu để được thổ lộ tâm tình. Người đó chính là ông vậy.

    Vậy xin ông làm ơn cứ tiếp tục phúc đáp thư nó mỗi lần nó viết gì kể lể với ông. Và một lần nữa xin ông đừng tiết lộ tôi đã viết thư riêng tới ông. Rất có thể rồi đây tôi sẽ nói với nó vào đúng lúc, nhưng hiện giờ thì chưa nên.

    Cám ơn rất nhiều về lòng kiên nhẫn của ông, cám ơn rất nhiều về sự hợp tác hữu hiệu ông đã dành cho gia đình chúng tôi.

    Kính thư,

    Janice M.P.

    Sau bức thư của bà mẹ một hôm, Huy nhận được liền hai bức thư của Crys, một bức nói về... con rồng hồ

    Michigan, và một bức Crys viết ngay sau khi điện đàm với Huy đêm đó.

    Lansing ngày... Huy mến,

    Từ khi quen Hương, nghe Hương thuật một vài sự tích Đông phương có hình ảnh con rồng, rồi vào một ngày kia tôi lắng nghe tiếng sóng rào rạt của hồ Michigan vỗ vào mạn bờ, tôi bèn tưởng tượng đấy chính là tiếng gầm của con rồng Đông phương tới cư ngụ nơi đáy hồ. Huy ơi, hồ Michigan năm nay đẹp huy hoàng đến cực độ, mặc dầu trời lạnh đóng băng làm mặt hồ nhiều nơi trông thật kỳ dị tức cười. Dọc theo bờ hồ rõ ràng hình một con rồng nằm nghỉ ngơi vẻ nửa thức nửa ngủ nhưng vẫn không dấu được bản tính hung hãn nguyên thủy của nó. Giữa hồ hình một con rồng khác nằm bất động, sống lưng nó có khoảng nhô lên cao tới hai mươi bộ, nhọn hoắt. Xa tít mù tắt, nơi mặt hồ và chân trời gần nối liền nhau lại một con rồng khác đuôi quẫy sau vào một cửa sông. Trời chiều một màu xanh trong vắt thoáng ửng hồng khiến những con rồng trên hồ như được trang điểm không biết cơ man nào là ngọc châu, những loại ngọc châu quý giá nhất có thể tìm thấy trên trái đất. Tôi muốn có Huy ở đây cùng tôi ngắm cảnh hồ huy hoàng dưới một bầu trời lạnh cóng như thế này. Trời lạnh kinh khủng, ngồi trong nhà, hơi nóng để sưởi đã được vặn hết cỡ mà tay tôi vẫn thấy tê dại đi khi viết những dòng chữ này.

    Tạm ngừng ở đây thôi.

    Mến, Crys.

    Lansing ngày... Huy mến,

    Tôi vẫn nghĩ cuộc đời này chính là một mối sầu dài dằng dặc, Huy ạ. Tôi nhớ một lần tại campus một mình tới hồ bơi dưới basement, nhìn nước xanh trong cộn sóng, nhìn các bè bạn bơi lội tưng bừng bên dưới, tôi thoạt có cảm tưởng như sóng nước cố van nài tôi xuống, nhưng tới khi nhào xuống, sóng nước bỗng như biến thành thứ vải liệm cô đơn, và tôi đặc biệt cảm thấy êm ái trong thứ vải liệm đó. Chết chưa, tôi định ngay dòng chữ đầu tiên hạ bút trên trang thứ này, là cám ơn Huy đã gọi điện thoại mà rồi, lại đi nói chuyện tận đâu đâu. Huy có biết giờ này mấy giờ rồi không? Ba giờ sáng rồi! Nói làm sao hết niềm vui khi nhận ra tiếng anh! Khi đặt máy nói xuống tôi lên giường nằm ngay, suy nghĩ về lời đề nghị cuộc hòa nhạc ngộ nghĩnh của anh. Rồi tôi không sao ngủ được, cứ như là vừa uống một ly cà phê thật đậm. Tôi nhớ đến Hương, nhớ thuở còn cùng Hương học ở Đại Học Đường Chicago, rất nhiều khi nửa đêm tôi gọi điện thoại cho Hương hỏi: "Hương ơi, đói quá có gì ăn không?" Ăn đây tất nhiên là món ăn nấu theo kiểu Việt Nam. Lần nào Hương cũng trả lời: "Lại ngay đi. Crys, khi mày tới đây, thì đã sẵn sàng cả rồi." Mà quả vậy, khi tôi lái xe tới, thì thức ăn đã dọn đầy đủ trên bàn, những món ăn nấu theo kiểu Việt Nam, thịt bò xào ướp tỏi hay cánh gà rán, hay canh nấu với tim gà... Thật tuyệt! Thức ăn đã ngon, càng ngon đến tuyệt vời vì tình bạn vừa sáng láng vừa tế nhị của Hương. Hai giờ rưỡi sáng rồi mà vẫn tỉnh ngủ, bụng đói cồn cào. Thật đáng tiếc là không có Hương ở Lansing này, nếu có chắc chắn là dù đã hai giờ rưỡi sáng, tôi vẫn được nghe lời Hương trong máy nói: "Mày cứ lại đây ngay đi, tới nơi thì đã sẵn sàng cả rồi." Nhưng không sao, tôi đã học được của Hương cách làm vài món. Tôi bèn vùng dậy, vào bếp luộc bún gạo mua ở phố Tàu. Luộc xong, cho vào chút nước dùng (chicken broth đấy): xong rồi cho lên trên vài con tôm khô đã xào với chút thịt lợn un khói cũng đã mua ở phố Tàu; sau cùng là hành tươi và nước mắm. Ăn được lắm chứ. Ăn xong, no bụng rồi, bèn ngồi vào bàn viết cho anh trang thư này. Được nghe tiếng anh trong điện thoại, vui lắm. Để bao giờ anh lên miền Bắc này tôi sẽ đích thân làm những món ăn Việt Nam mà tôi đã học được của Hương. Tôi sẽ làm những món đó theo tình cảm, y như anh đã dịch ca dao Việt Nam sang tiếng Anh cho tôi xem vậy. Anh sẽ thích những món đó đúng như tôi mê những bản dịch ca dao vậy.

    Một lần nữa, cám ơn anh đã điện thoại đến tôi. Mến,

    Crys.

    Tái bút: À này Huy, nếu gặp nhau hòa đàn, ta sẽ chọn Mendelson hơn là Mozart, tôi có ý kiến vậy đấy.

    Mozart bay bướm quá, Mendelson u hoài hơn.

    Mấy ngày nay Huy cảm thấy vui vui trong lòng, chàng nhận được thư của hầu đủ mặt những người thân, thư gia đình khỏe mạnh, thư Hương, thư Crys... Đọc báo, nghe radio và xem TV được biết Việt Cộng vì bị dư luận quốc tế đả kích, nên chúng cũng không còn dám đặt mìn định hướng bừa bãi vào những chỗ đông thường dân nữa.

    Thư Hương tả cái lạnh ở New York:

    "Dịp cuối tuần qua em theo bạn lên miệt Bắc Pennsilvania. Trời lạnh 3 độ Farenheit anh ơi, từ 29 dưới độ lạnh của nước đá. Em cùng bạn cuốc bộ một quãng ngay trên bờ sông Delaware. Sông đã hoàn toàn đóng băng, nhưng vì đây là ngọn nguồn, dòng nước thường chảy mạnh, nên dù đóng băng đi nữa, mặt sông vẫn mang vẻ dạt dào, nhấp nhô. Lạnh thế mà em cứ thấy vui vui, nhất là khi chú mục nhận ra đầu những ngọn sóng con cũng đã thành băng trắng xóa. Ồ giá thời gian cũng có thể ngưng đọng như những nếp sóng ngưng đọng thành băng đá.

    °

    Crys viết cho Huy thuật lại Hương đã dạy Crys thái độ làm chủ thời gian chứ không nô lệ cho thời gian như thói quen Mỹ chết cứng trong những dead lines. Crys còn thuật một lần năm ngoái vào dịp sinh nhật của Crys, Hương tới dự rồi ra về. Suốt trong cuộc họp mặt Hương chứng kiến cảnh Crys tuần tự mở từng gói đồ tặng rồi nồng nhiệt cám ơn từng bạn. Mãi ba ngày sau Crys vô tình tìm sách trên kệ mới thấy quà sinh nhật Hương kín đáo tặng mình, đó là mấy thước lụa màu xanh cẩm thạch rất thanh nhã dệt ở Việt Nam với những hình vẽ trang trí đặc biệt Việt Nam. Sự khám phá bất ngờ đó dường như còn làm cho Crys cảm thấy thích thú đến tận bây giờ. Crys đã mượn mẫu áo dài của Hương để dùng tấm lụa Hương tặng bí mật tự may được chiếc áo dài kiểu Việt Nam. Crys dự định vào ngày sinh nhật Hương sẽ xuất kỳ bất ý bận áo dài Việt Nam tới dự; nhưng đến khi hỏi Hương thì Hương cho hay ở Việt Nam ngày quan trọng là ngày tưởng niệm những người thân đã quá cố, còn ngày sinh nhật của những người còn sống sờ sờ ra đấy thì rất ít người chú ý tới...

    Trả lời thư Crys, Huy nói là nếp sống có hoạch định trước của người Mỹ cũng là một cách làm chủ thời gian đấy chứ. Nó kém bề thảnh thơi, đồng ý, nhưng chính vì được hoạch định tỉ mĩ và hợp lý mà nước Mỹ chỉ trong vòng ba trăm năm đã thực hiện được biết bao nhiêu là xây dựng hùng vĩ...

    Những thư đi thư lại kiểu xã giao (gần như buồn tẻ) kéo dài như vậy trong hơn hai tháng. Khóa mùa xuân đã sắp bế mạc. Bỗng lời thư của Crys như bắt đầu bừng tỉnh cùng nắng hè.

    °

    "Tôi khao khát tình yêu và tự do, Huy ơi. Lẽ ra cuối khóa Xuân này tôi đã xong Cao Học, nhưng thôi, nghỉ khóa Xuân thì học khóa hè càng chóng. Lúc đó tôi đã tới tuổi trưởng thành rồi. Có lẽ tôi sẽ lên Detroit học nốt khóa cuối cùng đó, rồi xin đi dạy học một vài năm để dành tiền học lên Tiến Sĩ sau. Sao tôi lại không đến Việt nam để vừa dạy Anh văn vừa dạy nhạc cho Âm Nhạc Viện Sài Gòn? Tôi còn nhớ một bức thư gần đây Huy viết có nói dàn nhạc đại hợp tấu Sài Gòn có nhiều nhạc sĩ ngoại quốc, tại sao tôi không gia nhập, ngồi ở hàng đầu dãy vĩ cầm nhỉ? Nghệ thuật sẽ giúp tên tuổi tôi có cánh bay xa khắp hoàn cầu. Tôi tin vậy. Mỗi lần tham dự cuộc hòa nhạc, tiếng đàn của tôi vút lên đều mang theo một phần sinh khí của chính tôi. Tôi có cảm tưởng tiếng đàn thoát lên cao vút đó là con tôi, một đứa con thần thoại mà tôi vừa là cha lại vừa là mẹ. Hơn thế nhiều khi tôi còn nghĩ: tôi là tiếng, tiếng đàn là tôi! Những lúc đó bao giờ tôi cũng ao ước có anh người dưới hàng ghế thính giả. Anh cần phải nghe tôi đàn, có thể qua tiếng đàn anh hiểu tôi hơn, cũng như qua câu ca dao Sadness seems like immensely moving waves tôi hiểu người Việt Nam hơn, hiểu anh hơn.

    Huy! Anh hãy đánh bài ca dao Việt Nam tuyệt tác nhất tặng tôi vào dịp sinh nhật sắp tới. Sinh nhật năm 21 tuổi, tuổi thành niên của tôi. Anh thấy không, thời gian về phe tôi rồi."

    °

    Huy thấy câu cuối cùng Crys viết nguệch ngoạc hẳn, dường như nàng xúc động lắm khi hét lên trong đầu như vậy: "I'll be the old age of 21. So you see, time is with me." Rồi trong bức thư kế tiếp:

    "Những con rồng tại hồ Michigan đã được giải phóng khỏi băng tuyết lạnh cóng và đông đặc, chúng đương tiếp tục gầm những tiếng gầm ngoan ngoãn, nhiều khi như nũng nịu khi tôi viết những dòng này cho Huy. Có điều lạ là mỗi lần nhìn sóng hồ nhịp nhàng vỗ vào bờ, tôi vẫn như thấy hồ Michigan vào những ngày đầu mùa đông với màu tuyết phủ trắng nơi nơi. Suy nghĩ sâu hơn chút nữa, sở dĩ tôi ưa màu tuyết trắng xóa mùa đông chính vì tôi liên tưởng tới những bông crocuses, bài học thấm thía về sự cường kiện. Crocuses thật là mảnh mai, nhưng cũng chí là hiện thân của cường kiện. Có lẽ crocuses là hình ảnh của Thiền. Bên những bài ca dao, tôi còn mang ơn anh về cuốn Thiền anh tặng tôi ngày nào. Từng câu chuyện nhỏ, từng dòng chữ kể thật đẹp như những bông crocuses nhô lên khỏi mặt đất băng giá góp niềm hy vọng mùa xuân cho cả một vùng còng trắng phau màu tuyết. Ôi chao, lúc đó tự nhiên tôi cảm thấy sao mà mình cường kiện. Với tôi những bông crocuses vừa là danh sư vừa là linh dược. Tôi cần phải mạnh Huy ạ, bởi tôi còn phải chiến đấu nhiều, có biết bao nhiêu điều tôi dự định thực hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi đời mình."

    °

    Huy đã trả lời Crys ngay, mặc dầu vào những ngày cuối khóa này công việc học của chàng bề bộ thường xuyên đến vào nhà cầu cũng khư khư ôm theo cuốn sách. Huy thú thật với Crys là chàng đã phải chú ý nhiều đến loại hoa crocus chỉ vì thông cảm với những dòng Crys viết: "It is beautiful the only place where crocuses are pushing their way through the frozen ground and add their hope of Spring to the white surroundings."

    Bức thư kế tiếp, Crys viết:

    "Tôi cần tình yêu và tự do thật đấy Huy ơi. Tự do thì tôi sắp đạt được vào dịp sinh nhật tới. Nhưng còn tình yêu? Cha mẹ tôi vẫn săn sóc, thương yêu tôi, nhưng không phải là thứ tình yêu đó. Điều kỳ dị là cha mẹ tôi vẫn coi tôi như đứa con gái nhỏ của các người. Tôi đâu còn là đứa con gái nhỏ? Tôi xuýt đã là đàn bà! Tôi cần thứ tình yêu cho đàn bà, không phải cho trẻ nít! Tôi nhớ lại bức thư cuối cùng Thumrong viết cho tôi chàng nói chàng yêu tôi, chàng khuyên tôi hãy thận trọng giữ gìn sức khỏe. Thật là khôi hài! Chàng nói vậy mà chàng lại ưng thuận cưới cô gái Thái cha mẹ chọn sẵn cho. Nói là yêu thôi, đâu có đủ! Tôi cần chính người yêu; tôi cần cảm thấy có vòng tay âu yếm của người yêu xiết chặt quanh mình; tôi cần có hơi thở và tiếng thầm thì thật sự của người yêu bên tai; tôi cần những cái hôn nho nhỏ người yêu không ngớt lướt lên má, lên môi, lên mắt, lên trán tôi; tôi cần được giặt giũ quần áo cho người yêu; tôi cần được làm bếp cho người yêu; tôi cần nằm lăn ra giường thoải mái, chân tay quờ quạng vào đâu cũng đụng thấy người yêu. Huy thấy không, đêm nay tôi viết hết cho anh những điều tôi có thể viết. Tôi cảm thấy tinh thần xuống đến cực độ, và cô đơn đến không sao chịu nổi nữa. Tôi nghĩ rằng chỉ anh mới thông cảm được hết nỗi niềm cô đơn kinh khủng đó qua sự cô đơn hiện tại của người vợ Á Đông của anh hiện ở bên kia bờ đại dương. Tôi chỉ còn biết đọc lại những bài ca dao Việt Nam anh đã dịch cho tôi. Cám ơn, cám ơn anh nhiều lắm, những bản tình ca nói về những tình cả cô đơn đó nhiều khi đã giúp tôi bớt cô đơn, y như uống một chút cà phê mà lại có được giấc ngủ êm đềm."

    Sau bức thư gào thét cô đơn, Crys có được người bạn mới, đó là chú mèo Kitty:

    "Chú Kitty này thích ăn giấy, thích nghịch bút Huy ạ. Trong khi tôi viết thư này thì chú ta lăng xăng dưới chân, nhảy lên bàn hết quờ cái này lại cào cái nọ, tôi cứ phải luôn miệng cảnh cáo chú. Ban chiều lúc tôi đương tắm, chú ta chăm chăm nhìn tôi bằng đôi mắt lo lắng đến tức cười, tựa như chú tự hỏi tôi đương làm gì trong cái bồn nước kỳ cục đó. Khi tôi đứng dậy quấn khăn bông, chú ta cũng cuống quít chạy quẩn dưới chân cho rằng như thế cũng là giúp tôi lau khô người.

    Tôi chợt nhớ đã đọc một câu thơ:

    Thế giới đầy rẫy những lo âu sầu não

    Nhưng những bông hồng vẫn nở...

    Và tôi nghĩ đến anh, đến Hương, đến khuôn mặt của hai người khi nói đến đất nước Việt Nam. Tôi thành thật kính trọng nỗi đau buồn của các bạn. Tôi nghĩ đến những khu rừng Việt Nam có những bông hồng vươn cao đua nở, dưới rễ tẩm đẫm máu người. Cái Đẹp và sự Chết cùng hiện diện! Cái chết đến với người già là phần thưởng tối hậu; người già ra đi thanh thản. Nhưng cái chết trẻ, gục ngã trong rừng thẳm máu tưới cho gốc hoa, tôi thấy kinh tởm quá, dù cho máu người của bên nào cũng vậy. Chính vì vậy tôi đã gọi dây nói tới Hương ở New York. Nghe tiếng Hương bên kia đầu dây tôi muốn khóc òa. Chẳng hiểu vì sao. Rồi khi nói chuyện với Hương, lòng tôi vui mà vẫn buồn. Chúng tôi nói chuyện tới nửa giờ, nhưng khi đặt ống nói xuống, tôi cũng không nhớ là hai đứa đã nói những gì với nhau."

    Nghe tiếng Hương bên kia đầu dây mà Crys muốn khóc òa, nói chuyện với nhau nửa giờ mà khi đặt ống nói xuống không nhớ là đã nói gì với nhau. Tội nghiệp Crys, Huy chỉ biết nghĩ vậy, thật ra cũng tội nghiệp cho cả chàng, cho tất cả những ai ham suy tư, tự làm cụm tơ cho cơn lốc tình cảm. Chẳng ai có thể sung sướng khi sa vào tâm trạng đó, làm sao thấy được bóng trăng tròn trong một hồ Michigan đã là nơi cư ngụ của muôn ngàn con rồng gầm gừ quẫy đuôi, vật mình nổi sóng!

    Thư Hương tự New York:

    "Em vừa dự một buổi party sinh nhật bạn về. Chẳng lẽ lại không đi. Em có tật càng ở đám đông, càng cảm thấy mình như đang lang thang ở sa mạc. Em thường xuyên khao khát một cái gì thân thuộc của

    mảnh đất quê hương, hay một cái gì không tưởng của lý tưởng ôm ấp, không biết nữa anh ạ. Dạo này việc học bận quá, weekend cũng không có thì giờ đi lang thang tìm màu cây xanh hay màu đất đỏ. Ở New

    York những thứ "xa xỉ phẩm" đó phải đi tìm mới có, chứ đâu như ở quê nhà những thứ đó ở ngay bên mình. Trên TV em mới bắt gặp một cảnh xuân trên một vùng đồi Virginia. Màu cỏ non xanh rợn chân trời bỗng như choàng thức trong em, em nhớ hình ảnh mùa xuân nơi đó em đã tới thăm một tuần năm ngoái. Em tới Virginia đúng lúc xuân về, về một cách đột ngột. Cây cỏ tự nhiên tối hẳn lại như mình mới bước

    ra nắng và thình lình giương cái ô xẫm màu lên. Rồi cùng với nắng và gió, màu xanh trải rộng ra... màu xanh ngợp mắt, nhìn đâu cũng chỉ thấy thảm cỏ xanh đến nỗi khi ngẩng nhìn trời xanh mình có cảm tưởng như đó là một tấm thảm trải ngược. Anh ơi, nếu có dịp, anh phải tới thăm Virginia vào mùa xuân để bước vào những khu vườn thần thoại thuở ấu thơ, để thấy yêu mình, yêu người yêu thế gian hơn bây giờ..."

    Huy mỉm cười khi nhớ lại trước đây trong một bức thư Hương đã say mê tả cảnh thu huy hoàng trong màu lá đỏ cũng của Virginia Skyline Drive.

    Trong lá thư phúc đáp Huy nói đùa:

    "Chỉ tại cô yêu thiên nhiên như vậy nên không còn chỗ đứng trong trái tim cô cho chàng trai nào nữa. Người ta có thể vì yêu người mà thấy thiên nhiên đẹp hơn, ngược lại người ta khó lòng vì yêu thiên nhiên mà yêu lây sang hình bóng vẩn đục của con người trong kiếp người."

    Tuy nhiên hình ảnh thiên nhiên mùa xuân Hương kể trong thư cũng làm Huy thấy sống như chợt trở thành đơn giản. Mùi hoa honey suckle đâu đây, mùi đất nồng ấm, mùi nhựa cây bừng trở thành búp, ánh nắng chan hòa từ thinh không đổ xuống vùng đồi núi chập chùng vắng lặng. Có thể là vùng đồi núi trung du

    Bắc Việt, cũng có thể là vùng đồi núi Virginia Hương kể trong thư.

    Dịp sinh nhật Crys là dịp Huy học bù đầu chuẩn bị cho kỳ thi cuối khóa, tuy nhiên quà mừng Huy gửi cũng có bản dịch một bài ca dao Việt Nam, và trên tấm thiếp mừng có ghi câu thơ Thiền nói về ánh trăng tuy vỡ hoài, vỡ hoài mà vẫn còn mãi trong sóng nước:

    The moon in the water Broken and broken again Still it is there.

    Kèm theo là lời mời Crys xuống thăm miền Nam, nếu Crys có thì giờ, trước khi Huy sẽ lên miền Bắc đáp lễ vào cuối khóa hè tới.

    Đúng hôm Huy vừa thi mãn khóa xong, tung hê hết sách vở, hả hê ngẩng nhình trời mây để giải tỏa đầu óc khỏi thế giới chữ nghĩa, thì chàng nhận được thư Crys, lá thư đề ngày 17 tháng 6, sau ngày sinh nhật của nàng một hôm. Huy có cảm tưởng Crys đã sống những giây phút dây thần kinh căng thẳng kiểu Edgar Poё.

    Lansing ngày 17 tháng 6... Huy mến,

    Lúc đó vào khoảng ba giờ sáng Huy ạ, nghĩa là ít nhất cũng còn chừng ba giờ nữa mặt trời mới nhuộm hồng chân trời Đông, nhưng lần này không khí vắng lặng một cách kỳ lạ. Trái đất như ngừng quay và trôi nổi lặng lờ trong không gian như xác tròn một sinh vật chết đuối, gió nín thở vì sợ. Sự im lặng tràn ngập căn phòng tôi ngủ, sự im lặng bao phủ căn nhà tôi ở, sự im lặng chờ đợi một cái gì ghê rợn nhưng vô

    hình, vô thanh, vô sắc lởn vởn rình mò đâu đây. Tôi có cảm tưởng ngoài kia những con vật sống trong đêm cũng đương tụ tập lại nép vào nhau chuẩn bị phản ứng kịp thời nếu có gì bất thường bùng nổ trong đêm tối. Đã từ lâu tôi ngồi yên trên giường nghe ngóng như vậy. Con Kitty nằm trên lòng tôi, nhưng giấc ngủ của nó bị xáo động bởi ác mộng. Chắc anh hỏi sao tôi biết giấc ngủ của nó xáo động bởi ác mộng. Biết lắm chứ, nó cựa quậy nhưng bứt rứt trong khi ngủ, vuốt chân nó không ngừng níu lấy tôi như có kèm theo một tiếng kêu cứu siêu âm.

    Huy biết không, tôi cứ ngồi như vậy cho đến sáng mới nằm gục xuống ngủ lại đến gần trưa, bỏ bữa sáng.

    Cám ơn thiếp và quà sinh nhật của Huy, khỏi nói tôi đã sung sướng ngần nào khi nhận được chúng. Phải, tôi không thể buông xuôi hy vọng. Còn sống, còn hy vọng, phải không Huy, như ánh trăng bị vỡ hoài trong chậu nước mà không mất. Cám ơn nhiều về lời khuyên Thiền của Huy! (Thực ra khám phá đó là của riêng Crys.)

    Mến, Crys.

    Tái bút: Huy mời tôi xuống miền Nam thật chăng? Ở đó Huy có cô bạn đồng học thân nào không? Hãy thu xếp cho tôi được ở tạm với người bạn đó trong thời gian thăm viếng. Tôi sẽ xuống bằng phi cơ, tôi không quen đi buýt và thú thật vì vậy tôi không còn đủ tiền ở khách sạn, tôi sẽ gọi dây nói hay đánh điện tới anh khi chuẩn bị xong. Tuy nhiên nếu có gì bất tiện xin đừng ngần ngại nói thẳng cho tôi hay, tôi vẫn có thể hoãn cuộc đi bất cứ lúc nào.

    °

    Huy đã gặp mấy bạn Việt của chàng để chuẩn bị buổi họp mặt đầu tiên đón Crys.

    Khi nhận được bức điện tín Crys sẽ đến Nashville, Huy bị ngợp trong một cảm giác rộn ràng phức tạp. Vẻ thùy mị của Crys khi chàng gặp lần đầu ở Chicago, đôi cánh tay ngà của nàng khi rung tremolo trong cuộc hòa nhạc... tất cả những hình ảnh dĩ vãng đó nay biến dạng đi, biến dạng vì cả một tập thơ tâm sự dầy cộm còn chất đầy trong ngăn kéo kia, biến dạng vì chính quyết định của nàng bay xuống miền Nam gặp Huy, vì vậy mà bất kỳ hình ảnh nào của Crys ôn lại đều đượm vẻ táo bạo khốc liệt của đam mê, thứ táo báo của đóa hoa đào miền Bắc nở bất chấp vào một ngày gió bấc lồng lộn trong không gian âm u, hoa nở, hoa cười trong gió lạnh căm căm, cánh mảnh nhưng mềm, gió không bẻ gãy được. Cảm giác xao xuyến trong Huy bỗng vươn tới cực độ thành nôn nao khi bóng nắng bên ngoài vừa nghiêng tới độ chếch xuyên qua màn cửa rọi thẳng vào chiếc gương trong buồng tắm. Huy chỉ ăn có một lát bánh mì nướng với chút mứt táo phết lên trên và uống một ly cà phê đặc trước khi lái xe ra phi trường đón Crys.

    °

    Crys kế tiếp người khách thứ mười xuất hiện trước cửa máy bay. Nàng mặc áo trắng cộc tay, váy màu xanh lợt như thanh ngọc. Khi Huy giơ tay lên, nàng nhận ra ngay, nàng cười sung sướng rồi cúi nhìn những bậc thang mà nàng xuống nhanh tới mặt xi măng của phi trường. Một tay đỡ lấy chiếc va li nhẹ của Crys, tay kia Huy ôm lấy nàng. Crys ôm Huy bằng cả hai tay: "Em đã tới, Huy thấy không, em đã tới!" Nàng nói khẽ và hơi ngửa mặt lên. Huy cúi xuống hôn nàng. Trước đây Huy vẫn nghĩ Crys mảnh khảnh như cô gái Việt Nam, thực ra nàng vững chắc hơn nhiều:

    "Chúng ta ra thôi!" - Huy nói khẽ bên tai nàng sau cái hôn chào đón. Khi xe đã rời phi trường vào xa lộ, Crys nói:

    - Sớm nay trước khi em ra phi trường có một chuyện buồn xảy đến, anh Huy. Huy giật mình:

    - Chuyện gì đó Crys?

    - Trước cửa nhà em có tổ chim sơn ca, trong tổ có bốn trứng, vậy mà không hiểu đêm qua có loài chim lạ nào tới phá làm ba chiếc trứng rơi xuống đất vỡ tan, em buồn mãi đến giờ.

    Huy cười yên lòng:

    - Ồ, kể thế cũng đáng buồn thật.

    - Thoạt em tưởng là lỗi con Kitty, em đã giận Kitty.

    Huy lại mỉm cười, một bàn tay của chàng dời vô-lăng, lùa vào mớ tóc mềm sau gáy Crys:

    - Em hãy nói về con mèo của em!

    - Điều em chắc chắn là Kitty không bao giờ biết cô đơn là gì.

    - Bây giờ em đâu có cô đơn!

    - Nhưng sẽ cô đơn - giọng Crys thoáng buồn - còn Kitty thì không bao giờ. Em làm cái gì nó cũng quẩn dưới chân như muốn giúp đỡ. Lúc nó ngủ thì thật dễ yêu, mình trắng cuộn tròn lại, (Crys bật cười vui), chân màu nâu chocolat duỗi ra, trông nó nằm thon dài thật đẹp. Nó đặc biệt chỉ nằm yên khi em tập đàn.

    Huy mỉm nụ cười hiền và đưa mắt nhìn cánh tay trần của Crys, bàn tay mặt của chàng lại dời vô-lăng âu yếm đặt lên:

    - Anh yêu cánh tay ngà ngọc này khi rung tremolo Eroica của Beethoven.

    Crys sung sướng nhìn Huy:

    - Xe lái trong bao lâu thì tới nhà, anh?

    - Nửa giờ.

    - Em sẽ ở nhà cô bạn đồng học nào của anh?

    - Em sẽ ở ngay apartment của anh, vì khóa xuân qua anh chàng roomate của anh nghỉ, anh một mình thênh thang một phòng.

    - Như vậy chiều nay hai đứa chúng ta có thể làm cơm Việt Nam ăn?

    - Không phải chỉ có hai đứa chúng ta, nhiều hai đứa khác nữa, đó là điều ngạc nhiên dành cho em!

    Quả nhiên Huy đã dành cho Crys cuộc tiếp đón vô cùng ngạc nhiên, thân mật và thích thú. Khi chàng lái xe về tới trước cửa, thì trong nhà đương rộn tiếng cười đùa: Cặp Thụ và Rosalee, cặp Duyên và chàng phi công Quý (vị hôn phu của nàng) đều có mặt.

    Trước khi ra phi trường Huy đã trao chìa khóa cho những bạn này, họ đi supermarket mua các thứ về và sửa soạn bữa ăn họp mặt.

    Crys đi vào không khí thân thuộc đó như cá gặp nước. Đã lâu lắm, phải lâu lắm, từ ngày Hương rời đi

    New York...

    Quý kể với Crys là chàng và Duyên làm lễ hứa hôn với nhau từ Sài Gòn, rồi Duyên được học bổng sang đây và chàng cũng được quân đội cử tới Fort Brown, tiểu bang Georgia, học một năm về trực thăng.

    Theo như sự tố cáo của Duyên thì một lần Quý từ Georgia bay ngược lên Tennessee, lúc qua Nashville ngang campus, Quý đã nhào phi cơ xuống thấp hơn để là một cách to say hello to his loved one, nhưng Quý đã nhào quá độ thấp an toàn bắt buộc khi qua một đô thị, nên khi về bị cấp trên khiển trách có ghi vào biên bản.

    Thụ cười phá:

    - Hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ cứ việc ghi vào biên bản, Quý đâu có cần. Hắn chỉ cần có chính phủ này.

    Thụ chỉ vào Duyên và tiếng cười của mọi người cùng vang rộ.

    Huy nói với Crys thực chàng đã may lắm mới tổ chức được đủ ba cặp như hôm nay, chỉ vì gặp dịp cuối khóa học.

    Crys hỏi Quý:

    - Anh tới đây bằng gì?

    - Bằng trực thăng - Quý đáp.

    Crys trợn tròn mắt:

    - Trực thăng quân đội?

    - Không, trực thăng tư nhân, mượn của một anh bạn đồng khóa, anh là con một nhà đại tư bản ở ngay Atlanta, thủ phủ Georgia.

    Khi câu chuyện tương đối ngót, Crys xin phép vào buồng tắm, các bạn khác của Huy bày bàn. Tới khi mọi người quây quần vào bàn ăn, câu chuyện rộ trở lại cường độ cũ, đề tài phức tạp hơn, chuyện ăn uống, chuyện địa phương, chuyện học hành, cho đến khi dùng đồ tráng miệng.

    Đã được biết trước Crys là nhạc sĩ vĩ cầm, Duyên có mang đàn thập lục của nàng tới. Ôi chao, toàn thân

    Crys như muốn biến thành ánh sáng khi nghe những dây thập lục dội âm thanh dưới ngón tay Duyên.

    Crys quên hết mọi người xung quanh, thính quan và thị quan của nàng bám lấy cây đàn, nàng hỏi vào Duyên trả lời. Duyên nói về hệ thống ngũ cung hò, sự, sang, xê, cống của Đông phương, riêng ở Việt Nam hệ thống ngũ cung miền Bắc hơi khác với hệ thống ngũ cung miền Nam, một đằng là do, ré, fa, sol, la, một đằng là do, mi, fa, sol, la, chính vì có sự khác nhau chút đỉnh đó mà điệu hát miền Bắc, điệu hò miền Nam mang cá tính rõ rệt của riêng mình. Và Duyên trình diễn mấy bản điển hình cho Crys nghe.

    Huy nói thêm cho Crys hiểu là mỗi bài ca dao lục bát Việt Nam có thể hát theo nhiều điệu khác nhau, do đó âm điệu của từng bài có thể thay đổi chút ít với lời ca, nhưng nhịp điệu thì vẫn luôn luôn như vậy.

    Huy, Quý, Thụ hát theo tiếng đàn của Duyên và nhịp vỗ tay của tất cả mọi người bài dân ca miền Bắc

    "Qua cầu gió bay":

    Yêu nhau... cởi áo ối a cho nhau

    Về nhà dối rằng cha dối mẹ

    A à a á a

    Này a ối a qua cầu Này a ối a qua cầu Tình tình tình gió bay Tình tình tình gió bay.

    Thụ ghé bên tai Rosalee dịch cho nghe ý nghĩa lời ca, Rosalee gục đầu lên vai Thụ cười, rồi chính

    Rosalee cũng như quên cả mọi người xung quanh, ôm lấy cổ Thụ hôn tha thiết.

    Khuya Huy lái xe đưa mọi người về nhà, thoạt đưa Quý về khách sạn vì hôm sau Quý đã phải về Fort

    Brown sớm. Rồi Rosalee. Trở lại campus còn Thụ và Duyên. Khi chỉ còn Crys trên xe với Huy, nàng hỏi:

    - Sao Duyên không ở luôn khách sạn với Quý, anh Huy? Huy mỉm cười:

    - Vợ chồng chưa cưới không thể ở với nhau công khai thế được!

    - Sao khi hai người chia tay họ không hôn nhau?

    Huy phá lên cười:

    - Điều đó càng không thể công khai được!

    Họ đã về nhà, nhìn nhau say đắm. Crys không hỏi gì hơn nữa. Cánh cửa đóng lại. Ánh đèn tắt đi. Và tiếng

    Crys nồng nàn trong bóng tối: "Hãy yêu em, hãy yêu em, anh."

Trang 1 / 2 12 Cuối Cuối

Chủ Đề Tương Tự

  1. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 02-16-2020, 11:10 PM
  2. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 06-23-2019, 11:47 AM
  3. Lào Cai: Lũ cuốn bay 1 cầu sắt, sập hàng chục ngôi nhà
    By duyanh in forum Văn Hóa-Xã Hội-Kinh Tế
    Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 10-23-2018, 12:36 PM
  4. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 01-21-2018, 02:04 PM
  5. Trả Lời: 0
    Bài Viết Cuối: 05-06-2017, 12:20 AM

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •