ĐBQH “nghi” 5 DN nhập khẩu, phân phối thiết bị y tế là sân sau của một vài người?



Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP Đà Nẵng) đặt vấn đề, 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế là doanh nghiệp nào, có phải sân sau của một vài người?, và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ điều này.



Kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỉ đồng

Sáng 26.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, năm 2020, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Nga, việc kiến nghị xử lý hình sự qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng.

Đáng lưu ý, chất lượng hoạt động thanh tra chuyên ngành còn hạn chế, còn có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong công tác thanh tra chuyên ngành, như vụ Thanh tra thuế ở Chi cục Thuế Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông đòi 15 triệu đồng của chủ tiệm tạp hóa.

Việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp và kiểm soát xung đột lợi ích chưa thực sự chuyển biến, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm, lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; một số trường hợp có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật; đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tham nhũng.

Minh chứng cho nhận định này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp dẫn các vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội.

Một số lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, đã liên kết với nhà thầu để nâng giá thiết bị y tế lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh…

Hay vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội.

Doanh nghiệp nào nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế?

Nêu ý kiến thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn TP.Đà Nẵng) cho biết, tại trang 4 của báo cáo thẩm tra viết, lợi dụng dịch bệnh COVID-19, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan có chức năng phòng chống dịch lại có hành vi vi phạm pháp luật trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Kết quả điều tra vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội cho thấy, các đối tượng đã nâng khống trang thiết bị y tế lên nhiều lần giữa cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh, đang được các cơ quan chức năng hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng.

Tuy nhiên, có một việc đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ là việc “có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này, hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy CDC tại các địa phương rơi vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ vì không còn con đường nào khác?”.

“Vậy những doanh nghiệp đó của ai? Có phải sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này, Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát, điều tiết để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân?” – đại biểu Sơn đặt câu hỏi.




Tổng Hợp