Tại sao Đảng Cộng sản Trung Quốc lại sợ trí thức?







Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đại vào ngày 1/10/1949 (ảnh: Wikimedia Commons).

Bài phân tích của tác giả Nhất Thanh được đăng tải trên Vision Times giải thích phần nào lý do của nỗi sợ hãi đến vô lý này.

Thường Thư Hồng, Giám đốc Sở Nghiên cứu Nghệ thuật Đôn Hoàng đã từng thở dài não nề nói rằng: “Tôi là một người may mắn sống sót, là một người may mắn sống sót với những vết tích kỷ niệm trên khắp thân thể“. Thường Thư Hồng là người kiên định bảo vệ bức bích họa Đôn Hoàng. Ông đã bị đánh đập đến mức gãy xương sống trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa. Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đoạt lấy chính quyền, phần tử trí thức Trung Quốc vẫn luôn là những người chứng kiến và chịu đựng nhiều thống khổ.

Nhóm người này đã từng nếm trải những đòn tấn công qua từng đợt vận động chính trị, dưới sự áp chế kìm kẹp bóp nghẹt tư tưởng, họ phải chịu đựng sự thống khổ cả về thể xác lẫn tinh thần. Vì sao ĐCSTQ sợ hãi phần tử trí thức đến vậy? Vì sao ĐCSTQ bức hại tàn khốc phần tử trí thức đến vậy?

“Câu lạc bộ Petöfi” khiến cho Mao Trạch Đông run sợ

Kể từ tháng 3/1956, Hungary đã xuất hiện sự kiện phản đối mang tính toàn quốc đối với việc thi hành theo mô hình Stalin, mũi giáo đã chĩa thẳng vào Bí thư thứ nhất Rákosi, cũng là người đại diện cho Đảng Cộng sản Liên Xô ở Hungary và quân đội Liên Xô tại Hungary.

“Câu lạc bộ Petöfi” do nhà thơ nổi tiếng người Hungary là Sándor Petöfi quy tụ rất nhiều phần tử trí thức hợp thành. Họ liên tục tổ chức hội nghị thảo luận và các buổi tọa đàm, thỉnh mời các nhà kinh tế học, nhà văn, nhà lịch sử học, nhà giáo, khoa học gia cùng các triết gia nổi tiếng trên toàn quốc đến tự do phát biểu, đưa ra những phân tích về hàng loạt vấn đề của chính quyền đương thời từ những góc độ khác nhau, hơn nữa còn đề xuất những sách lược cứu nước cứu dân, và đã nhận được sự ủng hộ cũng như tán thưởng nồng nhiệt từ quảng đại quần chúng.

Mỗi lần diễn ra hội nghị thảo luận thì người người chen chúc nhau, hội trường của câu lạc bộ Petöfi không còn một chỗ trống nào. Sự khát khao dân chủ trong nhiều năm như thiêu đốt trong lòng người dân Hungary, ngọn lửa mãnh liệt đòi hỏi công khai minh bạch này cũng tựa như hỏa diệm sơn “bùng nổ” tức thì.

Hoạt động của Câu lạc bộ Petöfi tựa như khối nam châm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân khắp cả nước. Nó hình thành một nguồn năng lượng xã hội cực lớn và không thể đo lường được. Lúc này, các thành phố lớn nằm ngoài thủ đô Budapest cũng lần lượt tự phát mô phỏng làm theo “câu lạc bộ Petöfi”.

Rákosi trông thấy sự kiện dư luận này tương lai sẽ chuyển hướng thành cơn bão chính trị cho nên chính quyền dưới sự cai trị của ông đã nghiêm cấm hoạt động của câu lạc bộ. Nhưng sự thức tỉnh của dân chúng đã trở thành hình thế không thể nào ngăn cản nổi. Các đoàn thể sinh viên ở Đại học Budapest đã đề xuất với chính phủ các yêu cầu như: rút quân Liên Xô ra khỏi Hungary, trừng phạt Rákosi, công nhận “16 yêu cầu” về quyền lợi bãi công của công nhân. Cuộc diễu hành thị uy với quy mô vài triệu người dân tham gia đã nổ ra ở thủ đô Budapest. Vài ngày sau đó, Khrushchyov đành phải thỏa hiệp và ra lệnh cho quân đội Liên Xô rút khỏi Budapest.

Tại thời khắc quan trọng khi cuộc đấu tranh của quần chúng tựa như giành được thắng lợi, Mao Trạch Đông đang ở nơi Trung quốc xa xôi tỏ ra vô cùng tức giận. Ông ta không ngừng gây áp lực cho Liên Xô và Khrushchyov, phái Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu phái đoàn đại diện sang Moscow để vận động kiên quyết yêu cầu sử dụng vũ lực để trấn áp người dân Hungary. Tập đoàn Khrushchyov cuối cùng đã tiếp thu ý kiến của Mao để sử dụng vũ lực đàn áp tàn khốc, dẫn đến “sự kiện năm 1956 ở Hungary” chấn động thế giới.

“Có một cây bút lông ở đằng kia dài đến mấy trượng, tượng trưng cho ‘người có văn hóa’, dùng nó để quét chắc là lợi hại lắm!”
Thông qua Câu lạc bộ Petöfi ở Hungary, Mao Trạch Đông đã chứng thực lòng nghi ngờ của chính ông ta đối với phần tử trí thức. Ông ta nhìn thấy phần tử trí thức là lực lượng ngưng tụ và khai sáng tinh thần lớn mạnh cho quần chúng nhân dân. Tất cả những điều này chính là nguyên nhân để ông ta không ngừng áp bức phần tử trí thức hết lần này đến lần khác trong một thời gian dài, và đây cũng là cục diện khiến Mao sợ hãi nhất.

Câu lạc bộ Petöfi xuất hiện ở Hungary ảnh hưởng ngày càng sâu rộng đã đẩy nhanh quyết tâm tiến hành đàn áp mang tính hủy diệt đối với phần tử trí thức của Mao. Về sau, ông ta đã từng nhiều lần đề xuất: “Đông Âu xuất hiện làn sóng sự kiện Hungary, chính là bởi vì nó không nắm bắt tốt đấu tranh giai cấp, không đánh đổ nhiều thứ phản cách mạng như thế.” Mao Trạch Đông đã từng nói rằng không sợ công nhân bãi công, không sợ nông dân biểu tình, bởi vì những cán bộ lão luyện của ĐCSTQ có thể áp chế vững vàng đối với bọn họ. Nhóm người khiến cho ông ta sợ hãi nhất và thống hận nhất chính là phần tử trí thức. Nhóm người này có thể truyền bá tư tưởng tự do.

Bất chấp ĐCSTQ phong tỏa thông tin, nhưng không ai có thể chối bỏ là “sự kiện Hungary” đã mang đến ảnh hưởng cho Trung Quốc. Tháng 1/1957, trong lúc Mao Trạch Đông đang giảng nói, ông ta từng nhắc đến một trường học ở Thạch Gia Trang vì hệ thống giáo dục đình trệ trong thời gian một năm, có một số ít phần tử phản cách mạng kích động học sinh sinh viên diễu hành thị uy, đi chiếm lĩnh đài truyền hình và cần phải làm như “Hungary”.

“Những người ủng hộ làn sóng sự kiện Hungary trong ngoài đảng đều giơ hai tay tán thưởng làm như vậy là tốt! Mở đầu là Poznan, khép lại là Hungary. Cuối cùng bỗng dưng có đường ra, kiến đã ra khỏi tổ, rùa cũng bò ra rồi“, ông ta nói.

Tại một hội nghị diễn ra vào năm 1957, Mao nói: “Trong một số bài giảng của giáo sư đại học cũng có các loại nghị luận quái lạ, nào là không cần đảng cộng sản, đảng cộng sản không thể lãnh đạo họ, chủ nghĩa xã hội không tốt như thế như thế… Bọn họ có một số tư tưởng như thế, quá khứ chẳng giảng ‘bách gia tranh minh’ (các loại trường phái tư tưởng học thuyết khác nhau đua nhau xuất hiện vào thời đại xã hội xảy ra biến cố lớn), hãy để cho họ nói ra, những lời này đã lộ ra rồi. Các anh đã xem qua bộ phim ‘Truyện Vũ Huấn’ chưa? Trong đó có một cây bút lông dài mấy trượng, tượng trưng cho ‘người có văn hóa’, dùng nó để quét chắc là lợi hại lắm. Hiện nay bọn họ muốn lộ ra, đại khái là muốn quét sạch chúng ta, chẳng phải bọn họ nghĩ đến phục hồi địa vị đã mất sao?”

Vũ Huấn là một người ăn xin vào những năm Quang Tự triều Thanh, cuối đời ông hành khất lập ra trường học, ông không dành dụm đồng bạc nào cho bản thân mình, thậm chí là kiên trì cả đời không lấy vợ. Ông được vinh danh là nhà giáo bình dân, nhận được sự biểu dương từ triều đình. “Truyện Vũ Huấn” kể về câu chuyện Vũ Huấn hành khất lập ra trường học, sau khi được dựng thành phim thì rạp nào cũng đầy ắp khán giả đến xem. Tháng 5/1951, Mao Trạch Đông đích thân phát biểu bài văn phê phán “Truyện Vũ Huấn” trên tờ “Nhân dân nhật báo”. Ông ta gọi nó là cỏ độc phản đảng, đồng thời ban lệnh cấm chiếu bộ phim đang được nhiều người hoan nghênh trên rạp. Có thể thấy, Mao Trạch Đông khiếp sợ ngòi bút của phần tử trí thức nhường nào.

Năm 1957, Mao Trạch Đông khởi xướng vận động chỉnh phong, bắt đầu bằng “dụ rắn ra khỏi hang”. Những phần tử trí thức ngây thơ đã rơi vào miệng cọp của ĐCSTQ.

Bởi vì ĐCSTQ sợ hãi nên mới hủy bỏ khoa học nhân văn

Từ sự kiện Hungary cho đến việc Liên Xô giải thể, áng sáng tư tưởng của phần tử trí thức có thể chiếu rọi cho dân tộc này, còn điều mà ĐCSTQ sợ hãi nhất chính là sự thức tỉnh của người dân sau khi liễu giải chân tướng. Vì để lừa bịp dân chúng, sau khi ĐCSTQ đoạt chính quyền, nó đã phá hủy tinh hoa văn hóa lưu lại từ thời kỳ Dân Quốc, bắt chước mô hình của Liên Xô để tiến hành cải tạo có hệ thống các trường đại học ở Trung Quốc, hủy bỏ các môn khoa học nhân văn như xã hội học, lý luận học…

Sau khi hủy bỏ khoa văn, Đại học Thanh Hoa từ một trường đại học tổng hợp biến thành học viện Khoa học và Công nghệ, nền giáo dục coi trọng lý luận khoa học và xem nhẹ nhân văn cũng từ đó mà ra. Năm 1952, số lượng sinh viên của bốn môn khoa học công nghệ, nông lâm, sư phạm, y dược kể từ năm 1949 trở về sau tăng từ 70.400 người thành 138.400 người; số lượng gần như tăng gấp đôi. Trong khi đó, số lượng sinh viên học luật lại giảm từ 37.682 người xuống 3.830 người. Điều hiển nhiên là ĐCSTQ hy vọng sinh viên sẽ trở thành thợ rèn cùng bu-lông ốc vít, chứ không cần phải quan tâm đến lịch sử và xã hội, cũng không cần đến lý luận tư duy gì cả.


Bên cạnh đó, ĐCSTQ bức hại tàn khốc phần tử trí thức truyền thừa văn hóa Trung Hoa, tiến hành cải tạo tư tưởng của họ. Sinh viên học sinh ở Trung Quốc Đại Lục cho đến bây giờ vẫn luôn bị nhồi sọ bởi thứ lịch sử đã được sửa mới chiểu theo “quan điểm lịch sử chủ nghĩa duy vật”. Cấu trúc giáo dục lịch sử kiểu này khác hẳn với phương Tây, những chuyện này đều có liên quan đến một người tên là Tiễn Bá Toản.

Nhà lịch sử học Tiễn Bá Toản đã từng giữ chức phó hiệu trưởng đại học Bắc Kinh. Ông ta chiểu theo phương pháp chủ nghĩa Mác-Lê của Mao Trạch Đông để sửa lại lịch sử Trung Quốc, chủ trương học thuật là để phục vụ chính trị giai cấp vô sản. Sách lịch sử do ông ta biên soạn như cuốn “Cương lĩnh về lịch sử Trung Quốc” vẫn còn là sách giáo khoa thông dụng trong hệ thống lịch sử của bậc đại học, trước mắt thì nó vẫn còn bị lợi dụng để tẩy não sinh viên ở Đại Lục.

Mao Trạch Đông từng đề xuất “chỉ có khởi nghĩa nông dân và chiến tranh nông dân mới là động lực chân chính thúc đẩy lịch sử phát triển”; nhưng Tiễn Bá Toản lại không cho rằng chỉ có khởi nghĩa nông dân mới có thể thúc đẩy phát triển của lịch sử, không thể nâng khởi nghĩa nông dân lên quá cao như vậy. Ngày 17/3/1966, Mao Trạch Đông đã nói trong cuộc họp mở rộng của Ban thường ủy cục Chính trị trung ương được tổ chức ở Hàng Châu: “Ý kiến của tôi là vẫn cần đánh đổ một nhóm người như Tiễn Bá Toản, Hầu Ngoại Lư… Thì mới được, chứ không phải là đánh đổ nhiều rồi. Những người này đều là giai cấp tư sản, quân sư tể tướng của vua”. Do vậy, Tiễn Bá Toản đã bị chụp mũ “phản động quyền uy”, “người có kinh nghiệm phản cộng”, và đã bị lôi ra đấu tố hơn trăm lần, cuối cùng ông ta bị ĐCSTQ bức bách đến nỗi tự sát.

Phan Quang Đán là một nhà trí thức lớn hoạt động hết sức tích cực vào đầu thời Dân Quốc, kiêm Trưởng khoa Xã hội trường đại học Thanh Hoa, ông đã bị bức hại đến chết trong thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa. Học giả khoa Xã hội Phí Hiếu Thông là người đã tận mắt chứng kiến giây phút cuối cùng Phan Quang Đán rời khỏi thế gian. Năm 1957, Phí Hiếu Thông nói trí thức không ăn cơm của đảng mà ăn cơm của những người dân cực khổ lao động, nên ông đã bị bức hại 23 năm, mãi cho đến khi Đại Cách mạng Văn hóa kết thúc thì ông mới xuất hiện trở lại. Ông đã đánh mất quãng thời gian tốt đẹp nhất trong cuộc đời sự nghiệp của mình.

Cuộc vận động Phản hữu và Đại Cách mạng Văn hóa đã hủy mất một thế hệ phần tử trí thức. Nhà giáo vĩ đại thời Dân Quốc là Trần Dần Khác bị bức hại đến chết, ông đã gieo mình xuống hồ tự vẫn. Tào Ngu không thể viết ra bất cứ tác phẩm nào vào những năm cuối đời, Quý Tiễn Lâm phải sống trong chuồng bò…

Mục đích của ĐCSTQ là phải đánh đổ toàn bộ những tư tưởng không phù hợp với nó, cũng như đánh đổ tất cả những ai không tương đồng quan điểm với nó, thì nó mới có thể duy trì chính quyền lâu dài.

Cho đến bây giờ, ĐCSTQ vẫn đang tiếp tục sử dụng sách giáo khoa biên soạn vào thời kỳ Phản hữu và Đại Cách mạng Văn hóa. Từ chỗ hai nhà lịch sử học Tiễn Bá Toản và Phùng Hữu Lan, chúng ta có thể thấy vận mệnh bi thảm của các nhà trí thức xã hội. Họ đã viết ra những cuốn sách giáo khoa dưới chủng tâm thái méo mó và mê muội, những thứ viết trong sách đều là độc tố của ĐCSTQ, nhưng chúng vẫn đang được dùng cho đến tận hôm nay để đầu độc hàng mấy thế hệ người dân. Hiện nay, người Trung Quốc chỉ có nhận thức rõ ràng sự tàn bạo và lừa dối của ĐCSTQ, vứt bỏ thứ văn hóa bị ĐCSTQ nhồi sọ thì mới có thể nhìn rõ chân tướng, quay về với tư duy lý tính bình thường.

Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của DKN.