Cụ bà hơn 80 năm ăn đất, biến đất thành bánh kẹo bán với giá 100 nghìn một cân









Từng miếng ngói được đào dưới đất sâu, phơi khô, đẽo gọt tỉ mỉ trước khi đem đi hun khói để trở thành một món quà ăn vặt độc lạ và được bán với giá 100 nghìn đồng một cân.

Ở huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), cách đây từ lâu, người dân có tục ăn đất. Đây được xem như một tục lệ rất độc đáo của người dân nơi đây. Năm tháng qua đi, tục ăn đất dần mai một. Theo người dân, cho đến bây giờ, ở Lập Thạch chỉ còn duy nhất một bà lão vẫn nắm giữ được những bí quyết chế biến thức quà vặt đặc biệt này. Đó là bà Khổng Thị Biện (83 tuổi, trú tại tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch).


Theo bà Biện, ở địa phương, người ta gọi loại đất có thể ăn được là ngói. Cùng một loại ngói nhưng để ra được thành phẩm ngon, đẹp mắt hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay của người chế biến.

Ngói được đào lên có dạng cục. Nhìn bề ngoài sẽ rất giống với cục đá nhưng lại không cứng như đá. Sau khi đẽo gọt lớp bẩn bám bên ngoài, người ta có thể ăn sống mà không cần qua chế biến. “Ngói có vị bùi giống như ta ăn bánh khảo, củ ấu”, bà Biện cho biết.


Bà Biện bảo muốn tìm được ngói ngon phải đào thật sâu xuống lòng đất. Trước đây, ở Lập Thạch có 3 lò ngói nhưng đều đã bị san lấp hết, chỉ còn lại duy nhất một lò nằm ngay phía sau ngôi nhà của gia đình bà Biện đang sinh sống.

Tuy nhiên, để tạo ra được món ăn vặt thơm ngon, có mùi vị đặc trưng, ngói sau khi được đào lên phải trải qua công đoạn xử lý công phu.


Để có được mẻ ngói ngon, sau khi đào lên, bà Biện phải cẩn thận tách những phần ăn được thành từng miếng.
Sau đó lại phải cạo bỏ và làm thật sạch những lớp đất màu bẩn bám trên ngói.



Ngói sau khi được làm sạch sẽ được đem đi hun. Theo bà Biện, đây là công đoạn quan trọng nhất trong khâu “chế biến” để từng miếng ngói có màu sắc và mùi vị đặc trưng.

Công đoạn hun chỉ để lấy làn khói bay ra, không lấy lửa. Theo bà Biện, khói khi kết hợp với ngói sẽ có một mùi thơm rất đặc trưng. Người chế biến cũng có thể tùy ý chọn nhiên liệu để tạo khói trong quá trình hun nhưng để có mẻ ngói ngon nhất cần có rơm và lá sim.


Trong quá trình hun, người làm cần dùng tay xoa đều để mẻ ngói có màu vàng đẹp và mùi thơm đặc trưng. Nếu muốn ngói có đậm mùi khói thì không để lửa cháy to mà chỉ để cho khói bay lên.


Tuổi đã cao nhưng mỗi khi khách hàng có nhu cầu, bà Biện lại chế biến ngói và bán với giá 100.000 đồng/kg. Theo bà Biện, đây cũng là cách để quảng bá một món ăn truyền thống của quê hương.


Bà Biện bảo, trước đây, kinh tế khó khăn, người ta ăn ngói nhiều, có người ăn để quên đi cái đói dần rồi thành nghiện. Giờ đây, cuộc sống không còn khó khăn để mức phải ăn ngói nữa nhưng nhiều người vẫn xem đây là một thức quà ăn vặt ngon. Nhiều người còn đặt bà chế biến để lấy thành phẩm về nghiên cứu.