Bỏ Cuộc Chơi

Võ Hà Anh



TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

Bỏ cuộc chơi – đó là nỗi buồn dai dẳng khủng khiếp nhất trong cuộc đời. Bạn nghĩ lại mà xem. Đang 1 thời gian tươi đẹp tuổi thuê hoa dệt mộng, 1 hôm nào đó … ta không còn bước đến cổng trường. Xa tất cả. Xa thầy, xa bạn, xa bảng phấn, xa ghế ngồi. Xa những tiếng reo đùa trong nắng, xa trùng trùng kỷ niệm trong suốt những năm dài cắp sách. Ở đó ta đã cười. Ở đó ta đã khóc. Ở đó ta đã để lại từng góc sân, từng mép bàn, từng hộc tủ … dấu vết bao nhiêu năm cắm cúi trên sách vở, miệt mài với tháng ngày quen thuộc, bỏ lại sau lưng những mơ ước gấm hoa.

* Rồi 1 ngày ta ra đi. Rũ áo, quay lưng. Bỏ lại tất cả. Để buồn cho phấn viết, để sầu cho bảng đen. Mặt bàn thôi những bàn tay ve vuốt và không gian im vắng tiếng cười. Lòng ta nói: Trường yêu ơi, thầy bạn ơi, xin giã từ tất cả …

* Một ngã đường cho mỗi cuộc đời. Chẳng ai giống ai. Người lên đại học, kẻ lăn lóc vào đời, người nhẹ gót sang sông, kẻ âm thầm với việc nhà sau cánh cửa … Tất cả, cuối cùng, rồi cũng BỎ CUỘC CHƠI. Bỏ trong nỗi hân hoan chợt đến, hay trong lặng lẽ đau buồn … Năm, mười năm sau hay … cả đời không còn gặp lại. Người đã đi rồi, để sầu quấn quít theo chân và vương vấn buồn quanh nơi người đã đến, đã ở và đã bỏ đi.

* Trong yên vui, trong hoan lạc, trong sung sướng hay trong náo động, trong tơi bời của đời sống, rồi sẽ phải có 1 ngày, 1 đoạn đời ngồi hồi tưởng lại. Và từ đó, nỗi buồn day dứt dai dẳng khủng khiếp sẽ đến với ta, ám ảnh mãi trong những giây phút hồi tưởng. Và nuối tiếc khôn nguôi khi ngồi đếm thời gian qua, tàn tạ …

* BỎ CUỘC CHƠI - truyện dài này – như 1 nhật ký. Của bạn, của tôi. Bạn hãy đọc xem, chắc chắn sẽ có ít nhất là 1 phần đời bạn. Như tấm gương soi, sẽ có mình trong đó.

Chuyện rất thật, được đem vào truyện, của những người con gái Trưng Vương. Từ trước tới nay, tôi chưa thấy 1 tác phẩm nào viết về Trưng Vương mà rất thật. Mong lần này bạn sẽ thấy đời sống ở Trưng Vương. Đây là những gì Trưng Vương. Ngôn ngữ Trưng Vương. Học hành Trưng Vương. Đời sống Trưng Vương và … tương lai Trưng Vương.

* Tác phẩm này viết ra với trang trọng và nghiêm chỉnh. Mong như 1 chứng nhân cho 1 chuyện đời. Tất cả nhân danh, địa danh, chất liệu được nêu lên trong đó chỉ nhằm dựng nên tác phẩm. Viết để tưởng nhớ, viết để trao tặng cho những người, những gì liên hệ đến Trưng Vương. Xin được chấp nhận và tha thứ. Xin được nhìn bằng dễ dãi bao dung.

* Và xin cho tác phẩm được ấp ủ trong đôi tay của mọi người. Vì Trưng Vương chúng tôi, nếu không bỏ cuộc chơi bởi những lý do nào khác hơn là theo chồng, thì cũng chẳng bao giờ còn ngày trở lại trường xưa.

Vì đời hoa bướm đã qua rồi …

NHỮNG NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN:

- Nhắng, Mai Nhắng: Hoa Mai

- Nhót, Mai Nhót: Thanh Mai

- Nhí, Mai Nhí: Như Mai

- Mã Thày: Khanh

- Ù: Hồng

- Cúc Gà Mỹ: Kim Cúc

- Lon, Lu Lu: Loan

- Cận Dâm: Ngọc

- Toét: Tuyết

Chương 1

Đầu tháng 10 - Những ngày tháng chơi dài để tự thưởng cho mình vừa đậu Tú Tài I qua mau ghệ Tôi đã lại bắt đầu nhập học. Dù tiếc những cuộc chơi, tôi vẫn thấp thỏm và mong mau đến ngày khai trường để nhìn lại ngôi trường, gặp lại thầy bạn cũ. Tưởng tượng, khi gặp lại lũ bạn tôi sẽ ôm chầm lấy tụi nó mà hét thật to vào tai chúng:

- Sư tụi mi, ta nhớ tụi mi quá chừng chừng.

Và vì vậy, tôi đã thức gần hết đêm qua, chỉ thiếp đi vào gần sáng. Mặc dù dặn đi dặn lại các chị gọi tôi dậy sớm sớm để đi dành chỗ, thế mà mãi 7 giờ 15 tôi mới đến trường bằng chiếc Solex cũ kỹ, đã được lau chùi sạch sẽ từ chiều qua.

Vừa vào tới đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tôi đã thấy rộn cả người. Những tà áo mới tinh trải dài khắp con đường nho nhỏ rợp lá cây làm tươi sáng hẳn lên. Con đường tràn ngập lá khô, reo vui chào đón bước chân trở lại của những tà áo trắng.

Hôm nay tôi còn để dành áo mới, sợ đến trường tụi bạn thấy chọc quê là con nít. Thực ra tôi cũng khoái mặc chiếc áo mới tinh trong số những người chưng diện, nhìn họ tôi thấy thèm thèm. Vào đến sân, nhà xe đã đầy ngập xe đủ loại. Các chị buổi sáng như tụi tôi phần đông đi xe máy hết nên những xe đạp bị bạc đãi, đẩy dấm dúi vào tuốt trong gốc cây Giáng Tiên.

Ngày đầu, bác Ba giừ xe cũng dễ dãi không la ó om sòm như những ngày trong năm, tôi biết vậy, nên vứt đại xe ở phía ngoài rồi chạy vụt lên. Thôi chết, tụi nó đã dành hết chỗ. Tôi nhìn quanh ra điều như tìm bạn, nhưng kỳ thực cố tình nhìn xem “thiên hạ” có ai biết năm nay mình là “chị cả” ở trường không.

Mấy cô nhỏ đệ tứ mới được lên học buổi sáng ngơ ngơ ngác ngác, nhìn biết ngaỵ Tôi cảm thấy mình oai tệ. Đứa bạn tôi nhìn thấy trước nhất là nhỏ Loan. Nó chửi tôi mấy câu làm đầu câu chuyện rồi liến thoắng khoe:

- Tao dành chỗ rồi, con khỉ. Bây giờ mới vác mặt đến thì ông cho ngồi đất.

Tôi cười hề hề:

- Bàn mấy. Có dành cho tao không. Có được ngồi cùng nhóm không.

- Ngồi bàn bạ Tao, mày, con Cúc ngồi 1 bàn.

Tôi thấy bàn ba cũng không tốt lắm:

- Bàn ba à ?

- Còn muốn bàn mấy. Tụi nó nhanh như cắt í, tao phải nhờ con Cúc cầm cặp đi sau, tao chạy người không trước cho nhanh.

Tôi nghĩ buồn cười kinh khủng. Học Đệ Nhất mà vẫn còn dành chỗ như trẻ con.

Sau lễ chào cờ và nghe mấy lời “vấn an” của bà Tổng Giám Thị trong ngày đầu năm, chúng tôi lại ào ào nói chuyện. Khiếp, sao lúc này chúng tôi nhiều chuyện quá không biết. Tranh nhau nói, vừa nói vừa thở mà vẫn còn cười được.

- Lớp 12 AP2 làm gì mà hỗn độn thế ?

Cô Vân làm giáo sư chính ! Tụi tôi nhảy cỡn lên vỗ tay rầm rập, mặc dù chưa học cô Vân 1 lần nào nhưng nghe tiếng cô thật dễ thương. Cả lớp mừng rỡ như trẻ được quà.

Năm nay chúng tôi học lầu 2. Có lẽ bà Tổng cố ý xếp đặt như thế, để những người sắp từ giã mái trường này có thể nhìn thấy tất cả những gì đẹp nhất, thơ nhất, mộng nhất và buồn nhất. Ngọn đồi xa xa bên Thảo Cầm Viên, cạnh đó có cây phượng mà tôi nghĩ hẳn mình sẽ buồn nhiều khi nhìn thấy trên đồi xanh cỏ lốm đốm những cánh hoa đỏ, mấy năm trước tôi đã từng chui rào vào trong ấy nhặt đong đầy vạt áo những cánh phượng tang thương …

Gần hơn cảnh đồi là hàng cây thẳng tắp dọc theo con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện giờ xanh rờn chưa có gì gợi cảm. Kế cận lớp học là mái ngói của nhà chơi trước cửa trường với hàng chữ Trường Trưng Vương đỏ, vừa được sơn phết lại. Tôi ngẩn người ngắm nhìn cảnh vật.

- Cái con nhỏ này. Mới đầu năm học đã mơ mộng rồi. Chị nhắc lại, năm nay là năm thi, gay go lắm đí nhé

Con nhỏ Cúc làm tôi cụt hứng. Tức nó ghệ Tôi cãi:

- Đầu năm mới có thì giờ mơ mộng chứ cuối năm còn được đứng mà ngắm không. Chả lẽ lúc nào cũng chứa chữ đầy đầu, phí tuổi mơ làm sao.

Hai đứa cãi nhau rồi tự nhiên cười 1 cách …. buồn cười.

- Bàn mình đâu ?

Cúc kéo tôi vào chỉ chỗ. Tôi ngẩn người, không biết nói sao cho đỡ tức. Cả lớp có 3 hàng ghế mà chúng nó cướp được bàn 3 còn khen là chỗ tốt.

- Ui dào. Thà tụi mi bảo cướp được bàn bét cho tao nhờ, còn bày đặt bàn 3.

Mặt con Loan bí xị đến tội nghiệp. Nó bảo:

- Tao đâu có biết lớp mình ít vậy. Thế ra lớp mình cũng rớt nhiều.

Tôi chợt buồn, nghĩ đến 1 số bạn vừa rẽ ngả. Một số đi làm, 1 số đúp lại, chả còn lại bao nhiêu. Năm nay rồi cũng rẽ ngả hết, dù là đậu hay rớt.

Giáo sư vào với nụ cười thật cởi mở nhưng mặt cũng nghiêm ngay lúc đó để khủng bố tinh thần, hầu lấy uy tín trong ngày đầu năm học. Sau khi điểm danh và làm mấy thủ tục nhập học như thường lệ, tụi tôi khoanh tay nghe giáo sư nhắn nhủ, khuyên bảo và chúc thành công. Mục cuối là bầu Trưởng Khối. Vụ này cũng khá hào hứng với cách bầu cử trực tiếp giơ taỵ Nhóm tụi tôi toàn những “miệng to lưỡi lớn” nên nhân tài đã tập trung vào năm đứa cuối. Tôi không ứng cử chức gì vì không muốn bị gò bó trong 1 trách nhiệm nào.

Làm mấy cái lẩm cẩm thế mà đã 11 giờ 30. Ngày đầu nên tụi tôi về sớm 1 giờ thay vì 12 giờ 30 như theo thời khóa biểu. Năm thi nên phải học trội hơn các lớp nhỏ, thật mệt, nhưng chắc rồi cũng quen.

Học được 1 tuần là trường tôi đã lục đục bầu Ban Đại Diện. Bích chương cổ động cho cá nhân này, cho liên danh kia ghi đầy thành tích để biểu dương lực lượng được các ứng cử viên dán trên tường xanh xanh đỏ đỏ làm rộn cả trường. Thế là chúng tôi có mục để giết 15 phút ra chơi rồi đó, đỡ tốn tiền vào Câu Lạc Bộ ăn quà. Mà có muốn vào ăn cũng không được, phải đợi đến chuông vào học mới mua vội 1 gói ô mai hay 1 gói đậu phộng dấu vào tà áo đem lên lớp ăn vụng. Giờ chơi Câu Lạc Bộ thật đông vì bán toàn món hấp dẫn như cóc, xoài, củ đậu, ô mai, khô bò, bánh kem, bánh bò … Tiếng hò bún riêu, bún thang, bún bò vang ơi ới. Toàn những món kích thích sự tiết tâm linh.

Cuộc cổ động bầu cử chỉ trong vòng 5 ngày, sáng 15 tháng 10 các ứng cử viên phải sửa giọng thật cứng, cử chỉ …oai phong, học bài soạn trước thật thuộc để nói trước quốc dân nhà trường cho lưu loát.

Và ngày bầu cử tới. Tôi lấy cớ ra văn phòng lấy phấn rồi đi luôn, xuống tầng dưới xem bầu cử, đồng thời cổ động cho các ứng cử viên …thân hữu. Trông chị nào mặt cũng nghiêm trọng, trong bụng có lẽ đang lọ Rớt đài thì quê lắm, nhưng mặt cố làm bộ phớt tỉnh để tỏ cho mọi người biết ta đủ tài để nắm trong tay chức vị ta ứng cử. Hai bà giáo sư chủ tọa 1 phòng họp là giáo sư Trưởng Khối và giáo sư Phó Trưởng Khối. Đây là cuộc bầu phiếu kín, nhưng các ứng cử viên phải chật vật khá nhiều để đối đáp những câu hỏi vặn vẹo của các bạn sau khi nghe bản tường trình thành tích và chương trình hứa hẹn. Gay go lắm, nhưng rồi cũng xong. 1 số ứng cử viên rớt đài khóc rấm rứt. Bọn bạn tôi đà rớt đài còn nham nhở:

- Hì hì. Tao được có 15 phiếu

Chỉ có 1 đứa làm Trưởng Khối Xã Hội. Đó là điều làm nó đau khổ không ít vì như lời đã hứa nếu đắc cử nó phải bao cả bọn 6 đứa 1 chầu thịt bò khộ Hấp dẫn. Lại còn bò bía nữa chứ. Tụi tôi chỉ toàn “ăn đôi”, lấy cớ:

- Mày rủa tao ế hay sao mà bắt tao ăn đơn lẻ thế ?

Cả bọn ăn thật tự nhiên, trước bộ mặt nửa cười nửa mếu của Tân Trưởng Khối Xã Hội. Học tài, ăn giỏi. Đó là những nét đặc sắc của nhi nữ Trưng Vương.

Càng gần ngày làm lễ ra mắt Ban Đại Diện trường tôi càng rộn ràng. Suốt 10 hôm, ngày nào tôi với nhỏ Loan cũng phải đi tập hợp ca 2 bản Trưng Nữ Vương và Trưng Vương hành khúc để hát hôm làm lễ ra mắt. Hai bài quen thuộc đối với bọn “Trưng Vương già” nên chúng tôi tập tành chẳng mấy khó khăn. Trong khi đó trường tổ chức 1 cuộc tuyển lựa các em lớp đệ tứ mặt mũi sáng sủa để làm hàng rào danh dự. Chúng nó phải tập dượt cách đi đứng, cách chào khi các quan khách danh dự đến.

Rồi tới các bác tùy phái sửa soạn treo cờ quạt, kê bàn ghế. Ban Tân Đại Diện lo viết carte mời Ban Đại Diện cũ, lo sắp xếp chỗ đứng cho đẹp mắt, tập giơ tay thề sao cho đều. Ban Văn Nghệ cho tuyển chọn các màn trình diễn đặc sắc để giúp vui sau phần nghi lễ. Ban Khánh Tiết phụ trách trang hoàng, thực phẩm cho buổi tiệc trà khi buổi lễ chấm dứt. Ban Giám Đốc lo phần thưởng cho các học sinh đậu ưu, bình và gửi thiệp mời các quan khách danh dự của trường.

Tôi cũng có 1 tấm thiệp mời để mời cậu mẹ tôi đi xem tôi lãnh thưởng. Ngày lễ đến. Tôi bị con nhỏ Trưởng Khối Giao Tế xếp vào danh sách tiếp tân, đứng trước cửa trường cùng 1 số bạn, áo cài hoa tím. Nụ cười phải sẵn sàng nở trên môi để đón quan khách và đại diện các trường bạn. Mấy đứa kia khôn lỏi, cứ đẩy tôi phải tiếp tân đầu tiên cho tụi nó bắt chước vì là dân chị cả. Trường bạn đến sớm nhất và do tôi tiếp là mấy “người” hàng xóm Võ Trường Toản. Ưu ái Trưng Vương kỹ nên mấy người anh em đi đông quá khiến tôi run muốn chết, vừa bước tới vừa cúi mặt xuống che dấu sự ngượng ngùng. Bọn bạn đứng trong hàng rào nữ sinh hét lên trêu chọc, lựa ngay cho tôi 1 “ông” nổi nhất trong bọn.

Đứng 1 lúc thấy bọn đàn em đã có vẻ quen quen công việc, tôi bèn lủi vào trong. Con nhỏ Trưởng Khối chẳng biết từ đâu xuất hiện, giữ vạt áo tôi kéo lại, la oai oái:

- Này người đẹp, tội nghiệp em quá. Ra tiếp tân dùm em đi

- Tao lạy mi, mỏi chân quá. Thôi, cho tao lo tiếp tân ở trong đi. Ngoài này có tụi nó rồi. Tao còn phải tìm xem tao đứng đâu lãnh thưởng nữa chứ.

Chẳng chờ nó đồng ý hay không tôi chạy vụt vào phòng tiếp tân. Tìm 1 chỗ để an cư cái chân, ngồi chưa được 5 phút đã nghe bản nhạc Trưng Nữ Vương với giọng hùng hồn của con cháu Hai Bà vang vang. Tôi chợt nhớ ra mình cũng có tên trong Ban Hợp Ca, mỉm cười. Thôi kệ, trễ rồi. Tôi lững thững đến chỗ ngồi trong hàng ghế khách. Vì là học sinh lành thưởng nên tôi có chỗ ngồi trên này.

Mọi nghi lễ lần lượt tiếp nối nhau. Rồi tới phần trình diễn văn nghệ. Tiếp theo là lễ phát thưởng. Tôi lắng nghe. Khi nghe đến tên tôi, tôi nhìn quanh. Cậu mẹ tôi ngồi ngay hàng ghế đầu có vẻ ngóng đợi. Tự dưng tôi tràn đầy xúc động, bước chân run run trong tiếng vỗ tay hoan hô của những người dự lễ. Tôi thấy mẹ tôi cười thật tươi, trong 1 thoáng tôi tự nguyện với lòng sẽ phải thành công vẻ vang trong kỳ thi tới. Tiếng vỗ tay lúc tôi lên lãnh bằng khen cho đến khi trở về chỗ ngồi vẫn còn vang vang ồn ào không dứt. Tôi nhìn về hướng đó. Bọn bạn cùng lớp, cùng với bọn bạn trong 2 ban Giao Tế và Văn Nghệ đang vỗ tay chọc quê tôi. Tôi mỉm cười, dơ quả đấm ra dọa nạt. Chẳng ăn thua gì.

Buổi lễ qua đi, trong trang trọng, ồn ào, đầy xúc cảm. Rồi hết. Như 1 giấc mơ trong muôn vàn giấc mơ ….

Các chị tôi đã ra trường, năm nay chỉ còn mình tôi học ở Trưng Vương, sự kiện này làm bệnh đi trễ của tôi gia tăng gấp bội. Sáng nào cũng vào trễ hơn tiếng chuông cuối cùng 5 phút. Đó là những ngày giờ đầu của mấy Bà khó khó đấy. Còn nhằm giờ các Thầy dễ dãi hơn thì tôi rất yên lòng ngủ nán thêm 5 phút nữa. Hôm nào vào lớp cũng phải hì hì cười với cô Hảo – Thư ký riêng của Bà Tổng - để xin giấy vào lớp. Cô Hảo cưng tôi lắm, nhiều lần tôi đi trễ thật trễ cô Hảo vẫn viết giấy cho tôi, lại không ghi sổ. 1 tháng đi trễ 3 lần là bị cấm túc 1 chiều thứ 7 nhưng tôi thì cả 29 này vẫn chưa lần nào bị phạt. Thỉnh thoảng cô Hảo chỉ nhăn nhăn:

- Lại cô Hoa Mai, ngủ kỹ quá

Tụi bạn bảo tôi:

- Tao nghi cô Hảo nhắm mi cho em cô quá

Tôi chỉ cười cười cho tụi nó tưởng bở. Tôi biết em cô Hảo mới có 12 tuổi thôi, buồn 5 phút.

Chuyện lạ. Hôm nay tôi đi sớm hơn 1 chút, vào đến cổng trường mới bắt đầu chuông thứ nhất. Tôi hơi tiếc tiếc, vì hôm nay giờ thầy Dư dạy lý hóa – “có quyền” đi trễ đến 5 phút.

Hoàng tử Trọc - người giữ trường – khó tính đang la lối um sùm, dẹp lại những chiếc xe dựng bừa giữa lối đi.

- Bác Ba ơi. Con để đây được không ?

- Ờ, ờ … Cô để dẹp vào 1 chút. Ôi, các cô để thế này tí nữa bà Tổng ra bà la chết.

Tôi soi lại đầu tóc bay tung vì gió sớm rồi chạy bay lên đằng trước. Ơ haỵ Lớp tôi đứng chỗ quỷ nào thế không biết. Trời đất, khúc đầu lớp tôi, khúc giữa lớp 12AP1, khúc cuối lớp nào nữa, thật hỗn độn … trong trật tự. Ngay ngắn, thẳng tắp. Bà Tổng vừa ở trên lầu xuống. Trời lạnh, bà mặc áo màu tím Huế, khoác áo len trắng mỏng.

Tụi tôi xì xào:

- Đẹp thật, ta công nhận bà Tổng mình đẹp.

- Còn phải nói. Xưa bà Tổng là hoa khôi Áo Tím mà

Đợi bà đi ngang, cả bọn đồng thanh xít xoa như ăn ớt bị caỵ Bà Tổng quay lườm chúng tôi rồi đi thẳng, dấu nụ cười mỉm trên môi.

Sau lễ chào cờ, bà Tổng có 1 màn nhắn nhủ đôi lời trên Micro:

- Cấm nữ sinh không được ăn quà ở ngoài trường.

Ơ, không xong rồi. Nhờ tụi tôi ăn quà nước Việt Nam mới tránh được phần nào nạn thất nghiệp chứ. Giả thử, ai cũng không ăn quà thì làm sao mấy bà bán hàng sống được. Chúng tôi ăn vì ….lòng nhận đạo đấy chứ.

Cả bọn thì thào phản kháng kiểu đó lúc lên lớp học. Vừa lên khỏi cầu thang là gặp ngay bà Minh giám thị các lớp 12. Chúng tôi đặt cho bà 1 cái tên rất là Mỹ “Mrs Old Huê Kỳ”. Sáng nay bà Minh đứng ở đầu cầu thang là có chuyện trừ điểm rồi.

- Ô haỵ Sao cô này lại đi guốc ?

- Dạ, dạ. Dép em mới đứt cộ May ghê, em vừa nhặt được đôi guốc cũ này ở cạnh đống rác trước cửa trường đấy cô.

- Hừ, hừ. Ngày nào cô cũng có chuyện để nói. Ngày mai dép có đứt thì cô đi đất nhé.

- Dạ vâng. Mai chủ nhật em đi dép ạ.

Bà Minh cốc lên đầu nhỏ này, quay sang bọn tôi:

- Cô Hoa Mai, áo sao không có hiệu đoàn ? Cả cô Ngọc nữa, mặc áo mỏng thế này mà không có áo lót ?

- Thưa cô, áo em mới may chưa kịp đính!

- Thưa cô, áo em bí hơi quá cô

- Thôi, thôi, không nói nhiều nữa. Mỗi cô bị trừ 5 điểm hạnh kiểm.

- Thôi mà cộ Tụi em còn 1 năm nay ở Trưng Vương cô không chiều tụi em gì cả, mai mốt cô muốn chiều cũng không được, cô nỡ lòng nào lại bạc đãi tụi em.

Tôi và Ngọc tranh nhau nói, cô Minh chỉ biết lắc đầu cười vì điệp khúc quen thuộc cô đã nghe phát ngấy:

- Đứng nói mãi, thầy vào kìa

Chúng tôi giật mình, ôm cặp chạy vào:

- Thầy ạ.

Thầy Dư cười cười. Hôm nay 2 con ba gai lại chào Thầy rất ư là ngoan ngoãn thì lạ thật. Ngọc ngồi bàn đầu, tôi bàn cuối. Mỗi đứa cầm đầu 1 nhóm, hợp tác nhau để chọc phá, nghịch ngợm. Ở trên có Minh Ngọc, Kim Tuyết, Thúy Hồng, Minh Loan, Đoan Phương và 1 vài đứa cộng sự viên. Tụi tôi ở chót có 2 bàn gồm 6 đứa: Cúc – Loan – Hoa Mai – Hoàn – Như Mai – Thanh Mai.

Tất cả giáo sư đều biết “tiếng” chúng tôi, nhưng không những không bị ghét mà còn được thầy cô cưng là khác. Vì học không thua ai (hay không ai bằng) mà nghịch cũng không ai bì kịp. Nghịch phá suốt tháng, chuyên môn ra khỏi lớp vào những lúc cuối năm mà kỳ thi Tú Tài I vừa rồi lớp tôi có 4 đứa đậu bình, hai đứa thứ còn tất cả đều bình thứ. Như thế, còn ai la mắng được.

- Mai ! Làm bài chưa, hôm nay nộp. Loan hỏi

- Chết tao quên. Mới ra 1 đáp số, còn 1 đáp số mò mãi không ra. Bỏ xừ, khéo lãnh trứng quá

- Tí nữa dụ thầy gia hạn đến tuần sau đi, tao cũng chưa xong.

Tôi vừa ngồi xuống, chưa kịp thò tay vào ngăn bàn tìm thư em buổi chiều như thường lệ thì giật thót mình. Tim đập mạnh dần – Cúc, Loan, tôi nhìn nhau. Thầy giở sổ. Mỗi lần thầy giở sổ tảo thanh là đại hạn rồi, vì 10 đứa thì ít nhất 7 đứa ăn trứng vịt lộn hay may lắm thì ăn 1 trứng 1 đũa cụt (01), thầy từ từ dò ở trên. Nhỏ Cúc nắm chặt tay tôi:

- Thôi rồi, thôi rồi. Đời em 2 cái năm mươi rồi

Cây bút của thầy từ từ trượt xuống khúc giữa. 1 vài đứa thở phào. Đến lượt tôi và Loan run rẩy

- Cầu trời thầy đừng chiếu cố số 29.

Tôi cúi đầu dò sơ lại bài, đợi giờ lên đoạn đầu đài

- Số 28, cô Minh Loan.

Tôi với Loan giật mình buột miệng hét lên

- Cô nào đấy ? Cô Hoa Mai hả, lên đọc bài !

Lũ bạn tôi cười ồ chọc quệ Tức quá. Tôi lật đật cầm tập lên. Nhỏ Minh Loan nheo mắt nhìn tôi, cười nham nhơ?

- Ơ hay, Lý Hóa sao cô lại đưa quyển này lên ?

Tôi nhìn lại. Luống cuống thế nào lại mang tập Triết Học của giờ sau lên

- Dạ con quên.

- Thôi được rồi. Sao cô lại hét lên thế. Đúng là cô thuộc bài nên không được gọi cô hét lên phản đối hả ? Cô có học bài không ?

- Dạ có ạ. Tại thầy không gọi con nên con buột miệng tiếc rẻ đấy ạ.

Thầy Dư cười cười, tìm câu hỏi quay tôi, nghe trả lời lừng quá không quay sao được.

- Cô đọc hệ thức căn bản của động lực học.

May quá, thầy hỏi ngay câu tủ, con bé đọc thôi như cháo chảy

- Cô viết cho tôi phương trình chuyển động nhanh dần đều.

Thôi rồi, cái này hay lộn lắm. Tôi quay xuống nhỏ Loan cầu cứu. Con nhỏ biết ý, lấy giấy viết bằng mực tàu đen phương trình thầy hỏi. Tôi đá lông nheo 1 phát, thế là viết lại lên bảng rất gọn. Vậy là thoát, lần sau khỏi lo vì đã có điểm rồi. Mỗi đứa chỉ có 1 cột điểm đọc bài trong 1 tháng.

- Mi đỡ quá. Thầy cho mi 16 đấy

- Sao mi biết ?

- Tao nhổm lên nhìn tay thầy viết.

Tôi quay lên, vừa đúng lúc thầy đóng sổ lại

- Thầy, nữa đi thầy

Cả lớp ồn lên đòi. Tụi nó kiếm chuyện thế nhưng nếu thầy mà giở sổ ra lại thì khối đứa xỉu.

- Bài mới: Sự rơi tự do

- Trời đất, thầy viết cao thế tí nữa làm sao thầy Đàn xóa được. Một đứa nói.

Cả lớp cười ồn ào. Lớp chúng tôi học 4 thầy, 2 ông cao, 2 ông thấp. Bà giám học xếp giờ ra làm sao mà ông thấp chuyên dạy sau ông cao nên mỗi lần xóa bảng thầy Đàn cứ phải dướn người lên, đến tội.

Thầy Dư đang viết dàn bài để giảng thì:

- Thưa thầy có khách a.

Thầy giật mình quay lại, thì ra bác lao công đem thông cáo. Thầy lườm 1 cái dài rồi cầm quyển sổ trên tay bác Ngọc.

- Mai nghỉ thầy

- Mốt giáo sư họp rồi.